Triệu Vân Truyện
Triệu Vân tự Tử Long, người ở quận Thường Sơn huyện Chân Định. Trước theo hầu Công Tôn Toản, Toản sai Tiên chủ giúp Điền Khải chống Viên Thiệu, Vân liền đi theo, đốc xuất quân kỵ cho Tiên chủ.
Vân Biệt truyện (1) viết rằng: “Vân mình cao tám thước, tư nhan (2) hùng vĩ, dân trong quận nổi dậy, Vân vì nghĩa mộ binh theo về với Công Tôn Toản. Bấy giờ Viên Thiệu xưng là Ký Châu mục, Toản rất lo lắng người trong châu ấy sẽ theo về với Thiệu, vừa hay lúc Vân đến trợ giúp, Toản mới cao hứng bảo Vân rằng: “Nghe tin người ở quý châu đều tới với họ Viên, sao một mình ngươi về với ta, chẳng là bỏ lối mê mà phản tỉnh đấy ư?” Vân đáp rằng: “Thiên hạ loạn lạc, chưa biết ai thế nào, dân chúng chao đảo thống khổ vì chiến loạn, người ở bỉ châu nghị luận, mong theo về bậc chính nhân, chẳng phải vì xa rời Viên công mà thân gần với tướng quân vậy.” Rồi cùng với Toản đi đánh dẹp. Thời ấy Tiên chủ cũng nương nhờ Toản, vẫn thường gặp Vân, Vân rất muốn gửi thân kết tình theo Bị. Sau Vân nhân vì có tang anh trai, bèn từ giã Toản tạm thời về quê, Tiên chủ biết Vân không trở lại, nắm chặt tay không nỡ rời xa, Vân từ tạ rằng: “Sau này chẳng thể quên ơn đức vậy.” Tiên chủ tới chỗ Viên Thiệu, Vân biết nên đến Nghiệp quận. Tiên chủ với Vân ngủ cùng giường, bí mật sai Vân chiêu mộ được mấy trăm người, đều xưng là bộ hạ của Lưu Tả tướng quân, Thiệu không hề hay biết. Rồi Vân theo Tiên chủ đến Kinh châu.
Lúc Tiên chủ bị Tào công truy đuổi ở Đương Dương Trường Bản, bỏ cả vợ con chạy trốn về phía Nam, Vân tự thân bồng ấu chủ, tức hậu chủ, bảo hộ Cam phu nhân, là mẹ hậu chủ, đều thoát được về Nam. Vân được thăng làm Nha môn tướng quân. Tiên chủ vào Thục, Vân ở lại Kinh châu.
Vân Biệt truyện viết: “Lúc trước, Tiên chủ thua trận, có người nói Vân đã bỏ về Bắc, Tiên chủ trỏ tay vào người ấy nói rằng: “Tử Long chẳng khi nào bỏ ta mà trốn đi vậy.” Chốc lát, Vân đã đến nơi. Khi bình định Giang Nam, lấy Vân làm Thiên tướng quân, lĩnh chức Quế Dương thái thú, thay Triệu Phạm. Phạm có người chị dâu goá chồng là Phàn thị, là bậc quốc sắc, Phạm muốn đem gả cho Vân. Vân từ chối rằng: “Ta với ngươi vốn cùng họ, anh ngươi cũng là anh ta”. Rồi cố từ tạ không nhận. Bấy giờ có người khuyên Vân thu nhận người ấy, vân nói: “Phạm bị bức mà theo hàng, tâm địa chưa biết thế nào; đàn bà con gái trong thiên hạ đâu có thiếu gì.” Nhất định không chịu. Sau này Phạm quả nhiên bỏ trốn, Vân chỉ lặng lẽ cười thầm. Trước đấy, Vân cùng Hạ Hầu Đôn đánh nhau ở gò Bác Vọng, bắt sống được Hạ Hầu Lan. Lan với Vân vốn là người cùng làng, lúc nhỏ có quen biết nhau, Vân bạch (3) với Tiên chủ tha chết cho, lại tiến cử Lan quản việc pháp luật, lấy làm Quân chính (4). Vân chẳng bao giờ nhờ vả người thân gần, mưu tính thận trọng tuỳ từng việc như thế. Tiên chủ vào Ích châu, Vân lĩnh chức Tư mã đốc trách việc giữ quân doanh. Thời ấy Tiên chủ Tôn phu nhân là em gái Quyền vốn kiêu căng, có nhiều binh tướng Ngô là thủ hạ, thao túng ngang ngược chẳng có phép tắc. Tiên chủ thấy Vân nghiêm nghị cẩn trọng, tác phong đường hoàng, mới giao cho đặc trách chưởng quản nội sự. Quyền nghe tin Bị Tây chinh, liền sai mang thuyền tới đón em gái về, phu nhân lại muốn mang Hậu chủ về Ngô, Vân cùng với Trương Phi giăng binh chẹn sông, mang được Hậu chủ về.
Tiên chủ từ Hà Manh quay về đánh Lưu Chương, triệu gọi Gia Cát Lượng. Lượng đốc Vân cùng với Trương Phi ngược sông tiến về phía Tây, bình định các quận huyện. Đến Giang châu, chia quân sai Vân tiến ngược sông Giang, cùng với Lượng hẹn gặp nhau ở Thành đô. Thành đô đã định được, Tiên chủ lấy Vân làm Dực quân tướng quân.
Vân biệt truyện viết: Ích châu đã định, bấy giờ có người bàn nên lấy nhà cửa ở Thành đô cùng những đất đai vườn tược quanh đó ban cho chư tướng. Vân bác đi nói rằng: “Xưa kia Hoắc Khứ Bệnh (5) từng nói rằng Hung Nô chưa bị diệt, sao nghĩ đến việc nhà, nay quốc tặc chẳng phải chỉ như Hung Nô, chưa thể cầu an được vậy. Nên để lúc thiên hạ yên định, mọi người đều trở về quê, cầy cấy nơi ruộng cũ, việc ấy mới nên làm. Nay dân chúng Ích châu, mới mắc nạn binh đao, nhà cửa ruộng vườn rất nên trả về cho họ, để dân được an cư lạc nghiệp, sau này mới có binh lương quân dịch, như thế dân sẽ hoan hỉ vui mừng vậy.” Tiên chủ liền nghe theo.
Hạ Hầu Uyên bại trận, Tào công tranh chiếm đất Hán Trung, vận lương ở dưới chân núi Bắc Sơn, mấy ngàn vạn hộc (6), Hoàng Trung cho rằng có thể cướp được, Vân dẫn binh theo sau Trung đi lấy lương. Quá hẹn mà Trung chưa về, Vân dẫn mấy chục quân khinh kỵ phá vây, đón được Trung. Tào công ở Dương Bình xuất đại quân vây hãm, Vân đi tiên phong đánh lại, kịch chiến trong vòng vây, quân địch rất đông, thế mạnh, Vân xông pha trước trận, vừa đánh vừa lui. Quân Tào thua trận, lại họp nhau đuổi, Vân phá tan quân địch, xông thẳng vào vòng vây. Khi ấy tướng quân Trương Trứ bị thương, Vân lại cứu được rồi đỡ lên ngựa ruổi chạy về doanh. Tào công dẫn quân truy bức đến tận nơi, lúc ấy tướng giữ trại Miện Dương (7) là Trương Dực muốn đóng cửa doanh chống cự địch, Vân vào trong dinh, sai mở toang cổng trại, hạ cờ im trống. Tào công nghi Vân có phục binh, dẫn quân quay về (8). Vân mới sai thúc trống vang trời, lệnh cho quân cung nỏ bắn loạn xạ vào sau lưng quân Tào, quân Tào kinh hãi, dẫm lên nhau mà chạy, rơi xuống sông Hán Thuỷ chết rất nhiều. Hôm sau Tiên chủ tự mình đến doanh quân của Vân xem xét chiến địa, khen rằng: “Tử Long quả thật một thân toàn là đảm (9) vậy.” Rồi cho tấu nhạc uống rượu đến tận đêm khuya, từ đấy trong quân gọi Vân là Hổ oai tướng quân.
Tôn Quyền đánh úp Kinh châu, Tiên chủ giận lắm, muốn sang đánh Quyền. Vân can rằng: “Quốc tặc chính là Tào Tháo, không phải Tôn Quyền, ví bằng đã diệt được Nguỵ, tất Ngô phải phục tùng. Tháo tuy đã chết, con là Phi làm chuyện soán đoạt, nhân tâm bất phục, nếu ta sớm đồ được Quan Trung, chiếm giữ thượng lưu hai sông Hà-Vị để thảo phạt kẻ hung nghịch, các nghĩa sỹ ở Quan Đông tất gói lương dắt ngựa nghênh đón vua tôi chúng ta. Nếu quên việc đánh Nguỵ, mà đánh Ngô trước; việc binh đã xảy ra, chẳng thể nào dứt ngay được.” Tiên chủ không nghe, dẫn quân đông chinh, lưu Vân ở lại đốc trách Giang châu. Tiên chủ thua trận ở Tỷ Quy, Vân tiến binh đến Vĩnh An, Quân Ngô bèn lui về.
Năm Kiến Hưng nguyên niên, lấy Vân làm trung hộ quân, chức Chinh Nam tướng quân, tước Đô đình hầu, sau đổi làm Trấn Đông tướng quân. Năm Kiến Hưng thứ năm, theo Gia Cát Lượng ra Hán Trung. Năm sau, Lượng xuất quân, phô trương thanh thế ở đường Tà Cốc, Tào Chân phái đại quân chống giữ. Lượng sai Triệu Vân và Đặng Chi cự địch, còn Lượng thân tấn công Kỳ Sơn. Vân-Chi binh yếu địch mạnh, gặp thất lợi ở Cơ Cốc, mới làm nghi binh cố thủ, chẳng chịu thua trận. Sau phải lui binh, biếm chức xuống Trấn quân tướng quân.
Vân biệt truyện viết: Lượng nói: “Việc rút quân ở Nhai Đình, binh tướng ta chẳng ai không bị thiệt hại, việc lui quân ở Cơ Cốc, binh tướng ở đấy chẳng mấy tổn thất, sao vậy?” Chi thưa rằng: “Vân tự thân đi đoạn hậu, quân tư trang vật dụng, đều không bỏ sót, binh tướng được vô sự nên không tổn thất gì.” Vân lấy được nhiều quân tư trang và vải lụa thừa, Lượng sai đem những vật ấy ban cho tướng sỹ của Vân, Vân nói rằng: “Việc quân đã bất lợi, sao có thể nhận phần thưởng được? Xin đưa hết những vật phẩm ấy vào phủ khố (10) ở Xích ngạn, đợi đến tháng 10 sang Đông giá rét mà ban thưởng” Lượng rất lấy làm phải và nghe theo.
Năm 70 tuổi Vân chết, truỵ thuỵ hiệu là Thuận Bình hầu.
Khi trước, thời Tiên chủ còn sống, chỉ có mình Pháp Chính được ban thuỵ hiệu; sang thời Hậu chủ, Gia Cát Lượng công đức cái thế, Tưởng Uyển-Phí Vỹ gánh vác việc lớn quốc gia, mới được đặt thuỵ; sau nữa đến Trần Chi (11) mới cho sủng đãi, việc tưởng lệ đã khác hẳn, Hạ Hầu Bá ở nơi xa theo hàng với Thục, chết cũng được ban thuỵ; khi Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung cùng với Vân được truy thuỵ hiệu, bấy giờ bàn xét lấy đó làm vinh dự.
Vân biệt truyện chép Hậu chủ viết chiếu rằng: “Xưa kia Vân theo Tiên đế, trải nhiều khó nhọc. Khi trẫm còn nhỏ dại, bước đường gian nan, nhờ cậy lòng trung, vượt được nỗi hiểm nguy. Ban cho thuỵ hiệu để tỏ rõ công trạng lớn lao, người ngoài chớ bàn bạc mà dị nghị.” Đại tướng quân Khương Duy bàn rằng, Vân trước theo Tiên đế, trải nhiều lao khó, sửa sang thiên hạ, tuân thủ phép tắc, công trạng đáng ghi vào sách vở. Trận chiến Đương Dương, nghĩa như vàng đá, tận trung với chúa, vua tưởng nhớ ban thưởng, lễ nghĩa đủ đầy, đến kẻ bầy tôi đã quên cả thân mình. Chết vẫn biết rằng, thân danh chẳng nát; sống cảm ân đức, danh chẳng phai mờ. Kính cẩn theo khuôn phép mà xét thuỵ, nhu thuận hiền hậu ấy là Thuận, làm việc thuận ngôi thứ, khắc chế được tai hoạ, ấy là Bình, ứng theo phép đặt cho thuỵ là Thuận Bình hầu.
Con của Vân là Thống nối tự, làm quan đến Hổ bôn Trung lang tướng, Đốc hành lĩnh quân. Con thứ là Nghiễm (Quảng), làm Nha môn tướng, theo Khương Duy ra Đạp Trung, chết khi lâm trận.
Chú thích:
(1) Tác giả cuốn Biệt truyện là Trương Thức, phần viết về Triệu Vân gọi là Vân Biệt truyện.
(2) Có lẽ diện mạo Vân có nét con gái nên sách viết là tư nhan, thường khi tả dáng người sắc mặt đàn ông phải viết là dung mạo.
(3) Bạch nghĩa là lời kẻ dưới thưa với người trên, cũng có nghĩa như chữ ‘bẩm’ vậy.
(4) Một chức quan coi xét việc hình luật.
(5) Hoắc Khứ Bệnh là danh tướng nhà Hán thời Hán Vũ đế từng đánh dẹp quân Hung Nô.
(6) Nguyên văn là ‘nang’ có nghĩa là túi, bị, bọng. Tạm dịch là ‘hộc’.
(7) Vân đi cứu Trung, phó tướng Trương Dực giữ trại.
(8) Trại tựa lưng xuống sông, chính là đất chết vậy. Tháo nghi ngờ rằng Vân bày binh theo lối Hàn Tín trước kia nên sợ có phục binh mà lui về.
(9) Chữ ‘đảm’ có nghĩa là Quả mật, ý nói Vân lớn mật, dũng cảm.
(10) Kho tàng của doanh trại.
(11) Khi Trần Chi coi việc Thượng thư thì nước Thục đã sắp bị diệt.
Post a Comment