Đại Đao Vương Ngũ - Vị Đại Hiệp Yêu Nước Thương Dân
Võ hiệp danh tiếng chốn kinh thành. Ông tên thật là Vương Chính Nghị, tự là Tử Bân, nguyên quán Thương Châu, Hà Bắc, người dân tộc Hồi. Ông là học trò thứ 5 của Lý Phượng Cương, nên người ta gọi ông là “tiểu ngũ tử”; cũng bởi ông đao pháp điêu luyện, lại là người chính nghĩa cao thượng, nên được mọi người tôn kính mà gọi ông là “Đại Đao Vương Ngũ”. Vương Chính Nghị cả đời hành hiệp trượng nghĩa, ông từng ủng hộ phong trào Duy tân, dẹp loạn cho đất nước, trở thành một trang hào kiệt được người người ca tụng. Trong số 10 đại cao thủ cuối thời nhà Thanh tiếng tăm lưu truyền trong dân gian, tên tuổi của ông ngang hàng với các võ sư như Yến Tử Lý Tam, Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng.
Vương Ngũ xuất thân bần hàn, năm ba tuổi phụ thân lại qua đời vì bệnh. Ông cùng mẫu thân nương tựa vào nhau mà sống, từ rất nhỏ ông đã phải làm mọi việc để kiếm sống, sau này ông bái Tiêu Hòa Thành làm thầy, từ đó đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp võ thuật của ông.
Võ sư nổi tiếng nhất Thương Châu thời đó là Lý Phượng Cương. Vì muốn nâng cao trình độ võ nghệ, Vương Ngũ rất muốn bái ông làm thầy, nhưng nhiều lần bị từ chối, ông liền quỳ rất lâu trước cửa nhà Lý, một lòng thành khẩn xin được học, Lý Phượng Cương cuối cùng đã cảm động trước tấm lòng đó mà nhận ông làm đệ tử. Vương Ngũ không phụ kỳ vọng của thầy, chỉ mấy năm sau, võ công của ông đã không kém sư phụ. Để rèn luyện ông thành một nhân tài toàn diện, Lý đã giới thiệu ông với sư huynh của mình là Lưu Sĩ Long, cùng nhau hành tẩu giang hồ. Sau mấy năm rèn luyện, Vương Ngũ cáo biệt sư phụ, năm Đồng Trị thứ 10, ông đến Thiên Tân, rồi lại đến Bắc Kinh, ông được người giới thiệu vào làm ở tiêu cục (một tổ chức chuyên bảo vệ an toàn cho người và tài sản).
Năm thứ 3 Quang Tự, nhờ số tài sản tích lũy được, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, Vương Ngũ tự mình đứng ra mở tiêu cục Thuận Nguyên tại phố Bán Bích (khu Sùng Văn), Bắc Kinh (sau đó chuyển đến khu Quảng An). Tiêu cục Thuận Nguyên có phạm vi hoạt động rất lớn, từ Sơn Hải Quan ở phía Bắc đến Thanh Giang Phổ, Hoài An, Giang Tô ở phía Nam. Ông làm ăn nghiêm chỉnh, thu phí hợp lý, lại là người đạo đức cao thượng nên công việc kinh doanh rất phát đạt, chỉ trong thời gian ngắn đã danh tiếng như cồn.
Vương Ngũ không chỉ được mọi người kính trọng bởi nghề nghiệp của ông mà còn bởi nghĩa cử yêu nước cao đẹp. Sau khi chiến tranh Giáp Ngọ thất bại, quan Ngự sử An Duy Tuấn dâng sớ xin nghiêm trị Lực Trần Nghị và Chi Tệ tội bán nước, nhưng lại bị triều đình nhà Thanh giáng chức xuống làm trấn thủ biên cương. Vương Ngũ vì căm phẫn mà đảm trách việc hộ tống An Duy Tuấn đi nhậm chức. Trở về kinh thành, ông bèn mở học đường tại Hương Am Trù, lấy tên là “Phù võ nghĩa học”. Mọi người ai cũng biết chuyện Vương Ngũ kết giao với Đàm Từ Đồng. Vương Ngũ nghĩa hiệp, phóng khoáng, đã cùng Đàm Từ Đồng kết huynh đệ, được Đàm truyền thụ kiếm pháp, hai người từ đó đã kết tình bằng hữu sâu đậm.
Năm 1898, chính biến Mậu Tuất bước vào giai đoạn cao trào, Đàm Từ Đồng nhận chỉ vào kinh, nhậm chức Tứ phẩm quân cơ chương kinh và tham gia vào cuộc chính biến. Thời gian này, Vương Ngũ đảm nhận việc lo ăn ở, đi lại và bảo đảm an toàn cho Đàm Từ Đồng. Sau khi chính biến thất bại, Đàm Từ Đồng để biểu thị quyết tâm thức tỉnh dân chúng, đã cam chịu bị bắt. Vương Vũ biết tin lòng như lửa đốt, thăm dò tin tức các nơi, mua chuộc quan cai ngục, còn liên lạc với các trí sĩ giới võ lâm để bí mật giải thoát cho Đàm, nhưng lại bị Đàm Từ Đồng kiên quyết cự tuyệt. Ngày 27 tháng 9, Đàm Từ Đồng một trong số “6 quân tử trong chính biến Mậu Tuất” bị Cương Nghị Giám trảm tại Thái Thị Khẩu ngoài cổng Vũ Môn, Vương Ngũ biết tin đau đớn tột cùng.
Năm 1900, phong trào vận động phản đế ái quốc của Nghĩa Hòa Đoàn khởi phát ở phương Bắc. Vương Ngũ phái người tích cực tham gia, cùng kề vai sát cánh với quân của Nghĩa Hòa Đoàn công kích các giáo đường. Sau đó cuộc vận động Nghĩa Hòa Đoàn tiến triển bất lợi ông bèn quay về Bắc Kinh, nhưng ở Bắc Kinh một thời gian thì bị mật báo, nơi ở của ông bị liên quân 8 nước bao vây, Đại Đao Vương Ngũ đã tự mình nhận trách nhiệm để không liên lụy đến thân nhân, bạn bè, sau đó ông bị quân Đức bắn chết ở Đông Hà Diên ngoài Tiền Môn, khi đó ông 56 tuổi.
Sau khi Vương Ngũ bị giết, đầu của ông bị treo ở ngoài thành, gia đình không cách nào khâm liệm cho ông. Hoắc Nguyên Giáp ở Thiên Tân nghe tin vội đích thân đến, trong đêm tối hạ đầu của Vương Ngũ xuống, mang đi mai táng. Tối hôm đó, Hoắc Nguyên Giáp ở lại trong căn phòng cũ của Vương Ngũ.
Post a Comment