Header Ads

Lý Nghiêm Truyện


Lý Nghiêm tự Chính Phương, người ở Nam Dương. Khi còn trẻ làm chức lại ở quận, được khen là người có tài cán. Kinh châu mục Lưu Biểu liền sai Nghiêm đi kinh lý các quận huyện. Thời Tào công đến Kinh châu, Nghiêm coi việc ở Tỷ Quy, liền bỏ về phía Tây đến xứ Thục, Lưu Chương lấy làm Thành đô lệnh, xét ra cũng có danh vọng. Năm Kiến An thứ 18, tạm cất Nghiêm làm Hộ quân, để chống cự Tiên chủ ở Miên Trúc. Nghiêm dẫn binh sỹ đến hàng Tiên chủ, Tiên chủ phong Nghiêm làm Bỳ tướng quân. Thành đô đã định, lấy Nghiêm làm Kiện Vi thái thú, Hưng nghiệp tướng quân. Năm Kiến An thứ 23, bọn đạo tặc là Mã Tần-Cao Thắng cùng khởi sự ở Âm Thê. Tụ họp bộ tốt được hơn năm vạn người, tới thẳng huyện Tư Trung. Thời ấy Tiên chủ đang ở Hán Trung, Nghiêm chẳng cần thêm quân, chỉ cần tướng sỹ trong quận có hơn 5.000 người đến thảo phạt, chém được thủ cấp bọn Tần-Thắng. Dư đảng của giặc tan rã, thu phục được dân ở vùng ấy. Về sau Cao Định lại suất lĩnh các tộc người Di-Việt bao vây huyện Tân Đạo, Nghiêm lại đến cứu ứng, bọn giặc đều bị phá. Được ban thêm tước Phụ hán tướng quân, thống lĩnh các quận huyện như trước.

Năm Chương Vũ thứ hai, Tiên Chủ cho vời Nghiêm đến Vĩnh An cung, bái làm Thượng thư lệnh. Năm Chương Vũ thứ ba, tiên chủ bị bệnh nặng, Nghiêm cùng với Gia Cát Lượng đều nhận di chiếu phụ giúp ấu chủ; lấy Nghiêm làm Trung đô hộ, thống lĩnh việc quân sự trong ngoài, lưu binh giữ Vĩnh An. Năm Kiến Hưng nguyên Niên, phong làm Đô hương hầu, ban cho giả tiết, thêm tước Quang lộc huân. Năm Kiến Hưng thứ tư, đổi phong làm Tiền tướng quân. Gia Cát Lượng dẫn binh ra Hán Trung, Nghiêm đảm đương việc hậu cần, đổi đến đóng binh ở Giang Châu, giao cho Hộ quân Trần Đáo trấn thủ Vĩnh An, thay cho việc của Nghiêm. Nghiêm gửi thư cho Mạnh Đạt rằng: “Ta với Khổng Minh đều vâng mệnh nhận sự ký thác, trách nhiệm nặng nề, mong mỏi có được một người bạn tốt”. Lượng cũng gửi thư cho Đạt nói: “Xử lý công việc trôi chảy, không hề ứ đọng, đó là Chính Phương.”

Trong Gia Cát Lượng tập có chép việc Nghiêm gửi thư cho Lượng, khuyên Lượng nên nhận cửu tích, tiến tước xưng vương. Lượng viết thư trả lời rằng: “Ta với túc hạ vốn biết nhau đã lâu, chẳng lẽ còn chưa thấu hiểu nhau! Túc hạ thẳng thắn dạy bảo việc chấn hưng đất nước, khuyên răn ta chớ câu nệ đạo lý, như thế thật chưa được phải lắm. Ta vốn là kẻ hèn sỹ ở phương Đông, bởi Tiên đế lầm dùng, cho ngôi vị nhân thần cực cao, ơn lộc kể hơn trăm vạn, nay việc thảo phạt quân giặc chưa thành, ơn tri ngộ chưa báo đáp được, sao miễn cưỡng so sánh được với những bậc tôn quý đời Tề-Tấn, lẽ ấy trái nghĩa vậy. Ví bằng đã diệt được Nguỵ chém được Duệ (1), vua được trở về cố đô, khi ấy các vị tiến cử, dẫu thập tích cũng xin nhận, huống chi chỉ là cửu tích!”

Năm Kiến Hưng thứ 8, thăng chức Nghiêm lên Phiêu kỵ tướng quân. Năm ấy Tào Chân cất ba đạo quân nhằm vào hướng Hán Xuyên, Lượng sai Nghiêm dẫn 2 vạn quân đến Hán Trung chi viện. Lại viết biểu sai con của Nghiêm là Phong giữ chức Đô đốc Giang Châu đốc xuất quân mã xứ ấy, lo việc ở phía sau thay Nghiêm. Lượng định năm sau xuất quân, mới dâng biểu để Nghiêm coi việc trong phủ Trung đô hộ. Nghiêm đổi tên thành Bình.

Năm Kiến Hưng thứ chín, quân Lượng lại ra Kỳ Sơn, Bình đốc trách việc vận chuyển lương thực. Đến cuối hạ đầu thu, trời đổ mưa dầm, việc vận lương không được đều đặn, Bình phái Tham quân Hồ Trung, Đốc quân Thành Phan truyền dụ chỉ (2), gọi Lượng trở về; Lượng vâng mệnh lui binh. Bình nghe tin đại quân đã lui, bèn tỏ ra kinh hãi, nói rằng “quân lương vẫn đầy đủ, sao lại rút quân về!” những muốn bày tỏ rằng mình chẳng có lỗi gì, như thế Lượng tất chẳng thể ắt tội mình. Lại viết biểu tâu Hậu chủ, nói rằng: “Quân ta lui binh là mưu kế, ấy là muốn dụ địch để quyết chiến”. Lượng về đem hết cả những thư từ có thủ bút của Bình trước sau về việc ấy xem xét, Bình trái mệnh có lỗi thế nào đều được phân tỏ rõ ràng. Bình hết đường chối cãi, phải cúi đầu nhận tội.

Lượng viết biểu kể tội Bình rằng: “Từ khi Tiên đế qua đời đến nay, Bình luôn quản việc ở gần nhà, cho rằng ở ngôi cao mà được ơn huệ nhỏ, mới an thân cầu danh, không chăm lo việc nước. Đương khi thần xuất quân Bắc phạt, muốn để Bình nắm quân giữ Hán Trung, Bình thấy khó khăn liền bỏ ngang, nghĩ rằng việc không như ý mình, yêu cầu được làm Ba châu thứ sử cai quản năm quận. Năm trước thần muốn Tây chinh, mới vời Bình chủ đến đốc xuất việc ở Hán Trung, Bình lại nói rằng bọn Tư Mã Ý đã mở chiêu phủ (3). Thần biết Bình ty bỉ hẹp hòi, muốn nhân việc ấy để để bức bánh thần hòng thủ lợi riêng, bởi thế thần đã dâng biểu phong cho con Bình làm đô đốc Giang Châu, khoản đãi hậu hĩnh, muốn nhân đó để được việc lúc nhất thời. Ngày Bình đến, thần đã uỷ thác mọi việc, quần thần trên dưới đều lấy làm lạ sao thần lại đối đãi với Bình quá hậu. Chính bởi đại sự chưa định, Hán thất còn nghiêng lệch nguy nan, nếu phạt Bình vì lỗi nhỏ, chẳng bằng khen ngợi Bình ở chỗ hơn người (4). Như vậy thì cái tình của thần với Bình còn hơn cả vinh lợi (5) nữa, ngờ đâu được tâm trí Bình đảo điên đến thế. Mọi sự trì trệ, cẩu thả gây hoạ, như thế thần quả chẳng biết sáng suốt nhìn người, nói nhiều càng thêm xấu hổ.”

Hậu chủ bèn phế Bình làm thứ dân, đày ra quận Tử Đồng.

Năm Kiến An thứ 12, Bình hay tin Lượng mất, phát bệnh mà chết. Bình vẫn mong mỏi Lượng còn sống tất sẽ lại bổ dụng mình, nghĩ rằng người sau chẳng làm việc ấy, cho nên bi phẫn vậy. Con Bình là Phong làm quan đến chức Thái thú Chu Để.

(Trong bản dịch bỏ đi một đoạn chú dẫn của cụ Tùng Chi dẫn lời ông Tập Tạc Xỉ khen ngợi Lượng và bài chiếu xin xử tội Bình, bởi lời lẽ gần giống với ý văn mà cụ Trần Thọ đã dẫn)

Chú thích: 
(1) Tức Tào Tuấn.
(2) Một dạng đạo chiếu của Vua.
(3) Phủ Tích Triệu, có lẽ là phủ chiêu hiền. Ý bấy giờ đóng ở phía Đông coi việc bố phòng ở Đông chiến tuyến, Ý mở phủ ở phía ấy tức là chiến tuyến phía Đông, nơi quân Thục do Lý Nghiêm quản (Giang Châu) bị ảnh hưởng. Lượng muốn kể tội Nghiêm lấy lý do trốn việc phải ra Hán Trung.
(4) Nguyên văn: Phạt Bình chỗ ngắn, không bằng khen chỗ dài, dịch thoát ý.
(5) Danh vọng, lợi lộc.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.