Header Ads

Trần Thái Truyện


Thái tự là Huyền Bá. Năm Thanh Long trung, được làm Tán kỵ Thị lang. Năm Chính Thuỷ trung lại được đổi sang làm Kích tướng quân, Tinh châu thứ sử, gia thêm Chấn uy tướng quân, được cầm cờ tiết, lĩnh chức hộ Hung Nô Trung lang tướng, Thái lấy sự nhu thuận đối xử với người Di ở đấy, rất có ân uy. Có bậc quý nhân ở đất Kinh Ấp gửi biếu Thái rất nhiều tiền bạc của cải, bởi thế lúc mua nô tì, Thái treo hết những của cải ấy ở trên vách, không hề đụng đến, khi được vời về làm Thượng thư, Thái lại đem hết những của cải đó mang trả lại người ấy.

Năm Gia Bình sơ, Thái được cử thay Quách Hoài làm Ung châu thứ sử, gia thêm Phấn uy tướng quân. Thục đại tướng quân Khương Duy xuất binh men lối Khúc sơn đắp hai toà thành, sai Nha môn tướng là Câu An, Lý Hâm cố thủ ở đó, lại hẹn rợ Khương Hồ ước thệ cùng vào cướp bóc các quận quanh đó.

Chinh tây tướng quân Quách Hoài cùng với Thái bàn kế chống giữ. Thái nói: “Khúc thành tuy vững chắc, nhưng đường từ Thục đến đó xa xôi hiểm trở, việc vận lương tất chậm trễ. Quân rợ Khương sợ Duy khó khăn việc lao dịch, ắt chưa dễ giúp đỡ hết lòng. Nay ta cần vây hãm quân ấy, có thể không cần phải hết sức phá thành; dẫu họ có quân cứu viện, nhưng đường núi hiểm trở, đâu dễ hành binh như trên đất bằng được”. Hoài bèn theo kế của Thái, sai Thái lĩnh binh vây đánh quân Thục. Hộ quân Từ Chất, Nam An thái thú Đặng Ngải cùng tiến binh vây hãm Khúc thành, cắt đứt đường lấy nước. Bọn Câu An phải ra đánh, Ngải không ứng chiến, quân Thục khốn quẫn, bốc tuyết nấu ăn cho qua ngày tháng chờ cứu viện.

Duy quả nhiên dẫn quân đến cứu giúp, tiến binh ra hướng Ngưu đầu sơn, cùng với Thái đối trận. Thái nói với chư tướng rằng: “Binh pháp quý ở chỗ không cần đánh mà khuất phục được được địch. Nay ta chẹn đường ở Ngưu đầu sơn, Duy không có đường tiến, sẽ bị ta cầm giữ ở đây.” Rồi lệnh cho các tướng cố sức giữ chắc thành luỹ không được giao chiến, lại phái sứ đến bẩm với Hoài, muốn từ phía Nam vượt qua Bạch Thuỷ, men sông tiến về hướng Đông, đề nghị Hoài đến thẳng Ngưu Đầu sơn, cắt đứt đường về của quân Thục, có thể bắt được Duy, như thế chẳng cần lo đến bọn Câu An nữa. Hoài khen kế ấy, dẫn ba quân đến Thao Thuỷ. Duy kinh hãi, phải bỏ chạy. Bọn Cẩu An cô thế, bèn ra hàng. Hoài chết, Thái được cử lên thay làm Chinh tây tướng quân, được ban giả tiết, kiêm quản mọi việc quân sự ở Ung, Lương. Năm sau, Ung châu thứ sử Vương Kinh bẩm với Thái rằng, Khương Duy và Hạ Hầu Bá sắp chia quân làm ba đạo nhằm các hướng Kỳ Sơn, Thạch Doanh, Kim Thành, xin tiến binh làm vây cánh, điều quân ở Lương châu tiến đến Bào Hãn đánh vào quân Thục để giảm áp lực cho quân ở Kỳ Sơn. Thái liệu thế địch thấy không thể đương nổi cả ba đường, vả lại chia rẽ binh lực là việc rất không hay, mà quân Lương châu lại chưa ra khỏi cõi, liền bảo Kinh rằng: “Cần phải xét kỹ việc này, để định rõ phương lược, lại phải từ hai phía Đông Tây hợp binh lại mà tiến mới được”.

Bấy giờ Duy dẫn mấy vạn quân tiến đến Bào Hãn, nhằm hướng Địch Đạo. Thái lệnh cho Vương Kinh tiến lên đóng quân ở Địch Đạo, đợi quân các nơi đến đủ, sẽ tuỳ cơ đánh giữ. Còn Thái tiến quân đến Trần Thương. Kinh lại thống lĩnh ba quân tiến đến Cố Quan cùng với địch đánh nhau ở đó, gặp bất lợi, Kinh vội chạy về Thao Thuỷ. Thái thấy Kinh không chiếm đóng Địch Đạo, sợ có biến, bèn sai đóng năm dinh quân ngay trước trận, Thái đốc ba quân đóng ở phía sau. Kinh cùng Duy đại chiến ở Thao Thuỷ, bị thua lớn, mới dẫn hơn vạn quân lui về giữ thành Địch Đạo, binh sĩ còn lại đều thua chạy tan tác cả. Duy thừa thắng vây hãm Địch Đạo. Thái đóng quân ở Thượng Nhai, chia binh đóng giữ nơi hiểm yếu, sớm tối canh giữ nghiêm ngặt. Đặng Ngải, Hồ Phấn, Vương Bí cũng đến nơi, Thái liền cùng với Ngải, Bí chia quân làm ba đạo, tiến đến Lũng Tây.

Ngải cho rằng “Vương Kinh cậy quân mạnh giao chiến nên bị thua lớn ở phía Tây, nay kẻ địch đông mà sỹ khí đang hăng, lại đang thừa thắng nên quân ta khó mà đương nổi, quân lính của ta vốn là quân ô hợp, nếu bị thua thêm một trận nữa, ắt tướng sỹ đều mất vía cả, mà vùng Lũng Hữu sẽ nguy mất. Cổ nhân có câu rằng: ‘Bị rắn độc cắn vào tay, tráng sĩ phải cắt bỏ cánh tay mình’. Tôn Tử lại nói: ‘Việc binh có lúc không cần đánh, đất đai có lúc chẳng cần phải giữ.’ Chính là bỏ cái nhỏ để bảo toàn lấy cái lớn vậy. Nay Lũng Hữu gặp nguy hiểm, cái hại còn hơn cả độc xà, Địch Đạo bị vây hãm, chẳng cần phải cố giữ. Khương Duy tiến binh, ta hãy tạm tránh mũi nhọn của địch. Lại chẹn giữ những nơi hiểm yếu, chờ kẻ địch mệt mỏi, rồi sau mới tiến binh cứu, kế ấy mới là hay vậy.”

Thái nói: “Khương Duy cất tinh binh thâm nhập, chính là muốn cùng với ta tranh chiến, cần đánh một trận mà được lợi. Vương Kinh nếu cậy thành cao hào sâu cố thủ, sẽ bẻ gẫy được nhuệ khí của địch. Nay lại cùng giao chiến, khiến cho quân địch đắc kế, đại phá quân của Vương Kinh, lại vây hãm Địch Đạo. Nếu như Duy thắng được sẽ diễu võ dương oai, tiến binh về phía Đông, chiếm giữ Lịch Dương là nơi chứa lương của ta, thu nhặt hàng binh, liên kết với rợ Khương-Hồ, ngoảnh về Đông tranh tranh chiếm vùng Quan-Lũng, truyền hịch ra bốn quận, như thế thì quân ta sẽ bị rầy rà to. Mà Duy thừa thắng tiến binh, thành cao cũng bị hạ, nhuệ khí đã mất, có hết sức cũng khó mà giữ được, cái thế đánh giữ khác nhau, khách chủ bất đồng là vậy. Binh thư nói rằng: ‘Sửa cái thuyền, ba tháng thì xong, làm cái mái chèo lại mất quá ba tháng thì vứt đi cả’. Ta tin rằng quân kia ở xa mới tới, Duy sẽ dùng mưu mẹo trí trá để cướp lương thảo. Quân địch ở xa đến chỉ đóng tạm ở đó ít bữa, lương thực ắt không mang đủ, như vậy theo ý ta thì bây giờ cần phải gấp rút tiến lên phá địch, nếu bảo rằng nóng nảy vội vàng mà không theo, tự nhiên bỏ phí mất thời cơ. Thao Thuỷ hình thế như cái dải áo, bọn Duy đang ở sâu phía trong, nay quân ta đóng ở trên cao, chỉ cần dàn binh ở núi Hạng Lĩnh, thì chẳng cần đánh quân kia ắt phải bỏ chạy. Quân địch đến chớ nên buông thả, quân ta bị vây không thể chờ lâu, sao ngươi có thể nói như thế được?”

Rồi ngầm tiến quân đến núi Hạng Lĩnh, ngay trong đêm đến phía Đông Nam thành Địch Đạo đóng quân trên đỉnh núi, sai đốt lửa làm hiệu, ngày thì thúc trống. Tướng sĩ trong thành Địch Đạo thấy quân cứu viện đã đến, đều lấy làm phấn chấn. Thục tướng Khương Duy cho rằng cứu binh còn đang tụ tập bèn phát động tấn công, sĩ tốt nghe tin địch đến, ngờ rằng đóng quân lại ắt có biến, trên dưới đều kinh hoảng. Thái bèn dẫn quân tiến binh đến Lũng Tây, nhân thấy sơn đạo hiểm trở, đồ rằng địch tất đặt phục binh ở đó. Vì thế Thái liền rẽ về con đường phía Nam, quả nhiên Duy đặt quân mai phục binh ở đó đã ba ngày.

Bởi việc hành quân được suôn xẻ, sĩ tốt tiến được xuống phía Nam. Duy thấy thế liền vượt núi đuổi theo, Thái cùng Duy giao chiến, Duy gặp bất lợi phải lui binh. Quân Lương Châu cũng vừa tới phía nam Kim Thành chiếm giữ nơi sườn núi. Thái mật hẹn với Kinh, cùng tiến binh ra đường lớn, Duy hay được tin ấy, bèn bỏ chạy, tướng sĩ trong thành Địch Đạo được giải vây. Kinh than rằng: “Lương thảo trong thành còn chẳng đủ dùng mười ngày, sắp sửa chẳng giữ được nơi then chốt, phải bỏ thành mà chạy, làm mất đi một châu quận của quốc gia rồi”. Thái uý lạo tướng sĩ, cho ba quân lần lượt kéo về, lại đổi quân khác trấn giữ thành trì, sửa sang chiến luỹ, rồi lui binh đóng giữ Thượng Nhai.

Lúc trước, Thái nghe tin Kinh bị vây hãm, quân binh tướng sĩ ở đấy đồng lòng, cố sức bảo vệ thành, Duy cùng sĩ tốt đánh phá hết sức nguy cấp. Thái dâng biểu về triều rồi hoả tốc đêm ngày hành binh đến đó. Trong triều chúng tướng bàn rằng nếu Kinh bỏ chạy về phía Bắc, thành sẽ không thể giữ nổi, Duy ví bằng cắt đứt đường đi Lương châu, hiệu triệu dân Di ở bốn quận, chiếm cứ chỗ hiểm vùng Quan – Lũng, không những sẽ tan mất cánh quân của Vương Kinh mà Lũng Hữu cùng bị uy hiếp nặng. Nên đợi đại binh ở bốn phương tụ tập đầy đủ, rồi kéo đến đánh dẹp. Đại tướng quân Tư mã Văn vương cho rằng: “Xưa Gia Cát Lượng thường tiến ra đó, mà đến chết chẳng làm được việc ấy. Mưu việc lớn ở phương xa, ắt Duy chẳng thể không gắng hết sức. Vả lại trong thành không chứa sẵn lương thảo mà sĩ tốt ở đó bị vây, lương thiếu lại đang nguy cấp, phải nhanh chóng Tây chinh để cứu giúp, đó là thượng sách”.

Một mình Thái trông coi việc một phương, thường hay phô trương thanh thế để trấn áp thiên hạ, ít khi tâu bày công việc lên bề trền, dẫu đường đất đi lại bất quá chỉ chừng 600 dặm. Tư mã Văn vương nói riêng với Tuân Ỷ rằng: “Huyền Bá thâm trầm dũng mãnh mà quyết đoán, gánh vác việc nặng nhọc ở một phương, cứu tướng bị vây hãm trong thành, mà chẳng xin thêm binh, lại hiếm khi tâu bẩm việc lên bề trên, ắt hẳn đủ tài dẹp địch. Những bậc Đô đốc Đại tướng, cũng chẳng hơn được nào!”

Sau này Thái được vời về làm Thượng thư hữu Phó xạ, Điển tuyển cử (1), gia thêm Thị trung Quang lộc đại phu. Đại tướng nước Ngô là Tôn Tuấn xâm phạm vùng Hoài Tứ. Triều đình lấy Thái làm Trấn quân tướng quân, ban cho Giả tiết đô đốc mọi việc quân sự ở Hoài Bắc, lại xuống chiếu cho phép Thái được điều động toàn bộ quân lính ở Từ Châu. Tuấn lui binh, ba quân kéo về, Thái được chuyển làm tả Phó xạ. Gia Cát Đản dấy loạn ở Thọ Xuân, Tư mã Văn vương đốc xuất sáu lộ quân đóng ở Khâu Đầu, Thái được xếp đứng đầu một lộ. Tư mã Cảnh vương, Văn vương đều chơi thân với Thái, cả Vũ Cai ở đất Bái cũng thân thiện với Thái. Văn Vương hỏi Cai rằng: “Huyền Bá sao bằng cha ông ấy là Tư không được?” Cai nói: “Hiểu hết lẽ sách Nhĩ Nhã thì sướng ý, có thể khiến thiên hạ dốc lòng theo mình, chẳng phải thế sao; minh thống kiêm quản ngôi cao, lập công lập sự, còn hơn thế nữa.” Thái trước sau nhờ công lao mà được ăn lộc thêm hai vạn sáu ngàn hộ, con em thì một người được làm Đình hầu, hai người được làm quan nội hầu. Năm Cảnh Nguyên nguyên niên chết, được truy tặng chức Tư không, thuỵ hiệu là Mục hầu.

Tấn Kỷ của Kiền Bảo chép rằng: Cao Quý hương công bị giết (2), Tư mã Văn vương hội triều thần bàn việc. Trần Thái không chịu đến, Vương sai cậu là Tuân Khải triệu gọi. Khải đến, Thái nói: “Người ta vẫn bàn rằng, Thái tôi so được với cậu, nay xem ra cậu chẳng bằng Thái này được vậy”. Con em nội ngoại Thái đều bị bức đến cả, mọi người đều phục xuống rỏ nước mắt. Vương đợi một lát rồi bảo rằng: “Huyền Bá, khanh xem ta nên khu xử thế nào?” Đáp rằng: “Nên giết Giả Sung để tạ lỗi với thiên hạ.” Văn Vương nói: “Ta nghĩ nên giảm xuống một bậc”. Thái nói: “Thái tôi chỉ biết nghĩ đến bậc ấy, chứ chẳng biết thứ bậc nào nữa cả”. Văn vương không chịu đổi ý.

Nguỵ thị Xuân thu chép: Đế đã băng hà, Thái phó Tư Mã Phu, Thượng thư Hữu phó xạ Trần Thái gối đầu vào đùi thi thể của Đế, khóc lóc rất bi thương. Bấy giờ Đại tướng quân vào đến trong cung, Thái thấy thế rất đau lòng, Đại tướng quân cũng đứng sánh vai với Thái mà khóc, rồi nói rằng: “Huyền Bá, việc này ta nên xử thế nào?” Thái nói: “Chỉ có giết Giả Sung, mới có thể tạ lỗi với thiên hạ một chút.” Hồi lâu Đại tướng quân mới nói: “Khanh hãy nghĩ mà đổi xuống cho người khác”. Thái nói: “Há nên để cho Thái nói thêm lời nữa”. Rồi thổ huyết mà chết.

Con Thái là Tuân nối tự, Tuân chết, không có con. Em Tuân là Ôn nối tước. Năm Hàm Hi trung mới lập được chức Ngũ đẳng, bởi Thái có công lao với tiền triều, mới đổi phong tước cho con của Ôn là Thận.

Chú thích:
(1) Coi xét việc tiến cử.
(2) Tào Mao bị Tư mã Chiêu giết.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.