Header Ads

Triệu Quang Phục - Người Thầy Của Chiến Tranh Du Kích Việt Nam

Triệu Quang Phục hiệu là Triệu Việt Vương, quê ở huyện Chu Diên ( nay thuộc huyện Khoái Châu), là một trang uy tráng, dũng kiệt, theo phò vua Lý Nam Đế. Là con Thái phó Triệu Túc, một thủ lĩnh địa phương có lòng yêu nước không chịu khuất phục nhà Lương. Triệu Quang Phục nổi tiếng giỏi võ nghệ. Sử chép ông là người "uy hùng sức mạnh".

Cha con ông là người đầu tiên đem quân tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí. Triệu Túc là một danh tướng của nước Vạn Xuân, được phong làm Thái Phó trông coi việc binh, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương ở vùng ven biển. Triệu Quang Phục lúc đầu theo cha đi đánh giặc, có công lớn. Là một tướng trẻ có tài nên được Lý Nam Đế tin dùng làm Tả Tướng quân.


( Triệu Quang Phục ? - 571 )

Đầu năm 545, quân Lương xâm lược nước Vạn Xuân, thế giặc mạnh, Lý Nam Đế không chống nổi, cuộc kháng chiến của nhà Tiền Lý thất bại. Năm 546, Lý Nam Đế phải lẩn tránh ở động Khuất Lão thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay và giao binh quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục đánh quân nhà Lương. Hai bên giao tranh nhiều trận, chiến đấu rất ác liệt nhưng không phân thắng bại.

Xét thấy không thể tiếp tục công khai nghênh chiến với kẻ thù như trước nữa lại vốn thông thuộc vùng sông nước Chu Diên, Triệu Quang Phục quyết định chuyển hướng chiến lược, thay đổi phương thức tác chiến cũ là phòng ngự, cố thủ hay tập trung lực lượng quyết chiến với địch. Năm 547 ông đưa hơn một vạn quân từ miền núi về đồng bằng, chủ động lui bình về lập căn cứ kháng chiến ở khu vực đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, Khoái Châu, Hưng Yên).

Vùng đồng bằng này tuy không có thế đất hiểm như miền núi, nhưng có nhiều sông lạch chia cắt nhiều đầm hồ lầy lội, không lợi cho việc hành binh của những đạo quân lớn. Địa thế như vậy buộc địch phải phân tán, chia quân đánh nhỏ làm mất sở trường của chúng, đồng thời tạo điều kiện cho ta tiêu diệt từng bộ phận nhỏ, tiêu hao sinh lực địch. Đồng bằng còn là nơi đông dân cư, nơi có nhiều sức người sức của cung cấp cho cuộc chiến đấu lâu dài cho quân ta.

Dạ Trạch ngày ấy là một vùng đầm lầy ven sông Hồng, rộng mênh mông, lau sậy um tùm, ở giữa là một bãi phù sa rộng, có thể làm ăn sinh sống được. Đường vào bãi rất kín đáo, khó khăn người ngựa không đi được, chỉ dùng thuyền độc mộc nhẹ lướt trên cỏ nước theo mấy con lạch nhỏ thì mới tới được. Ngay sau khi đóng quân ở bãi đất này, ngày ngày quân sĩ thay phiên nhau luyện tập, phát ruộng trồng lúa, trồng khoai để tự túc lương thực. Ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đêm đến dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh quân giặc.

Chủ trương của Triệu Quang Phục về việc chuyển cố thủ trong thành trì về đồng bằng hoặc trung du sang bám trụ ở vùng đầm lầy là nét mới nhất trong tư duy quân sự của đấu tranh vũ trang chống ách đô hộ nhà Lương. Nhanh chóng chuyển từ thụ động chờ đón đánh địch sang chủ động tổ chức tấn công bằng nhiều trận có quy mô nhỏ nhưng rất lợi hại, là sự đổi thay quan trọng nhất trong nghệ thuật chỉ huy trận mạc đương thời.

Triệu Quang Phục có lẽ là người đầu tiên sử dụng chiến thuật du kích, với kế sách “Trường kỳ kháng chiến, lấy ít dịch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, đánh tiêu hao là chính”, đã làm cho tình thế thay đổi ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Càng đánh quân ta càng mạnh, quân Lương suy yếu dần, Trần Bá Tiên đã hoàn toàn bất lực trước chiến thuật này. Có lần y đã cố hết sức theo hút quân ta để tiến sâu vào vùng cấm địa nhưng không kẻ ngoại lai nào có thể biết được đường ngang lối tắt của đầm Dạ Trạch. Bọn thám tử của quân Lương chỉ tổ làm mồi cho lũ rắn độc khi chúng rơi ngã xuống đầm. Nên thời bấy giờ, người trong nước suy tôn ông là Dạ Trạch Vương.

Năm 548 vua Lý Nam Đế qua đời, tướng sĩ tôn Triệu Quang Phục lên thay Lý Nam Đế, nhưng ông chỉ xưng Vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương. Cũng trong năm ấy, triều Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Tiên bị gọi về nước, trao quyền cho tùy tướng là Dương Sàn ở lại tiếp tục cuộc chiến với Triệu Quang Phục. Lợi dụng thời cơ đó, năm 550 Triệu Quang Phục từ căn cứ Dạ Trạch, mở một loạt cuộc tấn công lớn vào quân giặc. Dương Sàn chết trận, quân Lương tan vỡ hốt hoảng tháo chạy về Bắc.

Đất nước sạch bóng quân xâm lược, Triệu Việt Vương vào đóng ở thành Long Biên, kế tục sự nghiệp của nhà Tiền Lý, kiến thiết đất nước. Sau dời đô về Vũ Ninh ( Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay). Năm 557 Lý Phật Tử tạo phản, ông dẹp yên và tha cho nghĩa tình Lý Phật Tử dòng họ Lý Nam Đế. Đồng ý cho con trai Lý Phật Tử kết hôn với con gái của mình.

Đến năm 571, do quá tin người, Triệu Việt Vương mất cảnh giác trước hành động lừa đảo của cha con Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục thua trận, thất thế rút chạy về phía Nam, cùng đường ông gieo mình xuống cửa biển Đại Nha (nay thuộc tỉnh Nam Định) tự vẫn.

Thương tiếc và nhớ ơn ông, người anh hùng cứu nước, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha (cửa sông Đáy, Nghĩa Hưng, Nam Định ngày nay); cửa biển Thần Phù ở Yên Mô, Ninh Bình.

Hiện nay trong đền Hóa Dạ Trạch huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngoài thờ Chử Đồng Tử -Tiên Dung, còn phối thờ người anh hùng dân tộc Triệu Quang Phục.

Cách đền Hóa Dạ Trạch khoảng 2km, còn có riêng một đền thờ Triệu Việt Vương tại xã An Vĩ huyện Khoái Châu. Đây là ngôi đền duy nhất tại tỉnh Hưng Yên thờ riêng Triệu Việt Vương. Năm 2012 đền được trùng tu lại theo đúng lối kiến trúc cổ. Hàng năm, ngày 12/8 âm lịch - ngày Triệu Quang Phục tế cờ ra quân đánh giặc, người dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhờ tới vị thần của làng. Theo truyền thuyết, đây chính là nơi Triệu Quang Phục tích trữ lương thực và thao luyện quân sĩ. Đền Triệu Việt Vương có quy mô vừa, xây dựng theo lối kiến trúc cổ, cùng với đó là các ban thờ cha mẹ và các vương phi của ông. Ngoài ra còn thờ các vị tướng phò giúp ông giệt giặc.

Nguyễn Huệ - DLHY

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.