Header Ads

Tôn Sâm Truyện


Tôn Sâm tự Tử Thông, là người cùng tổ với Tuấn. Cha Sâm là Xước làm An dân Đô úy. Sâm lúc đầu làm Thiên Tướng quân, lúc Tuấn chết, làm Thị trung Vũ vệ Tướng quân, lĩnh các việc quân trong ngoài, thay nắm việc triều đình. Lữ Cứ nghe tin ấy thì cả giận, cùng đề tên với các tướng lại tiến cử Đằng Dận làm Thặng tướng, Sâm lại cho Dận làm Đại Tư mã, thay Lữ Đại đóng giữ Vũ Xương. Cứ dẫn quân về, sai người báo cho Dận, muốn cùng phế Sâm. Sâm nghe tin, sai anh họ là Hổ đem quân chặn Cứ ở Giang Đô, lệnh Trung sứ sai bọn Văn Khâm, Lưu Toản, Đường Tư hợp quân đánh Cứ, sai Thị trung Tướng quân Hoa Dung, Trung thư thặng Đinh Yến lệnh Dận bắt Cứ, cùng dụ ý Dận nên nhanh bỏ đi. Dận tự thấy họa đến, nhân đó bắt giữ Dung, Yến, đem quân tự giữ, gọi Điển quân Dương Sùng, Tướng quân Tôn Tư, báo việc Sâm gây loạn, ép bọn Dung viết thư về kể tội Sâm. Sâm không nghe, tấu nói Dận làm phản, phong tước cho Tướng quân Lưu Thặng, sai đem quân kị nhanh vây đánh Dận. Dận lại cướp bọn Dung đi, sai viết chiếu giả phát binh. Bọn Dung không nghe, Dận liền giết họ.

《Văn sĩ truyện》 viết: Hoa Dung tự Đức Nhuy, người huyện Giang Đô quận Quảng Lăng. Ông nội tránh loạn ở dưới núi Nhị huyện Sơn Âm. Bấy giờ Hoàng Tượng cũng ẩn náu ở huyện Sơn Âm, người quận Ngô là Trương Ôn đến chỗ Tượng theo học, muốn đến chỗ ấy. Có người bảo Ôn rằng: "Dưới núi Nhị có Hoa Đức Nhuy dẫu tuổi trẻ mà có đức cao chí lớn, đến học được". Ôn bèn đến nhà Dung, sớm tối giảng luận. Chốc lâu, Ôn làm Tuyển bộ Thượng thư, bèn tiến cử Dung làm Thái tử Thứ tử, do đó được hiển đạt nổi danh. Con Dung là Tư, làm Hoàng môn lang, cùng bị hại với Dung. Con út là Đàm, có tài biện luận, thời nhà Tấn làm Bí thư giám.

Dận giữ vẻ mặt không đổi, cười nói như thường, có người khuyên Dận dẫn quân đến cửa Thương Long, tướng sĩ thấy Dận đi ra thì tất bỏ Sâm đến chỗ Dận vậy. Bấy giờ đã nửa đêm, Dận đợi hẹn với Cứ, lại khó đem quân vào cung, bèn hạ lệnh bộ khúc ở yên, nói là Lữ Hầu đã ở gần bên đường, do đó đều vì Dận mà chết cả không có ai thoát được. Bấy giờ có gió lớn, hửng sáng, Cứ không đến, quân Sâm hội tụ, bèn giết Dận và mấy chục tướng sĩ, giết ba họ của Dận.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Tôn Sâm dẫu ác nghịch, nhưng vốn không có hiềm khích với Đằng Dận, nếu Dận tạm theo ý của Sâm, ra giữ Vũ Xương thì há bị cái họa giết chóc kia? Lúc ấy vẫn giữ được tốt lành. Vậy mà phạm lấn vào chỗ nguy, tự chuốc lấy di diệt. Thương thay!

Sâm chuyển làm Đại Tướng quân, Giả tiết, phong Vĩnh Ninh Hầu, dựa vào chức cao, nhiều lần vô lễ. Lúc trước, em họ của Tuấn là Lự từng cùng mưu giết Gia Cát Khác, Tuấn rất coi trọng, cho làm đến Hữu Tướng quân, Vô Nạn Đốc, trao cho ô lọng, coi việc ở các cung. Sâm đối đãi Lự bạc bẽo hơn thời Tuấn, do đó Lự giận, cùng Tướng quân Vương Đôn mưu giết Sâm. Sâm giết Đôn, Lự uống thuốc độc chết.

Đại tướng quân Gia Cát Đản của nhà Ngụy đem quân trong thành Thọ Xuân làm phản, giữ thành xin hàng. Vua Ngô sai bọn Văn Khâm, Đường Tư, Toàn Đoan, Toàn Dịch đem ba vạn quân cứu Đản. Trấn nam Tướng quân Vương Cơ của nhà Ngụy vây Đản, bọn Khâm phá vây vào thành. Nhà Ngụy tăng thêm hơn hai mươi vạn quân trong ngoài đến vây Đản. Chu Dị đem ba vạn quân đóng giữ ở thành An Phong, giúp oai cho Văn Khâm. Duyện Châu Thứ sử Trần Thái của nhà Ngụy chống Dị ở Dương Uyên, Dị thua chạy, bị Thái đuổi đánh, chết thương hai nghìn người. Do đó Sâm phát đại quân ra đóng đồn ở Hoạch Lí, lại sai Dị đem bọn Tướng quân Đinh Phụng, Lê Phỉ dẫn năm vạn quân đánh quân Ngụy, để đồ xe nặng ở Đô Lục. Dị đóng đồn ở Lê Tương, sai bọn Tướng quân Nhậm Độ, Trương Chấn chọn sáu nghìn quân dũng cảm đến phía tây đồn sáu dặm mà làm cầu nổi nhân buổi đêm vượt sông, dựng trại hình nửa mặt trăng, bị Giám quân Thạch Bao của nhà Ngụy đánh phá, liền rút quân về chỗ cao. Dị lại làm rương xe đến vây thành Ngũ Mộc. Bao, Thái đánh Dị, Dị thua rút về, nhưng Thái Sơn Thái thú Hồ Liệt của nhà Ngụy lại đem năm nghìn quân mượn đường đánh úp Đô Lục, đốt sạch đồ lương thực của Dị. Sâm trao ba vạn quân cho Dị, sai liều chết mà đánh, Dị không theo, Sâm chém Dị ở Hoạch Lí, lại sai em là Ân đến cứu, gặp lúc Đản thua trận bèn rút quân về. Sâm đã không cứu được Đản, lại làm tổn hại quân sĩ, tự giết tướng giỏi, chẳng ai không oán giận.


Sâm thấy Tôn Lượng bắt đầu tự thân nắm chính trị, nhiều chỗ xét hỏi, rất lo sợ. Về đến Kiến Nghiệp, xưng bệnh không chầu, dựng nhà ở phía nam cầu Chu Tước, sai em là Uy viễn Tướng quân Cứ vào cung Thương Long làm Túc vệ, em là Vũ vệ Tướng quân Ân, Thiên Tướng quân Cán, Trường thủy Hiệu úy Khải chia ra đóng giữ các trại, muốn để chuyên quyền tự giữ. Trong lòng Lượng hiềm Sâm, lại nghĩ Lỗ Dục bị giết không rõ tội, trách giận Hổ Lâm Đốc là Chu Hùng, em Hùng là Ngoại bộ đốc Chu Tổn theo giúp Tôn Tuấn, bèn sai Đinh Phụng giết Hùng ở Hổ Lâm, giết Tổn ở Kiến Nghiệp. Sâm vào can ngăn nhưng không nghe, Lượng lại cùng công chúa Lỗ Ban, Thái thường Toàn Thượng, Tướng quân Lưu Thặng bàn mưu giết Sâm. Vợ Lượng là con gái của chị họ Sâm vậy, đem mưu ấy báo cho Sâm. Sâm đem quân buổi đêm đánh úp Toàn Thượng, sai em là Ân giết Lưu Thặng ở ngoài cửa Thương Long, rồi vây cung.

《Giang Biểu truyện》 viết: Lượng gọi con của Toàn Thượng là Hoàng môn Thị lang Kỉ ngầm mưu rằng: "Tôn Sâm chuyên quyền, khinh thường cả trẫm. Ta đã hạ lệnh, sai người nhanh lên bờ cứu giúp bọn Đường Tư, lại ở lại trong hồ, không lên bờ một bước. Lại đổ lỗi cho Chu Dị, tựý giết công thần, không dâng biểu lên trước. Dựng nhà ở phía nam cầu, không chịu vào chầu. Đấy là phóng túng, không biết sợ ai nữa, không nên để lâu. Nay theo phép mà bắt lấy hắn, cha khanh là Trung quân Đô đốc, sai chỉnh đốn quân sĩ nghiêm ngặt, trẫm sẽ tự ra đến cầu, đem quân túc vệ hổ bôn, hai mặt trái phải cùng lúc vây đánh hắn. Viết chiếu thư sai các bộ tướng của Sâm phải giải tán, không được phát động, lúc đó sẽ tự bắt được. Khanh đi ra chỉ nên giữ kín mà thôi. Khanh nên báo cho cha khanh, chớ báo cho mẹ khanh biết được, đàn bà đã không hiểu việc lớn, vả lại là chị họ của Sâm, không hẹn mà tiết lộ, sẽ làm làm hỏng việc của trẫm vậy". Kỉ vâng chiếu, đến báo cho Thượng, Thượng không lo xa, báo cho mẹ Kỉ biết. Mẹ Kỉ liền sai người ngầm báo cho Sâm. Đêm đó Sâm phát binh phế Lượng, vừa sáng, quân đã vây cung. Lượng cả giận, trèo lên ngựa, cầm roi đeo cung muốn ra, nói: "Ta là người nối nghiệp của Đại Hoàng Đế, giữ ngôi đã năm năm, ai dám không theo phục"? Thị trung cận thần và vú nuôi cùng giằng tay ngăn lại, bèn không ra được, khóc lóc ba ngày không ăn, mắng vợ mình rằng: "Cha ngươi ngu dốt, làm hỏng việc lớn của ta rồi"! Lại gọi Kỉ đến, Kỉ nói: "Cha thần vâng chiếu mà không cẩn thận, làm hỏng việc của chúa thượng, thần không còn mặt mũi nào nhìn người khác nữa"! Rồi tự sát. Tôn Thịnh nói: "《Tôn Lượng truyện》 chép Lượng thuở nhỏ thông minh, việc tất mưu với Kỉ trước mà không mưu với vợ trước là biết vậy. 《Giang Biểu truyện》 chép là việc tiết lộ là có nguyên nhân, như việc này là rõ rồi".

Sai Quang lộc huân Mạnh Tông tuyên cáo việc phế Lượng ở tông miếu, gọi bầy tôi đến bàn rằng: "Vua nhỏ xấu xa hôn loạn, không nên giữ ngôi cao, nay ở tông miếu báo cho Tiên đế việc phế bỏ, các ông nếu không vừa ý hãy bàn bạc". Đều sợ hãi, nói: "Xin theo lệnh của Tướng quân". Sâm sai Trung thư lang Lí Sùng đoạt lấy ấn thao của Lượng, đem tội của Lượng ban bố khắp gần xa. Thượng thư Hoàn Di không chịu tin tội ấy, Sâm giận mà giết đi.

《Hán Tấn Xuân thu》 viết: Di là em của Thượng thư lệnh Hoàn Giai vậy. 

《Ngô lục》 viết: Tấn Vũ Đế hỏi Tiết Oánh về các danh thần của nước Ngô, Oánh đáp khen Di có khí tiết trung trinh. 

Điển quân Thi Chính khuyên Sâm lập Lang Nha Vương là Hưu, Sâm nghe theo, sai Tông chính Khải tấu thư cho Hưu rằng: "Sâm có tài kém, được trao chức lớn, không giúp đỡđược Nhà vua. Từ tháng trước đến nay, nhều lần chọn lập, người thân cận là Lưu Thặng vui mừng tỏ ra mặt, phát con gái của quan dân, chọn người đẹp trong số đó đưa vào trong cung, lấy con em binh lính từ mười tám tuổi trở lên được hơn ba nghìn người, luyện tập ở trong vườn, suốt ngày qua đêm, lớn nhỏ hô gọi, chặt mâu khích trong kho hơn năm nghìn chiếc để làm đồ vui chơi. Chu Cứ là bầy tôi cũ của Tiên đế, con trai là Hùng, Tổn đều nối nghiệp của cha, dốc hết lòng trung nghĩa, ngày xưa giết Chu công chúa, từ đấy bị Toàn công chúa ghét, Đế lại không xét rõ gốc ngọn mà giết Hùng, Tổn, can ngăn cũng chẳng nghe, bầy tôi chẳng ai không than thở. Đế làm hơn ba trăm chiếc thuyền ở trong cung, lấy vàng bạc gắn vào, sai thầy mo ngày đêm hát múa không dứt. Thái thường Toàn Thượng nhiều đời nhận ân trên lại không giúp đỡ họ hàng tông thất, khiến cho bọn Toàn Đoan bỏ thành hàng Ngụy. Chức quan của Thượng rất trọng, lại không có một lời can ngăn Nhà vua, lại còn qua lại với kẻ địch, khiến cho nhà nước lung lay, thần sợ sẽ làm xã tắc nghiêng đổ, bèn xét theo phép cũ, tụ họp các Vương hầu, liền hẹn đến ngày hai mươi bảy tháng này bắt Thượng, chém Thặng, giáng Đế làm Cối Kê Vương, sai Khải vâng lệnh đến đón. Trăm quan ngưỡng trông, đợi ở bên đường".

Sâm sai tướng quân Tôn Đam đem Lượng đến nước(31), đày Thượng đến Linh Lăng, dời công chúa đến Dự Chương. Ý Sâm càng phóng túng, thường ép lấn dân chúng, rồi đốt miếu thờ Ngũ Tử Tư ở đầu cầu lớn, lại phá chùa Phù Đồ, (32) chém người theo đạo. Hưu đã lên ngôi, xưng là bầy tôi nơi đồng cỏ đến cửa khuyết dâng thư rằng: "Thần cúi mình tự xét, tài chẳng giúp được nước, vì làm tim bụng mà được nắm chức cao nhất của bậc bầy tôi, tổn hại vua trên, tội lỗi rõ rệt, thiếu sót càng thêm, ngày đêm sợ hãi. Thần nghe nói trời cũng giúp người thành thật, tất cứu đỡ người có đức, cho nên U, Lệ(33) làm mất đức thì Chu Tuyên Vương(34) trung hưng, Bệ hạ có đức thánh nên được nối nghiệp chính thống, được tôi hiền giúp đỡ, nêu cao tiếng đẹp. Dẫu thời vua Nghiêu cường thịnh vẫn tìm cầu Tắc, Tiết(35) giúp đỡ để nêu rõ đức sáng vậy. Người xưa có nói: 'Nếu có tài thì làm quan, không có tài thì thôi'. Thần tài hèn sức kém, không có ích cho chính trị, kính dâng ấn thao tiết việt, lui về ruộng vườn để tránh con đường làm quan của người hiền". Hưu dẫn đến an ủi, lại hạ chiếu rằng: "Trẫm không có đức, giữ ở phên dậu, kịp gặp thời mà được công khanh trăm quan đến đón, về nối giữ tông miếu. Trẫm thêm lo lắng, như lội vực sâu. Đại Tướng quân giữ lòng trung trinh, cứu nguy dẹp nạn, vỗ yên xã tắc, công huân hiển hách. Ngày xưa Hán Hiếu Tuyên lên ngôi, Hoắc Quang(36) được vinh hiển, khen đức thưởng công, đấy là lẽ thường xưa nay vậy. Nay lấy Đại tướng quân làm Thặng tướng, Kinh Châu Mục, thực ấp năm huyện". Ân làm Ngự sử Đại phu, Vệ Tướng quân, Cứ làm Hữu Tướng quân, đều phong Huyện hầu. Cán làm Tạp hiệu Tướng quân, phong Đình hầu, Khải cũng phong làm Đình hầu. Một nhà Sâm có năm người phong tước hầu, đều nắm quân cấm vệ, quyền lấn cả vua, từ khi nước Ngô lập nước đến đấy chưa từng có vậy.

Sâm đem trâu rượu đến chỗ Hưu, Hưu không nhận, đem đến chỗ Tả Tướng quân Trương Bố; mời rượu, nói lời oán giận rằng: "Lúc trước vào thời phế vua nhỏ, nhiều lần khuyên ta tự làm lấy. Ta thấy Bệ hạ hiền minh cho nên đón về. Nếu Đế không có ta thì chẳng được lập, nay dâng lễ vật lại từ chối, đấy là coi ta không khác gì bầy tôi tầm thường vậy, ta sẽ mưu đổi vua thôi". Bố đem lời ấy báo cho Hưu, Hưu mang giận trong lòng, nhưng sợ có biến, nhiều lần ban thưởng, lại bái thêm Ân làm Thị trung, cùng Sâm coi xét văn thư. Có kẻ báo việc Sâm mang lòng oán giận vua trên mà muốn làm phản, Sâm bắt người ấy trao cho Sâm, Sâm giết người ấy, do đó thêm lo, nhân lúc Mạnh Tông xin ra đóng giữ Vũ Xương, Hưu hứa cho, đem hết hơn vạn quân tinh nhuệ trong các trại cho Tông, sai đều luyện tập, đồ vũ khí trong kho tàng mà mình giữ đều cấp cho dùng.

《Ngô lịch》 viết: Sâm xin làm Trung thư lưỡng lang, trông coi việc các quân Kinh Châu, người chủ việc tấu là không nên cho quan Trung thư ra ngoài, Hưu vẫn nghe lời Sâm, những thứ mà Sâm xin làm đều cấp cho cả.

Tướng quân Ngụy Mạc khuyên Hưu rằng: "Sâm ở ngoài tất có biến". Vũ vệ sĩ là Thi Sóc lại báo nói: "Sâm có ý làm phản". Hưu ngầm hỏi Trương Bố, Bố và Đinh Phụng mưu hẹn giết Sâm.

Ngày đinh mão tháng mười hai năm Vĩnh An thứ nhất, trong thành Kiến Nghiệp có câu hát nói là sắp có biến, Sâm nghe tin, không vui. Buổi đêm có gió lớn thổi cây lá xào xạc, cát bụi mù mịt, Sâm thêm sợ. Vào ngày chạp mậu thìn, Sâm xưng bệnh. Hưu cố gọi đến, hơn mười bọn sứ giả đến mời, Sâm bất đắc dĩ, sắp vào, mọi người can ngăn, Sâm nói: "Nhà nước có phép thường, không thể chối. Nên phòng bị quân sĩ, sai người trong phủ nổi lửa, lúc đó thì mới được về nhanh". Bèn vào, rồi có lửa nổi, Sâm xin ra, Hưu nói: "Quân ở ngoài giữ nhiều, không đáng phiền đến Thặng tướng vậy". Lâm đứng dậy rời chiếu, Phụng, Bố liếc mắt sai tả hữu bắt trói Sâm. Sâm rập đầu nói: "Xin đày đi Giao Châu". Hưu nói: "Sao khanh không đày Đằng Dận, Lữ Cứ"? Sâm lại nói: "Xin giáng làm nô lệ của quan lại". Hưu nói: "Sao không lấy Dận, Cứ làm nô lệ"! Rồi chém Sâm, đem đầu Sâm bảo cho quân sĩ rằng: "Những kẻ cùng mưu với Sâm đều được tha". Do đó tha năm nghìn người. Khải cưỡi thuyền muốn lên phía bắc hàng Ngụy, đuổi giết được, diệt ba họ. Phá quan quách của Tôn Tuấn, thu lấy ấn thao, chặt quan rồi chôn lại, vì đã giết bọn Lỗ Dục vậy.

Sâm chết lúc hai mươi tám tuổi. Hưu thẹn vì là cùng họ với Tuấn, Sâm, liền xóa tên ra khỏi dòng họ, gọi họ là Cố Tuấn, Cố Sâm. Hưu lại hạ chiếu rằng: "Gia Cát Khác, Đằng Dận đại khái không có tội mà bị anh em Tuấn, Sâm giết hại, rất là đau lòng, mau cho táng lại, đều cúng tế cho họ. hững người khác vì việc của Khác mà bị đày đến phương xa đều cho gọi về".

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.