Header Ads

Ôn Khôi Truyện


Ôn Khôi tự Mạn Cơ, người huyện Kì quận Thái Nguyên. Cha là Thứ, làm Trác Quận Thái thú, chết, Khôi bấy giờ mười lăm tuổi, đem tang trở về quê nhà. Nhà có nhiều tiền của, Khôi nói: "Nay thời loạn, giàu để làm gì"? Một sớm chia ra hết, cấp cho họ hàng. Người trong châu khen là cao thượng, sánh với Tuân Việt(1). Cử Hiếu liêm, làm Lẫm Khâu Trưởng, Quảng Xuyên Lệnh, Bành Thành Tướng, Lỗ Tướng, làm quan ở đâu cũng được khen. Vào làm Thừa tướng Chủ bạ, ra làm Dương Châu Thứ sử. Thái Tổ nói: "Rất muốn cho khanh ở nơi gần gũi, nhưng cho rằng không bằng cho khanh làm việc lớn của châu ấy. Cho nên kinh Thư viết: 'Người đùi tay giỏi thay! Làm các việc tốt thay'! Như thế há không nên cho Tưởng Tế làm Trị trung sao"? Bấy giờ Tế được làm Đan Dương Thái thú, bèn sai Tế về làm việc ở châu, lại bảo bọn Trương Liêu, Nhạc Tiến rằng: "Dương Châu Thứ sử hiểu thấu việc quân, động tĩnh thế nào phải cùng bàn luận".

Năm Kiến An thứ hai mươi tư, Tôn Quyền đánh Hợp Phì. Bấy giờ đều đóng đồn ở các châu, Khôi bảo Duyện Châu Thứ sử Bùi Tiềm rằng: "Vùng này dẫu có giặc nhưng không đáng lo, chỉ sợ Chinh nam(2) đang có biến. Nay nước sông lên cao mà Tử Hiếu để quân ở đấy, không có phòng bị từ xa. Quan Vũ kêu hùng, được lợi mà đến, tất sẽ gây hại". Do đó có việc ở thành Phàn. Hạ chiếu gọi bọn Tiềm và Dự Châu Thứ sử Lữ Công dẫn quân đi, nhưng bọn Tiềm chậm trễ. Khôi ngầm bảo Tiềm nói: "Việc gấp ở Tương Dương tất được báo lên vậy. Triều đình không vội sai tụ quận là vì không muốn làm cho quân ở phương xa dao động. Một hai ngày nữa tất có thư kín thúc dục các ông lên đường, bọn Trương Liêu lại sắp nhận lệnh. Bọn Liêu vốn biết ý của Ngụy Vương, sau khi nhận lệnh tất đến trước, các ông tất chịu trách phạt vậy"! Tiềm nghe lời ấy, để đồ nặng ở lại, rồi sắm sửa đồ nhẹ đi ngay, quả nhiên có lệnh thúc dục. Bọn Liêu đều vâng theo lệnh gọi, đúng như lời mà Khôi nói.

Văn Đế lên ngôi, lấy Khôi làm Thị trung, ra làm Ngụy Quận Thái thú. Được mấy năm, chuyển làm Lương Châu Thứ sử, Trì tiết, lĩnh chức Hộ Khương Hiệu úy. Trên đường đi mắc bệnh chết, bấy giờ bốn mươi lăm tuổi. Hạ chiếu nói: "Khôi có khí chất của cột đá(3), theo giúp Tiên đế(4), công lao nổi rõ. Lúc trẫm lên nắm việc, lại trung với nhà vua, vậy nên cho nắm việc nơi vạn dặm, sai đi coi việc của một vùng. Vậy mà việc chưa xong, trẫm rất thương tiếc"! Ban tước Quan nội hầu cho con Khôi là Sinh. Sinh chết sớm, tước mất.

Sau khi Khôi chết, người quận Nhữ Nam là Mạnh Kiến làm Lương Châu Thứ sử, có tiếng tăm, làm đến Chinh đông Tướng quân.

Ngụy lược viết: Kiến tự Công Uy, thủa nhỏ cùng du học với Gia Cát Lượng. Sau đó Lượng ra Kì Sơn, đáp thư Tư Mã Tuyên Vương, sai Đỗ Tử Tự(5) truyền ý thăm hỏi Công Uy vậy.

Chú thích:
(1) Tuân Việt: tự Thần Trọng, người quận Thái Nguyên thời Tây Hán, từng chia tiền của cấp phát cho họ hàng.
(2) Chinh nam: tức Chinh nam Tướng quân Tào Nhân, tự Tử Hiếu, em họ của Tào Tháo, bấy giờ đóng quân ở Tương Dương.
(3) Cột đá: ý nói người có chức cao của nhà nước, như cột chống giữ cho nhà nước được vững vàng. (4) Tiên đế: tức Ngụy Vũ Đế Tào Tháo.
(5) Đỗ Tử Tự: tức Đỗ Tập tự Tử Tự, người huyện Định Lăng quận Dĩnh Xuyên, xem ở Tam quốc chí - Ngụy thư - Đỗ Tập truyện.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.