Header Ads

Liêu Lập Truyện


Liêu Lập tự Công Uyên, người ở quận Vũ Lăng huyện Lâm Nguyên. Khi Tiên chủ lĩnh chức Kinh châu mục mới cho vời về làm tòng sự, khi ấy Lập chưa đến 30 tuổi, sau cất lên làm Trường Sa thái thú. Tiên chủ vào Thục, Gia Cát Lượng trấn giữ đất Kinh châu, Tôn Quyền sai sứ đến giao hảo với Lượng, nhân đó hỏi thăm những kẻ sỹ dọc ngang khắp xứ ấy là ai, Lượng thưa rằng: “Bàng Thống, Liêu Lập là lương tài ở đất Sở, gánh vác việc giúp chúa hưng nghiệp.” Năm Kiến An thứ 20, Quyền sai Lã Mông đánh lén ba quận phía Nam, Lập bỏ quan mà chạy, quay về chỗ Tiên chủ. Tiên chủ biết việc ấy song vẫn tiếp đãi ân cần, chẳng trách cứ gì, lấy làm Thái thú Ba quận. Năm Kiến An thứ 24, tiên chủ xưng làm Hán Trung vương, vời Lập về làm Thị trung. Hậu chủ kế vị, đổi Lập làm Trường thuỷ Thái uý.

Lập vốn nghĩ, mình có tài danh đáng làm phó cho Gia Cát Lượng, lại đổi xuống xếp bên dưới cả bọn Lý Nghiêm (1), vẫn thường tỏ ra ấm ức. Sau Thừa tướng muốn chọn người phó trợ giúp mình, (Lý Cáp), (Lý Thiệu), Tưởng Uyển đến, Lập phán rằng: “Thừa tướng đang ở nơi xa, ngươi và mọi người hãy xét kỹ việc này. Trước kia Tiên chủ chẳng chịu lấy Hán Trung, lại cùng với người Ngô tranh giành ba quận phía Nam, rút cục ba quận ấy lại về với người Ngô, khiến việc lao dịch quan sai rất khó nhọc, vô ích lại phải về tay không. Đất Hán Trung mất đi (2), lại khiến cho Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp thâm nhập vào đất Ba, chỉ còn trông mong vào có một châu. Rồi mất cả Hán Trung, khiến Quan hầu một thân đơn chiếc chết đi chẳng còn gì, Thượng Dong cũng mất nốt, chỉ còn mỗi một phương. Ấy cũng vì Vũ cậy danh tiếng oai dũng, làm việc quân vô pháp, lỗ mãng xúc phạm người ta, việc trước sau gì cũng như nhau vậy. Như Hướng Lãng, Văn Cung, là những kẻ phàm tục. Cung làm Trị trung chẳng có cương kỷ gì; Lãng trước tôn sùng anh em Mã Lương, bảo là thánh nhân, giờ làm Trưởng sử, không được hợp đạo lý cho lắm. Trung lang Quách Diễn tuổi đã cao, theo hùa với người, chẳng đủ để dự vào việc lớn nhà nước, thế mà lại được nhấc lên làm Thị trung. Nay thế nước suy yếu, ta muốn gánh vác việc cho ba người ấy, mà chẳng được vậy. Lại còn Vương Liên là kẻ tục tằn, làm việc cẩu thả bòn mót của dân, khiến bách tính mỏi mệt, hết thảy việc ngày nay là như thế đấy.” Cáp, Uyển thưa lại hết những lời ấy với Gia Cát Lượng. Lượng viết biểu (3) kể tội Lập rằng: “Trường thuỷ Thái uý Liêu Lập tự cho mình là quý hiển, phỉ báng chúng sỹ, công nhiên nói rằng quốc gia chẳng biết dùng kẻ hiền tài mà trọng dụng những kẻ tục lại, lại cho rằng hết thảy muôn người đều là bậc tiểu tử; phỉ báng cả Tiên đế, soi bới lỗi lầm huỷ hoại danh tiết chúng thần. Người ta nói vì quốc gia mà kén chọn binh sỹ, bộ ngũ phải phân minh, Lập tự tiến cử mình ở ngôi đầu, thế mà lại tức giận nói năng xằng bậy, phàm người như thế chẳng thể dùng được. Con dê chạy bừa bãi còn có hại, huống chi Lập gánh vác công việc ở ngôi cao, dùng người như thế thì người dưới làm sao phân biệt được thật giả thế nào?”

Trong Gia Cát Lượng tập có biểu của Lượng viết rằng: “Lập đi theo Tiên đế mà chẳng trung hiếu hết lòng, trấn giữ Trường Sa lại mở cửa đón giặc (4), cai quản Ba Quận làm việc ám muội khiến mọi sự rối ren, đối với bậc Đại tướng quân thì phỉ báng chê bai, với kẻ hầu cận trong cung lại kèn cựa ghét bỏ, với người cai quản chốn cung vi thì cho là kẻ hèn hạ. Sau này Bệ hạ tức vị (5), ban cho thêm chức hào, Lập lại suy bì với các tướng trong quân, đến gặp nói riêng với thần rằng: ‘Cớ gì mà ta phải cùng với chư tướng ở trong quân! Sao chẳng dâng biểu sai ta giúp công khanh, ở trên coi xét năm việc!’ Thần đáp: ‘Tướng quân, chớ so sánh như vậy. Đến bậc công khanh cũng thế thôi, Chính Phương cũng đâu hẳn là bậc công khanh. Vả lại cũng nên phân định rõ năm việc vậy.’ Bởi thế về sau, Lập tấm tức oán hận mãi.” Hậu chủ bèn giáng chiếu rằng: “Đến ba lần làm loạn phép nước, mắc lỗi liên tiếp, Liêu Lập thật ngông cuồng, trẫm chẳng thể nhẫn nhịn phải ra hình, ngay lập tức đầy ải đến xứ cây không mọc được”.

Hậu chủ liền phế Lập làm dân thường, dời đến ở quận Vấn Sơn. Lập thân dẫn vợ con tự mình cầy ruộng, lúc nghe tin Gia Cát Lượng chết, liền phục xuống khóc than rằng: “Ta trọn đời làm kẻ mọi rợ ở với bọn cài vạt áo qua trái (6) mà thôi.” Sau này quân đội của Khương Duy hành quân qua Vấn Sơn, đến thăm Lập, có khen rằng Lập chí khí chẳng hề suy giảm, nói năng bàn xét rất tự nhiên. Sau Lập chết ở đất ấy. Vợ con trở về đất Thục.

Chú thích:
(1) Bị lúc ‘thác cô’ đã trao cho Lý Nghiêm quyền hành gần như Gia Cát Lượng. Liêu Lập cho rằng mình có tài, xứng vào chức ấy.
(2) Đây là Lập nói đến việc lúc Bị mới lấy được Ích châu, không đánh Hán Trung mà lại dẫn quân về tranh giành ba quận với người Ngô. Tháo lấy được Hán Trung của Lỗ, Bị lại phải cắt ba quận ở Kinh châu trả cho Ngô.
(3) Biểu văn gửi Hậu chủ.
(4) Chính là việc bỏ chức quan ở Kinh nam mà chạy khi bị quân Ngô đánh đã nói ở trên.
(5) Hậu chủ lên ngôi.
(6) Đất Vấn Sơn khi ấy là nơi bộ lạc người Phiên sinh sống. Y phục của dân tộc này có nét đặc trưng là vạt áo vắt qua bên trái.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.