Header Ads

Pháp Chính Truyện


Pháp Chính tự Hiếu Trực, người quận Phù Phong, Mi huyện. Tổ phụ là Chân, nổi tiếng thanh khiết.

Tam phụ quyết lục chú chép: Chân tự Cao Khanh, thuở nhỏ đã hiểu rõ Ngũ Kinh, lại rành việc đoán lành dữ, không học lâu ở một thầy nào, nổi tiếng là tài cao. Thường quấn khăn xếp gặp quan trấn thủ Phù Phong, quan trấn thủ nói: Ai Công (1) tuy bất tài, nhưng kẻ thần tử Trọng Ni (2), Liễu Hạ Huệ (3) cũng chẳng bỏ quê cha đất mẹ mà đi, ý tôi muốn ngài khuất thân làm Công tào được không? Chân nói: Minh phủ (4) tiếp đãi hữu lễ, cho nên Chân đã bốn lần bái yết, nhược bằng muốn Chân làm quan lại, Chân sẽ ở phía bắc Bắc Sơn, phía nam Nam Sơn vậy (5). Sau quan trấn thủ Phù Phong không dám lấy Chân làm lại. Trước, khi Chân chưa đầy hai mươi tuổi, phụ thân ở Nam Quận, Chân đi bộ tới ngóng, phụ thân bèn giữ lại ăn mùng một tết, cho xem các quan tụ hội lúc sáng sớm. Hội có mấy trăm người, Chân chọc cái lỗ trên cửa sổ dòm ngó rồi thì thầm với phụ thân. Hết hội, mới hỏi Chân: Ai là người hiền? Chân đáp: Tào duyện Hồ Quảng có độ lượng của bậc công khanh. Sau quả nhiên Quảng có làm tới ngôi tam công cửu khanh, người đời bởi thế phục tài nhìn người của Chân. Trước sau mấy lần Chân được vời làm quan, nhưng đều không tới, nhóm bạn Quách Chính đều khen ngợi, gọi Chân là Huyền Đức tiên sinh. Chân mất vào năm Trung Bình ngũ niên, được tám mươi chín tuổi. Phụ thân Pháp Chính là Diễn, tự Quý Mưu, làm Tư đồ duyện, Đình úy tả giám. 

Kiến An sơ, thiên hạ mất mùa, Chính cùng với người đồng quận là Mạnh Đạt cùng vào Thục nương nhờ Lưu Chương, mãi về sau mới được làm Tân Đô lệnh, rồi được gọi về tạm làm Quân nghị hiệu úy. Chính đã không được dùng, lại bị lũ khách ở nhờ châu ấp chê bai là thiếu đức hạnh, nên bất đắc chí. Ích Châu biệt giá Trương Tùng chơi thân với Chính, nghĩ Chương chẳng có tương lai, thường than thở riêng với nhau. Tùng ở Kinh Châu thấy Tào Công về (bắc), khuyên Chương đoạn tuyệt với Tào Công mà liên kết với Tiên chủ. Chương nói: Ai có thể làm sứ giả? Tùng bèn tiến cử Chính, Chính từ tạ không được đành đi. Chính quay về, cùng Tùng kể Tiên chủ anh hùng thao lược, hai người bí mật mưu tính kế hoạch hiệp lực, muốn cùng phụng sự (Tiên chủ), mà chưa có dịp. Sau Chương nghe tin Tào Công muốn sai tướng đánh Trương Lỗ, trong lòng sợ hãi, nhân đó Tùng bèn thuyết Chương nên nghênh đón Tiên chủ, khiến đi đánh Lỗ, Chương lại sai Chính đi. Chính truyền ý chỉ xong, ngầm hiến kế cho Tiên chủ rằng: Tướng quân là người anh tài, nên thừa cơ Lưu mục (6) nhu nhược (mà lấy Ích Châu); Trương Tùng, cánh tay đắc lực của châu Ích, sẽ làm nội ứng bên trong; sau đó nhờ cái giàu có của Ích Châu, cậy cái hiểm trở trời cho, nên nghiệp lớn như trở bàn tay vậy. Tiên chủ tán đồng, theo sông về tây, hội họp với Chương ở Phù huyện. (Tiên chủ) bắc tiến trấn ải Hà Manh, rồi hoàn nam tấn công Chương.

Trịnh Độ khuyên Chương rằng:

Hoa dương quốc chí chép: Độ là người Quảng Hán, làm tòng sự ở châu.

Tả tướng quân (7) dẫn một đám quân cô độc tập kích ta, binh chẳng tới vạn người, tướng sĩ chưa phục, lại chỉ trông vào thóc lúa ngoài đồng, chứ không có lương thực. Chi bằng rời hết dân ở Ba Tây, Tử Đồng về tây Phù Thủy, còn bao nhiêu kho lương đồng lúa đốt hết một lượt, giữ thành cao hào sâu, lấy tĩnh mà cự địch. Bên kia tới khiêu chiến, ta chẳng ra, địch chẳng trông cậy vào đâu được, chẳng quá trăm ngày tất phải rút chạy. Họ chạy, ta bèn đuổi đánh, tất bắt được (Bị) thôi. Tiên chủ nghe được kế ấy, lo lắng không yên, bèn hỏi Chính. Chính nói: (Chương) không dùng đâu, chẳng nên lo vậy. Quả nhiên như lời Chính nói, Chương bảo với quần thần rằng: Ta chỉ nghe cự địch để an dân, chứ chưa nghe phiền dân để tránh địch vậy. Rồi bãi quan của Độ, không dùng kế ấy.

Đến lúc quân vây Lạc thành, Chính thư cho Chương trước, viết rằng: Chính vốn buông thả vô thuật, mà nay minh hảo giữa hai nước đã tổn hại, sợ quần thần không rõ đầu đuôi, tất đều quy tội cho tôi, khiến tôi hổ thẹn tới chết, còn làm nhục tới ngài, bởi vậy đành bỏ thân ở ngoài, chứ không dám trái lệnh. Lại sợ ngài nghe thấy những lời dơ bẩn, chẳng dám kính thư vấn an, lòng hoài niệm cái tình tiếp đãi khi xưa, mà chỉ dám trông xa nhớ nhung không dứt. Trước sau duy có Chính dám biểu lộ tim gan, từ thuở ban đầu tới tận bây giờ, thật chẳng dám giấu giếm ý riêng, hay có lòng không hết sức, chỉ hiềm Chính ngu tối kế mỏng, tấm lòng thành chẳng đủ cảm động ngài, mới đến nông nỗi như bây giờ vậy. Nay quốc gia lâm nguy, tai vạ ập đến, tuy Chính đã vứt thân buông thả bên ngoài, chịu những lời oán ghét, nhưng vẫn tham lam hết lòng lo nghĩ, lấy đó để biểu lộ sự trung thành. Bổn ý của tướng quân Chính hiểu rõ, thật không muốn đánh mất cái ý viện trợ của Tả tướng quân, sở dĩ cuối cùng tới nỗi này, cũng bởi tả hữu bên ngài vốn chẳng thông suốt cái đạo hành sự của kẻ anh hùng, có thể nói đã trái lời thề ước, lại thêm lấy tình cảm để kết giao, nhật nguyệt cùng lặn (9), xu nịnh mong cầu lọt tai vừa mắt, a dua ý chỉ, mà chẳng màng tới kế sách trị quốc sâu xa vậy. Nay biến cố phát sinh, chẳng biết cân nhắc cái thế cường nhược, lại cho là Tả tướng quân binh ít viễn chinh, không có lương thực, hòng lấy nhiều đánh ít, lôi thôi kéo dài. Nhưng (Tả tướng quân) theo cửa quan tới đây, đi đến đâu đánh được đến đó, binh của tướng quân trấn ở hành cung, chỉ trong một ngày đã tự suy bại. Dưới Lạc thành binh tuy tới vạn, nhưng chết cả trong trận chiến, tướng đã bại quân, còn muốn tranh thắng trận chiến trong chốc lát, xét thế, lực binh tướng hai bên, thật chẳng tương đương vậy. Bên tướng quân muốn dùng kế tiêu thổ lâu dài, nhưng bên này doanh trại thủ giữ bền chắc, lương thực chất đống, mà tướng quân đất đai mỗi ngày một mất, bách tính mỗi ngày một khốn, đối phương đã nhiều, mà bên tướng quân cung ứng lại rỗng tuếch. Cứ như ngu ý, tất bên tướng quân kiệt lương trước, chẳng kéo dài lâu hơn được vậy. Cứ thủ chẳng chiến, còn chẳng kham nổi, nay Trương Dực Đức mang quân mấy vạn, đã lấy Ba Đông, vào tới ranh giới Kiền Vi, lại chia binh lấy Tư Trung, Đức Dương, ba đường tiến tới, tướng quân lấy gì để ngăn được? Trước người ta bày mưu cho tướng quân, tất bảo bên này quân cô độc đi đánh nơi xa, đã chẳng có lương, lại cung vận không kịp, quân đã ít lại chẳng có bổ sung vậy. Nay lộ Kinh Châu đã thông, quân đã gấp mấy chục lần, lại thêm Tôn Xa kị (10) sai em cùng Lí Dị, Cam Ninh làm hậu viện. Nhược bằng muốn tranh cái thế chủ khách, cậy đất nhà để giành chiến thắng, thì nay bên họ đã chiếm được Ba Đông, Quảng Hán, Kiền Vi, hơn nửa đã định, một quận Ba Tây, cũng chẳng còn là của tướng quân nữa. Tính ra Ích Châu chỉ dựa vào đất Thục, thì nay Thục cũng tổn hại, ba phần mất hai, dân chúng mỏi mệt, nghĩ rằng mười hộ có tới tám hộ làm loạn vậy. Nếu như địch cách xa thì bách tính chẳng kham nổi việc nô dịch, địch ở gần thì đất đổi chủ chẳng phải chỉ trong chốc lát sao. Các huyện Quảng Hán, là một ví dụ rõ ràng vậy. Lại như Ngư Phục với cửa khẩu thật là “phúc họa chi môn” của Ích Châu, mà nay hai cửa này tất thủng, thành kiên cố mấy cũng mất, quân lính tan vỡ, binh, tướng đều hết, mà địch theo mấy lộ cùng tiến, đã vào tới nơi yếu địa, chỉ ngồi mà thủ Thành Đô, Lạc Thành, cái thế tồn vong, thật rõ ràng vậy. Chính chỉ bàn đại lược, còn như chi tiết, thật khó mà nói hết bằng lời. Như Chính vốn ngu dốt, còn biết việc ấy (11) chẳng thể làm được, huống chi những mưu sĩ thông minh sáng suốt bên cạnh tướng quân, há chẳng thấy được số mệnh như thế ư? Những kẻ ấy chỉ là phường sáng tối tranh giành sủng hạnh, cầu chốn dung thân để xu nịnh bề trên, mà chẳng biết lo tính mưu xa, chẳng tận tâm hiến dâng lương kế vậy. Ví như tình thế cấp thiết, các tướng liền mạnh ai nấy tìm đường sống, cầu xin được qua cửa ngõ, trăn trở trằn trọc, ngày trước so với bây giờ xét ra khác xa, họ thật khó vì tướng quân mà tận tâm tới chết. Nhà tướng quân đành tự gánh vác nỗi ưu tư mà thôi. Chính tuy chịu những lời phỉ báng bất trung, nhưng tự vấn tâm chẳng phụ thánh đức, lòng hoài niệm cái nghĩa chúa tôi mà đau đớn thảm thiết. Tả tướng quân từ trước tới nay, tấm lòng cũ chẳng hề thay đổi, thật chẳng có ý bạc bẽo. Ngu ý cho rằng có thể tính chuyện quyền biến, chính là để bảo toàn gia đình tướng quân đó.

Năm Kiến An thứ mười chín, (Tiên chủ) tiến binh vây Thành Đô, thái thú Thục Quận của Chương là Hứa Tính định trèo tường ra hàng, việc bị phát giác, không thành. Chương bởi nguy vong gần kề nên không giết Tĩnh. Lúc Chương đầu hàng, Tiên chủ vì việc ấy mà bạc đãi, không dùng Tĩnh. Chính khuyên rằng: Thiên hạ có những kẻ hữu danh vô thực, Hứa Tĩnh chính là như vậy. Nhưng nay chúa công mới tạo dựng đại nghiệp, chẳng thể giải thích rõ ràng cho từng người trong thiên hạ, cái hư danh của Tĩnh đã lan rộng bốn bể, nếu như thiếu lễ, thiên hạ tất cho chúa công là khinh rẻ người hiền. Chẳng bằng càng nên kính trọng, làm mê hoặc xa gần, như ngày xưa Yên Vương đãi Quách Ngỗi (12) vậy. Do vậy Tiên chủ bèn hậu đãi Tĩnh.

Tôn Thịnh nói: Hạ mình cầu hiền, tôn trọng cái đức, là đạo lý quan trọng của quốc gia; phong tặng phần mộ, đi qua cửa ( của bậc tiên hiền) là cách các bậc tiên vương lập ra khuôn thước ( cho thiên hạ biết mình tôn trọng người hiền). Do đó ăt phải thể nghiệm và thực hành đạo lý nhìn xa trông rộng, nghĩa cao ngút trời, mai sau có thể nhìn xa khắp bốn bể, chấn phục lê dân. Nếu chẳng phải người như thế, thì đại đạo chẳng được thực thi vậy. Hứa Tĩnh, ỏ nhà thì huynh đệ bất hòa, xuất sĩ thì quan không xứng chức, xét về tín nghĩa thì thời thế vừa đổi gan ruột cũng đổi, luận về kiến thức thì là đầu mối họa hoạn. Thì làm sao có thể khiến người hiền tài căn cứ vào kẻ sĩ được trọng dụng mà đầu phục đuợc? Nếu như chỉ chuộng cái danh hão huyền mà khinh thường vinh nhục cá nhân, thì những kẻ sĩ chính trực trọng nghĩa dựa vào cái gì để phục đây? Chính chỉ chuyên dùng thuật mê hoặc, đánh mất phong thái của người cao quý, lại ví Hứa Tĩnh như Quách Ngỗi, thật bất bình thường vậy. Thần Tùng Chi cho rằng Quách Ngỗi chẳng phải người hiền, chỉ bởi kế quyền biến mà được hưởng ân sủng, huống hồ Văn Hưu danh tiếng vang xa, thiên hạ đều bảo là người tài năng khác thường, tuy cuối đời có lầm lỗi, song việc ấy chẳng dễ hiểu rõ được, nếu không dùng lễ mà đãi, làm sao giải thích những nghi hoặc xa gần? Pháp Chính lấy Tĩnh so với Ngỗi, vị tất đã không đúng, mà Thịnh lại lấy việc các bậc tiên vương phong mộ, qua cửa (bậc tiên hiền) để bắt bẻ, thật là quá lắm! Thế thì Yên Vương cũng sai, sao chỉ có mình Lưu ông (13) được? Xét việc bất hòa trong nhà, sai ở Tử Tương, cứ theo lời Tưởng Tế thì chẳng phải lỗi của Văn Hưu vậy. Còn việc Tôn Thạnh mỉa mai Tĩnh làm quan không xứng chức, ắt chỉ việc Tĩnh làm quan với Đổng Trác, Trác lúc vừa chấp chính, hết lòng đề bạt nhân tài, người được Trác tuyển chọn, nhiều không kể xiết. Nhưng Hứa Tĩnh bước vào hoạn lộ, trước khi Đổng Trác chuyên quyền. Sau thăng làm Trung Thừa, không thể nói (nhờ Trác) mà vượt cấp. Lấy việc này mà bêu riếu thì danh sĩ như Tuân Sảng, Trần Kỷ đều bị đời ghét bỏ hay sao?

(Tiên chủ) lấy Chính làm Thái thú Thục Quận, Dương Vũ tướng quân, bên ngoài thống lĩnh cả kinh kỳ, bên trong làm tham mưu trưởng. Một bữa cơm ân đức hay một cái trừng mắt oán giận, Chính cũng chẳng bỏ sót, lại chuyên quyền bắt giết, phá hoại mấy người cho thỏa lòng riêng. Có người nói với Gia Cát Lượng rằng: Pháp Chính ở Thục Quận tung hoành quá mức, tướng quân nên bẩm với chúa công, hạn chế bớt quyền hành của ông ta đi. Lượng đáp: "Chúa công khi ở Công An, phía bắc úy kị Tào công cường mạnh, phía đông lo lắng Tôn Quyền bức bách, ở gần lại sợ Tôn phu nhân (13) sinh biến ngay sát nách. Tình thế lúc ấy, thật là tiến thoái lưỡng nan, may nhờ Pháp Hiếu Trực giúp cho, chúa công mới cất cánh bay liệng tự do được, chẳng sợ ai kiềm chế mình nữa. Nay ta lòng nào cấm đoán Pháp Chính, khiến ông ấy chẳng thỏa được ý riêng sao?". Nguyên trước Tôn Quyền gả em gái cho Tiên chủ, Tôn phu nhân vốn là người tài giỏi, nhanh nhẹn cương mãnh, có phong thái của các anh, thị tì hơn trăm người đều quen cầm đao đứng hầu, Tiên chủ mỗi lần vào đều thấy lạnh cả người. Lượng lại biết Tiên chủ rất quý trọng tin tưởng Chính, nên mới nói như thế.

Tôn Thịnh nói: Thưởng phạt tùy tiện, là cái đạo mất nhà hại nước; bắt thả theo yêu ghét, là nguồn gốc của việc phá khuôn phép, loạn đạo lý. Chẳng phải (Chính) cậy mình là công thần mà phóng túng cùng cực, cậy ân huệ mà lợi dụng quyền lực sao? Xưa Điên Hiệt (15) tuy cần cù, cũng chẳng thoát được hình phạt vì trái lệnh; Dương Can (16) tuy thân thiết, cũng bởi làm loạn mà suýt bị phanh thây, vương pháp xưa chẳng nể tình thân vậy. Cứ như lời Gia Cát, chẳng lẽ bỏ qua việc phạt Chính hay sao?

Năm Kiến An thứ hai mươi hai, Chính thuyết Tiên chủ rằng: Tào Tháo chỉ một trận mà hàng phục Trương Lỗ, bình định Hán Trung, lại chẳng nhân đà ấy mà lấy Ba, Thục, chỉ lưu Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp trấn thủ, rồi quay về bắc, chẳng phải bất trí mà do lực không đủ vậy, hiển nhiên trong nước có điều lo nghĩ bức bách. Nay Uyên, Cáp thao lược chẳng bằng chủ soái (Tào Tháo), ta khởi binh thảo phạt tất được. Sau khi thành công, ta tích cực trồng trọt, tích trữ lương thực, chờ đợi sơ hở của địch, hay nhất là có thể đánh đổ quân giặc, tôn trợ vương thất, thứ đến có thể chiếm dần hai châu Ung, Lương, mở rộng bờ cõi, hoặc ít ra cũng có thể cố thủ nơi hiểm yếu, tính kế lâu dài. Đó là cơ hội trời cao ban cho chúng ta, không thể đánh mất được. Tiên chủ nghe kế ấy, suất chư tướng tiến binh lấy Hán Trung, Chính cũng đi theo. Năm Kiến An thứ hai mươi tư, Tiên chủ từ ải Dương Bình qua sông Miện Thủy ở phía nam, men theo mặt trước núi, lập trại ở Định Quân sơn. Hạ Hầu Uyên đưa quân tới tranh địa thế. Chính nói: Có thể đánh. Tiên chủ ra lệnh cho Hoàng Trung từ trên cao gõ trống reo hò đánh xuống, đại phá quân của Uyên, Uyên cùng các tướng đều phải nộp đầu. Tào công dẫn binh tây chinh, nghe kế sách (17) của Chính, bèn rằng: Ta vẫn biết Huyền Đức chẳng đủ sức, kế ấy tất có người chỉ cho vậy.

Thần Tùng Chi cho rằng Thục với Hán Trung, như môi với răng vậy. Sao Lưu chủ lại không biết tới điều đó được? Sách lược chưa kịp triển khai, thì Chính đã nói trước mà thôi. Vả lại biết nghe, dùng mưu hay để thành công nghiệp, bá vương chi chủ có ai không như thế? Ngụy Vũ (18) cũng cho việc có người chỉ dạy là kém ư! Những lời thừa thãi đầy sự sỉ nhục oán giận ấy, chưa chắc đã là lời của Ngụy Vũ vậy.

Tiên chủ lên ngôi Hán Trung Vương, lấy Chính làm Thượng thư lệnh, Hộ quân tướng quân. Năm sau Chính mất, lúc ấy bốn mươi lăm tuổi. Tiên chủ thương tiếc Chính, rơi lệ nhiều ngày. Chính được đặt thụy là Dực Hầu. Con Chính được ban tước quan nội hầu, làm quan tới Phụng xa đô úy, Thái thú Hán Dương. Gia Cát Lượng với Chính tuy không cùng sở thích, nhưng đều lấy việc công làm trọng. Lượng thường ngạc nhiên với trí thuật của Chính. Tiên chủ vừa xưng đế xong, lập tức tính việc đông chinh Tôn Quyền để rửa nhục cho Quan Vũ, quần thần can gián rất nhiều, nhưng Tiên chủ chẳng nghe ai. Năm Chương Vũ nhị niên, đại quân bại trận, lui về Bạch Đế. Lượng than rằng: Nếu còn Pháp Hiếu Trực, hẳn có thể ngăn cản chúa thượng không đi sang đông; hoặc có sang đông, tất cũng không nguy hiểm vậy. Tiên chủ giao chiến với Tào công, ở thế không lợi, nên lui binh, mà Tiên chủ tức giận vô cùng không chịu lùi về, chẳng ai dám can. Tên bay như mưa, Chính bèn tới chắn trước Tiên chủ, Tiên chủ rằng: Hiếu Trực đừng lên. Chính nói: Minh công còn tự mình đứng trước mũi tên hòn đá, huống chi là tiểu nhân. Tiên chủ bèn nói: Hiếu Trực, ta với ngươi cùng đi. Rồi lùi về.

Bình rằng: Bàng Thống là người chính trực hòa nhã, học nhiều, suy nghĩ sâu xa, là tuấn kiệt đất Kinh, Sở đương thời. Pháp Chính thấu rõ thành bại, có mưu kế lạ, nhưng không được khen về phẩm hạnh. So với các đại thần nước Ngụy, Thống với Tuân Úc gần như một cặp, Chính và Trình, Quách (19) cũng tương đương vậy?

Chú thích: 
(1) Lỗ Ai Công, vua nước Lỗ thời Chiến quốc, cùng thời với vua Phù Sai nước Ngô và Câu Tiễn nước Việt.
(2) Trọng Ni là tên tự của Khổng Khâu, thường gọi là Khổng Tử, ông tổ của đạo nho, tác giả (hoặc người chỉnh lý) nhiều bộ kinh sách quý của Trung Quốc như Kinh Thi, Thư, Lễ, Dịch và Kinh Xuân Thu. Khổng Tử sinh tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ. Khổng Tử từng làm tể tướng nước Lỗ, giúp Lỗ trở nên cường thịnh, nhưng bị ly gián, dèm pha nên ra đi. Sau đó ông vẫn quay về Lỗ và mất ở đó.
(3) Liễu Hạ Huệ tên thật là Triển Hoạch, người đất Liễu Hạ, nước Lỗ thời Chiến quốc, trong lịch sử nổi tiếng là một chính nhân quân tử. Ông làm quan ba lần bị truất mà không bỏ nước. Tuy nhiên ông không sống ở thời Lỗ Ai Công mà sống vào thời Lỗ Hi Công trước đó hơn một trăm năm. Không rõ vì sao quan trấn thủ Phù Phong lại đưa cả Liễu Hạ Huệ vào câu nói về Lỗ Ai Công.
(4) Phủ ở đây chỉ quan phủ quận Phù Phong, minh là cách xưng hô tôn kính. Ví dụ như Minh công, Minh phủ.
(5) Không rõ ý Pháp Chân là gì. Có lẽ Chân muốn nói: Chân phiêu du bất định, không muốn làm quan.
(6) Chỉ Lưu Chương. Do Chương làm chức Ích Châu mục nên gọi là Lưu mục.
(7) Chỉ Lưu Bị. Chức của Bị lúc này là Tả tướng quân nhà Hán.
(8) Ý Pháp Chính nói bầy tôi của Lưu Chương toàn những kẻ giao du với nhau bằng tình cảm, xu nịnh bề trên, mặt trời (Lưu Chương) xuống thì mặt trăng (bầy tôi) cũng xuống theo, thế là trái với lẽ thường.
(9) Chỉ Tôn Quyền. Theo Ngô chủ truyện, Tam Quốc Chí, thì vào thời điểm này Tôn Quyền giữ chức Xa kị tướng quân, do Lưu Bị biểu tấu lên triều đình.
(10) Việc chống cự quân của Lưu Bị.
(11) Yên Vương thời chiến quốc muốn cầu người hiền, hỏi kế Quách Ngỗi. Ngỗi nói: Đại vương nên trọng dụng ngay tôi đây. Ngỗi tôi vốn bất tài còn được ngài trọng dụng, kẻ hiền khác thấy vậy tất lại với đại vương.
(12) Chỉ Lưu Bị. Lưu ông là cách gọi lịch sự.
(13) Tử Tương là tên tự của Hứa Thiệu, anh Hứa Tĩnh.
(14) Tôn phu nhân là vợ Lưu Bị, em gái Tôn Quyền, có sách nói tên là Tôn Thượng Hương.
(15) Điên Hiệt là tướng của Tấn Văn Công, ghen tị với Hỉ Phụ Cơ là người có ơn với Tấn Văn Công nên đốt nhà Hỉ Phụ Cơ. Việc bại lộ, bị xử chết.
(16) Dương Can là em Tấn Điệu Công. Làm trái quân pháp, suýt bị nguyên soái nước Tấn là Ngụy Giáng giết.
(17) Ở đây chỉ ý kiến của Pháp Chính về tầm quan trọng của Hán Trung.
(18) Chỉ Tào Tháo. Ngụy Văn Đế Tào Phi cướp ngôi nhà Hán, đặt thụy cho cha là Ngụy Vũ Đế.
(19) Trình Dục, Quách Gia.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.