Header Ads

Lưu Bị Truyện - Tiên Chủ Truyện

Tiên Chủ họ Lưu, huý Bị, tự là Huyền Đức, người ở Trác huyện thuộc Trác quận, vốn là dòng dõi Trung sơn Tĩnh vương Thắng là con của Hán Cảnh Đế. Con Thắng là Trinh, năm Nguyên Thú(1) thứ sáu được phong làm Lục thành Đình hầu ở Trác huyện. Một lần dâng rượu tế, bởi vàng sắc xấu nên bị mất tước hầu(2).



Điển lược chép: Lưu Bị vốn là dòng dõi Lâm Ấp hầu. 

Tổ phụ(3) của Tiên Chủ là Hùng, cha là Hoằng nối đời làm quan ở châu quận. Hùng được cử làm Hiếu liêm, làm quan đến chức Lệnh ở huyện Phạm thuộc Đông Quận.

Tiên Chủ mồ côi từ nhỏ, cùng với mẹ đan giầy dệt chiếu đem bán làm kế sinh nhai.

Ở góc đông nam vườn nhà Tiên Chủ có cây dâu cao hơn năm trượng, xa trông thấy tán sum xuê như cái xe nhỏ, ai đi ngang đều cho là cái cây ấy quái lạ phi phàm, ngờ rằng nhà này sẽ sinh ra bậc quý nhân.

Hán Tấn Xuân Thu chép: Lí Định, người Trác Quận, nói: "Nhà ấy tất sẽ sinh bậc quý nhân."

Thời Tiên Chủ còn nhỏ, cùng chơi đùa với lũ trẻ dưới gốc cây, nói: "Ta ắt hẳn có ngày phải ngồi lên chiếc xe có lọng thế này". Người chú nghiêm mặt bảo rằng: "Mày chớ có nói xằng, kẻo cả họ nhà ta bị diệt đó". Năm mười lăm tuổi, được mẹ gửi đi học, cùng với người đồng tông là Lưu Đức Nhiên, và Công Tôn Toản người Liêu Tây đều thờ cố Thái thú Cửu Giang người cùng quận là Lư Thực. Cha của Đức Nhiên là Nguyên Khởi thường chu cấp cho Tiên Chủ, cũng như bọn Đức Nhiên. Vợ của Nguyên Khởi hỏi: "Mỗi nhà mỗi cảnh, sao ta có thể mãi chu cấp cho nó!" Khởi đáp: "Đứa trẻ ấy có cùng họ với ta, thật là người phi thường vậy".

Mà Toản với Tiên Chủ là bạn rất thân thiết. Toản nhiều tuổi hơn, nên Tiên Chủ coi như anh trai. Tiên Chủ rất không thích đọc sách, chỉ khoái chó ngựa, hát xướng, quần áo đẹp. Tiên Chủ người cao bảy thước năm tấc, tay dài quá gối, mắt nhìn được thấy tai. Lại ít nói, mừng giận không lộ ra mặt. Thích giao kết với kẻ hào kiệt, được nhiều người trẻ tuổi vây quanh.

Bọn đại thương nhân người Trung sơn là Trương Thế Bình-Tô Song gom được ngàn nén vàng, đi buôn ngựa ở khắp vùng Trác quận, thấy Tiên Chủ khác thường, bèn giúp cho Tiên Chủ rất nhiều kim ngân tài vật. Nhờ thế Tiên Chủ tập hợp một số quân lính.

Cuối đời Linh đế, quân Khăn vàng nổi dậy, các châu quận đều cất nghĩa binh. Tiên Chủ dẫn bộ thuộc hạ theo quan Hiệu úy Trâu Tĩnh đánh dẹp giặc Khăn vàng có công, được thăng làm Uý(4) ở huyện An Hỉ.

Điển lược chép: Người ở Bình nguyên là Lưu Tử Bình biết Lưu Bị là người mạnh bạo lại có uy, bấy giờ Trương Thuần làm loạn, Thanh Châu bị giáng chiếu chỉ phái quan Tòng sự đưa binh đánh dẹp Thuần, khi đi qua Bình Nguyên, Tử Bình tiến cử Bị với quan Tòng sự, Tòng sự bèn cho đi theo, gặp quân giặc ở nơi cánh đồng, Bị trúng thương suýt chết, sau giặc bỏ đi, nhờ có người dùng xe chở đi, mới được thoát. Sau vì có công đánh giặc, được làm Uý ở huyện An Hỉ nước Trung sơn.

Viên quan Đốc bưu nhân việc công đến huyện, Tiên Chủ xin vào yết kiến, không được, liền xông thẳng vào trói cổ viên Đốc Bưu lại, đánh cho hai trăm trượng, lại cởi dây thao đỏ(5) buộc vào trước cổ ngựa rồi bỏ quan trốn đi.

Điển lược chép: Sau này triều đình có chiếu thư xuống các châu quận, rằng những người có quân công được làm trưởng lại, đều bị sa thải. Bị ngờ rằng mình ở trong đám ấy. Viên Đốc Bưu đến huyện, đương nhiên sẽ phái người gọi Bị tới, Bị cũng biết việc ấy. Lại nghe tin viên Đốc Bưu nghỉ ở quán dịch, Bị liền đến xin ra mắt viên Đốc Bưu, Đốc Bưu xưng có bệnh không cho Bị tiếp kiến, Bị nổi giận, liền quay về sở quan, dẫn bọn lại tốt đi thẳng đến quán dịch, xông vào tận cửa, nói: "Ta được quan phủ mật sai đến bắt Đốc Bưu." Rồi tới bên giường trói viên Đốc Bưu lại, lôi ra khỏi quán dịch, cởi dây thao đỏ ra để trói cổ viên Đốc Bưu, cột vào gốc cây, đánh cho hơn trăm trượng, dọa giết. Đốc Bưu phải van xin, Bị bèn phóng thích đuổi đi.

Không lâu sau đó, Đại tướng quân Hà Tiến phái Đô uý Quán Khâu Nghị đến Đan Dương mộ binh, Tiên Chủ cũng đi cùng, đến Hạ Bi(6) gặp giặc, Bị gắng sức chiến đấu có công, được phong làm Hạ Mật thừa(7). Rồi lại bỏ chức quan. Sau được làm chức Uý ở huyện Cao Đường.

Anh hùng ký chép: Năm cuối đời Linh đế, Bị từng ở kinh đô, sau cùng với Tào Công quay về nước Bái, chiêu mộ tập hợp quần chúng. Khi Linh Đế băng hà, thiên hạ đại loạn, Bị cũng khởi binh theo đánh Đổng Trác.

Tiên Chủ bị giặc phá ở đó, vội chạy đến chỗ Trung lang tướng Công Tôn Toản. Toản dâng biểu xin cho làm Biệt bộ Tư mã, sai Tiên Chủ giúp Thứ sử Thanh Châu là Điền Khải chống cự Ký Châu mục Viên Thiệu. Tiên Chủ mấy lần lập chiến công, được tạm giữ chức Bình Nguyên lệnh, sau lĩnh chức Bình Nguyên tướng. Người ở trong quận là Lưu Bình bị Tiên Chủ khinh rẻ, lấy làm hổ thẹn với người dưới, mới thuê thích khách giết Tiên Chủ. Thích khách không nỡ ra tay, lại nói cho Tiên Chủ biết rồi bỏ đi. Tiên Chủ được lòng người đến như thế.

Ngụy thư chép: Lưu Bình cấu kết với thích khách để giết Bị, Bị chẳng hay biết lại đãi thích khách rất hậu, thích khách vì thế kể rõ mọi sự với Bị rồi bỏ đi. Thời ấy dân chúng gặp năm mất mùa đói kém, tụ tập nhau đi cướp bóc. Bị bên ngoài phòng ngừa giặc cướp, bên trong rộng rãi giúp đỡ tiền của, từ binh sĩ tới thủ hạ, đều cho ngồi cùng chiếu, ăn cùng mâm, chẳng phân biệt gì cả. Bởi thế người theo về rất đông. 

Viên Thiệu vây đánh Công Tôn Toản, Tiên Chủ cùng với Điền Khải đóng quân ở phía đông đất Tề. Tào Công đánh Từ Châu, Từ Châu mục Đào Khiêm sai sứ đến cáo cấp với Điền Khải, Khải và Tiên Chủ đều tới cứu Khiêm. Bấy giờ Tiên Chủ có hơn ngàn quân cùng đám quân kỵ tạp nhạp người Ô Hoàn ở U Châu, lại thu nhặt được mấy ngàn dân đói kém đi kiếm ăn. Khi đến nơi, Khiêm lấy bốn ngàn quân ở Đan Dương cấp thêm cho Tiên Chủ. Tiên Chủ liền bỏ Khải theo về với Khiêm. Khiêm dâng biểu lên tiến cử Tiên Chủ làm Thứ sử Dự Châu, đóng ở Tiểu Bái.

Khiêm ốm nặng, bảo với quan Biệt giá là My Trúc rằng: "Phi Lưu Bị chẳng thể giữ yên được Châu này vậy." Khiêm chết, Trúc dẫn người trong Châu đi ngênh đón Tiên Chủ, Tiên Chủ không dám nhận. người ở Hạ Bi là Trần Đăng bảo Tiên Chủ rằng: "Nay lăng tẩm Hán thất đổ nát, trong ngoài nghiêng ngửa, gây dựng công lao làm nên sự nghiệp, là ở hôm nay. Từ Châu giàu có, hộ khẩu trăm vạn, mong rằng sứ quân khuất thân tới cai quản việc trong châu". Tiên Chủ đáp: "Viên Công Lộ(8) gần đây ở Thọ Xuân, nhà ông ấy bốn đời có năm người giữ tước công(9), trong ngoài đều quy phục, ông ấy có thể giúp được châu này." Đăng nói: "Công Lộ là vị chúa kiêu căng, chẳng thể làm chủ để dẹp loạn được. Nay sứ quân gộp cả chục vạn quân mã bộ, trên có thể giúp chúa cứu dân, làm nên cơ nghiệp của Ngũ bá(10), dưới có thể cắt đất giữ biên cảnh, công lao ghi vào tre lụa. Nếu như sứ quân chẳng nghe theo, Đăng này cũng không dám nghe lời sứ quân vậy". Bắc Hải tướng là Khổng Dung bảo Tiên Chủ rằng: "Công Lộ há lo cho nước mà quên nhà ru? Nắm xương khô trong mả, sao đáng để ý. Việc hôm nay, trăm họ đều thuận theo, nếu chẳng chịu nhận, lúc hối cũng chẳng kịp nữa." Tiên Chủ bèn nắm việc ở Từ Châu.

Hiến Đế xuân thu chép: Bọn Trần Đăng sai sứ giả đến báo với Viên Thiệu rằng: "Trời giáng tai ương, hoạ đến bỉ châu, tướng cầm quyền trong châu mới chết, chúng tôi sợ rằng kẻ gian thần một mai thừa cơ nhòm ngó, để cho minh chủ phải lo lắng từng ngày, vội cùng nhau tôn cố Bình Nguyên tướng Lưu Bị phủ quân lên làm tông chủ, khiến cho bách tính biết chỗ mà quy thuận. Giờ đang là lúc giặc cướp tung hoành, chẳng kịp bẩm báo rõ ràng, nay kính cẩn sai người dưới tới bẩm báo với ngài Chấp sự(11)". Thiệu đáp rằng: "Lưu Huyền Đức là bậc tín nghĩa cao cả, nay Từ Châu tôn người ấy lên làm chủ, thật xứng với lòng mong mỏi của mọi người". 

Viên Thuật lại đến vây đánh Tiên Chủ, Tiên Chủ dàn quân chống cự ở Hu Di-Hoài Âm. Tào Công dâng biểu cử Tiên Chủ làm Trấn đông Tướng quân, phong làm Nghi thành Đình hầu, năm ấy là năm Kiến An thứ nhất. Tiên Chủ cùng với Thuật cầm giữ nhau hơn một tháng trời, Lã Bố thừa hư tập kích Hạ Bi. Tướng giữ Hạ Bi là Tào Báo làm phản, mở cửa thành nghênh đón Lã Bố. Bố bắt được vợ con của Tiên Chủ, Tiên Chủ kéo quân tới Hải Tây.

Anh hùng ký chép: Bị lưu Trương Phi ở lại giữ Hạ Bi, còn mình cầm binh giao chiến với Viên Thuật ở Thạch Đình xứ Hoài Âm, chưa phân thắng phụ. Tướng cũ của Đào Khiêm ở Hạ Bi là Tào Báo, Trương Phi muốn giết đi. Báo giữ chặt quân doanh tự thủ, rồi sai người tới vời Lã Bố. Bố tiến lấy Hạ Bi, Trương Phi thua trận bỏ chạy. Bị nghe tin ấy, dẫn binh trở về, đi gần đến Hạ Bi, thì quân nhà đã tan tác. Bị bèn thu nhặt những binh sĩ tản mát kéo về đông lấy Quảng Lăng, cùng với Viên Thuật giao chiến, lại bị thua.

Dương Phụng-Hàn Tiêm cướp bóc ở khoảng giữa Từ-Dương(12), Tiên Chủ đón đánh, chém được cả. Tiên Chủ xin hòa với Lã Bố, Bố trả lại vợ con cho Tiên Chủ. Tiên Chủ bèn sai Quan Vũ giữ Hạ Bi.

Tiên Chủ trở về Tiểu Bái, lại tập hợp được hơn vạn binh lính. Lã Bố lo sợ, thân dẫn quân đến đánh Tiên Chủ, Tiên Chủ thua trận chạy tới hàng Tào Công.

Anh hùng ký chép: Quân của Bị ở Quảng Lăng, đói khổ khốn quẫn, quan lại lớn nhỏ hết sạch lương ăn, bị cái đói bức bách đến cùng cực, muốn kéo về Tiểu Bái, bèn sai người đến xin hàng Lã Bố. Bố lệnh cho Bị quay về Từ Châu, hợp sức đánh Thuật. Lại gọi Thứ sử Xa Mã Đồng đến, sai đem vợ con Bị cùng bộ khúc và gia thuộc tới trả ở bờ sông Tứ, rồi bảo rõ cho Bị biết.

Ngụy thư chép: Chư tướng bảo với Bố rằng: "Bị đã mấy lần phản phúc khó dung, nên sớm liệu đi". Bố không nghe, lại nói riêng cho Bị biết. Bị trong lòng bất an bèn tìm cớ thoát thân, sai người đến thuyết Bố, xin đóng quân ở Tiểu Bái, Bố liền phái Bị tới đó.

Tào Công đãi ngộ Tiên Chủ rất tử tế, cho làm Dự Châu mục. Rồi phái tới Tiểu Bái thu nhặt sĩ tốt tản mát, cấp lương cho quân lính, lại giúp thêm binh lính sai đánh Bố ở phía Đông. Lã Bố phái Cao Thuận đến đánh Tiên Chủ, Tào Công sai Hạ Hầu Đôn đến cứu, không cứu nổi, bị Thuận đánh tan ở đó, lại bắt được vợ con Lưu Bị đưa đến chỗ Bố. Tào Công thân xuất quân đông chinh, giúp Tiên Chủ vây Bố ở Hạ Bi, bắt sống được Bố.

Anh hùng ký chép: Năm Kiến An thứ ba, mùa xuân, Bố sai người mang vàng bạc đến Hà Nội mua ngựa, nhưng bị lính của Bị cướp đi. Vì thế Bố mới sai bọn Trung lang tướng Cao Thuận-Bắc địa Thái thú Trương Liêu vây đánh Bị. Tháng chín, phá được Bái thành, Bị đơn thân trốn chạy, bỏ cả vợ con. Tháng mười, Tào Công thân đến đánh Lã Bố, Bị tương ngộ Tào Công ở địa giới nước Lương, rồi theo Công cùng đông chinh.

Tiên Chủ lấy lại được vợ con, rồi theo Tào công về đất Hứa. Công dâng biểu tiến cử Tiên Chủ làm Tả tướng quân, lễ nghĩa càng trọng hơn, ra ngoài thì cùng xe, ngồi thì cùng chiếu. Viên Thuật muốn vượt Kinh Châu về bắc tới chỗ Viên Thiệu, Tào Công phái Tiên Chủ đốc xuất Chu Linh-Lộ Chiêu đón đánh Thuật. Chưa đến nơi, Thuật đã bị bệnh chết.

Lúc Tiên Chủ chưa đi, cậu của Hiến Đế là Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa, Thần Tùng Chi xét: Đổng Thừa, là cháu Đổng Thái hậu mẹ của Hán Linh Đế, Hiến Đế gọi là Trượng Nhân(13). Từ xưa không có danh tự Trương Nhân, nên gọi là cậu vậy. nhận cái đai áo của Đế bên trong có mật chiếu, chịu gánh vác việc tru diệt Tào Công. Tiên Chủ còn chưa khởi hành. Lúc ấy Tào Công thung dung bảo Tiên Chủ rằng: "Ngày nay anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân và Tháo này vậy. Lũ Bản Sơ(14) chẳng đáng kể đến." Tiên Chủ đang ăn, đánh rơi cả thìa đũa.

Hoa Dương quốc chí chép rằng: Ngay lúc bấy giờ có tiếng sấm nổ vang, Bị nhân đó bảo Tháo rằng: "Thánh nhân đã nói 'sét gầm gió thét hẳn phải biến sắc', tin rằng là vậy. Một tiếng sấm ra uy, mà có thể đến thế!" 

Tiên Chủ cùng với bọn Trường thuỷ Hiệu úy Chủng Tập-Tướng quân Ngô Tử Lan-Vương Tử Phục cùng bàn mưu. Mới hội họp, còn chưa thi hành. Việc bị phát giác, bọn Thừa đều bị tru diệt.

Hiến Đế khởi cư trú chép: Mưu kế của bọn Thừa cùng với Bị còn chưa thi hành, thì Bị được ra ngoài. Thừa bảo Phục rằng: "Quách Đa có mấy trăm quân binh, chịu thua Lý Thôi(15) có mấy vạn người, chỉ có túc hạ với ta thôi chẳng như thế! Xưa dưới cửa nhà Lã Bất Vi, Tử Sở(16) được đối xử rất hậu, nay ta và túc hạ cũng vậy." Phục nói: "Tôi sợ hãi chẳng dám nhận, vả lại binh của ta ít quá." Thừa nói: "Cử sự xong, thu được hết binh của Tào Công, xem thế chẳng đủ ru?" Phục nói: "Nay ở kinh sư há có ai tin chúng ta?" Thừa nói: "Trường thuỷ Hiệu uý Chủng Tập, Nghị lang Ngô Thạc có lòng cùng mưu việc với ta." Bèn cùng sắp đặt kế sách.

Tiên Chủ giữ Hạ Bì, Bọn Linh trở về, Tiên Chủ bèn giết Thứ sử Từ Châu Xa Trụ, để Quan Vũ trấn thủ Hạ Bi, còn mình thân về Tiểu Bái.

Ngô lục của Hồ Xung chép: Tào Công mấy lần phái người thân cận ngầm dò xét chư tướng và tân khách đến ăn uống, muốn nhân việc đó hại Bị. Bấy giờ Bị đóng cửa, cùng người nhà trồng rau cải, Tào Công sai người chọc lỗ cửa dòm ngó. Đã quyết bỏ đi, Bị bảo với Trương Phi-Quan Vũ rằng: "Sao ta phải giả vờ trồng rau vậy? Hẳn là vì Tào Công đã có ý ngờ ta, ta chẳng thể ở lại được." Trong đêm ấy xé hàng rào ở phía sau, cùng với bọn Phi lên ngựa bỏ đi, những y phục được ban cho, đều gói ghém để lại cả, rồi đến Tiểu Bái thu nhặt tập hợp binh lính. 

Thần Tùng Chi xét: Nguỵ Vũ Đế sai Tiên Chủ thống lĩnh chư tướng đón đánh Viên Thuật, Bọn Quách Gia đều can gián, việc ấy là hiển nhiên, chẳng phải nhân việc trồng rau mà trốn tránh bỏ đi. Lời Xung nói ra như thế, sao lại trái lẽ đến quái quỷ như vậy được! 

Xương Bá ở Đông Hải làm phản, nhiều quận huyện vì Tiên Chủ phản lại Tào Công, đông tới mấy vạn người, Bị sai Tôn Càn hứa với Viên Thiệu cùng liên hoà, Tào Công sai Lưu Đại-Vương Trung đánh Bị, không thắng nổi. Năm thứ năm, Tào Công đông chinh đánh Tiên Chủ, Tiên Chủ thua trận. Tào Công thu thập được hết binh lính, lại bắt được vợ con Tiên Chủ, bắt giữ được cả Quan Vũ đem về.

Nguỵ thư chép: Bấy giờ, Công đương có việc gấp ở Quan Độ, bèn chia binh để chư tướng đóng ở Quan Độ, tự mình dẫn tinh binh đi đánh Bị. Bị lúc trước cho rằng Công cùng với đại địch đối trận, chẳng sang đông được, mà sau quân kỵ tới, nói Tào Công thân đến. Bị kinh hoảng, nhưng còn chưa tin. Bèn thân dẫn mấy chục quân kỵ ra xem quân lính của Công, nhìn thấy cở chỉ huy, vội bỏ cả quân sĩ mà chạy. 

Tiên Chủ chạy đến Thanh Châu. Thứ sử Thanh Châu là Viên Đàm, trước đây được Tiên Chủ tiến cử làm Mậu tài, dẫn quân bộ kỵ đến nghênh đón Tiên Chủ. Tiên Chủ theo Đàm đến Bình Nguyên, Đàm vội sai sứ đến bạch với Thiệu. Thiệu phái tướng sĩ các lộ quân đến đón, lại thân ra khỏi Nghiệp Thành hai mươi dặm, cùng với Tiên Chủ tương kiến.

Nguỵ thư chép: Bị về với Thiệu, cha con Thiệu dốc lòng cung kính trọng vọng.

Lưu lại đó hơn một tháng, số ít sĩ tốt thất lạc quanh đó lại kéo tới. Tào Công cùng với Viên Thiệu kình chống nhau ở Quan Độ, bọn Lưu Tích là giặc Khăn vàng ở Nhữ Nam phản Tào Công hưởng ứng Thiệu. Thiệu sai Tiên Chủ dẫn binh cùng với bọn Tích cướp bóc ở đất Hứa. Quan Vũ trốn đi tìm Tiên Chủ. Tào Công sai Tào Nhân dẫn binh đánh Tiên Chủ, Tiên chủ lại về bên quân Thiệu, lại ngầm có ý rời bỏ Thiệu, bèn thuyết Thiệu liên kết với Kinh Châu mục Lưu Biểu ở phía Nam. Thiệu sai Tiên Chủ dẫn số binh lúc trước đến Nhữ Nam, hội họp cùng với bọn giặc là Cung Đô, binh chúng đông đến mấy ngàn người. Tào Công sai Thái Dương đánh Bị, Thái Dương bị Tiên Chủ giết chết ở đó.

Tào Công phá xong Viên Thiệu, từ phía Nam tấn công Tiên Chủ. Tiên Chủ sai Mi Trúc-Tôn Càn tới báo tin với Lưu Biểu, Biểu thân ra ngoài thành đón tiếp, lấy lễ thượng tân đối đãi Tiên Chủ, giúp thêm binh lính, sai đóng quân ở Tân Dã. Hào kiệt ở Kinh Châu theo về với Tiên Chủ ngày một đông, Biểu có lòng nghi kỵ, ngầm kiềm chế Tiên Chủ.

Sách Cửu Châu xuân thu chép: Bị ở Kinh Châu mấy năm, có lần ngồi dự tiệc ở chỗ Biểu, lúc đứng lên đi ra nhà xí, thấy thịt bắp vế mập ra, thì bùi ngùi chảy nước mắt. Khi về chỗ ngồi, Biểu lấy làm lạ hỏi Bị, Bị đáp: "Tôi thân thường chẳng rời yên ngựa, thịt ở bắp vế đều tiêu đi. Nay chẳng ngồi trên ngựa nữa, bắp vế lại mập ra. Ngày tháng trôi qua, già lão đến nơi rồi, mà chẳng làm nên công trạng gì, bởi thế nên thương cảm vậy."

Thế Ngữ chép: Bị đóng ở Phàn Thành, Lưu Biểu muốn hành lễ, sợ những người ở bên mình, chẳng ai tin dùng được. Bèn mời Bị đến hội yến, Khoái Việt-Sái Mạo muốn nhân lúc hội họp bắt giữ Bị, Bị phát giác được việc ấy, giả vờ ra nhà xí, rồi ngầm trốn đi. Con ngựa của Bị có tên là Đích Lư, Bị cưỡi ngựa Đích Lư đi trốn, bị rơi xuống khe Đàn Khê ở phía tây thành Tương Dương, ngựa chìm xuống không thoát lên bờ được. Bị nóng nảy mà rằng: "Đích Lư: Hôm nay nguy khốn lắm rồi, hãy cố sức lên!"Đích Lư bèn hết sức nhảy vọt lên cao ba trượng, vượt được qua khe, bơi sang bờ bên kia, quân đuổi theo đến bờ khe, lấy ý của Biểu tạ Bị, rằng: "Sao vội bỏ đi vậy!" 

Tôn Thịnh chép: Chẳng thể như lời ấy được. Bấy giờ Bị là khách ở nhờ, cái thế khách chủ khác nhau, nếu có biến như thế, há được vô sự cho đến trọn đời Biểu mà chẳng có lúc mắc tội hay sao? Thế đều là lời nói xằng của người đời, chẳng phải là sự thật vậy. 

Biểu sai Bị chống cự bọn Hạ Hầu Đôn-Vu Cấm ở Bác Vọng. Được ít lâu, Tiên Chủ đặt phục binh, một sớm tự đốt bỏ quân doanh vờ trốn chạy, bọn Đôn đuổi theo, bị phục binh của Bị đánh tan ở đấy.

Năm thứ mười hai, Tào Công bắc chinh Ô Hoàn, Tiên Chủ khuyên Biểu tập kích Hứa Xương, Biểu không dùng kế ấy.

Hán Tấn xuân thu chép: Tào Công từ Liễu Thành trở về, Biểu bảo Bị rằng: "Tô chẳng theo lời ngài, nên bỏ lỡ mất cơ hội lớn ấy." Bị đáp: "Nay thiên hạ chia lìa, việc binh đao diễn ra hàng ngày, cơ hội sẽ lại tới, há đã hết được hay sao? Nếu sau này biết ứng phó, tất việc ấy chưa đủ để tiếc hận vậy." 

Tào Công nam chinh Biểu, gặp lúc Biểu chết, con là Tông lên thay, sai sứ đến xin hàng.

 Anh hùng ký chép: Biểu ốm, Bị lên lĩnh chức Thứ sử Kinh Châu. 

Nguỵ thư chép: Biểu ốm nặng, phó thác việc nước cho Bị, nhìn Bị nói rằng: "Con ta bất tài, mà chư tướng mỗi người một ý, sau khi ta chết, khanh hãy thay ta nắm lấy Kinh Châu."Bị thưa: "Các cháu đều là bậc hiền tài, chủ công cứ yên lòng dưỡng bệnh." Có người khuyên Bị nên theo lời Biểu, Bị nói: "Người ấy hậu đãi ta, nay theo lời ấy, người ta hẳn cho tôi là kẻ bạc bẽo, tôi chẳng nhẫn tâm được vậy." 

Thần Tùng Chi cho rằng vợ chồng Biểu vốn yêu Tông, bỏ con đích lập con thứ, ý định đã có từ lâu, không duyên cớ gì lúc lâm chung lại trao Kinh Châu cho Bị, lời như thế cũng là chẳng đúng. 

Tiên Chủ đóng ở Phàn Thành, không hay biết binh Tào Công tới, lúc nghe tin quân đã đến Uyển Thành, bèn dẫn binh sĩ ở đấy bỏ đi. Qua Tương Dương, Gia Cát Lượng khuyên Tiên Chủ đánh Tông, Kinh Châu có thể lấy được. Tiên Chủ nói: "Ta chẳng nhẫn tâm làm vậy."

Sách Hán Nguỵ xuân thu của Khổng Diễn chép: Lưu Tông xin hàng, không dám báo tin cho Bị. Bị cũng không biết, mãi sau mới phát giác ra, sai người đến căn vặn Tông. Tông sai Tống Trung đến chỗ Bị tuyên chỉ. Bấy giờ Tào Công ở Uyển Thành, Bị giật mình kinh hoảng, bảo Trung rằng: "Mấy người bọn khanh làm việc như thế, chẳng sớm nói ra, nay hoạ đến nơi mới bảo ta, chẳng quá lắm ư!" Rồi rút đao trỏ vào Trung bảo: "Nay ta chém đầu khanh, chẳng đủ để tan mối hận, cũng lấy làm hổ thẹn là bậc đại trượng phu mà đến lúc sắp chia ly lại giết bọn khanh!" Bèn sai đuổi Trung đi, rồi gọi bộ khúc đến họp bàn. Có người khuyên Bị đoạt lấy binh tướng của Tông cùng quan lại ở Kinh Châu rồi theo lối tắt đi về Nam đến Giang Lăng, Bị đáp rằng: "Lưu Kinh Châu lúc sắp mất phó thác con côi cho ta, nếu bội tín tự lên làm chúa, ta quyết chẳng làm, lúc chết đi sao dám đối mặt với Lưu Kinh Châu đây!" 

Rồi gióng ngựa đến gọi Tông, Tông sợ không dám ra. Tả hữu của Tông cùng với rất nhiều người ở Kinh Châu theo đi với Tiên Chủ.

Điển lược chép: Bị đi qua vào tạ nơi mộ của Biểu, rồi rỏ nước mắt mà đi. 

Đi gần đến Tương Dương, dân chúng kéo theo hơn chục vạn người, xe chở đồ nặng mấy ngàn chiếc, mỗi ngày đi được hơn chục dặm đường, Tiên Chủ liền biệt phái Quan Vũ lĩnh mấy trăm thuyền bè, hẹn gặp nhau ở Giang Lăng. Có người bảo Tiên Chủ rằng: "Nên gấp rút tới giữ Giang Lăng, nay dẫu ta có nhiều người ủng hộ, nhưng binh sĩ mặc giáp ít ỏi, nếu binh của Tào Công đến, sao cự nổi đây?" Tiên Chủ đáp: "Kẻ chúa tể làm nên đại sự hẳn phải lấy dân làm gốc, nay mọi người đi theo, sao ta nỡ bỏ đi được!"

Tập Tạc Xỉ chép: Tiên Chủ tuy điên đảo gian nan mà tín nghĩa càng sáng tỏ, tình thế bức bách hành sự hung hiểm mà lời nói chẳng lỗi đạo. Nhớ ân nghĩa của Cảnh Thăng, cái tình cảm động ba quân; mến yêu nghĩa khí của kẻ sĩ, mà cam lòng cùng chịu thất bại. Xét cái nguyên nhân thu được lòng người, há chỉ vì đồng cam cộng khổ với quân dân, vỗ về người già yếu mà thôi đâu! Sau này làm nên đại nghiệp, chẳng phải là lý đương nhiên sao! 

Tào Công thấy Giang Lăng là nơi lắm quân lương, sợ Tiên Chủ chiếm được, bèn cho bỏ các xe chở đồ nặng, đem quân nhẹ đến Tương Dương. Nghe tin Tiên Chủ đã đi qua, Tào Công dẫn năm nghìn quân khinh kỵ gấp rút đuổi theo, một ngày một đêm đi được hơn ba trăm dặm, đuổi kịp ở Đương Dương Trường Bản. Tiên Chủ bỏ cả vợ con, cùng với bọn Gia Cát Lượng-Trương Phi-Triệu Vân và mấy chục quân kỵ bỏ trốn, Tào Công bắt được vô số quân lính và các xe chở đồ. Tiên Chủ vội chạy rẽ sang Hán Tân, vừa hay gặp được chiến thuyền của Quan Vũ, qua được sông Miện, hội với con trưởng của Biểu là Kỳ làm Thái thú Giang Hạ nắm hơn vạn quân lính, rồi cùng nhau đến Hạ Khẩu. Tiên chủ phái Gia Cát Lượng thân đến giao kết với Tôn Quyền.

Giang Biểu truyện chép: Tôn Quyền phái Lỗ Túc đến viếng tang Lưu Biểu, lại yêu cầu kết giao với Bị. Túc chưa đến nơi mà Tào Công đã qua bến Hán Tân. Túc cố tiến về phía trước, gặp được với Bị ở Đương Dương. Nhân đó truyền đạt ý chỉ của Quyền, rồi bàn luận chuyện thiên hạ, tình ý hết sức ân cần. Lại hỏi Bị rằng: "Nay Dự Châu muốn tới nơi nào?" Bị đáp: "Ta cùng với Thái thú Thương Ngô là Ngô Thần (Ngô Cự) là chỗ quen biết cũ, muốn qua đó nương nhờ." Túc nói: "Tôn Thảo Lỗ(17) là người thông minh nhân ái, yêu kính hiền tài giữ lễ với kẻ sĩ, những bậc anh hào ở Giang Biểu(18) đều quy phục cả, đã nắm giữ sáu quận, binh mạnh lương nhiều, đủ để lập đại sự. Nay như mưu tính của tướng quân, chẳng bằng sai kẻ tâm phúc đi sứ giao kết với phương đông, kết tình hoà hảo, cùng giúp đời dựng nghiệp, còn nói rằng muốn đến nương nhờ Ngô Thần (Ngô Cự), thì Thần chỉ là kẻ tầm thường, lại ở tít tận quận xa xôi, làm tướng cho người ta ở đất ấy, há đủ để ký thác hay sao?" Bị mừng lắm, lúc tiến đến huyện Ngạc, lập tức phái Gia Cát Lượng đi theo Túc đến chỗ Tôn Quyền, thề ước kết làm đồng minh. 

Quyền phái bọn Chu Du-Trình Phổ cầm ba vạn quân thuỷ, cùng với Tiên Chủ hợp sức.

Giang Biểu truyện chép: Bị theo kế của Lỗ Túc, tiến đến giữ Phàn Khẩu ở huyện Ngạc. Gia Cát Lượng đến đất Ngô chưa về, Bị nghe tin quân của Tào Công tiến xuống, rất sợ hãi, hàng ngày phái quân tuần tiễu trên sông dò ngóng tin tức quân của Quyền. Quân lính trông thấy thuyền của Du, vội đến bẩm với Bị, Bị nói: "Sao biết rằng đấy chẳng phải là quân Thanh Từ(19)?" Quân lính thưa rằng: "Nhìn thuyền mà biết được vậy." Bị sai người đến uý lạo Du. Du nói: "Tướng quân đã tin tôi, chẳng thể uỷ thác cho người khác đến được, hoặc giả có thể chịu bỏ cái uy mà tới, tôi thành thực mong được gặp gỡ." Bị bảo Quan Vũ-Trương Phi rằng: "Bên kia muốn ta thân tới đó, nay ta liên kết với Đông Ngô mà chẳng chịu qua đó, không phải với tình đồng minh vậy." Bèn cưỡi một chiếc thuyền lớn đến diện kiến Du, hỏi rằng: "Nay ngài chống cự Tào Công, có kế sách gì hay chăng. Quân sĩ chiến đấu có được bao nhiêu?" Du nói: "Ba vạn người." Bị nói: "Tiếc là hơi ít." Du nói: "Thế là đủ dùng, Dự Châu hãy chờ xem Du phá Tào Công." Bị muốn gọi Lỗ Túc đến để cùng bàn bạc, Du nói: "Tôi vâng mệnh phá giặc chẳng dám nói bừa, nhược bằng muốn gặp Tử Kính, nên để khi khác. Túc cùng với Khổng Minh đều ở phía sau, chừng đôi ba ngày nữa sẽ tới đây." Bị dẫu rất thẹn với Du, mà trong lòng không tin rằng Du có thể phá được quân bắc, nên sai sắp đặt các việc về sau, đem hai nghìn quân chia đều cho Vũ-Phi, không bằng lòng trao cả cho Du, để tính bề tiến thủ. 

Tôn Thịnh chép: Lưu Bị là kẻ hùng tài, đất đai mất cả hẳn phải đắn đo, đã cáo cấp với Ngô, chạy đến cầu giúp đỡ, không duyên cớ gì đã mong ngóng nơi bãi Trường Giang mà lại toan tính chuyện về sau. Lời Giang biểu truyện nói, đương thời chỉ là những lời duy mĩ của người Ngô đấy thôi. 

Liên quân cùng với Tào Công đánh nhau ở Xích Bích, đại phá quân ấy, đốt hết thuyền chiến. Tiên Chủ cùng với quân Ngô thuỷ lục cùng tiến, đuổi đến tận Nam Quận, bấy giờ lại có bệnh dịch, quân bắc chết rất nhiều, Tào Công dẫn quân trở về.

Giang biểu truyện chép: Chu Du làm Thái thú Nam Quận, chia đất ở Nam Ngạn cho Bị. Bị lập quân doanh ở Du Giang Khẩu, đổi tên thành Công An. Quan lại tướng sĩ của Lưu Biểu từng theo quân bắc, đa phần làm phản về hàng Bị. Bị thấy Du cấp cho mình quá ít đất đai, chẳng đủ để an dân, về sau mới tòng quyền mượn mấy quận Kinh Châu.

Tiên Chủ dâng biểu xin cho Kỳ làm Thứ sử Kinh Châu, lại nam chinh bốn quận. Thái thú Vũ Lăng là Kim Toàn, Thái thú Trường Sa là Hàn Huyền, Thái thú Quế Dương là Triệu Phạm, Thái thú Linh Lăng là Lưu Độ đều quy hàng.

Tam Phụ quyết lục chú chép: Kim Toàn tự Nguyên Ky, người ở Kinh Triệu, đã từng làm Hoàng môn Thị Lang, Thái thú Hán Dương, được bái làm Nghị Lang, thăng chức Trung lang tướng, lĩnh chức Thái thú Vũ Lăng, vì bị Lưu Bị đánh cướp ở đấy, chết. Con là Y, việc này thấy chép ở Nguỵ Vũ bản kỷ. 

Người ở Lư Giang là Lôi Tự dẫn bộ khúc mấy vạn nhân khẩu đến hàng. Kỳ bị bệnh chết, những người dưới suy tôn Tiên Chủ lên làm Kinh Châu mục, dinh sở đóng ở Công An. Quyền có chút uý kỵ về việc ấy, mới tiến dâng em gái mình cho Bị để giữ tình hoà hiếu. Tiên Chủ đến kinh sư(20) diện kiến Quyền, hai bên thắt chặt ân tình.

Sơn Dương công tái ký chép: Bị lúc trở về, bảo với tả hữu rằng: "Tôn Xa kỵ lưng dài chân ngắn, người ấy khó để kẻ dưới thuyết phục, ta chẳng thể gặp lại được." Bèn bỏ chạy suốt ngày đêm.

Thần Tùng Chi xét: Nguỵ thư chép lại những lời Lưu Bị nói với Tôn Quyền, cùng với Thục chí thuật truyện Gia Cát Lượng nói với Tôn Quyền giống nhau. Lưu Bị khi trước chưa phá được quân Nguỵ, còn chưa cùng với Tôn Quyền tương kiến, chẳng đúng như lời nói ấy. Cho nên biết Thục chí nói đúng. 

Quyền sai sứ đến bàn rằng muốn được chung sức cùng vào lấy đất Thục, có người cho rằng nên nghe ngóng tin tức ở huyện Hứa, Ngô rút cục chẳng thể vượt Kinh Châu để lấy Thục được, xứ Thục có thể tự bảo vệ. Quan chủ bộ ở Kinh Châu là Ân Quan tiến lên nói rằng: "Nếu bị Ngô tiến đánh, tiến chưa thể thắng được Thục, lui bị quân Ngô thừa cơ lấn, mọi việc sẽ hỏng mất. Nay chỉ nên tán thành việc đánh Thục, nhưng nói rằng các quận ta mới lấy được, chưa thể vọng động, Ngô hẳn không dám vượt qua ta một mình vào lấy Thục. Cái kế tiến lui như thế, có thể giữ được lợi ích của cả Ngô và Thục." Tiên Chủ theo lời ấy, Quyền quả nhiên bỏ kế hoạch ấy. Tiên chủ thăng Ân Quan lên làm Biệt giá Tòng sự.

Hiến Đế xuân thu chép: Tôn Quyền muốn cùng với Bị chung sức lấy Thục, sai sứ đến bảo Bị rằng: "Mễ tặc(21) Trương Lỗ chiếm cứ đất Ba-Hán xưng vương, là tai mắt của Tào Tháo, mưu toan dòm dỏ Ích Châu. Lưu Chương không có uy vũ, chẳng thể tự giữ. Nếu Tháo lấy được Thục, ắt Kinh châu sẽ nguy ngập vậy. Nay ta muốn đánh Chương trước, rồi tiến lên dẹp Trương Lỗ, đầu đuôi nối liền với nhau, nhất thống Ngô-Sở, dẫu có mười Tào Tháo, cũng không cần phải lo lắng vậy." Bị muốn tự mình lấy Thục, cự tuyệt không nghe theo, nói rằng: "Ích Châu nhân dân giầu mạnh, đất đai hiểm trở, Lưu Chương dẫu yếu nhược, cũng đủ giữ mình. Trương Lỗ là kẻ xảo trá, chưa hẳn đã tận tâm với Tháo. Nay vội vã đưa quân vào Thục-Hán, chuyển quân lương ngàn dặm, mà muốn thu được toàn công, lấy được chẳng gặp điều bất lợi, chắc Ngô Khởi cũng chẳng thể vạch nổi quy mô, Tôn Vũ cũng chẳng thể khéo léo mà làm được. Tào Tháo dẫu trong bụng không có chúa nữa, nhưng lại có danh nghĩa vâng mệnh bậc quân vương, đừng nên bàn rằng Tháo bị thất lợi ở Xích Bích, mà bảo rằng lực đã khuất, không còn có chí xa xôi nữa. Nay thiên hạ chia ba Tháo đã có hai phần, vẫn muốn cho ngựa uống nước Thương Hải, xem binh ở Ngô Hội, sao chịu bằng lòng ngồi đợi lên lão ư? Nay đã là đồng minh lại vơ cớ công phạt lẫn nhau, giúp không cho Tào Tháo, khiến địch được thể nhòm ngó, chẳng phải là cái kế lâu dài vậy." Quyền không chịu, sai Tôn Du đốc xuất thuỷ quân đóng ở Hạ Khẩu. Bị không chờ quân ấy đến, bảo Du rằng: "Ngươi muốn lấy Thục, ta sẽ cắt tóc đi vào ở trong núi, chẳng chịu thất tín với thiên hạ vậy." Rồi sai Quan Vũ đóng binh ở Giang Lăng, Trương Phi đóng quân ở Tỷ Quy, Gia Cát Lượng giữ Nam Quận, Bị thân ở Sàn Lăng. Quyền biết ý của Bị, nên cho triệu Du trở về. 

Năm thứ mười sáu, Ích Châu mục Lưu Chương ở nơi xa nghe tin Tào Công sai tướng là bọn Chung Do nhằm hướng Hán Trung đánh dẹp Trương Lỗ, trong lòng lấy làm kinh sợ. Quan Biệt giá Tòng sự Thục Quận là Trương Tùng thuyết Chương rằng: "Tào Công binh khoẻ vô địch trong thiên hạ, nếu nhân việc Trương Lỗ mà đánh lấy đất Thục, ai có thể ngăn được đây?" Chương nói: "Việc này ta đã nghĩ lâu rồi mà vẫn chưa có kế sách gì." Tùng nói: "Lưu Dự Châu, sứ quân là người trong tông thất lại có mối thâm thù với Tào Công, khéo việc dùng binh, nếu sai đi đánh dẹp Lỗ, Lỗ tất bị đánh tan. Lỗ đã bị phá, thì Ích Châu sẽ mạnh lên, Tào Công dẫu có đến, cũng chẳng thể làm gì." Chương ưng theo, sai Pháp Chính dẫn bốn ngàn người đi nghênh đón Tiên Chủ, đem số của cải làm quà trước sau kể đến ức vạn. Chính nhân đó bày tỏ kế sách rằng Ích Châu có thể lấy được.

Ngô thư chép: Bị trước đó gặp Trương Tùng, sau gặp Pháp Chính, đều có hậu ý thu nhận lấy, hết sức hoan hỉ ân cần. Nhân đó hỏi xem Thục trung rộng hẹp thế nào, binh khí trong khủ phố và nhân mã đông ít ra sao, cùng những nơi trọng yếu đường đất xa gần, bọn Tùng đều nói rành mạch cả, lại vẽ hết địa đồ sông núi ở xứ đó, bởi thế Bị biết được tường tận tình hình ở Ích Châu. 

Tiên Chủ lưu Gia Cát Lượng và bọn Quan Vũ giữ Kinh Châu, dẫn mấy vạn bộ tốt vào Ích Châu. Đến Phù thành, Chương thân tới nghênh đón, hai bên gặp nhau rất lấy làm hoan hỉ. Trương Tùng lệnh cho Pháp Chính thưa với Tiên Chủ, cùng với mưu thần Bàng Thống đưa lời khuyên Bị rằng, tiện dịp gặp gỡ nên tập kích Chương. Tiên Chủ nói: "Đấy là việc lớn, chẳng nên vội vàng." Chương cử Tiên Chủ làm Hành Đại tư mã(22), lĩnh chức Tư lệ Hiệu uý; Tiên Chủ cũng tiến cử Chương làm Hành Trấn tây Đại tướng quân, lĩnh chức Ích Châu mục. Chương cấp thêm binh cho Tiên Chủ, sai đánh Chương Lỗ, lại mệnh cho làm Đốc quân ở Bạch Thuỷ. Tiên Chủ hợp quân được hơn ba vạn người, xe cộ áo giáp khí giới của cải rất nhiều. Năm ấy, Chương trở về Thành Đô. Tiên Chủ lên Bắc đến Hà Manh, chưa đánh Trương Lỗ ngay, lo vun trồng ân đức, để thu lấy nhân tâm.

Năm sau, Tào Công đi đánh Tôn Quyền, Quyền gọi Tiên Chủ đến cứu. Tiên Chủ sai sứ báo với Lưu Chương rằng: "Tào Công đánh Ngô, sợ Ngô nguy cấp. Họ Tôn với Cô vốn là quan hệ môi răng, lại nữa Nhạc Tiến ở Thanh Nê cùng với Quan Vũ đối trận, nay chẳng đi cứu Vũ, Tiến hẳn thắng trận, lại chuyển sang xâm phạm địa giới Ích Châu, mối lo ấy lớn hơn so với Lỗ. Lỗ chỉ là đám giặc tự giữ mình, chẳng đủ để lo lắng." Bèn theo đó xin Chương cấp cho một vạn binh cùng của cải, muốn đi về phía đông. Chương chỉ hứa cấp cho bốn ngàn binh, những thứ khác đều giảm đi phân nửa.

Nguỵ thư chép: Bị nhân thế nổi giận nói với chúng rằng: "Ta vì Ích Châu mà đi xa đánh cường địch, quân lính nhọc mệt, chẳng được yên ổn thư nhàn; Nay tích trữ kho tàng tài vật mà thưởng công bủn xỉn, lại mong bậc đại phu cùng quân sĩ bỏ sức chiến đấu, có thể được chăng!" 

Trương Tùng gửi thư cho Tiên Chủ và Pháp Chính rằng: "Nay đại sự sắp làm nên, sao lại bỏ đi như thế?" Anh của Tùng là Túc làm Thái thú Quảng Hán, sợ hoạ đến mình, bèn bẩm bạch với Chương tố giác mưu ấy. Vì thế Chương bắt chém Tùng, hiềm khích mới nổ ra.

Ích bộ kỳ cựu tạp ký chép: Trương Túc dáng dấp trang nghiêm, dung mạo cao lớn. Tùng là người thấp bé, phóng túng chẳng giữ tiết tháo, nhưng kiến thức rất tinh tế quả quyết, có tài cán. Lưu Chương sai đến chỗ Tào Công, Tào Công không đón tiếp đủ lễ; Chủ bộ của Công là Dương Tu rất trọng tài năng của Tùng, bạch với Công cho vời Tùng, Công không nghe. Tu lấy cuốn binh thư Tào Công soạn ra cho Tùng xem, Tùng trong khoảng bữa ăn xem qua một lượt rồi gấp lại đọc rành rọt cả. Tu cho việc ấy là kỳ lạ. 

Chương mệnh cho chư tướng đóng cửa biên ải cấm được để cho Tiên chủ đi qua cửa quan. Tiên Chủ nổi giận, cho triệu đốc quân ở Bạch Thuỷ là Dương Hoài đến, trách mắng là đã vô lễ, đem chém đi. Rồi sai Hoàng Trung-Trác Ưng ngầm dẫn binh quay về đánh Chương. Tiên Chủ đến thẳng Quan Trung(23), giữ vợ con chư tướng và sĩ tốt làm con tin, rồi dẫn binh cùng với bọn Trung-Ưng tiến đến Phù thành, định chiếm lấy thành ấy. Chương sai bọn Lưu Kỳ(24)-Lãnh Bào-Trương Nhiệm-Đặng Hiền đến chống cự Tiên chủ ở Phù Thành, đều bị đánh tan, phải lui về giữ Miên Trúc.

Ích bộ kỳ cựu tạp ký chép: Trương Nhiệm, người Thục Quận, gia thế nghèo khó. Thuở nhỏ can đảm dũng lược, có khí tiết, làm quan Tòng sự ở trong Châu. 

Chương lại sai Lý Nghiêm làm Đô đốc ba quân ở Miên Trúc, Nghiêm dẫn mọi người đến hàng Tiên Chủ. Quân của Tiên Chủ càng mạnh hơn, bèn chia chư tướng đi bình định các huyện quanh đó, bọn Gia Cát Lượng-Trương Phi-Triệu Vân dẫn binh ngược sông bình định Bạch Đế-Giang Châu-Giang Dương, chỉ có Quan Vũ ở lại trấn thủ Kinh Châu. Tiên Chủ tiến quân vây Lạc Thành; bấy giờ con của Chương là Tuần giữ thành, Bị vây đánh gần một năm trời.

Năm thứ mười chín mùa hạ, Lạc Thành bị phá, Tiên Chủ tiến binh vây Thành Đô mấy chục ngày, Chương ra hàng.

Ích bộ kỳ cựu tạp ký chép: Lưu Chương sai Trương Nhiệm-Lưu Kỳ dẫn tinh binh hăng hái chống cự Tiên Chủ ở Phù Thành, bị Tiên Chủ đánh tan, phải lui về cùng với con của Chương là Tuần cố thủ ở Lạc Thành. Nhiệm ém binh tiến ra Nhạn Kiều, đánh nhau lại bị thua. Nhiệm bị bắt. Tiên Chủ nghe nói Nhiệm là người trung dũng, cho quân dụ hàng, Nhiệm cứng cỏi nói lớn rằng: "Lão thần trọn đời chẳng phụng sự hai chủ vậy." Đành phải cho giết đi. Tiên Chủ cảm thán thương tiếc mãi. 

Phó tử chép: Khi trước, Lưu Bị tập kích Thục, Thừa tướng Duyện là Triệu Tiển nói: "Người như Lưu Bị nên việc được sao? dùng binh thì vụng về, mỗi lần chiến đấu thường thất bại, bôn ba chạy vạy chẳng được yên, sao đánh được người ta? Thục dẫu nhỏ bé nơi biên bìa, song tứ bề đầy rẫy hiểm trở, một mình giữ đất, vội vã khó mà lấy được." Trưng sĩ là Phó Cán nói: "Lưu Bị có độ lượng rộng rãi với người, có thể khiến người ta dốc sức đến chết. Gia Cát Lượng hiểu biết lẽ quyền biến, chính là người có mưu kế, mà làm tướng văn; Trương Phi-Quan Vũ dũng mãnh mà có nghĩa, đều là vạn người khó địch, mà làm tướng võ: Ba người ấy, đều là bậch nhân kiệt vậy. Với thao lược của Bị, được ba người ấy giúp đỡ, sao chẳng xong việc?" 

Điển lược chép: Triệu Tiển, tự Thúc Mậu, là người quận Kinh Triệu huyện Trường Lăng. Bản tính hiếu học, thích nói chuyện thi thư, hay thương xót người khác, chẳng mấy khi bàn luận điều cơ mật. Công phủ cho đòi vào làm Thương thư Bộ Lang. Đổng Trác muốn lấy để bổ sung vào nội ác của mình, Tiển không nghe. Trác giận, doạ giết Triệu Tiển, ý chừng khiến Tiển sợ hãi, mà Tiển vẫn cứ tự nhiên. Lúc gặp Trác, Tiển vẫn đưa lời chính đáng, bày tỏ rõ điều phải trái, Trác tuy hung ác ngang ngược, cũng phải khuất mà cảm tạ rồi thăng Tiển làm Bình Lăng lệnh. Cho nên lúc Vương Doãn bị hại, chẳng ai dám đến gần, Tiển bỏ chức quan đi thu nhặt thi thể. Tam Phụ loạn lạc, Tiển ở trọ tại Kinh Châu, Lưu Biểu đãi làm tân khách. Tào Công bình định Kinh Châu, cầm tay Tiển nói rằng: "Sao ta gặp nhau muộn vậy!" Rồi cho vời đến làm Duyện. Về sau làm Ngũ quan tướng Tư mã, làm Trưởng sử cho tướng quốc Chung Do, mất lúc hơn sáu mươi tuổi. 

Thục trung vốn giàu có thịnh vượng yên vui, Tiên Chủ bầy tiệc rượu cực lớn thết đãi sĩ tốt, lấy kim ngân ở trong thành nước Thục ban thưởng cho tướng sĩ, cùng với nhiều lương thực vải vóc. Tiên Chủ lại lĩnh chức Ích Châu mục, Gia Cát Lượng làm bầy tôi tay chân, Pháp Chính làm mưu sĩ, Quan Vũ-Trương Phi-Mã Siêu làm nanh vuốt, Hứa Tĩnh-My Trúc-Giản Ung làm Tân hữu(25). Đến bọn Đổng Hoà-Hoàng Quyền-Lý Nghiêm là bầy tôi cũ của Chương đều được thu dụng cả, bọn Ngô Nhất(26)-Phí Quan là thông gia với Chương, Bành Dạng là người bị Chương ruồng bỏ đuổi đi, Lưu Ba trước đây bị Tiên Chủ căm ghét, đều được dùng tin dùng ở vị trí xứng đáng, tận dụng hết được tài năng. Những kẻ sĩ có chí, chẳng ai không tranh đua cố gắng.

Năm thứ hai mươi, Tôn Quyền nhân vì Tiên Chủ lấy được Ích Châu, sai sứ đến bảo rằng muốn lấy lại Kinh Châu. Tiên Chủ nói: "Đợi khi ta lấy được Lương Châu, đương nhiên sẽ trả lại Kinh Châu cho." Quyền giận, bèn sai Lã Mông tập kích đoạt lấy ba quận Trường Sa-Linh Lăng-Quế Dương. Tiên Chủ dẫn năm vạn binh cuốn đất đến Công An, lệnh cho Quan Vũ thâm nhập Ích Dương. Năm ấy, Tào Công bình định Hán Trung, Trương Lỗ trốn chạy vào Ba Tây, Tiên chủ hay tin, cùng với Quyền liên hoà, phân chia Kinh Châu, các quận Giang Hạ-Trường Sa-Quế Dương thuộc phía đông, Nam Quận, Linh Lăng, Vũ Lăng thuộc phương Tây(27), rồi dẫn quân về Giang Châu. Phái Hoàng Quyền dẫn binh đến nghênh đón Trương Lỗ, song Trương Lỗ đã hàng Tào Công. Tào Công sai Hạ Hầu Uyên-Trương Cáp đóng quân ở Hán Trung, mấy lần xâm phạm vào địa giới đất Ba. Tiên Chủ lệnh cho Trương Phi tiến binh đến Đãng Cừ, cùng với bọn Cáp giao chiến ở Ngoã Khẩu, đánh tan được bọn Cáp, rồi thu binh về Nam Trịnh. Tiên Chủ cũng trở về Thành Đô.

Năm thứ hai mươi ba, Tiên Chủ đốc xuất chư tướng tiến binh đến Hán Trung. Chia quân sai bọn Ngô Lan-Lôi Đồng thâm nhập Vũ Đô, đều bị quân Tào Công đánh giết tan tành ở đó. Tiên Chủ đóng ở cửa ải Dương Bình, cùng với bọn Uyên-Cáp cầm giữ nhau.

Năm thứ hai mươi bốn mùa xuân, Tiên Chủ từ phía nam Dương Bình qua sông Miện, men núi tiến lên, dựa vào địa thế Định Quân sơn lập quân doanh. Uyên dẫn binh đến tranh giành địa thế. Tiên Chủ lệnh cho Hoàng Trung thừa thế ở trên cao thúc trống đánh xuống, đại phá quân Uyên, chém Uyên cùng tạm quyền Thứ sử Ích Châu của Tào Công là Triệu Ngung. Tào Công từ Trường An cất đại binh nam chinh. Tiên Chủ ở nơi xa nghe được nói rằng: "Tào Công dẫu có lại, chẳng thể làm được gì, ta tất có được Hán Xuyên vậy." Lúc Tào Công đến, Tiên Chủ thu đại binh giữ đất hiểm, thuỷ chung không chịu giao phong, hơn tháng không đánh chác gì, quân sĩ bỏ trốn ngày một nhiều. Mùa hạ, Tào Công dẫn quân quay về, Tiên Chủ lấy được Hán Trung. Lại phái bọn Lưu Phong-Mạnh Đạt-Lý Bình(28) vây đánh Thân Đam ở Thượng Dung.

Mùa thu, quần thần tôn Tiên Chủ lên làm Hán Trung Vương, dâng biểu lên Hán Hiến Đế rằng: "Bọn thần là Bình Tây tướng quân Đô Đình hầu Mã Siêu, Tả tướng quân Trưởng sử Trấn quân tướng quân Hứa Tĩnh, Doanh tư mã Bàng Hi, Nghị tào Tòng sự Trung lang quân nghị Trung lang tướng Xạ Viên,

Tam quyết phụ lục chú chép: Viên tự Văn Hùng, người quận Phù Phong. Họ ấy vốn gốc họ Tạ, cùng với các họ Tạ ở đất Bắc là đồng tộc(29). Thuỷ tổ là Tạ Phục làm tướng quân đi đánh dẹp nơi xa, Thiên tử thấy Tạ Phục chẳng phải là danh tự hay, đổi ra là Xạ, nên con cháu mang họ ấy. Anh Viên là Kiên, tự Văn Cố, thuở nhỏ có danh tiếng tốt, công phủ vời vào làm Hoàng môn Thị lang, Hiến Đế còn nhỏ, Tam Phụ có nạn đói, Kiên bỏ quan, cùng với em là Viên đi về Nam vào Thục nương nhờ Lưu Chương, Chương lấy Kiên làm Trưởng sử. Lưu Bị lên thay Chương, lấy Kiên làm Thái thú Quảng Hán-Thục Quận. Viên thở nhỏ cũng có danh, Thái uý Hoàng Phủ Tung yêu tài gả con gái cho, Thừa tướng Gia Cát Lượng lấy Viên làm Tế tửu, rồi thăng làm Tòng sự, đang làm quan thì chết.

Quân sư tướng quân Gia Cát Lượng, Đãng Khấu tướng quân Hán Thọ Đình hầu Quan Vũ, Chinh Lỗ tướng quân Tân Đình hầu Trương Phi, Chinh Tây tướng quân Hoàng Trung, Trấn Viễn tướng quân Lại Cung, Dương Vũ tướng quân Pháp Chính, Hưng Nghiệp tướng quân Lý Nghiêm tất cả một trăm hai mươi người dâng lời rằng : "Xưa Đường Nghiêu là bậc chí thánh mà tứ hung ở trong triều, Chu Thành là hiền tài nhân đức mà tứ quốc làm khó, Cao Hậu xưng chế mà họ Lã trộm mệnh, Hiếu Chiêu nhỏ dại mà Thượng Quan mưu toan thoán nghịch, đều là cậy thế ân sủng, mượn lý lẽ để nắm quyền quân quốc, cùng hung cực loạn, xã tắc nguy nan. Chẳng phải Đại Thuấn, Chu Công, Chu Hư, Bác Lục, ắt chẳng thể lưu đày kẻ có tội giam cầm kẻ nghịch tặc, yên định an nguy.

Nghĩ đến thánh đức to lớn của Bệ hạ, nắm quyền cai trị muôn bang, nhưng gặp lúc vận hạn khốn khó gian nan. Đổng Trác cầm đầu làm loạn, khuấy động kinh sư, Tào Tháo nối theo gây vạ, trộm giữ mệnh trời; hoàng hậu thái tử, phải uống rượu độc mà chết, thiên hạ nhiễu loạn, muôn dân bị tàn hại. Bệ hạ phải chịu nỗi phong trần lo buồn khốn khổ đã lâu, ẩn mình ở ngôi hư hão. Chúng thần vô chủ, vương mệnh bị lấn áp, ngôi đế vương bị đè nén, thần khí bị cướp đoạt. Tả tướng quân Nghi thành Đình hầu lĩnh chức Tư lệ Hiệu uý ba châu Dự-Kinh-Ích là Bị, đã nhận phẩm trật của triều đình, nghĩ mình phải ra sức, dẫu có chết vì quốc nạn. Bởi thế nên khi thấy được thời cơ, nỗi giận bùng phát, mới cùng với Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa mưu toan tru diệt Tháo, để an định quốc gia, đưa vua về cựu đô. Gặp lúc Thừa lo việc không kín, khiến Tháo mặc ý được dịp làm điều đại ác, tàn hại trong ngoài. Bọn thần vẫn thường sợ vương thất lớn thì có cái hoạ Diêm Nhạc(30), nhỏ thì có cái biến An Định(31), Triệu Cao sai Diêm Nhạc giết Nhị Thế. Vương Mãng phế Nhụ Tử làm Định An Công.

Thần đêm ngày lo ngay ngáy, run sợ chẳng dám nghỉ ngơi.

Việc xưa ở Ngu thư, chín đời theo thứ tự, xét đến hai đời nhà Chu, phong tước chia đất cho người cùng họ, Kinh Thi nêu rõ việc ấy là nghĩa, truyền mãi đến muôn đời. Hán triều mới hưng thịnh, cắt chia cương thổ, tôn con em làm vương, bởi thế về sau diệt được cái hoạ mấy người họ Lã, mà dựng nên nghiệp lớn họ Lưu.

Chúng thần thấy rằng Bị có lòng vì vương thất, là con cháu công hầu, tấm lòng gửi ở quốc gia, luôn nghĩ đến việc dẹp loạn. Mới đây phá được Tào Tháo ở Hán Trung, kẻ anh hùng khắp hải nội ngóng gió mà nương cậy, thế mà tước hiệu chẳng rõ ràng, ngôi cửu tích chưa được thêm, chẳng phải là việc hay để giữ yên xã tắc, là gương sáng cho vạn đời vậy.

Chúng thần kính vâng mệnh ở bên ngoài, lễ chế vương mệnh bị đứt đoạn. Xưa kia Thái thú Hà Tây là Lương Thống đang lúc nhà Hán hưng vượng, ở trong cõi, địa vị quyền thế nào có hơn ai, chẳng thể làm tướng soái, mà được chọn làm nguyên suý thay cho Đậu Dung, rút cục lập lên công lao, dẹp tan được Ngỗi Hiêu. Nay xã tắc gặp nguy nan, Lũng-Thục khốn khó. Tháo ở ngoài nuốt thiên hạ, bên trong hại đồng liêu, triều đình có mối nguy tường vách, mà kẻ lấn áp chưa thể ngăn chặn, khiến cho y phải run sợ. Chúng thần nương theo điển cũ, phong Bị làm Hán Trung Vương, bái làm Đại tư mã, đốc trách hết lục quân, tập hợp đồng minh, quét sạch kẻ hung nghịch. Lấy Hán Trung-Ba-Thục-Quảng Hán-Kiện Vi lập quốc, tạm chiếu theo phép cũ như chư hầu thời Hán sơ. Đã là phép quyền nghi, ví như có lợi cho xã tắc, chuyên quyền có thể được vậy. Rồi sau này công thành nghiệp dựng, chúng thần xin chịu tội, dẫu chết không hề hối hận."

Rồi cho lập đàn tràng ở Miện Dương, bầy đủ các đồ nghi trượng, quần thần đến đông đủ, đọc tấu chương xong, dâng mũ áo lên cho Tiên chủ.

Tiên chủ dâng biểu lên Hán Hiến đế rằng: "Thần nghĩ rằng mình chẳng có tài cán, tự đảm đương gánh vác ngôi thượng tướng, tổng đốc ba quân, phụng mệnh ở bên ngoài, chẳng quét sạch được nạn giặc, ra sức khuông phò vương thất, khiến cho thánh giáo của bệ hạ bị lấn áp đã lâu, trong sáu cõi, bế tắc chưa thông, thần trong lòng lo lắng trằn trọc không yên, vạ như có bệnh ở trong đầu.

Ngày trước bởi Đổng Trác gây nên loạn lạc, thế nên sau này, bè lũ hung nghịch tung hoành, tàn hại trong ngoài. Nhờ vào thánh đức uy linh của Bệ hạ, nhân thần cùng hưởng ứng, hoặc kẻ trung nghĩa phấn chấn đánh dẹp, hoặc trời cao giáng phạt, kẻ bạo nghịch đều bị giết, dần dần bị tiêu diệt cả. Chỉ còn một Tào Tháo, đã lâu chưa trừ được, dần dà chiếm đoạt quốc quyền, mặc lòng phóng túng gây loạn. Thần trước đây cùng với Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa vạch mưa kế đánh dẹp Tháo, liệu việc chẳng kín, Thừa bị hãm hại, thần trốn tránh không nơi cư trú, có lòng trung nghĩa mà chẳng nên công. Khiến cho Tháo được thể hung hăng cực nghịch, tru lục giết hại cả chủ hậu, mà hoàng tử phải uống rượu độc. Thần dẫu tụ họp nghĩa binh, đã cố hết sức mình, song thế còn yếu kém, năm tháng trôi qua việc cũng chưa thành. Vẫn sợ tâm sức mai một, phụ lại quốc ân, khi thức lúc ngủ mãi thở than, sớm khuya kính sợ mà gắng gỏi.

Nay bọn liêu thuộc của thần cho rằng việc xưa chép ở Ngu thư chín đời theo thứ tự, mọi người gắng gỏi hết lòng, Ngũ đế thêm bớt, đạo ấy chẳng thể phế bỏ.

Trịnh Huyền chú rằng: Thứ, là mọi người; lệ, là làm nên; tự là thứ tự vậy. Chín dòng theo thứ tự là họ hàng thân thích, mà những kẻ thần tử hết lòng giúp đỡ vậy. 

Xét hai đời nhà Chu, chia đất cho những người họ Cơ, thế nên được cậy nhờ Tấn-Trịnh giúp cho hưởng phúc. Cao Tổ nổi lên, tôn ngôi vương cho con em, mở ra chín nước, về sau giết được những người họ Lã, để yên định họ Lưu. Nay Tháo ghét người cương trực trung trinh, bè lũ rất đông, che giấu ác tâm, mưu soán đoạt đã rõ ràng. Tông thất đã suy vi, dòng dõi Đế không ngôi, muốn châm chước phép cổ, tạm mượn quyền nghi, tôn thần lên làm Đại tư mã Hán Trung vương.

Thần suy đi tính lại hai ba lần, đã chịu hậu ân của quốc gia, tự gánh vác việc ở một phương, hết sức mà việc chưa thành, ơn ấy đã là quá, chẳng nên nhục chiếm ngôi cao để bị người đời mỉa mai mang tội lớn. Nhưng quần thần bức bách, lấy nghĩa ép thần. Thần gạt bỏ đi lại nghĩ rằng quân giặc cướp chẳng hết hung hăng, nạn nước chưa qua, tông miếu lâm nguy, xã tắc ngửa ngiêng, nên thần lo lắng nghĩ mình phải gánh vác lấy ngôi đầu. Thuận ứng theo lẽ quyền nghi thông biến, để yên định thánh triều, dẫu xông vào nơi nước lửa, chẳng thể chối từ, mạnh dạn mà lo lắng cái đạo đáng làm, để phòng sau này không hối tiếc. Thế nên thuận theo lời bàn của quần thần, bái nhận ấn tỉ, để tôn cái uy của quốc gia.

Ngẩng lên nghĩ tới tước hiệu, ngôi cao ân hậu, cúi xuống nghĩ rằng phải báo đáp đến cùng, mối lo sâu xa thì trách nhiệm nặng nề, nỗi sợ hãi chất chồng, như dấn thân vào lũng thẳm. Nguyện hết sức hết lòng, để tưởng lệ sáu quân, đốc suất nghĩa binh, ứng trời thuận thời, đánh dẹp kẻ hung nghịch, để yên xã tắc, mong báo ơn muôn một, kính cẩn thảo tấu chương sai dịch thừa dâng lên chúa thượng, xin trao trả chúa thượng chức Tả tướng quân cùng ấn thụ Nghi thành Đình hầu."

Liền đó về đóng dinh sở ở Thành Đô. Lại đề bạt Nguỵ Diên làm Đô đốc, trấn thủ Hán Trung.

Điển lược chép: Bị liền cho xây dựng quán dịch, chòi canh, từ Thành Đô đến Bạch Thuỷ quan, hơn bốn trăm chỗ.

Bấy giờ Quan Vũ đánh tướng của Tào Công là Tào Nhân, bắt được Vu Cấm ở Phàn Thành. Ít lâu sau Tôn Quyền tập kích giết chết Vũ, chiếm lấy Kinh Châu.

Năm thứ hai mươi lăm, Nguỵ Văn Đế xưng tôn hào, cải niên hiệu là Hoàng Sơ. Có người đưa tin Hán Đế bị hại, Tiên Chủ bèn mặc áo trắng cử tang, truy thuỵ hiệu là Hiếu Mẫn Hoàng Đế. Sau đó quần thần nói rằng gần đấy có điềm lành, nhật nguyệt nối theo nhau, cho nên các quan Nghị lang Dương Tuyền hầu Lưu Báo, Thanh Y hầu Hướng Cử, Thiên tướng quân Trương Duệ-Hoàng Quyền, Đại tư mã Chúc Ân Thuần, Ích châu Biệt giá Tròng sự Triệu Tộ, Trị trung Tòng sự Dương Hồng, Tòng sự Tế tửu Hà Tông, Nghị tào Tòng sự Đỗ Quỳnh, Khuyến học Tòng sự Trương Sảng-Doãn Mặc-Tiếu Chu cùng dâng lời rằng:

"Thần nghe rằng Hà Đồ-Lạc Thư, Ngũ kinh Sấm-Vĩ(32), đều do Khổng Tử xét soi sáng tỏ, đã chứng nghiệm từ lâu. Cẩn trọng tra xét Lạc Thư Chân Diệu Độ có ghi: 'Đời vua chuộng màu đỏ thứ ba, đức vận xương thịnh(33), sau chín đời đến người tên Bị, hợp với ngôi Đế.' Lạc Thư Bảo Hào Mệnh có ghi: 'Trời cai quản đạo đế vương cho người tên Bị xưng làm hoàng đế, lấy chính thống thu lấy đế vị, trăm việc đều nên chẳng thể thất bại.' Lạc Thư Lục Kỳ Vận có ghi: 'Cửu hầu thất kiệt tranh nhau, dân chúng róc xương làm củi đun, đầu người dẫm đạp trên đường lộ, ai khiến vị chúa tên Huyền(34) sang.' Hiếu Kinh Câu Mệnh Quyết Lục có ghi: 'Đế vương ba người hưng khởi, chín đời đến Bị'. Cha thần là Quần lúc chưa mất, nói rằng phía tây nam mấy lần có hoàng khí, bốc cao vài trượng, xuất hiện đã lâu năm, lại thường gió tốt mây lành từ sao Thiên Tuyền(35) hạ xuống quấn quýt, ấy là điềm lành phi thường. Lại nữa, giữa năm Kiến An thứ hai mươi hai, mấy lầm có đám mây như tinh kỳ, bay từ tây sang đông, lơ lửng giữa trời, Đồ-Thư nói rằng 'Ắt có thiên tử xuất hiện ở phương ấy'. Lại thêm năm ấy sao Thái Bạch-Huỳnh Hoặc-Trấn tinh, thường đi theo Tuế tinh(36). Gần đây nhà Hán mới hưng khởi, ngũ tinh cùng tuế tinh hội họp; tuế tinh chủ nghĩa, ngôi nhà Hán ở phía tây, chính là phương vị chủ nghĩa, cho nên phép chế của nhà Hán là lấy Tuế tinh để chiêm nghiệm bậc nhân chủ. Đương khi thánh chủ nổi dậy ở châu ấy, có ý trung hưng. Bấy giờ Đế(37) còn ở Hứa Đô, cho nên quần thần không dám tiết lộ. Mới đây Huỳnh Hoặc lại xâm phạm Tuế tinh, ở khu vực Vị-Mão-Tất(38); Sao Mão sao Tất là lưới trời, kinh sách nói rằng 'Đế tinh lu mờ(39), bọn tà nghịch tiêu vong.' Huý của thánh thượng đã sớm thấy(40), suy xét thời kỳ ứng nghiệm, phù hợp mấy điềm, chẳng phải chỉ có một mà thôi. Thần nghe bậc thánh vương hành sự trước ý trời mà trời chẳng lìa bỏ, hành sự thuận ý trời thì được thiên thời, cho nên ứng thời vận mà sinh, để tương hợp với thần linh. Mong đại vương ứng lòng trời thuận lòng người, mau chóng dựng nghiệp đế vương, để yên định quốc gia."

Bọn Thái phó Hứa Tĩnh, An Hán tướng quân Mi Trúc, quân sư tướng quân Gia Cát Lượng, Thái thường Lại Cung, Quang lộc huân Hoàng Quyền, Thiếu phủ Vương Mưu dâng lời rằng:

"Tào Phi thí chúa soán ngôi, chôn vùi ngôi Hán thất, cướp lấy thần khí, bức hiếp kẻ trung lương, tàn ác vô đạo. Quỷ thần căm giận, đều nghĩ đến họ Lưu. Nay ở trên không có thiên tử, hải nội bàng hoàng, không có chỗ ngóng trông. Quần hạ trước sau dâng sớ hơn tám trăm người, đều nói rõ có điềm lành, và những lời đồ sấm làm chứng cớ rõ ràng. Gần đây có rồng vàng hiện ra ở Xích Thuỷ núi Vũ Dương, suốt chín ngày mới tan. Hiếu kinh(41) dẫn lời của Thần Tiết(42) rằng 'Ân đức đến cùng cực ắt có rồng vàng hiện ra', rồng, là hình tượng của vua vậy. Hào thứ chín mươi lăm trong quẻ Càn ở sách Chu Dịch(43) nói 'rồng bay ở trên trời', mà đại vương đang như rồng bay lên, xứng nhận lấy ngôi đế vậy.

Mới đây Quan Vũ vây Phàn Thành-Tương Dương, con trai của Trương Gia-Vương Hưu ở Tương Dương dâng biếu ngọc tỉ, ngọc tỉ ấy ẩn dưới sông Hán, nằm ở nơi đáy sâu, ánh sáng rực rỡ chói chang, thần khí sáng rọi đến tận trời. Nhà Hán ta, trước kia Cao Tổ nổi dậy yên định thiên hạ mà xưng quốc hiệu, giờ đại vương noi theo phép xưa của Tiên đế, cũng dấy lên ở Hán Trung. Nay ngọc tỉ của Thiên tử trước đây lại sáng tỏ, mà ngọc tỉ ấy hiện ra ở Tương Dương, cuối dòng Hán thuỷ, minh đại vương nhận ngọc tỉ ấy ở hạ lưu, ấy là ngôi vị Thiên tử được trao cho đại vương, điềm lành ứng với thiên mệnh, chẳng phải sức người làm được vậy.

Xưa kia nhà Chu có điềm Ô Ngư(44), mọi người nói rằng đó là việc tốt lành. Chúa thượng vâng mệnh hai tổ(45), Đồ-Thư báo trước, đã chứng nghiệm rồi vậy. Nay trời cao báo điềm lành, quần nho anh tuấn, đều dẫn sách Hà Đồ-Lạc Thư, cùng lời sấm ký của Khổng Tử, hết thảy đều đủ cả. Chúng thần quỳ xuống kính cẩn suy ngẫm rằng Đại vương là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh Vương Hiếu Cảnh Hoàng Đế, dòng chính dòng phụ trăm đời(46), thiên địa giáng phúc, đại vương tư thái thần thánh kì vĩ, uy vũ như thiên thần, nhân đức chồng chất trùm đời, ưu ái dân chúng tôn kính kẻ sĩ, vì thế bốn phương dốc lòng theo về. Chúng thần khảo sát linh đồ, suy nghĩ sấm vĩ, trẫm triệu của thần minh, huý danh sáng tỏ. Vậy nên đại vương sớm lên ngôi đế, để tế lễ nhị tổ, nối nghiệp tổ tiên, thì thiên hạ may lắm. Chúng thần kính cẩn giao cho Bác sĩ Hứa Từ, Nghị lang Mạnh Quang, kiến lập lễ nghi, chọn giờ lành, để chúa thượng xưng tôn hiệu."

Tiên Chủ bèn lên ngôi đế ở núi Vũ Đảm phía nam Thành Đô.

Thục bản kỷ chép: Ở Vũ Đô có kẻ trượng phu hoá làm người con gái, nhan sắc rất đẹp, như giống tinh ở trong núi vậy. Thục vương lấy làm vợ, vì không quen thuỷ thổ, bị ốm chết muốn được đưa về nước, Thục vương giữ lại, chẳng kể gì đến việc người ấy đã chết. Sau Thục vương cho binh lính đào huyệt ở đất Đảm thuộc Vũ Đô, rồi an táng ở ngay trong Thành Đô, đắp mộ rộng mấy mẫu đất, cao mười trượng, gọi là Vũ Đảm. Thần Tùng Chi xét, Vũ Đảm, là tên núi, ở tây bắc Thành Đô, quẻ Càn phương vị ở phía tây bắc, cho nên mới đến đó lên ngôi đế.

Lại làm bài văn tế rằng: "Duy năm Kiến An thứ hai mươi sáu tháng tư ngày Bính Ngọ, Hoàng đế là Bị tiến dụng ngôi huyền mẫu, cáo rõ với Hoàng thiên Thượng đế hậu thổ thần kỳ: Nhà Hán có thiên hạ, số vận dài đến vô cùng. Xưa kia Vương Mãng soán đạo, Quang Vũ hoàng đế nổi giận lôi đình tru diệt đi, xã tắc lại còn. Nay Tào Tháo cậy quyền binh làm chuyện tàn nhẫn, tru lục cả chủ hậu, đầy trời ngập đất, tội trạng đã rõ ràng. Con Tháo là Phi, lại làm chuyện hung nghịch, cướp giữ ngôi thần khí. Quần thần tướng sĩ cho rằng xã tắc đã đổ nát, nên Bị phải kế vào, tiếp nối cơ nghiệp của hai tổ, tuân kính mệnh trời đánh kẻ có tội.

Bị nghĩ mình vô đức, sợ làm nhục đến ngôi Đế. Hỏi đến thứ dân, cùng các trưởng quan Man Di ngoài cõi, mọi người đều nói rằng 'thiên mệnh chẳng thể bỏ ngôi không, cơ nghiệp của tổ tiên chớ nên để suy đồi, bốn bể chẳng thể không có chủ'. Cả thiên hạ trông ngóng, chỉ còn có một mình Bị. Bị sợ mệnh sáng của trời, lại sợ ngôi Hán sẽ bị chôn vùi xuống đất, cẩn trọng chọn ngày lành, cùng trăm quan đăng đàn, nhận tỉ thụ Hoàng đế. Cho sửa sang đồ lễ, cáo tế với thiên thần, mong thần linh hưởng lộc giúp cho nhà Hán, bốn bể được vĩnh viễn yên vui!"

Nguỵ thư chép: Bị nghe tin Tào Công chết, sai phó quan là Hàn Nhiễm dâng điếu thư, lại gửi đồ lễ phúng viếng. Văn Đế ghét cái việc nhân lễ tang cầu thân, mệnh cho Thứ sử Kinh Châu chém Nhiễm, tuyệt đường sứ mệnh. 

Điển lược chép: Bị phái tham mưu duyện Hàn Nhiễm mang điếu thư, lại dâng gấm vóc. Nhiễm xưng có bệnh, ở lại Thượng Dung. Từ Thượng Dung dâng thư lên, gặp lúc thọ chung(47), có chiếu thư hồi đáp cho Nhiễm được vào chầu. Bị được thư hồi đáp, bèn xưng chế. 

Năm Chương Vũ nguyên niên mùa hạ tháng tư, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu. Lấy Gia Cát Lượng làm Thừa tướng, Hứa Tĩnh làm Tư đồ. Đặt ra trăm quan, xây dựng tông miếu, hợp tế ở miếu Cao Hoàng đế.

Thần Tùng Chi cho rằng Tiên Chủ dẫu rằng xuất thân từ dòng dõi Hiếu Cảnh, nhưng bao nhiêu đời đã quá xa, chiêu mục khó rõ ràng(48), đã nối ngôi Hán, chẳng biết vì sao Đế lấy ông tổ mới để lập tông miếu. Mà lúc bấy giờ có hiền tài phụ giúp, các bậc nho sinh ở trong cung, chế độ tông miếu, hẳn có chương pháp, mà lại ghi chép thiếu sót qua loa, thật đáng giận thay. 

Tháng năm, lập Ngô thị làm Hoàng hậu, con là Thiện làm Hoàng Thái tử. Tháng sáu, lập con là Vĩnh làm Lỗ vương, Lý là Lương vương. Xa kỵ tướng quân Trương Phi bị tả hữu hại. Khi trước, Tiên Chủ hận Tôn Quyền tập kích Quan Vũ, sắp đông chinh, đến mùa thu tháng bảy, bèn thống suất ba quân phạt Ngô. Tôn Quyền gửi thư xin hoà, Tiên Chủ nổi giận đùng đùng không nghe, Ngô tướng là bọn Lục Nghị(49)-Lý Dị-Lưu A đóng quân ở Vu huyện-Tỷ Quy; tướng quânNgô Ban-Phùng Tập ở Vu huyện tấn công đánh tan bọn Dị, rồi dừng quân ở Tỷ Quy, các tộc Man Di ở Ngũ Khê quận Vũ Lăng sai sứ đến cầu binh.

Năm thứ hai mùa xuân rằm tháng giêng, quân của Tiên chủ về lại Tỷ Quy, thuỷ quân của các tướng Ngô Ban-Trần Thức đóng ở Di Lăng, giáp với bờ tây xứ Giang Đông. Tháng hai, Tiên Chủ từ Tỷ Quy dẫn chư tướng tiến quân, men theo núi Tiệt Lĩnh, ở Di Đạo xứ Hào Đình đóng doanh trại, men núi Giáp thông sang Vũ Lăng, phái Thị Trung là Mã Lương yên uỷ rợ Man Di ở Ngũ Khê, các tù trưởng đều hưởng ứng. Trấn bắc Tướng quân Hoàng Quyền làm Đô đốc các quân ở Giang Bắc, cùng với quân Ngô cự nhau ở Di Lăng đạo. Mùa hạ tháng sáu, có luồng khí màu vàng hiện ra ở Tỷ Quy trong vòng mấy chục dặm, rộng đến mấy chục trượng. Hơn chục ngày sau, Lục Nghị đại phá quân Tiên Chủ ở Hào Đình, tướng quân Phùng Tập-Trương Nam đều bị chết. Tiên Chủ từ Hào Đình chạy về Tỷ Quy, thu họp binh sĩ li tán, rồi bỏ thuyền, theo đường bộ chạy về Ngư Phúc, đổi huyện Ngư Phúc thành Vĩnh An. Ngô sai tướng quân Lý Dị-Lưu A ngầm bám theo quân của Tiên Chủ, đóng binh ở Nam Sơn. Mùa thu tháng tám, thu binh trở về. Tư đồ Hứa Tĩnh chết. Mùa đông tháng mười, chiếu cho Thừa tướng Lượng lập quân doanh suốt từ nam lên Bắc tới Thành Đô. Tôn Quyền hay tin Tiên Chủ đóng ở Bạch Đế, rất sợ, sai sứ đến xin hoà. Tiên Chủ đồng ý, sai Thái trung đại phu Tông Vĩ đến đáp mệnh. Mùa đông tháng mười hai, Hán gia Thái thú Hoàng Nguyên nghe tin Tiên Chủ ốm không đến thăm, cất binh chống lại.

Năm thứ ba mùa xuân tháng hai, Thừa tướng Lượng từ Thành Đô đến Vĩnh An. Tháng ba, Hoàng Nguyên tiến binh đánh huyện Lâm Cung. Triều đình phái tướng quân Trần Hốt đánh dẹp Nguyên, quân Nguyên bị thua, thuận theo sông xuống hạ lưu, bị thân binh bắt trói lại, đem về Thành Đô, bị chém. Tiên Chủ ốm nặng, phó thác con côi cho Thừa tướng Lượng, Thượng thư lệnh Lý Nghiêm làm phó. Tháng tư mùa hạ ngày Quý Tỵ, Tiên Chủ băng ở Vĩnh An cung, bấy giờ sáu mươi ba tuổi.

Gia Cát Lượng tập chép lại di chiếu của Tiên Chủ sắc mệnh cho Hậu Chủ rằng: "Trẫm lúc mới ốm chỉ mắc bệnh lị mà thôi, sau chuyển sang tạp bệnh, sợ rằng chẳng qua khỏi. Người ta năm mươi tuổi chẳng nói là yểu, ta đã hơn sáu mươi tuổi, sao phải ân hận nữa, chẳng đau xót gì cho mình, chỉ nghĩ đến anh em khanh. Quan Bộc xạ tới đây, nói rằng Thừa tướng khen khanh sáng suốt hiểu biết, tiến bộ rất mau, vượt quá ước vọng của y, nếu thực được như thế, ta sao còn phải lo lắng nữa! Gắng lên, gắng lên! Chớ vì điều ác nhỏ mà làm, chớ vì điều thiện nhỏ mà không làm. Chỉ có hiền chỉ có đức, mới có thể thu phục được người. Cha các ngươi đức bạc, chớ nên bắt chước. Ngươi nên đọc sách Hán thư-Lễ ký, những lúc nhàn nhã nên xem các sách của Chư tử cùng với Lục Thao-Thương quân thư(50), cũng giúp tăng thêm ý chí và trí tuệ. Nghe nói Thừa tướng chỉnh lý các sách Thân-Hàn-Quản tử-Lục Thao(51) đều thông suốt hết cả, chưa đưa ra ngoài, e rằng lỗi đạo, ngươi nên phải tự thân đến cầu học lấy."

Lúc lâm chung, Tiên Chủ cho gọi Lỗ vương đến dặn nhỏ rằng: "Sau khi ta mất, anh em chúng mày phải coi Thừa tướng như cha, lệnh cho ngươi làm cộng sự giúp cho Thừa tướng mà thôi."

Lượng dâng biểu lên Hậu Chủ rằng: "Thần quỳ xuống kính cẩn nghĩ rằng Đại hành Hoàng đế có lòng nhân hơn người gây dựng đức chính, phúc đến cõi vô cùng, trời xanh chẳng xót thương, bệnh tật cứ ngấm dần, hôm nay ngày mười bốn tháng hai đã chợt vội đi xa, thần thiếp kêu gào, như cha mẹ mất. Nghĩ đến di chiếu, là việc lớn tổ tông, trên dưới phải động lòng; trăm qua cử ai, trừ phục hết ba ngày, đến khi an táng lại theo như lễ; Thái thú các quận quốc, những bậc quan tướng, Đô uý, Trưởng huyện lệnh, ba ngày mới được bỏ áo tang. Thần là Lượng thân chịu sắc giới, kính sợ thần linh, chẳng dám phạm lỗi lầm. Thần xin tuyên rõ để người dưới phụng mệnh thi hành."

Tháng năm, đem áo quan từ Vĩnh An cung về Thành Đô, đặt thuỵ là Chiêu Liệt Hoàng Đế. Mùa thu, tháng tám, an táng ở Huệ lăng.

Cát Hồng thần tiên truyện chép: Vị tiên nhân Lý Ý, là người Thục. Người đời kể lại, rằng người ấy sống vào thời Hán Văn Đế(52). Tiên chủ muốn phạt Ngô, sai người nghênh đón Ý. Ý đến nơi, Tiên chủ lấy lễ đón tiếp rất cung kính, hỏi việc lành dữ. Ý không đáp mà xin giấy bút, vẽ ra binh mã khí trượng vào mấy chục tờ giấy, xong rồi lấy tay nhất nhất xé nát hết đi, lại vẽ ra một người to lớn, đào đất chôn cất người chết, xong bỏ đi thẳng. Tiên chủ rất không vui. Từ khi xuất quân đánh Ngô, đại bại trở về, lấy làm hổ thẹn phẫn hận rồi phát bệnh chết, mọi người mới hiểu được ý tứ của Ý. Vẽ một người to lớn chôn cất người chết, tức là ý nói rằng Tiên Chủ chết vậy.

Bình rằng: Tiên Chủ là người cương nghị khoan hoà nhân hậu, hiểu lòng người kính kẻ sĩ, có phong độ của Hán Cao Tổ, có khí chất của bậc anh hùng. Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy. Cơ mưu quyền biến tài cán thao lược, chẳng theo kịp Nguỵ Vũ(53), bởi thế cơ nghiệp gây dựng được cũng hạn hẹp. Nhưng vấp ngã mà chẳng sờn lòng, sau cùng chẳng chịu ở dưới người, có lẽ là suy đoán rằng sự độ lượng của kẻ kia(54) ắt hẳn chẳng dung được mình, nên chẳng những tranh cái lợi, mà còn tránh hoạ cho mình vậy.

Chú thích: 
(1) Niên hiệu đời Hán Vũ đế.
(2) Đời Hán Vũ đế, khi tế tự tông miếu thì những người trong tông thất ở tước hầu phải rót rượu dâng vàng làm lễ.
(3) Tức là ông nội.
(4) Uý là chức quan quản việc quân sự, khác với chức Lệnh là chuyên lo việc dân sự.
(5) Tức là dây thắt lưng trong y phục của tầng lớp quan chức thời ấy.
(6) Sách Tam Quốc diễn nghĩa dịch địa danh này là Hạ Phì.
(7) Đây là chức huyện thừa, tức giúp việc cho quan huyện.
(8) Tức Viên Thuật.
(9) Tức là những chức quan Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Đây là ba ngôi vị đứng đầu triều chính. Gia đình nhà Viên Thiệu bốn đời có năm người giữ ngôi Tam công.
(10) Đó là Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Vương, Tống Tương Công và Tần Mục Công
(11) Lối xưng hô của người dưới với người có danh vị ở trên, cũng như ta gọi lãnh đạo của mình là sếp vậy.
(12) Từ Châu và Dương Châu.
(13) Tức là người già cả.
(14) Chỉ Viên Thiệu.
(15) Quách Đa tức là Quách Á Đa là tên tự của Quách Dĩ. Lý Thôi và Quách Dĩ đều là bộ tướng của Đổng Trác, từng bức hiếp Hiến Đế ở Trường An ngày trước.
(16) Chi tiết này rất thú vị đáng để ý. Xưa kia Vương Tử Sở là con của Hiếu Văn Vương nước Tần làm con tin ở nước Triệu, Lã Bất Vi dùng tiền mua chuộc người nước Triệu đưa Tử Sở về Tần, sau xếp đặt để Tử Sở lên làm vua nước Tần. Tại sao Đổng Thừa lại nói chuyện như vậy với Vương Tử Phục? Liệu có phải Thừa nói đến việc lật đổ Tháo để sau này làm vua Hán thay Hiến Đế? Vậy thì Vương Tử Phục này là một vị hoàng tử, con của Linh Đế? Hoàn Đế? là những vị vua Hán ngay trước thời Hiến Đế đó chăng?
(17) Tức Tôn Quyền, Quyền lúc đó giữ chức Thảo Lỗ tướng quân.
(18) Trỏ vùng đất ở quanh Trường Giang.
(19) Tức là quân Thanh Châu, Từ Châu. Ý nói đến quân của Tào Tháo vậy.
(20) Đây là kinh sư nước Ngô.
(21) Giặc gạo.
(22) Coi việc của Đại tư mã, tức là tạm nắm quyền chỉ huy quân đội.
(23) Bạch Thuỷ vốn thuộc vùng Quan Trung, ý ở đây nói rõ ra là sau khi Bị giết Đô đốc Bạch Thuỷ thì đến đó thu hàng quân sĩ cùng vợ con họ ở nơi ấy.
(24) Truyện Tam Quốc diễn nghĩa dịch tên nhân vật này là Lưu Hội.
(25) Không rõ phải dịch thế nào, từ điển chú thích rằng 'Tân hữu' tức là 'vừa là khách vừa là bạn'.
(26) Nguyên người này tên thật là Ngô Ý, song Trần Thọ viết sử vào đời Tấn phải tránh tên huý của Tư Mã Ý nên viết chệch tên thành Ngô Nhất.
(27) Đông thuộc Ngô, Tây thuộc Thục.
(28) Tức Lý Nghiêm, lúc này Nghiêm đổi tên thành Bình.
(29) Cùng một họ.
(30) Nhị Thế tức Hồ Hợi, chuyện này xảy ra sau khi Tần Thuỷ Hoàng tạ thế mấy năm.
(31) Nhụ Tử tức Nhụ Tử Anh, chuyện này xảy ra vào cuối thời Tây Hán.
(32) Hà đồ, Lạc thư, Sấm vĩ là những sách cổ chuyên về thiên văn bói toán và lời sấm.
(33) Nguyên văn 'Xích tam nhật đức xương'. Xưa Hán Cao Tổ Lưu Bang chém rắn trắng khởi nghĩa lập nên nhà Hán, gọi là Xích Đế (đời thứ nhất). Đến khi Quang Vũ Đế Lưu Tú diệt Vương Mãng trung hưng nhà Hán (đời thứ hai). Nay đến Lưu Bị là đời thứ ba vậy.
(34) Huyền Đức.
(35) Sao Bắc đẩu, đây là ngôi sao luôn đứng yên ở phía Bắc bầu trời, người ta thường lấy nó để định phương hướng.
(36) Chỗ này nhắc đến một loạt các ngôi sao trong Nhị thập bát tú, hai mươi tám ngôi sao này chia ra bốn phương, mỗi phương gồm bảy ngôi, có ý nghĩa rất quan trọng đối với thiên văn cổ xưa của Trung Hoa, đặc biệt với các bậc đế vương, theo quan niệm thiên tử chịu mệnh trời.
(37) Chỗ này nhắc đến việc Bị đang ở đất Hứa với Tào Tháo, có mưu toan với Đổng Thừa việc diệt Tháo, Đế ở đây là nhắc đến Hiến Đế vậy.
(38) Là ba ngôi sao trong Nhị thập bát tú, các sao này nằm ở trung khu của các thiên thể.
(39) Nguyên văn câu này là 'đế tinh xử chi, chúng tà tiêu vong', chữ xử có nghĩa là ở ẩn, tức là không thấy nữa, ở đây theo nghĩa dịch là lu mờ. Nguyên lai sao Huỳnh Hoặc tức Hoả tinh, đây không phải một ngôi sao, chỉ là một hành tinh như trái đất của chúng ta, vì nó ở gần trái đất nên nó rất sáng, sáng nhất trên bầu trời đêm, chỉ kém mỗi mặt trăng và sao Kim (tức sao Thái Bạch), nó chạy trên đường hoàng đạo, vậy nên khi nó đi vào địa phận lưới trời (tức vị trí Mão, Tất) sẽ làm các sao khác bên cạnh lu mờ vì độ sáng của nó. Người xưa coi Huỳnh Hoặc là ngôi sao chủ việc hung nghịch càn dỡ vậy. Người Hy Lạp gọi nó là Ares, vị thần chiến tranh.
(40) Thấy ở các sách Ngũ kinh, Sấm Vĩ, Lạc Thư, Hà Đồ kể trên.
(41) Hiếu Kinh là bộ sách chép lời của Khổng Tử nói với Tăng Tử về đạo hiếu.
(42) Ông Tiết là thuỷ tổ của nhà Thương, khi trước là bầy tôi hiền tài của vua Thuấn.
(43) Chu Dịch là sách bói toán, nghe nói do Chu Công Đán soạn ra, sau này Khổng Tử soạn lại, chính là bộ Kinh Dịch nổi tiếng hiện nay.
(44) Ô Ngư là con cá đen, không rõ đây là điển tích g ì.
(45) Nhị tổ ở đây tức là Hán Cao Tổ Lưu Bang dựng nghiệp Tây Hán và Hán Quang Vũ Lưu Tú dựng nghiệp Đông Hán.
(46) Nguyên văn là 'bổn chi bách thế', bổn là ngành trưởng, chi là ngành thứ, dịch thoát ý.
(47) Thọ chung là nói Tháo mới chết.
(48) Theo thứ tự lễ nghi tông miếu thời cổ thì một đời là hàng chiêu, hai đời là hàng mục, bên tả là hàng chiêu, bên hữu là hàng mục.
(49) Tức Lục Tốn.
(50) Hán Thư là bộ sử do Ban Cố đời Hán soạn ra, Lễ ký là bộ sách cổ nói về lễ nghĩa do Khổng Tử chỉnh lý, Lục Thao là sách binh thư do Khương Tử Nha soạn ra, Thương quân thư là sách dạy về quyền thuật của Thương Ưởng người nhà Tần soạn.
(51) Chỉ các cuốn sách của Thân Bất Hại, Hàn Phi Tử, Quản Trọng, Khương Tử Nha soạn ra, đều là những sách nói về cái thuật trị quốc và b inh pháp.  
(52) Hán Văn Đế là vua nhà Tây Hán, lên nối ngôi Hán Vũ Đế, thời ấy cách thời của Lưu Bị chừng ba trăm năm.
(53) Tức Tào Tháo.
(54) Kẻ kia tức là Tào Tháo vậy.


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.