Header Ads

Lâu Huyền Truyện


Lâu Huyền tự Thặng Tiên, người huyện Kì nước Bái. Vào thời Tôn Hưu làm Giám nông ngự sử. Tôn Hạo lên ngôi, cùng với Vương Phiền, Quách Trác, Vạn Úc làm Tán kị trung thường thị, ra làm Cối Kê Thái thú, lại vào làm Đại tư nông. Trước đây những người coi việc trong cung được tự chọn người thân cận làm việc, Úc dâng tấu xin lấy người thân quen làm việc, nên dùng người tốt, Hạo nhân đó hạ lệnh sai quan coi việc cầu tìm kẻ sĩ trong sạch để ứng chọn, bèn dùng Huyền làm Cung hạ trấn cấm trung hầu, chủ việc trong điện. Huyền theo cửu khanh đeo đao ở bên làm thị vệ, tự thân thống lĩnh mọi người, theo phép mà làm, đối đáp thẳng thắn, nhiều lần làm trái ý Hạo, dần dần bị oán trách. Sau có người vu cho Huyền gặp nhau với Hạ Thiệu, ở lại nói bên tai mà cười lớn, giễu cợt chính sự, bèn hạ chiếu xét hỏi, đày đi Quảng Châu.

Đông quán lệnh Hoa Hạch dâng sớ nói: "Thần trộm nghĩ cái gốc của trị nước cũng như trị nhà. Người chủ làm ruộng đều nên chọn người thật thà, lại nên lấy một người coi xét cả các việc, để làm phép tắc, do đó mọi việc mới thông. Luận ngữ chép: 'Không cần làm gì mà thiên hạ yên ổn, vua Thuấn là người như vậy chăng! Chỉ là thong thả ngoảnh mặt về phía nam mà thôi'. Ý nói là dùng đúng người, cho nên thảnh thơi mà tự yên vậy. Nay trong nước chưa định, thiên hạ nhiều việc, các việc không kể lớn nhỏ đều tự xem nghe, tự mình coi xét thì tổn hao tâm ý. Bệ hạ đã rủ ý xét việc xưa, tìm tòi đạo thuật, chăm chỉ học phép hay, nên tùy lúc mà xét, phải chọn lúc yên tĩnh để suy nghĩ, tìm lấy điều tốt, hợp với ý trời. Thần ngày đêm nghĩ ngợi, trong các quan lại coi việc cốt cán đủ để giao phó chẳng ai hơn được Lâu Huyền. Huyền trong sạch trung trinh vâng theo phép công, tài giỏi ở đời, mọi người phục khí tiết, chẳng ai tranh hơn được. Người trong sạch thì lòng yên lặng mà thẳng thắn, người trung trinh thì giữ đạo chính mà làm theo. Như tính của Huyền, trước sau đều giữ vững. Xin bệ hạ tha lỗi trước của Huyền, sai tự sửa mới, trao cho chức cao, đòi phải chuộc tội, sai phải chọn người tùy tài mà dùng, lúc ấy cái sự thong thả của vua Thuấn chỉ gần nữa thôi". Hạo ghét danh tiếng của Huyền, lại đày huyền và con là Cứ giao cho tướng ở quận Giao Chỉ là Trương Dịch, sai phải đánh trận mà chuộc tội, ngầm hạ lệnh riêng sai Dịch giết Huyền. Cứ đến Giao Chỉ, mắc bệnh chết. Một thân Huyền theo Dịch đánh giặc, cầm đao lăn lội, gặp Dịch thì bái, Dịch không nỡ giết. Gặp lúc Dịch chết, Huyền liệm thây Dịch, thấy trong đồ có chiếu lệnh, trở về liền tự sát.

Giang Biểu truyện chép: Hạo sai tướng là Trương Dịch ban thuốc độc cho Huyền, Dịch thấy Huyền là người hiền, không nỡ đọc chiếu lệnh bắt uống thuốc độc, Huyền cũng ngầm biết được, bảo Dịch rằng: "Nếu báo cho Huyền biết sớm, Huyền há tiếc sao". Liền uống thuốc độc mà chết. Thần là Tùng Chi cho rằng: Cái tính thanh cao của Huyền, chắc không vì an nguy mà đổi ý, vậy mà vô cớ ruổi ngựa sai Trương Dịch giết Huyền để làm bẩn khí tiết của người này. Lại nữa tai họa đã phát, há trăm lần bái mà thoát được sao? Lời mà Giang Biểu truyện chép, về lí là đúng.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.