Header Ads

Hướng Lãng Truyện


Hướng Lãng tự Cự Đạt, người huyện Nghi Thành, quận Tương Dương.

Tương Dương ký viết: sư phụ hồi nhỏ của Lãng là Tư Mã Đức Tháo, cùng Từ Nguyên Trực, Hàn Đức Cao, Bàng Sĩ Nguyên rất thân thiết.

Kinh Châu mục Lưu Biểu dùng làm huyện trưởng huyện Lâm Tự. Biểu chết, theo Tiên Chủ. Tiên Chủ bình định khu vực bờ phía nam sông Trường Giang, cho Lãng quản việc quân dân bốn huyện Tỷ Quy, Di Đạo, Vu (Sơn), Di Lăng. Sau khi bình định Thục, sai Lãng làm Thái thú Ba Tây, không lâu sau thì chuyển đến Tường Kha, về sau lại rời tới Phòng Lăng. Hậu Chủ đăng cơ, Lãng được phong làm Bộ binh Hiệu úy, thay Vương Liên giữ chức Thừa tướng Trưởng sử. Thừa tướng Lượng nam chinh, Lãng ở lại lo chuyện hậu phương. Năm Kiến Hứng thứ năm, theo Lượng vào Hán Trung. Thường ngày quan hệ giữa Lãng và Mã Tốc rất tốt, Tốc chạy trốn, Lãng biết nhưng không báo, Lượng giận lắm, bãi chức quan đuổi về Thành Đô. Mấy năm sau, nhậm chức Quang lộc huân(1), sau khi Lượng chết, được phong làm Tả tướng quân, khi luận đến công lao cũ, lại được phong làm Hiển Minh đình hầu, tước quan Đặc tiến(2). Lúc xưa, khi Lãng còn trẻ tuy có xem qua văn học, nhưng không nghiên cứu tìm tòi điển tịch, ông vì tài làm quan mà được mọi người khen ngợi. Từ sau khi bị bãi chức Trưởng sử, nhàn nhã vô sự gần ba mươi năm,

Thần Tùng Chi xét: Lãng vướng vào vụ Mã Tốc mà mất chức Trưởng sử là vào năm Kiến Hưng thứ sáu. Đến năm Diên Hi thứ mười thì chết, tất cả chỉ hai mươi năm mà thôi, ở đây viết “ba mươi”, chữ nghĩa có sai lầm.

vì thế mà chuyên tâm nghiên cứu sách vở, cần mẫn không ngơi nghỉ. Khi qua tám mươi tuổi, còn chính tay hiệu đính sách, sửa chữa lỗi sai, thư tịch mà ông cất giữ là nhiều nhất hồi bấy giờ. Ông còn mờ cửa tiếp khách, hướng dẫn chiêu nạp hậu bối, chỉ bàn luận việc xưa, không để ý đến chuyện thời sự, vì thế mà được khen ngợi. Trên cho đến quan viên chấp chính, dưới cho tới trẻ con để chỏm, ai cũng đều kính trọng. Năm Diên Hi thứ mười tám chết.

Tương Dương ký viết: Lãng để lại lời răn dạy con mình: “Thường nghe rằng đánh thắng trận quan trọng ở chỗ đoàn kết hòa hảo, nhất chí chống địch, chứ không phải dựa vào số đông. Lời này ý rằng trời đất yên bình thì vạn vật sinh ra, vua tôi hòa thận thì quốc gia vững vàng, cửu tộc hòa hảo thì ai cũng thỏa nguyện, có được bình yên, cho nên thánh nhân giữ vững cái sự hòa thuận, tồn hay vong cũng đều do đó cả. Ta, chỉ là một tên tiểu tử của Sở quốc, từ sớm đã mồ côi, được nhị huynh nuôi dạy, tính tình cũng không đến nỗi theo lợi lộc mà sa đọa. Nay tùy rằng nghèo, nhưng nghèo không phải cái họa của người ta, hòa thuận mới là điều đáng quý nhất, con hãy cố gắng nhớ lấy lời này!”

Con là Điều thừa kế, giữa năm Cảnh Diệu nhậm chức Ngự sử Trung thừa.

Tương Dương Ký viết: Điều tự là Văn Báo, cũng học nhiều hiểu rộng, đến đời nhà Tấn làm Thái thú Giang Dương, Nam trung quân Tư mã.

Con của anh Lãng là Sủng, làm Nha môn tướng thời Tiên Chủ. Trong thất bại ở Tỷ Quy, chỉ có đội quân của Sủng là còn được nguyên vẹn trở về. Kiến Hưng nguyên niên được phong làm Đô Đình hầu, sau lại làm Trung bộ đốc, cai quản quân Túc vệ. Khi Gia Cát Lượng sắp đi lên phía Bắc, ông dâng biểu tâu với Hậu Chủ rằng: “Tướng quân Hướng Sủng, phẩm chất lương thiện, hành vi nghiêm túc, hiểu biết việc quân. Trước đây khi dùng thử Tiên đế đã từng khen là người có tài, do đó mọi người tiến cử Sủng nhậm chức Trung bộ đốc. Theo ý thần, chuyện trong quân đều có thể đến hỏi người này, như thế nhất định có thể làm cho quân đội được hòa thuận và ăn ý, người giỏi kẻ kém được phân định rõ ràng.” Sau được thăng làm Trung lĩnh quân. Năm Duyên Hi thứ ba, đi đánh quân Ma Di ở quận Hán Gia, gặp nạn. Em của Sủng là Sung, từng làm những chức như Xạ Thanh Hiệu úy, Thượng thư…

Tương Dương ký viết: Tháng sáu Hàm Hi nguyên niên của Ngụy, Trấn Tây tướng quân Vệ Quán tới Thành Đô, lấy được một viên Bích ngọc ấn, hoa văn bên trên dường như là hai chữ “THÀNH TÍN”, sau khi đem nó ra khoe với các quan liền cất vào trong phủ Tướng quốc. Sung nghe thế bèn nói: “Ta từng nghe Tiêu Chu nói rằng, Tiên Đế tên húy là Bị, chữ “bị” ý rằng là cụ bị (có đủ) , Hậu Chủ tên húy là Thiện, chữ thiện trong thiện nhượng (nhường ngôi). Điều này ý rằng vương triều nhà Lưu đã có đủ cả rồi, giờ nên nhường cho người khác. Mà nay Trung phủ quân tên là Viêm, niên hiệu cuối cùng của nhà Hán lại dừng ở Viêm Hưng, Thành Đô có điềm lành, lại được thu về phủ Tướng quốc, đây chắc đúng là ý trời rồi.” Năm ấy Sung được phong làm Thái thú Tử đồng, tháng mười hai năm sau Tấn Vũ Đế lên ngôi, từ Viêm Hưng quả đã ứng nghiệm.

Tôn Thịnh viết: Khi xưa Công Tôn khởi nghiệp từ Thành Đô, hiệu là Thành Thị, hai chữ trên viên ngọc chắc là nói đến sự tích của ông ta.

Chú thích: 
(1). Chức quan thời Tần Hán, phụ trách canh giữ cửa cung điện.
(2). Không phải chức quan chính thức, phong cho người có địa vị đặc thù, khi ngồi trong triều chỉ dưới Tam công.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.