Hoàng Quyền Truyện
Hoàng Quyền tự Công Hành, người quận Ba Tây, huyện Lãng Trung. Khi còn nhỏ làm quận lại, Châu mục Lưu Chương triệu làm Chủ bộ. Lúc Biệt giá Trương Tùng kiến nghị nên nghênh đón, khiến Tiên chủ đánh Trương Lỗ, Quyền can rằng: Tả tướng quân (1) có tiếng là kiêu dũng, nay mời tới, nếu muốn đãi như kẻ dưới, tất gây bất mãn, muốn đãi như tân khách, lại thành một nước chẳng chứa nổi hai vua. Khách mà an như Thái Sơn, tất chủ nguy như trứng để đầu đẳng. Chỉ nên đóng cửa biên giới, ngồi chờ thiên hạ thái bình thôi. Chương không nghe, sai sứ đón Tiên chủ, đuổi Quyền ra Quảng Hán làm trưởng quận. Sau Tiên chủ tập kích Ích Châu, sai các tướng chia ra đánh lấy các quận huyện, các nơi chỉ nghe phong thanh là hàng cả, chỉ có Quyền đóng cửa thành cố thủ, đến lúc Chương ra hàng Tiên chủ, Quyền mới chịu hàng. Tiên chủ phong Quyền làm Thiên tướng quân.
Từ Chúng bình rằng: Quyền dốc lòng can gián chủ, lại bế thành chống cự, đã đủ lễ thờ vua. Vũ Vương (2) xuống xe, đắp mộ Tỷ Can, nêu tỏ quê hương của Thương Dung (3), biểu dương rõ rệt hiền thần trung thành, chính là nói rõ cái ý quý trọng của mình vậy. Tiên chủ phong Quyền làm tướng quân là đúng, nhưng như vậy hãy còn ít, chưa làm sáng rõ được cái tiết tháo trung nghĩa để đại khuyến khích tấm lòng kẻ thiện giả vậy.
Lúc Tào công phá Trương Lỗ, Lỗ chạy vào Ba Trung, Quyền tiến lên nói rằng: Nếu mất Hán Trung, thì chẳng thể cứu được Tam Ba (4), việc ấy cũng như cắt mất chân tay của Thục vậy. Bởi thế Tiên chủ lấy Quyền làm Hộ quân, đưa các tướng đi đón Lỗ. Lỗ lại trở về Nam Trịnh, đầu hàng Tào công. Sau phá được Đỗ Hoạch, Phác Hồ (5), giết Hạ Hầu Uyên, chiếm được Hán Trung, đều là mưu của Quyền cả.
Tiên chủ làm Hán Trung Vương, lĩnh chức Ích Châu mục, lấy Quyền làm Trị trung tòng sự. Đến lúc Tiên chủ xưng đế, muốn sang đông đánh Ngô, Quyền can rằng: Người Ngô chiến đấu hung tợn, thủy quân ta lại thuận dòng, dễ tiến khó lui, thần xin làm tiền khu thăm dò giặc, bệ hạ nên tọa trấn phía sau. Tiên chủ không nghe, lấy Quyền làm Trấn bắc tướng quân, cầm quân phía bắc sông đề phòng binh Ngụy, còn Tiên chủ tự mình ở phía nam sông. Tướng Ngô là Lục Nghị (Lục Tốn) (陆议) thuận dòng chặn vây, quân phía nam bại trận, Tiên chủ rút binh. Đường về bị cắt đứt, Quyền chẳng thể về được, mới đưa các tướng dưới quyền cùng hàng Ngụy. Quan chấp pháp xin bắt vợ con Quyền. Tiên chủ nói: Cô phụ Hoàng Quyền, chẳng phải Quyền phụ cô vậy. Rồi đối đãi vợ con Quyền như trước.
Thần Tùng Chi xét việc Hán Vũ (6) dựa vào lời vu khống dối trá, giết cả nhà Lý Lăng (7), và việc Lưu chủ không cho Hiến ti chấp pháp, tha thứ cho cả nhà Hoàng Quyền, cái tốt cái xấu của hai vị chúa thật khác nhau quá xa vậy. Kinh Thi nói: "Quân tử thật khoái hoạt, tử tôn được bảo hộ",chính là lời nói về Lưu chủ vậy.
Ngụy Văn Đế bảo Quyền rằng: Ông bỏ nghịch theo thuận, phải chăng muốn học theo Trần, Hàn (8) khi xưa? Quyền đáp: Thần chịu hậu ân của Lưu chủ, hàng Ngô thì không thể, đường về lại chẳng có lối, nên đành theo về với bệ hạ. Vả lại tướng bại quân, được thoát chết đã là may, sao còn dám học đòi cổ nhân vậy. Văn Đế mến Quyền, phong làm Trấn nam tướng quân, Dục Dương hầu, sau lại cho làm Thị trung, giữ ở bên mình. Có vài hàng nhân nước Thục nói vợ con Quyền đều bị giết, Quyền biết đó là lời giả dối, nên không phát tang.
Hán Ngụy xuân thu chép: Văn Đế xuống chiếu cho phát tang, Quyền đáp: Thần với Lưu, Cát (9) đối đãi nhau bằng tấm lòng thành, họ hiểu rõ bổn ý của thần. Thần ngờ việc này không thật, xin để hỏi thêm.
Sau hỏi kỹ ra, quả như lời Quyền nói.
Tin Tiên chủ mất bay tới Ngụy, quần thần đều chúc mừng, chỉ có Quyền là không. Văn Đế xét thấy Quyền có sự khoan dung, muốn thử dọa Quyền, bèn sai tả hữu tuyên triệu Quyền, người còn chưa tới, đã liên tiếp mấy lần thúc dục, ngựa sứ giả chạy băng băng đan xen trên đường, quan lại, người hầu của Quyền chẳng ai không bở vía, mà Quyền cử chỉ nét mặt vẫn như thường. Sau Quyền nhận chức Ích Châu thứ sử, dời tới ở Hà Nam. Đại tướng quân Tư Mã Tuyên Vương (10) rất tán thưởng Quyền, hỏi Quyền rằng: Thục trung còn có những người như khanh không? Quyền cười đáp: Không ngờ Minh công lại đoái hoài coi trọng tôi như vậy. Tư Mã Tuyên Vương thư cho Gia Cát Lượng rằng: Hoàng Công Hành, là một kẻ sĩ hào sảng, thường ngồi cảm thán bày tỏ về túc hạ, trước sau như một. Năm Cảnh Sơ thứ ba đời Ngụy Minh Đế, ở Thục là năm Diên Hi thứ hai, Quyền được thăng làm Xa kỵ tướng quân, đối đãi cũng như Tam Tư (11).
Thục ký chép: Ngụy Minh Đế hỏi Quyền: Thiên hạ chia ba, đương thời lấy nơi nào làm chính? Quyền đáp: Nên lấy thiên tượng mà luận chính thống. Trước đây sao Hỏa phạm vào sao Tâm thì Văn Hoàng Đế mất, Ngô, Thục nhị chủ lại bình an, ấy là chứng cớ vậy.
Năm sau Quyền mất, được đặt thụy là Cảnh Hầu. Con là Ung nối dõi. Ung không có con, đến đời này là tuyệt tự.
Con Quyền là Sùng ở lại Thục, làm Thượng thư lang, theo Vệ tướng quân Gia Cát Chiêm chống cự Đặng Ngải. Tới Phù huyện, Gia Cát Chiêm bàn chuyện quay về, Sùng luôn miệng khuyên Chiêm cấp tốc chiếm giữ nơi hiểm yếu, không cho địch vào được đất bằng. Chiêm do dự không nghe, Sùng nói tới rơi lệ. Lúc Ngải thẳng đường tiến binh tới, Chiêm phải lùi về giao chiến ở Miên Trúc, Sùng khích lệ quân sĩ quyết tử, sau chết trong trận chiến.
Chú thích:
(1) Chỉ Lưu Bị. Chức của Lưu Bị lúc này là Tả tướng quân nhà Hán.
(2) Vũ Vương là vua khai sáng nhà Chu, nổi tiếng là một vị vua hiền đức. Ông được Khương Tử Nha phò tá lật đổ được nhà Ân hung bạo.
(3) Thương Dung, Tỷ Can đều là đại thần nhà Thương. Thương Dung làm thừa tướng ba triều, quỳ nơi cửa cung can gián Trụ Vương làm ác không được, đành cáo lão hồi hương. Tỷ Can can gián Trụ Vương quyết liệt tới mức bị mổ bụng moi tim.
(4) Tam Ba là Ba Đông, Ba Tây và Ba Trung.
(5) Theo quyển Khổng Minh Gia Cát Lượng của Trần Văn Đức thì Đỗ Hoạch là Thái thú Ba Tây, Phác Hồ là Thái thú Ba Đông.
(6) Hán Vũ là Hán Vũ Đế.
(7) Lý Lăng là tướng quân dưới triều Hán Vũ Đế, con cháu của danh tướng Lý Quảng. Lăng đem binh đánh Hung Nô, binh ít mà bị Hung Nô vây chặt, Lăng chiến đấu anh dũng tới khi sức cùng lực kiệt đành hàng Hung Nô chờ thời. Có người vu cáo Lăng đem binh hàng giặc, vua Hán Vũ Đế giết cả nhà Lăng. Tư Mã Thiên, tác giả cuốn Sử ký cùng tên nổi tiếng, vì can vua đừng giết nhà Lăng mà phải chịu cái nhục cung hình.
(8) Trần Bình, Hàn Tín. Hai người trước đều là tướng Sở, nhưng không được trọng dụng, mới về với Lưu Bang, lập nhiều đại công giúp Lưu Bang lấy được thiên hạ. Đoạn này có vẻ hơi mỉa mai, vì chính Ngụy Văn Đế Tào Phi đã cướp ngôi nhà Hán, rồi lại lấy hai đại thần nhà Hán ra để ví dụ cho việc bỏ tối theo sáng.
(9) Chỉ Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Ngô thư của Vi Chiêu có chép: tổ tiên của Gia Cát Lượng trước mang họ Cát, vốn ở huyện Gia thuộc quận Lang Nha, về sau rời tới huyện Dương Đô, để phân biệt với mấy họ Cát ở đó mới gọi là Gia Cát.
(10) Chỉ Tư Mã Ý.
(11) Tư Đồ, Tư Mã, Tư Không, ba chức quan đầu triều.
Post a Comment