Header Ads

Toàn Tông Truyện


Toàn Tông tự Tử Hoàng, người huyện Tiền Đường quận Ngô. Cha là Nhu, thời Linh Đế của nhà Hán cử Hiếu liêm, bái làm Thượng thư lang Hữu thặng. Vào thời loạn Đổng Trác, bỏ quan về quê. Châu gọi làm Biệt giá Tòng sự, hạ chiếu đến bái làm Cối Kê Đông bộ Đô úy. Vào thời Tôn Sách đến quận Ngô, Nhu đem quân theo phục trước, Sách cử Nhu làm Đan Dương Đô úy. Tôn Quyền làm Xa kị Tướng quân, lấy Nhu làm Trưởng sử, chuyển làm Quế Dương Thái thú. Nhu từng sai Tông đem mấy nghìn hộc gạo đến quận Ngô, cho được trao đổi. Tông đến, đều chia ra dùng, thuyền rỗng mà về, Nhu cả giận, Tông cúi đầu nói: "Kẻ ngu này cho rằng việc trao đổi không phải là việc cần gấp, mà là kẻ sĩ đang có cái nạn treo ngược, cho nên mới chia ra cấp chẩn, không kịp bẩm báo". Nhu bèn cho là lạ.

Từ Chúng bình rằng: "Theo đúng lễ nghĩa thì con thờ cha không cất của riêng, không được tự ý chia của mà cấp chẩn, là để kính trọng người trên vậy. Vậy mà trái lệnh chia của để mong nổi danh, đấy chưa phải là dốc hết cái lễ của con đối với cha vậy". Thần là Tùng Chi cho rằng: Tử Lộ hỏi rằng: "Nghe rồi làm được không"? Khổng Tử đáp rằng: "Có cha anh còn đấy". (1)Tông chia tiền của của cha, thực là không có đạo của người con, nhưng quân sĩ đang treo mạng sống, gặp nạn trong sớm tối, phải cân nhắc nặng nhẹ, cứu người là việc gấp trước, người này cũng như bọn Phùng Noãn mua nghĩa, Cấp Ảm cứu chẩn (2) vậy. Nếu cho rằng Tông làm việc ấy để mong nổi danh thì e rằng là trái với ý thật của Tông.

Bấy giờ kẻ sĩ ở Trung Châu tránh loạn về phía nam, có mấy trăm người đến nương nhờ ở nhà Tông, Tông đem tiền trong nhà cứu giúp, cấp cho kẻ không có tiền, do đó nổi danh gần xa. Sau đó Quyền bái làm Phấn uy Hiệu úy, trao cho mấy nghìn quân, sai đi đánh người Sơn Việt. Nhân đó chiêu dụ, thu nạp hơn vạn quân tinh nhuệ, ra đóng đồn ở Ngưu Chử, chuyển làm Thiên tướng quân.

Năm Kiến An thứ hai mươi tư, tướng của Lưu Bị là Quan Vũ vây thành Phàn, Tương Dương, Tông dâng sớ bày kế đánh được Vũ, bấy giờ Quyền đã mưu với Lữ Mông đánh úp Vũ, sợ việc lộ, cho nên giữ kín sớ biểu của Tông mà không đáp. Đến lúc bắt được Vũ, Quyền mở yến uống rượu ở Công An, ngoảnh bảo Tông rằng: "Lúc trước ông bày kể việc ấy, ta không đáp lại, nhưng nay đã thắng, xét thấy cũng có công của ông vậy". Do đó phong Dương Hoa Đình Hầu.


Năm Hoàng Sơ thứ nhất, nhà Ngụy đem quân thuyền ra ở Động Khẩu, Quyền sai Lữ Phạm đem các tướng chống giữ, cái trại ngóng nhau, địch nhiều lần đem thuyền nhẹ đánh cướp, Tông thường mặc giáp cầm kiếm, canh gác không nghỉ. Chốc lát, địch đem mấy nghìn quân vào giữa sông, Tông đánh phá chúng, treo đầu Tướng quân Doãn Lô của địch. Chuyển Tông làm Tuy nam Tướng quân, tiến phong Tiền Đường Hầu. Năm thứ tư, ban Giả tiết, lĩnh chức Cửu Giang Thái thú.

Năm thứ bảy, Quyền đến huyện Hoản, sai Tông cùng Phụ quốc Tướng quân Lục Tốn đánh Tào Hưu, phá Hưu ở Thạch Đình. Bấy giờ dân ở các quận Đan Dương, Ngô, Cối (3) lại làm giặc cướp, đánh diệt ấp huyện, Quyền chia chỗ hiểm của ba quận ấy lập thành Đông An, lấy Tông làm Thái thú.

Ngô lục chép: Bấy giờ Tông trị ở Phú Xuân.

Đến nơi, nêu rõ thưởng phạt, vỗ về kẻ hàng phục, trong vòng mấy năm, thu được mấy vạn người. Quyền gọi Tông về Ngưu Chử, bỏ quận Đông An.

Giang Biểu truyện chép: Tông về, đi qua huyện Tiền Đường, sửa tế phần mộ tổ tiên, trùm trướng che lọng, rạng rỡ thôn ấp, mời gặp người quen cũ trong ấp, anh em họ hàng của Tông đều được ban tặng, có đến hàng nghìn hàng vạn tiền, thôn ấp cho là vinh dự.

Năm Hoàng Long thứ nhất, chuyển làm Vệ tướng quân, Tả hộ quân, Từ Châu Mục,

Ngô thư chép: Lúc trước, Tông là tướng dũng cảm, dẫu đánh địch gặp nạn nhưng vẫn cố gắng không chịu lùi bước. Đến lúc làm tướng súy, oai danh thêm lừng, hễ lĩnh quân, thường bày kế sách, không mưu cái lợi nhỏ. Giang Biểu truyện chép: Quyền sai con là Đăng đi đánh, đã xuất quân, đến ở huyện An Lạc, bầy tôi chẳng ai dám can ngăn. Tông dâng biểu kín nói: "Xưa nay Thái tử chưa từng đi đánh vậy, theo phép xưa, đi đánh thì gọi là Phủ quân, ở lại thì gọi là Giám quốc. Ngày nay Thái tử ra đánh phía đông là trái với phép xưa vậy. Thần trộm nghĩ mà nghi ngờ". Quyền liền nghe theo, sai Đăng rút quân về, mọi người bàn luận đều cho rằng Tông có khí tiết của bậc đại thần.

lấy công chúa.

Năm Gia Hòa thứ hai, lĩnh năm vạn quân bộ kị đánh huyện Lục An, dân huyện Lục An tan chạy, các tướng muốn chia quân đi bắt giữ. Tông nói: "Vào chỗ nguy để mong được lợi thì không được trọn vẹn, đấy không phải là thể diện của nhà nước vậy. Nay chia quân đi bắt dân, được và mặt ngang nhau, há gọi là trọn vẹn sao? Nếu ra bắt được, vẫn không đủ để làm cho địch suy yếu và giúp được nhà nước vậy. Nếu có lầm lỡ thì tổn hại không nhỏ, cùng bắt được và bị tội, lúc ấy Tông thà đem thân gánh lấy, chứ không dám mong lập công ấy để phụ lại nhà nước vậy".

Năm Xích Ô thứ chín, chuyển làm Hữu đại Tư mã, Tả quân sư. Là người kính thuận, giỏi ở việc vâng theo phép tắc, chưa từng nói lời xằng tiện. Lúc trước, Quyến muốn vây đánh quận Châu Nhai và Di Châu, đều hỏi Tông trước, Tông nói: "Dựa vào cái oai của triều đình thì đánh đâu mà chẳng thắng được? Nhưng phương xa xứ lạ, cách trở nơi góc biển, thủy thổ độc hại, từ xưa đã có việc quân vào dân đến, tất sinh bệnh tật, lây nhiễm lẫn nhau, người đến sợ chẳng về được, có thu được nhiều lợi đâu? Đem nhiều quân ở bờ sông để mong thu cái lợi của một vùng nhỏ, kẻ ngu này vẫn không yên lòng". Quyền không nghe, đem quân đi hơn một năm, quân sĩ bệnh tật đến tám, chín phần mười, Quyền rất hối tiếc. Sau lại nói đến việc ấy, Tông đáp rằng: "Vào thời ấy, trong bầy tôi có kẻ không can gián, thần cho rằng đấy là không có lòng trung".

Tông đã được coi trọng, con em họ hàng đều được tôn quý, ban cho nghìn vàng, nhưng vẫn khiêm nhường đãi kẻ sĩ, vẻ mặt không kiêu căng. Năm thứ mười hai thì chết. Con là Dịch nối tự, sau đó nối nghiệp lĩnh binh, cứu Gia Cát Đản ở Thọ Xuân, ra thành hàng trước, nhà Ngụy cho làm Bình đông Tướng quân, phong Lâm Tương Hầu. Con của anh Dịch là bọn Y, Nghi, Tĩnh cũng hàng Ngụy, đều làm Quận thú, phong Liệt hầu.

Ngô thư chép: Con cả của Tông là Tự, thủa bé được biết tên, vâng lệnh triều đình, trao cho quân, dần dần chuyển làm Dương vũ Tướng quân, Ngưu Chử Đốc. Tôn Lượng lên ngôi, chuyển làm Trấn bắc Tướng quân. Ở trận Đông Quan, Tự cùng Đinh Phụng bàn nghị nên dẫn quân ra trước để phá quân Ngụy, phong một người con làm Đình hầu. Chết vào năm bốn mươi bốn tuổi. Con thứ là Kí, khép tội hùa theo Lỗ Vương là Bá mà ban chết. Con út là Ngô, là cháu ngoại của Tôn Quyền, phong Đô hương hầu.

Chú thích:
(1) Tử Lộ hỏi rằng: "Nghe rồi làm ngay được không"? Khổng Tử đáp rằng: "Có cha anh còn đấy".: theo sách Luận ngữ (论语) chép: "Tử Lộ hỏi rằng: 'Nghe rồi làm được không'? Khổng Tử đáp nói: 'Có cha anh còn đấy, sao lại nghe rồi là làm ngay được'"! Ý nói có cha anh thì không nên tự ý làm gì đó mà phải hỏi trước rồi làm.
(2) Phùng Noãn mua nghĩa, Cấp Ảm cứu chẩn: Phùng Noãn (冯暖) là một trong những tân khách của Mạnh Thường Quân của nước Tề thời Chiến quốc, Mạnh Thường Quân sai Phùng Noãn đi thu tiền nợ ở ấp Tiết, nhưng Phùng Noãn đến đốt hết giấy ghi nợ rồi về, người dân đều khen ngợi, bảo Mạnh Thường Quân rằng: "Nhà ngài chất đầy vật báu, chó ngựa đầy trong chuồng, gái đẹp đầy phòng. Cái mà nhà ngài ít có là nghĩa mà thôi, ta giúp ngài mua nghĩa vậy". Cấp Ảm (汲黯) là danh thần thời Vũ Đế của nhà Hán, gặp lúc quận Hà Nội bị cháy, vua sai Ảm đến xem, đi qua quận Hà Nam thấy cảnh khô hạn, hơn nghìn nhà nghèo đói, có người ăn thịt nhau, tự ý cầm cờ tiết sai mở kho thóc của quận Hà Nam để cứu chẩn dân nghèo, vua cho là hiền mà tha tội tự ý ra lệnh.
(3) Ngô, Cối: chỉ quận Ngô, quận Cối Kê.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.