Trương Dực Truyện
Trương Dực tự Bá Cung, người ở Vũ Dương quận Kiện Vi. Cao tổ là Hạo làm đến Tư Không. Tằng tổ là Cương nguyên làm Quảng Lăng Thái Thú, đều có danh tiếng.
Ích Bộ kỳ cựu truyện chép: Hạo tự Thúc Minh, quản lý luật pháp, thưở xưa du học kinh sư, cùng Đàm Xán người Quảng Hán, Lý Cáp người Hán Trung, Trương Bá người Thục Quận kết thâm giao. Đại Tướng quân Đặng Chất thích Hạo, dần dần thăng lên đến Thượng Thư phó xạ, rồi ra làm Bành Thành tướng. (Hạo) tiến cử được ẩn sĩ Lư Khâu là người tài ba xuất chúng nên được vời về làm Đình Uý. Năm Diên Quang thứ ba, An Đế bàn việc phế Thái Tử, chỉ có Hạo cùng Thái Thường Hoàn Yên, Thái Phó Lai Lịch luận rằng không nên. Thuận Đế mới lên ngôi, mời Hạo làm Tư Không. (Hạo) sống đến tám mươi ba tuổi. Tục Hán Thư viết: Cương tự Văn Kỷ, tuổi trẻ là con của bậc Tam Công lại hành sự trong sạch đúng đạo được cử làm Hiếu Liêm. Tuy (triều đình) không vời làm Tư Đồ, song vì là con cháu cao môn nên bổ dụng vào chức Ngự Sử. Năm Hán An nguyên niên, nhận chức Quang Lộc đại phu, cùng bọn Thị Trung Đỗ Kiều cả thảy tám người cùng vâng chiếu một ngày, giữ gìn lễ tiết phân minh rành rẽ, tra xét việc làm tham nhũng thanh liêm (của quan chức) trong thiên hạ. Ô lại phạm tội có thể tự tiện thu chức, Thứ Sử Nhị Thiên Thạch có lỗi cũng dâng biểu theo dịch trạm báo về. Uy nghiêm nhân ái, trong sạch trung thành, tiếng tăm lừng lẫy trong ngoài, hiệu xưng là Bát tuyển. Thời ấy, Đại tướng quân Lương Ký gây rối làm hại bách tính. Bọn Kiều bảy người đều phụng mệnh đi bốn phương, riêng Cương vùi bánh xe ngay giữa đô thành Lạc Dương, nói: „Sài lang ngay trước mặt, sao còn đi hỏi hồ ly.’’ Rồi dâng thư rằng: „Đại Tướng quân, Hà Nam Doãn Lương Ký là kẻ vô nghì. (Ký vốn) nhờ ngoại thích nâng đỡ, chịu đại ân của quốc gia, chí khí như cành cây ngọn cỏ, an ổn làm kẻ cận thần, chẳng đủ tài tuyên dường Ngũ giáo hồ phó tá tán trợ hoàng gia, nhưng đặc biệt là kẻ xấu xa độc ác, phóng túng tham tàn vô độ, cam lòng hủ hoá, buông thả không biết thoả mãn, nhiều lần a dua nịnh hót làm hại trung lương. Quả thật thiên uy khó dung tha, phải trị tội thích đáng. Nay kính cẩn rành mạch trình lên mười lăm việc làm sai trái không để quân vương ở trong lòng của y, đều là những việc làm kẻ trung thần nghiến răng căm hận vậy.’’ Thư được dâng lên, kinh sư chấn động (mọi người) kinh hãi. Đương thời, em gái Ký là Hoàng Hậu, trong cung rất được yêu chiều, anh em nhà Ký quyền cao hơn chủ. Thuận đế tuy biết lời Cung không phải là vu khống nhưng không có lòng trừng phạt Ký. Ký hận Cương lắm. Gặp lúc bọn giặc Trương Anh ở Quảng Lăng tụ tập hàng vạn người giết Thứ Sử Nhị Thiên Thạch, Ký muốn hại Cương, bènkhuyên Thương Thư lấy Cương làm Quảng Lăng Thái Thú; nếu (Cương) không bị Anh giết thì sẽ lấy quân pháp ra hãm hại. Tiền nhiệm Thái Thú trước đây thường xin thêm quân, khi Cương nhậm chức, vua hạ chiếu hỏi hiện tại binh mã có đủ hay không. Cương đáp rằng binh mã không dùng đến, rồi một mình một xe ra trấn nhậm, đến thẳng cửa trại của Anh, giảng giải (cho Anh) chuyện hoạ phúc. Anh lấy làm kinh hoảng, đóng cửa trại muốn bỏ chạy. Cương lại ở ngoài cửa trại sai giải tán hết quan binh, chỉ lưu lại bên mình hơn chục người thân tín, còn gửi thư báo với các vị trưởng lão là chỗ quen biết cũ đáng tin cậy của Anh, mời ra gặp mặt, để thăm hỏi về sự biến (ở địa phương) và nhân dịp chiêu an họ, rồi sai về mời Anh (ra gặp mặt). Anh thấy Cương có thành ý liền ra ngoài yết kiến Cương. Cương mời vào ngồi ghế trên, thăm hỏi những nỗi khổ đau phải chịu, nghi thức trọn vẹn rồi mới nói rằng: „Trước sau (đều do) Nhị Thiên Thạch làm nhiều điều sai trái với dân, ngăn cản ân huệ của nhà nước, mặc ý thoả mãn lòng riêng. Quận ta ở chốn xa xôi, Thiên Tử chẳng thể trong sớm tối mà biết chuyện, vì thế dân chúng phải tụ hội mà tránh hoạ. Nhị Thiên Thạch đúng là có tội lại làm cho các vị thành ra người bất nghĩa. Nay trung thần không làm việc khi quân để mưu lấy vẻ vang, hiếu tử chẳng mong làm hại cha để cầu lợi lộc. Thiên tử là bậc thánh nhân, những mong lấy ân tình hoà nhã phán xét vụ này, bởi vậy mới sai Thái Thú đến đây,có ý ban cho tước lộc để cùng an hưởng, không nghĩ đến việc phải dụng hình. Nay quả thật chuyện hoạ phúc quyết định chính ở lúc này đây; nếu các vị không chịu nghe lời phải trái, thiên oai nổi trận lôi đình, đại quân tụ hội, sao tránh được nguy nan! Nên nghĩ kỹ lẽ hoạ phúc vậy.’’ Anh nghe rồi khóc rằng: „(Tôi là) kẻ ngu dân ở chốn biên thuỳ hoang hoá xa xôi, bị Nhị Thiên Thạch hại oan, không chịu nổi khốn khổ tụ tập nên đành lén tụ tập mà sống trộm. Minh công khoan hậu thương đến cả cỏ cây, ân đức này ban cho bọn Anh một đời sống nữa, song chỉ sợ đến ngày đem binh về quy phục, không tránh khỏi tội lây đến vợ con.’’ Cương nói: „Sao lại như thế được! Hẹn trước đất trời, thề cùng nhật nguyệt, từ nay ngài đảm đương tước vị vẻ vang, làm gì có hoạ hoạn nào?’’ Anh nói: „Nếu được xá tội, giữ vững cái đầu trên cổ, trở thành người làm ruộng đã là hoài bão đội trên đầu. Tước lộc không phải là ước mơ nguyện vọng của tôi vậy.’’ Anh tuy là đại tặc, nổi dậy trong bạo tàn hung dữ, vẫn tự nghĩ là phải chết, đến khi nghe được lời Cương hốt nhiên tỉnh ngộ. Bèn từ biệt trở về doanh trại. Hôm sau, liền đem bộ thuộc hơn vạn người, cùng vợ con đích thân chịu trói đến hàng Cương. Cương dẫn vào an ủi, lại cởi trói cả cho rồi nói với Anh rằng: „Ngài một sớm giải tán hết mọi người, cõi biên thuỳ thế là yên ả, đáng liệt danh tấu lên chúa thượng. Tất sẽ được phong thưởng.’’ Anh đáp: „(Tôi) xin trở về nghiệp cũ, chẳng muốn đem danh tiếng xấu xa làm vấy bẩn thời thịnh thế đâu.’’ Cương thấy (Anh) có ý chân thành thì cũng thuận cho, tự mình coi sóc việc ổn định nhà cửa (cho Anh). Đệ tử (của Anh) ai muốn ra giúp việc quan thì tuỳ tài mà bổ dụng, ai muốn về làm dân thì khuyến khích theo nghề cày cấy. Nghiệp nông tang vườn ruộng đều thịnh vượng, một dải phía nam bình an vô sự.Luận công, Cương hy vọng kết liễu sự việc ở địa phương nên dấu kín công sức của mình, không muốn nhận phong hầu. Thiên tử khen ngợi thành tích, muốn vời về triều để sai khiến. Cương mang chức Thượng Thư, xin lưu lại quận hai năm. Năm Kiến Khang thứ nhất bị bệnh mất tại nhiệm sở, lúc ấy mới ba mươi sáu tuổi. Bọn Anh hơn ba trăm người đều chống gậy đưa linh cữu Cương đến tận Lạc Dương. Mai táng Cương xong còn xây đền trước mộ, bốn mùa cúng tế, tưởng niệm không khác gì cha mẹ qua đời. Thiên tử nhớ tiếc khôn nguôi, hạ chiếu ngợi khen, lại phong quan cho một con là Lang.
Tiên Chủ bình định Ích Châu, lĩnh chức Mục, Dực làm Thư tá. Cuối những năm Kiến An được cử làm Hiếu Liêm, huyện trưởng Giang Dương, sau chuyển làm Phù Lăng Lệnh rồi thăng làm Tử Đồng Thái Thú lại chuyển sang Quảng Hán, Thục Quân làm Thái Thú. Năm Kiến Hưng thứ chín, làm Trù Hàng Đô đốc, Tuy Nam Trung lang tướng. Dực bản tính nghiêm trang giữ đúng pháp luật, không biết thân ái với phong tục tập quán địa phương, (để xảy ra việc) kỳ lão Lưu Trụ bội phản làm loạn. Dực cử binh phạt Trụ, chưa dẹp được thì gặp lúc bị triệu về triều. Thuộc hạ (của Dực) đều nghĩ hay là tiện dịp ngay tức khắc nhanh chóng trở về để tránh gian khổ. Dực nói: ''Không được. Ta làm Man di bạo động, không xứng giữ chức vụ nên bị triệu về. Song người kế nhiệm chưa tới, ta đang ở nơi chiến trường phải gánh vác lấy trách nhiệm, tích trữ vận trù lương thảo nghĩ cách phá giặc, sao có thể vì việc bị thu chức mà làm hỏng công vụ của quốc gia.'' Bèn cứ ở đó thống lĩnh chức vụ không hề trễ nải, người kế nhiệm đến nơi mới khởi hành. Mã Trung ngày sau nhờ vào cơ sở sẵn có (mà Dực chuẩn bị) dễ dàng tận phá được Trụ. Thừa Tướng Lượng nghe chuyện khen Dực là hay. Lượng ra đánh trận lấy Dực làm Tiền quân Đô đốc, lĩnh Phù Phong Thái Thú. Lượng chết, Dực được bái làm Tiền Lĩnh quân, lại luận công lao trong vụ phá Lưu Trụ khi trước mà được ban thêm tước Quan Nội hầu. Năm Diên Hi thứ nhất về triều làm Thượng Thư, dần dần chuyển đi giám sát quận Kiến Uy, được ban giả tiết, phong Đô Đình hầu, Chinh Tây đại tướng quân.
Năm Kiến Hưng thứ mười tám, theo Vệ tướng quân Khương Duy về Thành Đô. Duy bàn lại xuất quân, trên triều chỉ có Dực phản đối, cho rằng nước nhỏ dân mết không nên lạm dụng chiến tranh nữa. Duy không nghe, sai Dực cùng đi (đánh Ngụy), lại tiến cử Dực làm Trấn Nam Đại tướng quân. Duy đến Địch Đạo, đại phá Ung Châu Thứ Sử nước Ngụy là Vương Kinh. Quân Kinh chết ở Thao Thủy có đến hàng vạn. Dực bàn: ''Nên dừng lại không tiến nữa, tiến thêm có thể phá mất công lớn vừa rồi.'' Duy vô cùng tức giân. Nói: ''Vẽ rắn thêm chân.'' rồi lại vây Địch Đạo nhưng không phá nổi thành. Từ khi Dực có kiến giải khác, trong lòng Duy không thân thiết với Dực, nhưng luôn co kéo dẫn dắt Dực cùng hành sự. Dực cũng bất dắc dĩ mà qua lại. Năm Cảnh Diệu thứ hai, (Dực) thăng lên làm Tả Xa kị tướng quân, lĩnh Kí Châu Thứ Sử. Năm Cảnh Diệu thứ sáu, phụ giúp Khương Duy ở Kiếm Các, cùng đến hàng Chung Hội ở Phù Thành. Năm sau theo Chung Hội về đến Thành Đô, bị loạn quân giết chết.
Hoa Dương quốc chí chép: ''Con Dực là Vi, đốc chí hiếu học, quan đến Quảng Hán Thái Thú.''
Post a Comment