Header Ads

Mã Siêu Truyện


Mã Siêu tự Mạnh Khởi, người ở quận Phù Phong huyện Mậu Lăng. Cha là Đằng, cuối đời Linh Đế cùng với Biên Chương, Hàn Toại khởi sự ở các châu quận phía Tây. Năm Sơ Bình thứ ba, Toại - Đằng lĩnh binh đến Tràng An. Nhà Hán lấy Toại làm Trấn Tây tướng quân sai đóng binh ở Kim Thành, Đằng được làm Chinh Tây tướng quân, sai đóng binh ở My huyện. Sau Đằng đánh úp Trường An, bị thua trận phải trốn chạy, lui binh về giữ Lương Châu. Tư mã Thái uý Chung Do trấn Quan Trung gửi thư cho Đằng-Toại, nói rõ việc lợi hại. Đằng sai Siêu theo Do đánh dẹp Quách Viên - Cao Cán ở Bình Dương, Siêu cùng với Bàng Đức chém chết Quách Viên cắt lấy thủ cấp. Sau Đằng với Hàn Toại có mối bất hoà, mới xin về kinh sư. Đằng được bổ làm Vệ uý, lại lấy Siêu làm Thiên tướng quân (1), phong tước Đô Đình hầu, nắm giữ những binh lính cũ của Đằng.

Điển lược viết: Đằng tự Thọ Thành, vốn là hậu duệ của danh tướng Mã Viện (2) ngày trước. Vào thời vua Hoàn Đế, cha Đằng là Túc tự Tử Thạc, từng làm Thiên Thuỷ Lan kiền uý. Sau bị mất chức quan, mới lưu lạc ở Lũng Tây, sống cùng với rợ Khương ở đó. Gia cảnh bần hàn chẳng có vợ con gì cả, nhân thế mới lấy con gái rợ Khương, sinh ra Đằng. Đằng thủa nhỏ nghèo hèn chẳng có chút sản nghiệp nào, thường theo Chương vào núi lấy củi, mang đến bán ở chốn thị thành, lấy đó làm kế sinh nhai. Đằng thân cao hơn tám thước, thân thể vạm vỡ, mặt mũi kỳ dị khác thường, song tính nết hiền hậu, được mọi người kính nể.

Cuối đời Linh Đế, Lương châu thứ sử Cảnh Bỉ dùng kẻ gian hoạt làm lại, dân trong vùng (3) cùng các bộ tộc người Đê-Khương đứng lên làm phản. Châu quận bèn chiêu mộ những người mạnh khoẻ xung vào quân ngũ, đánh dẹp, Đằng ra ứng mộ. Ở các châu quận, có đặt ra chức Tòng sự, để cai quản binh lính. Bởi có công đánh dẹp, Đằng được thăng làm Quân Tư mã (4), sau luận công lao lại thêm chức Thiên tướng quân, rồi thăng lên đến Chinh Tây tướng quân, sai đóng binh ở miền Hữu-Lũng. Giữa năm Sơ Bình, được phong làm Chinh Đông tướng quân. Lúc bấy giờ, các châu quận phía Tây thiếu lương, Đằng dâng biểu nói rằng binh lương rất thiếu thốn, muốn lấy lương thảo ở Trì dương, và chuyển đến đóng binh ở phía trước thành Trường Bình. Tướng quân Vương Thừa sợ Đằng hại mình, bèn tấn công doanh luỹ của Đằng. Khi ấy Đằng ở ngay trong dinh không có phòng bị, nên thua trận bỏ chạy, về phía Tây. Rồi họp quân ở xứ Tam Phụ (5) làm loạn, không phục tùng phương Đông nữa, lại cùng với Trấn Tây tướng quân Hàn Toại câu kết với nhau kết tình huynh đệ, ban đầu rất thân thiết, sau này mới chuyển sang ngấm ngầm thù ghét nhau, đổi thành thù địch. Đằng đánh Toại, Toại bỏ chạy, lại họp quân lính thuộc hạ quay lại đánh Đằng, giết vợ con Đằng, liên quân không thể hoà giải được.

Kiến An năm đầu, kỷ cương quốc gia được nới lỏng, triều đình bèn sai Tư đãi Giáo uý Chung Do, Lương châu mục Vi Đoan đến hoà giải hai bên. Trưng tập Đằng về đóng binh ở Hoè Lý, đổi làm Tiền tướng quân, ban cho giả tiết, phong tước Hoè Lý hầu. Đằng phía Bắc liên hệ với rợ Hồ, phía Đông kết với quân Bạch kỵ, đãi kẻ sỹ tiến người hiền, cứu giúp dân chúng, đất Tam Phụ được yên ổn nên rất lấy làm kính trọng Đằng. Năm Kiến An thứ mười (6) (năm), Đằng được vời về kinh làm Vệ uý (7), Đằng nghĩ mình tuổi đã cao, mới vào triều làm Túc vệ (8).

Khi trước, Tào công làm Thừa tướng, cho vời con trưởng của Đằng là Siêu đến, Siêu không chịu. Sau này Siêu được làm Tư đãi Giáo uý đốc xuất việc quân, đánh dẹp Quách Viên, Siêu có tài bắn tên, khi đánh trận thường đeo túi ở chân, phá được địch, chém lấy thủ cấp của Quách Viên. Vua xuống chiếu phong cho Siêu làm Từ châu thứ sử, sau lại bái làm Gián nghị đại phu. Đến khi Đằng về kinh, nhân việc ấy mới xuống chiếu ban cho Siêu làm Thiên tướng quân, sai nắm quân sỹ trong doanh của Đằng. Lại phong cho em trai Siêu là Hưu làm Phụng xa Đô uý, em trai Hưu là Thiết làm Kỵ Đô uý, dời cả gia thuộc khỏi xứ ấy đến ở huyện Nghiệp, chỉ còn mình Siêu ở lại mà thôi.

Siêu đã nắm được đại binh, bèn cùng với Hàn Toại hợp quân, lại gặp được bọn Dương Thu, Lý Kham, Thành Nghi mới cùng câu kết với nhau, tiến quân đến Đồng Quan. Tào công cùng với Toại - Siêu một mình ngồi trên mình ngựa nói chuyện, Siêu cậy quân đông, ngấm ngầm định bắt Tào công trước trận, Hứa Chử đứng cạnh Tào công nổi giận quắc mắt nhìn, Siêu chẳng dám vọng động. Tào Công dùng mưu của Giả Hủ, ly gián Siêu-Toại, khiến tướng lĩnh bên ấy nghi ngờ lẫn nhau, quân ấy đại bại.

Sơn dương công tái ký viết: Ban đầu, Tào công đóng quân ở Bồ Bản, muốn sang phía Tây, Siêu bảo Hàn Toại rằng: “Ta nên giữ Bắc sông Vị cự địch, bất quá chỉ chừng mươi ngày, vùng Hà Đông hết lương, bên kia tất bỏ chạy.” Toại nói: “Mặc kệ địch qua sông, ta tràn ra chặn đánh giữa chừng, chẳng hay hơn ư?”. Bởi thế kế của Siêu chẳng được thi hành. Tào công nghe việc ấy nói: “Thằng ranh họ Mã chẳng chết, ta chết không có đất mà chôn.”

Siêu chạy trốn đến chỗ người Nhung, Tào công đuổi đến tận An Định, hội quân bàn việc phương Bắc, rồi dẫn quân về phía Đông. Dương Phụ nói với Tào công rằng: “Siêu có cái dũng của Lã Bố, rất được lòng người Khương, Hồ. Khi đại quân quay về, ắt không có đủ lực lượng giữ vững xứ này, các quận Lũng thượng sẽ chẳng còn của quốc gia nữa.” Quả nhiên Siêu đốc xuất người Nhung tấn công các quận huyện ở Lũng thượng, các quận huyện Lũng thượng hưởng hứng theo, giết chết Lương châu thứ sử Vi Khang, chiếm cứ Ký thành, thu hết binh sỹ ở đấy. Siêu tự xưng là Chinh Tây tướng quân, lĩnh chức Tinh Châu mục, đốc xuất việc quân ở Lương châu. Khang chết rồi, đám đề lại là Dương Phụ, Khương Tự, Lương Khoan, Triệu Cù cùng bàn mưu đánh Siêu. Phụ-Tự cất binh ở Lỗ Thành, Siêu ra đánh, không hạ được; Khoan-Cù đóng cửa Ký Thành, Siêu không vào thành được. Tiến thoái lưỡng nan, đành phải chạy vào Hán Trung nương nhờ Trương Lỗ (9). Lỗ chẳng biết xét việc, không dùng Siêu, cho ở ngoài, Siêu nghe tin Tiên chủ đang vây Lưu Chương ở Thành Đô mới gửi thư xin hàng.

Điển lược viết: Năm Kiến An thứ mười sáu, Siêu cùng với các tướng ở Quan Trung là bọn Hầu Tuyển, Trình Ngân, Lý Kham, Trương Hoành, Dương Thu, Hàn Toại, gồm 10 lộ quân, cùng làm phản, quân lính đông đến 10 vạn người, chiếm giữ vùng Hà-Đồng (10), đóng trại luỹ giăng thành hàng. Năm ấy, Tào công Tây chinh, cùng với lũ Siêu đánh nhau ở vùng Hà-Vị (11), bọn Siêu thua trận bỏ chạy. Siêu tới An Định, Toại chạy về Lương Châu. Triều đình xuống chiếu bắt giết hết gia tộc Siêu. Siêu lại thua lớn ở Lũng Thượng. Sau phải chạy vào Hán Trung, Trương Lỗ lấy làm Đô giảng Tế tửu, muốn gả con gái cho, có kẻ can Lỗ rằng: “Người như thế chẳng nên yêu mến thân gần, sao có thể cầu thân được?” Lỗ bèn bỏ ý ấy.

Mới đầu, lúc Siêu chưa làm phản, vợ lẽ là Đệ Chủng ở lại Tam Phụ, đến khi Siêu thua trận, Chủng chạy vào Hán Trung trước. Một sớm, Chủng chết ở chỗ Siêu, Siêu đấm ngực đến thổ huyết than rằng: “Cầm lòng sao được (12), một sớm cùng nhau, nay hai ta cách biệt rồi sao?” Siêu mấy lần đến gặp Lỗ xin binh, muốn về Bắc lấy lại Lương châu, Lỗ cho đi, không được việc. Khi ấy tướng của Lỗ là Dương Bách muốn hại Siêu, Siêu bèn chạy vào với rợ Đê ở Vũ Đô, rồi bỏ sang đất Thục. Bấy giờ là năm Kiến An thứ mười chín.

Tiên chủ sai người nghênh đón Siêu, Siêu tiến binh thẳng đến Thành Đô. Dân chúng ở Thành đô hoang mang sợ hãi, Chương lập tức ra hàng,

Điển lược viết: Bị nghe tin Siêu đến, cười rằng: “Ta tất lấy được Ích châu vậy.” Bèn sai người bảo Siêu không vội tiến binh, lại ngầm lấy binh của mình giao cho Siêu. Siêu đến nơi, hạ lệnh đóng quân ở phía Bắc Thành Đô, Siêu đến chưa đầy một tuần (13) mà lòng người ở Thành Đô tan lở cả.

Tiên chủ lấy Siêu làm Bình Tây tướng quân, Đốc Lâm Tự, nhận tước Đô đình hầu (14).

Sơn dương công tái ký chép: Siêu nhân thấy Bị hậu đãi mình, khi nói chuyện với Bị, thường gọi tên tự của Bị, Quan Vũ nổi giận, đòi giết. Bị nói: “Người ta cùng quẫn mới theo về với ta, các khanh phẫn nộ vì việc người ấy gọi tên tự của ta mà đòi giết đi, sao yên được lòng người thiên hạ vậy!” Trương Phi nói: “Như thế, cần phải làm cho hắn giữ lễ mới được.” Hôm sau mọi người gặp mặt, Bị gọi Siêu vào, Vũ-Phi đều chống gậy cầm đao kính cẩn đứng hầu, Siêu tìm chỗ để ngồi, chẳng để ý gì đến Phi-Vũ, chợt thấy hai người nghiêm trang đứng đó, Siêu thất kinh, nhân vì thế chẳng dám gọi tên tự của Bị lần nào nữa. Hôm sau than rằng: “Ta nay mới biết mình kém cỏi vậy. Gọi hẳn tên tự của chủ nhân ra, khiến cho Quan Vũ-Trương Phi cứ một mực đòi giết.” Từ đấy về sau rất lấy làm tôn kính Bị. Thần Tùng Chi xét rằng, bởi Siêu thế cùng mới theo về với Bị, chịu nhận tước vị, sao dám ngạo mạn mà gọi thẳng tên tự của Bị ra? Vả lại khi Bị vào Thục, lưu Quan Vũ trấn thủ kinh châu, Vũ chưa từng tới đất Ích châu. Việc Vũ nghe tin Mã Siêu quy hàng, đã gửi thư hỏi Gia Cát Lượng rằng: “Siêu là nhân tài thế nào mà được đứng vào hạng ấy”, chẳng đúng như việc chép ở chỗ này. Sao Vũ lại cùng với Phi cung kính đứng hầu được? Phàm là người hành sự, đều là người khá cả, biết việc không thể làm, tất chẳng dám làm vậy. Siêu nếu quả có gọi tên tự của Bị, cũng nên phải sửa lại ngay. Đến mức khiến cho Vũ đòi giết Siêu, Siêu vẫn chẳng hay biết gì, chỉ thấy hai người đứng hầu ở đó, sao vì thế mà biết vì việc mình gọi tên tự của Bị, mà khiến cho Quan-Trương cứ một mực đòi giết? Nói không theo lẽ thường, thật khiến người ta tức giận. Bọn Viên (?), Nhạc Tư (16) chép đầy rẫy những điều xằng bậy hão huyền, đại loại như vậy, ngờ rằng chẳng thể lấy để bàn luận vậy.

Tiên chủ xưng Hán Trung vương, phong cho Siêu làm Tả tướng quân, ban cho giả tiết. Năm Chương Vũ nguyên niên, đổi thăng làm Phiêu kỵ tướng quân, lĩnh chức Lương châu mục, lại phong thêm tước Uy Hương hầu, chiếu rằng: “Trẫm chẳng có đức, trộm kế ngôi chí tôn, phụng thừa tông miếu. Cha con Tào Tháo, tội lỗi chất chồng, gây tai vạ ngập đầu, trẫm lấy làm xót xa đau đớn. Người trong nước đều oán giận, theo về chính nghĩa, đánh kẻ nghịch tặc, nay các tộc Đê-Khương đã quy thuận, người Huân (17) mến mộ chính nghĩa. Tướng quân tín nghĩa lan toả đất Bắc, uy vũ sáng rõ tận Tinh châu, nay uỷ thác cho tướng quân trách nhiệm lớn lao, chống giữ địch ở Dương Bình, kiêm quản việc đốc trách trong vạn dặm, sao cho dân được yên vui, khiến cho đức lớn của vương triều lan đến nơi xa, hãy nhớ giữ vững biên cương, việc thưởng phạt phải thận trọng, vững tin vào nghiệp Hán, để ứng phó với cả thiên hạ”. Hai năm sau Siêu chết, khi ấy mới có 40 tuổi. Lúc chết, dâng sớ lên bề trên rằng: “Trong cửa nhà thần có 200 nhân khẩu, đã bị Mạnh Đức (18) giết sạch, chỉ còn người em là Đại, gánh vác việc nối dòng huyết thống ăn lộc nối đời, xin ký thác nơi Bệ hạ, dẫu nói cũng chẳng thể hết lời". Truy tặng thuỵ hiệu cho Siêu là Uy hầu, con là Thừa nối dõi. Đại làm quan đến chức Bình Bắc tướng quân, lĩnh tước Trần Thương hầu. Con gái Siêu lấy An Bình vương Lý.

Điển lược viết: Lúc Siêu mới chạy vào Thục, vợ lẽ của Siêu là Đổng cùng với con là Thu, lưu lại nhờ vả Trương Lỗ. Lỗ bại binh, Tào công bắt được vợ con Siêu, mới lấy Đổng ban cho Diêm Phố, giao Thu cho Lỗ, Lỗ tự tay giết đi.

Chú thích: 
1. Chữ Thiên này là ‘một bên’, không phải Thiên là trời.
2. Mã Viện tức Phục Ba tướng quân, là danh tướng nhà Đông Hán, từng sang đánh nước Việt ta thủa Bà Trưng, Bà Triệu.
3. Nguyên văn: dân vương quốc, tức là người trong nước, ý chỉ vào vùng biên ải nên dịch là người trong vùng.
4. Một chức quan nhỏ.
5. Địa danh này có lẽ ở đâu đó thuộc vùng Lũng Tây.
6. Không hiểu Trần Thọ viết thêm chữ (năm) sau chữ ‘thập’ là nghĩa gì? Chiếu theo các sự kiện xảy ra ở các thiên truyện về những nhân vật khác có liên quan thì việc này xảy ra vào năm Kiến An thứ 10. Có lẽ Trần Thọ nghi ngờ việc này nên ý là có thể việc Đằng vào kinh là năm Kiến An thứ 5 chăng? Như vậy thì có vẻ không đúng.
7. Vệ uý là một chức quan lớn trong triều, dự vào hàng Cửu khanh.
8. Tuổi cao, chinh chiến vất vả, nên về triều làm chức quan hộ vệ cho Vua.
9. Siêu lấy các quận Lũng Thượng, Dương Phụ-Lương Tự ở Lỗ Thành cất quân đánh Siêu, Lương Khoan-Triệu Cù giữ Ký thành, Siêu xuất binh ra khỏi Ký Thành đánh đuổi, khi quay về bị Khoan-Cù đóng cử không cho vào, phải chạy sang Hán Trung.
10-11. Vị Thuỷ, Đồng Quan.  
12. Nguyên văn: ‘hạp môn bách khẩu’, tức là ‘đóng cửa trăm miệng’, dịch ý.
13. Một tuần thời xưa ở Trung Quốc tính bằng 10 ngày.
14. Trước đây triều đình nhà Hán đã phong cho Siêu tước này. Lúc ấy tước của Mã Siêu cao nhất, hơn cả Phi, Vũ, chỉ kém mỗi Lưu Bị mà thôi.
15. Một chữ tên người không dịch được, không biết họ Viên ấy tên là gì. ND tìm đọc một số điển tích trên các trang web tiếng Hán thì thấy có đoạn bổ chú là Trần Thọ cho rằng Viên-Nhạc Tư làm sách ghi chép những điều nhảm nhí, có rất nhiều chuyện xằng bậy, hình tượng ấy chỉ việc nói mà không suy nghĩ thấu đáo, chép việc dẫu nhiều nhưng chẳng hiểu biết gì.
16. Một bộ tộc rợ ở phương Bắc Trung Quốc.
17. Theo phép ‘chủ - khách’ thì khi Trần Thọ viết Tam Quốc chí đã lấy nước Nguỵ là chủ để lập kỷ cương đế vương, mà Nguỵ-Ngô là khách. Rõ nét nhất là việc bộ sử này có phần ‘đế kỷ’ dành cho các vua nhà Nguỵ, còn các đế nhà Thục thì chỉ ‘Thục chủ, Ngô chủ’ mà thôi, đều là liệt truyện, không có bản kỷ. Câu viét này cũng thể hiện phần nào việc ấy. Rõ ràng là câu nói của Siêu, mà Siêu hận Tháo đến thấu xương, nhưng vẫn gọi Tháo rất kính trọng là Mạnh Đức quả là lạ. Có lẽ Siêu đã viết là ‘đã bị giặc Tháo giết sạch’chứ không phải viết rõ tên tự của Tháo là Mạnh Đức như thế.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.