Header Ads

Vua Pháo Ba Kiết Nhân

Trong số những kỳ vương tuyệt thế của lịch sử cờ tướng Trung Hoa, Ba Cát Nhân là một trong số rất hiếm hoi những người tộc Mãn. Tuy thế kỳ nghệ của Ba Cát Nhân cực kỳ tinh thâm, từng xưng hùng xưng bá một thời. Ông đặc biệt có sở trường sử dụng lối đánh " tuần hà Pháo", nên đời sau vẫn thường gọi ông là Tuần Hà Pháo Vương Ba Cát Nhân.



1. Sử sách viết rằng, tổ tiên họ Ba vốn sinh sống ở vùng Đông Bắc, nhưng sau này khi người Mãn tiến vào Trung Nguyên, thành lập nên triều đình Mãn Thanh, tổ tiên họ Ba mới đến vùng Giang Tô làm quân rồi định cư luôn ở đó. Ba Cát Nhân sinh vào năm Đồng Trị thứ 7, tức năm 1868 tại vùng Trấn Giang, Giang Tô, nơi cha Ba Cát Nhân đương nhậm chức Tào Vận. Chuyện kể rằng, khi Ba Cát Nhân sắp ra đời, ngôi chùa Di Đà ở ngày cạnh phủ họ Ba bùng phát một trận hỏa hoạn vô cùng khủng khiếp. Lửa lan từ Tàng Kinh Các đến phòng phương trượng rồi từ Đại Hùng Bảo Điện lan sang Quan Âm các, cả ngôi chùa Di Đà chìm ngỉm trong một biển lửa. Nhìn ngọn lửa cháy đã 3 ngày 3 đêm chưa tắt đang bừng bừng lan sang nhà mình, cả phủ họ Ba hốt hoảng tìm cách di tản đồ đạc đi nơi khác. Trong lúc hốt hoảng, Ba phu nhân đã trở dạ sinh trước mấy ngày. Điều kỳ lạ là, đúng vào thời khắc đứa trẻ nhà họ Ba ra đời thì ngọn lửa như bị một phép thần dập tắt. Chuyện này được truyền đi, người vùng Trấn Giang đều nói, đứa con nhà họ Ba là tượng trưng của điềm may mắn, cát tường. Sau đó, vị quan đứng đầu Trấn Giang đã lấy cái tên “ Cát Nhân” ( người đem lại điềm may mắn) để đặt cho đứa trẻ này, ý rằng đứa trẻ này đem lại điềm may mắn cho mọi người. Cái tên Ba Cát Nhân của vị Kỳ vương tuyệt thế những năm sau này đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Ngay từ nhỏ, Ba Cát Nhân đã rất mê cờ tướng, lại thêm thiên phú thông minh nên mới hơn mười tuổi Cát Nhân đã tinh thông kỳ nghệ xưng hùng một dải Trấn Giang. Không chỉ thông minh hơn người Ba Cát Nhân còn rất cần cù hiếu học. Đối với kỳ nghệ Ba Cát Nhân càng chăm chú nỗ lực tìm tòi không biết mệt mỏi.

Ba Cát Nhân ham học đến mức trên màn của ông lúc nào cũng dán sẵn một tờ giấy, bên trên là những thế cờ nổi tiếng của các cao thủ cổ kim. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, Ba Cát Nhân lại nằm nhìn chăm chăm vào thế cờ dán trên màn rồi trầm tư mặc tưởng suy nghĩ rất mông lung về những cách phá giải. Cho đến khi người đã mệt bã ra, hai mắt nhắm lại Ba Cát Nhân mới chịu ngủ yên. Cứ như vậy ngày qua tháng lại những biến hóa của thế cờ dần dần in sâu vào trong đầu Ba Cát Nhân, đồng thời khiến chơi cờ trở thành thứ vô cùng thân thuộc và gần gũi với Ba Cát Nhân.

2. Những người yên cờ vùng Trấn Giang đều gọi Ba Cát Nhân là “Ba Bất Đấu”, liên quan đến biệt hiệu này có hai cách giải thích. Một thuyết nói rằng khi Ba Cát Nhân chơi cờ ông rất giỏi dùng pháo, tuần hà pháo, thuận thủ pháo, liệt thủ pháo đều rất tinh diệu, có thể nói là xuất thần nhập hóa áp đảo quần hùng. Những kỳ thủ đấu pháo với Ba Cát Nhân trên bàn cờ mười người thì có đến chín người thua. Vì thế mọi người mới đặt cho Ba Cát Nhân biệt hiệu “ Ba Bất Đấu”, nghĩa rằng chẳng ai đấu lại được ho Ba cả.

Lại có một thuyết khác nói rằng, từ nhỏ Ba Cát Nhân đã chơi cờ rất giỏi. Năm 15 tuổi, Ba Cát Nhân đã không tìm được địch thủ ở vùng Trấn Giang. Khi đó, gia đình họ Ba còn rất sung túc, phụ thân thường mang Ba Cát Nhân đi khắp nơi để đấu cờ. Ba Cát Nhân kỳ nghệ hơn người đánh đâu thắng đấy nên lần nào hai cha con cũng trở về hả hê với một túi tiền đầy. Trước sau, Ba Cát Nhân đã đánh bại các cao thủ Hoa Hồng Tuyền ở Tô Châu, Quan Hồ Tử, Ngô Chí long ở Hàng Châu…. Một lần, Ba Cát Nhân hẹn thách đấu với một cao thủ trong vùng nhưng đến ngày hẹn người này đột nhiên thay đổi quyết định nhất quyết không chịu giao đấu với Ba Cát Nhân. Nguyên nhân là do vị cao thủ này thấy Ba Cát Nhân tuổi trẻ nhưng kỳ nghệ kinh người sợ khi đấu cờ sẽ thua, vừa mất tiền lại vừa mất danh nên chẳng bằng tìm cách thoái thác không tham gia nữa. Sau này cũng có rất nhiều cao thủ dùng cách đó để thoái thác những cuộc đấu trực tiếp với Ba Cát Nhân. Lâu dần giới chơi cờ thường gọi Ba Cát Nhân là “Ba Bất Đấu”

3. Cho đến những thập niên đầu thế kỉ XX khi xã hội Trung Hoa bước vào thời kỳ Dân Quốc, từ một gia đình quan chức triều Mãn Thanh, gia đình họ Ba bắt đầu sa sút dần. Không còn bổng lộc của cha, lúc này miếng cơm manh áo của cả gia đình họ Ba đều đặt lên vai Ba Cát Nhân. Chẳng còn cách nào khác Ba Cát Nhân chỉ còn biết lấy việc đánh cờ ăn bạc làm nghề, dùng kỳ nghệ xuất thần nhập hóa của mình để tìm kế mưu sinh. Kể từ đây những trận cờ lừng danh của vị kỳ vương Ba Cát Nhân cũng bắt đầu.

Để mưu sinh, kỳ tài cờ tướng một thời Ba Cát Nhân thường xuyên lui tới Thụy Nguyên trà lầu và Đồng Nguyễn trà lầu ở thành Trấn Giang để tìm người chơi cờ. Bới vì chơi cờ nổi tiếng nên mỗi lần chơi Ba Cát Nhân thường phải nhường đối thủ đi trước hoặc nhường đối thủ một đôi mã. Tuy nhiên, dù nhường thế nào thì Ba Cát Nhân vẫn ung dung giành chiến thắng.

Một lần Ba Cát Nhân bày cờ ở Thụy Nguyên trà lầu đội nhiên một khách lạ tìm đến nói rằng vì ngưỡng mộ danh tiếng Ba Cát Nhân nên tìm đến đấu cờ. Theo thường lệ Ba Cát Nhân nhường người khách một đôi mã rồi dùng tuần hà pháo đánh cho người khách lạ thua không còn manh giáp nao. Sau này người ta mới biết rằng người khách bí ẩn đấy là một tướng quân nổi tiếng. Về sau dân gian mới chế ra câu vè chê bai vị tướng quân này đồng thời cũng ca ngợi sự tinh diệu vô song của nước tuần pháo của Ba Cát Nhân rằng: “ Duyên hà thập bát đả, tướng quân lạp hạ mã” ( ven sông mười tám trận, tướng quân phải ngã ngựa).

4. Nước cờ của Ba Cát Nhân có phong cách rất riêng. Tất cả các loại binh chủng trên bàn cờ từ tướng, sĩ, tượng tới mã, xe pháo ông đều vận dụng rất tinh diệu. Chỉ cần vào tay Ba Cát Nhân thì dù chỉ là một quân tốt nhỏ nhoi cũng hóa rồng hóa hổ, sức mạnh kinh người. Tuy nhiên Ba Cát Nhân cực ký lợi hại trong việc điều khiển pháo có thể xưng là “ thiên cổ nhất tuyệt”. Trong suốt thời gian bày cờ mưu sinh ở các trà lầu, do trận nào Ba Cát Nhân cũng phải nhường nước hoặc quân nên quân pháo của ông càng trở nên tinh thông khó lường. Trong vô số những trận cờ mà Ba Cát Nhân tham gia ông không ngừng làm mới và phong phú thêm thế cờ sử dụng quân pháo như “đương đầu pháo” “quá cung pháo” “ quy bối pháo” … Trong các thế cờ này thế “ quy bối pháo” nhiều người cho rắng sức mạnh của các quân cờ chỉ tập trung ở tuyến trên mà để hở phần hậu phương. Tuy nhiên, “ quy bối pháo” của Ba Cát Nhân tuyệt không có chút sơ hở nào, thế tấn công cực kỳ mãnh liệt khó mà đỡ được. Chính vì thế những người chơi cờ trong vùng đều nhất nhất gọi Ba Cát Nhân “ Ba Bất Đấu” là “ Tuần hà pháo Vương”.

Lúc còn sống, Ba Cát Nhân từng nói rằng: “ Những người mới học cờ đại đa số chỉ có thể dùng xe, luyện thêm một thời gian mới biết dùng pháo, sau đó mới biết dùng mã. Những người như vậy thì tạm coi như là học xong phần nhập môn. Đợi khi anh ta tiến bộ hơn thì mới học được cách sử dụng tốt. Thêm một thời gian nữa mới biết cách dùng tượng, dùng sĩ. Lại thêm một tầng bậc nữa mới có thể biết cách vận dụng quân tướng. Khi ấy mới có thể xem là đủ khả năng xưng hùng kỳ đài trở thành cao thủ.

5. Sau khi bày cờ ở các trà lầu rồi đánh bại hàng loạt các cao thủ cờ tướng trong vùng, danh tiếng của Trấn Giang “ Tuần hà pháo Vương” Ba Cát Nhân càng được nhiều người biết tới. Vì thế các cao thủ, kỳ khách từ khắp mọi miền đất nước đều tìm về thành Trấn Giang gặp Ba Cát Nhân để so tài kỳ nghệ. Những cao thủ Trương Mưu của Nam Kinh, Dương Kim Đình ở Dương Châu …đều từng lặn lội đến Trấn Giang tìm Ba Cát Nhân thách đấu.

Nhưng chẳng phải cao thủ khắp nơi tìm đến mà Ba Cát Nhân sợ hãi. Với người mê cờ như Ba Cát Nhân còn gì bằng có người cũng mình chơi cờ. Thế nên đã đến là không từ chối, Ba Cát Nhân chỉ trầm mặc bày cờ xuất quân ứng chiến. Và nhờ vào kỳ nghệ vo song khả năng khiển pháo tuyệt thế “ Tuần hà pháo Vương” Ba Cát Nhân vẫn trăm trận trăm thắng khiến những cao thủ kỳ nghệ đều phải tâm phục khẩu phục mà trở về. Người đời sau có thơ ca ngợi kỳ nghệ tuyệt luân của Ba Cát Nhân rằng: “Song pháo tề phi kết trận hùng, Đương đầu chuyển giáp thế như hồng, Duyên hà thập bát liên hoàn hưởng, Tiện tựa kinh lôi khởi nộ phong” ( nghĩa là: Hai pháo cùng xông lên kết thành thế trận hùng mạnh, Đối đầu chuyển góc thế tấn công như cầu vồng, Mười tám nước cờ ven sông nổ vang liên tiếp, Tựa như sấm động nổi gió dữ).

Cây càng cao,gió lay càng dữ.Danh tiếng của Ba Cát Nhân càng nổi đình nổi đám càng khiến các bậc trưởng lão làng cờ cảm thấy bị xúc phạm nên tìm đến khiêu chiến .Lúc ấy danh tiếng của pháo vương Ba Cát Nhân uy hiếp trực tiếp vị trí của Tô Vạn Niên , một kỳ vương đất Dương Châu thời bấy giờ. Tô vốn là người Giang Tô ,kỳ nghệ cũng cực kỳ tinh thâm. Nhờ vào kỳ nghệ của mình, Tô tung hoành một dải Giang Nam nhiều năm trước sau chưa từng gặp đấu thủ. Kỳ nghệ của Tô cao siêu tới mức các đối thủ của họ Tô thường được chọn 3 tiên hay 1 mã. , Thế nhưng trong tất cả các trận đấu của mình Tô vẫn thắng nhiều hơn bại, thế nên kỳ giới đương thời vẫn gọi Tô Vạn Niên là Tô Vô Địch .
Đương thời, cùng Tô Vạn Niên đứng ngang hàng còn một vị cao thủ nữa tên gọi Dương Kiện Đình. Vào cuối đời Thanh, cuốn kỳ phổ nổi tiếng ảnh hưởng gần như toàn bộ giới chơi cờ “ Thạch Dương di cục” chính là cuốn kỳ phổ ghi lại những ván đấu giữa Tô Vạn Niên và Dương Kiện Đình .Họ Dương xuất đạo muộn hơn so với Tô Vạn Niên vài năm, kỳ nghệ cũng kém hơn một chút. Tuy nhiên, Dương học nghề rất quyết tâm, khắc khổ nghiên cứu vì vậy kỳ nghệ ngày càng thăng tiến. Sau khi thành tài Dương háo hức vô cùng, quyết đi tìm cao thủ số một đương thời là Tô Vạn Niên thách đấu.

Khi thông tin được truyền đi, những người yêu cờ xôn xao không ngớt. Ai cũng nóng lòng chờ xem vị khách lạ sẽ đấu với kỳ vương Dương Châu ra sao. Nhiều người còn đặt cược hàng chục lạng bạc cho một trận thắng. Sau khi cờ được bày xong, theo thường lệ Tô Vạn Niên định vươn tay bỏ đi một con mã của mình. Nhưng Dương Kiện Đình yêu cầu chỉ cần nhường ông đi trước chứ không nhận nhường mã, nói rằng nếu như đấu một trận mình không địch lại Tô thì sẽ chấp nhận nhường mã. Nhưng Tô Vạn Niên cũng muốn giữ thanh danh của mình nhất định không chịu phá lệ nhường mã. Trọng tài của trận đấu đó vỗn là một người nổi tiếng mê cờ Mã Đức An cũng nhiều người xem đều khuyên hai người nhượng bộ, thế nhưng cả hai đều cố chấp không chịu nghe. Cuối cũng mọi người đành chán nản thu bàn cờ rồi ra về. Tuy trận đấu giữa hai họ Tô Dương không thành nhưng từ đó hai người trở thành tri kỷ của nhau. Dương Kiện Đình cũng nhờ thế mà thành danh được người đời gọi là “ Tứ diện hổ”.

Khi danh tiếng của “ Tuần hà pháo Vương” Ba Cát Nhân lan đến Dương Châu. Dương Kiện Đình cũng là một trong số những cao thủ hăm hở tìm đến Trấn Giang để so tài cao thấp. Dương vốn cho rằng kỳ nghệ của Ba Cát Nhân chắc chắn không thể lợi hại như người ta đồn đại. Nếu có cao thủ bậc nhất, thì cùng lắm cũng chỉ thi đấu ngang ngửa với mình là cùng, làm sao có chuyện “không thể đấu”. Vì thế cái tên “ Ba Bất Đấu” mà người đời dành cho Ba Cát Nhân chắc chắn chỉ là một huyền thoại do dân gian đơm đặt để khoa trương tài nghệ của Ba Cát Nhân mà thôi.Nghĩ vậy, Dương bèn lên thuyền đến Trấn Giang, thẳng đến Thụy Nguyên trà lầu khiêu chiến Ba Cát Nhân.

Nhưng kết quả không hề ngang ngửa như Dương hằng mong đợi. Trong một ngày trước rất đông người xem Dương thua liền 6 ván trước Ba Cát Nhân. Đến kỳ vương Giang Nam Dương Kiện Đình cũng bị Ba Cát Nhân đánh cho thua liền 6 ván không thắng nổi 1, danh tiếng của “ Tuần hà pháo vương” càng trở nên vang dội, nhiều người đã mạnh bạo gọi ông là “ Thiên hạ vô địch” trên kỳ đàn Trung Hoa

6. Thất trận trở về nhưng cảm thấy ấm ức không thôi.Dương Kiện Đình quyết định mời Tô Vạn Niên xuất mã đến thành Trấn Giang quyết một trận thư hùng nhằm cứu vãn chút sĩ diện cho làng cờ Giang Nam. Để đảm bảo giành thắng lợi, hai họ Tô Dương trong suốt nhiều ngàyđã miệt mài nghiên cứu những thế cờ sở trường cũng như phong cách đi cờ của Ba Cát Nhân. Tuy Tô Vạn Niên không phải là người nôn nóng như Dương Kiện Đình nhưng việc họ Tô nghiên cứu những thế cờ sở trường của Ba Cát Nhân chứng tỏ các bậc kỳ vương đã bắt đầu e ngại một tiểu kỳ vương đang dần rực sáng .

Tô Vạn Niên vốn là người khiêm tốn, cẩn trọng. Tô luôn lấy cớ đê kết bạn, giao lưu rất rộng, trước sau chưa từng khiêu chiến với ai. Khi nghiên cứu các thế cờ của Ba Cát Nhân, tiếng là nhận lời mời của bạn mà đấu nhưng trong thâm tâm Tô Vạn Niên cũng biết rằng Ba Cát Nhân là đối thủ tìm cả đời cũng khó gặp. Vì vậy ông quyết định không nóng vội tìm đến Ba Cát Nhân khiêu chiến.

Sau khi đáp thuyền đến Trấn Giang họ Tô không vội vã đi tìm Ba Cát Nhân mà giả làm một kỳ khách giang hồ bày cờ thế ở Quan Âm động, dũng cờ kết bạn. Do kỳ nghệ tinh diệu, xuất thần nhập hóa nên chỉ mới nửa tháng khắp vùng Trấn Giang ai cũng biết vua cờ Tô Vô Địch – Tô Vạn Niên đã tìm đến Trấn Giang.

Khi Ba Cát Nhân biết Tô Vạn Niên vị kỳ vương nổi tiếng vùng Giang Nam đã đến Trấn Giang, Ba Cát Nhân tìm mọi cách mời bằng được To Vạn Niên về nhà mình thịnh tình khoản đãi. Sau khi Ba Cát Nhân và Tô Vạn Niên gặp gỡ vì cả hai đều là những cao thru bậc nhất đương thời nên cả hai đều rất coi trọng thanh danh của mình, sợ rằng chỉ đi nhầm một nước thì không chỉ thua cờ mà còn mất hết danh dự. Vì thế cả hai người gặp mặt đã lâu nhưng vẫn chưa có cuộc đấu nào chính thức. Tuy thế giới mê cờ ở Trấn Giang đều mòn mỏi trông đợi một cuộc so tài công khai giữa hai vị cao thủ bậc nhất đương thời.
Sau khi thương lượng, hai người quyết định sẽ thi đấu một trận chính thức ở Thụy Nguyên trà lầu.

Thông tin về cuộc đấu giữa hai vị đại cao thủ cờ tướng đương thời, giữa một “ Tuần hà pháo vương Ba Cát Nhân và Tô Vô Địch – Tô Vạn Niên” không cánh mà bay khắp vùng Trấn Giang, mọi người chỉ còn trông đợi vào ngày hai người cùng đối mặt với nhau trên bàn cờ. Cuộc đấu giữa hai người bắt đầu trong vòng người vây kín cả Thụy Nguyên trà lầu. Ba Cát Nhân và Tô Vạn Niên đều xuất cờ rất nghiêm cẩn. Tuy nhiên trong cuộc đấu giữa những cao thủ thì dù những nước đi bình đạm vẫn mang những uy lực khó ai tưởng tượng được. Hai vị kỳ vương đấu liền 3 ngày, đem hết sở trường một đời của mình ra thi triển quyết hạ bằng được đối thủ. Thế nhưng cuối cùng hai người cũng đành ra về trong thế hòa. Song cũng sau trận đấu kéo dài suốt 3 ngày 3 đêm quên ăn quên uống đấy, hai người đã trở thành những bạn tâm giao của nhau. Sau trận đấu này họ Tô vì vẫn muốn chơi cờ với Ba Cát Nhân nên tiếp tục ở lại Trấn Giang trong một thời gian dài. Trong thời gian này Tô Vạn Niên còn thu nhận một sô đồ đệ ở ngay thành Trấn Giang. Tác phẩm “ Phản Mai Hoa phổ” của Ba Cát Nhân lưu danh hậu thế cũng có một phần tâm huyết của Tô Vạn Niên.

7. Tuy nhiên “anh hùng gian nan, hồng nhan bạc mệnh”, những ngày tháng tốt đẹp gặp người tri kỷ cùng mình chơi cờ quên ăn quên ngủ của Ba Cát Nhân là cực kỳ hiếm hoi trong chuỗi khó khăn kham khổ vì miếng cơm manh áo của kẻ dùng cờ mưu sinh. Cũng vì kỳ nghệ quá cao nên dù đã nhường đối phương rất nhiều nhưng chưa từng có ai có thể đánh thắng được “ Tuần hà pháo vương” vì vậy ngày càng ít người đánh cờ ăn bạc với Ba Cát Nhân. Cả đời mê cờ và sống nhờ cờ nên không có người đánh cờ gia cảnh họ Ba ngày càng sa sút.

Không thể ở mãi vùng Trấn giang được nữa Ba Cát Nhân quyết định lên Thượng Hải bày cờ mời người đánh để mưu sinh. Không ngờ trong một lần xung đột với những cùng nghề bày cờ thế trên phố. Ba Cát Nhân đã bị bọn lưu manh Thượng Hải vây đánh. Thân là một kỳ vương tuyệt thế giờ lại bị bọn lưu mạnh đường phố đánh cho bầm dập, trong lúc quẫn trí Ba Cát Nhân đã gieo mình xuống sông Hoàng Phố tự sát. Lúc đó Ba Cát Nhân mới chỉ 50 tuổi.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.