Header Ads

Tào Thực Truyện


Trần Tư Vương là Thực, tự Tử Kiến. Năm hơn mười tuổi thuộc làu kinh Thi, Luận ngữ và biết làm phú có mấy chục vạn chữ, giỏi viết văn. Thái Tổ từng xem lời văn của Thực, bảo Thực rằng: "Mi mượn người khác viết giúp chăng"? Thực quỳ gối nói: "Nói ra nên luận, bút hạ thành văn, cúi mặt xét xem, sao lại người giúp"? Bấy giờ đài Đồng Tước ở đất Nghiệp vừa dựng xong, Thái Tổ đem hết các con lên đài, đều sai làm phú. Thực cầm bút viết xong, đáng xem, Thái Tổ rất khen lạ.

Ngụy kỉ của Âm Đạm chép bài phú của Thực rằng: 
"Theo cha hiền mà vui chơi chừ, 
Lên đài lầu thỏa lòng vui. 
Xem cảnh rộng mở phủ lớn chừ, 
Là đài mà đức thánh tạo.
 Dựng lập cửa cao chót vót chừ, 
Hai cửa cổng chọc trời xanh. 
Đứng giữa trời nhìn cảnh đẹp chừ, 
Gác cao nối liền cõi tây. 
Xem nước sông Chương chảy dài chừ, 
Rót qua vườn quả ngọt ngào. 
Đón gió xuân thổi mát rượi chừ, 
Nghe chim hót tiếng bi thương. 
Mây trời vần vũ quanh ta chừ, 
Lòng ta muốn đã đạt được. 
Nêu nhân hóa khắp vũ trụ chừ, 
Kinh sư hết thảy cung kính. 
Nghĩ Hoàn,Văn(1) dựng thời thịnh chừ, 
Há bằng bậc thánh minh này! 
Tốt thay! Đẹp thay! 
Ân trạch truyền xa. 
Mong giúp nhà vua ta chừ, 
Dẹp yên bốn cõi. 
Cùng quy luật của trời đất chừ, 
Sáng như mặt trời mặt trăng. 
Mãi tôn quý mà chẳng hết chừ, 
Tuổi thọ sánh với đông vương(2)"... 

Thái Tổ rất khen lạ.

Tính giản dị, không trọng uy nghi. Không ưa xe ngựa áo quần hoa lệ. Hễ được gọi đến hỏi han, ứng lời mà đối đáp, do đó rất được sủng ái. Năm Kiến An thứ mười sáu, phong Bình Nguyên Hầu. Năm thứ mười chín, chuyển phong Lâm Truy Hầu. Thái Tổ đánh Tôn Quyền, sai Thực ở lại giữ đất Nghiệp, răn Thực rằng: "Ngày xưa ta làm Đốn Khâu Lệnh, vừa hai mươi ba tuổi. Nghĩ việc mà ta làm thời ấy, đến nay chẳng có gì hối tiếc. Ngày nay mi cũng hai mươi ba tuổi rồi, không nên gắng sức ư"! Thực đã có tài mà được đãi sủng, lại có bọn Đinh Nghi, Đinh Dực, Dương Tu giúp làm vây cánh. Thái Tổ do dự, mấy lần muốn lập làm Thái tử. Nhưng Thực theo tính mình mà làm, không tự gắng sức, uống rượu không giảm. Văn Đế dùng thuật để ngăn chế Thực, tự nắn sửa mình, do đó người trong cung giúp đỡ, đều rất vừa lòng, bèn được định lập làm người nối tự. Năm thứ hai mươi hai, ban thêm thực ấp năm nghìn hộ, cả thực ấp lúc trước là vạn hộ. Thực từng ngồi xe đi giữa đường, mở cửa Tư Mã mà ra, Thái Tổ cả giận(3), quan Công xa lệnh bị xét tội chết, do đó càng thêm ngăn cấm chư hầu, rồi ngày càng ít sủng ái Thực.

Ngụy Vũ cố sự chép lệnh rằng: "Lúc trước ta bảo rằng: "Trong các người con thì Tử Kiến là người cuối cùng có thể nắm việc lớn". Lại lệnh rằng: "Từ khi Lâm Truy Hầu là Thực đi riêng ra, mở cửa Tư Mã đến cửa Kim Môn, khiến cho ta có con mắt khác nhìn về người con này vậy". Lại lệnh rằng: "Quan trưởng sử và người dưới trướng của chư hầu có biết ra chọn lập chư hầu là có ý gì không? Từ khi Tử Kiến đi riêng mở cửa Tư Mã mà ra, ta chẳng còn tin cậy vào chư hầu nữa. E rằng ta nuông chiều thì chư hầu lại tự ý làm riêng, cho nên sửa nắn vậy. Đấy chẳng phải là khiến cho các ngươi mãi làm tim bụng của ta sao"!

Thái Tổ đã suy nghĩ đến sự biến trước sau, thấy Dương Tu có vẻ tài lược, lại là cháu ngoại của họ Viên, do đó kể tội mà giết Tu. Trong lòng Thực càng không tự yên.

Điển lược chép: Dương Tu tự Đức Tổ, là con của Thái úy Bưu(4) vậy. Tính khiêm nhường mà tài rộng. Giữa năm Kiến An, cử Hiếu liêm, bái làm Lang trung, Thừa tướng(5) cử làm Thương tào thuộc Chủ bạ. Bấy giờ, nhiều việc quân trong nước, Tu biết cả trong ngoài, làm đều vừa ý, từ Thái tử của nhà Ngụy trở xuống đều tranh nhau giao du. Lại bấy giờ Lâm Truy Hầu là Thực vì tài lớn mà được sủng ái, cũng có ý dựa vào Tu, nhiều lần gửi thư cho Tu, thư rằng: "Nhiều ngày không gặp, nhớ ngài mà khổ sở; chỉ muốn cùng gặp vậy. Kẻ hèn này thủa trẻ đã ưa thơ phú, trải đến đến nay đã hai mươi lăm năm rồi, nhưng người viết thơ phú đời nay gọi là có ít ỏi vậy. Ngày xưa Trọng Tuyên bước riêng ở miền nam sông Hán, Khổng Chương dương cánh ở miền bắc sông Hà, Vĩ Trưởng nổi danh ở miền Thanh Châu, Công Cán lẫy lừng ở miền bờ biển, Đức Liên phát tích ở đất Đại Ngụy, túc hạ ngạo nghễ ở miền kinh sư(6). Vào thời bấy giờ, người người cho là nắm ngọc châu của rắn thần(7), nhà nhà cho là ôm ngọc đẹp ở núi Kinh(8) vậy. Do đó bậc Vương ta bày lưới trời để bắt lấy, trùm tám sợi để chụp thu, đến nay đã thu cả về nước ta rồi. Như mấy người kia, vẫn chưa thể bay cao hút gót, một bước nghìn dặm vậy. Như cái tài của Khổng Chương, chẳng giỏi thơ phú, vậy mà nhiều lần tự cho là giống phong cách của Tư Mã Trường Khanh(9) ví như vẽ hổ không thành lại vẽ thành chó vậy. Lúc trước ta gửi thư giễu cợt hắn, nhưng hắn gửi thư đáp lại cho rằng kẻ hèn này khen ngợi lời văn của hắn. Như việc Chung Kì không nghe lầm tiếng đàn(10), đến nay vẫn được khen. Ta cũng không dám khen ngợi bừa bãi, vì sợ người đời sau chê cười ta vậy. Nếu người đời bàn tán thì không thể không nghĩ. Kẻ hèn này thường ưa người khác bàn xét lời văn của mình; có kẻ cho là không hay thì liền sửa đổi. Ngày xưa Đinh Kính Lễ từng làm bài văn nhỏ, muốn kẻ hèn này sửa chữa, kẻ hèn này tự thấy tài năng không hơn được người ta, cho nên từ chối không sửa. Kính Lễ nói: 'Ngài có chỗ nghi ngờ chăng! Ý hay đẹp của bài văn, ta tự biết được, người đời sau có ai biết được lời văn của ta sao'? Ta thường khen lời nói đúng ấy, lại cho là lời bàn hay đẹp. Ngày xưa lời văn của Ni Phủ(11) được người đời sửa chữa; đến như kinh Xuân thu thì bọn Du, Hạ(12) không sửa một chữ. Xem thế mà nói là không có lỗi lầm, đấy là điều mà ta chưa thấy qua vậy. Có vẻ đẹp của Nam Uy(13), mới biết bàn luận về người đẹp; có cái sắc của kiếm Long uyên(14) mới bàn được về chặt chém. Cái tài của Lưu Quý Tự không theo kịp những người kia nhưng lại ưa ngâm viết văn chương, suy xét đúng sai. Ngày xưa Điền Ba(15) chê cười Ngũ Đế, kể tội Tam Vương, mỉa mai Ngũ Bá ở ấp Tắc Hạ, một sớm mà khiến cho nghìn người chịu phục, nhưng Lỗ Liên(16) nói một lời mà khiến cho Điền Ba rụt thân ngậm miệng. Lời lẽ của Lưu Quý Tự không bằng Điền Ba. Lỗ Trọng Liên của ngày nay cũng chẳng khó tìm, đáng không than thở sao! Người ta đều có điều mà mình ưa thích, mùi thơm của hoa lan chỉ tôn huệ là thứ mà người đời thích, nhưng lại có người đuổi theo người có mùi hôi; các bài hát Hàm trì, Lục anh(17) mà bài hát mà mọi người thích, nhưng Mặc Địch lại có bài luận biết không thích những bài hát ấy; há cùng giống nhau! Xưa nay thơ phú mà kẻ hèn này thủa trẻ viết nên đều cho người khác đọc qua. Trong nhà ngoài phố bàn tán, tấy có chỗ đáng xem. Như bài hát của kẻ đánh xe cũng có lời hay đẹp, lời văn của kẻ thất phu cũng không dễ mà coi thường vậy. Thơ phú của ta ít nói đạo lí, cho nên không đủ để nêu cao nghĩa lớn, soi sáng đời sau vậy. Ngày xưa Dương Tử Vân(18) chỉ là bầy tôi cầm kích của thời trước mà vẫn nói rằng: 'Người lớn không làm việc ấy'. Ta dẫu đức mỏng, chỉ làm phiên thần, vẫn mong được gắng sức giúp nhà nước, ban ân cho dân, lập nghiệp cho muôn đời, truyền lại công vàng đá, há chỉ theo công nghiệp bút nghiên, lấy việc viết văn để làm người quân tử sao? Nếu chí ta không thành, đạo ta chẳng lập, cũng muốn chọn chép lời văn của quan lại, biện luận cái được cái mất của phong tục thời nay, tỏ nỗi lòng nhân nghĩa, lập thành học thuyết của một nhà, dẫu không cất giữ được ở trong núi cao thì cũng trao cho người cùng yêu thích, bàn luận đến khi đầu bạc, há chỉ bàn luận ở thời nay sao! Ta nói lời này ra chẳng thẹn, mong ngài hiểu cho ta vậy. Sáng mai gặp nhau, trong thư chẳng tỏ hết nỗi lòng". Tu đáp rằng: "Không hầu mấy ngày mà dài tựa mấy năm, há chỉ chịu nhận ân trạch thăm hỏi, khiến cho ta ngưỡng mộ tình sâu mà thôi đâu! Kẻ hèn này xin nói rõ ý nình, như việc ngâm đọc ngược xuôi, dẫu bàn về Nhã, Tụng(19) cũng không hơn được ngài vậy. Như bọn Trọng Tuyên vang danh ở miền Giang Biểu, họ Trần rong ruổi ở miền Kí Châu, Từ, Lưu nổi rõ ở miền Thanh, Dự, Ứng Sinh phát tích ở nước Ngụy, họ đều đúng như thế. Còn như Tu đây, chỉ được nghe qua, đức hạnh không rõ, mắt chỉ liếc xem qua văn truyện, sao dám ngao nghễ mà nhìn người ta? Cúi nghĩ quân hầu thủa trẻ lớn lên trong nhà quyền quý, là thân thể của Đán, Phát(20), có cái giáo hóa thánh thiện. Người gần xa trông xem kẻ hèn này đều cho là có thể nêu cao đức lành, chiếu rõ nghiệp lớn mà thôi, không cho là xem qua kinh truyện, chú ý ở văn chương vậy. Nay lại nhận được thư bày kể của ngài, chỉ mới đọc qua mà khiến cho người xem giật mình mà dụi mắt, người nghe cúi đầu mà vểnh tai; nếu không phải là người thông thái rộng rãi, vâng theo tự nhiên thì ai có thể nói lên được những lời như thế? Lại từng tự mình nắm việc cầm bút giữ sách, có chỗ chép soạn, thành thạo ý nghĩa trong lòng, múa tay là thành văn, lại thêm không vì thế mà ít chăm chú suy nghĩ. Trọng Ni như mặt trời mặt trăng, không ai hơn được vậy. Tu ngưỡng mộ ngài gần như cũng thế. Cho nên đối đáp mà từ chối, làm bài Thử phú qua ngày mà không dâng lên, là vì thấy vẻ đẹp của Tây Thi lại thẹn cho vẻ mặt của mình vậy. Cúi nghĩ kẻ hèn này làm việc không biết lẽ đúng đắn, thẹn thùng cúi nhận ban tặng, chỉ bày giúp sửa nắn thôi. Kinh Xuân thu viết xong, chẳng ai tăng giảm, còn như sách Lữ thị Xuân thu, Hoài Nam Tử, mỗi chữ đáng nghìn vàng, nhưng vẫn bị người đời truyền ngoa, người ngoài chợ cùng nắm tay sửa lại, đấy là vì bậc thánh hiền nổi bật, cho nên khác hẳn với kẻ tầm thường vậy. Các thơ phú của thời nay và thơ phú của thời xưa không ai bằng Khổng Tử, nhưng phong cách không khác vậy. Tu như Tử Vân, già không hiểu việc, chỉ chép một sách, vẫn tiếc vì ít viết. Như thế, bọn Trọng Sơn, Chu Đán(21) đều có lỗi lầm sao! Quân hầu quên gương sáng của bậc thánh hiền, nói ra lời sai của kẻ tầm thường, kẻ hèn này trộm cho là chưa sâu xa vậy. Nếu là không quên cái nghĩa lớn giúp nước, truyền tiếng tăm với nghìn năm, khắc công lên chuông khánh, ghi tên vào tre lụa, đấy là do tính nhã nhặn bao chứa vậy, há ngăn cản với văn chương được sao? Kẻ hèn này nhận được ân trạch của ngài, chỉ mong đui mù ngâm đọc được thơ phú mà thôi. Dám quên ban ân mà nhục Trang Tử! Còn như Quý Tự nhỏ nhặt, sao đáng nói tới". Họ qua lại với nhau, rất nhiều lần như thế. Sau đó Thực vì phóng túng mà bị ruồng bỏ, nhưng Thực vẫn không ngừng giao kết với Tu, Tu cũng không dám tự dứt. Đến mùa thu năm thứ hai mươi tư, Tào Công vì Tu trước sau nói lời tiết lộ, giao kết chư hầu, bèn bắt giết Tu. Tu sắp chết, bảo người quen cũ rằng: "Ta bị bắt giết vẫn còn muộn vậy". Ý nói cho là bị tội vì giao kết với Tào Thực vậy. Sau khi Tu chết trăm ngày thì Thái Tổ hoăng, lập Thái tử, bèn có thiên hạ. Lúc trước, Tu lấy thanh kiếm của Vương Bưu dâng cho Thái tử, Thái tử thường đeo kiếm ấy. Đến lúc lên ngôi cao, ở tại Lạc Dương, ung dung ra khỏi cung, xét nghĩ Tu mắc lỗi nhỏ, vuốt kiếm ấy, ngừng xe ngoảnh bảo tả hữu nói: "Đấy là thanh kiếm mà ngày xưa Dương Đức Tổ lấy của Vương Bưu vậy. Ngày nay Bưu ở đâu"? Liền gọi Bưu đến gặp, ban lúa gấm cho Bưu.

Văn chương chí của Chí Ngu chép: Tên của Lưu Quý Tự là Tu, là con của Lưu Biểu, làm đến Đông An Thái thú. Viết thơ, phú, tụng có sáu thiên.

Thần là Tùng Chi xét: Lữ thị Xuân thu chép: "Có người có mùi hôi, anh em vợ con của người ấy đều chẳng ai ở cùng, người ấy tự khổ sở mà đến ở trên bờ sông. Người trên bờ sông thích lại thích mùi hôi ấy, ngày đêm đi theo người ấy mà không rời được". Đấy là lời Thực nói: "Đuổi theo người có mùi hôi" vậy. Việc về Điền Ba chép trong Lỗ Liên Tử, cũng thấy ở Hoàng lãm, lời văn nhiều cho nên không chép ra đây.

Thế ngữ chép: Vào năm Tu hai mươi lăm tuổi, vì là nhà quyền quý lại có tài năng cho nên được Thái Tổ coi trọng, cùng anh em Đinh Nghi đều muốn giúp Thực làm người nối tự. Thái tử lo lắng, lấy xe chở cái rương hỏng chuyển đến mưu tính với Triều Ca Trưởng là Ngô Chất. Tu đem việc ấy bẩm lên Thái Tổ, chưa kịp xét hỏi. Thái tử sợ, báo cho Chất, Chất nói: "Lo gì? Ngày sau lại đem rương đặt trong xe kéo đi để khiến cho hắn nghi hoặc, Tu tất thêm bẩm lên, bẩm lên tất suy nghĩ, nếu xét không đúng thì bên ấy bị trách tội vậy". Thái tử nghe theo, quả nhiên Tu bẩm lên, nhưng không có người trên xe, do đó Thái Tổ nghi ngờ Tu. Tu với Giả Quỳ, Vương Lăng cùng làm Chủ bạ, lại được Thực kết bạn. Hễ sắp đến gặp Thực, lo việc có lỗi, xét nghĩ ý của Thái Tổ, làm sẵn bài văn dạy đáp có hơn mười điều để khuyên kẻ dưới, dạy xong thì đối đáp. Lời dạy chép xong, lời đáp đã vào, Thái Tổ thấy lạ cái nhanh nhẹn ấy, xét hỏi bắt tiết lộ. Thái Tổ sai Thái tử và Thực đều qua một cửa ở thành Nghiệp, nhưng ngầm hạ lệnh không cho ai được qua cửa để xem việc mà Tu làm. Thế tử đến cửa thành, không ra được mà về. Tu khuyên Thực trước rằng: "Nếu quân hầu không ra qua cửa thành thì quân hầu được nhân ngôi vua, nên chém tướng giữ thành". Thực nghe theo. Cho nên Tu bèn bị kể tội giao kết mà ban chết. Con Tu là Hiêu, con Hiêu là Hoài, đều nổi danh vào thời nhà Tấn. Hiêu vào đầu năm Thái Thủy làm Điển quân Tướng quân, dốc lòng dạ làm việc, chết sớm. Hoài tự Thủy Khâu, cuối thời Huệ Đế làm Kí Châu Thứ sử.

Kí Châu kí của Tuân Xước chép: Hoài thấy phép vua chẳng sửa, bèn buông thả uống rượu, không chú ý làm việc quan, vui chơi qua ngày mà thôi. Thành Đô Vương biết Hoài không sửa mình, nhưng vẫn cho rằng Hoài là kẻ sĩ giỏi, tiếc mà không trách, gọi đến làm Quân mưu Tế tửu. Rời phủ về nhà, chư hầu miền Quan Đông bàn nghị muốn lấy Hoài sửa năm các việc để tỏ ý chuộng đức kính hiền. Việc chưa làm được thì chết. Con Hoài là Kiệu, tự Quốc Ngạn, Mao tự Sĩ Ngạn, đều là kẻ anh hào đời sau. Hoài thân thiện với Bùi Ngôi, Nhạc Quảng, sai Hoài đến gặp họ. Tính Ngôi thẳng thắn, thích phong thái cao thượng của Kiệu, bảo Hoài rằng: "Kiệu tất làm đến công khanh, còn Mao lại kém hơn vậy". Tính Quảng trong sạch, ưa cái tính tiết kiệm của Mao, bảo Hoài rằng: "Kiệu tự làm đến công khanh, nhưng Mao tinh thông hơn". Hoài than rằng: "Cái hay đẹp của hai con ta là cái hay đẹp của Bùi, Nhạc vậy". Người bình cho rằng Kiều dẫu là cao thượng nhưng tiết kiệm không bằng Mao, nói rộng là thế. Phó Sướng nói: "Kiệu giống Hoài mà thô sơ". Em Kiệu là Tuấn, tự Huệ Ngạn, trong sạch hơn cả. Kiệu, Mao đều làm quan có bổng hai nghìn thạch. Tuấn làm Thái phó duyện.

Năm thứ hai mươi tư, Tào Nhân bị Quan Vũ vây, Thái Tổ lấy Thực làm Nam trung lang tướng, giữ chức Chinh lỗ Tướng quân, muốn sai đến cứu Nhân, gọi đến để răn bảo. Thực say rượu không vâng lệnh được, do đó hối hận mà bãi chức.

Ngụy thị Xuân thu chép: Thực sắp đi, Thái tử mời Thực ăn uống, ép cho Thực say rượu. Ngụy Vương gọi Thực, Thực không tự nhận được mệnh lệnh, cho nên Ngụy Vương giận Thực vậy.

Văn Đế lên ngôi Vương, giết Đinh Nghi, Đinh Dực và con trai của họ.

Ngụy lược chép: Đinh Nghi tự Chính Lễ, người quận Bái. Cha là Xung, vốn thân thiện với Thái Tổ, bấy giờ thường cùng ngồi xe đi theo. Thấy nhà nước chưa định, bèn gửi thư cho Thái Tổ rằng: "Thủa trước túc hạ thường bảo rằng mình có chí giúp nước, ngày nay là lúc giúp rồi". Bấy giờ Trương Dương vừa về quận Hà Nội, Thái Tổ nhận được thư ấy, bèn dẫn quân đón Thiên tử đi về phía đông đến đất Hứa, lấy Xung làm Tư lệ Hiệu úy. Sau đó mấy lần qua chỗ các tướng ăn uống, uống rượu ngon chẳng nghỉ, cháy ruột mà chết. Thái Tổ thấy Xung lúc trước khuyên bảo mình, thường khen đức của Xung. Nghe nói Nghi là kẻ sĩ có tài, dẫu chưa gặp nhưng muốn gả con gái yêu cho Nghi, đem việc hỏi Ngũ quan tướng. Ngũ quan tướng nói: "Vẻ mặt của con gái xinh đẹp mà mắt của Nghi lại xấu xí, chỉ e con gái yêu không vừa lòng vậy. Thần cho rằng không bằng gả cho con của Phục ba Tướng quân(22) là Mậu". Thái Tổ nghe theo. Rồi gọi Nghi làm Duyện thuộc, đến cùng bàn luận, khen tài năng của Nghi, nói: "Đinh Duyện thuộc là kẻ sĩ giỏi vậy, nếu đúng hai mắt của người ấy mù lòa thì ta vẫn gả con gái cho, huống cho chỉ là chột? Là con ta làm ta lầm rồi". Bấy giờ Nghi cũng hận vì không được lấy công chúa, liền thân thiện với Lâm Truy Hầu, nhiều lần khen tài lạ của Lâm Truy Hầu. Thái Tổ đã có ý muốn lập Thực, mà Nghi lại cùng khen ngợi Thực. Đến lúc Thái tử lập, muốn trị tội Nghi, chuyển Nghi làm Hữu thích gian duyện, muốn Nghi tự xét tội mình mà Nghi không làm được, bèn gặp Trung lĩnh quân Hạ Hầu Thượng cúi đầu xin giúp, Thượng khóc lóc mà chẳng giúp được. Sau đó bèn nhân có việc khác mà bắt vào ngục, giết Nghi. Dực tự Kính Lễ, là em của Nghi vậy. Văn sĩ truyện chép: Thủa trẻ Dực có tài năng, học rộng biết nhiều. Lúc trước được mời đến phủ công, giữa năm Kiến An làm Hoàng môn Thị lang. Dực từng ung dung bảo Thái Tổ rằng: "Lâm Truy Hầu bản tính nhân hiếu, rộng rãi tự nhiên, lại thông minh hiểu biết, chẳng ai kịp bằng. Lại còn học rộng sâu xa, văn chương hơn người, là bậc quân tử hiền tài thời nay, không kể già trẻ đều muốn giao du với ngài và vì ngài mà chết, thật là người mà trời trao phúc nhà Đại Ngụy, khiến cho bổng lộc giữ mãi không hết vậy". Muốn để khuyên bảo Thái Tổ. Thái Tổ đáp nói: "Thực là người ta thích, há đợi khanh nói ra? Ta muốn lập hắn làm người nối tự, thế nào"? Dực nói: "Việc này là nguyên nhân khiến cho nhà nước hưng suy, là nguyên nhân khiến cho thiên hạ còn mất, là việc mà kẻ ngu hèn này không dám bàn đến. Dực nghe nói biết tôi chẳng ai bằng vua; biết con chẳng ai bằng cha. Đến như vua không kể sáng tối, cha không kể hiền ngu, lại thường biết được tôi, con của mình chăng? Có lẽ là do biết được không chỉ một việc một vật, biết hết không phải chỉ một sớm một tối. Huống chi minh công thử ngài mà dùng lời của bậc thánh, tin ngài mà trao việc của người con. Ngày nay nêu rõ lệnh sáng suốt, nói lời tốt làn, có thể nói là trên ứng mệnh trời, dưới hợp lòng người, được việc ở chốc lát, trải qua đến muôn đời vậy. Dực không e bị chết bởi rìu búa, dám nói hết lời". Thái Tổ khen lời ấy.

Thực và chư hầu cùng đến nước. Năm Hoàng Sơ thứ hai, Giám quốc yết giả là Quán Quân xin đến gặp, về tấu rằng: "Thực say rượu khinh mạn, đánh hiếp sứ giả". Quan coi việc xin trị tội ấy, Đế vì Thái hậu can ngăn, bèn giáng phong làm An Hương Hầu. Ngụy thư chép chiếu rằng: "Thực là em cùng mẹ của trẫm. Trẫm đối với thiên hạ không chỗ nào không bao bọc, huống chi là Thực? Nể tình cốt nhục, tha mà không giết, đổi phong cho Thực". Năm đó đổi phong làm Quyên Thành Hầu. Năm thứ ba, lập làm Quyên Thành Vương, thực ấp hai nghìn năm trăm hộ.

Năm thứ tư, chuyển phong làm Ung Khâu Vương. Năm đó, chầu ở kinh sư.

Năm thứ sáu, Đế đánh miền đông, trở về qua Ung Khâu, đến cung của Thực, ban thêm năm trăm hộ.

Năm Thái Hòa thứ nhất, chuyển phong làm Tuấn Nghi Vương. Năm thứ hai, lại về Ung Khâu.

Năm thứ ba, chuyển phong làm Đông A Vương. Mùa đông năm đó, hạ chiếu sai các Vương hẹn đến chầu vào tháng giêng năm thứ sáu. Tháng hai năm đó, lấy bốn huyện của quận Trần phong Thực làm Trần Vương, thực ấp ba nghìn năm trăm hộ. Thực thường muốn được gọi đến bàn luận chính trị thời ấy, mong cầu dùng thử, nhưng cuối cùng chẳng được. Đã về, buồn bã tuyệt vọng. Theo phép chế thời ấy, đối đãi với nước phiên đã ép bức, lại nữa bọn quan thuộc đều là kẻ buôn bán kém tài, chỉ cấp cho quân sĩ già yếu, lớn cũng chẳng hơn hai trăm người. Lại vì Thực lúc trước có lỗi, các việc đều bị cắt giảm, trong khoảng mười một năm mà ba lần chuyển phong, thường lo lắng không vui, bèn phát bệnh chết, bấy giờ bốn mươi mốt tuổi.

Thực thường gảy đàn ca hát, có lời rằng: 
"Than ôi thân phiêu dạt, 
Ở đời sao cô độc! 
Rời xa nơi gốc gác, 
Ngày đêm chẳng thảnh thơi. 
Đông tây qua chín lối, 
Nam bắc vượt bảy bờ. 
Bỗng gặp cơn gió nổi, 
hổi ta vào cõi mây. 
Vừa lên đến trời cao, 
Lại rơi xuống vực sâu. 
Gió cuồng kéo ta dậy, 
Lại vào cánh đồng này. 
Đằng nam rồi mé bắc, 
Sang đông lại sang tây. 
Dây dưa biết dựa đâu? 
Sắp chết mà sống lại. 
Trôi nổi khắp tám đầm, 
Liên miên qua năm núi. 
Rong ruổi chẳng ở yên, 
Ai biết ta vất vả? 
Muốn làm cây trong rừng, 
Mùa thu cháy theo bãi. 
Cháy tàn há chẳng đau? 
Chỉ mong rễ liền gốc".

Tôn Thịnh nói: "Lạ thay cho cái cách phong kiến của nhà Ngụy! Chẳng theo phép của Tiên vương, không xét cái thuật giữ phên dậu, làm trái phong tục hòa mục, phản lại cái nghĩa giữ nước. Theo cách phong kiến vào thời đầu của nhà Hán, có chỗ quyền thế ngang với vua trên, dẫu nói là không phải phép nhưng thời thế phải như thế vậy. Như chư hầu của nhà Ngụy lại hèn kém tựa kẻ thất phu, như việc phạt tội bảy nước, cũng đã sửa nắm được lỗi lầm vậy. Vả lại nhà Ngụy thay nhà Hán vốn không phải là do tích đức, phong tục đã kém, sáu cõi chưa liền mà chặt bẻ cành nhánh, trao quyền cho họ khác, thế như cây mục, nguy như ổ màn, chẳng lâu thì dứt, đấy chẳng phải do trời diệt vậy. Theo phép ngũ đẳng(23), đấy là phép vạn đời chẳng đổi. Sáu đời hưng vong(24). Tào Quýnh (25) bàn đã rõ rồi".

Truyền lệnh lại sai táng sơ qua. Lấy con nhỏ là Chí làm chủ giữ nhà, muốn lập Chí vậy.

Lúc trước, Thực trèo lên núi Ngư, đến huyện Đông A, thở dài có ý chết ở đấy, bèn đào làm mộ. Con là Chí nối tự, chuyển phong làm Tế Bắc Vương. Giữa năm Cảnh Sơ hạ chiếu rằng: "Ngày trước Trần Tư Vương dẫu có lỗi lầm nhưng tự thân cận thận làm việc để bù đắp lỗi trước. Vả lại từ thủa trẻ đến lúc mất, sách vở không rời khỏi tay, thật là tài năng khó tìm vậy. Các sớ biểu vào giữa năm Hoàng Sơ mà từ công khanh trở xuống bàn nghị với ba phủ Thượng thư, Bí thư, Trung thư, Đại hồng lư từng kể tội Thực đều đã xóa bỏ. Soạn chép thơ, phú, tụng, minh, tạp luận mà Thực trước sau viết nên cả thảy mấy trăm thiên, giúp cất giữ ở trong ngoài". Chí được tăng thêm ấp, cả lúc trước là chín trăm chín mươi hộ.

Chí biệt truyện chép: Chí tự Doãn Cung, ham học lại có tài. Vào thời Vũ Đế của nhà Tấn làm Trung phủ quân, đón Thường Đạo Hương Công ở đất Nghiệp, buổi đêm Chí gặp nhau với Đế, cùng nói chuyện với Đế từ chiếu đến sáng mai, rất coi trọng Chí. Đến lúc nhận ngôi, đổi phong làm Quyên Thành Công. Hạ chiếu lấy Chí làm Nhạc Bình Thái thú, làm quan qua ở các quận Chương Vũ, Triệu Quận, chuyển làm Tán kị Thường thị, Quốc tử Bác sĩ, sau lại chuyển làm Bác sĩ Tế tửu. Đến lúc Tề Vương là Du sắp đến làm phiên thần, trọng lễ theo phép của quan lại mà ban thưởng, Chí than rằng: "Há có người tài như thế, thân thích như thế mà không được sửa trị giáo hóa, mà lại cho ra ngoài cõi xa sao"? Lại bày kể để khuyên can, lời lẽ rất khẩn thiết. Đế cả giận, bãi chức của Chí. Sau lại làm Tán kị Thường thị. Chí gặp lúc mẹ mất, chịu tang hết kì, do đó mắc bệnh, vui giận khác thường, năm Thái Khang thứ chín thì chết, thụy là Định Công.

Tiêu Hoài Vương là Hùng, hoăng sớm. Năm Hoàng Sơ thứ hai, truy phong hiệu là Tiêu Hoài Công. Năm Thái Hòa thứ ba, lại truy phong tước Vương. Năm Thanh Long thứ hai, con là Ai Vương là Bỉnh nối tự, thực ấp hai nghìn năm trăm hộ. Năm thứ sáu thì hoăng, không có con, nước trừ.

Bình rằng: Nhâm Thành Vương võ nghệ tráng mãnh, có khí chất của tướng súy. Trần Tư Vương văn chương hay đẹp, đủ để truyền lại cho đời sau, nhưng không biết giữ gìn phòng xa, dẫn đến bị hiềm ganh. Kinh truyện chép: "Nước Sở cũng làm mất rồi, mà nước Tề cũng không có được", lời ấy nói đúng về hai người chăng!

Ngư Hoạn nói: "Ngạn ngữ có nói: 'Nghèo mà chẳng tiết kiệm, hèn mà chẳng khiêm nhường', đấy chẳng phải tính người vốn thế, mà là do thời thế khiến nên như vậy. Cái thế rõ ràng ấy, thật chẳng sai vậy. Nếu mà Thái Tổ ngăn ngừa bọn Thực, vào thời xưa ấy thường khen là hiền, thì sao lại có ý trông đợi được? Chương vẫn mang hận, vẫn không biết làm sao. Còn đối với Thực, sao lại chuốc nạn mà khiến cho Dương Tu vì giao du mà bị hại, Đinh Nghi mong ý mà nhà diệt? Thương thay! Ta hễ đọc xem văn chương của Thực, ý nghĩa có thần. Từ đấy mà xét, tấm lòng dao động của Thái Tổ cũng có cái hay vậy"(26).

Chú thích :
(1) Hoàn,Văn: chỉ Hoàn Công của nước Tề, Văn Công của nước Tấn thời Xuân thu, dựng nên nghiệp bá.
(2) Đông vương: chỉ Đông Vương Công, theo truyền thuyết là thần đứng đầu các vị tiên nam, thần còn lại là Tây Vương Mẫu đứng đầu các vị tiên nữ.
(3) Thực từng ngồi xe đi giữa đường, mở cửa Tư Mã mà ra, Thái Tổ cả giận: cửa Tư Mã là cửa ngoài cung của nhà vua, canh phòng rất nghiêm ngặt, Thực tự ý mở cửa ra, do đó Tháo giận vậy.
(4) Thái úy Bưu: chỉ Dương Bưu tự Văn Tiên, người quận Hoằng Nông, làm Thái úy vào thời vua Hiến Đế của nhà Hán.
(5) Thừa tướng: chỉ Tào Tháo, bấy giờ làm Thừa tướng.
(6) Ngày xưa Trọng Tuyên bước riêng ở miền nam sông Hán, Khổng Chương dương cánh ở miền bắc sông Hà, Vĩ Trưởng nổi danh ở miền Thanh Châu, Công Cán lẫy lừng ở miền bờ biển, Đức Liên phát tích ở đất Đại Ngụy, túc hạ ngạo nghễ ở miền kinh sư.: Vương Xán tự Trọng Tuyên, người quận Sơn Âm, cuối thời Hán loạn lạc chạy đến Kinh Châu ở phía nam sông Hán nương nhờ Lưu Biểu. Trần Lâm tự Khổng Chương, người quận Quảng Lăng, sau khi Hà Tiến bị giết, chạy đến Kí Châu ở miền sông Hoàng Hà theo Viên Thiệu. Từ Cán tự Vĩ Trưởng, người quận Bắc Hải, thời Hán loạn, giữ ở Thanh Châu. Lưu Trinh tự Công Cán, người quận Đông Bình. Ứng Sướng tự Đức Liên, người quận Nhữ Nam. Dương Tu tự Đức Tổ, người quận Hoằng Nông. Đều là những người giỏi văn chương vào thời Hán, Tam quốc.
(7) Ngọc châu của rắn thần: theo truyền thuyết, vào thời Xuân thu, Tùy Hầu thấy một con rắn bị thương, liền lấy thuốc chữa cho nó, sau đó con rắn ấy từ giữa sông ngậm một viên ngọc lớn bơi lên đền ơn. Thường sánh người tài năng như ngọc châu của rắn thần vậy.
(8) Ngọc đẹp ở núi Kinh: chỉ ngọc của Biện Hòa người nước Sở thời Xuân thu phát hiện được ở núi Kinh.
(9) Tư Mã Trường Khanh: chỉ Tư Mã Tương Như tự Trường Khanh, người Thục Quận thời Vũ Đế nhà Hán, giỏi làm thơ, phú.
(10) Chung Kì không nghe lầm tiếng đàn: Chung Kì, còn gọi là Chung Tử Kì, người nước Sở thời Xuân thu, tương truyền có một người giỏi âm nhạc là Bá Nha gảy đàn ở bên bờ sông, Chung Kì nghe được, nói: "Tiếng đàn cao vời như núi cao, lại cuồn cuộn như nước chảy". Bá Nha cho là Chung Kì hiểu tiếng đàn của mình mình.
(11) Ni Phủ: chỉ Khổng Tử.
(12) Du, Hạ: chỉ Tử Du, Tử Hạ, là hai học trò của Khổng Tử.
(13) Nam Uy: Nam Uy, còn gọi là Nam Chi Uy, là người con gái xinh đẹp của nước Tấn thời Xuân thu, vua Văn Công của lấy được Nam Uy, ba ngày không nghe chính trị.
(14) Kiếm Long uyên: Long uyên là tên của một trong năm thanh kiếm báu do Âu Dã Tử thời Xuân thu đúc.
(15) Điền Ba: Điền Ba là người giỏi biện luận, người nước Tề thời Chiến quốc, tương truyền biện luận ở ấp Trở Khâu, nghị bàn ở ấp Tắc Hạ, một ngày thuyết phục mười người.
(16) Lỗ Liên: Lỗ Liên, còn gọi là Lỗ Trọng Liên, Lỗ Liên Tử người nước Tề thời Chiến quốc, giỏi biện luận.
(17) Hàm trì, Lục anh: Hàm trì, Lục anh là tên hai khúc nhạc thời xưa, tương truyền do Đế Chuyên Húc soạn nên.
(18) Dương Tử Vân: chỉ Dương Hùng ()
(19) Nhã, Tụng: Nhã, Tụng là hai chủ đề trong kinh Thi.
(20) Đán, Phát: Đán chỉ Cơ Đán là Chu Công, Phát chỉ Cơ Phát là Vũ Vương của nhà Chu, là con của Văn Vương.
(21) Trọng Sơn, Chu Đán: Trọng Sơn chỉ Trọng Sơn Phủ vốn là nhà nông, sau được tiến cử vào triều làm Tể tướng cho vua Tuyên Vương của nhà Chu. Chu Đán chỉ Chu Công.
(22) Phục ba Tướng quân: chỉ Hạ Hầu Đôn tự Nguyên Nhượng, từng được bái làm Phục ba Tướng quân.
(23) Ngũ đẳng: chỉ năm bậc tước là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
(24) Sáu đời hưng vong: chỉ nhà Ngụy thời Tào Tháo đến đời Tào Phi, Tào Duệ, Tào Phương, Tào Mao, Tào Hoán là sáu đời. Hưng từ thời Tào Tháo mà vong vào thời Tào Hoán vậy.
(25) Tào Quýnh: Tào Quýnh tự Nguyên Thủ, là con của Ngụy Minh Đế Tào Duệ, từng viết bài luận về sự hưng vong của sáu đời nhà Ngụy.
(26) Ta hễ đọc xem văn chương của Thực, ý nghĩa có thần. Từ đấy mà xét, tấm lòng dao động của Thái Tổ cũng có cái hay vậy".: Ý nói văn chương của Thực có thần, đáng xem. Thái Tổ sủng ái, muốn lập làm Thái tử, sau dao động mà ruồng bỏ, sau lại bị Văn Đế hiềm ganh, o đó Thực sinh lòng buồn bã, từ đấy chăm chú thơ phú, ít màng chính trị. Cũng vì thế mà mới có Tào Thực văn chương hay đẹp, tình cảm sâu sắc chăng!

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.