Header Ads

Tào Duệ Truyện


Minh Hoàng Đế huý Duệ(1), tự Nguyên Trọng, là Thái Tử con của Văn Đế(2). Thái Tổ (3) lúc sinh thời rất yêu thương, thường gọi đến bên cạnh.

Nguỵ Thư chép(4): Đế sinh ra được hơn một năm đã có khí chất hơn người. Vũ Hoàng Đế(5) lấy làm lạ, nói rằng: ''Mày là căn bản ở đời thứ ba của ta đây.'' Mỗi lần hội họp bày yến tiệc trong triều đều cho Đế ngồi cùng hàng Thị Trung cận thần trong trướng. Đế học rộng biết nhiều, đặc biệt chăm chú vào việc sửa sang hinh luật.

Năm mười lăm tuổi, được phong Vũ Đức Hầu. Đến năm Hoàng Sơ(6) thứ hai làm Tề Công, năm Hoàng Sơ thứ ba làm Bình Nguyên Vương. Bởi vì mẹ bị giáng tội cho nên chưa được lập làm người kế thừa.

Nguỵ Lược(7) chép: Văn Đế thấy Quách Hậu không có con, ra chiếu sai chăm sóc nuôi dưỡng Đế. Đế vì mẹ không được chết lành, trong lòng rất bất bình, sau không bị bãi chức, liền cung kính mà thờ Quách Hậu, sớm tối thường luôn nương tựa thăm hỏi. Quách Hậu cũng thấy mình chẳng có con, bèn càng thêm từ ái. Văn Đế lúc đầu không yêu Đế, có ý muốn lấy người con của Từ Cơ là Kinh Triệu Vương làm người thừa kế, vì vậy rất lâu không lập Thái Tử.

Nguỵ Mạt Truyện(8) chép: Đế thường theo Văn Đế đi săn, (có lần) thấy mẹ con con hươu. Văn Đế bắn chết con hươu mẹ, sai Đế bắn hươu con. Đế không tuân lời nói: ''Bệ Hạ đã giết mẹ, thần không nhẫn tâm lại giết cả con.'' Rồi rơi lệ khóc. Văn Đế liền ném cung tên, lấy đó là điều cực thiện mà có ý lập làm người kế nghiệp.

Năm Hoàng Sơ thứ bảy, mùa hạ, tháng năm, Văn Đế bệnh nặng bèn lập Đế làm Hoàng Thái Tử. Đến ngày Đinh Tỵ thì lên ngôi hoàng đế, đại xá thiên hạ, Tôn Hoàng Thái Hậu làm Thái Hoàng Thái Hậu, tôn Hoàng Hậu làm Hoàng Thái Hậu. Mọi thần tử đều được gia phong theo thứ bậc.

Thế Ngữ(9) chép: Đế cùng kẻ sĩ trong triều vốn không có qua lại. Sau khi Đế kế vị, quần thần mong muốn được thấy phong thái. Được vài ngày, Đế chỉ tiếp kiến riêng Thị Trung Lưu Diệp, bàn luận hết cả ngày. Mọi người ở bên ngoài lắng nghe. Đến khi Diệp ra hỏi: ''Thế nào?'' Diệp nói: ''Hàng như Tần Thuỷ Hoàng, Hán Hiếu Vũ(10) tài sợ rằng cũng không bằng được.''

Sau khi Đế lên ngôi, truy thuỵ mẹ là Chân Thị Phu Nhân là Văn Chiêu Hoàng Hậu. Ngày Nhân Thìn, lập hoàng đẹ là Nhuỵ làm Dương Bình Vương.

Tháng tám (năm ấy), Tôn Quyền đánh quận Giang Hạ. Thái Thú Văn Sính kiên cường phòng thủ. Triều đình bàn luận muốn phát quân cứu viện. Đế nói: ''Quyền thạo thuỷ chiến, sở dĩ dám bỏ thuyền lên bộ tấn công, là chỉ trông mong đánh úp lúc không phòng bị mà thôi. Nay cùng với Sính giằng co, hình thế công thủ càng khó khăn hơn, cuối cùng chẳng dám ở lâu đâu.'' Trước hết sai Trị Thủ Thị Ngự Sử Tuân Vũ ra uý lạo quân dân biên giới. Vũ đến nơi, ở Giang Hạ dẫn quân sở tại cùng binh sĩ bộ kỵ đi theo hơn nghìn người lên núi đốt lửa. Quyền lui quân bỏ chạy.

Ngày Tân Tỵ (tháng ấy), lập Hoàng Tử Duật làm Thanh Hà Vương. Bọn tướng Ngô là Gia Cát Cẩn, Trương Bá quấy phá Tương Dương. Phủ Quân Đại Tướng Quân Tư Mã Tuyên Vương(11) đánh dẹp phá được, chém đầu Bá. Chinh Đông Đại Tướng Quân Tào Hưu lại phá được cánh quân phụ (của Ngô) ở Tầm Dương. Luận công ban thưởng các tướng theo thứ tự. Mùa đông, tháng mười, Thanh Hà Vương Duật băng. Tháng mười hai lấy Thái Uý Chung Dao làm Thái Phó, Chinh Đông Đại Tướng Quân Tào Hưu làm Đại Tư Mã, Trung Quân Đại Tướng Quân Tào Chân làm Đại Tướng Quân, Tư Đồ Hoa Hâm làm Thái Uý, Tư Không Vương Lãng làm Tư Đồ, Trấn Quân Đại Tướng Quân Trần Quần làm Tư Không, Phủ Quân Đại Tướng Quân Tư Mã Tuyên Vương làm Phiêu Kỵ Đại Tướng Quân.

Năm Thái Hoà(12) nguyên niên, mùa xuân, tháng giêng, hợp tế Vũ Hoàng Đếvà Trời ở đàn Giao, hợp tế Văn Hoàng Đế và thượng đế ở miếu tổ tông. Phân chia Giang Hạ Nam Bộ, đặt chức Đô Uý ở nam bộ Giang Hạ. Người ở Tây Bình là Khúc Anhs làm phản, giết chết quan Lệnh ở Lâm Khương và quan Trưởng ở Tẩy Đô. Sai tướng quân Hác Chiêu, Lộc Bàn đánh dẹp chém được. Tháng hai năm ấy, ngày Tân Mùi, Đế cày ruộng tịch điền. Ngày Tân Tỵ, lập miếu thờ Văn Chiêu Hoàng Hậu ở Nghiệp Quận. Ngày Đinh Hơi, tế thần mặt trời ở Đông Giao. Mùa Hạ, tháng tư, ngày Ất Hợi, làm ra đồng tiền Ngũ Thù(13). Ngày Giáp Thân bát đầu kiến thiết tông miếu. Mùa thu, tháng tám tế mặt trăng ở Tây Giao. Mùa đông, tháng mười sửa soạn duyệt binh ở Đông Giao. Tháng mười một, lập Mao Thị làm Hoàng Hậu. Gia phong cho đàn ông có chức tưổctng thiên hạ thêm hai cấp, lại ban gạo cho người goá vợ, kẻ goá chồng cô độc không thể tự nuôi sống. Tháng mười hai, phong thêm cho cha của Mao Hậu làm Liệt Hầu. Thái Thú Tân Thành là Mạnh Đạt làm phản. Ban chiếu sai Phiêu Kỵ Tướng Quân Tư Mã Tuyên Vương đi đánh dẹp.

Tam Phụ Lục Quyết(14) chép: Bá Lang người Lương Châu, tiếng tăm chẳng được tốt lành. Sách ấy lại chú rằng: Bá Lang họ Mạnh tên Tha, người ở Phù Phong. Thời Linh Đế, Trung Thường Thị Trương Nhượng một mình nắm giữ triều chính. Bọn Giám Nô của Nhượng quản lý việc nhà cho Nhượng. Tha đường công danh không thành đạt, bèn tận hết gia tài đút lót cho bọn Giám Nô này, cùng với chúng kết thân. Gia nghiệp lâu năm vì thế mà huỵ hoại hết. Bon Giám Nô đều hổ thẹn, hỏi xem Tha muốn gì. Tha nói: ''Chỉ muốn được các ngài bái chào thôi.'' Bọn Giám Nô chịu ơn Tha đã lâu, đều hứa đồng ý. Đương thời tân khách đến cầu kiến Nhượng xuống xe trước cổng thường đến hàng trăm, có khi đợi cả ngày chưa được qua cửa. Tha đến sau cùng. Bọn Giám Nô chờ lúc Tha đến, đều ra đón xe bái chào, đưa thẳng một mình xe Tha vào trong. Mọi người tất thảy đều giật mình, cho rằng Tha Thân thiết với Nhượng nên tranh nhau đem đồ trân bảo đến tặng cho Tha. Tha được những thứ ấy, đem hối lộ Nhượng hết. Nhượng rất mừng. Tha lại tặng Nhượng một bầu rượu bồ đào, liền được bái làm Thứ Sử ở Lương Châu. Tha sinh ra Đạt, từ nhỏ đã vào Thục. Sự tích của Đạt ở Thục được chép trong Lưu Phong truyện.

Nguỵ Lược chép: Vào năm Diên Khang(15) nguyên niên, Đạt dẫn bộ thuộc hơn bốn nghìn nhà quy thuận Nguỵ. Văn Đế lúc bấy giờ mới lên ngôi Nguỵ Vương nhưng từ trước đã biết tiếng Đạt, nghe tin Đạt đến rất mừng, bèn sai trọng thần có kiến thức ra quan sát kiểm tra. Những người ấy trở về nói: ''Có tài năng làm tướng hiệu'' hoặc ''Có khí chất bậc công khanh''.Vương lại càng thêm kính trọng Đạt, viết thư nghêng đón Đạt rằng: ''Gần với mặt trời cũng là có số mạng, chưa đủ để nói là đặc biệt hiển vinh. Sao lại thế? Xưa Y Chí bội Thương mà theo Chu, Bách Lý rời Ngu mà đến Tần, Nhạc Nghị thương túi da(16) mà thành xác ve, Vương Tuân(17) biết phải trái mà xét đi về đều là những người hiểu rõ việc hưng phế mà cống hiến đúng nơi, phân biệt được lẽ tất nhiên của chuyện thành bại. Vì vậy nét đan thanh chép lại hinh dung, sử chính đáng ghi lại sự nghiệp. Nghe noi khanh tư chất phong thái tài giỏi thuần hậu, khí chất độ lượng siêu việt trác tuyệt, có thể đảm đương xiên dương thời thế sáng tỏ, cất giữ tên tuổi trong sách vở truyền đời. Nay ngươi chuyển biến hoàn toàn theo đường lối minh bạch mà về dong trong, sẽ được rất an lành vui vẻ. Lòng không cho là đủ hướng về góc tây, ấy là lưu luyến chốn cũ đó, nên mau hạ bút nối lời văn, tỏ lòng vui vẻ thuận tòng. Xưa Ngu Khanh(18) sang Triệu, gặp gỡ hai lần đã được phong làm tướng, Trần Bình về Hán, một lần thân cận đã lên hàng tham mưu. Cô nay với khanh tình còn quá người xưa vậy nên ban cho ngự mã để tỏ lòng yêu thương.'' Lại viết: ''Nay trong nước thanh bình yên định, vạn nhà theo về một mối, ba mặt biên thuỳ không có khói bụi bốc lên, ngoài sân nhà chẳng vang tiếng chó sủa nghi ngờ, vì thế mà giềng lưới buông lơi, cấm chế nới lỏng, với tình thế không chút đề phòng, công việc bảo vệ chỉ là giả hoã, vốn không đảm đương nhờ cậy được. Khanh chọn lựa đến đây, tất minh bạch ý của Cô. Chớ có sai khiến gia nhân tạo ra hỗn loạn lên đường, làm cho người thân phải chấn động phân tán. Còn nếu khanh muốn gấp đến gặp ta, trước tiên hãy ổn định bộ khúc, giữ cho họ có chốn gánh gánh vác vững vàng rồi sau mới thong dong cưỡi ngựa sang đông.'' Đạt đi đến Tiếu(20), lúc yết kiến thái độ văn nhã, tài năng biện bác hơn đời, mọi người không ai không chú ý. Lại thêm Vương rời cung, cưỡi trên xe nhỏ ra đón, nắm tay vỗ lưng Đạt mà đùa rằng: ''Khanh không phải thích khách của Lưu Bị chứ!'' rồi cho ngồi cùng xe. Đạt được thăng làm Tán Kỵ Thường Thị, lĩnh chức Thái Thú ở Tân Thành, giao phó trách nhiệm mặt tây nam. Bấy giờ các quan có người cho rằng đối đãi như thế là quá, Đạt không thích hợp để uỷ thác công việc một phương. Vương nghe được nói: ''Ta đảm bảo nó không có lòng nào khác. Lại ví như có thì chỉ tốn ít cung tên, hao tổn chút lòng trung mà thoi.'' Đạt được Văn Đế ưu ái, lại thân thiết với Hoàn Giai và Hạ Hầu Thượng. Đến khi Văn Đế băng, Hoàn và Thượng cũng đã chết cả, Đạt tự nghĩ mình chỉ như khách trọ lâu ngày ở chốn biên cương, trong lòng cảm thấy không yên. Gia Cát Lượng nghe biết, muốn ngầm dụ dỗ Đạt, mấy lần gửi thư chiêu mộ. Đạt có viết thư báo đáp Lượng. Thái Thú Nguỵ Hưng là Thân Nghi có hiềm khích với Đạt, mật dâng biểu tố cáo Đạt tư thông với Thục. Đế vẫn không tin. Tư Mã Tuyên Vương sai Tham Quân Lương Kỷ đến dò xét, lại khuyên Đạt nên vào chầu. Đạt kinh hoảng sợ hãi, bèn làm phản

Can Bảo Tấn Kỷ(21) chép: Đạt lúc mới đến Tân Thành, lên ải Bạch Mã than rằng: ''Lưu Phong, Thân Đam giữ thành chắc nghìn nhà thế này mà để mất.''

Năm Thái Hoà thứ hai, mùa xuân, tháng giêng, Tuyên Vương công phá Tân Thành, chém chết Đạt đem đầu về.

Nguỵ Lược chép: Tuyên Vương chiêu dụ tướng của Đạt là Lý Phụ và cháu của Đạt là Đặng Hiền. Bọn Hiền mở cổng thành dẫn quân vào. Đạt bị vây mười sáu ngày thì bại, đầu bị đốt đem tro rắc trên bốn con đường lớn ở Lạc Dương.

Cắt các huyện Thượng Dong, Vũ Lăng, Vu của quân Tân Thành để lập quân Thương Dong, ban cho tên huyện như tên quận.

Đại tướng nước Thục là Gia Cát Lượng quấy phá ở biên giới. Kẻ lại thứ dân ba quân Thiên Thuỷ, Nam An, An Định làm phản phụ hoạ với Lượng.

Nguỵ Thư chép: Lúc bấy giờ triều thần chưa biết đưa ra sách lược gì. Đế nói: ''Lượng vân dựa vào núi non cách trở, nay lại tự đến, đã hợp với kế sách trong binh thư của bậc trí giả. Vả chăng Lượng tham ba quận, chỉ biết tiến mà không biết thoái, nay nhân cơ hội này tất sẽ phá được.'' Bèn bố trí binh mã bộ kỵ năm vạn thống lĩnh ra chống Lượng.

Sai Đại Tướng Quân Tào Chân giám sát toàn bộ Quan Hữu, cùng nhau tiến binh. Hữ Tướng Quân Trương Cáp công kích Lượng ở Nhai Đình, đại thắng. Lượng thua trận bỏ chạy, ba quận được bình định. Ngày Tân Mùi, tổ chức ăn mừng ở Trường An.

Nguỵ Lược chép lộ bố thiên hạ cũng là công cáo ban xuống Ích Châu của Đế rằng: ''Lưu Bị bội ân, tự trốn vào Ba Thục. Gia Cát Lượng quên bỏ đất ông cha(22), vào hùa với bọn giặc còn xót lại, thần người cùng giận, để mang tiếng xấu làm hại chính mình. Lương ngoài thì mong lập được tiếng làm Cô(23), trong thi mong riếng chiếm đoạt thực quyền. Anh em Lưu Thăng(24) chỉ ngồi mà giữ thành không. Vì thé Lợi Lang, Đãng Cừ, Cao Định, Thanh Khương không chỗ nào là không tan lở, cừu địch với Lượng. Mà Lượng mặc ngược áo cừu đi vác củi(25), da bên trong mòn hết thì lông cũng tiệt, chặt chân cho vừa giầy, đã khắc vào da lại hại đến xương. Nói ngược mà xưng luận thuyết, lại tự coi mình là bậc tài hoa. Mưu việc quân ở nơi đáy giếng, bước chân đi trong vết chân trâu. Từ khi trẫm lên nối ngôi, biên giới ba vùng cùng vô sự mà vẫn còn thương thiên hạ mấy lần gặp việc binh đao. Hơn nữa muốn săn sóc những người già ở trong bốn biển, nuôi lớn trẻ mồ coi mới được sinh ra. Trước đổi thay phong tục ở lễ nhạc, sau tính toán sức mạnh bằng khuyến nông. Tha cho Lượng làm hại ở cõi ngoài chưa lo liệu sửa trị tới. Nhưng Lượng mang cái suy nghĩ táo bạo dốt nát của Lý Hùng(26), không nghĩ đến lời khuyên đo lường Đức độ của Kinh Hàm(27), truy đuổi quan nhỏ dân đen, nhanh nhảu ra cướp ở Kỳ Sơn. Vương sư vừa mới ra cứu thì giặc đã vỡ mật hết hơi. Mã Tắc, Cao Tường nhìn thấy đã thua trận bỏ chạy. Hổ tướng thần binh của trẫm đuổi quân bại trận, dẫm lên thây, lội qua máu. Lượng như đứa trẻ, khiếp sợ hùng sư. Quan ta manh mẽ tinh nhuệ, phấn chấn hăng hái, ái nấy một lòng muốn ruổi dài truy đuổi. Trẫm một mình thống lĩnh đất đai, nghĩ không ai không phải là thần tử của vương thất. Dù vương sư đã đến xứ chỉ có cỏ gai mọc được cũng không muốn khiến cho đất đai nghìn hộ của trung tín lương thần phải chịu lầm than cùng phường ngu tối tà vạy. Cho nên trước tiên bố cáo dạy bảo, để làm rõ thành ý của quốc gia khuyến khích mọi người dời đổi tâm tình, không cản trở việc đánh dẹp giặc dã trong nước. Binh tướng quan lại, kẻ sĩ thứ dân trong Thục bị Lượng áp bức bắt ép, cùng công khanh thụ chức đều nghe mà chịu bó tay.''

Mùa hạ, tháng tư, trở về cung ở Lạc Dương.

Nguỵ Lược chép: Đương thời có lời đồn rằng Đế đã băng, các đại thần tuỳ giá đón Ung Khâu Vương Thực lập làm vua. Ở kinh sư từ Biện Thái Hậu đến các công khanh tất thảy đều sợ hãi. Đến khi Đế trở về, mọi người đều ngầm dò xét nét mặt Đế. Biện Thái Hậu vừa mừng vừa thương, muốn tìn người đầu tiên tung ra tin đồn. Đế nói: ''Cả thiên hạ cùng nói, làm sao mà tìm được?''

Tha cho tội nhân không đáng tội chết chém trở xuống. Ngày Ất Tỵ, bàn luận công lao thảo phạt Lượng, phong tước tăng ấp cho mọi người. Tháng năm, đại hạn. Tháng sáu, ban chiếu rằng: ''Tôn kính đạo Nho, cọi trọng sự học, ấy là cái gốc của vương hoá vậy. Tự làm nghiêng lệch các bậc Nho quan hoặc không có những người ấy, sẽ lấy ai làm rõ truyền rộng đạo thánh hiền? Nay sẽ tuyển chọn các bậc Bác Sĩ, Mậu Tài để giao trách nhiệm Thị Trung, Thường Thị. Lại sắc cho các quận trong nước lấy việc tiến cử người tài mà sửa sang việc học làm trọng.'' Mùa thu, tháng chín, Tào Hưu thống lĩnh chư quân tiến vào đất Hoàn, giao chiến với tướng Ngô là Lục Nghị(28) ở Thạch Đình, thất bại. Ngày Ất Dậu, lập Hoàng Tử Mục làm Phồn Dương Vương. Ngày Canh Tý, Đại Tư Mã Tào Hưu hoăng. Mùa đông, tháng mười, ban chiếu cho công khanh cận thần mỗi người phải đề cử một người lương tướng. Tháng mười một, Tư Đồ Vương Lãng hoăng. Tháng mười hai, Gia Cát Lượng vây Trần Thương. Tào Chân sai bọn tướng quân Phí Diệu ra chống cự.

Nguỵ Lược chép: Trước lúc đó đã sai Tướng Quân Hác Chiêu xây thành Trần Thương. Gặp lúc Lượng tới, vây Chiêu, nhưng không thể chiếm thành. Chiêu tự Bá Đạo, người Thái Nguyên, con người hùng tráng, từ nhỏ đã vào trong quân làm Bộ Khúc Đốc, mấy lần lập được chiến công nên được thăng vào hàng Tạp Hào Tướng Quân. Về sau trấn thủ Hà Tây hơn mười năm, người Di sợ mà phục. Lươịng vây Trần Thương, sai người cùng làng với Chiêu là Cận Tường đứng ngoài thành thuyết phục. Chiêu ở trên thành đáp lời Tường rằng: ''Điều mục luật pháp nước Nguỵ, ông đã từng quen. Tôi là người thế nào, ông cũng đã biết. Tôi nhận ơn lớn của quốc gia mà lại coi trọng môn hộ. Ông có lời nào có thể nói được đây, mà dù ông có lời để nói thì tất chỉ có chết rồi tôi mới chịu nghe. Ông về nói cho Gia Cát Lượng biết, có thể mau đánh thành đi.'' Tường lấy lời Chiêu về báo với Lượng. Lượng lại sai Tường ra thuyết phục Chiêu lần nữa. Bảo rằng quân số không bằng, chưa vây chỗ trống rỗng thì đã tự thua.Chiêu bảo Tường rằng: ''Lời tôi nói trước đây không thay đổi được. Tôi nhận ra ông nhưng mũi tên không không biết ông đâu.'' Tường bèn bỏ đi. Lượng tự nghĩ có quân tính đến hàng vạn mà Chiêu binh lực chỉ hơn nghìn, hơn nữa tính rằng quân ở phía đông đi cứu chưa thể mau chóng đến nơi được, bèn tiến binh đánh Chiêu. Lượng đưa xe nặng chở thang mây đến gần thành. Chiêu ở trên thành lấy tên lửa bắn xuống thang mây đón đánh. Thang cháy, người ở trên thang đều bị chết thiêu. Chiêu lại lấy dây buộc đá ném ra quăng vào xe nặng, xe gẫy. Lượng bèn cho quân đứng trên Tỉnh Lan (29) cao trăm thước bắn vào trong thành, lấy đất lấp hào, muốn trèo thẳng vào trong thành. Chiêu ở trong thành xây tường lớn để chặn. Lượng lại sai đào đát nền, muốn đi lên phía trong tường thành. Chiêu lại đào một đường hào cắt ngang ở trong để ngăn chặn.Hai bên ngày đêm công thủ hơn hai mươi hôm, Lượng không dùng được cách nào thì cứu binh đã tới nơi nên đành phải rút. Có chiếu khen Chiêu giỏi phòng thủ, ban cho tước Liệt Hầu. Đến khi Chiêu trở về, Đế sai đưa đến gặp mặt mà khen ngợi. Vì thế lại bảo Trung Thư Lệnh Tôn Tư rằng: ''Quê hương khanh có người sảng khoái nhường này, làm tướng rực rỡ đến vậy, trẫm còn gì phải lo nữa. Chiêu mắc bệnh chết để lại di mệnh dạy con là Khải rằng: ''Ta làm tướng mới biết tướng không thể làm.Ta mấy lần đào mộ người lấy gỗ làm chiến cụ cho nhà nước nên lại biết rằng hậu táng chẳng có ích gì cho người đã chết. Con nhất định phải liệm ta bằng quần áo bình thường. Vả chăng người sông còn có chỗ ở, người chết ở tại chỗ nào? Nay đưa mộ ta đi xa, đông tây nam bắc, tùy ở con cả đấy.''

Con của anh Thái Thú Liêu Đông Công Tôn Cung là Uyên cướp đoạt địa vị của Cung. Nhân đó lấy Uyên làm Thái Thú Liêu Đông.

Chú thích:
(1) Duệ: Trong các bản dịch Tam Quốc Diễn Nghĩa của những dịch giả tiền bối Phan Kế Bính, Mộng Bình Sơn nhân vật này được gọi là Tào Tuấn, không rõ tại sao.
(2) Văn Đế: Tào Phi miếu hiệu là Nguỵ Văn Đế.
(3) Thái Tổ: Tào Tháo được truy tôn Thái Tổ Vũ Hoàng Đế.
(4) Nguỵ Thư: Do Vương Thẩm, Tuân Kỷ, Nguyễn Tịch biên soạn, hoàn thành vào cuối thời Tào Nguỵ.
(5) Vũ Hoàng Đế: Tào Tháo.
(6) Hoàng Sơ: Niên hiệu của Tào Phi, bắt đầu từ năm 220 đến năm 226.
(7) Nguỵ Lược: Do Ngư Hoạn soạn.
(8) Nguỵ Mạt Truyện: Tác phẩm khuyết danh ghi chép sự kiện thời Nguỵ.
(9) Thế Ngữ: Là sách Nguỵ Tấn Thế Ngữ do Quách Tấn Ban soạn, chép sự tích danh nhân thời Nguỵ Tấn.
(10) Hán Hiếu Vũ: Hán Vũ Đế.
(11) Tư Mã Tuyên Vương: Tư Mã Ý.
(12) Thái Hoà: Niên hiệu của Nguỵ Minh Đế Tào Duệ, bát đầu từ năm 227 đến năm 233.
(13) Thù: Đơn vị trọng lượng thời cổ, sáu Thù là một Truy, hai mươi tư Thù là một Lượng.
(14) Tam Phụ Lục Quyết: Là sách Tam Chú Phụ Lục Quyết do Triệu Kỳ soạn vào thời Tam Quốc.
(15) Diên Khang: Niên hiệu thứ sáu và cuối cùng của Hán Hiến Đế, từ tháng ba đến tháng bảy năm 220.
(16) Túi da: Nhạc nghị làm Đại Tướng dưới triều Yên Chiêu Vương, cầm quân đánh Tề. Yên Chiêu Vương chết. Con là Yên Huệ Vương lên ngôi, mắc mưu phản gián của người Tề, thay Nhạc Nghi bằng tướng khác. Nhạc Nghị bỏ Yên theo Triệu. Yên Hụê Vương sợ nhạc nghị có tài lại biết rõ tình hình nước mình sẽ gây hoạ hại, viết thư trách. Nhạc Nghị trả lời có đoạn rằng: ''...Thần nghe kẻ mở đầu tốt chưa chắc đã có kết quả tốt. Ngày xưa Ngũ Tử Tư nói được Hạp Lư nghe nên dấu chân vua Ngô đi xa đến tận thành Sính. Phù Sai thì không thế, cho xác ông ta vào cái túi da ngựa và thả trôi trên sông Giang. Vua Ngô không hiểu theo lời bàn của Tử Tư có thể lập được công, nên dìm xác Tử Tư mà không hối hận. Tử Tư không biết nhìn trước nhà vua không cùng bàn bạc với mình để đến nỗi vào sông Giang mà không được giải thoát.Thần khỏi tội, lập nên công trạng để làm sáng cái dấu vết của tiên vương, đó là cái kế cao nhất của thần. Mắc phải việc gièm pha, nhục nhã làm hỏng mất cái danh của tiên vương đó điều thần rất sợ. Đã chịu cái tội không thể lường được, may được lợi mà thoát khỏi, nhưng thần mang nặng ân nghĩa của tiên vương, thần tuy ở nước ngoài mà lòng vẫn không rời bỏ nước Yên.''
(17) Vương Tuân: Bộ tướng của Ngỗi Hiêu, khuyên Ngỗi Hiêu không nên xưng đế sẽ gây chuyện đối đầu trực tiếp với Hán Quang Vũ.
(18) Ngu Khanh: Danh sĩ thời Chiến Quốc, người Hàm Đan, sau hai lần yết kiến quốc quân được bái làm Thượng Khanh.
(19) Trần Bình: Mưu sĩ của Hán Cao Tổ.
(20) Tiếu: Tiêu Quận quê gốc của Tào Tháo.
(21) Can Bảo Tấn Kỷ: Do Can Bảo người Giản Giới đời Tấn soạn.
(22) Quê gốc Gia Cát Lượng ở huyện Dương Đô, quận Lang Nha lúc bấy giờ thuộc quyền quản hạt của nước Nguỵ.
(23) Ý nói Lượng muốn xưng vương cát cứ độc lập, khuynh loát triều đình Thục Hán.
(24) Lưu Thăng: Đây phải là anh em Lưu Thiện mới hợp lý.
(25) Mặc ngược áo cừu: Người xưa mặc áo lông thú thường xoay mắt lông ra ngoài. Vì vậy có thành ngữ ''mặc ngược áo cừu đi vác củi'' chỉ người ngu dốt làm việc bỏ gốc tìm ngọn.
(26) Lý Hùng: Tâm phúc của Công Tôn Thuật. Thuyết phục Thuật xưng đế ở Ba Thục đối chọi với Hán Quang Vũ. Lập luận của Hùng rất giống Long Trung Sách của Lượng.
(27) Kim Hàm: Gĩư chức Kỵ Đô Uý dưới trướng Công Tôn Thuật, khuyên Thuật nghĩ đến đức độ của mình chưa đủ thì chưa nên nghĩ đến việc xưng đế.
(28) Lục Nghị: Lục Tốn.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.