Header Ads

Tang Bá Truyện


Tang Bá tự Tuyên Cao, người quận Thái Sơn huyện Hoa. Cha là Giới, làm phó cai ngục ở huyện, quan Thái thú sở tại muốn giết người theo ý riêng, Giới giữ phép không theo. Thái thú cả giận, lệnh cho người bắt Giới đến phủ nha, lúc ấy có hơn trăm người đưa tiễn. Bá năm ấy mười tám tuổi, dẫn mấy chục người khách men lối tắt trong núi Bỉ Tây muốn cướp cha lại, những người đi theo Giới chẳng ai không cảm động, nhân đó Bá cùng cha trốn nạn ra Đông Hải, bởi thế Bá nổi danh là hùng tráng và dũng liệt

Quân Hoàng Cân nổi dậy, Bá theo Đào Khiêm đánh phá giặc, được bái làm Kỵ đô uý. Rồi thu nhặt binh sĩ ở Từ Châu, cùng với bọn Tôn Quan-Ngô Đôn-Doãn Lễ tập hợp quân lính, Bá làm thống lĩnh, đóng binh ở Khai Dương. Thái tổ đi đánh Lã Bố, bọn Bá dẫn binh đến tương trợ Bố. Đến lúc Bố bị bắt, Bá bỏ trốn. Thái tổ cho yết bảng tìm bằng được Bá, lúc gặp mặt rất hài lòng, sai Bá đi chiêu hàng bọn Ngô Đôn-Doãn Lễ-Tôn Quan và anh của Quan là Khang, chúng đều đến chỗ Thái tổ. Thái tổ lấy Bá là Lang Nha tướng, Đôn làm Thái thú Lợi Thành, Lễ làm Thái thú Đông Hoàn, Quan làm Thái thú Bắc Hải, Khang làm Thái thú Thành Dương, cắt hai châu Thanh-Từ, uỷ thác các việc ở đó cho Bá.

Thái tổ tới ở Duyện châu, dùng Từ Hấp-Mao Huy làm tướng. Đến khi Duyện châu có loạn, Hấp-Huy đều làm phản. Về sau Duyện Châu yên định, Hấp-Huy bỏ trốn đến hàng Bá. Thái tổ bảo đến kêu với Lưu Bị(1), lại sai người bảo Bá đưa hai kẻ có tội đến. Bá nói với Bị rằng: "Bá này nếu như có thể tự quyết định được, thì đã chẳng phải làm thế này. Bá chịu cái ơn sinh toàn của chủ công, chẳng dám trái mệnh. Nhưng ngài là bậc vương bá có thể trình bày rõ được đạo nghĩa, xin tướng quân hãy giúp cho vài lời." Bị đem lời của Bá bạch với Thái tổ, Thái tổ than thở, bảo Bá rằng: "Đấy là việc làm của cổ nhân mà ngươi có thể làm được, Cô tha thứ cho ngươi." Rồi lại cho cả Hấp và Huy làm Quận thú.

Thời Thái tổ đương cùng Viên Thiệu chống giữ nhau, Bá mấy lần đưa tinh binh xâm nhập Thanh châu, nên Thái tổ được chuyên chú vào việc chống Thiệu, chẳng phải nghĩ đến việc ở phương Đông. Thái tổ phá Viên Đàm ở Nam Bì, bọn Bá họp mặt chúc tụng. Bá nhân đó xin phái con em cùng cha anh chư tướng đưa gia quyến đến huyện Nghiệp. Thái tổ nói: "Lòng trung hiếu của các ông, há cứ phải ở chỗ này! Xưa kia Tiêu Hà phái mười hai đệ tử vào hầu, mà Cao tổ chẳng cự tuyệt, Cảnh Thuần đốt nhà khiêng áo quan đi theo, mà Quang Vũ chẳng đón nhận, ta phải làm gì để ngươi đổi ý đây!"


Đông châu nhiễu loạn, bọn Bá tuyển nghĩa binh đánh dẹp, Hải Đại ở Thanh Định, Đại Yên ở Công Mạc, đều được phong là Liệt hầu. Bá được phong làm Đô đình hầu, thêm chức Uy lỗ tướng quân. Lại cùng với Vu Cấm đi đánh dẹp Xương Hi, cùng Hạ Hầu Uyên đánh dẹp dư đảng giặc Hoàng Cân ở Từ châu, có công, được thăng chức Thứ sử Từ châu.

Người ở nước Bái là Vũ Chu làm Hạ Bi lệnh, Bá kính trọng  Chu khác thường, thân đến tận lệnh xá. Người đứng đầu bộ Tòng sự làm việc không có khuôn phép, Chu biết được lỗi ấy, liền bắt đem ra xét tội, Bá càng quý trọng  Chu  hơn.

Bá theo đi đánh Tôn Quyền, xông lên phía trước, lại xâm nhập Sào Hồ, tấn công Cư Sào, đánh được. Trương Liêu đi đánh Trần Lan, Bá được biệt phái đến đất Hoán, đánh tướng Ngô là Hàn Đương, khiến Quyền không cứu được Lan. Đương phái binh đón đánh Bá, Bá tham chiến ở Phùng Long, Đương lại phái binh đón đánh Bá ở Giáp Thạch, Bá lại tham chiến phá tan quân ấy. rồi lui về đóng quân ở huyện Thư. Quyền phái mấy vạn quân đến đóng ở Thư khẩu, chia binh đi cứu Lan, binh kia nghe tin quân của Bá đang ở huyện Thư, liền trốn về. Bá đuổi theo ngay trong đêm, gần sáng, đuổi được hơn trăm dặm, chặn đánh phía trước đang quân giặc. Giặc quẫn bách, không lên được thuyền, ngã xuống sông rất nhiều. Bởi thế quân giặc không cứu được Lan, Liêu mới phá được bọn ấy.

Bá lại theo đi đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu khẩu, cùng với Trương Liêu làm tiên phong, lúc hành quân gặp mưa rào, đại quân chưa tiến kịp, nước sông dâng cao, thuyền địch tiến lên được một chút, tướng sĩ đều bất an. Liêu muốn bỏ về, Bá ngăn lại nói: "Công Minh ở Lợi Độn, sao đành lòng bỏ bọn ta được?" Hôm sau quả nhiên có lệnh. Liêu đến, kể việc ấy với Thái tổ. Thái tổ khen ngợi Bá, bái làm Dương uy tướng quân, ban cho Giả tiết. Về sau Quyền xin hàng, Thái tổ quay về, lưu Bá cùng bọn Hạ Hầu Đôn đóng quân ở Cư Sào.

Văn đế lên tức vương vị, thăng Bá làm Trấn đông tướng quân, tiến tước Vũ An Hương hầu, đô đốc các việc quân sự ở Thanh châu. Đến khi lên ngôi đế, tiến phong Bá làm Khai Dương hầu, lại đổi phong tước Lương Thành hầu. Cùng với Tào Hưu đi đánh giặc Ngô, phá Lã Phạm ở Động Phổ, được vời về làm Chấp kim ngô, ngôi vị Đặc tiến(2). Mỗi khi có việc quân, Đế thường hỏi ý Bá.

Nguỵ lược chép: Bá có một tên là Nô khấu. Tôn Quan tên là Anh tử. Ngô Đôn là Ảm nô. Doãn Lễ là Lô nhi(3). Năm Kiến An thứ hai mươi bốn, Bá sai một cánh quân đóng ở Lạc huyện. Lúc Thái tổ mất, quân Thanh châu nơi dinh sở của Bá đóng, cho rằng thiên hạ sắp loạn, cùng nhau thúc trống bỏ đi. Văn đế lên tức vị, lấy Tào Hưu làm Đô đốc Thanh-Từ, Bá bảo Hưu rằng: "Quốc gia chưa hề theo lời Bá! Nếu như Bá có vạn quân bộ kỵ, hẳn có thể hoành hành ở Giang Biểu." Hưu nói lời ấy với Đế, Đế ngờ là quân của Bá trước đây bỏ đi, nay xem chừng đã lớn mạnh mới tỏ ý như thế! Bèn đi tuần thú phía Đông, nhân lúc Bá về triều liền tước đoạt binh quyền của Bá.

Minh đế lên tức vị, tăng thực ấp cho Bá thêm năm trăm hộ, cộng cả lúc trước là ba nghìn năm trăm hộ. Chết, được ban thuỵ hiệu là Uy hầu. Con là Ngải nối tự.

Nguỵ thư chép: Ngải lúc nhỏ được khen là giỏi nhạc lý, làm Hoàng môn lang, từng giữ chức Quận thú.

Ngải làm quan đến chức Thứ sử Thanh châu, Thiếu phủ. Ngải chết, được ban thuỵ là Cung hầu. Con là Quyền nối tự. Bá trước sau nhiều công lao, có ba người con được phong làm Liệt hầu, một người được ban tước Quan nội hầu.

Một con của Bá là Tuấn, tự Thái Bá, thời nhà Tấn làm Tán kỵ thường thị, được biết đến ở Bách quan danh thời Vũ đế. Bát quan danh này, chẳng biết ai soạn ra, đều có đề mục, có khen vua Thuấn là "tài dĩnh điều sướng, thức tán thì nghi.*"

Còn Tôn Quan cũng làm quan đến chức Thứ sử Thanh châu, được ban Giả tiết, theo Thái tổ đi đánh Tôn Quyền, khi chiến đấu bị thương, chết. Con là Dục nối tự, cũng làm đến chức Thứ sử Thanh châu.

Nguỵ thư chép: Tôn Quan tự Trọng Thai, người quận Thái Sơn. Cùng nổi dậy với Tang Bá, đánh dẹp Hoàng cân, được bái làm Kỵ đô uý. Thái tổ phá Lã Bố, sai Bá đi chiêu hàng anh em Quan, đều được đãi ngộ rất hậu. Quan cùng với Bá đều đi chinh phạt, Quan thường xông lên trước, đi chinh chiến bình định đảng tặc ở Thanh-Từ, công lao cũng như Bá, được phong là Lữ Đô Đình hầu. Tôn Khang cũng có công được phong làm Liệt hầu. Quan cùng với Thái tổ gặp gỡ ở Nam Bì, rồi đưa con em tới nhập cư ở huyện Nghiệp, Quan được bái làm Thiên tướng quân, lại thăng làm Thứ sử Thanh châu. Theo đi đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu khẩu, được ban Giả tiết. Lúc vây đánh Quyền, vì trúng tên, bị thương ở chân trái, cố sức chiến đấu không nghĩ đến vết thương, Thái tổ an uỷ nói: "Tướng quân bị thương rất nặng, mà mãnh khí lại càng phấn chấn, chẳng phải là người vì nước yêu thân sao?" Được chuyển làm Chấn uy tướng quân, vết thương quá nặng, sau chết.

Chú thích:
(1) Khi ấy Lưu Bị đang nương nhờ Tào Tháo.
(2) Đây không phải là một chức quan chính thức, chỉ phong cho những người có địa vị đặc biệt, ở trong triều chỉ dưới ngôi Tam công.
(3) Không biết đoạn mà Nguỵ lược chép tên mấy người ấy nên cắt nghĩa thế nào, đành tạm hiểu như đây là những biệt danh mà người đương thời đặt cho bốn người ấy, là quân kẻ cướp, là thằng nhãi, là gã mặt đen, là thằng bé đen đúa. Có lẽ là đặt tên theo dáng vóc, nét mặt, hàm ý chê bai.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.