Header Ads

Lưu Phong Truyện


Lưu Phong, vốn là con của La hầu họ Khấu, là cháu ngoại của Lưu thị ở Trường Sa. Tiên chủ đến Kinh châu, bởi chưa có người kế tự, mới nhận Phong làm con nuôi. Khi Tiên chủ vào Thục, từ Hà Manh quay về tấn công Lưu Chương, bấy giờ Phong mới ngoài hai mươi tuổi, có võ nghệ, khí lực hơn người, được cầm binh cùng với bọn Gia Cát Lượng-Trương Phi ngược sông tiến về phía Tây, thắng trận ở xứ ấy. Ích châu đã định, Tiên chủ lấy Phong làm Phó quân Trung lang tướng.

Khi trước, Lưu Chương phái người ở Phù Phong là Mạnh Đạt làm phó cho Pháp Chính, mỗi người mang theo hai nghìn người, sai đến nghênh đón Tiên chủ(1), Tiên chủ nhân đó lệnh cho Đạt lĩnh số binh ấy, lưu lại đóng ở Giang Lăng. Sau khi bình Thục, lấy Đạt làm Thái thú Nghi Đô. Năm Kiến An thứ hai mươi bốn, lệnh cho Đạt từ phía Bắc Tỷ Quy tấn công Phòng Lăng, Thái thú Phòng Lăng là Khoái Kỳ bị quân của Đạt giết tại chỗ, Đạt lại tiến công Thượng Dung, Tiên chủ sợ một mình Đạt khó nên việc, bèn sai Phong từ Hán Trung xuôi theo Miện Thuỷ hợp với quân của Đạt, cùng với Đạt hội quân ở Thượng Dung. Thái thú Thượng Dung là Thân Đam dẫn binh sỹ ra hàng, đưa vợ con cùng họ tộc đến ở Thành Đô(2). Tiên chủ thăng Đam làm Chinh Bắc tướng quân, lĩnh chức Thái thú Thượng Dung tước Viên hương hầu như cũ, lấy em của Đam là Nghi làm Kiến tín tướng quân, Thái thú Tây Thành, đổi Phong làm Phó quân tướng quân.

Bởi Quan Vũ vây Phàn Thành-Tương Dương, liên tục gọi Phong-Đạt, lệnh phải phát binh trợ giúp. Phong-Đạt từ chối rằng sơn quận mới theo về, chưa dám kinh động, không theo lệnh Vũ. Đến khi Vũ bại trận, Tiên chủ oán giận hai người. Gặp lúc Phong với Đạt giận nhau bất hoà, Phong định cướp cờ và trống của Đạt(3). Đạt đã sợ tội, lại căm giận Phong, bèn dâng biểu từ biệt Tiên chủ, dẫn binh ở đó tới hàng Nguỵ.

Nguỵ lược chép lại bài biểu từ giã Tiên chủ của Đạt rằng: “Cúi mong điện hạ sớm dựng nghiệp Y-Lã, theo được công nghiệp của Hoàn-Văn(4), khởi đầu đại sự, mượn thế Ngô-Sở, bởi thế được những kẻ sỹ nhìn xa hiểu rộng theo về(5). Thần từ lúc theo về đến nay, tội lỗi chất chồng như núi, thần còn tự biết như thế, huống hồ bậc quân vương! Nay vương triều hưng thịnh, anh tài đầy rẫy, mà thần thì trong không có tài phò tá, ngoài không đủ tài làm tướng, thế mà được xếp vào hạng công thần, tự lấy làm hổ thẹn lắm vậy. Thần nghe rằng Phạm Lãi biết lui về ở ẩn, chu du nơi Ngũ Hồ; Cữu Phạm tạ tội, quanh quẩn trên sông(6). Ôi, khi gặp gỡ xum họp, cũng là lúc xin khất thân bái biệt. Là cớ vì sao? Ấy bởi đã biết sâu sắc đến cái lẽ tiến lui tan hợp vậy. Phương chi thần là kẻ ti bỉ, chẳng có công lao to lớn, đem thân vương vào việc đời, trộm ái mộ các bậc tiên hiền, nghĩ sâu xa lại càng thêm xấu hổ. Xưa Thân Sinh chí hiếu mà bị người thân ngờ vực, Tử Tư chí trung mà bị quân vương tru diệt, Mông Điềm mở mang bờ cõi mà chịu đại hình, Nhạc Nghị phá Tề mà vô cớ bị kẻ nịnh thần xúc xiểm dèm pha(7), thần mỗi khi đọc sách ấy, không khỏi cảm khái bùi ngùi rơi lệ, mà nay thân mình cũng như vậy, lại càng cảm thấy xa xót thương đau. Vì sao đây? Việc Kinh châu nghiêng đổ, đại thần thất tiết, trăm người không về được một. Thần nghĩ rằng, tự trả lại đất Phòng Lăng-Thượng Dung, mà giữ lấy tấm thân, buông mình tại ngoại. Cúi mong điện hạ rủ thánh ân, xót thương tâm cảnh của thần, mà đoái thương cho việc thần đã làm vậy. Thần là kẻ tiểu nhân, chẳng thể thuỷ chung, biết sai mà vẫn làm, đâu dám chối mình không có tội! Thần thường nghe rằng tuyệt giao thì không nói xấu nhau, kẻ bầy tôi bỏ đi cũng chẳng nên ta oán, thần nhớ lời người quân tử dạy thế, mong quân vương hãy cố gắng lên.”

Nguỵ Văn đế khen Đạt có phong tư tài mạo, lấy làm Tán kỵ Thường thị, Kiến vũ tướng quân, phong làm Bình Dương Đình hầu. Lại gộp ba quận Phòng Lăng-Thượng Dung-Tây Thành làm quận Tân Thành, lấy Đạt làm Thái thú Tân thành. Rồi phái Chinh nam Tướng quân Hạ Hầu Thượng, Hữu tướng quân Từ Hoảng cùng với Đạt đánh Phong.

Đạt gửi thư cho Phong rằng: "Cổ nhân có câu: ‘Sơ bất gián thân, tân bất gia cựu(8). Thế nên người trên sáng suốt mà kẻ dưới chính trực, thì lời dèm pha nhảm nhí chẳng thể được thi hành. Còn như bậc quân chủ quyền biến quỷ quyệt, dù là cha hiền yêu con, thì dẫu có là trung thần có công cũng lo mắc hoạ, hiếu tử có lòng nhân cũng gặp nguy nan, Chủng-Thương-Bạch Khởi-Hiếu Kỷ-Bá Kỳ, đều là hạng ấy vậy(9). Những việc như thế, chẳng phải cốt nhục dính liền, chung vui chung lo trong hoạn nạn hay sao. Ngờ rằng khi lòng yêu đã hết thì tình thân sẽ đổi thay, cũng là lúc có lời gièm pha ly gián, dẫu biết trung thần chẳng thể rời bỏ chúa, hiếu tử chẳng thể lìa cha. Song vì cái lợi hơn người, thân thích còn biến ra thù nghịch, huống chi chẳng phải là kẻ thân gần! Xưa kia Thân Sinh-Vệ Cấp-Ngự Khấu- Sở Kiến ở cái thế nhận ngôi kế thừa, đang được lập làm nối tự chính thống, mà còn như thế(10). Nay túc hạ cùng Hán Trung Vương, về đạo lý chỉ là kẻ qua đường mà thôi, thân chẳng phải cốt nhục mà nắm giữ thế nắm quyền, nghĩa chẳng phải vua tôi mà ở ngôi cao, chinh chiến lập uy ở xa thì bị đối xử thiên lệch, ở gần chỉ giữ danh hiệu Phó quân, xa gần đều nghe được như thế. Bởi đã lập A Đẩu làm Thái tử, những kẻ có tri thức đều thấy lạnh lòng. Nếu như Thân Sinh theo lời Tử Dư, hẳn đã làm thái bá; Vệ Cấp nghe mưu của em, chẳng phụ thân nào có thể trách chê(11). Lại như Tiểu Bạch bôn tẩu ra ngoài, khi trở về được làm Bá; Trùng Nhĩ vượt tường, mà sau này phục nghiệp(12). Tự xưa đã thế, chẳng phải chỉ bây giờ mới có vậy. Kẻ có trí quý ở chỗ tránh được hoạ, sáng suốt hơn người ở chỗ sớm thấu hiểu lý lẽ; kẻ hèn này liệu rằng Hán Trung Vương lo việc yên định bên trong, mà ngờ vực kẻ ở bên ngoài; lo việc yên định thì trong lòng cố chấp, ngờ vực kẻ khác thì sinh lòng sợ hãi; họa loạn dấy lên, chưa bao giờ không phải là ở lúc phế lập vậy. Cái tình đời oán giận riêng tư, chẳng thể nào không thấy, sợ rằng tả hữu tất có kẻ dèm pha với Hán Trung Vương vậy. Thế thì vì nghi ngờ nên khi nghe lời oán giận, lời ấy tự nhiên sẽ như rót vào tai. Nay túc hạ ở xa, bề trên có thể giả vờ vỗ về nhất thời; nhược bằng đại quân tiến tới, túc hạ quay về mà chẳng có chỗ dựa, thiết tưởng cái nguy đã cận kề. Xưa Vi Tử bỏ nhà Ân, Trí Quả lìa tông tộc, là lìa mối nguy tránh tai vạ, cũng đều là như thế đấy(13). Nay túc hạ quên bỏ cha mẹ mà theo người khác, là phi lễ vậy; biết họa sắp tới mà vẫn lưu lại, là bất trí vậy; thấy lẽ phải chẳng theo mà còn ngờ vực, là phi nghĩa vậy. Tự hào là kẻ trượng phu, mà phạm ba điều ấy, sao còn đáng trọng đây? Cứ như cái tài của túc hạ, nếu liều thân sang đông, kế nghiệp La hầu, ấy là không bội bạc với người thân; ngoảnh mặt về bắc thờ vua, là đúng với kỷ cương, đó là không quên gốc cũ vậy; giận mà không loạn, để tránh nguy vong, đó là không phạm tội vậy. Lại thêm bệ hạ mới nhận ngôi trời(14), khiêm tốn bao dung, lấy đức phủ khắp nơi xa, nếu túc hạ mau chóng hướng về, chẳng phải chỉ ngang bằng với kẻ hèn này, được nhận phong ba trăm hộ, nối theo cai trị La quốc mà thôi, mà còn chẻ phù với đại bang, làm một tân vương(15). Bệ hạ là đại hoàng đế, chấn động cổ kim, nay đương chuyển quân ra vùng Uyển-Đặng; nếu hai kẻ địch kia chẳng chịu khuất phục(16), binh sĩ sẽ chẳng quay về. Túc hạ nên nhân lúc này sớm định kế hay. Kinh Dịch có câu: 'Lợi kiến đại nhân(17)'; Kinh Thi có câu: 'Tự cầu đa phúc(18)', chính là như vậy đó. Nay túc hạ gắng theo đường đúng, chớ nên bắt chước Hồ Đột đóng cửa không ra đến bên ngoài."

Phong không nghe lời Đạt.

Quốc Ngữ chép: Trí Tuyên tử sắp lập Dao làm con nối tự, Trí Quả nói: “Chẳng bằng lập Tiêu vậy”. Tuyên tử nói: “Tiêu vốn ngang ngược”. Đáp rằng: “Tiêu chỉ ngang ngược ngoài mặt mà thôi, Dao có năm điều hơn người, lại có một điều chẳng bằng người ta vậy. Râu đẹp mà dài là hơn người, đánh xe bắn cung đều tài là hơn người, nhiều kỹ nghệ gồm đủ là hơn người, xảo trá biện bác lanh lẹ là hơn người, mạnh mẽ cương nghị quả cảm là hơn người, đã thế lại vô cùng bất nhân. Đã có năm điều lấn áp người ta, mà lại hành động bất nhân, thế thì còn ai mong đợi được gì nữa! Nếu quả quyết lập Dao, tông tộc họ Trí tất bị diệt!” Tuyên tử không nghe. Trí Quả bỏ tộc, đến quan Thái sử xin đổi làm họ Phụ. Lúc họ Trí diệt vong, duy chỉ có Phụ Quả được yên.

Thân Nghi làm phản Phong, Phong thua trận chạy về Thành đô. Thân Đam ra hàng Nguỵ, Nguỵ tạm phong Đam làm Hoài Tập tướng quân, rời đến Nam Dương, Nghi làm Thái thú Nguỵ Hưng, tấn phong Chân hương hầu (Viên hương hầu), đóng quân ở Tuân Khẩu.

Ngụy lược chép: Anh của Thân Nghi tên là Đam, tự Nghĩa Cử. Khi trước ở Tây Bình-Thượng Dung tụ tập được mấy nghìn binh, sau cùng với Trương Lỗ thông đồng, lại sai sứ đến chỗ Tào công, Tào công ban thêm cho danh hiệu Tướng quân, nhân đó sai lĩnh chức Đô úy Thượng Dung. Đến năm Kiến An mạt, vì bị Thục vây đánh, mới đem quận ấy lệ thuộc phương Tây(19). Năm Hoàng Sơ trung, Nghi lại về hàng(20), lập tức có chiếu ban cho Nghi tôn hiệu cũ của anh, nhân đó cho làm Thái thú Ngụy Hưng, phong tước Liệt hầu. Năm Thái Hòa trung, Nghi cùng với Mạnh Đạt bất hòa, mấy lần dâng tấu rằng Đạt có nhị tâm định về Thục, lúc Đạt làm phản, Nghi cắt đứt đường sang Thục, khiến quân cứu không tới được. Sau khi Đạt chết, Nghi đến Uyển Thành diện kiến Tư Mã Tuyên Vương, Tuyên Vương khuyên Nghi vào triều. Nghi đến kinh sư, có chiếu thăng Nghi lên làm Lâu thuyền tướng quân, việc ấy thuận lễ thuận tình.

Phong về tới Thành Đô, Tiên chủ trách Phong đã xâm lấn Đạt, lại không cứu Vũ. Gia Cát Lượng lo rằng Phong vốn cương cường dũng mãnh, sau này thời thế đổi thay rút cục khó mà chế ngự nổi, khuyên Tiên chủ nhân việc ấy trừ bỏ đi. Bởi thế Tiên Chủ ban cho Phong cái chết, được tự xử. Phong than rằng: "Ta hận rằng không theo lời của Mạnh Tử Độ". Tiên chủ vì lời ấy mà sa lệ. Đạt trước có tự là Tử Kính, vì kiêng tên chú của chú ruột Tiên chủ là Kính, mới đổi đi.

Con Phong là Lâm làm Nha môn tướng, năm Hàm Hi nguyên niên dời về Hà Đông. Con Đạt là Hưng làm Nghị đốc quân, năm ấy dời về Phù Phong.

Chú thích:
(1) Đây là lúc Chương đến cầu thân với Bị, mời Bị vào Thục.
(2) Gửi vợ con, người thân làm con tin.
(3) Cướp cờ trống tức là cướp ấn tướng quân vậy, có lẽ là theo lệnh của Bị.
(4) Y Doãn, Lã Vọng là những khai quốc công thần nổi tiếng đời nhà Thương, nhà Chu. Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, đều là những vị vua nổi danh đời Xuân Thu, dựng được nghiệp bá, sai khiến chư hầu.
(5) Nguyên văn: ‘thâm đổ quy thú’ tức là thấy lẽ sâu xa quy thuận.
(6) Phạm Lãi là công thần của nước Việt cuối thời Xuân Thu, giúp Câu Tiễn phục quốc đánh diệt nước Ngô, sau đi chơi Ngũ Hồ để tránh vạ sát thân. Cữu Phạm tức Hồ Yển, người nước Tấn thời Xuân Thu, từng theo công tử Trùng Nhĩ bôn ba lưu lạc mấy mươi năm, rồi giúp đỡ Trùng Nhĩ trở về Tấn lên ngôi vua, sau tránh tội, bỏ đi.
(7) Thân Sinh là công tử nước Tấn thời Xuân Thu, rất có hiếu, vì bị mẹ kế ghét bỏ, sau bị cha ngờ vực phải chết. Ngũ Tử Tư, người nước Sở thời Chiến Quốc, sau là trung thần giúp vua nước Ngô là Phù Sai diệt nước Sở, thế mà về sau bị vua nước Ngô giết chết. Mông Điềm là con trưởng của Tần Thuỷ Hoàng, có công xây đắp Vạn Lý trường thành, đánh rợ Hồ để bảo vệ và mở mang bờ cõi nước Tần, bị gian thần Triệu Cao và Lý Tư hại chết. Nhạc Nghị là người thời Chiến Quốc, có công giúp vua nước Yên đang suy yếu mà đánh hạ được bảy mươi hai thành của nước Tề, sau bị gian thần sàm tấu hãm hại.
(8) Người sơ chẳng bon chen được với người thân, người mới chẳng tranh hơn được với người cũ.
(9) Văn Chủng người cuối thời Xuân Thu, thờ vua Việt, giúp Việt Vương đánh bại Phù Sai, nên nghiệp lớn, bị vua Việt bức chết; Thương Ưởng người nước Vệ thời Chiến Quốc, thờ vua Tần, đưa nước Tần lên hàng Bá chư hầu, sau bị vua Tần giết; Bạch Khởi là danh tướng bậc nhất nước Tần, lập vô số chiến công giúp vua Tần, sau cũng bị vua Tần hại chết; Hiếu Kỷ là con vua Vũ Đinh thời nhà Thương, rất có hiếu, bị dèm pha, chịu kiếp lưu đày mà chết; Bá Kỳ là đại quan nhà Chu, thờ mẹ kế rất hiếu, cha nghe lời mẹ kế vu hãm mà đày ải Bá Kỳ.
(10) Thân Sinh, xem chú ở trên; Vệ Cấp là thế tử nước Vệ, bị thiếp yêu của Vệ Tuyên Công dèm pha phải chết; Ngự Khấu là thế tử nước Trần, bị Trần Tuyên Công nghi có âm mưu cướp ngôi, bị giết; Sở Kiến là thế tử nước Sở, bị Phí Vô Cực dèm pha, sau bị Sở Bình Vương giết. Đều là các tích cổ thời Xuân Thu.
(11) Thân Sinh, xem chú trên; Tử Dư là tự của Triệu Thôi, đại thần nước Tấn; Vệ Cấp, xem chú ở trên; Em của Vệ Cấp là công tử Thọ, biết được anh mình sắp bị vua cha giết, khuyên anh trốn đi, Vệ Cấp không nghe, Thọ đi chết thay anh, Vệ Cấp sau vẫn bị giết.
(12) Tiểu Bạch tức là Tề Hoàn Công, xem chú trên; Trùng Nhĩ tức Tấn Văn Công xem chú trên.
(13) Vi Tử là quan nhà Ân, Trụ Vương tàn ác, Vi Tử can không được nên đóng cửa bỏ đi, tránh được nạn. Trí Quả là người nhà Trí Bá, đời Chiến Quốc, vì lìa bỏ Trí Bá nên khi họ Trí bị ba nhà Hàn, Nguỵ, Triệu diệt, Trí Quả thoát khỏi hoạ hoạn.
(14) Tào Tháo chết, Tào Phi lên thay, xưng Đế thay Hán Hiến đế, lúc ấy Mạnh Đạt đến hàng.
(15) Đạt dỗ dành Phong rằng nếu như Phong theo Ngụy sẽ được phong vương ở quê cha đất tổ, nối nghiệp La hầu.
(16) Đạt ý nói hai nhà Tôn-Lưu.
(17) Câu này khó hiểu, Dịch giảng là Rồng bay trên trời, ấy là điềm có người lên ngôi chí tôn.
(18) Tự cầu lấy phúc lộc cho mình.
(19) Thục lấy được Hán Trung, đánh lấy Thượng Dung, Nghi theo về với Thục.
(20) Thục mất Kinh châu, đánh mất Thượng Dung, Nghi lại hàng Nguỵ.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.