Header Ads

Phí Y Truyện


Phí Y tự Văn Vĩ, người ở Giang Hạ, Mãnh huyện. Y mồ côi sớm, sống nương tựa vào người chú là Bá Nhân. Cô của Bá Nhân là mẹ của Ích châu mục Lưu Chương. Chương cho người đón Nhân về, Nhân cùng Y vào Thục du học. Gặp lúc Tiên chủ bình định đất Thục, Y phải ở lại Ích châu, cùng với Hứa Thục Long ở Nhữ Nam, Đổng Duẫn (1) ở Nam Quận đều nổi tiếng lúc bấy giờ. Con Hứa Tĩnh chết, Duẫn và Y hẹn nhau tới đám tang ấy. Duẫn thưa với bố là Hòa xin một chiếc xe, Hòa sai mở cửa sau cấp cho một cái xe hươu kéo. Duẫn tỏ vẻ chẳng muốn ngồi xe ấy, Y cứ thản nhiên leo lên trước ngồi. Ở đám tang, Gia Cát Lượng và các tôn khách đều tới, ngồi xe rất đẹp, Duẫn càng lộ vẻ ngại ngùng, mà Y vẫn tự nhiên như thường. Xa phu quay về, Hòa hỏi chuyện, biết việc ấy, bèn bảo Duẫn rằng: Ta vẫn chẳng biết ngươi và Văn Vĩ ai hơn ai kém, nhưng từ nay về sau, ta đã rõ vậy.

Tiên chủ lập thái tử, Phí Y và Đổng Duẫn đều được làm xá nhân bên cạnh thái tử, sau lại sang với con kế (của Tiên chủ). Hậu chủ kế vị, cho Phí Y làm hoàng môn thị lang. Thừa tướng Gia Cát Lượng nam chinh quay về, quan viên đều ra xa mấy chục dặm nghênh đón, so tuổi đời, chức vị nhiều người hơn Y, mà Lượng lại đặc cách cho mình Y ngồi cùng xe, từ đó mọi người đều nhìn Y bằng con mắt khác. Lượng vừa từ phương nam về, lấy Y làm Chiêu tín hiệu úy, sai đi sứ sang Ngô. Tôn Quyền cá tính khôi hài, hay trêu chọc không có chừng mực, Gia Cát Khác, Dương Bội học rộng biết nhiều, lại giỏi biện bác, đàm luận sắc bén, nhưng Y lời lẽ ôn hòa, lập trường kiên định, đối đáp hữu lý, chẳng chịu khuất phục.

Y biệt truyện chép: Tôn Quyền thường rót rượu ngon cho Y, chuốc tới say sưa, rồi hỏi quốc sự, cùng đàm luận việc đương thời, hết câu này tới câu khác. Y mượn cớ say rượu từ chối đáp lại, khi về chép lại lần lượt các câu hỏi, nhất nhất trả lời, chẳng bỏ sót điều gì.

Quyền rất tán thưởng, bảo Y rằng: Ngài thật là hiền tài của thiên hạ, tất sẽ là cánh tay đắc lực của Thục triều, chỉ sợ không thường đến với ta nữa.

Y biệt truyện chép: Quyền rút bảo đao vẫn thường đeo bên người tặng cho Y, Y nói: Thần vốn bất tài, chẳng thể kham nổi vinh dự này. Bảo đao vốn để thảo phạt kẻ nghịch tặc, diệt trừ bạo loạn, chỉ mong đại vương gắng dựng nghiệp lớn, cùng hưng Hán thất, thần tuy ngu muội yếu nhược, song chết cũng chẳng dám phụ Đông Ngô.

Y về nước, được thăng làm thị trung. Lượng ở phương bắc đóng quân tại Hán Trung, xin cho Y làm tham quân. Bởi đi sứ không nhục mệnh vua, Y vẫn thường được làm sứ giả sang Ngô giao hảo. Năm Kiến Hưng thứ tám, chuyển làm Trung hộ quân, sau lại làm Tư mã. Tướng quân Ngụy Diên và Trưởng sử Dương Nghi vốn căm ghét nhau. Mỗi lúc ngồi bàn bạc xảy ra tranh cãi, Diên giơ đao dọa giết Nghi, còn Nghi cũng tức giận phát khóc. Y thường ngồi vào giữa hai người, khuyên can phân tích, suốt thời Lượng còn sống khiến Diên, Nghi đều tận sức mà chẳng xâm phạm nhau, là công Y khuyên giải vậy. Lượng mất, Y làm hậu quân sư. Sau đó không lâu, Đại tướng Uyển lấy Y làm thượng thư lệnh.

Y biệt truyện chép: Dù việc nước việc quân bề bộn, công vụ chất chồng, nhưng Y thức ngộ hơn người, đọc sách vở, ghi chép, chỉ đưa mắt liếc qua là nắm được nội dung, nhanh hơn nhiều so với người bình thường, lại ghi nhớ không quên. Thường chỉ xét việc từ sáng sớm tới quá trưa, trong lúc ấy vẫn có thể tiếp đãi tân khách, ăn uống vui đùa, còn có thể chơi cờ, vui vẻ với từng người một, mà chẳng hề bỏ sót việc công. Đổng Duẫn thay Y làm Thượng thư lệnh, muốn học cách làm của Y, chỉ trong một tuần, công việc trễ hẹn chất chồng. Duẫn bèn than: Năng lực con người sao cách nhau xa vậy, ta chẳng thể bằng Y được. Ta xét việc cả ngày, mà chẳng rảnh được chút nào ư. 

Uyển từ Hán Trung về Phù Huyện, Y được thăng làm Đại tướng quân, coi việc sáu bộ (2).

Năm Duyên Hi thứ bảy, quân Ngụy xâm phạm Hưng Thế, Y được ban cờ tiết, đưa binh chống cự. Quang Lộc đại phu Lai Mẫn tới từ biệt Y, mời chơi một ván cờ vây. Lúc ấy công văn khẩn cấp chuyển đi chuyển lại, người ngựa đóng sẵn giáp trụ, chỉ đợi xuất quân, Y vẫn đánh cờ tập trung với Mẫn, mặt chẳng hề lộ vẻ căng thẳng mỏi mệt. Mẫn nói: Tôi chỉ thử ngài đó thôi! Ngài là người tự tin, tất sẽ đánh đuổi được phản tặc. Y tới, địch phải rút lui, Y được phong là Thành Hương hầu.

Ân Cơ thông ngữ chép: Tư Mã Ý kể tội, giết Tào Sảng, Y đặt Giáp Ất (3) để bình luận thị phi việc ấy. Giáp cho rằng, anh em Tào Sảng vốn là người tầm thường, phẩm chất thấp kém, nhờ có họ với Vua nên được di chiếu phò ấu chúa (4), vậy mà lại kiêu căng ngạo mạn, xa hoa dâm dật, lộng chức lộng quyền, kết giao với những người bất chính, thu thập bè đảng, âm mưu loạn quốc. Ý hăng hái diệt trừ, chỉ một sớm một chiều là xong, vừa xứng với trọng nhiệm (5), lại thỏa lòng trông mong của kẻ sĩ, người dân vậy. Ất cho rằng, Ý giận Tào chẳng phó thác cho riêng Ý đại quyền, sao để Sảng cùng tham dự? Đã chẳng thể chuyên quyền, ngọc sẽ có vết (6) vậy. Chẳng một lời cảnh báo giáo huấn, chỉ một buổi sáng tiến hành đồ lục, xuất kỳ bất ý, há là việc của đại thần kinh quốc (7) ư! Ví như Sảng thật có lòng mưu tính, muốn làm việc đại nghịch, chỉ trong ngày khởi sự, tất Phương (8) lọt vào tay huynh đệ Sảng. Phụ tử Ý đóng cửa xuất binh, kính cẩn mà hướng tới Phương (9), tất chẳng có sơ hở, đó chẳng phải là việc của kẻ trung thần nên vì Vua mà làm ư? Cứ đó mà xét, Sảng chẳng phải là kẻ đại ác vậy. Nếu Ý thấy Sảng xa hoa tiếm quyền, có thể phế đi, xử theo phép nước. Nhưng Ý giết cả trẻ thơ, lại đội cho cái tiếng bất nghĩa mà giết cả họ Tử Đan (10), đến như con Hà Yến vốn là cháu ngoại vua Ngụy, cũng bị chém cùng, thực là tiếm quyền lạm dụng quá đáng vậy. (11)

Uyển cố nhượng chức cho Y, Y lên làm thứ sử Ích châu. Y gánh vác quốc gia, công lao danh tiếng, chẳng kém gì Uyển.

Y biệt truyện chép: Y tính tình hòa nhã, khiêm cung trong sạch, trong nhà chẳng tích của cải. Y cho Con cái đều mặc áo vải, ăn cơm thường, ra vào chẳng có xe ngựa tùy tùng, chẳng khác gì người bình thường.

Năm (Duyên Hi) thứ mười một, ra ở Hán Trung. Từ Uyển tới Y, tuy ở ngoài triều, nhưng mọi việc lễ, khen thưởng trừng phạt, đều ra xa xin xét đoán trước, rồi mới thi hành, hai người đều được tin tưởng như thế. Mùa hè năm (Duyên Hi) thứ mười bốn, Y về Thành Đô, các quan chiêm tinh xem thiên văn nói kinh thành chưa nên có ngôi tể tướng, bởi thế đến mùa đông Y lại về phương bắc trấn thủ Hán Thọ. Năm Duyên Hi thứ mười lăm, (Hậu chủ) cho Y mở phủ. Tại lễ mừng thọ Y sáu mươi tuổi, hàng tướng Ngụy là Quách Tuần cũng ở đó. Y vui vẻ uống rượu say sưa, bị Tuần đâm chết, được đặt thụy là Kính Hầu. Con nối dõi Y là Thừa, làm Hoàng môn thị lang. Em Thừa là Cung, được lấy công chúa.

Y biệt truyện chép: Cung làm Thượng thư lang, nổi danh đương thời, nhưng mất sớm. Con gái lớn của Y lấy thái tử Tuyền, làm phi.

Chú thích: 
(1) Tức là Đổng Doãn theo bản dịch Tam Quốc diễn nghĩa của các cụ Phan Kế Bính, Bùi Kỷ. Trong Tam Quốc Chí của Trần Thọ tên ông là Đổng Duẫn.
(2) Đoạn này nói về lúc Uyển bệnh nặng, Hậu chủ thăng Y lên chức của Uyển để chuẩn bị tiếp nhiệm đại quyền.
(3) Đặt Giáp Ất nghĩa là đặt ra các giả thuyết, góc nhìn khác nhau. Ví dụ Giáp là góc nhìn thứ nhất thì Ất là góc nhìn thứ hai .v.v.
(4) Quốc tính nhà Ngụy là Tào. Tào Sảng vốn là con của Tào Chân, tài năng tầm thường nhưng có họ hàng thân thích với nhà vua, nên khi Tào Duệ (con Tào Phi) mất, thác cô con nhỏ là Tào Phương cho đại tướng quân Tào Sảng và Thái úy Tư Mã Ý.
(5) Chỉ việc Tư Mã Ý được di mệnh phò ấu chúa.
(6) Ý nói quyền lực phải chia sẻ, chẳng khác gì ngọc có tì vết không được trọn vẹn.
(7) Ý nói Tư Mã Ý là đại thần được di mệnh, lẽ ra phải lo việc sửa trị quốc gia, lại đi đấu đá diệt trừ đối thủ mà chẳng một lời nhắc nhở giáo huấn trước.
(8) Tào Phương, Ngụy Minh Đế, con nuôi của Tào Duệ.
(9) Ý nói bí mật đưa binh bảo vệ Tào Phương.
(10) Tử Đan là tên tự của Tào Chân, phụ thân Tào Sảng.
(11) Đoạn này phê phán Tư Mã Ý một cách nặng nề. Đây là chú giải của Bùi Tùng Chi sau này thêm vào, nên nói tới Tư Mã Ý một cách thẳng thắn, không như Trần Thọ ở đời Tấn viết Tam Quốc Chí phải tránh nói về Tư Mã Ý. Trong đoạn này Phí Y nêu các quan điểm khác nhau về việc Tư Mã Ý diệt Tào Sảng, rồi bình luận các quan điểm đó, cho rằng Ý mới chính là người lộng quyền tham chức.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.