Header Ads

Lưu Diệp Truyện


Lưu Diệp (Hoa) tự Tử Dương, người ở huyện Hoài Nam quận Thành Đức. Là dòng dõi Lăng Vương đời Hán Vũ Đế. Cha là Phổ, mẹ là Tu, sinh được Hoán và Diệp. Năm Hoán lên chín tuổi, Diệp được bảy tuổi, thì mẹ ốm nặng. Lúc lâm chung, trối trăng lại với Hoán và Diệp rằng: “Người hầu của cha các ngươi, hay nói lời sàm nịnh làm hại đến tính mệnh. Sau khi ta chết, sợ rằng trong nhà có loạn mất. Mai sau chúng mày có thể trừ bỏ nó đi, thì ta ắt không phải hối hận vậy.”

Năm Diệp được 13 tuổi, bảo với anh là Hoán rằng: “Lúc mẹ mất đã có lời dăn dạy, rất nên nghe theo.” Hoán nói: “Sao có thể làm vậy.” Diệp liền vào nhà lấy dao giết chết người hầu nọ, rồi đi thẳng tới bái lạy trước mộ mẫu thân. Khi đại giá của Phổ trở về, người nhà đem chuyện bẩm với Phổ. Phổ giận, sai người đuổi theo Diệp. Diệp về nhà lạy tạ rằng: “Lúc mất mẫu thân đã có lời dăn dạy, đã vâng mệnh mà chẳng hỏi ý của cha cứ tự tiện thi hành, xin được chịu phạt” Phổ trong lòng lấy làm lạ, bèn không trách cứ gì nữa. Hứa Thiệu ở Nhữ Nam có tiếng là biết người, đang tránh loạn ở đất Dương Châu, khen rằng Diệp là người có tài giúp đời.


Kẻ sĩ ở Dương Châu đa phần là những kẻ ít có lòng hào hiệp mà lại giảo quyệt, như bọn Trịnh Bảo, Trương Đa, Hứa Kiền đều là hạng người ấy. Bảo rất kiêu căng mà quả quyết, tài lực quá người thường, khắp vùng ấy đều kinh sợ. Bảo tính đốc xuất cả trăm họ người Việt (1) đến Giang Biểu, nhân thấy Diệp có danh tiếng là bậc cao môn, muốn cưỡng bức Diệp đến để bàn định mưu ấy. Diệp bất giờ mới hơn hai mươi tuổi, trong lòng lấy làm lo lắng, lại chưa có nơi để nương cậy. Gặp lúc Thái tổ sai sứ đến Dương châu, hỏi xét nhân tài xứ ấy. Diệp lại diện kiến, bàn luận chuyện thế sự, lưu lại ở đó mấy ngày. Bảo quả nhiên đem mấy trăm người dắt trâu khiêng rượu đến dò xét ý tứ sứ giả, Diệp lệnh cho tiểu đồng cùng với người nhà ngồi đợi ở ngoài cửa, cho bày sẵn cơm rượu; cùng với Bảo ở trong nhà yến ẩm. Lại ngầm chọn những người khoẻ mạnh, định lấy tiếng ném chén làm hiệu để chém Bảo. Bảo vốn không ham rượu, lại rất tinh ý, không thể ném chén làm hiệu được. Diệp liền tự rút bội đao (2) chém chết Bảo, cắt lấy thủ cấp rồi bảo với đám quân đi theo, rằng: “Thái tổ đã có lệnh, ai dám động thủ, cũng xử đồng tội với Bảo.” Chúng đều kinh hoảng, chạy trốn về quân doanh. Trong doanh trại của Bảo có đến mấy ngàn tinh binh, Diệp sợ chúng làm loạn, bèn cưỡi ngựa của Bảo, đem theo mấy đứa tiểu đồng, đến thẳng doanh trại của Bảo, gọi mấy người đứng đầu đến, bảo rõ những điều hoạ phúc, chúng đều khấu đầu mở cửa trại đón Diệp. Diệp phủ dụ yên uỷ đâu vào đấy, tất cả đều bội phục, tiến cử Diệp lên làm chủ soái.

Diệp thấy Hán thất đã suy vi, chỉ riêng đám binh thuộc của mình, chẳng giúp được gì về binh lực, bèn đem đám thuộc hạ ấy theo về với Thái thú Lư Giang là Lưu Huân. Huân lấy làm lạ về việc ấy, Diệp nói: “Bảo không tuân theo phép nước, mọi người tố cáo rằng Bảo chỉ lấy việc cướp bóc làm lợi, kẻ hèn này vốn vô tư, chỉ muốn chỉnh đốn lại vương pháp, nhân vì có lòng oán giận đã lâu, việc chỉ có như thế mà thôi”.

Bấy giờ Huân nắm giữ binh cường ở khắp vùng Giang Hoài. Tôn Sách ghét lắm, nhưng lại tỏ vẻ nhún nhường sai sứ đến tặng cho vàng lụa rất hậu, còn gửi thư cho Huân thuyết rằng: “Bọn tông dân ở Thượng Liễu, đã mấy lần lừa dối hạ quốc, tôi hận việc ấy đã mấy năm nay. Muốn đến đánh, nhưng đường đất chẳng tiện, có ý nhờ nước lớn đánh dẹp nơi ấy. Thượng Liễu là vùng rất giàu có, lấy được đất ấy có thể khiến trong nước thêm giàu có vậy, xin được xuất binh làm ngoại viện.” Huân tin lời, lại được Sách tặng cho vàng bạc vải lụa, rất lấy làm vui thích. Người khắp trong ngoài đều đến mừng, chỉ riêng có Diệp là không. Huân hỏi việc ấy thế nào, Diệp đáp rằng: “Đất Thượng Liễu tuy nhỏ, nhưng thành trì rất kiên cố vững chắc, đánh khó mà lay chuyển, chẳng thể trong vòng một tuần (3) mà lấy ngay được, như thế ắt binh ở ngoài mệt mỏi, mà trong nước lại hư tổn. Ví như Sách thừa cơ tập kích ta, tất hậu phương chẳng thể giữ được. Tướng quân đã tiến vào đất địch, chẳng thể quay về ngay. Nếu tướng quân xuất binh, hoạ ắt đến ngay đó.” Huân không nghe. Rồi hưng binh đánh Thượng Liễu, Sách quả nhiên tập kích phía sau, Huân cùng đường, liền bỏ chạy đến chỗ Thái tổ.

Thái tổ đến Thọ Xuân, bấy giờ ở vùng biên cảnh đất Lư Giang có bọn sơn tặc là Trần Sách, quân lính đông đến mấy vạn người, cậy hiểm mà giữ. Trước đấy Thái tổ sai thiên tướng đến đánh dẹp, không thắng được. Thái tổ hỏi thuộc hạ xem có thể đánh được không, chúng đều thưa rằng: “Núi cao chót vót, vực sâu hiểm trở, là những nơi dễ giữ mà khó đánh; dẫu có đánh thắng thì cái được chẳng đủ bù cái mất, lấy được chỗ ấy cũng chẳng có ích gì.” Diệp nói: “Bọn Sách chỉ là lũ giặc cỏ, nhân lúc loạn lạc mà chiếm cứ nơi hiểm trở, ương ngạnh không chịu khuất phục, nếu không phải người có tước mệnh đủ để thị uy khó mà thu phục được. Ngày trước bởi thiên tướng binh lực ít, mà Trung Quốc còn chưa được yên, cho nên Sách dám nương náu ở nơi hiểm mà cố thủ. Nay thiên hạ đã tạm yên ổn, phủ dụ là việc sau, trừ địch là việc phải làm gấp. Kẻ sợ chết thường chạy theo mối lợi, kẻ ngu dốt cũng làm như vậy. Xưa Quảng Vũ quân giúp Hàn Tín vạch kế sách, ấy là uy danh đã đủ để trước hư trương thanh thế sau mới đánh dẹp mà thu phục được nước lân bang. Huống chi với đức lớn của minh công, đánh dẹp phía Đông thì phía Tây kinh sợ, đại binh đến nơi, lệnh truyền ra chỉ trong ngày, quân doanh chỉ cần mở cửa là quân địch tự tan lở.” Thái tổ cười nói: “Lời khanh nói cũng giống với ý của ta vậy!”. Rồi sai mãnh tướng đi trước, đại quân theo sau, đến nơi đánh ngay được Sách, quả đúng như điều Diệp đã tính. Thái tổ quay về, lấy Diệp làm Tư không Thương tào duyện.

Phó Tử chép: Thái tổ cho triệu gọi Diệp cùng với Tưởng Tế, Hồ Chất … tất cả là năm người, đều là danh sỹ ở Dương Châu tới. Qua mỗi nơi xá đình (4) mấy người ấy lại bàn chuyện, chưa từng bỏ sót buổi nào, đều bàn những chuyện quan trọng cả; bên trong nhắc đến chuyện các bậc tiên hiền ở nước mình (5), việc chống giặc giữ đất, việc tiến lui trong lúc hành quân thế nào, bên ngoài liệu địch mà biến hoá, liệu lường hình thế quân địch thật giả ra sao, học thuật chiến tranh thế nào, sớm tối thao thao bất tận. Duy có Diệp một mình nằm trong xe, thuỷ chung không nói một lời. Tế lấy làm lạ bèn hỏi Diệp, Diệp đáp rằng: “Đối với bậc minh chủ chẳng phải là người không thông thạo những việc ấy, cái sự sáng suốt có thể học mà được hay sao?” Lúc diện kiến Thái tổ, Thái tổ quả nhiên hỏi đến những bậc tiên hiền ở Dương Châu, hình thế giặc giã trong cõi. Bốn người kia tranh nhau thưa, lần lượt nói những điều đã bàn lúc trước, lại kiến giải đúng như thế, Thái tổ với mỗi người đều rất hài lòng, còn Diệp trước sau vẫn không nói lời nào cả. Bốn người kia đều cười. Sau cùng thấy Thái tổ thôi không hỏi gì nữa, Diệp bèn ví von những lời xa xôi để Thái tổ động tâm, Thái tổ hiểu ngay được ý tứ. Diệp nói đến ba lần. Thái tổ có vẻ thích thú với những lời nói xa xôi nên mới hỏi đến Diệp về các việc cần sự suy xét tinh tế, mỗi lời Diệp đáp đều thấy ở đó sự khéo léo, chẳng phải là những lời tạp nhạp lúc ngồi bàn chuyện phiếm. Thái tổ dò xét kỹ càng hết cả, rồi mới đi nghỉ, cho dùng bốn người kia làm lệnh, riêng Diệp thì lấy làm tâm phúc tin dùng; mỗi khi có việc, thường hỏi đến Diệp, có lúc một đêm gọi đến Diệp tới cả chục lần.

Thái tổ đánh Trương Lỗ, chuyển Diệp sang làm Chủ bộ. Lúc đến được Hán Trung, gặp núi cao khó vượt, quân lương lại thiếu thốn. Thái tổ nói: “Xứ này quả là nơi hiểm ác của quốc gia, sao có thể đánh lấy được đây? Quân ta lương thảo không đủ, chẳng bằng nên mau chóng lui binh.” Muốn dẫn quân quay về, lệnh cho Diệp đốc suất hậu quân, sai các đạo quân lần lượt rút lui. Diệp tính rằng Lỗ có thể đánh được, lại thấy đường vận lương không thông, dẫu bỏ đi, quân lính chẳng thể toàn vẹn được hết cả, liền thưa rõ ý ấy với Thái tổ rồi bẩm rằng: “Chẳng bằng ta đánh đến cùng.” Thái tổ bèn tiến binh, sai quân lính bắn cung loạn xạ vào doanh trại của Lỗ. Lỗ bỏ chạy, Hán Trung bình định (6).

Diệp lại tiến lên nói rằng: “Khi trước Minh công chỉ có 5.000 bộ tốt, mà bắt giết Đổng Trác, phía Bắc phá Viên Thiệu, phía Nam dẹp Lưu Biểu, thu được chín châu trăm quận, tám hướng mười phương, uy chấn thiên hạ, người ở cõi ngoài phải kinh sợ. Nay lại lấy được Hán Trung, người Thục nghe tiếng gió mà kinh hoàng, sợ đến vỡ mật, quân ta thuận thế tiến lên, xứ Thục có thể truyền hịch mà định được. Lưu Bị vốn là bậc nhân kiệt trên đời, dùng mưu mẹo cướp lấy đất Thục, mới được ít ngày, người Thục còn chưa phục. Ta mới phá xong Hán Trung, lòng người Thục rung động, thế lực ắt suy giảm. Minh công là bậc sáng suốt, nhân lúc này hãy thuận thế dẫn binh đánh dấn lên không thể không thành công. Nếu chúng ta trì hoãn ít bữa, Gia Cát Lượng sáng suốt giúp việc trị quốc, Quan Vũ-Trương Phi dũng trùm ba quân làm tướng, lòng dân xứ Thục đã yên, chiếm lấy nơi hiểm giữ chắc chỗ trọng yếu, lúc ấy sẽ chẳng thể đánh lấy được nữa vậy. Việc hôm nay không làm, ắt để mối lo về sau vậy.” Thái tổ không nghe, dẫn đại quân quay về.

Phó Tử chép rằng: “Bảy ngày sau, có người Thục đến hàng thưa rằng: “Người trong đất Thục một ngày mấy chục lần kinh sợ. Lưu Bị dẫu đã chém một số người mà vẫn không thể dẹp yên được.” Thái tổ mới gọi Diệp vào hỏi rằng: “Nay còn có thể đánh được chăng?” Diệp thưa: “Nay xứ Thục đã tạm yên, chưa thể đánh được.”

Diệp từ Hán Trung trở về, được làm Hành quân Trưởng sử, kiêm đốc trách quân đội. Năm Diên Khang nguyên niên, Thục tướng Mạnh Đạt dẫn binh đến hàng. Đạt có phong tư tài mạo, Văn Đế rất yêu mến, lấy Đạt làm Thái thú Tân Thành, thêm chức Tán kỵ Thường thị. Diệp cho rằng “Đạt vốn không có lòng lo việc chu toàn, chỉ cậy tài hay thuật giỏi, hẳn chẳng biết đến việc cảm kích ân huệ mà lo việc nghĩa. Tân Thành tiếp giáp với hai xứ Ngô-Thục, ví như có biến, sẽ là mối lo cho quốc gia vậy.” Văn Đế thuỷ chung không chịu đổi ý, kết cục về sau Đạt làm phản gây hại cho nước.

Phó Tử chép: Khi trước, lúc Thái tổ còn sống, Nguỵ Phúng là người có danh vọng lớn, tứ bậc khanh tướng đến người dưới đều khuynh tâm giao kết. Sau khi Mạnh Đạt bỏ Lưu Bị theo về với Văn Đế, mọi người bàn luận phần nhiều xưng tụng rằng hai người ấy liệu việc sánh được với Nhạc Nghị thuở trước. Diệp một lần diện kiến Phúng, Đạt rồi bảo mọi người rằng Đạt ắt sẽ làm phản, rút cục quả như lời ấy.

Năm Hoàng Sơ nguyên niên, lấy Diệp làm Thị trung, ban cho tước Quan nội hầu. Đế xuống chiếu hỏi quần thần xem liệu Lưu Bị có vì Quan Vũ mà xuất binh báo thù nước Ngô chăng. Mọi người bàn luận đều nói rằng: “Thục là tiểu quốc, danh tướng chỉ có mỗi Vũ, Vũ chết quân tan, người trong nước lo sợ, tất không dám xuất quân báo thù.” Riêng Diệp nói rằng: “Nước Thục tuy nhỏ hẹp, nếu Bị muốn dấy binh lực mạnh để đánh, thế tất sẽ dùng nhiều quân binh để lấy số đông bù lại. Vả lại Quan Vũ cùng với Bị, nghĩa là quân thần, ân tình còn hơn cả anh em (7); Vũ chết đi Bị chẳng thể không hưng binh báo thù, cái tình chung thuỷ ấy chẳng thể nào chia cắt nổi.” Về sau Bị quả nhiên xuất binh đánh Ngô. Ngô mang cả nước theo về Nguỵ, phái sứ giả đến xưng thần. Triều thần đều đến chúc mừng, duy chỉ có Diệp cho rằng: “Nước Ngô cách biệt bởi Giang-Hán giữ lấy cõi ngoài, vốn không có lòng thần phục đã lâu. Bệ hạ tuy đức sánh được với Hữu Ngu, nhưng mới chỉ khiến họ sợ, mà cái tình chưa đủ để cảm động đến họ. Kẻ gặp lúc khó mới chịu thần phục người, ắt chẳng phải là thật bụng vậy. Thế tất bên kia đang bị bên ngoài bức bách mà bên trong khốn quẫn, mới phải phái sứ giả đến đây, ấy cũng là bởi vì cái thế đã cùng, mới phải làm như thế. Người ta nói rằng ‘một ngày thả địch, tai hoạ mấy đời’, chẳng nên không suy xét kỹ càng vậy.”

Bị thua quân lui về, Ngô không chịu sai người đưa lễ vật đến, Đế muốn hưng binh thảo phạt, Diệp cho rằng “Họ mới đắc chí, trên dưới một lòng, lại cách trở sông hồ, khó mà đánh được.” Đế không nghe.

Phó Tử chép: Tôn Quyền sai sứ đến xin hàng, Đế nhân thế hỏi Diệp. Diệp thưa rằng: “Quyền vô cớ đầu hàng, ắt trong nước có việc nguy cấp. Năm trước Quyền tập kích giết chết Quan Vũ, lấy mất bốn quận Kinh Châu, Bị căm giận, ắt hưng đại binh đến đánh. Bên ngoài có kẻ địch mạnh, nội bộ tất bất an, lại sợ Trung Quốc nhân cơ hội này đến đánh, nên mới cúi mình đến xin hàng, một là mong rằng Trung Quốc đừng khởi binh, hai là bày tỏ với Bị rằng họ có Trung Quốc là ngoại viện, khiến cho kẻ địch mạnh kia phải nghi ngờ. Quyền vốn khéo việc dùng binh, biết cơ mưu quyền biến, thế tất chẳng ở bên ngoài lẽ ấy. Nay thiên hạ chia ba, Trung Quốc mười phần ta đã có tám. Ngô-Thục mỗi phe giữ lấy một châu, cậy vào núi cao sông lớn mà cố thủ, gặp nguy cấp thì cứu giúp lẫn nhau, ấy là cái lợi của tiểu quốc vậy. Lúc này họ lại đánh lẫn nhau, đấy là trời làm họ mất nước. Chúng ta nên khởi đại binh, vượt sông lớn tập kích vào nước họ. Thục đánh ở bên ngoài, ta đánh bên trong, nước Ngô bất quá chỉ độ mười ngày sẽ mất. Ngô mất rồi tất Thục cô thế. Ví bằng chúng ta chỉ lấy được nửa nước Ngô, Thục cũng chẳng thể bền lâu được, huống hồ Thục chỉ lấy được nơi biên ngoại, ta lấy được cả vùng đất ở phía trong!” (8) Đế nói: “Người ta đã xưng thần chịu hàng mà ta lại đánh họ, tất sẽ ngăn trở lòng muốn hàng của thiên hạ sau này, họ tất lấy thế làm sợ hãi, việc ấy chẳng nên làm! Chẳng bằng cô nhận cho Ngô hàng, nhân đó tập kích phía sau quân Thục thì hơn?” Diệp thưa: “Thục ở xa mà Ngô ở gần, nếu Thục hay tin Trung Quốc đến đánh, họ tất rút quân về, chẳng thể khác được. Nay Bị đang thịnh nộ, cố sức hưng binh đánh Ngô, nếu hay tin ta cũng phạt Ngô, tính rằng Ngô ắt phải mất, tất sẽ hoan hỉ tiến binh cùng với ta tranh giành đất đai nước Ngô, hẳn không đổi ý dẹp bỏ nỗi tức giận mà cứu giúp Ngô, cái thế tất nhiên phải xảy ra như vậy.” Đế không nghe, cứ nhận cho Ngô hàng, rồi bái Quyền làm Ngô vương. Diệp lại tiến lên nói: “Chớ nên. Tiên đế xưa chinh phạt, lấy được tám phần thiên hạ, uy chấn hải nội, Bệ hạ vâng mệnh trời lên nối ngôi, về đức hợp với lẽ trời đất, tiếng thơm lan toả bốn phương, việc ấy hiển nhiên là thật, nào phải kẻ hèn thần này nói lời xưng tụng đâu. Quyền dẫu có hùng tài, thời Hán mạt cũng chỉ làm chức Phiêu kỵ Tướng quân Nam Xương hầu mà thôi, chức quan nhỏ thì thế yếu. Làm kẻ sĩ dân thì trong bụng vẫn còn uý kỵ Trung Quốc chúng ta, không dám cưỡng lại hòng toan mưu việc lớn. Thế mà vì bất đắc dĩ mới chịu nhận hàng, lại ban cho tước vương, phong thập vạn hộ hầu (9), thiết nghĩ Bệ hạ chẳng thể ban cho y tước vương được. Bởi kẻ ở ngôi vương, chỉ ở dưới thiên tử một bậc, phẩm trật lễ phục gần như nhau. Nếu như Quyền chỉ có tước hầu, hẳn sĩ dân Giang Nam với Quyền chưa thể có được cái nghĩa quân thần. Nay ta tin lời trá hàng, phong cho chức lớn, ở ngôi vị tôn hào, nghĩa quân thần của họ đã định, ấy chính là giúp hổ thêm cánh vậy. Quyền đã nhận ngôi vương, sau này đánh được quân Thục, bên ngoài vẫn tỏ ra thần phục Trung Quốc, để cho người trong nước đều biết thế, còn bên trong họ lại không tuân mệnh Bệ hạ khiến Bệ hạ phải tức giận. Bệ hạ đùng đùng nổi giận, tất sẽ hưng binh đến đánh, bấy giờ họ mới bố cáo với dân chúng ở đấy rằng: ‘Ta đem lòng thờ phụng Trung Quốc, chẳng phải vì yêu đồ trân quý của họ trọng vọng ngôi cao mà họ ban cho, vẫn định kỳ tiến cống đều đặn, chẳng dám làm mất cái lễ của kẻ bầy tôi, nay họ vô cớ tới đánh, tất muốn diệt nước ta, bắt hết con trai con gái nước ta về bên ấy làm kẻ hầu người hạ.’ Người dân nước Ngô không thể không tin những lời ấy. Họ đã tin lời thì sẽ cảm kích và oán giận, trên dưới một lòng, sự hăng hái sẽ nhân lên gấp bội phần vậy.” Đế vẫn không nghe. Tức thì bái Quyền làm Ngô vương. Về sau Quyền cùng với Lục Tốn bàn định đánh cho Lưu Bị đại bại, giết chết binh lính Thục hơn tám vạn người (10), Bị bỏ chạy thoát thân. Quyền bên ngoài tỏ vẻ nhún nhường hơn, mà bên trong lại tỏ ý bất thuận, quả như lời Diệp đã nói.

Năm Hoàng Sơ thứ năm, Đế muốn đánh quân Ngô ở Nghiễm Lăng nơi cửa sông Tứ, lệnh cho chư quân ở hai châu Kinh-Dương cùng tiến. Lại hội cả quần thần, hỏi: “Quyền sẽ tự dẫn binh đến chăng?” Chúng đều nói: “Bệ hạ thân chinh, Quyền lo sợ cuống quýt, tất sẽ cất quân nghiêng nước đến ứng phó. Lại không dám uỷ thác đại quân cho kẻ dưới, thế tất sẽ phải thân chinh đem quân đến.” Diệp nói: “Họ cho rằng Bệ hạ đem muôn vạn chiến thuyền đến, ắt sẽ phải vượt qua sông hồ nơi ấy, ắt hẳn họ sẽ kìm binh một chỗ đón đợi chúng ta, chưa chắc đã chịu tiến lui gì.” Đại giá (11) đi được nửa đường thì đóng lại mấy ngày, Quyền quả nhiên không đến, Đế bèn ban sư. Nói rằng: “Khanh liệu việc đúng lắm. Ta đang nghĩ cách diệt hai kẻ địch kia, chẳng thể chỉ biết đến mình mà thôi.”

Minh đế lên tức vị, Diệp được tiến tước làm Đông Đình hầu, ăn lộc 300 hộ. Chiếu viết rằng: “Tôn kính tổ tiên, ấy là làm tròn đạo hiếu; nhớ về cội nguồn để cung kính đối với người sau, ấy là tuân theo mệnh dạy của người xưa. Như Thành Thang-Văn-Vũ thuở trước gây dựng nên nhà Thương-nhà Chu, lấy Thi-Thư làm nghĩa, truy tôn Tắc, Tiết (12) ca tụng Hữu Ngu - Khương Nguyên (13), làm sáng tỏ đức lớn còn truyền lại đến ngày nay, ấy là chịu mệnh để hưng vượng đạo xưa. Vương thất nhà Nguỵ ta vâng theo mệnh trời, đã phát tích từ Cao hoàng đế, Thái hoàng đế (14), mà công lao của Vũ hoàng đế, Văn hoàng đế thật cao vời. Trước kia Cao hoàng đế hoà mục với người, nhún nhường sửa đức, hành động sáng suốt, thế nên được trời đất cho hưởng phúc lớn, khi mất vẫn để lại cái vẻ vang cho con cháu về sau. Sáng suốt là ở chỗ nhìn xa, sao cho tiếng khen còn truyền mãi, chẳng phải là luận việc trọn đạo hiếu để coi trọng cội nguồn vậy. Nay lệnh cho công khanh ở dưới, cùng bàn bạc về thuỵ hiệu.”

Diệp bàn rằng: “Thánh đế nhún nhường hiếu thảo muốn tỏ rõ sự sùng kính với tổ tiên, ấy là lòng thành thực chẳng phải cân nhắc làm gì. Nhưng thân sơ có mấy lối, xa gần cũng có mấy bậc, sự kính lễ phải có kỷ cương, thế nên tư tình phải rõ ràng, sao cho khuôn phép đã hình thành, là khuôn mẫu cho vạn đời sau vậy. Chu vương sở dĩ truy tôn thượng tổ là Hậu Tắc, bởi đã có công phò tá họ Đường (15), tên tuổi đã được ghi vào điển cố. Đến khi Hán thị mới lên, lấy việc truy thuỵ hiệu là nghĩa, chẳng qua là vì cha mình mà thôi. Bên trên so với nhà Chu, thì Đại Nguỵ ta phát tích từ Cao Hoàng ngày trước; dưới bàn đến Hán thị, thì việc truy thuỵ hiệu ấy là kính lễ chẳng đến được tổ tiên. Thế nên cần phải đổi thay để lập ra khuôn phép, giờ đây chính là lúc nêu tỏ đạo nghĩa vậy. Lòng trung hiếu Bệ hạ đã nêu, sự chí thành thì không có gì là quá, lời đã nói ra sở dĩ phải cẩn trọng bởi đó là lễ chế (16) vậy. Đã lấy việc truy tôn là nghĩa, nên bắt đầu từ Cao hoàng đế vậy.” Thượng thư Vệ Trăn cùng với Diệp bàn luận, việc ấy được thi hành.

Thái thú Liêu Đông là Công Tôn Uyên cướp ngôi của chú (17), chuyên quyền tự lập, phái sứ giả đến dâng biểu trạng. Diệp thấy họ Công Tôn từ thời Hán mạt vẫn giữ riêng một cõi, nối đời làm quan tướng, bởi đến được chỗ đó thì đường thuỷ cách bể, đường bộ cách núi non, mà rợ Hồ ở nơi xa xôi rất khó khống chế, vả lại họ đã giao tiếp với Quyền rất lâu ngày. Nay ví bằng không diệt đi, sau này tất sẽ sinh hoạ. Nếu như đem hai đạo binh vượt nơi hiểm trở, tiến hành thảo phạt, là việc rất khó làm. Chẳng bằng nhân lúc Uyên mới tự lập, có nhiều bè đảng thù nghịch, thừa lúc họ không để ý, mang số ít quân binh đến, bày tiệc khen thưởng và chiêu mộ quân binh làm tay chân, như thế có thể chẳng cần khó nhọc mà định được cả. Sau này Uyên làm phản bị giết.

Diệp ở triều đình, rất ít giao tiếp với mọi người. Có người hỏi việc ấy, Diệp nói: “Nguỵ thất cho tôi ở ngôi thượng tân, bậc trí giả cần biết mệnh, để kẻ tục nhân khỏi ngờ vực. Lúc nhà Hán còn tôi chỉ là kẻ hèn mọn (18), đến khi nhà Nguỵ lên cho tôi là tâm phúc, ít người được bằng vai với mình, không nên đánh mất mình đi vậy.”

Năm Thái Hoà thứ sáu, lúc Diệp bị ốm được bái làm Thái trung Đại phu. Một thời gian sau, được làm Đại hồng lư, ở ngôi vị ấy được hai năm thì tự nhường cho người khác, lại làm Thái trung Đại phu cho đến lúc chết. Được ban thuỵ hiệu là Cảnh hầu. Con là Nhật nối tự.

Phó Tử chép: Diệp phụng sự Minh hoàng đế, rất được coi trọng. Đế tính chuyện đem quân đánh Thục, triều thần trong ngoài đều nói ‘không nên’. Diệp cùng với Đế bàn định, nói rằng ‘nên đánh’; khi ra nói việc ấy với triều thần, lại nói rằng ‘không nên đánh’. Diệp là người kín đáo, mỗi lời nói ra đều có sự cân nhắc cả.

Trung lĩnh quân Dương Kỵ, được Đế lấy làm bề tôi thân cận, cũng rất kính trọng Diệp, kiên định chủ trương không nên đánh Thục, lúc Diệp ở trong cung ra, Kỵ hỏi Diệp, Diệp giảng giải cái ý không nên đánh. Sau Kỵ theo hầu bên giá, Đế bàn đến chuyện đánh Thục, Kỵ liền can gián. Đế nói: “Khanh là thư sinh, sao biết được việc binh!” Kỵ nhún nhường tạ rằng: “Thần xuất thân là hạng nho sinh hèn mạt, Bệ hạ đã quá rõ, song việc hợp sức với quần thần ở trong, gây dựng sáu quân cho chúa thượng, thần quả có lòng, chẳng dám không nói hết lời. Thần nói quả chẳng đủ để Bệ hạ tin, song Thị trung Lưu Diệp trước từng bàn mưu với thần, thường nói rằng Thục không nên đánh.” Đế nói: “Diệp nói với ta rằng Thục có thể đánh được kia mà.” Kỵ nói: “Nên gọi Diệp đến để đối chất.” Liền hạ chiếu triệu Diệp đến, Đế hỏi Diệp, Diệp thuỷ chung không chịu nói. Sau thấy còn có một mình, Diệp trách Đế rằng: “Đánh nước người, đó là mưu lớn, khi thần bàn tính việc lớn với Đại vương, vẫn thường sợ rằng lúc mộng mị mà tiết lậu việc ấy ra ngoài thần sẽ mắc tội lớn, sao dám nói với người khác việc ấy. Dụng binh, là việc trá nguỵ, việc binh lúc chưa làm, chẳng phải kín đáo ru. Bệ hạ đã để lộ rõ việc ấy, thần sợ rằng địch quốc đã hay tin rồi vậy.” Đế liền tạ lỗi với Diệp, Diệp ra ngoài, trách Kỵ rằng: “Kẻ đi câu định bắt được con cá lớn, tất phải buông dây cho nó chạy, không biết đợi để giữ lấy nó về sau, ắt chẳng thể bắt được nó. Người chủ xướng cần vững vàng, cũng như tính chuyện bắt con cá lớn! Ta tin rằng ngươi là bầy tôi thẳng thắn, song mưu việc chưa đủ để khiến người khác nghe, chẳng thể không suy nghĩ chín chắn vậy.” Kỵ cũng tạ lỗi với Diệp. Đại khái Diệp có thể liệu tính mọi việc chu toàn như vậy.

Có kẻ nói xấu Diệp với Đế rằng: “Diệp chẳng hết lời trung, chỉ khéo dò xét ý của chúa thượng để nói trước cho hợp ý mà thôi. Bệ hạ thử cùng ngồi nói chuyện với Diệp, cứ lật lại ý của Diệp mà cật vấn, nếu như Bệ hạ nói những ý đó là trái, nhất định Diệp sẽ lựa lời cho hợp với thánh ý. Lại mỗi lần đều hỏi những việc giống nhau, Diệp chẳng có chủ ý riêng ắt không bỏ đi vậy.” Đế đem lời ấy ra chứng nghiệm, Diệp quả quyết bày tỏ đúng ý riêng của mình, Đế cứ theo thế mà làm. Diệp liền phát cuồng lên, bỏ ra khỏi Đại hồng lư, lo lắng muốn chết. Đế đến thăm nói: “Lời xảo trá chẳng bằng lời nói thực vụng về, ta tin ngươi rồi.”

Diệp là người có mưu kế quyền biến sáng suốt, lúc nhàn tản thì làm việc đức nghĩa, khi có việc lấy sự trung tín làm đầu, các bậc hiền tài cổ xưa cũng không hơn được. Một bụng tài trí, mà chẳng tranh giành với kẻ sĩ cùng thời, bên trong không mở lòng mình với người trên, bên ngoài mệt mỏi với tục nhân, lúc chết vẫn chẳng thấy được thiên hạ an bình, há chẳng thương thay! (19)

Con nhỏ của Diệp là Đào, cũng có tài cao mà bạc mệnh, làm quan đến chức Bình Nguyên Thái Thú.

Vương Bật truyện chép rằng: Người ở Hoài Nam là Lưu Đào, khéo bàn luận chuyện thiên hạ, lúc đương thời làm Sở thôi (20).

Phó Tử chép: Đào tên tự là Quý Dã, được khen là người khéo, có tài biện bác. Vào thời Tào Sảng nắm quyền đã được tuyển vào Bộ Lang, có người đồ đệ của Đặng Dương được khen là có tài Y, Lã. Lúc bấy giờ người ấy có ý đến Thanh Vân, bảo với một người tên là Huyền rằng: “Trọng Ni chẳng phải là thánh. Làm sao biết được như thế? Bởi vì bậc trí giả mưu toan việc nước; mà phần lớn người trong thiên hạ là những kẻ mê muội, mọi việc đều nằm cả trong lòng bàn tay, thế mà chẳng thể có được thiên hạ.” Huyền rất ngờ lời ấy, không chịu phục mới căn vặn lại. Người ấy bảo Huyền rằng: “Muốn có thiên hạ thì về tư chất, phải biết biến đổi vô thường. Nay như thế xem ra ông ấy cũng chỉ là kẻ khanh tướng khốn cùng mà thôi!” Sảng thất bại, người ấy lui về làng ở, sau đến tạ rằng lời nói ấy là quá.

Sách Tấn kỷ của Kiền Bảo chép rằng: Quán Khâu Kiệm nổi dậy, Đại tướng quân hỏi Đào việc ấy, Đào đáp rằng mình không đoán biết được. Đại tướng quân giận nói: “Khanh bình sinh cùng với ta bàn luận chuyện thiên hạ, đến hôm nay có việc lại chẳng hết lòng ư?” Bèn đuổi ra ngoài làm Bình nguyên Thái thú, rồi sai người đuổi theo giết chết.

Chú thích:
1) Người Việt ở đất Giang, Triết, Mân, Việt.
(2) Thanh đao quý đeo ở bên mình.
(3) Một tuần xưa ở Trung Quốc là 10 ngày.
(4) Ngày xưa, quãng đường quân đi một ngày hoặc một đêm (chừng 30 dặm) gọi là xá. Như thế tức là ý rằng cứ 30 dặm lại có một trạm nghỉ để đưa đón khách. Bọn Diệp đi một ngày lại đến một nhà trạm nghỉ qua đêm.
(5) Nguyên văn là ‘tiên hiền quốc ấp’. Những người này ở Dương Châu, quốc ấp ở đây là những bậc hiền tài đời trước ở đất Dương Châu vậy.
(6) Đoạn này rất khác với những điều chép trong Vũ đế kỷ, Trương Lỗ truyện.
(7) Nguyên văn là ‘ân do phụ tử’ nghĩa là ‘ân tình hơn cả cha con’, xét thấy Vũ với Bị tình là anh em kết nghĩa nên dịch là ‘ân tình còn hơn cả anh em’, như thế hợp nghĩa hơn.
(8) Cái trong, ngoài mà Diệp nói ở đây tỏ ý rằng Thục lấy được đất giáp với Thục, Ngô lấy được vùng đất gần Kinh đô nước Ngô, nơi ấy là hạ lưu Trường Giang, đất đai trù phú hơn, giàu có hơn.
(9) Ăn lộc mười vạn hộ.
(10) Chỗ này có vẻ hơi phóng đại lên, vì theo nhiều đoạn liên quan đến các nhân vật khác được kể trong sách này đều nói số quân Thục chinh phạt Ngô không có đến 8 vạn người.
(11) Vua xuất hành gọi là giá, có đại giá và pháp giá. Đại giá tức là vua đi ra ngoài có nhiều xe theo hầu, pháp giá là có ít xe theo hầu.
(12) Tắc là Hậu Tắc, bầy tôi vua Thuấn, Tiết là bầy tôi vua Thuấn, thuỷ tổ của nhà Thương.
(13) Khương Nguyên là mẹ của ông Hậu Tắc.
(14) Minh đế Tào Duệ muốn nhắc đến tổ phụ mình. Cao Hoàng đế, Thái Hoàng đế là Tào Đằng, Tào Tung.
(15) Vua Nghiêu có họ là Đào Đường, Tắc trước giúp vua Nghiêu, sau này là bầy tôi rất nổi tiếng của vua Thuấn.
(16) Lễ chế là điển lễ của vua, cần phải xem xét cẩn trọng.
(17) Công Tôn Khang chết đi lập em là Công Tôn Cung kế vị, Công Tôn Uyên khi ấy còn nhỏ. Đến năm Thái Hoà thứ hai, đời Minh đế nhà Nguỵ, Uyên giết chú mình cướp ngôi tự lập.
(19) Một đời lo việc nước, gian khổ giữ cho mình, chết vẫn không thấy thiên hạ yên bình, Bùi Tùng Chi bình chú Tam Quốc dành lời cảm thán cho Lưu Diệp vậy.
(20) Không rõ là chức gì.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.