Header Ads

Tào Chương Truyện


Nhâm Thành Uy Vương là Chương, tự Tử Văn. Thủa trẻ giỏi cưỡi ngựa bắn tên, sức khỏe hơn người, tự tay bắt thú dữ, không ngại hiểm trở. Nhiều lần theo đi đánh dẹp, ý chí khảng khái. Thái Tổ từng ngoảnh bảo rằng: "Mi không lo đọc sách theo đạo hóa, mà lại cưỡi ngựa trận đánh kiếm, đấy chỉ là cái việc của một tên lính, sao đủ để tôn quý"! Bắt Chương đọc Thi, Thư, Chương bảo tả hữu rằng: "Trượng phu phải như Vệ, Hoắc(1), đem mười vạn quân kị rong ruổi trên sa mạc, đuổi rợ Nhung, Địch, lập công dựng tiếng vậy, sao chỉ làm kẻ đọc sách thôi"? Thái Tổ từng hỏi điều mà các con thích làm, sai đều nói rõ chí của mình, Chương nói: "Thích làm tướng". Thái Tổ nói: "Làm tướng thế nào"? Đáp rằng: "Mặc giáp cầm giáo, gặp nạn không lùi, đi đầu quân sĩ, thưởng tất theo, phạt tất tin". Thái Tổ cười rộ. Năm Kiến An thứ hai mươi mốt, phong Yên Lăng Hầu.

Năm thứ hai mươi ba, người Ô Hoàn ở Đại Quận làm phản, lấy Chương làm Bắc trung lang tướng, làm Kiêu kị Tướng quân. Sắp đi, Thái Tổ răn Chương nói: "Ở nhà là cha con, nhận việc là vua tôi, làm việc vâng theo phép tắc, ngươi phải răn giới lấy"! Chương lên đánh miền bắc, vào đất Trác Quận, rợ Hồ phản đem mấy nghìn quân kị vừa đến. Bấy giờ quân mã chưa tụ xong, chỉ mới có nhìn quân bộ, mấy trăm quân kị, bèn dùng kế của Điền Dự, cố giữ chỗ yếu hại, giặc lại tan chạy. Chương đuổi theo, tự thân xông đánh, bắn quân kị của rợ Hồ, hễ căng dây cung là kẻ đó ngã xuống, trước sau chồng lên nhau. Đánh hơn nửa ngày, trên áo giáp của Chương cắm mấy mũi tên, ý chí thêm hăng, nhân thắng mà đuổi về phía bắc, đến ở huyện Tang Can,

Thần là Tùng Chi xét: Huyện Tang Can thuộc Đại Quận.

nay giặc bắc đã chiếm được, gọi là đô thành Tác Can. cách Đại Quận hơn hai trăm dặm. Các tướng, quan Trưởng sử đều cho rằng vừa vào phương xa, quân mã mệt mỏi, lại vâng phép lệnh, không được đi quá Đại Quận, không nên vào sâu, trái lệnh khinh địch, Chương nói: "Đem quân đi đánh, có lợi ở trước, sao phải theo phép lệnh? Vả lại rợ Hồ chạy chưa xa, đuổi theo chắc phá được chúng. Nếu duỗi tha cho địch thì không phải là tướng giỏi vậy". Rồi lên ngựa, lệnh trong quân rằng: "Kẻ nào chậm sẽ chém". Một ngày một đêm đuổi kịp giặc, đánh phá được chúng, chém đầu bắt sống đến mấy vạn người. Chương bèn ban thưởng lớn cho tướng sĩ, tướng sĩ không ai không vui mừng. Bấy giờ đại súy của người Tiên Ti là Kha Tỉ Năng đem mấy vạn quân kị đứng xem yếu mạnh, thấy Chương gắng đánh, đến đâu phá đó, bèn xin hàng phục. Phương bắc đều bình. Bấy giờ Thái Tổ ở tại Trường An, gọi Chương đi về đến ở đấy. Chương từ Đại Quận qua đất Nghiệp, Thái tử(2) bảo Chương rằng: "Khanh mới lập công, nay đến phía tây gặp cha, nên đừng cho là mình tự lập công, đối đáp như là không đủ vậy". Chương đến, theo lời Thái tử, kể công cho các tướng. Thái Tổ mừng, cầm râu của Chương nói: "Thằng râu vàng mới lạ làm sao"!

Ngụy lược chép: Thái Tổ ở tại Hán Trung, lúc ấy Lưu Bị đóng quân ở trên núi, sai Lưu Phong xuống dụ đánh. Thái Tổ mắng rằng: "Thằng con nhà bán dép kia lại sai thằng con nuôi chống ông hắn chăng(3)! Đợi ta gọi thằng râu vàng đến, sai đánh chúng". Bèn gọi Chương. Chương ngày đêm đi đường, sang phía tây đến Trường An nhưng Thái Tổ đã rút, lại từ Hán Trung mà về. Râu của Chương màu vàng, cho nên gọi như thế.

Thái Tổ về miền đông, lấy Chương làm Việt kị Tướng quân, ở lại Trường An. Thái Tổ đến Lạc Dương, bị bệnh, sai người gọi Chương, chưa đến, Thái Tổ băng.

Ngụy lược chép: Chương đến, bảo Lâm Truy Hầu là Thực rằng: "Tiên vương gọi ta đến, muốn lập mi vậy". Thực nói: "Không phải. Không thấy gương anh em họ Viên(4) sao"!

Văn Đế lên ngôi Vương, Chương cùng chư hầu đến nước.

Ngụy lược chép: Thái tử nối lập, đã táng(5), sai Chương đến nước. Lúc đầu, Chương tự cho là được Tiên vương dùng có công, do đó bèn mong được trao dùng, nhưng nghe tin sắp bị phân phong, ý rất không vui, không đợi lệnh mà đi trước. Bấy giờ vì huyện Yên Lăng cằn cỗi, sai trị ở Trung Mâu. Lúc Văn Đế nhận ngôi, nhân đó phong làm Trung Mâu Vương. Sau đó xe lớn đến Hứa Xương, chư hầu lớn nhỏ ở miền bắc đều sợ oai nghiêm của Chương, hễ qua Trung Mâu, không dám không đi nhanh.

Hạ chiếu nói: "Đạo lí của Tiên vương là ban thưởng cho người thân, cùng phong lập anh em, mở nước lập nhà, do đó mới sinh sôi dòng dõi, ngăn nạn ngừa họa. Lúc trước Chương vâng mệnh đánh phía bắc, dẹp yên miền Sóc Phương(6), công lao to lớn. Tăng ấp năm nghìn hộ, cùng một vạn hộ trước đây". Năm Hoàng Sơ thứ hai, phong tước Công. Năm thứ ba, lập làm Nhâm Thành Vương. Năm thứ tư, chầu ở kinh đô, mắc bệnh hoăng ở nhà nghỉ, tặng thụy là Uy.

Ngụy thị Xuân thu chép: Lúc trước, Chương hỏi ấn thao, muốn có chí khác, cho nên đến chầu mà không vào gặp ngay. Chương oán giận mà hoăng. 

Lúc táng, ban cho xe loan, cờ rồng(7), năm trăm lính hổ bôn đi tiễn, như việc cũ của Đông Bình Vương của nhà Hán(8). Con là Khải, chuyển phong ở Trung Mâu. Năm thứ năm, đổi phong ở huyện Nhâm Thành. Năm Thái Hòa thứ sáu, lại đổi phong ở nước Nhâm Thành, ăn lộc hai nghìn năm trăm hộ của năm huyện. Năm Thanh Long thứ ba, Khải mắc tội sai riêng quan thuộc đến chỗ quan Trung thượng phương(9) làm đồ vật cấm, trừ lộc hai nghìn hộ. Năm Chính Thủy thứ bảy, đổi phong ở huyện Tế Nam, lộc ba nghìn hộ. Đầu năm Chính Nguyên, Cảnh Nguyên, liên tiếp tăng ấp, cả thảy bốn nghìn bốn trăm hộ.

Đầu năm Thái Thủy, Khải làm Sùng hóa Thiếu phủ, xem ở Bách quan danh chí.

Chú thích:
(1) Vệ, Hoắc: chỉ Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, thời Vũ Đế nhà Hán làm tướng đánh đuổi rợ Hung Nô chạy dài về phía tây.
(2) Thái tử: chỉ Tào Phi là con cả của Thái Tổ Tào Tháo, bấy giờ làm Thái tử.
(3) Thằng con nhà bán dép kia lại sai thằng con nuôi chống ông hắn chăng!: chỉ con nhà bán dép là Lưu Bị sai con nuôi là Lưu Phong đánh chống Tào Tháo.
(4) Gương anh em họ Viên: chỉ việc ba anh em Viên Đàm, Viên Hi, Viên Thượng, sau khi cha là Viên Thiệu chết thì ba anh em tranh quyền đánh lẫn nhau, cuối cùng bị Tào Tháo phá diệt.
(5) Đã táng: chỉ đã táng Tào Tháo.
(6) Sóc Phương: chỉ miền bắc Trung Quốc thời xưa, thời nhà Hán từng lập ra bộ Sóc Phương để trông coi người Hung Nô.
(7) Xe loan, cờ rồng: xe loan chỉ xe có gắn chuông nhỏ, cờ rồng chỉ cờ thêu hình rồng, thường dùng cho nhà vua.
(8) Đông Bình Vươngcủa nhà Hán: chỉ Lưu Vũ là con thứ ba của vua Tuyên Đế nhà Hán, được phong làm Đông Bình Vương.
(9) Trung thượng phương: Trung thượng phương là chức quan có từ thời Hán, coi việc làm ra các đồ dùng trong cung điện.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.