Header Ads

Đặng Ngải Truyện


Đặng Ngải tự Sĩ Tái, người huyện Cức Dương quận Nghĩa Dương. Mồ côi cha từ thở nhỏ, lúc Thái tổ đánh Kinh Châu, Ngải chạy đến Nhữ Nam, tự làm ruộng nuôi thân. Năm 12 tuổi, Ngải theo mẹ đến Dĩnh Xuyên, có đọc một tấm văn bia cổ trên cái gò lớn, có câu rằng: “Văn tự có khuôn phép, ấy là hành vi của kẻ sỹ vậy”, (văn vi thế phạm, hành vi sĩ tắc) Ngải rất thích thú bèn lấy danh là Phạm, tự là Sĩ Tắc. Về sau họ hàng đều dùng tên ấy, việc đổi danh là vậy. Lúc Ngải làm Đô uý học sỹ, bởi tật nói lắp, không được cất nhắc lên làm cán tá (1), chỉ giữ chức trông coi đám nông dân cấy cầy phạt cỏ. Có ông lão làm Đề lại là người đồng quận thương Ngải gia cảnh bần hàn, chu cấp cho rất hậu, Ngải cũng chẳng chịu cảm tạ. Mỗi khi đi đâu nhìn thấy núi cao đầm rộng, Ngải thường lấy tay đo vẽ chia thành bờ luỹ lập quân doanh, người bấy giờ thấy thế đều cười chế nhạo. Sau này Ngải được làm chức Điển nông cương kỷ, rồi làm Thượng kế lại, bởi thế mới được tham kiến Thái uý Tư mã Tuyên Vương. Tuyên Vương lấy làm lạ, cho vời đến làm duyện (2), sau lại đổi cho làm Thượng thư lang.

Sách Thế ngữ chép: Lúc còn trẻ Đặng Ngải làm người giúp việc cho quan Điển Nông coi sóc việc chăn dân cùng với Thạch Bao khi ấy mới chừng 12, 13 tuổi. Bấy giờ quan Yết giả ở Dương Địch là Quách Huyền Tín, có con là Quách Đản Nguyên được Vũ Đế dùng làm Giám quân. Vào giữa những năm Kiến An, bởi con nhỏ là Cát khởi binh làm loạn ở Hứa Đô, Huyền Tín phải chịu hình tại gia, vì thế Điển nông Tư mã mới cần tìm một người đánh xe, Ngải-Bao được chọn làm việc ấy, đánh xe đi được chừng hơn 10 dặm, thấy thành thục lắm, tỏ ý hài lòng, mới cho cả hai người cùng đi theo để giúp việc. Ngải sau này làm Điển nông Công tào, phụng mệnh đến chỗ Tuyên Vương, vì thế mới được Tuyên Vương biết đến, rồi sau này mới được cất nhắc lên.


Thời bấy giờ mùa màng tốt tươi, các loại sâu có hại chẳng có, triều đình phái Ngải đi qua đất Trần-Hạng về phía Đông đến Thọ Xuân. Ngải coi xem rồi nói: “Đất đai ở đây rất tốt mà thiếu nước, không tận dụng hết được địa lợi, nên cho đào một con kênh lớn, để dẫn nước về tưới tiêu cho đồng ruộng, như thế có thể tăng thêm được lương để nuôi quân, lại có thể lưu thông được theo đường thuỷ đạo”. Bèn đem việc khai sông ra bàn bạc với các quan và xin chỉ dụ về việc ấy. Lại dâng biểu rằng: “Xưa kia vì phá giặc Hoàng cân, nên mới lập ra đồn điền, tích trữ lương thực ở Hứa Đô hòng khống chế bốn phương. Nay tam phương đã định, việc binh lương chính là ở xứ Hoài Nam, mỗi khi cất đại quân chinh phạt ở nơi xa, quân sỹ vận chuyển binh lương chiếm đến quá nửa, công sức hao phí ức vạn, cần phải lấy rất nhiều quân dịch. Hai xứ Trần - Thái ở giữa thiên hạ, là đất tốt để cày cấy lấy lương thực nuôi quân, lại xét rằng xung quanh vùng Hứa Xương đều là ruộng cấy, cần phải khai thông thuỷ đạo để có thể xuôi được về Đông. Nay lệnh cho các xứ Hoài Bắc lấy 2 vạn lính thú, Hoài Nam 3 vạn lính, cứ hết 12 tháng quân dịch thì được nghỉ ngơi, luôn luôn phải có 4 vạn người, vừa cấy cầy vừa tham gia khai thuỷ đạo. Đường thuỷ thông được thì mùa màng thu nhiều gấp ba lần lúc trước, tính trừ hết các phí tổn, mỗi năm thu về được hơn 500 vạn hộc lương để nuôi quân. Lấy số thừa ra ấy để tính việc nước Ngô, lo gì chẳng thắng được.” Tuyên Vương khen hay, liền cho thi hành việc ấy. Năm Chính Thuỷ thứ hai, cho khai rộng thuỷ đạo, mỗi khi các xứ phía Đông và Nam có việc, lại cất đại quân, cưỡi thuyền xuôi dòng mà xuống, khắp vùng Giang Hoài, nhờ có lương thực tích trữ ấy mà phấn chấn lên được, ấy là Ngải có sở kiến vậy.

Đến khi Ngải tham gia việc quân ở phía Tây, được thăng làm Nam An thái thú. Năm Gia Bình nguyên niên, cùng với Chinh Tây tướng quân Quách Hoài chống cự Thục tướng Khương Duy. Duy lui binh, Hoài muốn theo hướng Tây đánh vào đất của rợ Khương. Ngải nói: “Giặc lui về chưa xa, sợ rằng sẽ quay trở lại, ta nên chia quân chống giữ đề phòng bị đánh bất ngờ”. Hoài bèn để Ngải đóng quân ở phía bắc Bạch thuỷ. Ba ngày sau, Duy sai Liêu Hoá tới đánh vào phía nam quân doanh của Ngải ở Bạch thuỷ. Ngải bảo với chư tướng rằng: “Binh sỹ của Duy nay mới quay lại, quân ta ít hơn địch, thế mà họ lại không vượt sông hoặc bắc cầu. Ấy là Duy sai Hoá cầm giữ ta ở đây, để ta không dám lui về. Duy ắt sẽ dẫn quân từ phía Đông lại để đánh úp lấy Thao Thành của ta vậy.” Thao Thành ở phía bờ Bắc sông, cách nơi Ngải đóng binh chừng 60 dặm. Ngay đêm ấy, Ngải ngầm thúc binh theo lối tắt đến đó, Duy quả nhiên vượt sông, còn Ngải đến được Thao Thành trước chống giữ ở đấy, nên mới giữ được. Bởi công ấy mà Ngải được ban tước Quan nội hầu, thăng làm Thảo khấu tướng quân, sau lại đổi làm Thành Dương thái thú.

Lúc bấy giờ ở Tinh châu có Hữu hiền vương Lưu Báo gây việc can qua, Ngải tâu lên bề trên rằng: “Nhung Địch (3) là loại sài lang, chẳng thể lấy nghĩa mà thân gần được, khi mạnh họ tất xâm lấn gây hại, khi yếu sẽ nhờ vả nương tựa, từ trước tới nay giống Hiểm Duẫn (4) vốn là quân thảo khấu, Hán Cao tổ xưa đã phải xây thành để cự chúng. Mỗi khi quân Hung Nô cường thịnh, lại gây mối lo ghê gớm. Bởi lẽ Hiền Vu (5) ở ngoài biên trấn, không thuận theo thể chế của vương triều. Cần dẫn dụ họ đến tận cùng, khiến họ phải theo về. Như thế sẽ khiến người Khương Di quên mất gốc gác, hợp tan vô chủ. Được vậy thì Thiền Vu sẽ thuộc về Trung Quốc, vạn dặm nơi xa đều phục tùng vương pháp cả. Nay giúp cho Thiền Vu được tôn kính, đất biên ngoại ắt sợ uy mà dần dần phải coi trọng, như thế ắt quân Hồ Lỗ chẳng thể không kinh hãi được. Thần nghe thấy tin Lưu Báo muốn chống đối với rợ Hồ, có thể sẽ tổn hại đến cả hai bên, làm chia rẽ hình thế trước đây. Vứt bỏ hết công quả rỡ ràng của tiền triều, con cháu chẳng thể kế nghiệp, thiết nghĩ nên ban cho họ danh hiệu cao quý hơn nữa, khiến họ ở yên Nhạn Môn quan. Chia rẽ địch quốc sẽ khiến họ bị suy yếu đi, đó là duy trì được công lao cũ, ấy mới là kế giữ vững biên cương lâu dài vậy.” Lại bầy kế rằng: “Người dân Khương Hồ cũng như dân bản quốc, nên thay đổi cách đối xử với họ, khiến cho dân ấy biết trọng giáo hoá liêm sỉ, ắt sẽ dứt bỏ được đạo gian tà vậy”. Đại tướng quân Tư mã Cảnh vương mới lên giúp việc chính sự, rất khen ngợi và dùng kế sách ấy.

Khi Ngải được đổi chức làm Nhữ Nam thái thú, rất muốn tìm kiếm viên Đề lại đã hậu đãi mình lúc trước, thì người ấy chết đã lâu rồi, Ngải sai kẻ lại dưới quyền làm lễ cúng tế, lại cung phụng mẹ già người ấy và giúp cho con trai ông lão được làm chức lại. Ngải ở đó, cho khai khẩn ruộng hoang, quân dân vùng ấy đều phấn chấn.

Gia Cát Khác vây Hợp Phì-Tân Thành, không đánh được, phải lui về. Ngải nói với Cảnh vương rằng: “Tôn Quyền đã chết, Đại thần chưa đủ sức phụ chính, người Ngô vốn là danh tông đại tộc, mỗi người đều có đội quân riêng, nhờ cậy vào binh ấy mà tạo thế lực, đủ để sai dụng. Khác mới nắm việc quốc chính, mà bên trong không có người chủ trương, chẳng nghĩ đến việc phủ dụ người trên, giúp đỡ kẻ dưới để gây dựng căn cơ, lại ganh đua với bên ngoài, ngược đãi bá tánh, vắt kiệt sức dân, dốc sức đánh thành cướp đất, người chết kể hàng mấy vạn, rước lấy hoạ vào thân, ấy là Khác tự gây hoạ cho mình vậy. Xưa Tử Tư-Ngô Khởi-Thương Ưởng-Nhạc Nghị đều biết dốc lòng thờ chúa, thế mà lúc chủ chết vẫn phải vong thân. Huống chi Khác tài chẳng được như bốn người ấy, lại chẳng biết nghĩ đến hoạ lớn, việc vong bại có thể ngồi mà đợi được vậy”. Khác về nước, quả nhiên bị giết.

Ngải được đổi làm Duyện châu thứ sử, thêm chức Chấn uy tướng quân. Ngải dâng biểu lên bề trên rằng: “Quốc gia có biến, nghĩ rằng kẻ đi cầy phải biết lo lắng, quốc phú ắt binh cường, binh cường ắt chiến thắng. Như thế thì người dân, chính là gốc của sự thành bại vậy. Đức Khổng Tử nói rằng: ‘Lương đủ nuôi quân, quân đủ để bảo vệ dân’ như thế thì lương thực chính là mối lo đầu tiên của binh gia vậy. Nếu như người trên không biết khuyến khích, ắt kẻ dưới chẳng khéo lo toan. Nay nếu xét công mà khen thưởng, sẽ khiến cho dân tích trữ được nhiều lương thực mà giàu có, ắt việc rong chơi sẽ dứt, sự phù phiếm sẽ phải tuyệt đường vậy”.

Cao Quý hương công (6) lên tức vị, Ngải được tiến phong làm Nghi thành Đình hầu. Vô Kỳ Kiệm (Khâu Kiệm) dấy loạn, sai lính mang thư tới chỗ Ngải, khiến binh sĩ xôn xao, Ngải chém sứ giả, thúc quân tiến lên, trước tiên đến thành Nhạc Gia, cho bắc cầu để vượt sông. Tư mã Cảnh vương đến, đóng quân ở đó. Văn Khâm sau bị đại quân đánh bại ở Hạng Thành, Ngải đuổi theo đến tận Khâu Đầu. Khâm chạy sang Ngô. Đại tướng quân nước Ngô là Tôn Tuấn đốc xuất hơn chục vạn quân, vượt Đại Giang, Trấn Đông tướng quân Gia Cát Đản sai Ngải đóng quân ở Phì Dương, Ngải sớm liệu thế địch, xét thấy đất ấy chẳng phải nơi trọng yếu, liền dời đến đóng quân ở Phụ Đình, sai Thái thú Thái Sơn là Gia Cát Tự đến Lê Tương đánh địch, địch phải bỏ chạy. Năm ấy Ngải được bái làm Trường thuỷ Thái uý. Bởi có công lao trong việc phá được Văn Khâm, Ngải được tiến phong làm Thành Hương hầu, hành An Tây tướng quân (7). Triều đình sai đến giúp Ung Châu thứ sử Vương Kinh đang bị vây hãm ở Địch Đạo, Khương Duy phải lui binh về đóng ở Chung Đê, triều đình lại lấy Ngải làm An Tây tướng quân, ban cho Giả Tiết, lĩnh chức Đông Khương Thái Uý.

Bấy giờ đa phần đều bàn rằng Duy binh lực đã kiệt, không thể ra quân được nữa. Ngải nói rằng: “Ta thua trận ở Thao Tây, tổn hại không phải nhỏ, quân tan tướng chết, kho đụn rỗng không, trăm họ li tán, quốc gia nguy nan. Nay xét kỹ thì thấy rằng, họ vẫn ở thế thắng, ta kỳ thực đang ở thế thua, đó là lẽ thứ nhất. Bên kia quân tướng luyện tập cùng nhau đã lâu, ngũ binh bền sắc, bên ta đổi tướng thay binh liên tục, khí trượng chưa thuần thục, ấy là lẽ thứ hai. Họ đi thuyền, ta đi bộ, sự khó nhọc nhàn nhã khác nhau, là lẽ thứ ba. Các xứ Địch Đạo, Lũng Tây, Nam An, Kỳ Sơn đều là đất chiến thủ, bên kia chỉ cần tiến ra một mặt, ta phải chia binh giữ cả bốn phía, ấy là lẽ thứ tư. Địch ra các xứ Nam An, Lũng Tây, có sẵn thóc gạo của người Khương mà ăn, nếu ra Kỳ Sơn, có cả nghìn thửa lúa mạch vừa chín tới, lấy lương đó để mà chi dụng, ấy là năm lẽ. Kẻ địch tất sáng suốt tất tính được như thế, ắt sẽ lại ra nữa vậy.” Không bao lâu, Duy quả nhiên lại tiến ra Kỳ Sơn, nghe tin Ngải đã có phòng bị rồi, bèn đi tắt theo lối Đổng Đình tới Nam An, Ngải đóng binh chống giữ ở Vũ Thành Sơn. Duy đấu quân với Ngải tranh chiếm nơi đất hiểm, không hạ được, ngay đêm ấy, Duy vượt sông Vị hướng về Đông, men núi tiến đến Thượng Nhai, Ngải đại chiến với Duy ở Đoạn Cốc, thắng lớn ở đấy.

Năm Cam Lộ nguyên niên, triều đình gửi chiếu khen Ngải rằng: “Nghịch tặc Khương Duy cậy tài ngông cuồng liền năm đánh phá, khiến người Di bị quấy nhiễu, đất phương Tây chẳng được yên bình. Ngải trù liệu lo toan giữ được nơi ấy, trung dũng hơn người, chém được mười tướng địch, dâng hơn nghìn đầu giặc; khiến oai danh bản quốc chấn động khắp xứ Ba Thục, tiếng tăm vang dậy khắp từ Đại Giang đến vùng Mân Triết. Nay lấy Ngải làm Trấn Tây tướng quân, đô đốc nắm giữ việc quân sự ở Lũng Hữu, tiến phong tước là Đặng hầu. Cho được ăn lộc 500 hộ, ban cho con Ngải là Trung tước Đình hầu”.

Năm Cam Lộ thứ hai, Ngải chống đánh Khương Duy ở Trường Thành, Duy phải lui binh. Ngải lại được đổi làm Chinh Tây tướng quân, trước sau được ban thêm sáu ấp ăn lộc 6.600 hộ. Năm Cảnh Nguyên thứ ba, Ngải lại phá được Duy ở thành Hầu Hà, Duy lui về giữ Đạp Trung.

Mùa thu năm Cảnh Nguyên thứ tư, triều đình xuống chiếu lệnh cho ba quân phạt Thục, Đại tướng quân Tư mã Văn vương nhận chỉ dụ điều tiết mọi mặt, Chiêu sai Ngải cầm giữ quân của Duy; Ung châu thứ sử Gia Cát Tự đón bắt Duy. Ngải phái Thiên Thuỷ thái thú Vương Kỳ đánh trực diện vào doanh luỹ của Duy, Lũng Tây thái thú Khiêm Hoằng đón lõng Duy ở mặt trước, còn Kim Thành thái thú Dương Hân tiến thẳng đến Cam Tùng. Duy nghe tin đại quân của Chung Hội đã xâm nhập vào Hán Trung, mới dẫn quân lui về giữ. Bọn Hân gấp rút đuổi theo Duy đến Xuyên khẩu, đại chiến ở đấy, Duy thua trận bỏ chạy. Lại nghe đồn rằng quân Ung Châu đã đóng giữ chiếm đầu cầu, Duy mới theo cửa Hàm Cốc tiến thẳng về Bắc, có ý tiến ra lấy Ung Châu. Gia Cát Tự thấy thế, vội vã lui về 30 dặm. Duy tiến về Bắc được 30 dặm, nghe tin Tự đã lui quân, liền quay lại, vượt qua bên kia cầu Âm Bình, Tự đuổi theo đánh Duy, hết ngày vẫn không đuổi kịp. Duy kéo quân về phía Đông, lui giữ cửa Kiếm Các. Chung Hội tấn công Duy không sao thắng được.

Ngải dâng biểu lên bề trên rằng: “Nay quân giặc đã bị bẻ gẫy, nên nhân cơ hội này, dẫn quân theo lối Âm Bình men đường hẻm vượt qua Đức Dương Đình tiến tới Phù Thành, nơi đó cách Kiếm Các về phía Tây chừng 100 dặm, tiến về Thành Đô cũng có 300 dặm. Kỳ binh của ta đã đóng ở đó, quân địch đang giữ ở Kiếm Các tất phải lui về cứu Phù Thành, ắt Hội sẽ rộng đường mà tiến; bằng như quân ở Kiếm Các chẳng lui về, ắt quân giữ ở Phù Thành sẽ đơn độc. Ở Binh pháp, thiên Quân Chí có nói rằng: ‘Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý’. Nay nên giấu kín ngay việc ấy, phá địch ắt chỉ có như thế thôi vậy.”

Mùa Đông tháng 10, Ngải từ Âm Bình tiến sâu vào đất không dấu chân người đến hơn 700 dặm, đào núi mở đường, xây cầu bắc ván. Núi cao vực sâu, tận cùng gian hiểm, lại còn lương thực mang theo chẳng đủ dùng, mối nguy nan luôn rình rập. Ngải quấn chăn khắp mình, lăn từ trên cao xuống. Tướng sĩ đều vin cây bám chặt vào vách núi, đính liền nhau như xâu cá, cứ thế mà tiến. Khi Ngải tiến quân đến Giang Du, Thục tướng là Mã Mặc ra hàng. Vệ tướng quân nhà Thục là Gia Cát Chiêm từ Phù Thành lui về Miên Trúc, bày trận đợi Ngải ở đó. Ngải phái con yêu là Đình hầu Đặng Trung tiến ra mé hữu, Tư mã Sư Toản tiến ra mé tả đón đánh Chiêm. Trung, Toản đánh nhau không được lợi, đều phải lui binh về, bẩm với Ngải rằng: “Giặc chưa thể đánh được trong lúc này”. Ngải nổi giận mắng: “Cái lẽ được mất đã rõ ràng rồi, chỉ một lần này là xong việc, sao không biết gắng hết sức?” Lại quát mắng bọn Trung-Toản, muốn chém. Trung-Toản vội quay lại đánh tiếp, phá được quân Thục, chém chết Chiêm và quan Thượng thư Trương Tuân (8) cắt lấy đầu, rồi tiến quân đến lấy Lạc Thành. Lưu Thiện phái sứ giả đem dâng nộp tỉ thụ Hoàng đế cho Ngải và xin hàng.

Ngải đến Thành Đô, Thiện đem Thái tử và các vương hầu cùng quần thần hơn sáu chục người cúi mặt khiêng áo quan đến quân môn chịu tội, Ngải cởi trói đỡ dậy, lại sai đốt bỏ áo quan, nhận cho hàng. Rồi kiểm xét danh sách các tướng sĩ trong cung, không bỏ sót người nào, vỗ về kẻ ra hàng, cho giữ nguyên công việc như trước, vì thế người Thục đều yên bụng cả.

Ngải riêng ý chiếu theo việc của Đặng Vũ ngày trước, thừa mệnh phong cho Thiện chức Hành Phiêu kỵ tướng quân, cho Thái tử giữ chức Phụng xa, các vương hầu được ban chức Phụ mã Đô uý. Quần thần nước Thục tuỳ theo thứ bậc cao thấp đều được cho làm quan cả, hoặc nhận các chức tước phụ thuộc trong quân doanh của Ngải. Ngải lại lấy Sư Toản làm Ích châu thứ sử, Lũng Tây thái thú Khiêm Hoằng đốc xuất các quận ở Thục trung. Lại sai đắp một đài lớn ở Miên Trúc làm sở quan, nhằm ca tụng chiến công của mình. Những binh sĩ bị chết vì việc nước, kể cả Thục binh đều được mai táng như nhau cả. Ngải có ý khoe công của mình, bảo với các đại phu nước Thục rằng: “Các ngươi may gặp được ta, mới có được ngày hôm nay vậy, ví bằng gặp phải bọn tướng khác, ắt là chết cả rồi”. Lại nói: “Khương Duy tự cho chỉ có mình là anh hùng, cùng với ta tương tranh, giờ đã cố cùng rồi vậy”. Bậc thức giả đều cười chê lời ấy.

Tháng 12, chiếu gửi Ngải viết rằng: “Ngải diễu võ trổ oai, thâm nhập vào sâu nơi phủ đình, chém tướng cướp cờ, mạnh như kình nghê (9), khiến cho chúa tiếm hiệu phải kê đầu giơ cổ chịu hàng, một sớm bình định được hết cả. Trong lúc binh không đầy đủ, đánh chẳng trọn ngày, thế mà như cuốn chiếu xua mây, dẹp yên Ba Thục. Dẫu Bạch Khởi phá cường Sở, Hàn Tín đánh quân Triệu dũng mãnh, Ngô Hán lấy Tử Dương, Á Chu diệt thất quốc, tính công mà luận xét, cũng chẳng thể hơn được công quả ấy. Vậy phong cho Ngải làm Thái uý, tăng thêm lộc hai vạn hộ nữa, phong cho hai con được làm Đình hầu, đều được ăn lộc một ấp có ngàn hộ.

Viên Tử viết: Gia Cát Lượng, dùng người cẩn trọng, dụng binh bất ngờ, ấy là biết nước nhỏ dân ít khó có thể giữ được lâu dài. Nay quốc gia một lần cất quân diệt được nước Thục, chinh phạt nên công, cũng chưa phải dụng binh thần tốc như vậy. Mà Đặng Ngải dùng có vạn người thâm nhập Giang Du đến cùng gian hiểm, còn Chung Hội dụng 20 vạn quân lại bị chặn ở cửa Kiếm Các mà chẳng tiến được, ba quân tướng sĩ sắp thiếu ăn, Ngải tuy thắng trận khắc địch, khiến Lưu Thiện trong mấy ngày phải ra hàng, mà hai tướng ấy ra đi đều khó bề quay lại được. Nên công nghiệp như thế là nguy hiểm vậy. Quốc gia lúc trước lấy quân ở Thọ Xuân để sai khiến, sau này diệt được nước Thục nên công, trăm họ nghèo khó mà rương đẫy rỗng không. Ôi việc nước nhỏ phải lo lắng, ở chỗ gây dựng để tự bảo tồn, nước lớn phải lo toan, ở chỗ thắng địch mà kiệt lực, thành công là việc về sau, biết lo sợ mà phòng bị là việc lúc bấy giờ vậy.

Ngải gửi thư cho Tư mã Văn vương nói rằng: “Việc binh trước hết là phô trương thanh thế sau mới đến việc thực, nay nhân lúc mới bình được Thục nên thừa thế đồ nước Ngô, người Ngô tất rung động kinh hoàng, thế cuốn chiếu là như vậy. Nhưng cất đại quân thiết nghĩ nên để sau này, bởi tướng sĩ mới lao khó nhọc mệt, không nên dùng ngay, hãy tạm hoãn việc ấy lại; nên để hai vạn quân ở lại Lũng Hữu, cùng hai vạn quân Thục, để nấu muối khai mỏ, làm các binh cụ yếu dụng, cho đóng thuyền bè, chuẩn bị sẵn sàng để xuôi dòng mà xuống, rồi sau sai sứ đến nói rõ lợi hại, người Ngô ắt phải quy phục, có thể không cần phải đánh mà cũng bình định được vậy. Nay nên hậu đãi Lưu Thiện lấy đó để nhử Tôn Hưu, yên kẻ sỹ cùng muôn dân để thu lấy bụng người ở xa, nhược bằng đưa ngay Thiện về kinh đô, người Ngô thấy thế, ắt chẳng yên bụng mà đổi tâm chuyển ý. Nên quyền biến mà cho Lưu Thiện ở lại Thục, đợi đến mùa đông năm sau sẽ tính, như thế người Ngô cũng yên lòng. Nay hãy tạm phong cho Lưu Thiện làm Phù phong vương, cho của cải để nuôi đầy tớ, ban cho tả hữu để hầu hạ bên mình. Cho đất riêng để ở như Đổng Trác ở My Ổ khi trước, cho làm cung xá tá túc. Con cái được ở ngôi công hầu, ăn lộc một quận trong huyện, để sáng tỏ ân sủng của quốc gia. Mở rộng cửa nơi Quảng Lăng, Thành Dương nhằm hậu đãi người Ngô, tất họ sẽ phục uy mến đức, ắt trông xa theo gió mà quy hàng cả”.

Văn Vương liền sai Giám quân Vệ Quán bảo Ngải rằng: “Làm việc nên bẩm báo rõ, chẳng nên tự ý thi hành.” Ngải mới nặng lời rằng: “Ta vâng mệnh đi chinh phạt, phụng chỉ nhận kế sách, kẻ đầu sỏ đã phải phục tùng; rất nên được thừa chế mà hành xử, có thế sẽ an lòng kẻ mới theo về, thế mới là hợp lẽ quyền biến. Nay cả nước Thục đã theo vương mệnh, đất đai kéo đến tận Nam Hải, phía Đông tiếp giáp với Ngô Hội, nên sớm vỗ yên. Ví như đợi quốc mệnh, theo đạo lý thông thường, sẽ phải dây dưa ngày tháng. Kinh Xuân Thu có câu rằng, quan đại phu ra ngoài cõi, nếu có thể yên xã tắc, làm lợi cho quốc gia, thì chuyên quyền cũng được. Nay nước Ngô chưa thần phục; thế tất liên kết với Thục, chẳng nên câu nệ đạo thường đánh mất cơ hội. Theo binh pháp, tiến không cầu danh, lui không tránh tội, Ngải này tuy không bằng được người xưa, nhưng chẳng thể nhún mình để thiệt cho nước vậy.”

Bọn Chung Hội, Hồ Liệt, Sư Toản đều thưa rằng Ngải có ý phản nghịch, cố tình làm trái. Chiêu liền gửi thư sai bắt Ngải nhốt vào xe tù.

Nguỵ thị Xuân Thu chép: Ngải ngửa mặt lên trời than rằng: “Ngải này là bậc trung thần, cũng có lúc như thế này ư! Bạch Khởi xưa phải ăn năn, cũng như ta ngày nay vậy.”

Cha con Ngải đã bị bắt tội, Chung Hội vào Thành Đô, trước hết cho áp tải Ngải về kinh, rồi sau dấy loạn. Lúc Hội chết, tướng sĩ trong doanh của Ngải đuổi theo thả Ngải ra khỏi xe tù, rồi đón về. Vệ Quán sai Điền Tục đến giết Ngải, gặp ở phía Tây thành Miên Trúc, chém được. Con Ngải là Trung cũng chết cùng với cha, người con khác ở Lạc Dương cũng bị giết, vợ Ngải cùng cháu đích tôn bị đầy đi tận xứ Tây Vực.

Hán Tấn Xuân Thu chép: Khi trước Ngải xuống đến Giang Du, nhân vì Điền Tục không chịu tiến binh, Ngải muốn chém, may được tha tội. Đến khi Quán sai Tục giết Ngải, mới bảo rằng: “Ta để ngươi báo thù cái nhục ở Giang Du lúc trước”. Đỗ Dự nói với mọi người rằng: “Bá Ngọc kia chẳng đã được thoát tội rồi đấy sao! Thân làm danh sĩ, ngôi vị quá cao, đã chẳng biết làm việc ân đức, lại không biết ngăn kẻ dưới để làm điều ngay thẳng, ấy là tiểu nhân mượn khí độ người quân tử mà thôi, sao có thể gánh vác việc mai sau?” Quán nghe thế, chẳng đợi xa giá tới nơi đã vội vàng tạ lỗi.

Sách Thế ngữ viết: Sư Toản cũng bị chết cùng với Ngải ngày hôm ấy. Toản nóng nảy mà thiếu ân, chết không toàn thây.

Lúc trước, Ngải đương phạt Thục, mộng thấy mình ngồi trên đỉnh núi mà lại thấy nước chảy, mới đem hỏi Điễn lỗ Hộ quân là Viên Thiệu. Thiệu nói rằng: “Kinh Dịch có quẻ rằng, trên núi có nước chảy là Kiển. Quẻ Kiển nói rằng: ‘lợi về mặt Tây Nam, bất lợi về mặt Đông Bắc’. Khổng Tử giảng rằng: “Quẻ Kiển lợi mặt Tây Nam, nghĩa là đi thì có công; Bất lợi ở mặt Đông Bắc, nghĩa là đến đó là đường cùng.” E rằng đi chuyến này tất đánh được Thục, nhưng sợ chẳng trở về được nữa!” Ngải nghe nói rất không vui, tâm trạng bùi ngùi.

Sách Ký châu ký sự của Tuân Xước chép rằng: Thiệu bắt đầu từ chức cán lại, rồi làm đến tận chức Vệ uý. Con trưởng là Hàn, làm Thái thú Hà Đông. Con thứ là Sưởng, làm Đại tư nông. Con út là Thiến, tự là Quân Ấu, tính tình khoan hậu mà có khí phách, có tiếng lúc bấy giờ, từng làm Ký châu Thứ sử, sau Thái tử lấy làm túc vệ luôn mang theo bên mình. Con Hàn là Du, tự Thế Đô, thanh bạch kiên trinh mà cao khiết, có tài bàn xét nghị luận, cùng với Công Tôn Long đàm luận về đạo lý. Lúc còn nhỏ đã nổi danh, được vời vào phủ Thái uý, làm đến chức Thị trung trung thư lệnh, sau đổi làm chức Giám ti. 

Thần Tùng Chi xét rằng: Thoán từ quẻ Kiển (10) nói rằng: “Kiển lợi về mặt Tây Nam, đi phải đúng chính đạo”, không nói rằng: “có công”; dưới lại nói rằng: “Gặp được đại nhân giúp cho mới có lợi, đi thì có công vậy’.

Năm Thái thuỷ nguyên niên, Tấn thất lên ngôi đế, chiếu viết rằng: “Xưa Thái uý Vương Lăng mưu phế Tề vương, mà Vương sau cùng chẳng đủ sức giữ ngôi vị. Chinh Tây tướng quân Đặng Ngải, kiêu căng cậy công mà thất tiết, trọng tội rõ ràng. Đã bị chiếu thư bắt tội, tước bỏ quân quyền, phải bó tay chịu chết, ấy là bởi muốn sinh lòng làm việc ác, mà việc chẳng thành. Nay đại xá xoá bỏ tội trạng, nhược bằng tử tôn không còn nữa sẽ phải tìm người trong họ để tạo lập về sau, lệnh cho phải làm lễ tế tự không để dòng tộc bị tuyệt diệt”.

Năm Thái Thuỷ thứ ba, quan Nghị lang dâng sớ lên bề trên nói rõ việc làm của Ngải rằng: “Ngải mang lòng trung nghĩa mà lại phải gánh tội phản nghịch, có công bình định Ba Thục mà lại bị tru diệt, thần lấy làm thương tiếc lắm. Thương thay, nói rằng Ngải làm phản ư! Ngải vốn tính cương cường nóng nảy, coi rẻ kẻ mạo phạm mà nhã nhặn với người phàm tục, không hoà mình với đồng liêu, vì thế khiến người ta chẳng hài lòng. Thần mạo muội nói rằng Ngải chẳng phải làm phản vậy. Xưa Khương Duy đánh phá tan tành ở Lũng Hữu, Ngải sửa sang việc phòng bị, khiến lương đủ binh cường. Gặp năm hung hạn, Ngải chia thóc lúa cho dân, thân mặc áo thô, tay cầm cầy cuốc, làm gương cho tướng sỹ. Khiến cho trên dưới đều cảm kích, chẳng ai dám không tận lực. Ngải nắm quyền trấn thủ biên cương, thống lĩnh mấy vạn binh, mà không ngã lòng vì gian khó nhọc nhằn, kẻ sĩ dân đi lao dịch, chẳng câu chấp lẽ trung cần, đã mấy ai được như vậy? Việc chiến trận ở Lạc Môn, Đoạn Cốc, lấy ít địch nhiều, mà phá tan được cường địch. Tiên đế biết việc ấy càng tin tưởng, mới uỷ thác cho Ngải kế sách, trao cho việc lớn. Ngải vâng mệnh quên thân, thúc ngựa ruổi xe, xông pha nơi tử địa, dũng khí xung mây, sĩ chúng thừa thế xông lên, khiến vua tôi Lưu Thiện phải cúi mặt, trói tay quỳ gối xin hàng. Ngải công trạng đã thành, danh ấy đáng ghi vào tre lụa, lưu truyền đến vạn đời. Ông già 70 tuổi, sao còn muốn làm phản đây! Tin rằng Ngải chịu ơn mẹ già dưỡng dục chu đáo, tâm ấy chẳng nên ngờ, tuy có lỗi thừa chế (*), nhưng là quyền biến để an xã tắc; dẫu trái đạo thường, nhưng hợp nghĩa xưa, nếu suy cho cùng mà định tội, thật chẳng nên vậy. Chung Hội vốn ghen ghét uy danh của Ngải, mới dựng lên chuyện ấy. Khiến kẻ trung mà bị giết, tín mà bị nghi ngờ, đầu phải treo trên lưng ngựa, con cái đều bị giết thảm, ai nhìn thấy cũng phải cúi đầu, tai nghe thấy đều buông lời than thở. Bệ hạ mới lên ngôi, nên mở lòng đại lượng, cởi bỏ mọi nỗi hiềm kỵ, chẳng nên câu nệ việc trước. Xưa dân Tần thương Bạch Khởi vô tội mà chết, người Ngô thương Tử Tư bị oan khuất mà khóc, đều lập đền thờ. Nay người trong thiên hạ vì Ngải mà thương tâm oán giận, cũng giống như vậy. Thần coi Ngải chết chẳng toàn thây, thân thể vứt bỏ nơi bãi cỏ, nên cho thu nhặt để an táng, trả lại tất cả ruộng vườn. Lấy việc bình Thục làm công lao, cho cháu chắt được nối nghiệp cha ông, sai đóng áo quan mà ban cho thuỵ hiệu, khiến người chết không còn oán hận. Xá tội cho một oan hồn ở dưới hoàng tuyền, lấy được tín nghĩa nơi hậu thế, táng cho một người đã chết mà thu lấy lòng ái mộ của thiên hạ, chôn cất một linh hồn khiến thiên hạ thấy nghĩa mà theo về, mà người vợ goá của Ngải cũng vui lòng, ấy là việc rất nên vậy.”

Năm Thái thuỷ thứ chín, chiếu rằng: “Ngải có công huân, chịu tội mà chẳng bỏ trốn, mà con cháu bị bắt làm dân thường, trẫm vẫn lấy làm thương xót. Nay lấy cháu đích tôn là Lãng làm Lang trung”.

Thời Ngải ở phía Tây, đã cho sửa sang nơi đất hiểm, xây cất thành quách thôn xóm. Năm Thái Thuỷ trung, người Khương dấy loạn lớn, giết chết quan Thứ sử ở đấy, xứ Lương châu bị chia cắt. Riêng dân chúng ở những nơi Ngải xây cất thành quách khi trước, thôn xóm đều được yên bình cả.

Sách Thế ngữ chép: Năm Hàm Ninh trung, triều đình lấy Tích xạ tướng quân Phàn Chấn giữ cửa ngõ phía Tây cự người Nhung, Chấn từ chối, Vũ Đế hỏi Chấn vì sao lại không đi, Chấn tấu trình rằng bởi cháu của Đặng Ngải phạt Thục khi trước bấy giờ đang làm môn hạ dưới trướng ở đó, Đế bèn hỏi về Ngải, Chấn cho rằng Ngải là bậc trung thần, nói rồi nước mắt chảy giàn giụa. Bởi khi trước đã lấy cháu Ngải là Lãng làm lệnh ở huyện Đan Thuỷ, vì thế liền đổi Lãng đến làm lệnh ở đất Định Lăng. Một người cháu khác của Ngải là Thiên Thu bấy giờ cũng là người có danh vọng, được Quang lộc đại phu Vương Nhung lấy làm Duyện. Năm Vĩnh Gia trung, Lãng được cử làm Tân Đô thái thú, chưa kịp đến nhậm chức thì ở Tương Dương xảy ra hoả hoạn lớn, Lãng cùng mẹ già, vợ con bị chết cháy, chỉ có hai con là Thao và Hành thoát nạn. Thiên Thu đã chết trước đó, hai người con của Thu cũng bị chết cháy.

Người cùng làng với Ngải thời ở Nam Dương là Chu Thái, cũng lập nên công nghiệp rỡ ràng, rất khéo việc dụng binh, làm quan đến chức Chinh Lỗ tướng quân, được ban Giả tiết, kiêm quản mọi việc quân sự, làm Đô Đô đốc Giang Nam. Năm Cảnh Nguyên thứ hai chết, được truy tặng chức Vệ tướng quân, thuỵ hiệu là Tráng hầu.

Sách Thế Ngữ chép: Khi trước, Thứ sử Kinh châu là Bùi Tiềm lấy Thái làm Tòng sự, Tư mã Tuyên vương đang trấn giữ Uyển thành, Tiềm mấy lần sai Thái đến chỗ Tuyên Vương, bởi thế Tuyên vương mới biết đến Thái. Đến lúc đánh Mạnh Đạt, Thái lại làm hướng đạo, Vương mới cho gọi Thái. Thái từng phải để trùng tang bố, mẹ và ông, liền chín năm cư tang, Tuyên Vương cho giữ lại một chức quan còn khuyết để chờ bổ nhiệm cho Thái, bổ nhiệm được 36 ngày, lại cất Thái lên làm Thái thú Tân thành. Tuyên Vương thường ví Thái với Hội, khiến Thượng thư Chung Do đùa Thái rằng: “Ngươi rũ áo vải lên nhận việc nơi tể phủ, có 36 ngày mà nắm quyền chỉ huy, cai quản binh mã trong quận; ta xin làm đứa nhỏ theo hầu bên xe, để một lần rong ngựa cho ngươi được chăng?” Thái nói: “Nếu được như thế còn gì hơn nữa. Nhưng ngài là bậc công hầu, chí ít cũng lựa chọn người văn nhã, cớ gì mà theo viên lại, chỉ như con khỉ cưỡi trâu mà thôi, sao mà chậm chạp vậy!” Hết thảy tân khách đều cười rộ. Sau này Thái chuyển qua các chức Thứ sử Duyện châu, Dự châu, công việc ở những nơi đó đều được trù liệu chu đáo cả.

Chú thích:
(1) Cán tá: Giúp việc.
(2) Duyện: Tức là người phụ tá chuyên giúp việc.
(3) Nhung Địch là những bộ tộc Rợ ở phía Bắc và Tây Bắc vùng Hoa Hạ.
(4) Hiểm Duẫn là chỉ các tộc người rợ phương Bắc.
(5) Hiền Vu tức là vua tộc Hung Nô, cũng là một bộ tộc lớn phương Bắc, sau này là Mông Cổ.
6) Tức Tào Mao.
(7) Hành tức là trông coi việc.
(8) Trương Tuân là con Trương Bào, cháu Trương Phi.
(9) Kình ngê tức là cá voi cá kình.
(10) Nguyên văn lời thoán trong Kinh dịch về quẻ Kiển là ‘lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc, lợi kiến đại nhân, trinh cát’. Tức là Đi về Tây Nam thì lợi, đi về Đông Bắc sẽ bất lợi. Gặp đại nhân giúp mới được lợi, bền giữa chính đạo thì mới tốt. Ở đây cụ Bùi Tùng lý giải rõ quẻ Kiển khác với lời mà cụ Trần Thọ dẫn qua lời nhân vật Viên Thiệu nói về quẻ Kiển với Đặng Ngải.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.