Header Ads

Viên Thuật Truyện


Viên Thuật tự Công Lộ, là con của Tư không Phùng, em họ của Thiệu vậy. Vì hào hiệp mà nổi tiếng. Cử hiếu liêm, bái làm Lang trung, làm qua các chức ở trong ngoài, sau đó làm Chiết xung hiệu úy, Hổ bôn trung lang tướng. Vào lúc Đổng Trác muốn phế đế, lấy Thuật làm Hậu tướng quân; Thuật cũng sợ cái họa từ Trác, chạy ra quận Nam Dương. Kịp lúc Trường Sa Thái thú Tôn Kiên giết Nam Dương Thái thú Trương Tư, Thuật chiếm được quận ấy. Nam Dương có mấy trăm vạn dân hộ, nhưng Thuật xa xỉ phóng túng, trưng thu vô độ, trăm họ bị khổ. Rồi gây hiềm với Thiệu, lại không bằng lòng với Lưu Biểu mà liên kết với Công Tôn Toản ở phía bắc; Thiệu cũng không hòa với Toản mà liên kết với Lưu Biểu ở phía nam. Anh em họ trắc trở, bỏ gần theo xa như thế.

Ngô thư chép: Bấy giờ người bàn cho là Linh Đế vô đạo khiến cho thiên hạ phản loạn, vua nhỏ trẻ dại, bị tặc thần dựng lập, lại không biết là do bà mẹ nào sinh ra. U châu mục là Lưu Ngu vốn có đức trọng, bọn Thiệu muốn lập Ngu để làm yên thời cuộc, sai người báo cho Thuật. Thuật thấy nhà Hán suy kém, ngầm mang chí khác, cho nên ngoài mặt mượn lời bàn của mọi người để chống lại ý của Thiệu. Thiệu lại gửi thư cho Thuật rằng: "Trước đây cùng với Hàn Văn Ước mưu dựng đạo lâu dài, muốn cả nước được thấy lại bậc chúa trung hưng. Nay miền tây mượn tiếng là có vua nhỏ nhưng không phải là dòng dõi chính thống, công khanh trở xuống đều hùa theo Trác, sao đáng tin được! Chỉ cần sai quân đến đóng giữ nơi quan ải, tất khiến cho chúng đều tự chết khốn ở miền tây thôi. Ta lập vua mới ở miền đông, mới mong thái bình, sao còn ngờ chi! Lại nữa người nhà bị giết, há chẳng nên nghĩ đến mối thù của Ngũ Tử Tư mà ngoảnh mặt về phía bắc (1) sao? Trái mệnh trời là không hay, mong hãy nghĩ kĩ". Thuật đáp nói: "Vua nhỏ thông minh, có khí chất của Chu Thành Vương. Tên giặc Trác nhân buổi nguy loạn mà ép buộc trăm quan, đấy là môi nguy nhỏ của nhà Hán mà thôi. Nay loạn vẫn chưa dứt mà lại dấy loạn nữa? Lại nói là 'không phải là dòng dõi chính thống', há chẳng xằng bậy sao! Từ thời tổ tiên đến nay, dẫu thời loạn nối nhau nhưng vẫn lấy trung nghĩa làm đầu. Thái phó nhân từ rộng lượng, dẫu biết giặc Trác tất gây họa hại nhưng vì tỏ tín nghĩa mà không nỡ bỏ đi vậy. Người nhà bị diệt, chết chóc lưu li, ta may được người gần xa đến cứu giúp, nếu không nhân lúc này, trên đánh giặc ác, dưới báo thù nhà mà lại mưu việc ấy, là điều không nên vậy. Lại nói: 'Người nhà bị giết, nên ngoảnh mặt về phía bắc', đấy là việc mà Trác làm, há vì nhà nước sao? Mệnh vua là trời vậy, không nên thù trời, huống chi là mệnh vua đây! Ta chỉ giữ lòng son, có chí diệt Trác, không biết ý khác".

Dẫn quân vào quận Trần Lưu; Thái Tổ cùng Thiệu hợp sức đánh, đại phá quân của Thuật, Thuật đem quân còn sót chạy đến quận Cửu Giang, giết Dương Châu Thứ sử Trần Ôn, lĩnh châu ấy;

Thần là Tùng Chi xét: Anh hùng kí chép: "Trần Ôn tự Nguyên Đễ, người quận Nhữ Nam. Lúc trước làm Dương châu Thứ sử, tự bệnh chết. Viên Thiệu sai Viên Di lĩnh châu, nhưng thua chạy đến nước Bái, bị quân sĩ giết. Viên Thuật lại dùng Trần Vũ làm Dương châu Thứ sử. Vũ tự Công Vĩ, người quận Hạ Bì. Vũ đã lĩnh châu thì Thuật thua ở Phong Khâu, xuống phía nam đến huyện Thọ Xuân; Vũ chống Thuật mà không thu nạp. Thuật lui về giữ huyện Âm Lăng, rồi hợp quân đánh Vũ, Vũ sợ chạy về Hạ Bì". Như thế thì Ôn không bị Thuật giết, không giống với truyện gốc. lấy bọn Trương Huân-Kiều Nhuy làm Đại tướng quân. Lí Thôi vào Tràng An, muốn kết Thuật làm ngoại viện, lấy Thuật làm Tả tướng quân, phong Dương Trạch Hầu, Giả tiết, sai Thái phó Mã Nhật Đê nhân đi tuần mà bái phong; Thuật đoạt cờ tiết của Nhật Đê, giữ lại không cho đi.

Tam phụ quyết lục chú chép: Nhật Đê tự Ông Thúc, là con trong họ của Mã Dung. Thủa trẻ chăm theo nghiệp của Dung, vì có tài học mà được tiến cử, cùng bọn Dương Bưu-Lô Thực-Sái Ung làm Điển hiệu trung thư, làm đến vị Cửu khanh, bèn nắm vị Tam công. Hiến Đế xuân thu chép: Thuật đến chỗ Nhật Đê mượn cờ tiết để xem, nhân đó cướp không trả, chuẩn bị hơn nghìn người trong quân, sai đốc thúc mọi người. Nhật Đê bảo Thuật rằng: "Các vị tổ tiên nhà khanh đời trước mời gọi kẻ sĩ như thế sao mà thúc dục như thế? Cho là quan lại của phủ quan sẽ đến sao"! Xin Thuật cho đi, nhưng Thuật giữ lại không thả; bèn cho là làm mất cờ tiết mà mang nhục, căm giận mà chết.

Bấy giờ có Bái Tướng người quận Hạ Bì là Trần Khuê, là con em của Thái úy Cầu trước kia vậy. Thuật cùng với Khuê là con cháu của Tam công, thủa trẻ có giao du, gửi thư cho Khuê rằng: "Ngày xưa nhà Tần làm lỡ chính sự, do đó anh hùng trong thiên hạ tranh giành mà chiếm lấy, kẻ đủ cả trí dũng rút cuộc được theo phục. Nay việc đời nhiễu loạn, lại có thế vỡ lở vậy, thực là buổi bậc anh tài ra tay cứu vớt. Ta thân quen với túc hạ, há chịu làm tả hữu cho họ sao? Nếu làm việc lớn, ông thực là tim bụng của ta vậy". Bấy giờ con giữa của Khuê là Ứng ở tại Hạ Bì, Thuật liền bắt Ứng làm con tin, mưu muốn Khuê theo về. Khuê đáp thư nói: "Ngày xưa thời vua cuối của nhà Tần, phóng túng hung bạo, gây hại thiên hạ, truyền độc dân đen, kẻ dưới không chịu nổi, cho nên vỡ lở. Nay dẫu là thời cuối nhưng chưa có cái loạn hà khắc mà mất nước của nhà Tần vậy. Tào tướng quân thần vũ hợp thời, dựng lại hình pháp, sắp dẹp bằng hung nghịch, quét sạch cả nước, đúng có điềm ứng vậy. Ta cho là túc hạ nên gắng sức cùng lòng, giúp đỡ nhà Hán. Vậy mà ngầm mưu không theo, chỉ là tự thân chuốc họa thôi, há chẳng đau lòng sao! Nếu mê lầm mà biết chuyển ý thì vẫn tránh được. Ta vốn là người quen cũ cho nên nói hết sự tình, dẫu nghịch với tai nhưng như có tình cốt nhục. Còn nếu muốn ta riêng ý hùa theo thì dẫu chết cũng không làm vậy".

Mùa đông năm Hưng Bình thứ hai, (năm 195 Công nguyên) thiên tử thua ở Tào Dương. Thuật hội quan thuộc bảo rằng: "Nay họ Lưu suy yếu, cả nước loạn lạc. Nhà ta bốn đời làm Công phụ, được trăm họ theo về, ứng mệnh trời thuận ý dân, các khanh có ý thế nào"? Mọi người chẳng ai dám đáp. Chủ bạ Diêm Tượng bước lên nói: "Ngày xưa nhà Chu từ thời Hậu Tắc đến thời Văn Vương, tích đức chứa công, thiên hạ chia ba phần mà có hai phần, nhưng vẫn thờ nhà Ân. Nhà minh công dẫu nhiều đời rạng rỡ nhưng chưa có cái thịnh của nhà Chu. Nhà Hán dẫu suy nhưng chưa có việc bạo ngược như vua Trụ của nhà Ân vậy". Thuật im ỉm không vui; theo lời điềm báo của người quận Hà Nội là Truơng Phủ, bèn tiếm hiệu,

Điển lược chép: Thuật vì họ Viên xuất từ họ Trần, mà họ Trần lại là dòng dõi của vua Thuấn, cho là hành thổ thay hành hỏa, là ứng vận nối thay. Lại thấy có lời sấm rằng: "Thay nhà Hán là Đồ Cao vậy". Tự cho là tên tự ứng với chữ ấy, bèn đặt hiệu xưng là họ Trọng.

lấy Cửu Giang Thái thú làm Hoài Nam Doãn, đặt công khanh, cúng tế ở ngoài phía nam bắc thành, rất là xa xỉ. Hậu cung có mấy trăm người đều mặc gấm lụa, thức ăn ngon dư thừa,

Cửu châu xuân thu chép: Con gái của Tư lệ Phùng Phương là người đẹp trong nước, tránh loạn đến Dương châu, Thuật lên thành thấy mà vui lòng, bèn lấy làm vợ, rất sủng ái. Các vợ ganh sủng của thị, bảo thị rằng: "Tướng quân thích người có chí tiết, nên lúc nào cũng khóc lóc buồn rầu, tất được kính trọng lâu dài". Phùng thị cho là phải, sau đó gặp Thuật liền rơi lệ, Thuật cho là có ý chí, thêm thương thị. Các bà vợ khác nhân đó cùng thắt cổ giết thị, treo ở cột nhà xí. Thuật cho thị không vừa ý mà chết, bèn liệm táng rất hậu.

mà quân sĩ đói rét, miền Giang-Hoài trống rỗng, người dân ăn thịt nhau. Trước kia Thuật bị Lữ Bố phá, sau lại bị Thái Tổ đánh bại, bỏ bộ khúc của mình là bọn Lôi Bạc-Trần Lan ở núi Tiềm, lại bị họ chống lại, lo sợ không biết làm thế nào. Mưu trao hiệu đế cho Thiệu, muốn đến Thanh châu theo Viên Đàm, trên đường bệnh chết.

Ngụy thư chép: Thuật trao hiệu đế cho Thiệu nói: "Nhà Hán làm mất thiên hạ lâu rồi, thiên tử bị bắt ép, chính sự vào tay nhà khác. Bọn anh hùng tranh đuổi, chia cắt đất đai, đấy chẳng khác gì thế bảy nước cuối thời nhà Chu, rút cuộc bị kẻ mạnh chiếm lấy vậy. Lại nữa họ Viên ta vâng mện đáng được làm vua, điềm báo hiện rõ. Nay ông nắm cả bốn châu, (2) có trăm vạn dân hộ, bàn về sức mạnh thì chẳng ai sánh được, luận về đức thì chẳng ai cao bằng. Tào Tháo muốn cứu suy giúp yếu, há cứu nối lại được mệnh đã diệt sao"? Thiệu ngầm cho là đúng. Ngô thư chép: Thuật đã bị bọn Lôi Bạc chống lại, ở lại ba ngày, quân sĩ hết lương, bèn về đến Giang Đình, cách Thọ Xuân tám mươi dặm. Hỏi thuộc hạ, còn có ba mươi đấu lúa mạch. Bấy giờ trời nóng, muốn có tương mật, lại không có mật. Ngồi trên gường lầu, than thở hồi lâu, lại quát lớn rằng: "Viên Thuật mà đến nỗi này sao"! Do đó đảo ngã xuống giường, thổ ra hơn đấu máu mà chết.

Vợ con dựa vào quan thuộc cũ của Thuật là Lư Giang Thái thú Lưu Huân; kịp lúc Tôn Sách phá Huân, bèn bị bắt giữ; con gái của Thuật vào cung của Tôn Quyền, con trai là Diệu được bái làm Lang trung. Con gái của Diệu lại gả cho con trai của Quyền là Phấn.

Chú thích:
(1) Nên nghĩ đến mối thù của Ngũ Tử Tư mà ngoảnh mặt về phía bắc: ý nói chú của Thuật là Thái phó Viên Ngôi bị Đổng Trác giết hại, Thiệu khuyên Thuật nên báo thù, ngoảnh mặt về phía bắc theo mình để đánh Đổng Trác.
(2) Bốn châu: chỉ bốn châu mà Viên Thiệu chiếm lấy là: U châu, Kí châu, Tinh châu, Thanh châu.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.