Header Ads

Mã Trung Truyện


Mã Trung tự Đức Tín, người quận Ba Tây, huyện Lãng Trung. Thuở nhỏ được nhà ngoại nuôi dưỡng, mang họ Hồ tên Đốc, sau mới lấy lại họ Mã, đổi tên là Trung. Trung làm quận lại, thời Kiến An mạt được tiến cử làm Hiếu liêm, rồi làm trưởng huyện Hán Xương. Tiên chủ đông chinh, bại trận ở Hồ Đình, Thái thú Ba Tây Diêm Chi lấy năm nghìn quân ở các huyện để bổ khuyết, sai Trung đưa đi. Tiên chủ lúc ấy đã về Vĩnh An, gặp Trung cùng trò chuyện, bảo Thượng thư lệnh Lưu Ba rằng: Tuy mất Hoàng Quyền, lại có Hồ Đốc, khá thấy đời chẳng thiếu kẻ hiền tài vậy. Năm Kiến Hưng nguyên niên, Thừa tướng Gia Cát Lượng mở phủ, lấy Trung làm môn hạ đốc. Năm Kiến Hưng thứ ba, Lượng vào nam, phong Trung làm Thái thú Tang Ca. Quận thừa Chu Bao làm phản. Sau cơn bạo loạn, Trung vỗ về sửa trị, rất có ân uy. Năm Kiến Hưng thứ tám, Trung được triệu về làm Tham quân phủ Thừa tướng, phụ Trường sử Tưởng Uyển tạm coi sự vụ ở phủ. Sau lại nhậm chức Trì trung tòng sự ở châu. Năm sau, Lượng ra Kỳ Sơn, Trung theo Lượng, lo việc doanh trại quân nhung. Đại quân quay về, Trung lại dẫn tướng quân Trương Nghi thảo phạt người Khương làm loạn ở Vấn Sơn. Năm Kiến Hưng thứ mười một, cường hào ở Nam Di là Lưu Trụ làm phản, nhiễu loạn các quận. Lai Hàng đô đốc Trương Dực được gọi về, Trung thay chức của Dực. Trung chém được Trụ, bình định đất nam, được phong làm Giám quân, Phấn uy tướng quân, tước Bác Dương Đình hầu. Trước, quận Kiến Ninh giết Thái thú Chính Ngang, trói Thái thú Trương Duệ đưa tới Ngô, bởi thế Đô đốc thường ở huyện Bình Di. Tới thời Trung, mới chuyển tới ở huyện Vị, sống giữa người Di. Lại thấy quận Việt Huề mất đất đai đã từ lâu, Trung cùng Thái thú Trương Nghi mở mang, phục hồi quận cũ, bởi thế lại được gia quan làm An nam tướng quân, tấn phong Bành Hương Đình hầu. Năm Diên Hi thứ năm Trung về triều, tới Hán Trung gặp Đại tư mã Tưởng Uyển tuyên truyền chiếu chỉ, rồi được thăng chức làm Trấn nam đại tướng quân. Mùa xuân năm Diên Hi thứ bảy, Đại tướng quân Phí Y cự Ngụy địch ở phương bắc, lưu Trung ở Thành Đô quản việc thượng thư. Y về triều, Trung lại về nam. Năm Diên Hi thứ mười hai Trung mất, con là Tu nỗi dõi. Em Tu là Khôi. Con của Khôi là Nghĩa, đời nhà Tấn làm Thái thú Kiến Ninh. Trung là người khoan dung, rất có độ lượng, hay nói đùa cười lớn, bực tức không lộ ra mặt, xử sự quyết đoán, ân uy gồm đủ, bởi thế man di kính sợ mà yêu. Lúc Trung mất, người người đều để tang, rơi lệ xót thương, lại vì Trung mà lập miếu thờ, đến nay vẫn còn.

Trương Biểu là danh sĩ đương thời, thanh vọng còn hơn Trung. Diêm Vũ làm việc hiệu quả, tinh tế chuyên cần. Hai người tiếp bước Trung, uy phong thành tích đều không kịp Trung.

Ích bộ kì cựu truyện chép: Trương Biểu là con của Trương Túc (1). Hoa Dương quốc chí nói: Biểu là con Trương Tùng. Việc này không rõ. Diêm Vũ tự Văn Bình, người Nam Quận.

Chú thích: 
(1) Trương Túc là anh Trương Tùng.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.