Header Ads

Vương Lăng Truyện


Vương Lăng tự Ngạn Vân, người quận Thái Nguyên huyện Kỳ. Chú ruột là Doãn, làm quan Tư Đồ nhà Hán, từng tru diệt Đổng Trác. Bọn tướng của Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ vì Trác báo cừu, vào Trường An, giết Doãn, giết sạch gia quyến. Lăng cùng với anh là Thần, bấy giờ còn ít tuổi, trèo thành chạy thoát, bỏ trốn về quê. Lăng được tiến cử làm Hiếu liêm, làm trưởng huyện Phát Kiền, ít lâu sau được thăng làm Thái thú Trung Sơn, tại chức được một thời gian, Thái Tổ cho vời Lăng về làm Thừa tướng duyện chúc.

[Nguỵ lược chép: Lăng làm Trưởng huyện, lỡ mắc tội, phải chịu hình phạt cắt tóc năm năm, đi quét rác ở trên đường. Lúc xe của Thái Tổ qua đó, hỏi Lăng mắc tội gì, tả hữu đem tội trạng thưa lại. Thái Tổ nói: "Con của ông ấy cũng là con của sư huynh ta(1), có tội thì bị buộc tội cũng là công bằng thôi." Rồi cho viên Chủ giả tuyển Lăng làm Kiêu kỵ chủ bộ.]

Văn Đế lên ngôi, bái Lăng làm Tán kỵ thường thị, rồi cho ra ngoài làm Thứ sử Duyện Châu, cùng với bọn Trương Liêu đến Quảng Lăng đánh dẹp Tôn Quyền. Sắp đến đại giang, ban đêm có gió lớn, bọn tướng Ngô là Lã Phạm bơi thuyền đến bờ Bắc. Lăng cùng chư tướng đón đánh, lùng bắt chém đầu bọn giặc, bắt được thuyền địch, có công, Lăng được phong làm Nghi Thành đình hầu, gia thêm chức Kiến vũ tướng quân, chuyển về Thanh Châu. Lúc bấy giờ ở Hải Tân vì mới sau cơn tang loạn, luật pháp chưa nghiêm chỉnh. Lăng ban bố chính giáo để thi hành, thưởng thiện phạt ác, rất có kỷ cương, được bách tính ngợi khen, chẳng kể hết lời. Sau Lăng theo Tào Hưu đi đánh Ngô, cùng với quân giặc gặp nhau ở Giáp Thạch, quân của Hưu thất lợi, Lăng ra sức chiến đấu phá vỡ vòng vây, Hưu được thoát nạn. Lăng vẫn bị chuyển đi làm Thứ sử Dương Châu, Dự Châu, Lăng ở đâu đều khiến cho quân dân ở đó được vui lòng. Lúc Lăng mới đến Dự Châu, cho treo biển biểu dương con cháu của các bậc tiên hiền, cầu lấy những kẻ sĩ chưa được hiển danh, mọi việc đều có khuôn phép, ý nghĩa rất cao đẹp. Trước đó, Lăng cùng với Tư Mã Lãng, Giả Quỳ là bạn hữu, lúc đến Duyện, Dự, Lăng kế thừa được công tích của bọn họ. Năm Chính Thuỷ sơ, Lăng làm Chinh đông tướng quân, được ban Giả tiết đô đốc các việc quân sự ở Dương Châu. Năm thứ hai, đại tướng nước Ngô là Toàn Tông đem mấy vạn quân vào cướp phá Thược Pha, Lăng thống suất chư quân đón đánh, cùng với giặc tranh chiếm con đê, hết sức giao chiến liên tiếp nhiều ngày, quân giặc rút lui. Lăng được tấn phong tước Nam Hương hầu, hưởng thực ấp một ngàn ba trăm năm mươi hộ, thăng chức Xa kỵ tướng quân, Nghi đồng tam ti.


Bấy giờ cháu ngoại của Lăng là Lệnh Hồ Ngu vì có tài năng được làm Thứ sử Duyện Châu, đóng trị sở ở Bình A. Các cậu của Ngu đều giữ binh quyền, chuyên trách công việc ở Hoài Nam. Lăng đã được thăng làm Tư Không. Tư Mã Tuyên Vương giết xong Tào Sảng, tiến cử Lăng làm Thái uý, ban cho Giả tiết việt. Lăng, Ngu bí mật cùng tính kế, nói rằng Tề vương(2) chẳng qua vì được thiên vị, Sở vương Bưu lớn tuổi mà có tài, muốn nghênh đón lập Bưu đóng đô ở Hứa Xương. Năm Gia Bình nguyên niên tháng chín, Ngu phái tướng là Trương Thức đến Bạch Mã, cùng với Bưu qua lại thăm hỏi nhau(3). Lăng lại phái xá nhân là Lao Tinh đến Lạc Dương, nói chuyện với con mình là Quảng. Quảng nói: "Phế lập là chuyện đại sự, chớ gây hoạ cho tổ tiên."

[Hán Tấn Xuân Thu chép: Lăng, Ngu bàn mưu, vì đế còn nhỏ bị áp chế bởi cường thần, chẳng kham nổi cương vị làm chúa, Sở vương Bưu lớn tuổi mà có tài, muốn đón về lập làm đế, để hưng Tào thị. Lăng sai người đến bảo với Quảng, Quảng nói: "Phàm làm chuyện đại sự, phải ứng theo nhân tình. Nay Tào Sảng kiêu xa mất lòng dân, Hà Bình Thúc rỗng tuếch mà chẳng sửa mình, Tất, Hoàn, Đặng, Dương dù gồm đủ có danh vọng, song hết thảy đều ganh đua với đời(4). Thêm nữa là thay đổi phép tắc triều đình, thì phải cân nhắc cải biến chính lệnh, dù giữ được ngôi cao mà kẻ làm việc ở dưới chẳng tiếp nhận nổi, dân quen với lỗi cũ, mọi người chẳng ai theo. Dẫu cho thế lực có nghiêng bốn bể, danh tiếng chấn động thiên hạ, cùng một ngày chém giết, các danh sĩ giảm đi một nửa, mà bách tính yên lặng, tuyệt chẳng có ai ngờ vực hay xót thương, ấy là mất lòng dân vậy. Nay chí nguyện của Ý dẫu khó lường, song làm việc chưa có gì sai trái, mà đề bạt dùng kẻ hiền năng, mở mang gây dựng điều tốt cho mình, trước tiên là sửa sang chính lệnh triều đình, xứng với thỉnh cầu của chúng nhân. Sảng đối với việc đó thì cho là xấu, mà bên kia chẳng ai không mong thay đổi, sớm tối làm việc cẩn trọng, chuyên cần gắng sức chẳng lười biếng, lấy thương dân làm đầu. Cha con anh em ông ấy, đều nắm giữ binh quyền trọng yếu, chưa dễ vong bại được" Lăng không theo.]

[Thần Tùng Chi cho rằng những lời giống như thế, sử sách thời trước đều không chép lại, mà xuất hiện ở Tập thị. Vả lại đặt ra những lời về khuôn phép thể chế chẳng giống như sự tích, ngờ là đều do Tạc Xỉ tự tạo ra vậy(5).]

Tháng mười một năm ấy, Ngu lại phái Thức đến chỗ Bưu, còn chưa quay về, vừa lúc Ngu bị ốm chết.

[Nguỵ thư chép: Ngu tự Công Trì, vốn có tên là Tuấn, năm Hoàng Sơ trung, làm Hoà nhung hộ quân. Quan hiệu uý ở quận ô Hoàn là Đoàn Dự đánh dẹp rợ Hồ lập công, song có lỗi nhỏ trái là lệnh điều động, Ngu lấy phép tắc bó buộc Dự. Đế giận, bắt trói Ngu, bãi miễn chức quan trị tội, chiếu viết "Tuấn gì mà ngu dốt vậy!" Bởi thế mới có cái tên ấy(6). Năm Chính Thuỷ trung, Ngu được làm Trưởng sử cho Tào Sảng, sau ra ngoài làm Thứ sử Duyện Châu.]

[Nguỵ lược chép: Ngu nghe nói Sở Vương Bưu có trí dũng. Ngày trước ở Đông quận có kẻ nói xằng bậy rằng: "Có con ngựa bạch ở Hoàng Hà biến thành Yêu mã, ban đêm đi qua chỗ quan coi ngựa ở ven sông hí vang, các con ngựa khác đều hưởng ứng, sáng hôm sau thấy ở bờ sồng có dấu vết, lớn như cái hộc, kéo dài mấy dặm, rồi quay về chui xuống dòng sông.” Lại có lời đồng dao rằng: “Ngựa bạch vốn ở xứ người, nay rong ruổi xuống tây nam, ai cưỡi được nó, thì là Chu hổ kỵ.” Vì Sở vương tiểu tự là Chu Hổ, cho nên Ngu và Vương Lăng có âm mưu lập Sở vương(7). Ngu bèn phái người chuyển ý đến Vương, nói “Sứ quân(8) gửi ý tới Vương, việc trong thiên hạ chẳng thể biết được, xin Vương hãy tự quan tâm đến bản thân mình!” Bưu cũng ngầm hiểu ý ấy, đáp lời rằng “Ngươi bảo với sứ quân, là ta biết hậu ý của sứ quân rồi.”]

Năm thứ hai, sao Huỳnh hoặc phạm vào Nam đẩu, Lăng bảo: “Ở giữa chòm Nam đẩu có ngôi sao, là đang có việc quý hiển bất ngờ vậy.”

[Ngụy lược chép: Lăng nghe nói có người dân ở Đông Bình là Hạo Tường hiểu thiên văn, cho gọi người đến hỏi Tường. Tường ngờ là Lăng ngầm có ý riêng tây, muốn làm Lăng hài lòng, không nói rằng nước Ngô đang có tang sự, mà nói việc ở địa phận Hoài Nam nước Sở, nay Ngô, Sở là cùng một quẻ, đang là lúc vượng khí hưng thịnh. Cho nên kế của Lăng mới định.]

Năm thứ ba mùa xuân, giặc Ngô phong tỏa đường thủy. Lăng muốn nhân đó cử sự, bèn nghiêm lệnh chỉnh đốn ba quân, dâng biểu xin ra đánh dẹp giặc; có chiếu chỉ trả lời là triều đình không đồng ý. Âm mưu của Lăng quá lớn, liền phái tướng quân Dương Hoằng đem việc phế lập bảo với Thứ sử Duyện châu là Hoàng Hoa, Hoa và Hoằng liên danh đem chuyện bẩm với Thái phó Tư Mã Tuyên Vương. Tuyên Vương đem trung quân xuôi đường thủy đánh Lăng, trước tiên xuống lệnh xá tội cho Lăng, lại gọi quan Thượng thư Quảng Đông, sai viết thư dụ Lăng, đại quân âm thầm tiến đến Bách Xích uy bức Lăng. Lăng tự biết thế cùng, bèn cưỡi một chiếc thuyền nhỏ ra nghênh đón Tuyên Vương, phái phó quan là Vương Úc đến tạ tội, mang theo ấn thụ, tiết việt. Quân đến Khâu Đầu, Lăng tự trói mình ở trên sông. Tuyên Vương thừa chiếu phái quan Chủ bộ cởi trói cho kẻ làm phản đã phục tùng, rồi diện kiến Lăng, úy lạo, trao trả ấn thụ, tiết việt, phái sáu trăm quân bộ kỵ đưa Lăng về kinh đô. Lăng đến huyện Hạng, uống thuốc độc mà chết.

[Ngụy lược chép bức thư của Lăng gửi Thái phó rằng: “Chợt nghe được tin thần quân bí mật tiến phát, giờ Tỵ đã ở Bách Xích, dẫu biết số mệnh mình cùng tận, vẫn đợi ngài để được tương kiến, thân thủ có phân li, cũng chẳng lấy thế làm ân hận, trước sau đã sai phái sứ giả gửi thư đi, mà chưa có tin báo về, nhón gót chân trông về tây, không rõ vì sao. Hôm qua sau khi kẻ hèn này phái người đưa thư đi, đã lập tức cưỡi thuyền tới nghênh đón, nghỉ đêm ở Khâu Đầu, sớm nay tiến phát từ Phồ Khẩu, kính nhận cáo thư xá tội, lại được gia ân thêm hai mươi ba ngày nữa, rồi liên tiếp nhận được thư tín, dạy bảo khuyên răn cho hiểu rõ, kẻ này nghe mệnh mà kinh ngạc, cõi lòng tan nát, chẳng biết nên tự xử mình ở chỗ nào? Kẻ hèn này lâu nay làm nhục đến ân huệ của triều đình, thường được tin dùng mà không công hiệu, cho thống quản binh nhung, đi chinh phạt nhất thống miền đông, việc làm có chỗ khiếm khuyết, lúc cốt yếu lại vi phạm phép tắc, mắc tội hay thay đổi(9), vợ con ở cùng huyện, không có chỗ để trông mong vậy. Chẳng ngờ trời che đất chở được nhận thánh ân, vượt quá với cái ân huệ là bảo toàn mệnh sống, còn được thấy nhật nguyệt. Ngờ rằng vì lời của bọn tiểu nhân của đứa cháu ngoại đã chết là Lệnh Hồ Ngu, mà kẻ hèn này lập tức bị oan ức, khiến cho chẳng được nói rõ hết sự tình. Điều người ta đã biết, có thần minh chứng giám, ấy là việc sai trái không tỏ tường, đến nay thốt nhiên bùng phát ra ngoài, kẻ hèn này biết rằng đó là tội bị giết bêu đầu. Ôi, sinh ra ta là cha mẹ, cứu sống ta là ngươi vậy.” Lại viết thêm: “Thân này bị hãm vào hình tội, được tha thứ cho việc làm xằng bậy. Nay phái phó quan đưa ấn thụ sang, lát sau xin đến, sẽ làm như chiếu thư tự trói mình theo mệnh. Dù túc hạ thiên vị cho ta, nhưng phép tắc của nhà nước có phân biệt.” Khi đến nơi, làm đúng như thư đã viết. Thái phó sai người cởi trói cho Lăng. Lăng đã được tha, thêm nữa cậy vào giao tình cũ, không còn nghi ngờ gì, bèn cưỡi một chiếc thuyền nhỏ ra tự thú với Thái phó. Thái phó sai người chặn Lăng lại, cắm thuyền ở giữa sông, còn cách hơn mười trượng. Lăng biết mình bị coi là người ngoài, bèn ở đằng xa bảo Thái phó rằng: “Khanh trực tiếp viết thư cho người triệu ta, ta há dám không đến chăng? Sao còn phải dẫn quân đến đây nữa!” Thái phó nói: “Vì khanh viết thư không nhận là mình có lỗi nên như vậy thôi.” Lăng nói: “Khanh phụ ta!” Thái phó nói: “Ta thà phụ khanh, chứ chẳng thể phụ quốc gia được.” Bèn sai người hộ tống Lăng về phương tây. Lăng tự biết mình tội nặng, dò tìm cái đinh đóng quan tài, để xem xét ý tứ của Thái phó, thấy Thái phó đã cung cấp đủ. Lăng đến huyện Hạng, đang đêm gọi phó quan thuộc hạ rồi vĩnh biệt rằng: “Ta tuổi gần đến tám mươi, thân danh đều bị diệt sao!” Rồi tự sát.]

[Tấn kỷ của Can Bảo chép: Lăng đến huyện Hạng, thấy đền thờ của Giả Quỳ ở bên sông, Lăng kêu to rằng: “Giả Lương Đạo, Vương Lăng hết mực trung thành với xã tắc nhà Ngụy, chỉ có thần minh mới biết được tấm lòng của Lăng thôi.” Tháng tám năm ấy, Thái phó có bệnh, mộng thấy Lăng và Quỳ khắp mình lở loét, rất căm ghét bọn ấy, sau chết.]

Tuyên Vương bèn đến Thọ Xuân. Bọn Trương Thức đều ra tự thú, Vương bèn tra xét đến cùng việc ấy. Bưu được ban cho tự xử, chư tướng liên quan tất cả đều bị tru di tam tộc.

Triều đình bàn luận hết thảy cho rằng theo nghĩa lý của kinh Xuân Thu, Thôi Trữ, Trịnh Quy ở nước Tề tội còn hơn cả mức truy lục, bị phá quan tài phơi bày thi thể, tội trạng chép vào điển tịch(10). Cái tội của Lăng và Ngu nên xét theo như phép cũ. Đế bèn cho đào bới mộ của Lăng và Ngu, phá quan tài, phơi thi thể ở gần chỗ chợ búa ba ngày, thiêu hủy ấn thụ và triều phục của hai người, rồi vùi thân xuống đất.

Lại tiến cử ban cho Hoằng, Hoa tước vị là Hương hầu. Quảng có chí hướng ưa chuộng việc học hành, lúc chết mới ngoài bốn mươi tuổi.

(Hết Vương Lăng truyện)

Chú thích:
(1) Vương Lăng là con của Vương Doãn, Tào Tháo trước đây ở triều đình cũng có quen biết Vương Doãn, nên mới nói là con của Vương Doãn thì cũng như con của anh (thầy) mình.
(2) Tức Tào Phương, được nối ngôi đế của Tào Duệ (Tuấn).
(3) Chứng cớ không thực sự rõ ràng, song theo luật pháp nước Nguỵ thì chư hầu không được đi lại thăm hỏi nhau, chỉ được ở đất phong của mình, nói có tội thì cũng đúng.
(4) Hà Yến, tự Thúc Bình, cháu của Hà Tiến, đại tướng quân thời Hán Thiếu đế; Đặng Dương, tự Huyền Mậu, dòng dõi Đặng Vũ thời Hán Quang đế Lưu Tú; Đinh Bật tự Nghiện Tĩnh; Tất Phạm tự Chiêu Tiên; Hoàn Phạm tự Nguyên Tắc, mấy người này là bộ hạ của Tào Sảng.
(5) Tập thị tức là sách của họ Tập, tức Tập Tạc Xỉ. Ông này còn là tác giả cuốn sách nổi tiếng là Tương Dương kỳ cựu ký. Bùi Tùng Chi chú giải Tam quốc chí, ngờ là những điều này không thấy ghi trong các sử sách trước đó, những điều ghi chép không đúng với sự tích, đó là do Tập Tạc Xỉ bịa đặt ra.
(6) Tuấn tức là sâu xa, Ngu tức là ngu dốt. Đế xỉ vả Lệnh Hồ Tuấn làm việc ngu dốt. Theo Nguỵ thư dẫn thì cái tên Lệnh Hồ Ngu có xuất xứ như vậy.
(7) Sở Vương Tào Bưu được ở đất phong tại huyện Bạch Mã, phía tây nam huyện Bạch Mã là kinh đô Lạc Dương, nói ngựa bạch (Bạch mã) rong ruổi xuống tây nam tức là ám chỉ rằng Tào Bưu vào làm chủ Lạc Dương.
(8) Sứ quân ở đây là trỏ vào Lệnh Hồ Ngu, Ngu làm Thứ sử Duyện châu nên được gọi là Sứ quân.
(9) Câu này nguyên văn là ‘tội tại tam bách’. Hai chữ tam bách trỏ sự thay đổi, nguyên là khi xưa sách Mao Thi có ba trăm mười một thiên, sáu thiên bị mất, còn lại ba trăm linh năm thiên, người sau chỉ nói rằng Mao thi có ba trăm (tam bách) thiên, vì có mấy thiên bị thay đổi. Về sau hai chữ ‘tam b
(10) Trịnh Quy, chưa rõ là ai; còn Thôi Trữ, là quan đại phu nước Tề thời Xuân Thu, có tội giết vua, sau khi chết, bị phá quan tài phơi thây ngoài chợ, tội bị chép vào thư tịch của nước nhà. Kinh Xuân Thu chép việc ấy.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.