Header Ads

Giả Quỳ Truyện


Giả Quỳ tự Lương Đạo, người huyện Tương Lăng quận Hà Đông. Từ thời trẻ nhỏ, chơi đùa thường sắp đặt đội ngũ, ông nội là Tập cho là lạ, nói: "Ngươi lớn lên tất làm tướng súy". Bèn truyền miệng cho mấy vạn chữ trong sách binh pháp.

Ngụy lược viết: Nhà Quỳ là họ lớn, thuở nhỏ thì cô, nhà nghèo, mùa đông thường không có quần mặc, qua ở nhờ nhà anh vợ là Liễu Phu, chưa đến trời sáng, mặc quần của Phu mà đi, cho nên người thời ấy cho là người cởi mở.

Lúc đầu làm quan trong quận, giữ chức Giáng Ấp Trưởng. Quách Viện đánh quận Hà Đông, các thành ấp đi qua đều chiếm được, Quỳ giữ vững, Viện đánh không thắng được, bèn gọi Thiền vu(1) đem quân đến cùng đánh gấp. Thành sắp vỡ, người già cả trong thành huyện Giáng giao ước với Viện là không được làm hại Quỳ. Lúc người thành huyện Giáng đã tan vỡ, Viện nghe danh tiếng của Quỳ, muốn dùng làm tướng, đem quân ép buộc Quỳ, Quỳ không chịu theo. Tả hữu dẫn Quỳ đến ép cúi đầu, Quỳ mắng chúng rằng: "Há làm trưởng lại của nhà nước mà lại cúi đầu trước quân giặc"! Viện giận, muốn chém Quỳ. Quan dân thành Giáng nghe tin sắp giết Quỳ, đều lên thành gọi rằng: "Chớ được giết người hiền của bọn ta, nếu không thì bọn ta cùng chết"! Tả hữu khen Quỳ, nhiều người xin tha Quỳ, do đó được tha.



Ngụy lược viết: Viện bắt được Quỳ, Quỳ không chịu lạy, bảo Viện nói: "Vương phủ quân(2) coi quận nhiều năm, không biết túc hạ là người nào nữa"? Viện giận nói: "Ta phải nhanh chém ngươi". Các tướng che chở, bèn bắt giam ở Hồ Quan, đóng cũi trong hố đất, lấy bánh xe trùm lên, sai người giữ vững. Sắp muốn giết đi, Quỳ ở trong hố đất bảo người giữ cũi rằng: "Trong này không có tráng sĩ sao mà lại khiến cho nghĩa sĩ phải chết ở trong này vậy"? Bấy giờ có người tên là Chúc Công Đạo, không phải là người quen với Quỳ, nhưng vừa lúc nghe lời ấy, thương cảm Quỳ vì thẳng thắn mà bị mang vạ, bèn buổi đêm lẻn đến dẫn ra, bẻ gông cho thoát, không nói họ tên của mình.

Lúc trước, Quỳ qua huyện Bì Chi, nói: "Người nào chiếm được đất này trước thì thắng". Lúc bị vây gấp, biết khó thoát, bèn sai người lẻn ra đem ấn thao về quận, lại nói: "Mau chiếm huyện Bì Chi". Viện đã thu được quân của huyện Giáng, muốn tiến quân. Quỳ sợ Viện chiếm Bì Chi trước, liền bày kế khác để lung lạc mưu sĩ của Viện là Chúc Áo, do đó Viện ở lại bảy ngày. Người trong quận theo lời Quỳ cho nên không bị thua.

Tôn Tư biệt truyện viết: Tư được cử làm viên Kế lại của quận Hà Đông, đến đất Hứa, tiến cử ở phủ Thừa tướng rằng: "Quỳ tại Giáng Ấp, khuyến khích quan dân không giao tranh với giặc Quách Viện, sức kiệt mà thua, bị giặc bắt giữ, nhưng giữ chí thẳng, từ chối không cúi phục; nói lời trung với dân chúng, ngày nay nổi tiếng là trung liệt, dẫu những người nắm chức cao, tóc thẳng thời xưa cũng không hơn được. Người này tài cả văn võ, nên chọn dùng người này". 

Ngụy lược viết: Sau khi Quách Viện thua, Quỳ mới biết người đã thả mình ra là Chúc Công Đạo. Công Đạo là người quận Hà Nam. Sau đó làm việc mắc lỗi, tội đáng chịu phạt. Quỳ xin giúp, sức chẳng giúp thoát nhưng được giảm tội vậy.

Sau cử Mậu tài, làm Mẫn Trì Lệnh. Cao Hàn làm phản, Trương Diễm muốn đem quân đén ứng theo. Quỳ không biết mưu ấy, đến gặp Diễm. Nghe tin nổi loạn, muốn về nhưng sợ bị bắt, bèn bày kế cho Diễm như là người cùng mưu, Diễm tin theo. Bấy giờ sở trị của huyện ở thành Lễ, thành lũy không vững, Quỳ đem quân của Diễm sửa thành. Những người muốn làm loạn đều không giấu mưu của mình, cho nên Quỳ bắt giết hết chúng. Rồi sửa thành chống Diễm. Diễm thua, Quỳ vì có tang ông nội mà bỏ chức, quan Tư đồ gọi đến làm Duyện thuộc, bái làm Nghị lang, Tham Tư lệ quân sự. Thái Tổ đánh Mã Siêu, đến quận Hoằng Nông, nói: "Đấy là chỗ trọng yếu của miền tây". Cho Quỳ làm Hoằng Nông Thái thú. Gọi đến hỏi mưu kế, rất vui mừng, bảo tả hữu nói: "Nếu những quan lại có bổng hai nghìn thạch đều như Quỳ, ta còn lo gì"? Sau đó phát binh, Quỳ ngờ quan Đồn điền Đô úy che giấu dân trốn tránh. Quan Đô úy cho rằng mình không thuộc quận, nói lời không thuận. Quỳ giận, bắt giữ, mắng kể tội, đánh gãy chân hắn, rồi tha tội. Nhưng lòng Thái Tổ vẫn khen Quỳ, cho làm Thừa tướng Chủ bạ.

Ngụy lược viết: Thái Tổ muốn đánh Ngô nhưng gặp lúc mưa dầm lớn, ba quân phần nhiều không muốn đi. Thái Tổ biết như thế, sợ ngoài có người can ngăn, bèn hạ lệnh rằng: "Nay ta cảnh giác nghiêm ngặt, chưa biết làm gì, ai can ngăn thì giết chết". Quỳ nghe lệnh, bảo người cùng làm quan là ba viên Chủ bạ nói: "Nay thật là không nên nói ra, nhưng lệnh như thế, không thể không can ngăn". Bèn bày lời can ngăn cho ba người biết, ba người bất đắc dĩ phải cùng đề tên, vào bẩm việc. Thái Tổ giận, bắt giữ bọn Quỳ. Sắp đem vào ngục, nắm lấy người báo ý, Quỳ liền nói: "Ta có ý báo". Rồi chạy đến nhà ngục. Quan coi ngục biết Quỳ làm Chủ bạ, không vội đóng gông. Bảo quan coi ngục nói: "Mau đóng gông ta. Nếu không người tôn quý lại nghi ngờ ta là người gần gũi mà xin ông hoãn chậm. Nay sắp sai người đến dò xét ta đấy". Quỳ đeo gông vừa xong, đúng lúc Thái Tổ sai người trong nhà đến nhà ngục xem xét Quỳ. Rồi lại hạ lệnh nói: "Quỳ không có ý xấu, nay cho phục chức cũ". Lúc đầu, Quỳ làm học trò, đọc qua những truyện nói về người có nghĩa lớn, chọn lấy những gương đáng học. Ưa đọc Xuân thu Tả truyện nhất, đến lúc làm mục thú, thường tự tay đọc sách ấy, mỗi tháng thường đọc một thiên. Lúc trước Quỳ ở tại Hoằng Nông, tranh việc công với quan Điển nông Hiệu úy, không được lẽ, bèn phát giận mọc khối u, sau bệnh ngày càng nặng, tự báo muốn xin sai thầy thuốc cắt đi. Thái Tổ tiếc lòng trung của Quỳ, sợ Quỳ không sống được, hạ lệnh nói: "Báo cho quan Chủ bạ biết, ta nghe nói mười người cắt khối u thì có đến chín người chết". Quỳ vẫn theo ý mình, nhưng khối u ngày càng lớn. Quỳ vốn có tên là Cù, sau đổi tên là Quỳ.

Thái Tổ đánh Lưu Bị, sai Quỳ đến hang Tà Cốc xem hình thế trước, trên đường gặp quan Thủy hành Đô úy đang chở mấy chục xe người tù, Quỳ vì việc quân gấp, liền xử tội chết một người, còn lại đều thả a. Thái Tổ khen việc này, bái làm Gián nghị Đại phu, nắm giữ việc quân với Hạ Hầu Thượng. Thái Tổ băng ở Lạc Dương, Quỳ coi việc tang.

Ngụy lược viết: Bấy giờ Thái tử ở tại đất Nghiệp, Yên Lăng Hầu chưa đến, quan dân có vẻ khổ vì lao dịch, lại có bệnh dịch, do đó trong quân náo động. Bầy tôi sợ thiên hạ có biến, không muốn phát tang. Quỳ bàn rằng khồng nên giữ kín, bèn phát tang, lệnh người trong ngoài vào viếng, viếng xong, đều phải về chỗ cũ không được nhao động. Mà quân Thanh Châu tự ý đánh trống dẫn nhau đi về. Mọi người cho là nên ngăn cấm chúng, kẻ không nghe thì đến đánh. Quỳ cho rằng: "Nay tang lớn vẫn còn chờ táng, Vương nối tự chưa lập, nên nhân lúc này mà vỗ về chúng". Bèn tự viết hịch văn, báo cho quan lại địa phương cấp lương thực cho họ.

Bấy giờ Yên Lăng Hầu Chương làm Việt kị Tướng quân, từ Trường An đến viếng tang, hỏi ấn thao của Tiên vương ở đâu. Quỳ nghiêm mặt nói: "Thái tử ở tại đất Nghiệp, nước có người nối nghiệp. Ấn thao của Tiên vương, không phải là cái mà quân hầu nên hỏi vậy". Bèn đưa quan tang về đất Nghiệp.

Văn Đế lên ngôi Vương, thấy mấy vạn hộ của đất Nghiệp ở dưới kinh đô, phần nhiều không vâng phép cấm, bèn lấy Quỳ làm Nghiệp Lệnh. Hơn một tháng, chuyển làm Ngụy Quận Thái thú.

Ngụy lược viết: Lúc trước, quan thuộc của Ngụy Quận gặp lúc việc quan có phần gấp rút, lúc nghe tin Quỳ sắp đến quận, đều rời phủ quan đến ngoài cửa phủ quận. Lúc chuyển thư đến, Quỳ ra cửa, lại các quan thuộc của quận đều đứng ngoài cửa, gặp Quỳ ở dưới xe, Quỳ chắp tay nói: "Đến sở trị để xem nên làm sao"!

Đại quân ra đánh, lại làm Thừa tướng Chủ bạ Tế tửu. Quỳ từng bị người khác kể tội, Vương nói: "Thúc Hướng có công, dòng dõi mười đời sau mắc lỗi còn được tha, huống chi Quỳ có công đức mà thân vẫn còn"? Đi theo đến Lê Dương, trong quân có kẻ vượt sông lộn xộn, Quỳ chém người đó, bèn nghiêm chỉnh. Đến huyện Tiêu, lấy Quỳ làm Dự Châu Thứ sử.

Ngụy lược viết: Quỳ làm Dự Châu Thứ sử. Tiến lên nói: "Thần giữ việc ở triều đình, ra vào sáu năm, triều đình vừa mở mà thần phải ra ngoài. Mong Điện hạ nghĩ kế cho triệu dân, chớ làm trái lòng trông mong của thiên hạ".

Bấy giờ thiên hạ mới lập lại, châu quận phần nhiều chưa được nắn sửa. Quỳ nói: "Châu vốn lấy quan Ngự sử ra xem xét các quận, dựa vào sáu điều của chiếu lệnh mà xem xét trưởng lại có bổng hai nghìn thạch trở xuống, cho nên họ đều nói là mình có tài xem xét người tài năng, không nói là mình không có đức kinh thuận nhân ái trong sạch vậy. Nay trưởng lại coi thường phép cấm, giặc cướp làm bừa, trong châu biết nhưng không ngăn được, thiên hạ làm sao mà ngay thẳng được"? Quan Binh tào Tòng sự được Thứ sử cũ cho về nghỉ, Quỳ đến nhận chức mấy tháng mới quay lại; xét hỏi trưởng lại có bổng hai nghìn thạch trở xuống phóng túng không vâng phép cấm, đều dâng tấu tha cho họ. Đế nói: "Quỳ là quan Thứ sử thật vậy". Bố cáo thiên hạ, nên học theo phép tắc của Dự Châu. Ban tước Quan nội hầu.

Phía nam Dự Châu tiếp với đất Ngô, Quỳ dò xét rõ, luyện binh giáp, sắp đặt thế trận phòng bị, do đó giặc không dám lấn. Ngoài sửa quân đội, trong coi việc dân, ngăn sông Yên, sông Nhữ, làm ao chứa nước mới, lại xẻ núi khơi dẫn nước suối, làm ao nhỏ ở Dặc Dương, lại đào thông kênh vận chuyển dài hơn hai trăm dặm, gọi là 'kênh Giả Hầu' vậy. Giữa năm Hoàng Sơ, cùng với các tướng đánh Ngô, phá quân Lữ Phạm ở Động Phố, tiến phong Dương Lí Đình Hầu, thêm chức Kiến uy Tướng quân. Minh Đế lên ngôi, tăng ấp hai trăm hộ, cùng bốn trăm hộ trước đấy. Bấy giờ Tôn Quyền ở tại Đông Quan, sắp đến phía nam Dự Châu, cách sông hơn bốn trăm dặm, hễ đem quân ra cướp, đến phía tây từ Giang Hạ ra, đến phía đông Lư Giang phát. Nhà nước đánh dẹp, cũng theo đường sông Hoài, sông Miện. Bấy giờ quân của châu ở tại các quận Dĩnh Xuyên, Nhữ Nam, Dặc Dương chỉ giữ đất mà thôi. Quyền không có nỗi lo miền bắc, lúc đông tây có việc gấp, đem quân cứu nhau, cho nên thường ít thua. Quỳ cho rằng nên đi thẳng đến gần sông Giang, nếu Quyền tự giữ thì hai miền không có quân cứu; nếu hai miền không có quân cứu thì lấy được Đông Quan. Bèn chuyển đến đóng quân ở Liêu Khẩu, bày đặt kế đánh giữ, Đế khen là hay.

Tướng Ngô là Trương Yến, Vương Sùng đem quân hàng. Năm Thái Hòa thứ hai, Đế sai Quỳ lĩnh bốn cánh quân của bọn Tiền Tướng quân Mãn Sủng, Đông Hoàn Thái thú Hồ Chất, từ Tây Dương đến thẳng Đông Quan; Tào Hưu đến huyện Hoản, Tư Mã Tuyên Vương đến Giang Lăng. Quỳ đến núi Ngũ Tướng, Hưu lại nói là giặc có kẻ đến xin hàng, xin vào sâu giúp chúng. Hạ chiếu sai Tuyên Vương đóng quân lại, Quỳ về phía đông cùng đi với Hưu. Quỳ nghĩ giặc không phòng bị Quan Đông mà sẽ đem quân đến huyện Hoản; Hưu vào sâu đánh với giặc, liền thua. Quỳ bèn sắp đặt các tướng, thủy bộ cùng đi, đi được hai trăm dặm, bắt sống được giặc, chúng nói là Hưu thua trận, Quyền sai quân chặn ở Giáp Thạch. Các tướng không biết làm sao, có người muốn đợi hậu quân. Quỳ nói: "Quân Hưu thua ở ngoài, đường nghẽ ở trong, đi không đánh được, lui về chẳng xong, thế trận an nguy, không kịp qua ngày. Giặc vì biết quân ta không có hậu quân, cho nên đến đây; nay đi nhanh, ra chỗ không ngờ, đấy gọi là đánh trước để phá lòng giặc vậy. Giặc thấy quân ta tất chạy. Nếu đợi hậu quân, giặc đã chặn chỗ hiểm, lúc đó quân mạnh còn ích gì"! Bèn hợp quân các đường cùng đi, đặt nhiều cờ trống làm nghi binh, giặc thấy quân của Quỳ, bèn rút. Quỳ chiếm Giáp Thạch, đem lương quân cấp cho Hưu, quân của Hưu lại hăng. Lúc đầu, Quỳ không hợp với Hưu. Giữa năm Hoàng Sơ, Văn Đế trao Giả tiết cho Quỳ, Hưu nói: "Tính Quỳ cứng cỏi, vốn dễ lấn áp các tướng, không nên cho làm Đô đốc". Đế bèn thôi. Lúc thua ở Giáp Thạch, đã gọi Quỳ về, cho nên quân của Hưu không được cứu vậy.

Ngụy lược viết: Hưu giận Quỳ đi chậm, bèn trách mắng Quỳ, rồi sai Chủ bạ lệnh cho Dự Châu Thứ sử đến thu nhặt khí giới. Tính Quỳ thẳng thắn, bảo Hưu nói: "Ta giúp nhà nước làm Dự Châu Thứ sử, không thể đi giúp thu nhặt khí giới". Bèn dẫn quân về. Rồi cùng Hưu thay nhau dâng biểu, triều đình dẫu biết Quỳ thẳng thắn, nhưng vẫn nghĩ Hưu là tông thất được tin dùng, hai người không có gì sai vậy.

Ngụy thư viết: Hưu vẫn giữ ý trước, muốn đến lúc sau kể tội Quỳ, Quỳ cũng không nói, người thời ấy càng thêm khen Quỳ. Tập Tạc Xỉ nói: "Là người hiền tài, ngoài thì chịu nhún, trong tự hạ thấp, cái tiếng ganh tị, do đâu mà có vậy? Người có tiếng ganh tị, tất tranh cãi với người khác, tự mình có ý tranh được thua vậy. Nếu vì tình riêng mà hại nước diệt dân, người ấy dẫu nghiêng lật, có ích gì với ta? Với ta dẫu không có ích, theo ý người ấy làm gì? Do đó nói rằng, đấy là ý thấp kém thôi. Nay chịu nỗi giận riêng lại gánh nỗi lo ấy, xông xáo nguy khốn mà trừ được tai hại, lập nên công lớn với vua hiền, ban ân cho trăm họ, thân vào gần cạnh với Thiên tử, có nghĩa làm lòng kẻ địch hổ thẹn, dẫu hùm sói vẫn còn không biết báo thù, huống chi là với Tào Hưu sao? Vậy thì cứu cái nạn ấy là giúp đỡ cho mình, không vướng bận oán cũ, cũng là làm cho lngười ta chịu phục, nghĩa công đã thành, lợi riêng cũng xong, có thể nói là giỏi vậy. Đối với bọn không biết giúp đỡ, không phải do đó mà giúp đỡ được, chưa có được như vậy".

Lúc bệnh nặng, bảo tả hữu nói: "Nhận ân dày của nhà nước, chỉ hận không chém được Tôn Quyền để xuống gặp Tiên đế. Việc tang không được làm có chỗ rườm rà". Hoăng, thụy là Túc Hầu.

Ngụy thư viết: Bấy giờ Quỳ năm mươi lăm tuổi.

Con là Sung nối tự. Quan dân Dự Châu nhớ ơn Quỳ, khắc đá mà dựng miếu thờ. Giữa năm Thanh Long, Đế đánh phía đông, đi xe vào tế Quỳ, hạ chiếu nói: "Buổi chiều qua huyện Hạng, thấy tượng đá Giả Quỳ, nghĩ mà thương xót. Người xưa có nói: 'Lo gì không lập được công danh, chỉ sợ tuổi thọ không được dài mà thôi'. Quỳ có tiếng trung liệt, chết vẫn được ghi nhớ, có thể nói là chết mà thân không mục vậy. Nay báo cho thiên hạ biết để khuyến khích mai sau".

Ngụy lược viết: Năm Cam Lộ thứ hai, Nhà vua đánh miền đông, đóng quân ở huyện Hạng, lại vào dưới miếu thờ Quỳ, hạ chiếu nói: "Quỳ chết còn để lại đức, nhiều đời được thờ. Được nghe tiếng trung, trẫm rất khen ngợi. Ngày xưa Tiên đế đánh miền đông, cũng đến ở đây, tự ban âm đức, khen ý đẹp của Quỳ, trong lòng bồi hồi, càng thêm cảm khái! Cái nghĩa trọng người hiền là phải nhổ cỏ phần mộ của họ, sửa sang nhà cửa của họ, quét dọn miếu thờ của họ, có chỗ hoen mục thì phải đắp vá lại".

Sung vào giữa năm Hàm Hi làm Trung hộ quân.

Tấn chư công tán viết: Sung tự Công Lư, giữa năm Cam Lộ làm Đại Tướng quân Trưởng sử. Lúc loạn Cao Quý Hương Công, Tư Mã Văn Vương dựa vào Sung mà được thoát. Là bầy tôi có công đầu của nhà Tấn, làm đến Thừa tướng, phong Lỗ Công, thụy là Vũ Công.

Ngụy lược liệt truyện xếp ba người Quỳ và Lí Phu, Dương Phái làm một quyển, nay xếp hai người Phu, Phái kế sau Quỳ vậy. Phu tự Tử Hiến, người quận Cự Lộc. Giữ năm Hưng Bình, người trong quận đói khổ. Bấy giờ Phu là học trò, đang trồng rau giới, muốn lấy đó làm kế sinh sống. Có người đòi lấy, cũng không cho một cây, cũng không tự ăn, cho nên người thời ấy khen là có ý tốt. Sau đó làm quan. Giữa năm Kiến An, Viên Thượng chiếm Kí Châu, lấy Phu làm Chủ bạ, sau Thượng tranh giành với anh mình là Đàm, Thượng đem quân đến Bình Nguyên, giữ Biệt giá Thẩm Phối ở lại giữ thành Nghiệp, Phu đi theo Thượng. Lúc Thái Tổ vây thành Nghiệp, Thượng muốn về cứu thành Nghiệp, đi chưa đến, Thượng ngờ trong thành Nghiệp ít quân phòng giữ, lại muốn sai Phối phải biết động tĩnh ở ngoài, bàn với Phu nên làm sao. Phu đáp Thượng nói: "Nay sai tiểu nhân đến, sợ không đủ để biết việc trong ngoài, lại lo không thể làm được. Phu xin tự đến giữ". Thượng hỏi Phu rằng: "Nên làm thế nào"? Phu nói: "Nghe nói thành Nghiệp rất vững, nhiều người đều biết, ta cho rằng chỉ cần dùng ba quân kị là đủ rồi". Thượng theo kế ấy. Phu tự chọn ba người tin cậy, không nói đi đâu, đều sai phải sắm lương khô, không được cầm khí khới, đều cấp cho ngựa khỏe. Rồi từ biệt Thượng đến phía nam, đi qua đâu lại dừng ở trạm dịch. Lúc đến Lương Kì, sai người đi theo chặt lấy ba mươi cây gậy, đeo buộc bên ngựa, tự đội khăn bình thượng, dẫn ba quân kị, sắp tối đến dưới thành Nghiệp. Bấy giờ Đại Tướng quân dẫu có lệnh cấm nhưng có nhiều người thả trâu ăn cỏ, cho nên Phu nhân buổi đêm đi vào, đánh một hồi trống, tự xưng là Đô đốc, qua vòng vây phía bắc, men theo về phía đông, lại từ phía đông đi vòng quanh, lại men theo về phía nam, mỗi bước đi đều trách mắng tướng sĩ giữ vây, tùy tội nặng nhẹ mà xử phạt. Rồi đến trước doanh trại của Thái Tổ, đi thẳng về phía nam, từ góc vây phía nam đi về phía tây, đến cửa ngăn, lại trách mắng người giữ vây, bắt trói người ấy. Nhân đó phá vòng vây, đi nhanh đến dưới thành, gọi người trên thành, người trên thành dùng dây kéo lên, Phu được vào. Bọn Phối cả mừng, gõ trống xưng: "Vạn tuế". Người giữ vây kể tình trạng, Thái Tổ cười nói: "Người này không chỉ vào được mà thôi, lại còn ra được nữa". Phu làm xong lại muốn về, nhưng nghĩ ngoài thành tất vây gấp, không thể đi liều, bèn sai người đi theo nên quay về nhanh, lại ngầm mưu kế, bảo Phối nói: "Trong thành ít lương, không nên dùng người già yếu vậy, không bằng đuổi ta ngoài để tiết kiệm lương thực". Phối theo kế này, bèn nhân buổi đêm giảm bớt mấy nghìn người, đều sai cầm cờ trắng, từ ba cửa thành cùng ra hàng. Lại sai người người đốt lửa, Phu không lâu lại đem người đi theo mặc áo người hàng, theo bọn buổi đêm đi ra. Bấy giờ tướng sĩ giữ vây, nghe tin trong thành ra hàng cả, lửa sáng rừng rực. Chỉ cùng đứng xem lửa cháy, không chịu xem vòng vây. Phu ra cửa bắc, rồi từ góc tây bắc phá vây mà thoát ra được. Đến sáng, Thái Tổ nghe tin Phu đã thoát ra, vỗ tay cười nói: "Đúng như lời ta vậy". Phu về gặp Thượng, Thượng rất vui mừng. Lúc Thượng không cứu được thành Nghiệp, thua chạy đến Trung Sơn, mà Viên Đàm lại đuổi đánh Thượng, Thượng chạy. Phu và Thượng lạc nhau, bèn đến gặp Đàm, lại làm Chủ bạ của Đàm, về phía đông đến Bình Nguyên. Thái Tổ đến đánh Đàm, Đàm chết trận. Phu trao thành, người trong thành hàng cả. Thượng lo loạn chưa yên. Phu nắm quyền muốn đến gặp Thái Tổ, bèn cưỡi ngựa đến cửa phủ, nói là Chủ bạ của Kí Châu là Lí Phu muối bàn việc kín. Thái Tổ gặp Phu, Phu rập đầu tạ. Thái Tổ hỏi muốn bàn việc gì, Phu nói: "Nay người trong thành khỏe yếu đánh nhau, lòng đều không yên, Phu cho rằng nên sai những người mới hàng vào làm tin để tuyên bố pháp lệnh". Tào Công bảo Phu nói: "Ông nên về tuyên bố cho họ biết". Phu quỳ xin bày mưu, Tào Công nói: "Theo ý ông mà tuyên bố". Phu về vào thành, truyền lệnh rằng: "Phải đều ở yên, không được xâm lấn nhau". Trong thành được yên, lại ra báo tin. Tào Công thấy Phu là người tài giỏi dùng được. Nhưng bị gièm pha, cho làm quan nhàn rỗi. Lại ra làm Giải Trưởng, nổi tiếng là nghiêm túc. Dần làm đến Tư lệ Hiệu úy, bấy giờ hơn bảy mươi tuổi rồi, nhưng tinh thần không yếu, mưu lược không kém hơn trước. Cuối cùng làm Bình Dương Thái thú. Phu vốn là họ Phùng, sau đổi thành họ Lí. Dương Phái tự Khổng Cừ, người huyện Vạn Niên quận Phùng Dực. Giữa năm Sơ Bình làm Công phủ Lệnh sử, vì giỏi viết văn nên cho làm Tân Trịnh Trưởng. Cuối năm Hưng Bình, người dân phần lớn đói khổ, Phái sai dân cất chứa thêm quả dâu khô, thu lấy đậu tươi, lấy phần thừa để cấp cho người không đủ ăn, cứ như thế chứa được hơn nghìn hộc, cất giấu ở kho nhỏ. Lúc Thái Tổ làm Duyện Châu Thứ sử, đi về phía tây đón Thiên tử, đem theo hơn nghìn quân đều không có lương ăn, qua Tân Trịnh, Phái đến gặp, liền cấp cho quả dâu khô. Thái Tổ rất mừng. Lúc Thái Tổ phụ chính, chuyển Phái làm Trưởng Xã Lệnh. Bấy giờ tân khách của Tào Hồng ở trong huyện, sai gọi nhưng không chịu vâng lệnh, Phái đánh gãy chân họ trước, rồi đem giết. Do đó Thái Tổ cho là có năng lực, chuyển làm Cửu Giang, Đông Bình, Lạc An Thái thú, đều có công tích. Sau có tội tranh giành với quan Đốc quân, bị phạt xén tóc năm năm. Chịu phạt chưa xong, gặp lúc Thái Tổ đi đánh đến huyện Tiêu, nghe nói người huyện Nghiệp có vẻ không vâng phép cấm, liền lệnh chọn người làm Nghiệp Lệnh, nên chọn người nghiêm túc như Dương Phái, do đó Phái trong số đó được làm Nghiệp Lệnh. Đã nhận chức, Thái Tổ gặp Phái, hỏi rằng: "Làm gì để trị huyện Nghiệp"? Phái nói: "Dốc hết lòng sức, ban bố phép cấm". Thái Tổ nói: "Tốt". Ngoảng bảo mọi người đang ngồi rằng: "Các ông nên sợ phép cấm". Ban cho mười người giúp việc, trăm thất gấm để khuyến khích Phái, lại để báo đền vì Phái đã cấp cho quả dâu khô vậy. Phái đi ngay, chưa đến huyện Nghiệp, lúc đó quý tộc trong quân là bọn Tào Hồng, Lưu Huân sợ tiếng oai của Phái, sai người nhà đi nhanh báo cho con em biết, sai phải tự vâng lệnh. Phái làm Nghiệp Lệnh được mấy năm, vì có công nên được chuyển làm Hộ Khương Đô úy. Năm thứ mười sáu, Mã Siêu làm phản, sáu quân đi về phía tây đánh dẹp, Phái theo quân, trông coi việc vượt bến Mạnh Tân. Thái Tổ đã qua bờ nam, quân còn lại chưa qua hết, nhưng quan hoàng môn trong đó qua trước, quên đưa xe đi, lại đi riêng về phía bắc lấy xe, quan lại đi theo xin lấy thuyền nhỏ, lại muốn một mình vượt sông trước, quan lại kêu không chịu, quan Hoàng môn tranh cãi với quan lại, Phái hỏi quan Hoàng môn rằng: "Có lỗi không"? Quan Hoàng môn nói: "Không có lỗi". Phái giận nói: "Sao biết ngươi không muốn bỏ trốn"? Rồi sai người nắm lắm đầu quan Hoàng môn, cầm gậy muốn đánh, nhưng giằng co chạy thoát được, áo khăn đều rách tơi, tự báo với Thái Tổ. Thái Tổ nói: "Ngươi không chết là may rồi". Do đó tiếng oai thêm lừng. Lúc Quan Trung bị phá, thay Trương Kí lĩnh chức Kinh Triệu Doãn. Giữa năm Hoàng Sơ, chọn dùng đạo Nho, mà Phái vốn có tài mà được dùng, bèn làm Nghị lang, về nhàn rỗi ở quê nhà. Phái trước sau làm các chức giữ thành, không làm việc tự ý mưu riêng, lại không chịu cầu cạnh người tôn quý, cho nên sau khi từ quan về nghỉ, nhà không có của thừa. Chữa bệnh ở nhà, thả hết đứa ở ra, cũng không có nô tì. Sau chọn lấy hai khoảnh ruộng hoang ở huyện Tịch Dương quận Hà Nam, dựng một ngôi nhà nhỏ, sống ở trong đấy, vợ con bị đói rét. Lúc Phái bệnh chết, người làng họ hàng anh bạn bè và quan dân giúp chôn táng.

Bình rằng: Từ cuối thời nhà Hán về sau, quan Thứ sử trông coi các quận, thu thuế ở ngoài, không như thời xưa chỉ xem xét các quận mà thôi. Thái Tổ dựng nền, cuối cùng lập nên nhà Ngụy, đấy đều là người được khen ngợi có danh tiếng vậy. Lại đều thấu đạt việc công, cho nên sửa nắn được nơi dặm dặm, truyền lại cho đời sau vậy.

Chú thích:
(1) Thiền vu: tức vua của người Hung Nô là Hô Trù Tuyền, bấy giờ đóng đô ở Bình Dương.
(2) Vương phủ quân: tức Hà Đông Thái thú Vương Ấp.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.