Header Ads

Tưởng Uyển Truyện


Tưởng Uyển tự Công Diễm, người ở quận Linh Lăng, huyện Tương Hương. Năm hai mươi tuổi cùng với người em bên ngoại ở Tuyền Lăng là Lưu Mẫn cùng nổi danh. Uyển làm thư tá ở châu, theo Tiên chủ vào Thục, sau được phong làm trưởng huyện Quảng Đô. Có lần Tiên chủ đi thị sát đột ngột ở Quảng Đô, thấy Uyển bỏ bê việc công, lại chìm đắm say sưa, Tiên chủ vô cùng tức giận, muốn luận tội xử trảm. Quân sư tướng quân Gia Cát Lượng xin rằng: Tưởng Uyển là khí chất của xã tắc, chẳng phải người chỉ có tài trong vòng trăm dặm. (Uyển) nghĩ việc quan lấy yên dân làm gốc, mà chưa biết thể hiện sự sửa sang, xin chúa công xét lại thật kỹ. Tiên chủ rất kính trọng Lượng, bèn không trị tội, nhưng lập tức bãi miễn quan chức của Uyển. Uyển suy nghĩ việc mai sau, nằm mơ thấy một cái đầu trâu, máu chảy chan hòa, cảm thấy rất chán ghét giấc mơ ấy, mới nhờ Triệu Trực đoán mộng. Trực nói: Thấy máu, tức là mọi việc sắp rõ ràng phân minh. Sừng trâu ghép với mũi, thành hình chữ Công, ngài tất được sự công bằng, sẽ được thăng chức. Sau đó không lâu (Uyển) được làm huyện lệnh Thập Phương. Tiên chủ làm Hán Trung vương, cho Uyển làm thượng thư lang. Kiến Hưng nguyên niên, thừa tướng Lượng mở phủ thừa tướng, lấy Uyển làm đông tào duyện. Sau được tiến cử làm Mậu tài (1), Uyển cố nhường cho Lưu Ung, Âm Hóa, Bàng Duyên, Liêu Thuần, Lượng mới dạy rằng: Tưởng nếu chỉ vì sợ mất tình giao hảo mà vứt bỏ không dùng người có đức, là hại đến trăm họ, lòng người tất không yên, nơi xa gần tất không hiểu được đạo lí, bởi thế ông nên khuyến khích tiến cử, lấy việc tuyển chọn sáng suốt trong sạch làm trọng mới là phải. Sau Uyển được thăng làm Tham quân. Năm Kiến Hưng thứ năm, Lượng ở Hán Trung, Uyển cùng trưởng sử Trương Duệ xử lý mọi việc ở phủ thừa tướng. Năm thứ tám, thay Duệ làm trưởng sử, thăng hàm phủ quân tướng quân. Lượng mấy lần ra ngoài (2), Uyển đều cung cấp binh lương đầy đủ. Lượng thường nói: Công Diễm trung thành, một lòng với công việc, cùng chung sức với ta gây dựng được vương nghiệp vậy. (Lượng) mật tâu với Hậu chủ rằng: Nếu thần bất hạnh, việc sau này nên giao phó cho Uyển.

Lượng mất, Uyển được thăng làm thượng thư lệnh, không lâu sau kiêm chức Đô hộ, có cờ tiết, thứ sử Ích châu, rồi lại thăng làm Đại tướng quân, quản việc sáu bộ, tước An Dương Đình Hầu. Nguyên soái (3) mới mất, xa gần đều lo lắng sợ hãi. Uyển giữa quần thần bộc lộ tài năng vượt trội, đảm đương vị trí đứng đầu bá quan, không lộ vẻ buồn rầu cũng chẳng tỏ ra vui vẻ, vẻ mặt cử chỉ vẫn như mọi ngày, bởi thế các quan ngày càng khâm phục. Duyên Hi nguyên niên, (Hậu chủ) hạ chiếu cho Uyển rằng: Giặc vốn khó trừ, nay Tào Duệ kiêu căng hung bạo, ba quận Liêu Đông khổ vì bạo ngược, đã liên kết khởi sự, muốn thoát li thống trị. Duệ rầm rộ xuất binh, hai bên công phạt lẫn nhau. Xưa nhà Tần diệt vong, cũng bởi Thắng, Quảng (4) khởi nghĩa, nay (nhà Ngụy) có biến, chính là dịp may trời cho. Khanh hãy chuẩn bị đầy đủ, thống suất các quân đóng tại Hán Trung, liên kết với Ngô khởi binh, hai lộ cùng tiến, thừa cơ hội này. Uyển thừa lệnh rời phủ, năm sau được thăng làm đại tư mã.

Đông tào duyện Dương Hí bản tính thuần phác, Uyển cùng bàn luận, ông ta chẳng trả lời. Có người muốn gièm pha Hí, nói với Uyển rằng: Ngài với Hí bàn chuyện mà ông ta chẳng trả lời, Hí khinh thường bề trên, chẳng phải đã quá phận mình ư? Uyển đáp: Lòng người khác nhau, cũng như mặt mũi vậy. Trước mặt thuận theo mà sau lưng phê phán, việc đó cổ nhân đã răn đe. Nếu Hí tán thành ý tôi, thì trái với ý ông ta, mà nếu phản bác lời tôi, tất làm hiện rõ cái sai của tôi, bởi vậy mặc nhiên không đáp, đó chẳng phải chỗ hay của ông ta ư? Đốc nông Dương Mẫn từng phê phán Uyển rằng: Làm việc mơ hồ, không thể sánh với tiền nhân. Có kẻ mách với Uyển, người chấp pháp xin trừng trị Mẫn, Uyển nói: Ta thật không bằng tiền nhân, chẳng thể trách phạt người ta vậy. Người chấp pháp vẫn một mực xin truy cứu tội trạng, Uyển nói: Nếu ta cẩu thả không được như tiền nhân, tất xử lý công việc không thỏa đáng, việc không thỏa đáng, tất sẽ mơ hồ, hà tất phải truy vấn? Sau Mẫn bị tội phải vào ngục, mọi người đều cho rằng Mẫn chắc chết, Uyển lại chẳng giữ thành kiến, miễn cho trọng tội. Các việc đều như vậy, Uyển chẳng tư tâm, cứ đúng phép mà làm.

Uyển cho rằng trước Gia Cát Lượng hay ra Tần Xuyên, đường đi hiểm trở vận chuyển khó khăn, không thể khắc phục, không bằng theo đường thủy xuống phía đông (5). Bèn chế tạo thuyền bè, muốn theo đường Hán, Miện (6) đánh vào Ngụy Hưng, Thượng Dung. Song bởi bệnh cũ tái phát, chẳng thể tiến hành. Quần thần luận bàn đều cho rằng ví như không đánh được, sẽ rất khó quay về, đó chẳng phải kế lâu dài. Do vậy (Hậu chủ) mới sai thượng thư lệnh Phí Y, trung giám quân Khương Duy cùng tới truyền ý chỉ. Uyển nhận lệnh, dâng sớ rằng: Trừ diệt phản tặc, là chức trách của thần. Thần ở Hán Trung đã được sáu năm, thân thể vốn đã yếu nhược, lại thêm bệnh tật, chẳng lập được công lao, thần sớm khuya lo lắng không yên. Nay Ngụy có được chín châu, gốc rễ ngày càng bám chặt, thật khó bình định. Nếu đông tây cùng hợp lực, giữ thế đầu đuôi nương tựa lẫn nhau, tuy không thể nhanh chóng đạt được ý nguyện, cũng có thể từ từ lấn chiếm như tằm ăn lá, trước hết diệt trừ bè đảng phản nghịch. Nhưng Ngô và ta đã hai, ba lần liên hợp mà chẳng có kết quả, nay rất khó để họ xuất binh, thần thật mất ăn mất ngủ. Thần cùng Phí Y bàn bạc, đều cho rằng Lương Châu chính là nơi cổ họng hiểm yếu, tiến thoái đều thuận lợi, quân giặc rất coi trọng. Vả lại lòng dân Khương, Hồ mong chờ nhà Hán như khát nước, trước đây thiên quân vào đất Khương, Quách Hoài phải thua trận bỏ chạy, tính toán lợi hại, thần cho rằng việc này (7) quan trọng hàng đầu, nên lấy Khương Duy làm Lương Châu thứ sử. Ví như Duy xuất binh, khống chế được hữu ngạn sông, thần sẽ đưa quân làm hậu ứng cho Duy. Nay Phù Huyện thủy bộ thông nhau, nếu vùng đông bắc có nguy hiểm, ứng phó chẳng phải là việc khó vậy. Bởi thế Uyển quay về ở tại Phù Huyện. Nhưng bệnh tật chuyển biến xấu đi, tới năm thứ chín (Duyên Hi) Uyển mất, được đặt thụy là Cung.

Con Uyển là Bân nối dõi, làm Tuy Vũ tướng quân, hộ quân ở Hán Thành. Khi đại tướng Ngụy là Chung Hội tới Hán Thành, thư cho Bân rằng: Đất Ba Thục người hiền tài văn võ thật nhiều không kể xiết. Đến như túc hạ, Gia Cát Tư Viễn (8), cũng ví như cỏ cây, tôi cũng chỉ là loại đó vậy. Việc yêu kính tổ tiên, xưa nay đều được coi trọng. Đến phía tây, tôi muốn kính cẩn thăm mộ lệnh tôn đại nhân, xin được quét dọn mộ phần, khấn bái tỏ lòng tôn kính. Mong túc hạ chỉ cho nơi chốn! Bân thư trả lời rằng: Tôi cảm kích hậu ý của ngài đoái tới kẻ hèn này mà chịu kết giao, thật chẳng thể cự tuyệt. Tiên phụ khi xưa bị bệnh, mất ở Phù Huyện, lời bói nói rằng chôn tại đó được tốt, nên tạm táng ở nơi ấy. Được biết ngài từ xa tới phương tây, mong ngài hạ cố đến tu sửa thắp hương mộ phần giúp cho. Ngài xem phụ thân của tôi như của ngài, thật là cái nhân của Nhan Tử vậy (9), tôi nghe mà cảm kích xót xa, càng thêm tưởng nhớ tiên phụ. Hội nhận thư của Bân, cảm thán không thôi, đến khi tới Phù Huyện, làm đúng như thư Bân nói.

Sau này Hậu chủ hàng Đặng Ngải, Bân tới chỗ Hội ở Phù Huyện, Hội lấy lễ bằng hữu mà đãi. Bân theo Hội tới Thành Đô, bị loạn binh giết chết. Em Bân là Hiển, làm Thái tử phó, Hội cũng rất yêu tài học, cùng chết với Bân.

Lưu Mẫn làm tả hộ quân, Dương Uy tướng quân, cùng với Trấn bắc đại tướng quân là Vương Bình trấn thủ Hán Trung. Ngụy sai đại tướng quân Tào Sảng đánh Thục, khi bàn bạc có người nói chỉ nên thủ thành, không ra cự địch, tất địch phải tự lui. Mẫn cho rằng trong cốc kẻ nam người nữ cày cấy làm ruộng, nghe địch tới, tất bỏ đi hết. Bèn suất lĩnh bộ hạ cùng Bình giữ Hưng Thế, cắm cờ xí trải dài hơn trăm dặm. Đại tướng quân Phí Y từ Thành Đô đem quân chi viện, Ngụy quân lập tức phải lui, Mẫn có công được phong là Vân Đình hầu.

Chú thích:
(1) Mậu tài là chức quan chuyên lo việc tiến cử, tuyển dụng nhân tài.
(2) Xuất chinh đánh Ngụy.
(3) Chỉ Gia Cát Lượng. Người đứng đầu mới mất tất mọi việc thiếu ổn định.
(4) Trần Thắng, Ngô Quảng, hai lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối đời nhà Tần.
(5) Tức là xuôi dòng sông đánh về phía đông của Thục Hán.
(6) Sông Hán, sông Miện.
(7) Tức là việc lấy Lương Châu.
(8) Gia Cát Chiêm, con của Gia Cát Lượng.
(9) Chỉ Nhan Hồi, học trò giỏi của Khổng Tử. Xưa Nhan Hồi xem Khổng Tử như cha, Tưởng Bân muốn ví Chung Hội với Nhan Hồi.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.