Header Ads

Chung Hội Truyện


Chung Hội tự Sỹ Quý, người ở quận Dĩnh Xuyên huyện Trường Xã, là con út của quan Thái phó Chung Do. Vốn thông minh lanh lợi từ thủa nhỏ.

Hội vi kỳ mẫu truyện viết: “Phu nhân Trương thị, tự Xương Bồ, là con một họ lớn ở Thái Nguyên, Thái phó Định Lăng là Thành Hầu lấy làm vợ. Phu nhân mất cả cha mẹ từ nhỏ, đến ở với gia đình Thành Hầu, tu thân đứng đắn, điều trái lễ không theo, người trên kẻ dưới đều khen ngợi. Có người quý thiếp là Tôn thị, chuyên quyền lấn áp vợ cả, có ý muốn hại người hiền, mấy lần mỉa mai gièm pha không được. Tôn thị biện bác xảo trá, ngôn từ giảo hoạt biến không thành có, khiến mọi người chẳng ai thương. Đến khi có mang, tật ghen ghét đố kỵ còn hơn nữa, mới để thuốc vào đồ ăn, phu nhân bị trúng độc, ăn xong thổ hết ra, say lừ đừ đến mấy ngày. Có người nói rằng: ‘Sao chẳng nói việc ấy với tướng công?’ Đáp rằng: ‘Vợ lẽ tác quái, phá gia nguy quốc, xưa nay vẫn lấy đó làm tấm gương răn dạy. Ví như tướng công tin ta, trong các ngươi ai biết rõ việc này? Kẻ kia trong bụng đã liệu được ta, rằng ta ắt hẳn sẽ nói ra, chắc chắn sẽ làm việc ấy trước ta; việc do kẻ kia nói ra, yên lặng mà xem chẳng khoái ý ư!’ Bèn phao tin rằng bị ốm không biết gì cả. Tôn thị quả nhiên nói với Thành Hầu rằng: ‘Thiếp mong sẽ có con trai, vì thế mới uống thuốc để sinh con trai, có kẻ để thuốc vào đồ ăn bảo rằng ấy là thuốc độc!’ Thành Hầu nói: ‘Uống thuốc sinh con trai là việc tốt, kẻ để thuốc vào đồ ăn là làm việc ám muội, chẳng có tính người vậy!’ Bèn tra hỏi người hầu, Tôn thị bởi lộ chuyện đắc tội bị đuổi ra ngoài. Thành Hầu hỏi phu nhân sao chẳng nói gì, phu nhân mới nói rõ việc ấy, Thành Hầu cả kinh, lại càng quý mến hơn. Năm Hoàng sơ thứ sáu, sinh được Hội, ân tình càng sâu nặng. Bởi Thành Hầu đã đuổi Tôn thị, mới lấy phu nhân thay vào ngôi chính thất của Giả thị.

Trung hộ quân Tưởng Tế từng luận xét rằng: “Cứ xem con mắt, đủ để biết người”. Năm Hội 5 tuổi, Do sai Hội đến hầu Tế, Tế thấy Hội rất kinh ngạc, nói: “Thật là người phi thường vậy.” Đến lúc Hội 30 tuổi, kiêm tài kỹ nghệ, mà học vấn uyên bác lịch duyệt thông tỏ điều lý, lại chuyên cần học tập suốt đêm ngày, bởi thế được thiên hạ khen ngợi. Năm Chính thuỷ trung, được lấy làm Bí thư lang, rồi đổi làm Thượng thư Trung thư thị lang.

Sách Thế Ngữ chép: Tư mã Cảnh vương sai Trung thư lệnh Ngu Tùng làm tờ biểu, lúc trình lên lại không vừa ý, mới sai Tùng sửa lại. Để sửa theo ý Cảnh vương lúc bấy giờ, Tùng nghĩ hết lẽ cũng không sao làm nổi, trong bụng lo lắng, lộ ra nét mặt. Hội thấy Tùng có vẻ ưu tư, liền hỏi, Tùng cứ tình thật nói ra. Hội coi xem việc ấy, rồi sửa có 5 chữ. Tùng vui lòng ưng theo, đem trình Cảnh Vương, Vương nói: “Chẳng phải là ngươi làm nổi, ai đã làm việc đó?” Tùng thưa: “Là Chung Hội. Thần cũng đã muốn sớm bẩm việc này, bởi Hội hỏi thần rồi thẳng thắn giúp cho, thần chẳng dám tham lam nhận lấy cái tài ấy”. Vương nói: “Ra thế, người này cần phải dùng vào việc lớn, có thể sai khiến được về sau đây.” Hội hỏi Tùng xem Vương có thuận theo không, Tùng nói: “Ngài học rộng uyên thâm, hiểu cùng mọi lẽ, chẳng chỗ nào không thấu đáo.” Hội bèn bỏ hết tân khách, nghĩ ngợi 10 ngày, mỗi sớm vào hầu, đến trống canh hai mới trở ra. Sau này, Vương có lần vỗ tay than rằng: “Ấy mới thật là người có tài vương tá vậy!”

Tùng tự Thúc Mậu, người ở Trần Lưu, là cháu ngoại của Cửu Giang thái thú Biên Nhượng. Tùng thuở nhỏ cũng có tài danh, Tư mã Tuyên vương đi chinh chiến ở Liêu Đông, Tuyên vương sai Tùng làm tờ hịch, lúc phá được giặc, cất nhắc lên làm Lộ Bố. Tùng theo về, Tuyên vương cho vời đến làm chức Duyện, năm ấy Tùng 24 tuổi, sau lại thăng lên làm Trung thư lang, rồi làm đến chức Thái thú. Con Tùng là Tuấn, tự Hiển Hoằng, đời Tấn làm đến chức Đình Uý.

Thần Tùng Chi thấy Chung Hội danh là con nhà công hầu, lời ngợi khen rỡ ràng từ rất sớm, trẻ tuổi đã được vào triều, trải ngôi vị quý hiển, Cảnh vương đứng đầu trăm quan, sao chẳng biết rõ, lại vì Ngu Tùng dâng biểu rồi sau mới nhờ đó mà biết đến hay sao? Ví thử việc lúc trước chẳng biết ai giúp, chỉ thấy năm chữ kia mà lại đoán rằng có thể dùng người ấy vào việc lớn, dẫu đến bậc thánh nhân cũng còn do dự, huống chi là Cảnh vương vậy?

Cao quý Hương công lên tức vị, Hội được ban tước Quan nội hầu.

Quán Khâu Kiệm dấy loạn, Đại tướng quân Tư mã Cảnh vương đông chinh, Hội theo trong quân, trông coi việc cơ mật, Vệ tướng quân Tư mã Văn vương cầm đại quân đi sau. Cảnh vương chết ở Hứa Xương, Văn Vương cầm đầu sáu lộ quân, Hội định mưu kế nơi màn trướng. Bấy giờ ở trên sai Thượng thư Phó Hỗ đem sắc lệnh tới Đông Nam huyện Tân Định, yêu cầu Vệ tướng quân đóng binh tại Hứa Xương để chi viện trong ngoài, lệnh cho Hỗ xuất lĩnh chư quân quay về. Hội cùng với Hỗ bàn mưu, sai Hỗ dâng biểu lên chúa thượng, rồi với Vệ tướng quân cùng khởi hành, lui về đến phía Nam sông Lạc đóng binh ở đó. Bởi thế triều đình phải bái Văn Vương làm Đại tướng quân, cầm quyền phụ chính, Hội được thăng lên làm Hoàng môn Thị lang, tấn phong Đông vũ Đình hầu, được ăn lộc 300 hộ.

Năm Cam Lộ thứ hai, triều đình cho gọi Gia Cát Đản từ Thọ Xuân về triều làm Tư không, bấy giờ Hội đang chịu tang tại gia, liền gửi thư bạch với Văn Vương rằng Đản ắt hẳn không chịu phụng mệnh. Văn Vương bởi việc đã cho thi hành, không chịu đổi lại.

Kỳ mẫu truyện chép rằng: “Phu nhân tính tình nhân ái mà nghiêm cẩn, chỉ lấy điều sáng suốt dạy con, Hội dẫu còn bé, vẫn khuyên bảo rất ân cần. Năm Hội bốn tuổi đã dạy những điều hiếu thuận trong kinh sách, bảy tuổi cho đọc sách Luận Ngữ, lúc tám tuổi dạy đọc Kinh Thi, khi mười tuổi dạy xem Kinh Thương thư, mười một tuổi học Kinh Dịch, mười hai tuổi đọc các sách Xuân thu Tả truyện-Quốc Ngữ, mười ba tuổi đọc Kinh Lễ-Lễ Ký, mười bốn tuổi đọc sách của Thành Hầu soạn ra, mười lăm tuổi cho vào nhà Thái học để được học hỏi những lời văn lạ cùng những điều giáo huấn ở khắp bốn phương. Lại bảo với Hội rằng: ‘Học nhiều một lúc ắt mỏi mệt, mỏi mệt sẽ sinh lười biếng; ta sợ mày sẽ lười biếng, nên giáo huấn mày dần dần, nay mày có thể tự học được rồi vậy.’

Hội rất thích đọc thư tịch, đã đọc hết Kinh thư, đặc biệt thích các sách Kinh Dịch, Lão tử, mỗi khi đọc kỹ đoạn Dịch mà đức Khổng Tử đã luận rằng: (nghe) tiếng chim kêu trong bóng râm, bậc quân tử khó nhọc mà nhún nhường, lễ vật dâng dùng cỏ trắng, chẳng nên ra khỏi cửa vườn, thường khiến Hội phải đọc đi đọc lại, nghĩ rằng: Dịch có hơn 300 hào, Trọng Ni giảng giải như thế, ấy là lấy sự nhún nhường để răn mình phải cẩn thận, đó là điều then chốt ban đầu, đã làm phải đến được chỗ cốt yếu, vinh thân chính từ đó mà ra, theo được đường lối ấy là đã vượt người ta, đủ để làm bậc quân tử vậy’.

Năm Chính Thuỷ thứ tám, Hội làm Thượng thư lang, phu nhân cầm tay Hội dạy rằng: ‘Mày mới 20 tuổi đã được xếp hàng vào chầu, con người ta không biết thế nào cho đủ, phải cố suy xét kỹ để răn mình!” Khi ấy Đại tướng quân Tào Sảng nắm quyền triều chính, suốt ngày đắm chìm trong men rượu, anh trai Hội là Dục làm Thị Trung vừa đi ăn yến về, nói việc ấy ra. Phu nhân bảo: ‘Tiếng nhạc vui mà nghe mãi, như thế khó được lâu bền. Ở ngôi cao mà không kiêu, biết kiềm chế cẩn thận, sau này mới không phải lo việc nguy nan. Nay xa xỉ quá độ lấn áp kẻ trên như thế, chẳng phải là con đường giữ ngôi phú quý lâu dài’.

Năm Gia Bình nguyên niên, xa giá đến Cao Bình lăng, Hội làm Trung thư lang, cũng đi theo. Tướng quốc truyền cho Văn hầu khởi binh, mọi người lo sợ, mà phu nhân vẫn tự nhiên như không. Trung thư lệnh Lưu Phóng, Thị lang Vệ Quán, Hạ Hầu Hoà đang ở đó đều lấy làm lạ hỏi rằng: ‘Phu nhân cùng với con ở giữa chỗ nguy nan, sao lại không lo lắng gì cả?’ Đáp rằng: ‘Đại tướng quân xa xỉ vô độ, ta thường ngờ rằng sẽ chẳng được an lành. Thái phó vì nghĩa chẳng để quốc gia gặp nguy nan, ắt hẳn vì Đại tướng quân mà khởi binh vậy. Ta ở cạnh vua sao phải lo lắng? Vả nghe tướng quân ra ngoài không mang theo nhiều quân, như thế chắc chắn không đánh nhau lâu được.’ Quả đúng như lời ấy, chúng đều khen là sáng suốt.

Hội coi việc cơ mật hơn chục năm, tham dự vào việc chính sự. Phu nhân nói rằng: ‘Khi trước con nhỏ của Phạm thị là Triệu Giản Tử bày kế đánh các nước để phù nhà Chu, việc ấy được lòng dân, có thể nói là khéo vậy. Nhưng bởi bà mẹ nhân việc ấy làm nhiều điều dối trá, nên hỏng cơ nghiệp vì việc mọn, vì thế chẳng thể tồn tại được lâu dài. Đã hiểu biết đến lẽ sâu xa, thì đâu cần người bên cạnh phải nói ra, ta thường vui vì biết lẽ làm người. Mày giữ lòng chính trực, thì ta khỏi phải lo lắng vậy. Những muốn mày tu chí dần dần để giúp ích cho đời, chẳng nhục với các bậc tiền nhân. Người ta thường nói rằng mọi sự đều theo lẽ tự nhiên, chỉ cốt gắng sức làm việc không mỏi mệt, bị người khác đè nén cũng cho là việc nhỏ. Dẫu tiếp kẻ hèn mọn, cũng phải nói lời thủ tín. Biết giữ lấy lẽ phải, cần minh bạch rõ ràng’. Hỏi rằng: ‘Thế không phải là tầm thường ư?’ Đáp: ‘Quân tử liệu việc, đều là gom nhặt cái nhỏ thành đại sự, xem việc thiện nhỏ vô ích mà chẳng làm, ấy mới là tiểu nhân vậy. Muốn tất cả mọi người phải tôn trọng và ngưỡng mộ mình, ta cho rằng chẳng phải là hay’.

Hội từ lúc nhỏ, y phục bất quá chỉ một màu, luôn làm việc nhà, tự biết cần kiệm. Biết việc phải quấy, ở chốn giầu sang mà nhún nhường. Hội trước sau được ban vàng lụa kể mấy trăm vạn, đều bỏ vào kho chung của gia đình để chi dụng, một chút cũng không lấy. Năm phu nhân 59 tuổi, nhằm năm Cam Lộ thứ hai tháng hai bị bạo bệnh chết. Khi an táng, thiên tử tự tay thảo chiếu, sai Đại tướng quân Cao Đô Hầu phúng tặng rất hậu, mọi việc tang lễ bất kể lớn nhỏ, đều chu cấp cho cả. Lại yêu cầu phu nhân của các bậc Công hầu, vợ các vương hầu, thê thiếp, đều phải gọi phu nhân là bậc mệnh phụ. Chiếu theo việc Thành Phong-Định Tự thời Xuân Thu, nên trọng điển lễ, không được gọi thẳng tên ra, mọi người đều phải gọi là Thành Hầu mệnh phụ. Việc chôn cất đã xong, lại theo phép xưa, đưa tặng đồ tế lễ.”

Đến khi Đản làm phản, xa giá đóng ở Hạng Thành, Văn Vương đến Thọ Xuân, Hội lại đi theo.

Lúc trước, Đại tướng nước Ngô là Toàn Tông, được Tôn Quyền gả con gái cho nên nắm ngôi trọng thần, Con Tông là Dịch, cùng với bọn Toàn Đoan, Toàn Phiên, Toàn Tập đều tiến binh lại để cứu Đản. Con của anh trai Dịch là Toàn Huy, Toàn Nghi đều ở lại Kiến Nghiệp, người trong nhà tranh giành kiện tụng nhau, dắt díu mẹ già cùng bộ khúc mấy chục nhà vượt Trường Giang, đến theo hàng Văn Vương. Hội lập kế sách, bí mật giúp Nghi, Huy soạn một bức thư, sai Huy, Nghi cho người thân tín mang vào thành cho bọn Dịch, nói rằng chúa Ngô rất tức giận vì bọn Dịch không lấy nổi Thọ Xuân, đang muốn tru lục toàn gia tướng sĩ, chi bằng nên bỏ trốn. Bọn Dịch rất kinh hãi, bèn mở cửa thành phía Đông ra hàng, đều được phong thưởng rất hậu, bởi thế lòng người trong thành đều li tán cả. Thọ Xuân phá được, phần nhiều ở mưu của Hội, do vậy mà sự yêu mến của Chiêu với Hội ngày càng lớn, người bấy giờ đều gọi Hội là Trương Tử Phòng.

Quân lui về, thăng Hội làm Thái phó, Hội cố từ không nhận. Lại lấy Hội làm Trung lang ở phủ Đại tướng quân cai quản công việc, Hội dốc lòng gánh vác mọi sự. Bởi có công đánh dẹp Gia Cát Đản, Hội được tiến tước Trần hầu, lại nhún nhường không chịu nhận. Chiếu viết rằng: “Hội giữ việc binh cơ, cùng tham dự vào kế sách, liệu địch chế thắng, có mưu lược mà nên công, được ân sủng lại nhún nhường, thành khẩn chối từ, chí bất khả đoạt. Người có công lại chẳng bận lòng, cổ nhân cũng phải lấy làm kính trọng, thật đáng khen ngợi.” Rồi thăng Hội lên làm Tư mã Thái uý. Dẫu Hội ở bên ngoài, thường vẫn giúp việc chính sự. Bọn Kê Khang bị giết, cũng đều là mưu của Hội cả.

Văn vương nhân vì Thục Đại tướng tướng quân Khương Duy luôn quấy nhiễu biên thuỳ, liệu rằng nước nhỏ dân nghèo, quân lực kiệt quệ, muốn cử đại binh đồ Thục. Chỉ có Hội cho rằng Thục có thể lấy được, đã sớm trù liệu địa hình, khảo luận thế sự.

Năm Cảnh Nguyên tam niên, mùa Đông, lấy Hội làm Trấn tây tướng quân, ban cho Giả tiết, đô đốc các việc quân sự ở Quan Trung. Văn vương ban sắc lệnh cho các châu Thanh, Từ, Duyện, Dự, Kinh, Dương đều phải chuẩn bị thuyền bè, lại hạ lệnh cho Đường Tư đóng các chiến thuyền cực lớn, bề ngoài làm bộ sẽ đánh nước Ngô.

Năm Cảnh Nguyên thứ tư, mùa Thu, hạ chiếu sai Đặng Ngải, Gia Cát Tự đều thống lĩnh chư quân ba vạn người, Ngải đến Cam Tùng, Đạp Trung cầm chân Duy, Tự tiến đến Vũ Nhai chặn đầu cầu cắt đứt đường về của Duy.

Hội thống lĩnh hơn chục vạn quân, chia đường theo lối Tà Cốc, Lạc Cốc xâm nhập. Trước tiên sai Nha môn tướng Hứa Nghi đi trước mở đường, Hội dẫn quân theo phía sau, tới Kiều Xuyên, ngựa của Hội bị sa xuống hố, liền chém chết Nghi. Hứa Nghi là con trai Hứa Trử, có công với vương thất, tuy vậy vẫn không được tha. Ba quân nghe thấy thế, chẳng ai không kinh sợ. Thục lệnh cho ba quân giữ chắc thành trì, không được ra ứng chiến, lại lui về hai thành Hán, Lạc cố thủ.

Nguỵ Hưng thái thú Lưu Khâm tiến đến Ngọ Cốc, chư quân mấy đạo cùng tiến, đến Hán Trung. Giám quân nước Thục là Vương Hàm giữ Lạc Thành, Hộ quân Tưởng Bân giữ Hán Thành, binh mã đều có 5.000 người. Hội sai Hộ quân Tuân Khải, Tiền tướng quân Lý Phụ mỗi người lĩnh một vạn quân, Khải vây hãm Hán Thành, Phụ vây Lạc Thành. Hội tiến theo lối tắt, tiến tới phía Tây cửa Dương An, sai người đến tế mộ Gia Cát Lượng. Lại sai Hộ quân Hồ Liệt tiến lên, công phá cửa quan, lấy được kho lương.

Khương Duy từ Đạp Trung quay về, đến Âm Bình, tập hợp quân sỹ, chạy tới cửa quan. Tới nơi, nghe tin cửa quan đã bị phá, liền lui binh về Bạch Thuỷ, cùng với Thục tướng Trương Dực, Liêu Hoá hợp binh giữ chặt cửa Kiếm Các chống cự Hội.

Hội gửi hịch cho tướng sỹ và dân chúng nước Thục rằng: “Từ khi nhà Hán suy vi, quốc gia tan lở, muôn dân lầm than, kỷ cương dứt mối. Thái tổ Vũ Hoàng đế thần võ thánh minh, ra tay dẹp loạn , cứu vớt sinh linh, gây dựng lại Hoa Hạ. Cao Tổ Văn Hoàng đế ứng mệnh trời thuận lòng người, nhận mệnh lên ngôi đế. Liệt tổ Minh Hoàng đế sáng suốt lấy quốc gia làm trọng, kế thừa hồng nghiệp. Nhưng giang sơn biên ngoại, bỏ đường chính theo lối tục, chiếm đất thu dân không theo về vương hoá, vì thế ba tiên vương vẫn mang lòng di hận. Nay chủ thượng thánh đức cao vời, nối đức lớn của tiền nhân, dốc hết lòng trung giúp chúa, có công với vương thất, bầy ra khuôn phép mà nghĩ đến việc ban ơn huệ với cư dân chốn biên thuỳ để giúp đỡ muôn bang, cảm hoá trăm họ người man khiến họ phải cung kính triều cống.

Tiếc cho Ba Thục, chẳng vì muôn dân, xót thương cho trăm họ nơi ấy, phải nhọc nhằn lao dịch không ngừng. Ta chịu mệnh cầm sáu quân, kính mệnh trời đánh dẹp, quân mã Chinh Tây, Ung Châu, Trấn Tây năm đạo cùng tiến. Việc hành quân từ xưa, vốn lấy nhân làm gốc, lấy nghĩa để trị; Bậc vương giả cầm quân, dẫn quân đi không cần phải đánh; Đời nhà Ngu, Thuấn Vũ chỉ múa kiều thích (1) mà thu phục được người Miêu, Chu Vũ vương ban phát của cải, mở kho lương, dựng biểu văn để nêu tỏ việc nghĩa. Nay ta vâng mệnh trên đi đánh dẹp phương Tây, thống suất việc binh nhung, bố cáo hịch văn này để nêu cao đạo nghĩa, lấy việc cứu giúp trăm họ mà truyền mệnh, chẳng muốn dùng võ lực để đánh đến cùng, mong chỉ một ngày nên chính đạo, bầy tỏ mấy lời báo rõ sự an nguy, mong các ngươi nghe rõ điều ta nói.

Tiên chủ ở Ích châu là bậc anh kiệt trên đời, sớm hưng binh nơi thảo dã, bị vấp ngã khốn cùng ở Từ-Ký, phải chịu mệnh làm tay chân của Lã Bố-Viên Thiệu, được Thái tổ giang tay cứu vớt, giúp cho ở ngôi tôn quý. Song giữa đường chia lìa, bởi không cùng chí hướng, sau này Gia Cát Khổng Minh luôn mưu toan lấy đất Tần Xuyên, Khương Bá Ước thường tiến ra Lũng Hữu, khuấy động vùng biên cảnh nước ta, ngấm ngầm nhiễu loạn các tộc Đê-Khương, nhưng quốc gia đang có nhiều việc, chưa rảnh rỗi hội họp chư quân đi chinh phạt. Nay vùng biên cảnh đã thanh bình, bên trong không có việc, bây giờ chính là lúc phải dụng sức, muôn binh trông về một hướng, mà Ba Thục chỉ có một châu, lại phải chia binh chống giữ, nghĩ rằng khó ngăn nổi muôn quân thiên hạ.

Kể từ trận Đoạn Cốc-Hầu Hà bại binh thua lớn, nguyên khí bị tổn thương, không còn có thể dàn trận công nhiên đối địch. Lại từ bấy đến nay, trong nước chưa năm nào được yên ổn, khiến cho kẻ chinh chiến ở nơi xa mỏi mệt, khó có thể yên uỷ được lòng dân. Những điều ấy hầu hết các bậc hiền tài đều biết rõ vậy. Những việc Thục tướng bị cầm giữ ở đất Tần, Công Tôn Thuật (2) mất đầu về tay Hán, chín châu nối liền, giang sơn một họ. Các việc ấy những bậc hiền tài đều đã nghe vậy. Người sáng suốt biết được cái nguy lúc nó chưa thành hình, bậc trí giả tính được cái hoạ khi nó chưa xảy ra, ấy là việc Vi Tử bỏ nhà Thương, làm tân khách ở nhà Chu, Trần Bình phản Hạng Vũ, lập công cho nhà Hán. Há như thế chẳng thái bình vô sự hay sao, nhận bổng lộc chẳng chính đáng hay sao?

Nay quốc triều ân đức lớn lao như trời bể, ta vì đức lớn mà giúp chúa mở lòng khoan thứ, người sớm quy thuận sẽ được ra ơn, kẻ ngoan cố phải giết bỏ, người tốt thì được sống, kẻ ác ắt phải chết. Khi trước Ngô tướng là Tôn Nhất dẫn binh đến nương nhờ, nhận ngôi vị Thượng ti, phẩm trật khác thường. Văn Khâm-Đường Tư làm hại lớn cho nước, phản chúa làm kẻ cừu địch, lúc quay về vẫn được giữ việc binh nhung. Tư bị bức bách khốn cùng phải theo về, hai con Khâm quy hàng, đều được làm tướng quân, phong hầu cả; Tư còn được dự nghe việc quốc sự. Bọn Nhất đã khốn cùng phải theo mệnh, còn được ban ân sủng, huống chi những bậc hiền tài Ba Thục biết được cơ hội mà theo về! Tin rằng mọi người có thể lấy đó làm tấm gương soi rõ việc mất còn, bậc cao đạo nghĩ xa xôi, hãy nên theo lối xưa Vi Tử, thác thân theo con đường của Trần Bình, tất được hưởng phúc như cổ nhân, ấy là điều đáng mừng cho con cháu, bách tính sỹ dân, nghiệp cũ được yên, kẻ làm ruộng chẳng lo mất ruộng, kẻ làm quan chẳng sợ mất ngôi, dứt bỏ mối nguy như trứng chồng, được mãi mãi yên lành hưởng phúc, há chẳng tốt đẹp hay sao! Còn như những kẻ sớm khuya rình rập, u mê lầm lạc chẳng chịu hối cải, khi đại binh tiến đến, ngọc đá nát tan, dẫu có hối hận, cũng không kịp nữa. Lợi hại bày tỏ đã rõ ràng, các ngươi hãy tự tìm lấy phúc cho mình, mấy lời tuyên ra, khắp nơi đều đã biết.”

Đặng Ngải đuổi theo Khương Duy đến Âm Bình, kén chọn tinh binh, muốn theo lối Đức Dương Đình xâm nhập Giang Du, tiến về phía đông Đam Đạo đến thẳng Miên Trúc, sẽ nhanh chóng đến Thành Đô, đề nghị Gia Cát Tự cùng đi. Tự vốn dĩ đã nhận việc đón chặn Khương Duy, cho rằng đi về phía Tây không phải là chiếu mệnh ban đầu, bèn tiến quân lên phía trước nhằm hướng Bạch Thuỷ, hợp quân cùng với Hội. Hội sai Tướng quân Điền Chương từ Kiếm Các đi về phía Tây, nhằm thẳng hướng Giang Du. Đi chưa được trăm dặm, Chương phá được phục binh Thục ở Tam Giáo, Ngải liền thúc Chương tiến lên. Chương dẫn quân ruổi dài về phía trước. Quân của Hội và Tự đóng ở Kiếm Các, Hội muốn riêng nắm quyền quân chính, mật tâu lên trên rằng Tự hèn nhát không chịu tiến quân, bắt nhốt Tự vào xe tù đưa về (3). Quân lính đều thuộc quyền Hội, Hội tấn công Kiếm Các, không đánh được, phải lui binh, quân Thục cậy hiểm yếu chống giữ.

Ngải đến được Miên Trúc, đại chiến ở đấy, chém được Gia Cát Chiêm. Bọn Duy hay tin Chiêm thua trận, liền khởi hết ba quân nhằm hướng Đông tiến về Ba quận. Hội bèn tiến quân đến Phù Thành, sai Hồ Liệt, Điền Tục, Bàng Hội cùng đuổi theo Duy. Ngải tiến quân về Thành Đô, Lưu Thiện đến tận chỗ Ngải xin hàng, phái sứ giả đến hạ sắc lệnh cho bọn Duy phải hàng Hội. Duy đến Thê huyện thuộc Quảng Hán, lệnh cho binh sỹ đều phải buông khí giới, theo thứ tự đi đến trạm quân của Hồ Liệt, lại theo con đường phía Đông đến hàng Hội.

Hội tâu lên bề trên rằng: “Bọn địch Khương Duy, Liêu Hoá, Trương Dực, Đổng Quyết tránh cái chết trốn chạy, muốn đến Thành Đô. Thần lập tức sai Tư mã Hạ Hầu Hàm, Hộ quân Hồ Liệt vượt qua Kiếm Các, tiến ra Tân Đô, Đại Độ cắt đứt đường ở phía trước, lại cử Tham quân Viên Thanh Sam, tướng quân Cẩu An đuổi theo ở phía sau, Tham quân Hoàng Phủ Khải, Tướng quân Vương Mãi từ phía nam Phù Thành tiến ra phía tả, thần đóng ở Phù Thành tạo thế đông tây tương hỗ lẫn nhau. Bọn Duy còn nắm giữ quân kỵ bộ đến bốn năm vạn người, giáp dầy binh sắc, chiếm giữ những nơi hiểm yếu ở đất Xuyên, trong vòng mấy trăm dặm đầu đuôi nối tiếp nhau, chúng nương tựa vào đấy, hướng cả về Tây. Thần đã sắc mệnh cho bọn Hàm, Khải sai chia binh đóng giữ các nơi, chăng lưới ở Quảng Hán, chặn đường chạy trốn ở phía Nam, cắt đường phía Tây đi Thành Đô, tuyệt lối xổng về phương Bắc, bốn mặt tụ lại, đầu đuôi cùng tiến, mọi đường chạy đều đã bị cắt đứt, địch muốn trốn cũng không có đất. Thần lại chính tay viết thư đến dụ, mở con đường sống, bọn địch bị bức bách khốn khổ, mệnh cùng số tận, phải cởi giáp quẳng đao, cúi mặt ra hàng, ấn thụ (4) kể hàng mấy vạn, của cải đồ dùng chất cao như núi.

Khi xưa Thuấn Vũ chỉ múa kiều thích (5), mà người Miêu chịu phục tùng; Đi chinh phạt mà không phải đánh, thì thịnh nghiệp đế vương. Lấy được trọn vẹn nước địch là tối thượng, phá tan nước địch là thứ yếu; lấy được vẹn toàn quân đội của giặc là tối thượng, đánh tan quân địch là thứ yếu, dụng binh phải có phép tắc rõ ràng.

Bệ hạ (6) là bậc thánh đức, theo kịp những bậc vua hiền thuở trước, người phụ chính (7) sáng suốt trung trinh, sáng ngang với Chu Công Đán thủa xưa, mở đạo hiếu sinh, nên đánh dẹp kẻ có tội mà chẳng sát phạt, khác hẳn lẽ thường, với kẻ không chịu phục tùng thì dạy dỗ kịp thời, binh khí không cần vấy máu, khiến người ở xa vạn dặm đều phải ngợi ca, chín châu liền một cõi. Thần phụng thánh ý tuyên chiếu mệnh, nêu cao ân điển, tạm bỏ việc phu phen, khiến nhà nhà được yên vui, điều hoà thuế khoá, khiến việc sưu dịch được nới lỏng, thuận đức lễ để thu lấy rộng rãi lời khen, cũng là đường lối đổi thay thói tục, mà trăm họ hớn hở, người người mừng vui, sau lại thêm phấn chấn, về nghĩa chẳng phải là trái lẽ.”

Hội lại cấm sỹ chúng không được cướp bóc ở trong cõi, muốn thừa hư dẫn dụ mọi người, lại làm nơi đón tiếp tướng sỹ xứ Thục, cùng với Duy tình nghĩa thắm thiết vô cùng.

Sách Thế Ngữ chép: Hạ Hầu Bá chạy vào Thục, Thục chúa hỏi: “Tư mã công có ý thế nào?” Phách thưa: “Vì đương thu xếp việc trong nhà, chưa lo gì đến việc ngoài.” Hỏi: “Tuấn sỹ ở kinh sư có ai?” Đáp rằng: “Có Chung Sỹ Quý, người ấy quản việc triều chính, là người mà Ngô-Thục phải lo lắng vậy.”

Hán Tấn Xuân Thu chép: Khi trước, Hạ Hầu Bá hàng Thục, Khương Duy hỏi Bá rằng: “Tư Mã Ý nắm việc nước ở bên ấy, liệu có ý chinh phạt nơi nào chăng?” Phách đáp: “Kẻ kia đương mưu gây dựng việc gia môn, chưa kịp lo việc bên ngoài. Có Chung Suỹ Quý là bậc trí giả, tuổi dẫu còn trẻ, sau này sẽ làm Ngô-Thục phải lo lắng, nhưng nếu chẳng có người phi thường cũng chẳng thể dùng được vậy.” Sau đấy 15 năm Hội quả nhiên diệt Thục.

Xét lời Tập Tạc Xỉ nói về việc ấy, cũng chẳng khác những gì đã ghi chép lại, việc chọn dùng lời ở Thế Ngữ để phụ thêm vào ý vậy.

Tháng 12, chiếu viết rằng: “Hội đến đất giặc bẻ gẫy địch quân, tiến lên không sợ địch mạnh, giam hãm thành trì, giăng lưới bủa vây. Khiến hào kiệt xứ Thục phải cúi mặt đầu hàng, mưu kế không thiếu sót điều gì, cất binh không cần bỏ nhiều công sức. Làm việc đầy mưu toan, đi không cần phải đánh, một lần đánh toàn thắng, cõi ấy phải quy hàng. Bày kế định phương Tây, khiến đất biên ngoại được thanh bình. Nay lấy Hội là Tư đồ, tiến phong Huyện hầu, tăng thực ấp vạn hộ. Phong cho hai con làm Đình hầu, đều được hưởng thực ấp một ngàn hộ.”

Hội trong lòng có chí khác, nhân chuyện Đặng Ngải thừa chế chuyên quyền, mới mật bạch lên trên rằng Ngải có ý làm phản, sách Thế Ngữ chép rằng: Hội tìm người khéo viết, ở Kiếm Các đòi Ngải chương biểu trình bày mọi việc, rồi thay đổi những lời ấy, thành những lời kiêu căng trái lẽ, hơn nữa lại tự khoe khoang công trạng. Lại huỷ những thư từ của Văn Vương hồi đáp, tự làm nên mối ngờ của Văn Vương về việc ấy. Vương liền hạ chiếu thư sai bắt Ngải nhốt vào tù xa. Tư mã Văn Vương sợ Ngải có thể không theo mệnh, sắc mệnh cho Hội tiến binh vào Thành Đô, Giám quân Vệ Quán đi ở phía trước Hội, lấy thủ bút của Văn Vương tuyên lệnh bảo rõ với quân của Ngải, quân của Ngải đều buông bỏ khí giới, Quán liền bắt Ngải nhốt vào xe tù.

Hội vốn chỉ kiêng dè có Ngải, Ngải đã bị cầm tù nên Hội rất thoả chí, một mình thống lĩnh đại quân, uy danh vang động phương Tây. Bởi Hội công danh cái thế, tự nghĩ chẳng thểở dưới người khác, hơn nữa tướng khoẻ binh mạnh đều ở trong tay, bèn mưu phản. Muốn sai Khương Duy cùng các tướng Thục tiến binh ra Tà Cốc, Hội tự cầm đại quân theo ở phía sau. Khi đến Tràng An, sẽ hạ lệnh cho kỵ binh tiến theo đường bộ, bộ binh theo đường thuỷ xuôi dòng sông Vị tiến đến, chừng 5 ngày sẽ đến Mạnh Tân, cùng với quân kỵ hợp binh ở Lạc Dương, một sớm có thể yên định thiên hạ.

Hội nhận được thư của Văn Vương nói rằng: “Ta sợ rằng Đặng Ngải nghi ngờ không theo mệnh, nay sai Trung Hộ quân Giả Sung cầm vạn quân kỵ bộ theo lối tắt đến Tà Cốc, đóng binh ở Lạc Thành, ta thân cầm 10 vạn quân đóng ở Tràng An, sẽ tương kiến một ngày gần đây”. Hội được thư, lấy làm kinh sợ gọi tả hữu đến nói nhỏ rằng: “Chỉ bắt Đặng Ngải, tướng quốc biết chỉ mình ta làm là đủ; nay cầm đại quân lại, tất đã biết ta có ý khác, nên phải nhanh chóng khởi binh. Việc nếu thành, ta có thể được cả thiên hạ,; nếu việc chẳng nên, lui về giữ Thục Hán, cũng đủ làm Lưu Bị rồi. Ta từ ngày ở Hoài Nam tới đây, vạch kế sách không sai sót, bốn bể đều đã biết cả. Ta muốn chủ trì việc yên định như thế, được chăng!”

Hội lấy ngày hôm sau là rằm tháng giêng năm Cảnh Nguyên thứ năm, mời tất cả các quan tướng từ Hộ quân, Quận thú, Nha môn kỵ đốc trở lên cùng với các quan lại cũ nước Thục, làm lễ phát tang Thái hậu ở triều đường nước Thục. Nói thác ra rằng Thái hậu có di chiếu, sai Hội khởi binh phế bỏ Văn Vương, bảo với hết thảy mọi người ngồi đó, rồi sai mọi người bàn định, xong xuôi cùng biên tên và ký vào đó, lại đổi hết những tướng thân tín của mình cho thống lĩnh chư quân. Sau khi thỉnh ý bá quan, Hội bắt các tướng đều phải ở lại trong cung, cửa thành cung môn đều khoá hết cả, cho binh lính canh giữ nghiêm ngặt. Bộ hạ dưới trướng của Hội là Khâu Kiến vốn là gia thuộc cũ của Hồ Liệt, được Liệt tiến cử với Văn vương, Hội xin cho đi theo bên mình, rất lấy làm quý mến. Kiến thương Liệt bị buộc tội, bẩm với Hội, nên cho một thân binh được ra vào trong cung để mang đồ ăn thức thức uống cho các tướng, các nha môn theo phép đều do một người ấy mà thôi.

Liệt ngầm bảo với người thân binh nói giúp cho con mình ở ngoài được biết rằng: “Khâu Kiến mật nói với ta rằng các tướng bị giữở trong cung sẽ bị giết hết, Hội đã sai đào một cái hố lớn, để sẵn những vồ cùng gậy lớn ở đó. Lại gọi mấy nghìn binh ở ngoài vào trong cung, tra vấn mọi người, bắt làm phản, người nào không theo sẽ dùng vồ đập chết quăng xuống hố.” Ở các nha môn thân binh cũng đều nói lại như thế, trong một đêm mọi người truyền nhau tin ấy, khắp nơi sinh biến hết cả. Có người bảo Hội rằng: “Nên giết hết những người từ Nha môn kỵ đốc trở lên.” Hội do dự chưa quyết.

Đến trưa ngày mười tám, quân binh của Liệt gõ trống ầm ỹ ngoài cửa cung, quân binh các nơi chẳng hẹn mà đều khua trống náo loạn ở bên ngoài, không cần thúc giục đều tới hết cả, tranh nhau xông lên trước hướng đến cổng thành. Bấy giờ Khương Duy đang phân phát những gậy lớn cho quân sỹ, có người thưa rằng ở bên ngoài có tiếng la rầm rĩ, lại có cả lửa cháy, chốc lát, lại nói rằng có nhiều binh sỹ đang chạy đến cửa thành. Hội cả kinh, bảo Duy rằng: “Binh sỹ kéo lại hẳn có ý muốn làm việc ác, làm sao bây giờ?” Duy nói: “Chỉ còn cách đánh mà thôi.” Hội liền sai lấy binh khí định giết hết các Nha môn Quận thú, mọi người ở trong cung lấy những chốt lớn để chống giữ các cửa, quân binh ra sức phá cửa, không phá được. Vụt chốc, quân ở ngoài cửa cung bắc thang trèo lên thành, có kẻ châm lửa đốt cháy mấy nhà trong cung, bọn sâu kiến (8) bên trong náo loạn hết cả lên, tên bắn ra xối xả như mưa rào, các Nha môn Quân thú đều phải dỡ mái leo lên nóc nhà trốn ra ngoài, được binh tốt cứu thoát. Khương Duy dẫn Hội cùng tả hữu xông pha đánh giết, tự tay giết được năm sáu người, quân sỹ đánh nhau lộn bậy chém được Duy, rồi tranh nhau chạy đến giết Hội. Bấy giờ Hội mới có bốn mươi tuổi, tướng sỹ đánh nhau loạn xạ chết mất mấy trăm người.

Lúc trước, Ngải làm Thái uý, Hội làm Tư đồ, đều được cầm cờ tiết, đô đốc chư quân như nhau, đều chưa được thụ phong mà đã chết. Anh trai Hội là Dục, chết vào mùa Đông năm Cảnh Nguyên thứ tư, Hội thuỷ chung vẫn chưa biết mà hỏi đến. Con trai của anh Hội là Ung, cũng chết theo cùng với Hội, Hội lại nhận nuôi dưỡng mấy con nữa của anh mình là Nghị và Tuấn, bởi Hội làm phản, nên bọn ấy bị bắt hạ ngục, đương nằm chờ bị mang ra giết.

Tư mã Văn Vương dâng biểu lên Thiên tử, Thiên tử hạ chiếu rằng: “Tổ phụ bọn Tuấn là Do có công to, nối nhau ba đời, ngôi vị cực cao đến chức Thai ti (9), giúp chúa lập nhiều công lao, hưởng lộc miếu đình. Cha là Dục, đã trải các chức vụ trong ngoài, làm việc có tài năng dành được nhiều thành tích. Xưa kia nước Sở trị tội Tử Văn, mà chẳng giết chết Đấu thị để có người nối dõi. Nhà Tấn chép lại việc Thành Tuyên có lòng trung, nên còn dùng Triệu thị về sau. Bọn Hội, Ung có tội, mà đem diệt hết dòng dõi Diêu, Dục, ta rất lấy làm xót thương! Huynh đệ Tuấn riêng một người được tha thứ, được giữ quan tước như cũ. Chỉ có Nghị và Ung phải chịu tội chết.

Có người nói: Dục từng mật bẩm với Tư mã Văn Vương, nói rằng Hội cậy tài khó gánh được trách nhiệm lớn lao, chẳng nên chuyên dụng, vì thế mới rộng lòng tha thứ cho Tuấn. Hán Tấn Xuân Thu chép rằng: Văn vương khen lời ấy sáng suốt mà tỏ rõ lòng trung, cười bảo Dục rằng: “Theo như lời khanh nói, hẳn chẳng thể dùng đến cả người trong họ nữa hay sao!”

Khi trước, Văn vương muốn sai Hội đánh Thục, Tây tào chúc Thiệu Đễ vào yết kiến vương, nói rằng: “Nay sai Chung Hội đốc xuất hơn chục vạn quân đánh Thục, Ngu thần cho rằng không nên để Hội một mình gánh vác việc lớn, chẳng bằng sai thêm mấy người cùng đi.” Văn vương cười nói: “Ta há lại chẳng biết hay sao? Nước Thục làm thiên hạ khốn khổ, khiến người dân chẳng được yên nghỉ, nay ta dẹp được là việc đã nắm chắc trong lòng bàn tay, mà chúng nhân đều nói là Thục không thể dẹp được. Người mà trong lòng nhút nhát ngờ sợắt trí dũng suy kiệt, trí dũng suy kiệt mà miễn cưỡng sai khiến, đi cũng sẽ bị địch cầm giữ mà thôi. Chỉ có Chung Hội cùng đồng ý kiến, nay sai Hội phạt Thục, tất sẽ diệt xong Thục. Sau khi Thục bị diệt, tựu như điều khanh nghĩ đến, sao ta cần phải lo lắng nhỉ? Phàm đã thua quân thì tướng chẳng thể nói dũng, quốc gia bai vong thì đại phu chẳng thể nghĩ khôn, ruột gan đã tan nát (10) cố gắng sao được đây. Thục đã bị phá, dân còn sót lại tất kinh sợ, chẳng đủ để mưu toan việc; tướng sỹ Trung Quốc cũng đều nghĩ đến chuyện quay về, chẳng bằng lòng giúp Hội. Ví bằng làm việc xấu, là tự rước lấy hoạ diệt tộc vậy. Khanh chẳng nên lo nghĩ như thế, ngươi cũng chớ có để ai nghe được việc này nhé.”

Đến khi Hội bạch rằng Đặng Ngải không tuân theo phép nước, Văn Vương mới dẫn binh về phía Tây, Đễ lại nói: “Chung Hội làm thống soái, năm sáu lần vu tội cho Đặng Ngải, chỉ nên ra sắc mệnh cho Hội bắt Ngải, minh công chẳng cần phải thân chinh làm gì.” Văn Vương nói: “Khanh quên lời khanh đã nói lúc trước rồi sao, mà bảo rằng ta chẳng nên đi nhỉ? Dù có như vậy, việc ấy cũng chẳng nên tuyên bố rộng rãi. Ta những muốn lấy tín nghĩa đãi người, những người chẳng phụ ta, ta há nên sinh lòng kia khác trước họ! Một ngày gần đây, Giả hộ quân (11) đã hỏi ta rằng: ‘Minh công chẳng nghi ngờ Chung Hội sao?’ Ta đáp rằng: ‘Nếu ta sai ngươi đi, ta cũng nghi ngờ ngươi hay sao?’ Giả Sung cũng không thay đổi được lời ta đã nói. Khi ta tới Tràng An, tự khắc ngươi sẽ biết cả.” Khi quân đến Tràng An, Hội quả nhiên đã chết, đều đúng như kế sách đã vạch lúc trước.

Chú thích:
(1) Kiều - là cái mộc che tên, Thích - là cái búa. Tích xưa kể rằng, rợ Miêu không phục vua Nghiêu, tướng đi đánh dẹp, không đánh được. Vua Nghiêu cho múa kiều thích thị oai ở cung đình, bảy ngày sau rợ Miêu đến hàng phục.
(2) Công Tôn Thuật là người cuối thời Tây Hán, sau loạn Vương Mãng, Thuật chiếm cứ đất Thục xưng đế, thủ phủ đóng ở Thành Đô. Quang Vũ Đế khôi phục nhà Hán, chiêu dụ, Thuật cự tuyệt rồi bị Quang Vũ Đế bắt giết. Trước sau Thuật xưng đế được 12 năm.
(3) Có lẽ Hội lấy lý do Tự không chịu đi cùng Ngải nên bắt tội đưa về Nguỵ để mình được chuyên quyền.
(4) Ấn thụ là con dấu và dây thao đỏ, chỉ đám tướng linh quân binh đến hàng, phải nộp ấn tín, dây đai.
(5) Kiều thích: Xem chú thích ở trên.
(6) Trỏ Tào Mao.
(7) Trỏ Tư Mã Chiêu, cũng ngầm khoe công mình.
8) Quân sỹ của Hội.
(9) Thai tức là sao Tam Thai, theo sách Thiên văn nói thì ngôi sao ấy như ngôi Tam Công vậy. Ý ở đây nói dòng dõi nhà Hội ba đời là Tam công
(10) Nguyên văn là ‘tâm đảm dĩ phá’, dịch thoát.
(11) Giả Sung, bấy giờ làm Hộ quân.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.