Header Ads

Phí Thi Truyện


Phí Thi tự Công Cử, người quận Kiến Vi huyện Nam An. Thời Lưu Chương lấy Thi làm huyện lệnh huyện Miên Trúc, lúc Tiên chủ đánh Miên Trúc, Thi sớm đầu hàng. Thành Đô đã định, Tiên chủ lĩnh chức Ích châu mục, lấy Thi làm Đốc quân Tòng sự, rồi đổi ra ngoài làm Tang Ca thái thú, khi về lại Ích châu được làm Tiền bộ Tư mã.

Tiên chủ xưng làm Hán Trung Vương, phái Thi đến phong Quan Vũ làm Tiền tướng quân, Vũ nghe tin Hoàng Trung được thăng làm Hậu tướng quân, bèn nổi giận nói: “Bậc đại trượng phu sao có thể cùng đứng ngang hàng với tên lính già!” Rồi nhất quyết không nhận thụ phong. Phi nói với Vũ rằng: “Kẻ lập vương nghiệp, phải biết dụng hết nhân tài. Xưa Tiêu (Hà) -Tào (Tham) cùng với Cao Tổ thân thiết từ thủa nhỏ, mà Trần (Bình) - Hàn (Tín) là kẻ vong mệnh đến sau, khi luận công ban tước, Hàn được ngôi cao nhất, cũng chưa nghe thấy Tiêu – Tào buông lời oán giận. Nay Hán Vương xét công lao, sùng kính Hán Thăng, chẳng có ý gì khinh trọng giữa quân hầu và Hoàng tướng quân vậy! Vả lại Hán Vương và quân hầu cũng giống như một thể, cùng hưởng yên vui cùng chung lo lắng, hoạ phúc cùng chia, theo ngu ý của tôi thì quân hầu chẳng nên so đo quan hiệu cao thấp, tước lộc ít hay nhiều vậy. Kẻ hèn này chỉ là viên sứ giả, vâng mệnh người khác mà đến, nếu quân hầu chẳng nhận thụ phong, tôi cũng phải trở về thôi, song tôi thực sự tiếc về hành vi của tướng quân, sợ rằng sau này tướng quân phải hối hận.” Vũ tỉnh ngộ ra, vội vàng cúi nhận ấn thụ.

Sau này quần thần bàn luận muốn Hán Trung Vương xưng tôn hào, Thi tâu rằng: “Điện hạ nhân vì cha con Tào Tháo bức vua (Hiến Đế) cướp lấy ngôi cao nên mới phải đi xa vạn dặm, tập hợp quần sỹ, thảo phạt phản tặc. Nay đại địch chưa diệt được, đã muốn tự lập làm vua, sợ rằng nhân tâm nghi hoặc. Xưa Cao Tổ cùng với Sở (Hạng Vũ) ước hẹn, ai phá được Tần trước thì làm vương. Thế mà khi vào được Hàm Dương, bắt sống được Tử Anh, còn lo lắng nhún nhường mà từ chối, huống chi Điện hạ còn chưa ra khỏi môn đình, đã muốn tự lập làm đế sao! Ngu thần thành thật xin Điện hạ chẳng nên”. Bởi thế nên bị cho rằng đã nói lời ngỗ ngược, mới giáng chức xuống làm Tòng sự quận Vĩnh Xương.

Năm Kiến Hưng thứ ba, theo Gia Cát Lượng xuôi Nam, khi về đến huyện Hán Dương, hàng tướng Lý Hồng (Nguỵ tướng) đến gặp Lượng, Lượng tiếp kiến Hồng ở đó, bấy giờ Tưởng Uyển cùng với Phí Thi cũng ngồi đấy. Hồng nói: “Khi trước tôi từng gặp Mạnh Đạt, lúc tôi sắp về Nam lại gặp được Vương Xung ở đó, ông ta nói rằng lúc Mạnh Đạt bỏ đi, minh công nghiến răng tức giận, muốn tru lục hết vợ con Đạt, may mà Tiên đế không nghe theo. Đạt nói: ‘Gia Cát Lượng xét việc có nguồn có ngọn, thuỷ chung chẳng thể như vậy được’. Nhất định chẳng tin lời Xung, vẫn tỏ lòng kính ngưỡng minh công, song vẫn chưa dám quay về.” Lượng bảo với Uyển và Thi rằng: “Khi về Thành Đô nên gửi thư cho y để nghe ngóng tin tức”. Thi dâng lời rằng: “Mạnh Đạt là kẻ nhỏ nhen, khi trước làm việc giúp chúa (Chương) mà bất trung, sau này lại phản bội Tiên đế, thật là kẻ phản phúc, sao đáng thư từ hứa hẹn đây!” Lượng chỉ lặng yên suy nghĩ mà không đáp.

Lượng muốn dụ Đạt làm ngoại viện, mới gửi thư cho Đạt rằng: “Năm ngoái tôi Nam chinh, lúc trở về, mới cùng Lý Hồng ở gặp gỡ Hán Dương, nhờ đó biết được tin tức của ngài, cứ cảm thán bùi ngùi mãi, xét chí hướng cao khiết của túc hạ, ( nguyên văn câu này là ‘bình tố chi chí’ mà ‘tố’ chỉ cái mộc mạc, trắng trong - chẳng phải là nói rằng chí hướng của Đạt là cao khiết sao? Cơ mà lão Đạt này cao khiết cái quái gì, phản phúc vô thường bỏ mịa đi ấy chứ, hay anh Khổng ‘nịnh thô’ đấy nhỉ?) há phải bậc cầu lấy chút danh phận vinh hoa hư hão, bám lấy sự quý hiển trái lẽ như thế! Hỡi ôi ngài Mạnh, thật chỉ bởi Lưu Phong ngấm ngầm bức hiếp túc hạ, làm phương hại đến cái nghĩa đãi ngộ kẻ sĩ của Tiên đế. Lại nghe Lý Hồng nói Vương Xung cố ý nói xằng bậy, mà túc hạ vẫn hiểu được lòng ta, chẳng nghe theo lời Xung. Để trải tấc lòng mình cùng túc hạ, tỏ rõ cái tình ngày trước, đoái trông về phía Đông, sai gửi thư này”.

Đạt nhận được thư của Lượng, rất đỗi vui mừng, mới phản lại nước Nguỵ. Nguỵ sai Tư mã Tuyên Vương đến đó (Tân Thành), tức khắc chém được Đạt. Lượng cũng vì Đạt không thành tâm nên chẳng đến cứu trợ.

Khi Tưởng Uyển nắm việc chính sự, lấy Thi làm Gián Nghị đại phu, sau Thi chết tại gia.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.