Header Ads

Hứa Chử Truyện


Hứa Chử tự Trọng Khang, người huyện Tiếu nước Tiếu (1). Người cao hơn tám thước, eo rộng mười vi (2), dung mạo hùng vĩ, dũng lực hơn người. Cuối đời Hán, tụ tập thiếu niên và người trong tông tộc mấy ngàn nhà, cùng xây thành vững chống giặc cỏ. Khi hơn vạn quân giặc của Cát Pha ở Nhữ Nam(3) tới đánh thành của Chử, Chử ít người không địch nổi, sức lực cạn kiệt. Tên cũng dùng hết, bèn lệnh cho nam nữ trong thành đi tìm những hòn đá to bằng cái đầu chày về đặt ở bốn góc. Chử lấy đá ném ra, kẻ bị trúng đều chết ngay. Giặc không dám tiến nữa. Chử thiếu lương, bèn giàn hòa với giặc, lấy bò đổi lấy lương thực của giặc, giặc tới lấy bò đi, bò lại chạy trở về. Chử lao ra trước trận, một tay kéo ngược đuôi bồ, đi hơn trăm bước. Giặc đều sợ hãi, không dám lấy bò mà rút đi luôn. Từ đó giặc ở các vùng Hoài(4), Nhữ(5), Trần(6), Lương(7) đều nghe danh mà sợ hãi.

Khi Thái Tổ đi đánh Hoài, Nhữ, Chử dẫn quân đi theo Thái Tổ. Thái Tổ thấy Chử khỏe mạnh liền nói: “Ngươi thực là Phàn Khoái(8) của ta.” Lập tức phong làm Đô úy, cho làm phụ tá. Các hiệp khách đi theo Chữ cùng đều được phong làm Hổ sĩ. Từng theo đi đánh Trương Tú, đi đầu, chém được hơn vạn thủ cấp, được thăng lên làm Hiệu úy. Từng theo đi đánh Viên Thiệu ở Quan Độ(9). Lúc đó, bọn Từ Tha thường theo hầu (Thái Tổ) có ý làm phản, thấy Chử thường ở bên hầu hạ, sợ không dám phát. Đợi đến ngày nghỉ của Chử, chúng giấu đao vào ngực mà đi vào. Chử về đến nhà thì trong lòng cảm thấy kinh sợ, lập tức quay lại hầu hạ. Bọn Tha không biết, vào trướng thấy Chử thì đều rất kinh ngạc, sắc mặt biến đổi, Chử phát giác ra, lập tức giết chết bọn Tha. Từ đó Thái Tổ liền coi như thân tín, ra vào cùng đi, không rời nửa bước. Từng vây đất Nghiệp, lập được công lao, được ban tước quan Nội hầu. Từng theo đánh Hàn Toại, Mã Siêu ở Đồng Quan(10). Thái Tổ sắp vượt sông lên phía bắc, đến bờ sông, binh qua trước, một mình cùng Chử và hơn trăm Hổ sĩ lưu lại bờ nam đoạn hậu. Siêu dẫn hơn vạn quân bộ kỵ, lao thẳng tới quân của Thái Tổ, tên bắn tới như mưa. Chử nói với Thái Tổ : “Giặc đến nhiều, giờ quân đã qua sông hết, nên đi!” Giặc đánh gấp, quân sĩ tranh nhau qua sông, thuyền nặng sắp chìm. Chử chém kẻ bám vào thuyền, tay trái đưa cái yên ngựa lên che cho Thái Tổ. Người chèo thuyền bị trúng tên chết, Chử lấy tay phải đẩy thuyền, nhờ đó mới qua sông được. Ngày đó, nếu không có Chử thì đã nguy hiểm rồi. Sau này Thái Tổ và Toại, Siêu hội đàm riêng, tả hữu đều không được đi theo, duy chỉ mang Chử. Siêu cậy sức mạnh, muốn lao lên trước đánh Thái Tổ, nghe tiếng Chử khỏe, nghi tùy tùng kia là Chử, bèn hỏi Thái Tổ: “Hổ Hầu của ngài có ở đây chăng?” Thái Tổ chỉ vào Chử, Chử bèn trợn trừng mắt nhìn Siêu. Siêu không dám động, hai bên lại trở về trại của mình. Mấy ngày sau chiến đấu, đại phá bọn Siêu, Chử chém được nhiều thủ cấp, được phong làm Võ vệ trung lang tướng. Danh hiệu Võ Vệ chính là có được từ đây. Trong quân thấy Chử sức mạnh như hổ mà lại chất phác, liền gọi là Hổ Si; bởi vì Siêu từng hỏi Hổ Hầu, cho đến giờ khi thiên hạ gọi đến danh hiệu này, đều cho rằng đó là tên của Chử.

Chử tính tình cẩn trọng tuân thủ pháp luật, không thích nói nhiều. Tào Nhân từ Kinh Châu tới triều yết, Thái Tổ chưa ra, đi vào thì gặp Chử ở ngoài điện. Nhân gọi Chử ngồi xuống nói chuyện. Chử nói: “Vương sắp ra rồi.” Lập tức đi vào trong điện, Nhân rất căm hận. Có người trách cứ Chử: “Chinh Nam(11) là tông thất trọng thần, ông ấy chịu hạ mình gọi ngài, sao ngài lại từ chối?” Chử nói: “Ông ấy tuy là vừa là trọng thần vừa là người thân của Vương, nhưng lại thủ ở bên ngoài. Chử là nội thần, nói chuyện trước đông người thì được, sao có thể nói chuyện tiêng?” Thái Tổ nghe vậy thì càng thêm yêu mến, thăng làm Trung kiên tướng quân. Thái Tổ băng hà, Chử khóc ra cả máu. Văn Đế lên ngôi, tiến phong Vạn tuế đình hầu, thăng làm Võ vệ tướng quân, đô đốc trung quân túc vệ cấm binh, cực kỳ sủng ái. Trước đây, những người đi theo Chử được phong làm Hổ sĩ, Thái Tổ cho rằng đều là tráng sĩ, phong hết làm tướng, sau này có tới mấy chục người lập công được thăng làm tướng quân và được phong hầu, được phong làm Đô úy, Hiệu úy có hơn trăm người, đều là kiếm khách. Minh Đế lên ngôi, (Chử) được thăng làm Mâu hương hầu, thưởng cho bảy trăm hộ làm ấp phong, lại phong cho một người con của Chử làm quan Nội hầu. Chử chết, được ban thụy hiệu Tráng hầu. Con là Nghĩa kế thừa chức vị. Anh Chử là Định, cũng lập được quân công và được phong là Chấn uy tướng quân, đô đốc quân Hổ Bôn. Năm Thái Hòa(12), vua nghĩ đến lòng trung hiếu của Chử, hạ chiếu biểu dương, lại phong cho hai người con và cháu của Chử tước quan Nội hầu. Đầu năm Thái Thủy(13), Nghi bị Chung Hội giết, con là Tông kế chức.

Chú thích:
(1) Huyện Tiêu đất Tiếu: Huyện Bạc tỉnh An Huy ngày nay.
(2) Vi: Đơn vị đo độ dài, một vi bằng độ dài của vòng khép kín khi hai ngón tay trỏ và ngón tay cái khép vào nhau.
(3) Phía đông nam huyện Nhữ Nam tỉnh Hà Nam ngày nay.
(4) Hoài: Phía nam huyện Nam Lăng tỉnh An Huy ngày nay.
(5) Nhữ: Huyện Nhữ Thành tỉnh Hồ Nam ngày nay.
(6) Trần: Phía đông huyện Khai Phong tỉnh Hà Nam, phía bắc huyện Bạc tỉnh An Huy ngày nay.
(7) Lương: Phía nam huyện Hàn Thành tỉnh Thiểm Tây ngày nay.
(8) Phàn Khoái: Danh tướng của Hán Cao Tổ.
(9) Quan Độ: Phía đông bắc huyện Trung Mậu tỉnh Hà Nam ngày nay.
(10) Đồng Quan: Phía đông nam huyện Đồng Quan tỉnh Thiểm Tây ngày nay.
(11) Chinh Nam: Tào Nhân được phong Chinh Nam tướng quân.
(12) Thái Hòa: Niên hiệu của Ngụy Minh Đế.
(13) Thái Thủy: Niên hiệu của Tấn Vũ Đế.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.