Tào Mao Truyện
Cao Quý Hương Công tên là Mao, tự Ngạn Sĩ, là cháu của Văn Đế, con của Đông Hải Định Vương là Lâm vậy.
Năm Chính Thủy thứ năm, được phong tước Cao Quý Hương Công ở huyện Đàm. Thủa nhỏ ham học, sớm khôn lớn. Vào lúc Tề Vương bị phế, công khanh bàn đón lập công. Tháng mười ngày kỉ sửu, công đến ở quán Huyền Vũ, bầy tôi tấu xin đến ở điện trước, công cho là chỗ cũ của Tiên đế, bèn tránh sang vách phía tây; bầy tôi lại xin theo phép lấy xe mà đón, công không nghe. Ngày canh dần, công vào đến thành Lạc Dương, bầy tôi đón bái ở phía nam cửa cung phía tây, công xuống kiệu muốn đáp bái lại, quan đón khách xin nói: "Theo lễ không cần bái đáp lại". Công nói: "Ta là bầy tôi vậy". Bèn đáp bái lại. Đến cửa dừng xe, xuống kiệu. Tả hữu nói: "Theo phép cũ thì ngồi kiệu mà vào". Công nói: "Ta được Hoàng thái hậu gọi, chưa biết làm sao"! Bèn đi bộ đến sảnh phía đông của điện Thái Cực, gặp với Thái hậu. Hôm đó lên ngôi Hoàng đế ở điện trước Thái Cực, trăm quan đứng theo hàng đều vui mừng.
Ngụy thị xuân thu chép: Công thông minh tài giỏi, đức hạnh sáng rõ. Bãi chầu xong, Cảnh Vương hỏi người khác rằng: "Nhà vua là chúa thế nào"? Chung Hội đáp nói: "Văn như Trần Tư Vương, võ tựa Thái Tổ". Cảnh Vương nói: "Nếu như lời khanh thì đấy là phúc của xã tắc vậy".
Hạ chiếu nói: "Ngày xưa ba vị tổ đức thánh võ thần, vâng mệnh trời mà nhận ngôi. Vào lúc Tề Vương nối vị, phóng túng vô độ, đức hạnh đảo ngược. Hoàng thái hậu mưu nghĩ xã tắc làm trọng, thu nạp mưu kế của quan Tể tướng, chọn người thay ngôi trống, trỏ mệnh lớn vào một mình ta. Ta thân còn nhỏ dại mà được đứng trên hàng Vương công, ngày đêm vẫn lo lắng, sợ không nối giữ được phép lớn của tổ tiên, e không mở mang được sự nghiệp trung hưng, run run rẩy rẩy như sắp vào hang hốc. Nay bầy tôi công khanh làm kẻ giúp đỡ đùi tay, làm người vươn sức giữ vững bốn phương, đều tích đức lập công, trung với nhà vua; nay xin nhờ vào bầy tôi có đức từ thời tổ tiên ngày trước, thân cận tả hữu, dùng để giữ gìn nhà vua, giúp trẫm còn non kém, cùng giúp coi việc. Trẫm nghe nói cái đạo của nhà vua là đức phải ngang với trời đất, thấm nhuầm khắp bốn cỗi, phải dùng lòng nhân ái trước để phân rõ tốt xấu rồi mới ở trên truyền giáo hóa, ở dưới triệu dân nghe theo. Trẫm dẫu không có đức, đường lớn còn mờ, nhưng vẫn mong nghĩ cùng được đi đến con đường ấy. Kinh Thư chẳng nói: 'Yên dân phải ban ân, dân đen tất ghi nhớ' sao"? Đại xá, đổi niên hiệu. Giảm xe kiệu áo quần, lệnh người của hậu cung phải theo phép tắc, lại bỏ các đồ vật hoa lệ tinh xảo không có ích và các thợ đẽo, ca kĩ ở trong phủ Thượng phương.
Năm Chính Nguyên thứ nhất, mùa đông tháng mười ngày nhâm thìn, sai quan Thị trung cầm cờ tiết chia ra khắp bốn phương, xem xét phong tục, vỗ về quân dân, xét hỏi những kẻ bị oan uổng hoặc làm trái việc quan. Ngày quý tị, ban búa vàng cho Đại tướng quân Tư Mã Cảnh Vương, vào chầu không cần đi nhanh, tấu việc không xưng tên, được đeo kiếm lên điện. Ngày mậu tuất, rồng vàng hiện ở trong giếng ở đất Nghiệp. Ngày giáp thìn, sai quan coi việc bàn luận công lao của việc phế lập, phong tước, tăng ấp, bái quan, ban thưởng đều theo cấp bậc.
Năm thứ hai, mùa xuân tháng giêng ngày ất sửu, Trấn đông Tướng quân Quán Khâu Kiệm, Dương Châu Thứ sử Văn Khâm phản. Ngày mậu tuất, Đại tướng quân Tư Mã Cảnh Vương đánh chúng. Ngày quý mùi, Xa kị Tướng quân Quách Hoài hoăng. Tháng nhuận ngày kỉ hợi, phá Khâm ở huyện Lạc Gia. Khâm chạy trốn, bèn sang Ngô. Ngày giáp thìn, An Phong Hoài tân Đô úy chém Kiệm, chuyển đầu đến kinh đô.
Thế ngữ chép: Đại tướng quân đem Thiên tử đi đánh Kiệm, đến huyện Hạng; Kiệm đã bị phá, Thiên tử về trước.
Thần là Tùng Chi xét các sách đều không thấy chép việc này. Đến lúc Gia Cát Đản phản, Tư Mã Văn Vương mới ép Thái hậu và Đế cùng đi mà thôi. Lúc trước phát chiếu dẫn việc hai vị tổ của nhà Hán và Minh Đế tự thân đi đánh để mà so sánh với lúc trước, biết rằng từ thời Minh Đế về sau mới có việc ấy vậy. Xét thấy Trương Phan, Ngu Phổ, Quách Ban đều là quan chép sử của nhà Tấn, riêng Phan, Ban xuất thân là trưởng quan, Phổ lại làm Bà Dương Nội sử. Phan soạn sách Hậu Hán kỉ, dẫu còn chưa xong nhưng thấy lời văn đáng xem. Phổ chép sách Giang Biểu truyện, xem qua cũng thấu suốt. Riêng Ban soạn Ngụy Tấn Thế ngữ lại thiếu sót chẳng theo phép tắc, là thô sơ nhất, vì bấy giờ việc lạ cho nên được ban hành ở đời. Bọn Can Bảo, Tôn Thịnh phần nhiều chọn lấy lời văn trong đấy để chép sách Tấn thư, do đó có sai sót như thế, các chỗ đều có sai lầm.
Ngày nhâm tí, lại hạ lệnh tha tội cho quân dân miền Hoài Nam bị Kiệm, Khâm dụ dỗ. Lấy Trấn nam Tướng quân Gia Cát Đản làm Trấn đông Đại tướng quân. Tư Mã Cảnh Vương hoăng ở Hứa Xương. Tháng hai ngày đinh tị, lấy Vệ tướng quân Tư Mã Văn Vương làm Đại tướng quân, Lục thượng thư sự.
Ngày giáp tí, bọn Đại tướng Tôn Tuấn của nước Ngô đem quân phao tin là có chục vạn đến Thọ Xuân, Gia Cát Đản đánh chống phá được chúng, chém Tả tướng quân Lưu Tán của nước Ngô, bao tin thắng trận đến kinh đô. Tháng ba, lập Hoàng hậu Biện thị, đại xá. Mùa hạ tháng tư ngày giáp dần, phong cha của Hoàng hậu là Biện Long làm Liệt hầu. Ngày giáp tuất, lấy Chinh nam Đại tướng quân Vương Sưởng làm Phiếu kị Tướng quân. Mùa thu tháng bảy, lấy Chinh đông Đại tướng quân Hồ Tuân làm Vệ tướng quân, Trấn đông Đại tướng quân Gia Cát Đản làm Chinh đông Đại tướng quân.
Tháng tám ngày tân hợi, Đại tướng quân Khương Duy của nước Thục ra cướp huyện Địch Đạo, Ung Châu Thứ sử Vương Kinh đánh với Duy ở Thao Tây, Kinh thua to, về giữ thành Địch Đạo. Ngày tân mùi, lấy Trường thủy Hiệu úy Đặng Ngải làm An tây Tướng quân, hợp sức với Chinh tây Tướng quân Trần Thái cùng chống Duy. Ngày mậu thìn, lại sai Thái úy Tư Mã Phu đi sau. Tháng chín ngày canh tí, nghe giảng kinh Thượng thư vừa xong, ban thưởng cho người giảng kinh là bọn Tư không Trịnh Xung, Thị trung Trịnh Tiểu Đồng đều theo cấp bậc. Ngày giáp thìn, Khương Duy rút về. Mùa đông tháng mười, hạ chiếu nói: "Trẫm vì đức mỏng, không ngăn chặn được giặc cướp mới khiến cho giặc Thục hung hăng vào biên thùy. Ở trận Thao Tây dẫn đến thua vỡ, tướng sĩ chết chóc kể đến hàng nghìn, có người bỏ mạng trên chiến trường, hồn oan chẳng về, có kẻ bị tay giặc bắt giữ, lưu lạc nơi xứ lạ, ta thật là thương xót, vì thế mà đau lòng. Nay sai các quan Điển nông, An phủ Di Hộ quân và quan lại quận ấy cứu giúp người nhà của tướng sĩ, không thu thuế lao dịch một năm; những người gắng sức chết trận đều theo phép cũ mà truy tặng, chớ có bỏ sót".
Tháng mười một ngày giáp ngọ, thấy bốn quận miền Lũng Hữu và quận Kim Thành nhiều năm gặp địch, có kẻ trốn phản theo giặc, người thân thích còn ở lại quê cũ chẳng yên lòng, đều tha thứ cho. Ngày quý sửu, hạ chiếu nói: "Lúc trước ở trận phía tây sông Thao, tướng lại quân dân có kẻ chết ở trong trận, có người bị chìm dưới sông Thao, chẳng nhặt được xương cốt, vứt ở đồng rẫy, ta vẫn đau xót. Nay báo cho Chinh tây, An tây Tướng quân đều sai quân bản bộ đến chỗ cũ cùng bờ sông thu nhặt thây tang, liệm mà chôn cất để an ủi người con sống".
Năm Cam Lộ thứ nhất, mùa xuân tháng giêng ngày tân sửu, rồng xanh hiện trong giếng nước ở huyện Chỉ. Ngày ất tị, Bái Vương là Lâm hoăng.
Ngụy thị xuân thu chép: Tháng hai ngày bính thìn, Đế bày tiệc mời bầy tôi ở phía đông điện Thái Cực, cùng bọn Thị trung Tuân Nghĩ, Thượng thư Thôi Tán, Viên Lượng, Chung Dục, Cấp sự trung Trung thư lệnh Ngu Tùng giảng giải điển lễ, bèn nói về các việc hay của bậc Đế vương. Đế ngưỡng mộ vua Thiếu Khang của nhà Hạ, nhân đó hỏi bọn Nghĩ rằng: "Vào thời nhà Hạ đã suy, sắp sửa nguy diệt, Thiếu Khang thu tập dân Hạ, lập lại công của vua Vũ. Sau này Hán Cao Tổ nổi dậy ở miền Lũng Thục, thống lĩnh hào kiệt, phá diệt Tần, Hạng, bao trùm cả nước, hai vị vua ấy có thể nói là tài hạ mưu hay, là bậc hiền tài hơn đời vậy. Xét công đức của họ, ai đáng đứng đầu"? Bọn Nghĩ đáp nói: "Người làm vua nhận ngôi quý của thiên hạ là người được trời trao cho, phải là bậc thánh đức ứng vận, rồi mới vâng mệnh dựng nghiệp. Đến như noi theo người xưa, trung hưng nghiệp cũ, nguyên nhân tạo nền, khó dễ cũng khác nhau. Công đức của Thiếu Khang dẫu hay đẹp nhưng chỉ là vị vua trung hưng cùng dòng như Thế Tổ thôi vậy. Còn như Cao Tổ, bọn thần cho là hơn". Đế nói: "Đế vương thời xưa, công đức ngôn hạnh đều có cao thấp, không hẳn người dựng nghiệp đều hay hơn, người nối thay đềub giỏi vậy. Thang, Vũ, Cao Tổ dẫu đều vâng mệnh trời, dùng người thánh hiền, vâng theo chức phận. Thiếu Khang, Ân Tông là những vị vua giỏi trung hưng, Hạ Khải, Chu Thành dựng thời văn thịnh, luận về đức hạnh, so với Hán Cao Tổ thì ta thấy cái hay mà chưa nghe được việc tốt; vì gặp thời khác nhau nên công danh cũng khác nhau mà thôi. Thiếu Khang sinh vào thời sau khi diệt vong, bị giáng làm nô lệ của chư hầu, tránh nạn nơi núi cao, chỉ mong thoát thân, vậy mà có thể ban đức mà tỏ mưu, rút cuộc diệt được nước Quá, nước Qua, dựng lại được cơ nghiệp của vua Vũ, tế nhà Hạ cùng trời xanh, không làm mất vật cũ, nếu không phải nhân đức lớn lắm thì há lập được công ấy? Hán Cao Tổ nhân thế cả nước vỡ lở, nắm lấy cơ hội một thời, trổ bày trí lực để lập thành công nghiệp, như việc động tĩnh lại phần nhiều làm trái phép của thánh nhân; làm con thì mấy lần làm nguy hại cha mẹ, làm vua thì bắt trói tướng giỏi, làm cha thì không bảo vệ được con; sau khi thân chết thì xã tắc nghiêng ngả, nếu gặp thời khác vào thời của Thiếu Khang mà xét thì chưa hẳn đã dựng lại được cơ nghiệp của vua Vũ vậy. Do đó mà nói, đáng lấy vua Thiếu Khang của nhà Hạ đứng đầu mà Hán Cao Tổ đứng sau vậy". Ngày đinh tị hôm sau, giảng giải đã xong, bọn Nghĩ, Lượng tấu bàn rằng: "Tam đại dựng nước, chia đất mà trị, cho nên vào lúc suy kém không có thế cả nước vỡ lở, do đó ban đức mà vỗ về, khó dùng sức mà ép buộc được. Kịp đến thời Chiến quốc, lớn bé xâm chiếm lẫn nhau, bỏ đức hạnh mà dùng trí lực, cho nên nhà Tần kém đức mà dùng sức tranh giành. Thiếu Khang vua giỏi ban nhân đức vậy. Hán Cao Tổ là bậc tài dùng trí lực vậy. Nhân và trí khác nhau, hai vua khác nhau. Thi, Thư kể về vua Trung Tông, Cao Tông của nhà Ân, xếp vào bậc đại nhã, công đức của Thiếu Khang hay đẹp hơn cả hai vị kia, là bậc đại nhã đã rõ ràng vậy. Thiếu Khang là hơn, đúng như ý vua". Bọn Tán, Dục, Tùng tấu bàn rằng: "Thiếu Khang dẫu tích đức chứa nhân nhưng trên nối cái ân trạch truyền lại của vua Vũ, trong có sức đỡ của Ngu, Nhưng, ngoài có sức giúp của Mi, Nghệ. Lại nữa Hàn Trác siểm nịnh, không tích đức với dân; Kiêu, Ế chẳng hiền, bị trong ngoài ruồng bỏ, do đó mà có nước, cũng có nguyên nhân ấy. Đến như Hán Cao Tổ, nổi lên từ phận áo vải, thống lĩnh quân dân ô hợp mà lập nên nghiệp Đế vương. Luận về đức thì Thiếu Khang hơn, bàn về công thì Cao Tổ hơn, nói về Thiếu Khang thì dễ mà bình về Cao Tổ lại khó".
Mùa hạ tháng tư ngày canh tuất, ban áo mũ cổn miện, sau đó là giày đỏ cho Đại tướng quân Tư Mã Văn Vương.
Ngày bính thìn, Đế đến nhà Thái học, hỏi các nhà Nho rằng: "Thánh nhân nghĩ điềm của thần minh, ngưỡng nhìn xem xét, bắt đầu lập ra tám quẻ, sau lại chồng lên lập thành sáu mươi tư quẻ, lập từng hào để đoán số, như ý nghĩa của nó, không gì không đầy đủ. Vậy mà nhà Hạ có kinh Liên sơn, nhà Ân có kinh Quy tàng, nhà Chu có kinh Chu dịch, các sách dịch kia có nguyên cớ làm sao"? Bác sĩ Thuần Vu Tuấn nghiên cứu về kinh dịch đáp rằng: "Bào Hi noi theo bản đồ của Toại Hoàng mà lập ra tám quẻ, Thần Nông suy thành sáu mươi tư quẻ, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn đều hiểu cái biến dịch của nó, Tam đại tùy thời mà bàn rõ lời bói các quẻ. Cho nên dịch là biến chuyển vậy, đặt tên là Liên sơn như khí sinh ở trong núi, nối liền trời đất vậy; Quy tàng là vạn vật chẳng gì không náu ở trong dịch vậy". Đế lại nói: "Nếu đúng Bào Hi noi theo Toại Hoàng mà tạo ta kinh Dịch, cớ sao Khổng Tử không nói là Toại Nhân thị diệt thì Bào Hi thị lên thay"? Tuấn không đáp được. Đế lại hỏi rằng: "Khổng Tử chép lời thoán, tượng; Trịnh Huyền chép lời chú, dẫu thánh hiền chẳng giống nhưng lời mà họ giải thích kinh nghĩa cùng là một vậy. Nay lời thoán, tượng không liên quan với lời văn của kinh mà lời chú lại liên quan, sao vậy"? Tuấn đáp nói: "Trịnh Huyền hợp lời thoán, tượng và lời văn của kinh, muốn khiến cho người học dễ tìm xét thôi vậy". Đế nói: "Nếu Trịnh Huyền hợp lại, đối với người học thì tiện lợi, vậy thì Khổng Tử sao không hợp lại cho người học được dễ hơn"? Tuấn đáp nói: "Khổng Tử sợ lời văn của mình lẫn lộn với lời của Văn Vương, cho nên không hợp lại, thánh nhân không hợp lại là vì khiêm nhường vậy". Đế nói: "Nếu thánh nhân không hợp lại là vì khiêm nhường, vậy thì chỉ riêng Trịnh Huyền không khiêm nhường sao"? Tuấn đáp nói: "Nghĩa của lời kinh sâu rộng, ý của thánh nhân xa kín, thần không thể hiểu rõ hết được". Đế lại hỏi rằng: "Hệ từ chép: 'Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn bỏ áo quần mà thiên hạ yên ổn'. Đấy là vào thời Bào Hi, Thần Nông không có áo quần vậy. Nhưng thánh nhân giáo hóa thiên hạ, sao lại khác lạ với thời ấy"? Tuấn đáp nói: "Vào thời Tam hoàng, người ít mà cầm thú nhiều, cho nên chỉ lấy lông da của cầm thú thì thiên hạ cũng đủ dùng. Đến thời Hoàng Đế, người đông mà cầm thú thưa, cho nên làm ra quần áo để hợp với thời buổi thay đổi vậy". Đế lại hỏi: "Càn là trời, mà lại chọn các vật bằng kim loại, ngọc, ngựa già, vật nhỏ cùng một nhóm là sao"? Tuấn đáp nói: "Thánh nhân chọn lấy hình tượng, hoặc gần hoặc xa, gần thì chọn ở các vật, xa thì chọn ở trời đất".
Giảng kinh Dịch xong, lại sai giảng kinh Thượng thư. Đế hỏi rằng: "Trịnh Huyền nói: 'Theo phép cũ là theo đạo trời, ý nói phép tắc của vua Nghiêu giống với đạo trời vậy'. Vương Túc nói: 'Vua Nghiêu xét kĩ phép cũ mà làm theo'. Hai người giải không giống nhau, người nào là đúng"? Bác sĩ Dữu Tuấn đáp nói: "Bậc nhà Nho ngày trước giải theo ý mình, đều có khác nhau, thần không đủ tài để phân định. Nhưng theo sách Hồng phạm chép: 'Ba người tranh luận thì theo lời của hai người cùng ý'. Giả, Mã cùng Túc đều cho rằng: 'Xét kĩ phép cũ'. Do đó theo sách Hồng phạm thì lời của Túc là hơn". Đế nói: "Trọng Ni nói: 'Riêng đạo trời là lớn, chỉ Nghiêu noi theo'. Nghiêu là bậc đại hiền noi theo đạo trời, xét kĩ phép cũ, mình chẳng phải thế vậy. Nay đọc sách giải nghĩa để làm rõ đức thánh, lại bỏ ý lớn mà khen ý nhỏ, đấy há phải là ý của người soạn sách sao"? Tuấn đáp nói: "Thần học theo lời thầy, chưa hiểu ý lớn, đến như chọn lựa, xin theo ý của thánh nhân". Sau đó giảng đến việc tứ nhạc tiến cử Cổn, Đế lại hỏi rằng: "Bậc đại trượng phu thì đức hợp với trời đất, ý sáng sánh cùng nhật nguyệt, suy nghĩ không gì là không trọn vẹn, ý sáng không nơi nào không rõ. Vậy mà nay Vương Túc nói: 'Ý của Nghiêu không hiểu rõ được Cổn, cho nên chỉ dùng thử'. Như thế thánh nhân chưa sáng suốt hết thảy sao"? Tuấn đáp rằng: "Dẫu thánh nhân hiểu rộng nhưng vẫn có chỗ chưa thấu cả, cho nên Vũ nói: 'Biết người là sáng suốt, riêng biết vua thì khó'. Nhưng cuối cùng vẫn đổi dùng bậc thánh hiền, tỏ rõ công tích, cũng trở thành thánh nhân vậy". Đế nói: "Người biết được trước sau, đấy là thánh nhân. Nếu không biết trước, sao đáng gọi là thánh nhân? Vũ nói: 'Riêng biết vua thì khó', nhưng cuối cùng vẫn đổi dùng bậc thánh hiền, có thể nói là biết người, cái mà thánh nhân khó biết, không phải là không nói hết. Trong kinh chép: 'Biết người là sáng, có thể trao chức'. Nếu vua Nghiêu ngờ Cổn, mà dùng thử chín năm, làm quan sai sót, sao đáng gọi là sáng suốt"? Tuấn đáp nói: "Thần đọc xem kinh truyện, thấy rằng thánh nhân dẫu làm việc cũng không thể không sai sót, cho nên vua Nghiêu sai sót mới có loạn 'tứ hung', Chu Công sai sót mới có loạn 'nhị thúc', Trọng Ni sai sót mới có việc của Tể Dư". Đế nói: "Nghiêu thử dùng Cổn, chín năm chẳng xong, nước sông tràn ngập, dân chúng chìm đắm. Đến như Trọng Ni sai sót mới có việc của Tể Dư, trong đức ngôn hạnh, nặng nhẹ không giống vậy. Còn như Chu Công có loạn của Quản, Thái, kinh Thượng thư cũng chép, đều là việc mà Bác sĩ thông hiểu vậy". Tuấn đáp nói: "Đấy đều là điều mà bậc thánh hiền thời trước nghi ngờ, thần học ít không xét kĩ được". Rồi giảng đến việc "có người góa vợ ở trong dân tên là Ngu Thuấn", Đế hỏi rằng: "Vào thời vua Nghiêu, nước ngập gây hại, 'tứ hung' ở triều đình, đấy là lúc nên nhanh chọn bậc hiền thánh để giúp dân vậy. Thuấn vào lúc đã lên ngôi vua, đức thánh chói sáng, nhưng lâu ngày trước kia không được chọn dùng, sao vậy"? Tuấn đáp rằng: "Nghiêu than thở tìm người hiền, muốn nhường ngôi của mình, tứ nhạc nói: 'Nếu dùng người đức kém thì chỉ làm nhục ngôi vị'. Do đó Nghiêu sai tứ nhạc chọn tìm người quê mùa, sau đó tiến cử Thuấn. Nguồn gốc của việc tiến cử Thuấn thực là do từ Nghiêu, đấy là thánh nhân muốn dân chúng dốc hết lòng vậy". Đế nói: "Nghiêu đã nghe nói về Thuấn mà không dùng ngay, lại nữa bấy giờ trung thần cũng chẳng tiến cử, bèn sai người đi tìm kiếm trong thôn ấp rồi mới tiến cử, đấy gọi là chẳng nhanh chóng dùng người hiền để giúp dân vậy". Tuấn đáp rằng: "Thần kém cỏi không thể hiểu kịp được".
Do đó lại sai giảng sách Lễ kí, Đế hỏi rằng: "Trong sách nói: 'Vua trên lập đức, coi việc đền đáp là thứ yếu'. Trị nước sao lại có giáo hóa đều khác, sao lại đều sửa chính trị mà lo lập đức, làm mà chẳng cần báo đáp sao"? Bác sĩ Mã Chiếu đáp nói: "Vua trên lập đức là nói về thời Tam hoàng, Ngũ đế dùng đức mà dạy dân, đền báo là thứ yếu, đấy là nói về thời Tam vương dùng lễ mà trị dân vậy". Đế nói: "Hai thời ban bố giáo hóa dày mỏng không giống nhau, vua trên có chỗ hay đẹp sao? Thời thế khiến nên như thế chăng"? Chiếu đáp rằng: "Thực là do thời có lợi cho nghiệp văn đức, cho nên giáo hóa có thời dày mỏng không giống vậy".
Tấn chư công tán của Phó Sướng chép: Đế thường cùng bọn Trung hộ quân Tư Mã Vọng, Thị trung Vương Vương Thẩm, Tán kị Thường thị Bùi Tú, Hoàng môn Thị lang Chung Hội ngồi bàn ở phía đông điện, cùng luận về văn nghĩa. Đặt hiệu Tú là 'Nho lâm trượng nhân', Thẩm là 'Văn tịch tiên sinh', Vọng, Hội cũng có hiệu. Tính Đế nóng vội, mời gọi là muốn đến nhanh. Bọn Tú làm quan trong cung, cho nên đến đúng lúc, còn Vọng ở ngoài, sai riêng quan Cấp sự đi xe nhẹ, đem năm lính hổ bôn, mỗi khi có hội họp, Vọng liền rong ruổi mà đến.
Tháng năm, đất Nghiệp và quận Thượng Cốc, thành Lạc Dương đều nói là có sương ngọt sa xuống. Mùa hạ tháng sáu ngày bính ngọ, đổi niên hiệu là Cam Lộ. Ngày ất sửu, rồng xanh hiện ở trong giếng ở vùng huyện Nguyên Thành. Mùa thu tháng bảy ngày kỉ mão, Vệ tướng quân Hồ Tuân hoăng. Ngày quý mùi, An tây Tướng quân Đặng Ngải đại phá Đại tướng Khương Duy của nước Thục ở huyện Thượng Quy, hạ chiếu nói: "Quân chưa trổ hết sức mà giặc xấu bị bẻ gãy, chém đầu bắt sống đến hàng vạn, gần đây thắng trận chẳng bằng trận này. Nay sai sứ giả ban thưởng cho tướng sĩ, mở hội yến lớn, ăn uống cả ngày để nêu rõ ý trẫm".
Tháng tám ngày canh ngọ, bái Đại tướng quân Tư Mã Văn Vương thêm chức Đại đô đốc, tấu việc không nói tên, trao búa vàng. Ngày quý dậu, lấy Thái úy Tư Mã Phu làm Thái phó. Tháng chín, lấy Tư đồ Cao Nhu làm Thái úy. Mùa đông tháng mười, lấy Tư không Trịnh Xung làm Tư đồ, Thượng thư Bộc xạ Lô Dục làm Tư không.
Năm thứ hai, mùa xuân tháng hai, rồng xanh hiện trong giếng ở huyện Ôn. Tháng ba, Tư không Lô Dục hoăng.
Mùa hạ tháng tư ngày quý mão, hạ chiếu nói: "Quan dân huyện Cao Hiển quận Huyền Thố phản loạn, quan Huyện trưởng là Trịnh Chiếu bị giặc giết. Người dân trong huyện là Vương Giản vác cõng tang của Chiếu vào buổi sáng sao còn trên trời, đi xa đến sở phủ của châu, trung tiết đáng khen. Nay bái Giản làm Trung nghĩa Đô úy để tỏ rõ đức hạnh".
Ngày giáp tí, lấy Chinh đông Đại tướng quân Gia Cát Đản làm Tư không.
Tháng năm ngày tân mùi, Đế đến miếu Tích Ung, mở hội sai bầy tôi làm thơ phú. Bọn Thị trung Hòa Du, Thượng thư Trần Khiên làm thơ thô xấu, quan chủ việc tấu xin bãi chức, hạ chiếu nói: "Ta dẫu kém tối, vẫn ưa văn chương, nghe rộng thơ phú để biết được mất, nhưng lại còn rườm tà, lời lẽ thô kém. Nay tha cho bọn Du. Quan coi việc phải ra lệnh từ nay về sau, bầy tôi đều phải học theo phép cũ, xét rõ kinh truyện, nên theo ý trẫm".
Ngày ất hợi, Gia Cát Đản không chịu vâng mệnh, phát binh phản, giết Dương Châu Thứ sử Nhạc Sâm. Ngày bính tí, hạ lệnh tha tội cho quân dân quan tướng miền Hoài Nam bị Đản lừa dụ. Ngày đinh sửu, hạ chiếu nói: "Gia Cát Đản tạo việc hung loạn, khiến cho miền Dương Châu vỡ lật. Ngày xưa Kình Bố phản bội thì Hán Cao Tổ tự đi đánh, Ngôi Hiêu trái mệnh thì Hán Quang Vũ đến đánh miền tây, cho đến lúc Liệt Tổ Minh Hoàng đế tự thân đánh Ngô, Thục, đều là vì nêu cao thế lớn, tỏ rõ oai vũ vậy. Nay nên đem Hoàng thái hậu cùng trẫm tạm đi đánh giặc, nhanh phá giặc ác để dẹp yên miền đông". Ngày kỉ mão, hạ chiếu nói: "Gia Cát Đản liên kết phản nghịch, ép bức người trung nghĩa, Bình khấu Tướng quân Lâm Vị Hầu là Bàng Hội, Kị đốc Thiên tướng quân Lộ Phiên cùng các tướng tả hữu phá cửa ra ngoài, trung tráng dũng liệt, nên đáng khen ngợi. Nay phong Hội tước Hương hầu, phong Phiên tước Đình hầu".
Tháng sáu ngày ất tị, hạ chiếu nói: "Sứ trì tiết, Đô đốc các quân miền Hạ Khẩu, Trấn quân Tướng quân Sa Tiện Hầu là Tôn Nhất của nước Ngô là họ hàng của giặc, làm đến bậc Thượng tướng nhưng sợ oai trời biết phận mình, xét kĩ họa phúc, sửa lỗi đem binh đi xa theo về nước lớn, dẫu Vi Tử bỏ nhà Ân, Nhạc Nghị trốn nước Yên cũng không hơn được. Nay lấy Nhất làm Thị trung, Xa kị Tướng quân, Giả tiết, Giao Châu Mục, Ngô Hầu, Khai phủ tịch chiêu Nghi đồng tam ti, theo lễ 'bát mệnh' đối với Hầu bá thời xưa mà ban cho mũ áo cổn miện, giày đỏ để tỏ rõ ý nồng hậu".
Thần là Tùng Chi cho rằng: Nhất sợ bị ép mà theo hàng, việc này không đáng khen, đấy là người noi theo phép cũ, đại khái là muốn được nổi danh vậy. Vào thời bấy giờ, chưa thấu cái lí ngưỡng mộ phép xưa, chưa rõ cái phép tùy tài năng mà ban thưởng, đáng chỉ để đền cái tình theo hàng mà thôi. Đến như ban lễ 'bát mệnh' nồng hậu, lễ ngang với bậc Tể tướng, cũng chẳng quá sao? Đối với việc chiêu dụ kẻ xa, cũng chẳng hợp lí vậy. Vì sao? Nếu khiến cho tướng lại bên ấy không có ý nghi hoặc, rút cuộc chẳng vui với ân sủng, sinh lòng phản bội, vì phản mà thẹn, có cái nhục nào hơn? Nếu bên ấy lo họa sắp đến, nếu chẳng trốn thì chẳng thoát được, thì tất phải tránh cái chết để mong được sống, lúc ấy chẳng mong gì vào vinh lợi nữa. Vậy thì chức cao lộc dày mà làm gì? Đầu thời nhà Ngụy có Mạnh Đạt, Hoàng Quyền, vào thời nhà Tấn có Tôn Tú, Tôn Khải; Đạt, Quyền được ban tước, còn thấp hơn Nhất, Tú, Khải lại khác lễ, thật là khác lạ! Đến lúc bình Ngô xong lại bãi giáng mấy bậc, không cho quyền cao, đấy há chẳng phải do cái lỗi sai lúc trước sao?
Ngày giáp tí, hạ chiếu nói: "Nay xa giá đến ở huyện Hạng, lệnh Đại tướng quân vâng mệnh phạt kẻ có tội, đi trước đến bến sông Hoài. Ngày xưa Tướng quốc Đại tư mã đánh dẹp đều đem quan Thượng thư cùng đi, nay nên theo phép cũ". Liền sai Tán kị Thường thị Bùi Tú, Cấp sự Hoàng môn Thị lang Chung Hội đều đi cùng Đại tướng quân. Mùa thu tháng tám, hạ chiếu nói: "Ngày xưa Yên Thích Vương mưu phản, bọn Hàn Nghị can gián mà chết, nhà Hán cất nhắc con của họ. Ngày nay Gia Cát Đản tạo việc hung loạn, Chủ bạ Tuyên Long, Bộ khúc đốc Tần Khiết giữ vững tiết nghĩa, cố vào can ngăn, bị Đản giết chết, đấy gọi là chẳng có thân thích như Tỉ Can mà bị giết chóc vậy. Nay lấy con của Long, Khiết làm Kị đô úy, lại thêm ban thưởng, nêu rõ gần xa để đề tiếng trung nghĩa".
Tháng chín, đại xá. Mùa đông tháng mười hai, bọn Đại tướng Toàn Đoan, Toàn Dịch của nước Ngô đem quân đến hàng.
Năm thứ ba mùa xuân tháng hai, Đại tướng quân Tư Mã Văn Vương hãm thành Thọ Xuân, chém Gia Cát Đản. Tháng ba, hạ chiếu nói: "Ngày xưa thắng giặc thì thu nhặt thây mà đắp thành gò đống là để phạt kẻ phản và nêu rõ võ công vậy. Giữa năm Nguyên Đỉnh thời Hán Hiếu Vũ, đổi huyện Đồng Hương thành huyện Văn Hỉ, huyện Tân Hương thành huyện Hoạch Gia là để ghi nhớ lúc nước Nam Việt bị diệt. Đại tướng quân tự thân lĩnh sáu quân, đóng giữ ở Khâu Đầu, trong trừ bọn xấu, ngoài phá giặc cướp, công trùm triệu dân, tiếng lừng bốn cõi. Chiếm đất của địch, nên có tên mới, nay đổi tên Khâu Đầu thành Vũ Khâu để nêu rõ oai vũ dẹp loạn, để đời sau không quên, cũng đắp hai gò đống để tỏ nghĩa vậy".
Mùa hạ tháng năm, bái Đại tướng quân Tư Mã Văn Vương làm Tướng quốc, phong Tấn Công, thực ấp tám quận, lại tặng lễ 'cửu tích', Văn Vương trước sau nhường chín lần lại thôi.
Tháng sáu ngày bính tí, hạ chiếu nói: "Ngày xưa bọn giặc trên núi ở quận Nam Dương gây rối, muốn bắt giữ Thái thú Đông Lí Bao làm con tin, quan Công tào là Ứng Dư tự thân giằng lại Bao, bèn thoát được nạn. Dư khốn cùng bỏ mạng, bỏ thân cứu chủ. Nay sai quan Tư đồ bái cháu của Dư là Luân làm quan, sai phải báo đền khí tiết".
Sở quốc tiên hiền truyện chép: Dư tự Tử Chính, bản tính thẳng thắn, chí ưa nhân nghĩa. Năm Kiến An thứ hai mươi ba làm quan Công tào trong quận. Bấy giờ Ngô, Thục không phục, bờ cõi nhiễu loạn. Tướng giữ thành Uyển là Hầu Âm vỗ về dân trong núi, giữ thành làm phản. Dư cùng quan Thái thú Đông Lí Bao đang ở vào buổi rối ren, chạy loạn mà ra. Âm liền sai quân kị đuổi bắt, cách thành mười dặm sắp đuổi kịp, giặc liền bắn Bao, tên bay hỗn loạn. Dư vươn thân phía trước để hứng mũi tên, bị thương bảy chỗ, nhân đó bảo bọn giặc đuổi theo rằng: "Hầu Âm cuồng trá, làm việc hung nghịch, đại quân sắp đến, sẽ bị đánh diệt. Các anh vốn là người tốt, chẳng có ý ác, hãy mau theo thiện, sao lại chịu để cho hắn sai khiến? Ta đem thân để thay chủ, đã bị thương nặng, nếu ta chết mà chủ được sống, chết cũng chẳng tiếc". Rồi ngẩng mặt lên trời khóc lóc, máu lệ chứa chan. Giặc thấy người này trung nghĩa, liền tha cho Bao mà không giết. Sau khi giặc đi, Dư cũng bỏ mạng. Chinh nam Tướng quân Tào Nhân đánh dẹp Âm, kể công trạng của Dư, cùng lấy rượu rảy xuống đất mà cúng tế. Thái Tổ nghe tin, than thở hồi lâu, hạ lệnh Kinh Châu kể rõ tình cảnh của người nhà lên, ban cho nghìn hộc lúa. Bao sau đó làm quan Tư mã của Vu Cấm, được chép trong Ngụy lược - Du thuyết truyện.
Ngày tân mão, bàn luận công lao đánh dẹp miền Hoài Nam, phong tước ban thưởng đều theo cấp bậc.
Mùa thu tháng tám ngày giáp tuất, lấy Phiếu kị Tướng quân Vương Sưởng làm Tư không. Ngày bính dần, hạ chiếu nói: "Chăm sóc người già, nêu cao giáo hóa là nguyên nhân phong tục thời Tam đại truyền mãi không mất vậy. Phải có quan Tam lão, Ngũ canh để chăm lo kính thuận cho họ, nghe lời răn dạy của họ mà chép vào sử xanh, lúc ấy thì sáu cõi mới liền nối, thiên hạ ngưỡng theo giáo hóa vậy. Nên xem xét người có đức hạnh để chọn làm quan ấy. Quan nội hầu Vương Tường tu nhân giữ nghĩa, thật thà nhã nhặn, Quan nội hầu Trịnh Tiểu Đồng ôn hòa hiếu thuận, giữ lễ không đổi. Nay lấy Tường làm Tam lão, Tiểu Đồng làm Ngũ canh". Xa giá đem trăm quan đi, theo phép cũ.
Hán Tấn xuân thu chép: Đế xin hỏi với Tường, Tường đáp nói: "Thời xưa vua sáng thì sắm đủ lễ nhạc, lại tỏ rõ lòng thành thật, lòng thành thật tỏ rõ thì phát ra ở lời nói việc làm. Là người quân tử thì làm việc hợp với trời đất; trời cũng chẳng làm trái, huống chi là đối với người"? Việc về Tường thấy chép ở Lữ Kiền truyện.
Tiểu Đồng là cháu của Trịnh Huyền vậy. Huyền biệt truyện chép: Huyền có người con làm quan thuộc của Khổng Dung, cử Hiếu liêm. Vào lúc Dung bị vây, đi đến, bị giặc giết hại. Có con nhỏ đang trong bụng mẹ, vào năm đinh mão thì sinh; mà Huyền cũng sinh vào năm đinh mão cho nên đặt tên là Tiểu Đồng.
Ngụy thị xuân thu chép: Tiểu Đồng đến chỗ Tư Mã Văn Vương, Văn Vương có tờ sớ kín nhưng chưa che giấu.Vừa đi nhà xí về, bảo Tiểu Đồng rằng: "Khanh thấy tờ sớ của ta không"? Đáp nói: "Không". Văn Vương nghi ngờ mà bỏ rượu độc giết, bèn chết.
Trịnh Huyền chú Văn Vương thế tử chép: Quan Tam lão, Ngũ canh đều có một người, đều là người già đã đã từ quan về nghỉ vậy.
Chú Nhạc kí chép: Đều là người già hiểu biết 'tam đức', 'ngũ sự' vậy. Minh đường luận của Sái Ung chép: Chữ 'canh' đáng lẽ chép là chữ 'sưu'. Chữ 'sưu' là chữ nói về bậc già cả, chữ này giống với chữ 'canh', người viết chữ chép nhầm thành chữ 'canh'. Chữ 'tẩu' có chữ 'nữ' bên chữ 'sưu', người ngày nay cũng cho là chữ 'canh', do đó biết rằng phải là chữ 'sưu' vậy.
Thần là Tùng Chi cho rằng: Sái Ung nói rằng chữ 'canh' phải là chữ 'sưu', thật là có lí, vậy mà các nhà Nho chẳng ai tin theo, chưa biết ai đúng.
Năm đó, rồng xanh, rồng vàng vẫn hiện trong giếng ở các huyện Đốn Khâu, Quán Quân, Dương Hạ.
Năm thứ tư, mùa xuân tháng giêng, rồng vàng hai lần hiện trong giếng ở đất huyện Ninh Lăng.
Hán Tấn xuân thu chép: Bấy giờ rồng vẫn hiện, mọi người cho là điềm lành. Đế nói: "Rồng là đức của vua vậy. Trên chẳng hiện ở trời, dưới chẳng hiện ở ruộng mà lại nhiều lần hiện ở giếng, đấy chẳng phải là điềm lành vậy". Lại làm bài thơ Tiềm long để tự chê giễu, Tư Mã Văn Vương xem mà ghét Đế.
Mùa hạ tháng sáu, Tư không Vương Sưởng hoăng. Mùa thu tháng bảy, Trần Lưu Vương là Tuấn hoăng. Mùa đông tháng mười ngày bính dần, chia quận Tân Thành lập lại quận Thượng Dung. Tháng mười một ngày quý mão, Xa kị Tướng quân Tôn Nhân bị người hầu gái giết.
Năm thứ năm, mùa xuân đầu tháng giêng, Mặt trời có chỗ khuyết. Mùa hạ tháng tư, hạ chiếu quan coi việc theo phép cũ, lại bái Đại tướng quân Tư Mã Văn Vương làm Tướng quốc, phong Tấn Công, thêm lễ 'cửu tích'.
Tháng năm ngày kỉ sửu, Cao Quý Hương Công chết, bấy giờ hai mươi tuổi.
Hán Tấn xuân thu chép: Đế thấy oai quyền ngày càng rời, không kìm nổi giận. Bèn gọi Thị trung Vương Thẩm, Thương thư Vương Kinh, Tán kị Thường thị Vương Nghiệp đến bảo rằng: "Lòng dạ của Tư Mã Chiêu, người đi ngoài đường còn biết. Ta không thể ngồi mà chịu nhục nữa, ngày nay sẽ cùng các khanh tự ra đánh hắn". Vương Kinh nói: "Ngày xưa Lỗ Chiêu Công không nhịn được họ Quý mà thua chạy mất nước, bị thiên hạ chê cười. Nay quyền thế của họ ở trước cửa, cũng đã lâu ngày. Ở bốn phương và triều đình đều vì họ mà liều chết, không màng đến cái lí thuận hay nghịch, đấy chẳng phải là do ở một ngày vậy. Vả lại quân vệ thiếu vắng, binh giáp yếu kém, Bệ hạ làm sao dùng được? Vả lại nếu một sớm như thế, chẳng phải muốn trừ bệnh mà bệnh càng nặng sao! Họa nạn khó lường, chỉ nên giữ điều lành thôi". Đế bèn đem tấm lệnh trong người ra ném xuống đất, nói: "Ta quyết làm rồi. Dẫu bị chết, há sợ gì? Huống chi không hẳn là tất chết"! Do đó vào bẩm Thái hậu. Thẩm, Nghiệp chạy trốn báo cho Văn Vương, Văn Vương sắp đặt phòng giữ. Đế bèn đem mấy trăm lính hầu gõ trống mà ra. Em họ của Văn Vương là Đồn kị Hiệu úy Trụ vào, gặp Đế ở cửa Chỉ Xa phía đông, tả hữu mắng Trụ, quân của Trụ bỏ chạy. Trung hộ quân Giả Sung lại chặn đánh Đế ở dưới cửa khuyết phía nam, Đế tự cầm kiếm. Quân muốn rút, Thái tử Xá nhân Thành Tế hỏi Sung rằng: "Việc gấp rồi, nên làm sao"? Sung nói: Nuôi chứa các ngươi, làm ở ngày nay. Việc ở ngày nay, còn hỏi gì nữa"? Tế liền đến đâm Đế, mũi đao thâu qua lưng. Văn Vương nghe tin, cả kinh, tự lăn xuống đất nói: "Thiên hạ sẽ nói ta thế nào"! Thái phó Phu chạy đến, ôm thây Đế mà khóc rất thảm thương, nói: "Giết Bệ hạ là tội của thần vậy".
Thần là Tùng Chi cho rằng: Sách của Tập Tạc Xỉ dẫu soạn sau cùng nhưng chép việc này có chỗ sai khác, cho nên dẫn lời của Tập trước để tỏ rõ cái khác khác với các sách còn lại ở sau.
Thế ngữ chép: Vương Thẩm, Vương Nghiệp ruổi đi báo cho Văn Vương, vì Thượng thư Vương Kinh thẳng thắn chẳng nói ra, do đó Thẩm, Nghiệp đến báo ý.
Tấn chư công tán chép: Thẩm, Nghiệp sắp ra, gọi Vương Kinh. Kinh không theo, nói: "Các ngươi tự làm đi"!
Tấn kỉ của Can Bảo chép: Thành Tế hỏi Giả Sung rằng: "Việc gấp rồi, làm thế nào"? Sung nói: "Công nuôi chứa các ngươi là để làm việc ngày nay vậy. Còn ngờ gì"! Tế nói: "Được". Bèn cầm kích đến đâm.
Ngụy thị xuân thu chép: Buổi đêm ngày mậu tí, Đế tự đem bọn Nhũng tòng Bộc xạ Lí Chiêu, Hoàng môn Tòng quan Tiêu Bá xuống đài Lăng Vân, mặc giáp lĩnh quân, muốn nhân lúc hội họp mà tự ra đánh Văn Vương. Gặp lúc trời mưa, quan coi việc tấu xin lùi đến hôm sau, rồi gặp bọn Vương Kinh, đem tờ chiếu làm bằng lụa màu vàng trong người ra nói: "Ai sẽ chịu nhục, sai sẽ không chịu nhục vậy! Ngày nay sẽ quyết làm việc này". Vào bẩm Thái hậu, bèn cầm kiếm lên xe, lĩnh lính hầu trong cung Thương Đầu và lính túc vệ trong điện gõ trống, ra từ cửa Vân Long. Giả Sung từ ngoài đi vào, quân của Đế tan vỡ nhưng Đế vẫn xưng là Thiên tử, cầm kiếm vung đánh, quân sĩ chẳng ai dám đến gần. Sung khích lệ tướng sĩ, em của Đốc kị Thành Tốt là Thành Tế cầm mâu đến đâm, Đế băng ở trong quân. Bấy giờ trời tối sầm, mưa to sấm sét.
Ngụy mạt truyện chép: Giả Sung gọi viên Đốc kị Thành Tế dưới trướng đến bảo rằng: "Nếu việc của họ Tư Mã thua vỡ thì các ngươi còn được trọn vẹn không? Sao không ra đánh"! Hai anh em Tốt bèn đem quân dưới trướng đi ra, ngoảnh bảo rằng: "Nên giết không? Hay nên bắt"? Sung nói: "Giết đi". Quân giao tranh, Đế nói: "Bỏ giáo xuống"! Quân sĩ của Đại tướng quân đều bỏ giáo. Anh em Tế nhân đó đến đâm Đế, Đế ngã xuống xe.
Hoàng thái hậu lệnh nói: "Ta chẳng có đức, chẳng giúp được nhà. Ngày xưa đón lập con của Đông Hải Vương là Mao, cho làm người nối tự của Minh Đế, thấy hắn ưa văn chương thơ phú, mong có thể thành tài, nào ngờ tính tình bạo ngược, ngày càng thêm sâu. Ta nhiều lần trách mắng, hắn bèn sinh oán giận, bày lời ác xấu vô đạo để gièm vu ta, rút cuộc ngăn đứt hai cung. Lời mà hắn nói, không đáng nghe theo, chẳng được trời đất che chở vậy. Ta đã hạ lệnh ngầm sai Đại tướng quân là không nên cho hắn cúng tế tông miếu, đấy là sợ xã tắc nghiêng lật, chết rồi chẳng còn mặt mũi mà gặp Tiên đế vậy. Đại tướng quân thấy hắn còn nhỏ, bảo là nên thay lòng theo thiên, ân cần kĩ càng. Nhưng thằng ấy vẫn ngang ngược, làm việc thêm xấu, lấy nỏ từ xa bắn vào cung của ta, ta đang chúc mừng thì trúng vào cổ, mũi tên rơi trước mặt. Ta bảo cho Đại tướng quân là không thể không phế hắn, trước sau nói mấy chục lần. Thắng ấy nghe tin, tự biết tội nặng, bèn mưu phản nghịch, hối lộ cho tả hữu của ta, khiến cho ta uống thuốc độc, lại ngầm bày rượu độc, cùng nhau bày kế. Việc bị phát lộ, liền muốn nhân hội họp mà đem quân vào cung phía tây để giết ta, ra bắt Đại tướng quân, gọi Thị trung Vương Thẩm, Tán kị Thường thị Vương Nghiệp,
Thế ngữ chép: Nghiệp là người quận Quảng Lăng, sau này làm Trung hộ quân của nhà Tấn.
Thượng thư Vương Kinh đến, đem tờ chiếu bằng lụa màu vàng trong người ra cho họ xem, nói là hôm nay sẽ làm việc ấy. Ta bị nguy hại hơn cả trứng treo dây. Ta đã già góa, há tiếc mấy tuổi thừa nữa sao? Chỉ thương cho ý muốn của Tiên đế chẳng thành, xã tắc nghiêng lật mà đau lòng vậy. Cậy vào oai linh của tổ tiên, Thẩm, Nghiệp liền báo cho Đại tướng quân, do đó phòng giữ nghiêm ngặt trước. Nhưng thằng ấy lại đem tả hữu ra khỏi cửa Vân Long, gõ trống như sấm, tự thân cầm kiếm cùng tả hữu túc vệ xông vào trong trận, bị đao nhọn dâm chết. Thằng ấy đã làm việc trái nghịch bất đạo mà lại tự hãm vào họa lớn, cũng khiến cho ta đau long không nói nên lời. Ngày xưa Xương Ấp Vương của nhà Hán bị tội phế làm dân thường, nay thằng ấy cũng nên đem lễ dân thường mà táng hắn. Nay báo cho người trong ngoài đều biết được việc làm của thằng ấy. Lại nữa Thượng thư Vương Kinh thấy việc ác nghịch mà không bẩm báo, nay bắt Kinh cùng người nhà đến sở quan Đình úy xét tội".
Ngày canh dần, Thái phó Phu, Đại tướng quân Văn Vương, Thái úy Nhu, Tư đồ Xung cúi đầu nói: "Xét thấy mới đây Cao Quý Hương Công bạo ngược vô đạo, tự chuốc họa lớn, noi theo việc cũ xét tội Xương Ấp Vương của nhà Hán mà dùng lễ dân thường để táng. Bọn thần giữ chức mà không thể cứu trừ được loạn hoạ, không ngăn được gian nghịch, vâng lệnh mà lo lắng, ruột gan đau nhói. Theo nghĩa Xuân thu thì bậc làm vua không nên cho ra ngoài, mà kinh Thư lại nói: 'Tương Vương ra ở tại nước Trịnh', không thể thờ mẹ, cho nên bị phế ngôi vua vậy. Ngày nay Cao Quý Hương Công phóng túng vô độ, suýt làm đổ xã tắc, tự chuốc lấy vỡ lật, bị thần người ruồng bỏ, nay táng theo lễ dân thường, đấy thực phép cũ vậy. Nhưng bọn thần xét thấy Điện hạ rất là nhân từ, dẫu theo phép tắc nhưng vẫn nên thương xót. Lòng dạ bọn thần thật không nỡ làm thế. Cho rằng nên đem lễ bậc Vương mà táng". Thái hậu nghe theo.
Hán Tấn xuân thu chép: Ngày đinh mão, táng Cao Quý Hương Công ở bến bãi sông Triền cách phía tây bắc thành Lạc Dương ba mươi dặm. Đem mấy cỗ xe đi, không bày cờ thêu, trăm họ tụ nhau mà đứng xem, nói: "Đấy là Thiên tử lúc trước bị người ta giết vậy". Có kẻ ôm mặt mà khóc, không nén được thương cảm.
Thần là Tùng Chi cho rằng: Nếu chỉ đem mấy cỗ xe, không bày cờ thêu, sao lại là theo lễ bậc Vương mà táng được? Đấy đại khái là sai lầm, gọi là rất không đúng lễ nghi vậy.
Sai Sứ trì tiết, Trung hộ quân, Trung mâu Tướng quân Tư Mã Viêm lên phía bắc đón người nối tự của Thường Đạo Hương Công tên là Hoàng làm dòng dõi của Minh Đế. Ngày tân mão, bầy tôi tấu bẩm Thái hậu rằng: "Điện hạ đức thánh chói sáng, vỗ yên sáu cõi mà vẫn xưng 'lệnh' giống với nước phiên. Xin từ nay về sau các thư lệnh của Điện hạ đều xưng là 'chế', 'chiếu' như việc cũ thời trước".
Ngày quý mão, Đại tướng quân cố từ chức Tướng quốc, tước Tấn Công, lễ 'cửu tích'. Thái hậu hạ chiếu rằng: "Có công thì không giấu, đấy là phép lớn theo sách Chu dịch vậy. Cái hay của người tài là điều mà bậc hiền thánh xưa ưa thích. Nay nghe theo lời ấy, hạ chiếu tỏ ra ngoài để nêu rõ cái đức khiêm nhường của ngài".
Ngày mậu thân, Đại tướng quân Văn Vương dâng sớ nói: "Cao Quý Hương Công đem lĩnh quân sĩ đi theo xe, cầm đao gõ trống hướng đến chỗ thần ở; thần sợ binh đao giao tiếp, liền sai tướng sĩ không được tự làm thương hại, nếu ai trái lệnh thì theo quân pháp mà xử. Em của Kị đốc Thành Tốt là Thái tử Xá nhân Tế tự ý xông vào trận làm hại công, bèn dẫn đến mất mạng; liền bắt Tế xử theo quân pháp. Thần nghe nói rằng tiết tháo của bấy tôi là dẫu chết cũng chẳng hai lòng, giữ nghĩa thờ vua, không dám trốn nạn. Lúc trước việc xấu chợt đến, họa cùng phát dẫn, thần thực là dám dẫn thân đến chết, dẫu thân bị giết vậy. Nhưng nghĩ nếu thân mình mất thì Hoàng thái hậu nguy nan, xã tắc nghiêng ngả. Thần lạm giữ quyền lớn, phận tại giúp nước, sợ rằng thân chết thì tội trạng càng nặng. Muốn noi theo cái quyền của Y, Chu để dẹp nạn của xã tắc, liền sai ngựa chạy nhanh báo lệnh, không được ép gần xe kiệu, nhưng Tế vội xông vào trận, dẫn đến biến loạn. Thần vẫn đau xót tiếc nuối, ruột gan rã rời, không biết có mảnh đất nào mà tự chui xuống? Xét theo luật kẻ phản nghịch vô đạo thì cha mẹ vợ con đều bị chém. Tế hung ác ngang ngược, phạm loạn phép cấm, tội chẳng dung tha. Liền sai quan Thị ngự sử bắt người nhà của Tế giao cho quan Đình úy, xét xử tội trạng".
Ngụy thị xuân thu chép: Anh em Thành Tế không trị tội ngay, lúc bị cởi trần lên điện, nói lời khinh nhờn; (Đại tướng quân Văn Vương) liền tự lấy cung bắn, bèn chết.
Thái hậu hạ chiếu nói: "Trong năm loại tội, chẳng gì lớn bằng tội bất hiếu. Người có con bất hiếu, vẫn dạy mà trị tội. Thằng ấy há còn được làm vua của muôn người sao? Ta là đàn bà không đạt được nghĩa lớn ấy để cho Tế không được sửa lỗi phản nghịch vậy. Nhưng ý Đại tướng quân rõ ràng, nói lời đau xót, cho nên nghe theo lời tấu. Nên bố cáo gần xa khiến cho đều được biết gốc ngọn".
Thế ngữ chép: Lúc trước vào giữa năm Thanh Long, Thạch Bao bán sắt ở Trường An, được gặp Tư Mã Tuyên Vương, Tuyên Vương biết người này. Sau đó chọn làm Thượng thư lang, làm Thanh Châu Thứ sử, Trấn đông Tướng quân. Giữa năm Cam Lộ vào chầu, sắp về, vào từ biệt Cao Quý Hương Công, ở lại cả ngày. Văn Vương sai người xin lệnh đi qua. Văn Vương hỏi Bao rằng: "Sao ở lại lâu"? Bao nói: "Là vì không phải người tầm thường vậy". Hôm sau đi đến Huỳnh Dương, mấy ngày sau thì xảy ra biến loạn.
Tháng sáu ngày quý sửu, hạ chiếu nói: "Thời xưa vua đặt tên chữ, khó phạm mà đổi tên. Ngày nay tên húy của Thường Đạo Hương Công rất khó tránh, triều đình bàn bạc nên đổi sửa, tấu lên".
Post a Comment