Header Ads

Quán Khâu Kiệm Truyện


Quán Khâu Kiệm tự Trọng Cung, người huyện Văn Hỉ quận Hà Đông. Cha là Hưng, giữa năm Hoàng Sơ làm Vũ Uy Thái thú, đánh dẹp kẻ phản, vỗ về kẻ phục, mở thông miền Hà Hữu(1), nổi tiếng sau Kim Thành Thái thú Tô Tắc. Đánh giặc là Trương Tiến và đánh người Hồ phản có công, phong Cao Dương Hương Hầu.

《Ngụy danh thần tấu》 chép biểu của Ung Châu Thứ sử Trương Kí nói: "Miền Hà Hữu xa xôi, nhiễu loạn đã lâu, quận Vũ Uy là đường lối cổ họng của các quận, lại thêm người rợ ở lẫn, nhiều lần có nạn binh đao. Từ khi Thái thú Quán Khâu Hưng đến làm quan, trong an ủi quan dân, ngoài vỗ về Khương, Hồ, khiến cho họ theo phục, làm quan có tài. Hoàng Hoa, Trương Tiến vừa mưu làm loạn, lay động tả hữu, chí Hưng trung liệt, gặp nạn không lùi, vì các quan tướng người rợ mà bày rõ họa phúc, nghe nói thì khóc lóc. Bấy giờ vạn người trai gái đều mang lòng cảm kích, bỏ ý gây loạn, thề ước vâng lệnh. Rồi đêm quân mạnh đến thẳng Trương Dịch, giúp cứu được Thái thú Đỗ Thông, Tây Hải Thái thú Trương Mục. Quan dân hai huyện Phiên Hòa, Li Kiền quận Trương Dịch và người rợ trong quận bỏ kẻ ác mà đến theo Hưng, Hưng đều vỗ yên, sai dân chăm chỉ làm ruộng. Hưng hễ đi qua đâu, đều dốc hết tâm sức, thực là quan giỏi của nhà nước vậy. Điện hạ lên ngôi, lo nghĩ vạn bề. Nếu có việc hay dẫu nhỏ, cũng có ban thưởng, thần vâng theo ý chỉ, bày kể việc này".

Vào làm Tướng tác Đại tượng, Kiệm nối tước của cha, làm Bình Nguyên Hầu Văn học. Minh Đế lên ngôi, làm Thượng thư lang, chuyển làm Vũ lâm giám. Vì là bạn của Đông cung(2) nên rất được sủng ái. Ra làm Lạc Dương Điển nông. Bấy giờ lấy người cày ruộng đi dựng cung điện, Kiệm dâng sớ nói: "Thần ngu dốt cho rằng việc thiên hạ gấp diệt trừ là hai tên giặc, việc cần trước là cơm áo. Nếu hai tên giặc không diệt, quân dân lại đói rét, dẫu cung điện to đẹp cũng chẳng ích gì vậy". Chuyển làm Kinh Châu Thứ sử.

Giữa năm Thanh Long, Đế mưu đánh quận Liêu Đông, vì Kiệm có mưu lược, chuyển làm U Châu Thứ sử, thêm chức Độ Liêu Tướng quân, Sứ trì tiết, Hộ Ô Hoàn Hiệu úy. Đem các quân U Châu đến Tương Bình, đóng đồn ở Liêu Toại. Bọn Thiền vu Ô Hoàn ở quận Hữu Bắc Bình là Khấu Lâu Quách, Đô đốc Ô Hoàn ở quận Liêu Tây là Suất Chúng Vương Hộ Lưu ngày trước theo Viên Thượng đến Liêu Đông liền đem hơn năm nghìn người đến hàng. Khấu Lâu Quách sai em là bọn A La Bàn đến cửa khuyết chầu cống, phong hơn hai mươi tù trưởng của họ làm Hầu, Vương, ban các đồ xe ngựa, lụa gấm. Công Tôn Uyên đón đánh với Kiệm, không được lợi, dẫn quân về. Năm sau, Đế sai Thái úy Tư Mã Tuyên Vương lĩnh mấy vạn người trung quân cùng bọn Kiệm đánh Uyên, bình Liêu Đông. Vì Kiệm có công nên được tiến phong An Ấp Hầu, thực ấp ba nghìn chín trăm hộ.


Giữa năm Chính Thủy, Kiệm thấy người Cao Câu Li nhiều lầm xâm lấn, lĩnh các quân có vạn bộ kị ra quận Huyền Thố, theo các đường đánh chúng. Vua Cao Câu Li là Cung lĩnh hai vạn kị bộ, đem quân đến trên sông Phất Lưu, đánh lớn ở cửa Lương Khẩu, Lương, đọc là 'khát'. Cung thua chạy liên tiếp. Kiệm bèn buộc ngựa dừng xe để lên Hoàn Đô, phá kinh đô của nước Câu Li, bắt chém đến mấy nghìn thủ cấp. Quan Phái giả của nước Câu Li tên là Đắc Lai nhiều lần can gián Cung,

Thần là Tùng Chi xét: 《Đông Di truyện》 viết: 'Phái giả' là tên chức quan của nước Câu Li.

nhưng Cung không theo lời. Đắc Lai than rằng: "Đứng xem nước này sắp mọc cỏ lau". Rồi không ăn mà chết, cả nước khen là hiền. Kiệm sai các quân không bới mộ, không chặt cây bên mộ, bắt được vợ con của hắn, đều cho thả ra. Cung một mình đem vợ con chạy trốn, Kiệm dẫn quân về. Năm thứ sáu, lại đi đánh, Cung bèn đến Mãi Câu. Kiệm sai Huyền Thố Thái thú Vương Kì đuổi theo,

《Thế ngữ》 viết: Kì tự Khổng Thạc, người quận Đông Lai, giữa năm Vĩnh Gia thời nhà Tấn có tên giặc Vương Di là cháu của Kì vậy.

qua nước Ốc Trở hơn nghìn dặm, đến đất phía nam của nước Túc Thận, khắc bia đá ghi công, san núi ở Hoàn Đô, khắc chữ ở thành Bất Nại. Bắt giết và thu nạp hơn tám nghìn người, luận công ban thưởng, hơn tám trăm người được phong Hầu. Đào núi dẫn nước, dân được nhờ cái lợi ấy.

Chuyển làm Tả Tướng quân, Giả tiết, trông coi các quân Dự Châu, lĩnh chức Dự Châu Thứ sử, lại chuyển làm Trấn nam Tướng quân. Gia Cát Đản đánh ở Đông Quan, không lợi, bèn sai Đản, Kiệm thay nhau. Đản làm Trấn nam Tướng quân, trông coi các quân Dự Châu, Kiệm làm Trấn đông Tướng quân, trông coi các quân Dương Châu. Thái phó của nước Ngô là Gia Cát Khác vây Tân Thành ở Hợp Phì, Kiệm cùng Văn Khâm chống lại, Thái úy Tư Mã Phu đem trung quân đến phía đông giải vây, Khác rút về.

Trước đây, Kiệm thân thiện với bọn Hạ Hầu Huyền, Lí Phong. Dương Châu Thứ sử Tiền Tướng quân Văn Khâm là người cùng ấp của Tào Sảng vậy, dũng mãnh cứng cỏi, nhiều trận lập công, bắt nhiều quân địch, hạ chiếu ban thưởng mà nhiều lần không thấy đến, do đó ngày càng oán giận. Kiệm bày kế đối đãi Khâm hậu hĩnh, kết thân vui vẻ, Khâm cũng cảm kích, dốc lòng không đổi.

Tháng giêng năm Chính Nguyên thứ hai, có sao chổi dài mấy chục trượng rực trời ở phía tây bắc, nổi lên từ đất Ngô, Sở. Kiệm, Khâm mừng, cho là điềm lành, bèn giả viết chiếu của Thái hậu, kể tội Đại Tướng quân Tư Mã Cảnh Vương, gửi thư đến các châu quận, dấy binh làm phản. Ép buộc các tướng đóng đồn cùng quan dân lớn nhỏ của miền Hoài Nam đều vào thành Thọ Xuân, dựng đàn ở phía tây thành, mở hội thề uống máu dấy binh, chia người già yếu giữ thành, Kiệm, Khâm tự đem năm, sáu vạn quân vượt sông Hoài đi về phía tây đến huyện Hạng. Kiệm giữ vững, Khâm ở ngoài đem quân đi tuần tra.

Kiệm, Khâm viết biểu rằng: "Tướng quốc Ý(3) ngày trước giúp đỡ nhà Ngụy, giữ lòng trung trinh, cho nên Liệt Tổ Minh Hoàng Đế trao việc gửi gắm. Ý dốc sức hết lòng, vỗ yên Hoa Hạ. Lại nữa Tề Vương(4) thông minh, không có đức xấu, bèn chăm chỉ gắng sức giúp vua, thiên hạ được nhờ. Ý muốn đánh hai tên giặc(5) để dẹp yên Trung Quốc, bắt đầu chia lương quân, chọn ngày cùng dấy binh, chưa xong thì hoăng. Tề Vương thấy Ý có công lớn giúp vua, cho nên sai Sư nối thay tước của Ý, trao cho việc lớn. Vậy mà Sư nhiều năm giữ chức, không có tật lại giả bệnh, ngồi nắm quân lớn, không có lễ phép của tôi thần, trăm quan cho là sai, kẻ sĩ chê cười hắn, thiên hạ đều đều biết, đấy là một tội. Ý bày kế đánh giặc, tốn nhiều lương quân, đã có hẹn ngày. Sư là đại thần, nên trừ nạn nước, lại là người con nên nối nghiệp cha. Tiếng khóc chưa dứt mà lại ngừng bãi, làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, đấy là hai tội. Giặc rút qua Đông Quan, ngồi tự sai quân, ba phía cùng đi, quân vỡ công mất, nhiều năm quân mạnh, một sớm mà hết, vời dẫn giặc đến, thiên hạ nhiễu động, chết chóc lìa tan, đấy là ba tội. Giặc đem hết cả nước, kêu có năm mươi vạn, hướng về Thọ Xuân, mưu đến Lạc Dương, gặp lúc Thái úy Phu(6) bày kế với bầy tôi, bèn ngăn ngặn nơi hiểm yếu, không cùng giao tranh, giữ vững Tân Thành. Tướng sĩ miền Hoài Nam xông vào đao nhọn, ngày đêm tự giữ, vất vả trăm ngày, người chết đầy đất, từ khi nhà Ngụy dấy binh đến nay, gặp nạn rất nhiều mà cũng không hơn thế. Vậy mà Sư mặc ý phóng túng, không luận ban thưởng, tự mình chuyên quyền, không cho ghi công, đấy là bốn tội. Bọn Trung thư lệnh Lí Phong ngày trước thấy Sư không có lễ tiết của tôi thần, muốn bàn phế hắn. Sư biết thì mời Phong đến, buổi đêm bắt giết, chở thây chôn quan. Bọn Phong là đại thần, là tim bụng của Đế Vương, vậy mà tự ý lập hình tàn khốc, chết mà không có tội, Sư không có ý giúp vua, đấy là năm tội. Ý thường khen ngợi Tề Vương tự giữ lễ của người làm vua, vua tôi đã lập nghĩa. Từ lúc đó đến nay đã mười lăm năm, vừa nắm lại chính trị, dùng người tài năng, hạ chiếu sai quân vệ không được ra ngoài làm bừa. Sư tự biết mình xấu xa, thần người không ai giúp, do đó phế vua, lại gán thêm tội. Phu là chú của Sư, tính rất nhân hòa, đưa tiễn Tề Vương còn thương cảm không thôi. Bầy tôi đều giận mà Sư vẫn nỡ làm, không nghĩ đến nghĩa lớn, đấy là sáu tội. Quang lộc Đại phu Trương Tập ngày trước không có tội mà bị giết, giết cả vợ con, rồi lại phế Hoàng hậu, ép bức bậc chí tôn, đùn đẩy sai khiến, bấy giờ thương khóc, chẳng ai không đau lòng; vậy mà Sư khen hay, tự mình vui vẻ, đấy là bảy tội. Bệ hạ lên ngôi, thông minh thần vũ, làm việc hay đẹp, muốn tự tiết kiệm, thiên hạ nghe biết, chẳng ai không vui mừng. Vậy mà Sư không tự sửa lỗi, không lập lại lễ tiết của tôi thần, vẫn lo chiêu binh chọn quân, phá vỡ cung điện, sắp đặt quân vệ. Bệ hạ mới lên ngôi mà không chầu đợi. Bệ hạ muốn tự đến nhà Sư để hỏi thăm bệnh lại từ chối không cho, không theo phép tắc, đấy là tám tội. Gần đây Lĩnh quân Hứa Doãn sắp làm Trấn bắc Tướng quân, đem tiền phủ cấp cho, vậy mà Sư dâng tấu xin bãi chức, dẫu cho đi đày, nhưng trên đường bỏ đói cho chết, thiên hạ nghe tin, chẳng ai không thương khóc, đấy là chín tội. Quân giữ ba miền, một sớm thiếu vắng, chọn nhiều quân mạnh, cho làm quân vệ, năm doanh lĩnh quân, thiếu mà không thêm, chở nhiều khí giới tụ đầy ở doanh của mình, thiên hạ nghe tin, lòng người giận oán, kêu than đầy đường, trong nước nghi ngờ, đấy là mười tội. Rút nhiều quân phòng giữ về để xét chọn dùng, để làm bốn phía trống rỗng, muốn tự ý chuyên quyền mặc sức phóng túng. Chọn người lập đồn làm ruộng, lại thêm thưởng tặng, dựa quân gây ác, làm loạn phép cũ. Tụ hợp các vương hầu phiên thuộc để làm phen dậu, lại muốn giết hết họ, một sớm dấy quân phế vua. Thiên hạ gặp ác lâu ngày, khiến cho mắt sưng không nhìn thấy, đấy là mười một tội. Cha anh bọn thần đều đi theo Thái Tổ Vũ Hoàng Đế đánh dẹp kẻ hung bạo, lập nên công lớn, cùng Cao Tổ Văn Hoàng Đế chịu nhận ngôi nhà Hán, mở nước dựng nhà, vẫn mong được lưu danh như Nghiêu, Thuấn vậy. Thần cùng bọn An phong Hộ quân Trịnh Dực, Lư Giang Hộ quân Lữ Tuyên, Thái thú Trương Hưu, Hoài Nam Thái thú Đinh Tôn, Đốc thủ Hợp Phì Hộ quân Vương Hưu bàn mưu, đều cho rằng nhiều đợi chịu ân, nghìn năm gió bụi, vẫn dốc hết sức để lập công giữ trọn xã tắc cho vua. Nghĩa ấy nếu thành, dẫu đốt cả vợ con, nuốt bùn bôi thân, chết cũng không tiếc vậy. Xét tội của Sư, nên phạt tội nặng để nêu rõ tội ác. Theo nghĩa 《Xuân thu》, một đời làm việc tốt thì một đời được tha. Ý có công lớn, trong nước đều nhớ, dựa theo phép cũ, phế Sư thì phong Hầu cho em, em là Chiêu, trung trinh sáng suốt, vui thân kẻ sĩ, có khí độ của quân tử trên đời, trung thành giúp nước, không giống với Sư. Bọn thần rập đầu tiến cử, nên dùng người thay Sư giúp dẫn Nhà vua. Thái úy Phu, cẩn thận trung hiếu, nên được ban sủng, cho làm Bảo phó(7). Hộ quân Tán kị Thường thị Vọng, gắng giúp việc công, làm quan tài năng, người xa đón xem, có công hộ vệ, nên cho làm Trung lĩnh quân. Theo nghĩa 《Xuân thu》, vì nghĩa lớn mà diệt người thân, cho nên Chu Công giết em, Thạch Thác băm con, Quý Hữu hại anh, giúp nước trên hết, giữ họ hàng là thứ dưới. Giết Cổn dùng Vũ(8) là phép cũ của thánh nhân, được xưa nay khen ngợi. Xin Bệ hạ nghe lời tấu của bọn thần, triều đình xét kĩ. Thần nói đúng đạo, nếu Sư nhường chức cho người hiền, bãi binh ngừng giữ như phép cũ của thời Tam Hoàng thì thiên hạ cùng hợp. Nếu Sư dựa vào quyền thế không tự rút lui thì bọn thần đem tướng thuộc hạ, ngày đêm cùng đi, tự lệnh đến đánh. Bọn thần ngày nay dâng tấu, chỉ mong cho Đại Ngụy còn mãi, cho Bệ hạ được làm vua thật, cắt đứt cái họa diệt vong, trăm họ an toàn, sáu cõi hợp một, khiến cho trung thần liệt sĩ không thẹn với Tam Hoàng, Ngũ Đế vậy. Thần sợ một khi dấy binh thì thiên hạ nhiễu loạn, cho nên thần bày việc lên, gửi thư đến Tam công cùng các quan Điển nông châu quận, đều vỗ về quân dân các nơi ấy, không được làm bừa, cẩn thận để báo tin. Mong Bệ hạ nuôi dưỡng chí lớn, xét rõ nguy hại. Sư chuyên quyên tạo thế, phóng túng thưởng phạt, nghe tin bọn thần dấy binh, tất hạ chiếu ngăn chặn các cửa ải bến sông, khiến cho thư tấu không gửi đến được, tự ý điều động, sai người tìm bắt. Đấy là chiếu thư của Sư mà không phải là chiếu thư của Bệ hạ, ở đó đều không được vâng theo vậy. Bọn thần ở xa, sợ tấu biểu đều không được gửi đến, liền tạm thời thưởng phạt, tùy lúc mà làm việc, chốc lát sẽ dâng biểu lên".

Đại Tướng quân đem quân trong ngoài đánh Kiệm, sai riêng Gia Cát Đản đem các quân Dự Châu từ bến An Phong hướng đến Thọ Xuân, Chinh đông Tướng quân Hồ Tôn đem các quân Thanh Châu, Từ Châu ra đến miền Tiêu, Tống, ngăn chặn đường về của Kiệm. Đại Tướng quân đóng đồn ở Nhữ Dương, sai Giám quân Vương Cơ đem các quân tiên phong chiếm miền nam Dĩnh Xuyên để đợi Kiệm. Sai các quân đều giữ lũy không được ra đánh. Kiệm, Khâm đến không đánh được, rút thì sợ Thọ Xuân bị đánh úp không về được, kế cùng không biết làm thế nào. Nhà tướng sĩ miền Hoài Nam đều tại miền bắc, lòng người lìa tan, theo nhau xin hàng, chỉ có người dân vừa mới theo về ở Hoài Nam là theo lệnh. Đại Tướng quân sai Duyện Châu Thứ sử Đặng Ngải đem hơn vạn quân của quận Thái Sơn đến Lạc Gia, tỏ vẻ yếu kém để dụ Khâm, Đại Tướng quân ngầm đi từ huyện Chu đến. Khâm không biết, quả nhiên buổi đêm đến muốn đánh úp bọn Ngải, vừa sáng, thấy quân mã của Đại Tướng quân đông, bèn rút về.

《Ngụy thị Xuân thu》 viết: Con giữa của Khâm là Thục, còn có tên là Ương. Tuổi còn nhỏ nhưng sức khỏe hơn người, bảo Khâm rằng: "Lúc giặc chưa ổn nên đánh chúng mới phá được". Do đó chia làm hai đội, đuổi đêm đến đánh. Thục đem tráng sĩ đến trước, gọi lớn Đại Tướng quân, trong quân chấn động. Khâm ở sau không đáp. Vừa sáng, Thục rút, Khâm cũng dẫn quân về. 《Ngụy mạt truyện》 viết: Trong điện có người họ Y, tự Đại Mục, thuở nhỏ làm nô của nhà họ Tào, thường hầu ở bên vua, Đại Tướng quân muốn đi cùng. Đại mục biết một mắt Đại Tướng quân đã lồi ra, bẩm rằng: "Văn Khâm vốn là người tim bụng của minh công, chỉ bị người ta mê hoặc mà thôi, lại là người cùng thôn ấp của Thiên tử. Đại Mục ngày trước được Văn Khâm tin cậy, xin được đến khuyên dụ hắn, sai kết thân lại với minh công". Đại Tướng quân nghe theo sai Đại Mục một mình đến, cưỡi ngựa lớn, mặc áo giáp, tìm Văn Khâm cùng nhau nói chuyện. Trong lòng Đại Mục muốn giúp họ Tào, nói khơi rằng: "Quân hầu sao lại khổ sở không chịu nhịn được mấy ngày vậy"! Muốn khiến cho Khâm hiểu ý mình. Khâm vẫn không biết, lại còn lớn tiếng mắng Đại Mục nói: "Mi là người nhà của Tiên đế, không nghĩ cách đền ân mà lại giúp Tư Mã Sư làm phản; không nghĩ đến Thiên tử, trời chẳng tha mi"! Bèn lắp tên giương cung muốn bắn Đại Mục, Đại Mục khóc lóc nói: "Việc lớn hỏng rồi, hay cho còn tự gắng sức".

Đại Tướng quân xua quân kị khỏe đuổi đánh, đại phá Khâm, Khâm chạy trốn. Hôm ấy, Kiệm nghe tin Khâm thua trận, sợ hãi buổi đêm cũng chạy, quân vỡ. Kịp đến huyện Thận, quân sĩ tả hữu dần dần bỏ Kiệm mà đi, Kiệm một mình cùng em út là Tú và cháu là Trọng nấp ở trong bãi cỏ ven sông. Dân của An Phong tân Đô úy Trương Thuộc liền bắn chết Kiệm, chuyển đầu về kinh đô. Thuộc được phong Hầu. Tú, Trọng chạy vào nước Ngô. Các tướng sĩ bị Kiệm, Khâm ép bức đều hàng cả.

Khâm gửi thư cho Quách Hoài nói: "Đại Tướng quân Chiêu Bá và Thái phó(9) cùng nhận mệnh vua, gọi đến giường nắm tay, trao gửi thiên hạ, đấy là điều mà người gần xa đều biết. Sau lại vì thế lợi bèn dứt lòng thờ vua, cho nên họ hàng của mình đều là bọn anh tuấn một đời cũng vì thế mà đau lòng. Sao thế, sao thế! Công hầu cậy có ân gần gũi Tư Mã Công, nghĩa như vàng đá, nhưng vào thời bấy giờ bị mắc bệnh nặng cho nên chỗ không gánh vác được. Vương Thái úy(10) ghét sự chuyên quyền của Thái phó, ngầm muốn dấy binh, việc chẳng thành công, lại bị giết cả, gây hại đến Sở Vương(11), nghĩ thật là tiếc giận. Thái phó đã mất, nhưng con là Sư thay nối nghiệp cha, bạo ngược phóng túng, ngày càng nhiều thêm, đuổi vua giết Hậu, giết hại tôi trung, mang chứa lòng ác, rồi lại giết vua. Việc ấy còn nỡ làm thì việc gì không nỡ làm đây? Khâm lấy cớ là tôi cũ, thờ vua có nghĩa, mang giữ lòng trung, quên ăn quên ngủ, không gì hối tiếc vậy. Lúc Quán Khâu Tử Bang(12) tự gửi thư cho cha, khuyên nên Công hầu, dốc hết trung nghĩa thờ vua, tóc trắng dựng đứng thật như Thái Công. Mong nghĩ về miền đông, bóng hình giúp nhau. Ngày ấy nghe tin, không gì cảm kích bằng! Cho nên nghĩ đến bệnh tật của vợ con, liền cùng Quán Khâu Trấn đông Tướng quân dấy hơn ba vạn nghĩa binh, đi về phía tây đến kinh sư, muốn giúp đỡ Nhà vua, tẩy trừ kẻ gian nghịch, kiễng chân về phía tây, không được nghe tiếng vọng, dẫu người Lỗ trông Cao Tử(13) cũng không đủ sánh vậy. Làm việc nhân không từ chối, huống chi là cứu nạn cho vua, vì thấy đường đi xa trở cho nên chưa hẹn đúng mà thôi. Cùng thuyền cùng vượt sông, cùng nhận an nguy, đã vướng họa hại, không lời gì giải bỏ được, tự Công hầu biết rõ vậy. Cùng thờ họ Tào, tin cậy nhà Ngụy, đến người đi đường đều biết như vậy. Như kẻ sĩ ở triều đình, mưu lợi sống tạm, tráng sĩ bị coi khinh, Công hầu bị xem thường, bọn nhà buôn cũng không nỡ làm vậy, huống chi là kẻ sĩ làm quan đây? Quân đã đến huyện Hạng, ta hẹn đến ngày mười sáu tháng nhuận sẽ tiến quân đi riêng, đến ở thành Lạc Gia đánh Sư. Nếu quân của Sư lúc ấy bị vỡ lở, sẽ bị chặt giáo, không còn lập lại thế, rồi ruổi dài đến thẳng kinh sư vậy. Nhưng chuyển lời đến trước, Quán Khâu Tướng quân còn chưa hiểu rõ, lại nói là ta bị lầm, các quân do đó mà tan vỡ. Quán Khâu Tướng quân chạy về, rồi dần cởi giải, nhưng không kịp nữa. Ta phải về huyện Hạng, lại gặp mười hai tên quân của bọn Vương Cơ, tìm gặp Quán Khâu Tướng quân, đem quân đánh Sư, liền đánh phá được, đến đâu thắng đấy, bị chặn ở sau không nối tiếp sao? Quân lẻ lộn xộn, chẳng còn chỗ tiến lùi, bèn về giữ Thọ Xuân, lại bỏ Thọ Xuân, toàn quân lìa tan, chẳng còn kế gì, chỉ còn biết theo về nước Ngô, mượn quân xin lương, bắt chước Ngũ Viên(14) mà thôi. Nếu không theo về, nếu còn dốc lòng, trả thù cho vua, mãi thờ cúng ân sủng của họ Tào, đấy cũng cái mà nước lớn ghi nhớ vậy. Há Công hầu không khiến cho Trình Anh, Xử Cữu(15) bị tiếng xấu ở thời xưa, mà khiến cho riêng Đại Ngụy không còn kẻ sĩ trung nghĩa chăng? Nay nước Đại Ngô vâng theo nghĩa lớn, thương cảm sâu sắc. Vẫn nghĩ đến giúp đỡ nước liền kề, có chung một thế, muốn cùng dấy binh, làm móng vuốt cho Trung Quốc, không muốn giúp cho riêng mình mà thôi. Công hầu hẳn muốn mang lòng bụng cùng dấy binh, mở rộng thế lớn, chỉ sợ quân lính miền Tần Xuyên không thể nổi dậy riêng lẻ vậy. Kế của ngày nay, nên cúi mình theo người, trao thân theo nhà Hán(16), đông tây cùng nổi dậy mới có thể đánh thắng quân của Sư vậy. Mong xét kĩ lời này, nếu kế ngu này làm được, nên sai quân đất Hán chiếm giữ chỗ hiểm, khiến cho sáu cõi lướt theo để được cùng ban thưởng như Chu, Thiệu, nghĩ kế cho con cháu. Đấy cũng không phải là việc dễ, nhưng đại trượng phu nên ở vào thời nhiễu loạn để được tỏ rõ lòng trung. Đang mong tin lành". Bấy giờ Quách Hoài đã chết, Khâm còn chưa biết cho nên viết thư này.

《Thế ngữ》 viết: Quán Khâu Kiệm bị giết, bắt phe đảng hơn bảy trăm người, sai Thị ngự sử Đỗ Hữu xét tội, chỉ kể tội mười người đứng đầu, còn lại đều thả ra. Hữu tự Quý Tử, người Đông Quận, làm quan Kí Châu Thứ sử, Hà Nam Doãn của nhà Tấn. Con là Mặc, tự Thế Huyền, làm qua chức Lại bộ lang, Vệ úy.

Con Kiệm là Điện, làm Trị thư thị Ngự sử, lúc trước biết Kiệm mưu sắp nổi dậy, tự mình đem người nhà chạy trốn trên núi Linh Sơn huyện Tân An. Sai quân đi riêng đánh hạ được, giết ba họ của Kiệm.

《Thế ngữ》 viết: Điện tự Tử Bang, có tiếng ở kinh kì. Lúc Tề Vương bị phế, Điện bảo Kiệm nói: "Đại nhân gánh vác việc lớn ở đất rợ, nước nghiêng lật mà vẫn vui vẻ tự giữ, chịu bị người bốn biển chê trách sao"? Kiệm cho là phải. Đại Tướng quân ghét Kiệm giúp người khác vậy. Lúc Kiệm dấy binh, xét hỏi những người ở đấy, nói là không theo người không làm được vậy. Kiệm mới dấy binh, sai bốn con là bọn Tông vào nước Ngô. Giữa năm Thái Khang, nước Ngô bình, anh em Tông đều về Trung Quốc. Tông tự Tử Nhân, có phong thái của Kiệm, làm đến chức Linh Lăng Thái thú. Con Tông là Áo, làm Ba Đông Giám quân, Ích Châu Thứ sử. Tập Tạc Xỉ nói: "Quán Khâu Kiệm cảm kích mệnh lệnh của Minh Đế cho nên dấy binh ấy. Người quân tử cho rằng việc của Quán Khâu Kiệm không thành nhưng đáng gọi là tôi trung. Dốc hết khí tiết mà giữ nghĩa là do mình vậy, thành hay bại là do thời vậy. Nếu mình không gặp thời, sao mà thành công được đây? Quên mình mà không tự cho là như thế, đấy vốn gọi là trung vậy. Người xưa có nói: 'Chết mà lại sống, sống thì chẳng thẹn'. Như Quán Khâu Kiệm có thể nói là không thẹn vậy".

Khâm trốn vào nước Ngô, vua Ngô lấy Khâm làm Đô hộ, Giả tiết, Trấn bắc Tướng quân, U Châu Mục, Tiêu Hầu.

Khâm dâng biểu hàng Ngô nói: "Chịu mệnh không may, thường giúp nước Ngụy, hai lần bị trời ngăn chặn. Dẫu nép bên góc đô vẫn tự biết không có đường đến vậy. Tư Mã Sư tội ác đầy trời, phế bỏ hai vua, dẫu Tân, Quý, Cao, Mãng(17), tội ác cũng không đủ sánh. Khâm nhiều đời chịu ân của nhà Ngụy, cái tình quạ mớm, mang chứa trong lòng, cái nghĩa ba vị, vẫn hẹn báo đáp. Khâm cùng bọn Quán Khâu Kiệm, Quách Hoài cùng dấy nghĩa binh, sắp cùng đánh Sư, tẩy trừ hung ác, thực là thần còn lo lắng vì ngu dốt. Mưu trí nông cạn, khí tiết không vững, đi không có chỗ dựa, thực là đau lòng. Trộm nghĩ không thể giúp đỡ bản triều nhưng vẫn mang lòng ngưỡng trông, không chỗ tự đặt. Liều theo phép xưa, gửi thân theo về, dựa vào oai trời, được nhờ gì chăng? Nếu một ngày chết đi cũng không hối tiếc. Liền dẫn tướng sĩ theo về giáo hóa, tạm xin được sống, không biết nói gì hơn. Kính dâng ấn thao Sứ trì tiết, Tiền Tướng quân, Sơn Tang Hầu mà nhà Ngụy trao. Dâng biểu hổ thẹn, chịu nhận tội chết". 《Ngụy thư》 viết: Khâm tự Trọng Nhược, người Tiêu Quận. Cha là Tắc, giữa năm Kiến An làm Kị tướng, có sức khỏe. Khâm thuở trẻ đã có tiếng là con nhà tướng, có tài võ được khen. Ngụy Phúng làm phản, Khâm bị khép tội nói chuyện qua lại với Phúng, lúc bắt vào ngục, bị đánh mấy trăm roi, sắp chết, Thái Tổ vì Tắc mà tha cho. Giữa năm Thái Hòa làm Ngũ doanh Hiệu đốc, ra làm Nha môn tướng. Tính Khâm cứng cỏi không có lễ phép, ở đấy nghênh ngang phạm quan trên, không vâng phép cấm, liền bị trách phạt, Minh Đế giáng chức. Sau lại cho làm Hoài Nam Nha môn tướng, chuyển làm Lư Giang Thái thú, Ưng dương Tướng quân. Vương Lăng tấu kể Khâm tham bạo, không nên cho vỗ về biên giới, xin bãi quan trị tội, do đó gọi Khâm về. Tào Sảng thấy Khâm là người cùng thôn ấp, đối đãi hậu hĩnh, không nghĩ đến việc cũ của Khâm, lại sai về Lư Giang, bái thêm chức Quán quân Tướng quân, ban sủng hơn trước. Khâm do đó thêm kiêu ngạo, ưa tự đánh dẹp, cậy mình vũ dũng hơn người, bèn ngày càng có tiếng hão ở ba quân. Sau khi Tào Sảng bị giết, bái Khâm làm Tiền Tướng quân để Khâm yên lòng, sau lại thay Gia Cát Đản làm Dương Châu Thứ sử. Từ khi Tào Sảng bị giết, Khâm thường sợ trong lòng, ghét nhau với Gia Cát Đản, không cùng mưu tính. Lúc Đản bỏ quân, Quán Khâu Kiệm đến, bèn ngầm cùng kết mưu. Thua trận chạy, ngày đêm đi gấp, quân đuổi theo không kịp, bèn vào được nước Ngô, được Tôn Tuấn đãi hậu. Khâm dẫu tại nước khác cũng không biết cúi mình dưới người, từ bọn Lữ Cứ, Chu Dị đến các Đại tướng đều ghét bỏ Khâm, chỉ có Tuấn là thường giúp đỡ Khâm.

Chú thích:
(1) Miền Hà Hữu: tức vùng đất phía tây sông Hoàng Hà. Sông Hoàng Hà có chỗ chảy từ phía nam lên phía bắc, phía tây sông gọi là vùng Hà Tây, hoặc vùng Hà Hữu.
(2) Đông cung: thời xưa Thái tử ở cung phía đông cho nên Thái tử cũng gọi là 'Đông cung'. Ý nói lúc Ngụy Minh Đế còn làm Thái tử rất gần gũi với Kiệm.
(3) Tướng quốc Ý: tức Thái phó Tư Mã Ý.
(4) Tề Vương: tức Tào Phương.
(5) Hai tên giặc: chỉ hai nước Ngô và Thục
(6) Thái úy Phu: tức Thái úy Tư Mã Phu.
(7) Bảo phó: tức tên gọi chung cho chức quan dạy dỗ con em quý tộc trong cung.
(8) Giết Cổn dùng Vũ: thời vua Thuấn, nước sông tràn ngập, vua Thuấn sai Cổn đi trị thủy, mười năm không xong, giết Cổn, dùng con Cổn là Vũ thay đi trị thủy, bèn xong, tức vua Vũ của nhà Hạ.
(9) Đại Tướng quân Chiêu Bá và Thái phó: tức Đại Tướng quân Tào Sảng, tự Chiêu Bá và Thái phó Tư Mã Ý. Bấy giờ được Ngụy Minh Đế trao gửi con nhỏ là Tào Phương.
(10) Vương Thái úy: tức Thái úy Vương Lăng.
(11) Sở Vương: tức Tào Bưu, con thứ của Tào Tháo.
(12) Quán Khâu Tử Bang: tức Quán Khâu Điện, tự Tử Bang, con của Quán Khâu Kiệm
(13) Người Lỗ trông Cao Tử: Cao Tử là Cao Hề, lúc nước Lỗ nhiễu loạn không yên, Tề Hoàn Công sai Cao Tử sang giúp nước Lỗ dẹp loạn, do đó người nước Lỗ nhớ ơn, vẫn trông mong Cao Tử.
(14) Ngũ Viên: tức Ngũ Tử Tư, người nước Sở, cha là Ngũ Xa bị giết, bèn trốn sang nước Ngô.
(15) Trình Anh, Xử Cữu: Trình Anh là bạn của Đại phu nước Tấn là Triệu Thuẫn và con của Triệu Thuẫn là Triệu Sóc. Xử Cữu cũng là tân khách của Triệu Thuẫn. Vào thời Tấn Cảnh Công, Đại phu Đồ Ngạn Cổ giết Triệu Thuẫn, diệt cả họ hàng. Hai người Trình Anh, Xử Cữu cùng mưu đem con nhỏ của Triệu Sóc ẩn nấp tránh nạn ở trong núi, do đó mà họ Triệu vẫn còn người nối dõi.
(16) Nhà Hán: ý chỉ nước Thục.
(17) Tân, Quý, Cao, Mãng: Tân là vua Kiệt cuối thời nhà Hạ, Quý là vua Trụ cuối thời nhà Ân, Cao tức Cao Hậu Lữ Trĩ đầu thời nhà Tây Hán, Mãng là Vương Mãng cuối thời nhà Tây Hán, đều là những người bạo ngược, làm loạn chính trị thời xưa.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.