Header Ads

Gia Cát Cẩn Truyện


Gia Cát Cẩn tự Tử Du, người huyện Dương Đô quận Lang Nha.

Ngô thư chép: Tổ tiên là người họ Cát, vốn là người huyện Gia quận Lang Nha, sau dời đến huyện Dương Đô. Huyện Dương Đô có người họ Cát ở đấy trước rồi, người thời ấy gọi họ là Gia Cát, (1) nhân đấy đặt làm họ. Cẩn thủa trẻ đến kinh sư, đọc sách Mao thi, Thượng thư, Tả thị xuân thu. Lúc mẹ mất, để tang rất có hiếu, thờ mẹ kế cũng rất cung kính, rất có đạo của người con. Phong tục thông chép: Cát Anh làm tướng quân của Trần Thiệp, có công mà bị giết, Hiếu Văn Đế truy tặng, phong con cháu tước Hầu ở huyện Gia, nhân đó đặt tên họ ấy. Sách này không giống so với lời mà Ngô thư chép.

Cuối thời Hán tránh loạn đến Giang Đông. Gặp lúc Tôn Sách chết, anh rể của Tôn Quyền người huyện Khúc A là Hoằng Tư gặp Cẩn mà khen lạ, tiến cử cho Quyền, cùng bọn Lỗ Túc đều được đãi làm khách, sau làm Trưởng sử của Quyền, chuyển làm Trung tư mã. Năm Kiến An thứ hai mươi, Quyền sai Cẩn đi sứ đến nước Thục kết thân với Lưu Bị, gặp nhau bàn việc công với em là Lượng, lúc lui hội không gặp mặt riêng. Nói chuyện can gián Quyền chưa từng nói thẳng, ít thấy được phong thái, chỉ nói sơ qua để tỏ ý; nếu có lời chưa hợp ý thì bỏ ra mà nói riêng, thong thả mượn việc khác mà nói lại, lấy vật khác mà so sánh, do đó Quyền từ từ hiểu ra. Ngô Quận Thái thú Chu Trị là tướng được Quyền tiến cử, Quyền từng có ý trông mong vào người ấy, lại vốn đã kính trọng, nhưng người ấy lại tự nhún nhường, do dó giận dỗi không thôi. Cẩn đoán biết việc ấy nhưng không dám nói rõ, bèn mượn lấy ý riêng để tự hỏi, rồi viết thư trước mặt Quyền, bàn qua lí lẽ, dõi theo lòng ý Quyền mà cân nhắc. Viết xong, đem trình Quyền, Quyền mừng, cười rằng: "Ý ta rõ rồi. Cái đức của họ Nhan (2) khiến cho người khác cũng thấy gần gũi, là nói về việc này chăng"? Quyền lại trách mắng Hiệu úy Ân Mô, không biết định tội ra sao, bầy tôi phần nhiều khuyên can, Quyền lại càng giận, nói lí lẽ với họ, riêng Cẩn im lặng, Quyền nói: "Sao chỉ Tử Du không nói"? Cẩn rời chiếu nói: "Cẩn với bọn Ân Mô gặp buổi châu quận nghiêng lật, vật sống chết cả, bỏ phần mộ tổ tiên mà mang già trẻ đi cắt cỏ lau, theo về giáo hóa, ở giữa buổi lưu li, gặp được phúc nuôi chứa, vậy mà không tự thân gắng sức, không báo đáp được một phần nhỏ, lại còn khiến cho Mô riêng mình phụ bội ân huệ, tự hãm vào tội lỗi. Thần tạ lỗi cũng không kịp, thật là không dám nói nữa". Quyền nghe thế mà thương cảm, bèn nói: "Vì riêng ông mà tha cho hắn".


Sau đó theo đi đánh Quan Vũ, phong Nghi Thành Hầu, làm Tuy nam Tướng quân thay Lữ Mông lĩnh chức Nam Quận Thái thú, trú ở Công An. Lưu Bị sang đông đánh Ngô, Ngô Vương xin hòa, Cẩn gửi thư cho Bị rằng: "Trộm nghe cờ trống đã đến thành Bạch Đế, chỉ lo có bầy tôi bên ấy bàn nghị cho rằng Ngô Vương đánh lấy châu này, bức hại Quan Vũ, lúc ấy oán sâu họa lớn, không được hòa thân, đấy là dốc ý vào việc nhỏ mà không chú ý đến việc lớn vậy. Xin thử vì Bệ hạ mà luận việc nặng nhẹ và việc lớn nhỏ rằng: Nếu Bệ hạ nén giận giảm oai, soi xét lời Cẩn nói thì kế có thể lập xong, không cần đáp lại với bầy tôi vậy. Bệ hạ cho rằng Quan Vũ là người thân nhưng sao bằng được Tiên đế? (3) Những việc lớn nhỏ của Kinh Châu sao bằng được việc của cả nước? Nếu cùng gây oán thì ai sẽ gánh vác trước sau? Nếu xét đạo lí thì dễ như trở bàn tay vậy".

Thần là Tùng Chi cho rằng: Lưu Bị lấy miền Dung Thục làm cửa sông, miền Kinh Châu làm cột cán, Quan Vũ diễu binh ở miền Miện, Hán, chí lấn nước lớn, dẫu giúp vua dựng nghiệp bá nhưng công chưa hẳn đã thành, chỉ là diễu oai nơi xa, cướp chiếm sơ lược. Tôn Quyền ngầm mang lòng ác, giúp nhà Ngụy trừ hại, đấy là cắt bỏ quân giúp vua của tông tử, (4) hoãn kế dời đô của Tào Công, (5) phá kế cứu vớt khuôn phép nhà Hán, đến thế mới thôi. Nơi mà cờ nghĩa (6) phất đến là đến tại chỗ họ Tôn vậy. Cẩn nói nghĩa lớn để trách Bị, chỉ là trút họa cho người mà chẳng nói rõ lí lẽ; vả lại Bị, Vũ đối với nhau như tứ thể, (7) lúc đùi tay bị hại thì căm giận đã sâu, há dùng lời văn sáo rỗng mà làm chuyển ý được chăng! Chép thư này vào truyện, thật là hao phí giấy mực vậy.

Bấy giờ có người nói rằng Cẩn sai người thân đi riêng qua lại với Bị, Quyền nói: "Ta với Tử Du có lời thề sống chết không đổi, Tử Du không phụ lại ta cũng như ta không phụ lại Tử Du vậy".

Giang Biểu truyện chép: Cẩn đến tại Nam Quận, có người ngầm vu vạ cho Cẩn. Lời ấy có đồn thổi ra ngoài, Lục Tốn dâng biểu nói rõ là Cẩn không có việc ấy, nên đến làm yên lòng Cẩn; Quyền đáp thư nói: "Tử Du theo ta giúp việc nhiều năm, ân như cốt nhục, hiểu rõ về nhau, người này nếu không phải đạo thì không làm, không phải nghĩa thì không nói. Ngày trước Huyền Đức sai Khổng Minh đến đất Ngô, ta từng bảo Tử Du rằng: 'Khanh với Khổng Minh cùng cha mẹ sinh ra, vả lại em theo anh, về nghĩa cũng thuận, sao lại không giữ Khổng Minh ở lại? Nếu Khổng Minh ở lại theo khanh thì cô sẽ gửi thư gửi Huyền Đức nói là Khổng Minh tự theo ta rồi'. Tử Du đáp ra rằng: 'Em thần là Lượng đem thân theo người ta, chức phận đã định, về nghĩa chẳng có hai lòng. Em thần không ở lại cũng như thần không sang bên kia vậy'. Lời này đủ thấu ý thần minh. Nay há có việc như thế? Ta lúc đầu nhận được thư xằng bậy ấy, liền bọc lại đưa cho Tử Du xem, lại tự tay viết thư trao cho Tử Du, liền được đáp lại, bàn về khí tiết của vua tôi trong thiên hạ, đều đã định rõ. Ta với Tử Du có thể nói là có thần minh giao tiếp, người ngoài không thể xen ngăn được vậy. Biết khanh báo ý đến, ta liền đóng kín để trao cho Tử Du, khiến cho khanh biết ý ta".

Năm Hoàng Vũ thứ nhất, chuyển làm Tả tướng quân, coi việc quân ở Công An, ban Giả tiết, phong Uyển Lăng Hầu.

Ngô lục chép: Bọn Tào Chân, Hạ Hầu Thượng vây Chu Nhiên ở Giang Lăng, lại chia quân chiếm Trung Châu, sai Cẩn đem đại quân đến cứu giúp. Tính Cẩn thong thả, biết đạo lí, bày kế sách, nhưng không biết ứng biến lúc gấp vội, dùng binh lâu ngày không nghỉ, Quyền do đó mà trông ngóng. Kịp đến mùa xuân nước sông dâng, bọn Phan Chương lấy thuyền bè làm hàng rào ở trên sông, Cẩn đến đánh cầu nổi, do đó bọn Chân rút chạy. Dẫu không có công lớn nhưng lấy việc trọn quân giữ cõi làm công.

Ngu Phiên vì nói thẳng mà bị bắt đi đày, riêng Cẩn thường xin tha cho hắn. Phiên gửi thư cho người thân rằng: "Gia Cát nhân ái, theo trời giúp người, lời bàn hay đẹp của người ấy là để cứu ta vậy. Nhưng ta ác sâu tội lớn, bị ghét nặng nề, dẫu có Kì Lão (8) xin giúp, nhưng ta lại không có cái đức của Dương Thiệt, (9) khó mong được cởi trói".

Cẩn là người có vẻ mặt suy tư, người bấy giờ phục sự nhã nhặn của Cẩn. Quyền cũng coi trọng Cẩn, các việc lớn đều hỏi qua, lại đáp riêng cho Cẩn nói: "Gần đây nhận được tờ biểu của Bá Ngôn nói rằng Tào Phi đã chết, bọn dân gây hại đang chia rẽ nhưng rồi lại yên ổn. Nghe nói bên ấy đều chọn dùng người tài, nới hình phạt, ban ân đức, bớt thuế giảm dịch để làm cho dân vui lòng, bên ấy gây hại cho ta còn sâu hơn thời Tháo. Ta cho cho rằng là không phải. Vì việc mà Tháo làm, chỏ có đánh giết kẻ yếu là sai lầm, lại chia cắt cốt nhục của người ta để gây ra việc tàn khốc vậy. Còn như dùng tướng thì từ xưa ít thấy. Phi so với Tháo vạn lần cũng chẳng bằng. Ngày nay Duệ lại không bằng Phi như Phi không bằng Tháo vậy. Bên ấy chăm ban bố ân nhỏ là vì cha mình vừa chết, tự nghĩ mình suy yếu, sợ dân khổ một sớm bị vỡ lở, cho nên uốn nắn để vỗ về lòng người, muốn để tự ở yên mà thôi, há phải đang bày mưu trỗi dậy! Nghe nói bên kia dùng bọn Trần Trường Văn, Tào Tử Đan, (10) có kẻ là nhà Nho nhã nhặn, có người là bầy tôi thân thích, há biết dùng tướng khỏe hùng tài để ngăn chế thiên hạ chăng? Oai quyền chẳng rõ thì việc làm sai lầm, như Trương Nhĩ, Trần Dư ngày xưa không gì là không hòa mục nhưng việc nắm quyền lại tự đánh phá nhau, đấy là thời thế khiến nên như vậy. Lại nữa bọn Trường Văn khi xưa giữ việc thiện là vì Tháo nắm lấy đầu, sợ cái oai nghiêm của Tháo cho nên dốc lòng hết ý, không dám làm sai mà thôi. Kịp lúc Phi nối nghiệp, tuổi cũng đã lớn, nối theo cách của Tháo, ban thêm ân tình, dùng nghĩa để vỗ về. Ngày nay Duệ nhỏ dại, theo người sang đông sang tây, như bọn này tất nhân đấy mà chuyên quyền gây hại, a dua vây quanh, đều theo phe đảng. Nếu đến ngày ấy, kẻ gian nổi dậy, lại vu hãm lẫn nhau, gây ra nghi ngờ. Như thế về sau, bầy tôi tranh lợi, vua nhỏ không ngăn được, bên ấy thua vỡ há còn lâu sao? Biết được như thế là vì từ xưa đến nay, há có bốn, năm người cùng nắm quyền thế mà có kẻ không chia rẽ đấu đá lẫn nhau sao! Kẻ mạnh tất lấn kẻ yếu, kẻ yếu sẽ xin cứu, đấy là cái đạo ở thời loạn vậy. Tử Du, khanh chỉ vểnh tai mà nghe thôi, Bá Ngôn thường bày hay kế lâu dài, nhưng e đây là một kế kém mọn vậy".

Thần là Tùng Chi cho rằng: Ngụy Minh Đế là vua sáng một thời, tự mình xét việc, Tôn Quyền luận như thế là chẳng đúng, nhưng sử sách vẫn chép vào là vì rằng vua nhỏ thì nhà nước lung lay, oai quyền chẳng rõ, là thế loạn vong đúng như lời của Quyền, nên chép lời ấy vào để mà soi xét vậy. Có người cho rằng dẫu chính trị suy kém từ thời Minh Đế, nhưng việc xảy rõ ở vào thời Tề Vương, vào thời Tề Vương không phải ứng nghiệm sao! Không cần nói rõ cũng đủ để bác bỏ lời lẽ ấy rồi.

Quyền xưng tôn hiệu, bái Đại tướng quân, Tả đô hộ, lĩnh chức Dự Châu Mục. Đến lúc Lữ Nhất bị giết, Quyền bèn hạ chiếu an ủi bọn Cẩn, chép tại Tôn Quyền truyện. Cẩn liền nhân đó mà đối đáp, lời lẽ kính thuận. Con Cẩn là Khác, nổi danh thời ấy, Quyền rất coi trọng Khác nhưng Cẩn thường ngờ vực, bảo rằng Khác không phải là con giữ được cơ nghiệp, thường vì thế mà lo lắng.

Ngô thư chép: Trước đây, Cẩn làm Đại tướng quân, còn em là Lượng làm Thừa tướng của nước Thục, hai con là Khác, Dung đều nắm giữ quân mã, thống lĩnh tướng súy, em họ là Đản lại nổi danh ở nước Ngụy, một nhà mà tiếng trùm cả ba nước, thiên hạ cho là vinh hiển. Cẩn dẫu tài năng không bằng em nhưng đức hạnh rõ hơn, vợ chết mà không lấy người khác, có thiếp yêu sinh con nhưng không tiến cử, Cẩn thận trọng đều như thế.

Năm Xích Ô thứ tư thì chết, bấy giờ sáu mươi tám tuổi, truyền lệnh dùng quan sơ sài dùng áo thường mà liệm, các đồ phải tiết kiệm. Khác đã được phong Hầu, cho nên em là Dung nối tước, lĩnh quân sĩ trú ở Công An,

Ngô thư chép: Dung tự Thúc Trưởng, sinh vào lúc được quý sủng, thủa trẻ ham vui, học làm câu thơ, học rộng nhưng không giỏi, tính rộng rãi, có nhiều tài nghệ, nhiều lần đội khăn vải lên chầu gặp, sau được bái làm Kị đô úy. Giữa năm Xích Ô, sai các quận phát bộ ngũ, Tân Đô Đô úy Trần Biểu, Ngô Quận Đô úy Cố Thặng đều lĩnh quân bản bộ tụ hội làm ruộng ở Bì Lăng, trai gái đều có mấy vạn người. Biểu bệnh chết, Quyền lấy Dung thay Biểu, sau lại thay cha là Cẩn lĩnh việc.

quan quân bộ khúc đều nương dựa. Ngoài cõi không có việc, mùa thu mùa đông thì săn bắt giảng võ, mùa xuân mùa hạ thì mở hội gặp khách, cho quan quân nghỉ ngơi, có kẻ ở chỗ không xa nghìn dặm cũng đến gặp. Hễ hội tụ liền đến hỏi thăm tân khách, đều nói tài năng của mình, lại bày sàng trải chiếu, thi sức đối vật tay, có khi đánh cờ, có lúc đổ xúc xắc, ném mũi tên vào bầu, chia ra mà chơi, do đó quả ngọt cấp không ngừng, thong thả uống rượu ngon, Dung đi khắp ngắm xem, suốt ngày không chán. Cha anh Dung vốn chất phác, dẫu tại quân ngũ nhưng thân không đeo trang sức; còn Dung lại mặc gấm lụa vải thêu, riêng mình xa xỉ. Tôn Quyền hoăng, chuyển làm Phấn uy tướng quân. Sau đó Khác đánh miền Hoài Nam, ban Giả tiết cho Dung, sai dẫn quân vào vùng sông Miện để đánh quân phương tây. Khác đã bị giết, sai Vô Nạn Đốc là Thi Khoan đến chỗ bọn Tướng quân Thi Tích, Tôn Nhất, Toàn Hi bắt Dung. Dung chợt nghe tin quân sĩ đến, sợ hãi do dự, không quyết kế được, quân đến vây thành, uống thuốc độc mà chết, ba người con đều bị giết.

Giang Biểu truyện chép: Trước đây, ở Công An có con linh đà (11) kêu, trẻ con hát rằng: "Con đà trắng kêu vang, lưng rùa bằng phẳng, trong thành Nam Quận có thể sống lâu, nếu cố ý bỏ nghĩa thì chẳng thành". Kịp lúc Khác bị giết, Dung quả đúng cạo ấn hình con rùa bằng vàng rồi uống thuốc độc mà chết.

Chú thích:
(1) Gia Cát: Gia Cát (诸葛) nghĩa là họ Cát (葛氏) ở huyện Gia (诸县).
(2) Họ Nhan: chỉ Nhan Uyên, học trò của Khổng Tử.
(3) Tiên đế: chỉ Hán Hiến Đế.
(4)Tôn Quyền ngầm mang lòng ác, giúp nhà Ngụy trừ hại, đấy là cắt bỏ quân giúp vua của tông tử: tông tử (宗) là họ hàng của nhà vua, ở đây là Lưu Bị. Câu này có ý nói Tôn Quyền đánh diệt Quan Vũ như cắt bỏ quân giúp vua Hán của Lưu Bị.
(5) Hoãn kế dời đô của Tào Công: ý nói Quan Vũ đánh miền Miện, Hán, oai lừng Hoa Hạ khiến cho Tháo sợ hãi, muốn dời khỏi Hứa Đô về miền Hà Bắc. Tôn Quyền cho đây là kém, sợ Tháo dời đô thì Kinh Châu thêm vững, khó mà lấy được, do đó phản Thục theo Ngụy mà đánh Quan Vũ để Tào Công yên lòng không dời đô nữa.
(6) Cờ nghĩa: chỉ Lưu Bị lấy danh tiếng nhà Hán mà phất cờ nghĩa đến đánh trả thù cho Quan Vũ, như thế là đúng nghĩa.
(7) Tứ thể: chỉ hay tay và hai chân.
(8) Kì Lão: chỉ Kì Hề (祁奚), là họ hàng của vua nước Tấn thời Xuân thu. Làm quan qua bốn đời vua của nước Tấn. Tấn Trác Công hỏi ai nên thay chức Trung quân úy, có người tên Giải Hồ là kẻ thù đã giết cha của Kì Hề, không vì thù riêng, bèn tiến cử cho Trác Công, hỏi vì sao, Kì Hề nói: "Vua đã hỏi, thì không hỏi kẻ thù của thần vậy".
(9) Dương Thiệt: chỉ Dương Thiệt Hật (羊舌肹), tự Thúc Hướng, là đại thần của nước Tấn thời Xuân thu, làm quan qua các đời vua Trác Công, Bình Công của nước Tấn, có tài năng, tính thẳn thắn được khen.
(10) Trần Trường Văn, Tào Tử Đan: chỉ Trần Quần tự Trường Văn và Tào Chân tự Tử Đan, đều là đại thần của nhà Ngụy.
(11) Linh đà: linh đà (灵鼍) là một loài đà (鼍) giống cá sấu, da có thể làm bịt trống.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.