Chu Nhiên Truyện
Chu Nhiên tự Nghĩa Phong, là con trai người chị gái của Trị, vốn gốc họ Thi. Khi trước Trị chưa có con trai, năm Nhiên được mười ba tuổi, Trị bèn bẩm với Tôn Sách xin lấy Nhiên làm con nối dõi. Sách lệnh cho Quận thú quận Đan Dương đem dương tửu tới triệu Nhiên, Nhiên đến Ngô quận, Sách đưa hậu lễ chúc mừng.
Nhiên từng cùng với Quyền học chung sách, kết tình thân ái. Đến lúc Quyền thống quản công việc, lấy Nhiên làm Trưởng huyện Dư Diêu, bấy giờ Nhiên mười chín tuổi. Sau lại đổi Nhiên làm Sơn Âm lệnh, gia thêm chức Chiết xung Hiệu úy, thống đốc năm huyện. Quyền lấy làm lạ về tài năng của Nhiên, bèn tách quận Đan Dương lập quận Lâm Xuyên, lấy Nhiên làm Thái thú, trao cho giữ hai nghìn binh.
Thần Tùng Chi xét: Đấy là quận Tầm Bãi, không phải là quận Lâm Xuyên hiện nay(1).
Gặp lúc sơn tặc đồng loạt nổi dậy, Nhiên bình định đánh dẹp, trong khoảng tuần trăng thì yên định được cả. Tào công tiến ra Nhu Tu, Nhiên đóng trại ở Đại Ổ và Tam Quan phòng bị, được bái làm Thiên tướng quân.
Năm Kiến An thứ hai mươi bốn, theo đi đánh Quan Vũ, được biệt phái cùng với Phan Chương đến Lâm Tự bắt sống Vũ, Nhiên được thăng làm Chiêu Vũ tướng quân, phong tước Tây An hương hầu.
Hổ uy tướng quân Lã Mông bị bệnh nặng, Quyền hỏi rằng: “Khanh nếu như chẳng đứng dậy nổi, ai có thể thay được?” Mông thưa rằng: “Chu Nhiên cam đảm tiết nghĩa có thừa, ngu ý cho rằng có thể đảm nhiệm được.” Mông chết, Quyền cho Nhiên tạm được cầm phù tiết, trấn thủ Giang Lăng. Năm Hoàng Long nguyên niên, Lưu Bị cất binh tấn công Nghi Đô, Nhiên đốc suất năm nghìn quân cùng Lục Tốn hợp sức chống cự Bị. Nhiên được biệt phái đánh phá quân tiên phong của Bị, cắt đứt đường lui của Bị, Bị sau bị đánh tan bỏ chạy. Nhiên được bái làm Chinh bắc tướng quân, phong tước Vĩnh An hầu.
Nước Ngụy phái bọn Tào Chân, Hạ Hầu Thượng, Trương Cáp tấn công Giang Lăng, Ngụy Văn đế tự đóng giữ Uyển thành, làm hình thế viện trợ, đóng trại liền nhau vây thành. Quyền phái Tướng quân Tôn Thịnh đốc suất một vạn người phòng bị ở Châu Thượng, xây dựng Vi Ổ, làm thế cứu viện ở vòng ngoài cho Nhiên. Trương Cáp đưa binh qua sông tấn công Thịnh, Thịnh không thể kháng cự, tức thì lui binh về, Cáp chiếm cứ Châu Thượng bao vây quân phòng bị, Nhiên trong ngoài bị cắt đứt. Quyền phái bọn Phan Chương, Dương Sán tới giải vây nhưng không được. Bấy giờ binh sĩ của Nhiên ở trong thành đa phần bị bệnh phù thũng, quân có khả năng chiến đấu chỉ chừng năm nghìn người. Bọn Chân đắp núi đất, đào địa đạo, lập lầu gỗ, ở trên cao bắn tên như rót vào thành, tướng sĩ đều thất sắc, Nhiên lặng yên không có ý sợ hãi, khích lệ sĩ tốt, dò xét lúc chúng sơ hở tấn công phá hai trại địch. Ngụy quân vây đánh Nhiên cả thảy là sáu tháng ròng, không lui. Giang Lăng lệnh là Diêu Thái lĩnh binh phòng thủ ở cửa bắc thành, thấy bên ngoài binh đông, trong thành thì ít người, lương thực sắp hết, nhân đó cùng với địch thông đồng, toan mưu làm nội ứng. Lúc sắp phát động, việc bị phát giác, Nhiên trừng trị phanh thây Thái. Bọn Thượng không đánh được, bèn triệt quân tấn công lui về. Bởi thế Nhiên danh chấn địch quốc, được đổi phong làm Đương Dương hầu.
Năm thứ sáu, Quyền tự mình thống suất binh sĩ tấn công Thạch Dương, đến lúc binh sư quay về, Phan Chương đi đoạn hậu. Ban đêm quân sinh thác loạn, địch đuổi theo đánh Chương, Chương không thể ngăn cản. Nhiên lập tức quay lại cự địch, lệnh cho thuyền quân ở phía trước lui về thật xa, rồi Nhiên thong thả tiến phát sau. Năm Hoàng Long(2) nguyên niên, Nhiên được bái làm Xa kỵ tướng quân, Hữu hộ quân, lĩnh chức Duyện châu mục. Ít lâu sau, vì Duyện châu là địa phận của nước Thục, nên bãi chức Mục ấy.
Năm Gia Hòa thứ ba, Quyền giúp Thục hẹn cùng cất đại quân đánh Nguỵ, Quyền tự sang hướng Tân Thành, Nhiên cùng Toàn Tông đều được nhận Phủ việt(3), làm tả hữu đốc. Gặp lúc quân sĩ bị bệnh tật, cho nên chưa đánh mà lui về.
Năm Xích Ô thứ năm, Nhiên đi đánh Tô Trung, tướng nước Ngụy là Bồ Trung, Hồ Chất, mỗi tướng có mấy nghìn người, Trung chặn giữ chỗ hiểm yếu, toan cắt đứt đường phía sau của Nhiên, Chất đi sau làm cứu viện cho Trung.
Tương Dương ký chép: Chữ Tô này phát âm như chữ Tô trong từ ‘tô thuế’. Tô Trung nằm ở địa giới Thượng Hoàng, cách thành Tương Dương một trăm năm mươi dặm. Thời Ngụy Di Vương là Mai Phu có ba người anh em, bộ khúc tụ tập ở chỗ ấy có hơn vạn nhà, phân bố tại Trung Lư ở phía tây Nghi Thành vùng Sơn Yên và trong hai thung lũng ven sông Miện, đất đai bằng phẳng rộng rãi, có nhiều cây tang ma(4), giao thông thủy bộ dễ dàng, phía nam sông Miện đất đai mầu mỡ, mơi ấy gọi là Tô Trung.
Bấy giờ Nhiên đốc suất binh tướng tiến ra bốn phía, nghe được tin địch chưa kịp tập hợp, Nhiên liền dẫn tám trăm thủ hạ dưới trướng ngầm đón đánh. Trung giao chiến bất lợi, bọn Chất đều lui về.
Dị đồng bình của Tôn Thịnh chép: Ngụy chí (Ngụy thư) cùng Giang Biểu truyện nói rằng Nhiên vào năm Cảnh Sơ nguyên niên, năm Chính Thủy nhị niên mấy lần tiến ra cửa khẩu, phá Hồ Chất, Bồ Trung vào năm Cảnh Sơ nguyên niên. Ngụy chí nối theo Ngụy thư, không đưa lời khẳng định là bọn Chất bị Nhiên đánh tan ở đó, mà nói thẳng là Nhiên lui quân về vậy. Ngô chí nói là năm Xích Ô thứ năm, ở nước Ngụy là năm Chính Thuỷ thứ ba, tướng nước Ngụy là Bồ Trung cùng với Chu Nhiên giao chiến, Trung gặp bất lợi, bọn Chất đều lui. Xét Ngụy Thiếu Đế kỷ cùng Tôn Quyền truyện(5), thì năm ấy là vô sự, đích thị là Trần Thọ nhầm lẫn năm Gia Hòa thứ sáu nhà Ngô là năm Xích Ô thứ năm vậy.
Năm thứ chín, lại đi đánh Tô Trung, tướng nước Ngụy là bọn Lý Hưng nghe tin Nhiên xâm nhập, đốc suất sáu nghìn quân bộ kỵ cắt đứt đường phía sau của Nhiên, Nhiên trong đêm xuất binh đón đánh Hưng, sau khi thắng trận liền kéo về. Trước đấy, Mã Mậu ở Quy Nghĩa mang lòng gian, việc phát giác bị giết, Quyền rất căm phẫn Mậu. Nhiên lúc sắp hành quân dâng sớ rằng: “Tên tiểu tử Mã Mậu, dám phụ cái ơn dưỡng dục. Thần nay phụng thiên uy, hi vọng có thể đưa tin thắng trận, bắt sông được giặc, uy danh vang dội soi sáng xa gần, thuyền bè đã xếp hàng ngay ngắn phủ kín Trường Giang, đáng để ngắm xem, làm tiêu tan nỗi căm phẫn với kẻ dưới của hoàng thượng. Hi vọng Bệ hạ nhớ lời nói trước của thần, trách mắng thần để sau này thần nỗ lực đến cùng.” Quyền bấy giờ cất tờ biểu đi không đưa ra. Nhiên thắng trận trở về, quần thần dâng biểu chúc mừng, Quyền bèn nâng chén rượu cho tấu nhạc, rồi đưa tờ biểu của Nhiên ra nói:
“Nhiên trước khi đi sớm dâng biểu, Cô cho là việc khó mà xong, nay quả như lời của Nhiên, có thể nói là sáng suốt ở chỗ biết việc vậy.” Rồi phái sứ giả bái Nhiên làm Tả tư mã, Hữu quân sư.
Nhiên mình cao chẳng đầy bảy thước, nóng lạnh phân minh rõ ràng, bên trong sửa mình trong sạch, những thứ tốt đẹp của mình, chỉ dùng vào việc trang bị trong quân, bản thân dùng toàn đồ mộc mạc. Suốt ngày kính cẩn chăm chỉ, thường ở chiến trường, nguy cấp ở gần kề thì bình tĩnh xếp đặt, kỳ tuyệt hơn đứt người thường, dẫu việc đời vô sự, thường sớm tối đánh trống nghiêm cẩn, binh lính ở doanh trại, đều xếp hành trang gọn gàng, vì thế có thể đùa bỡn với địch, khiến chúng không biết đâu mà phòng bị, cho nên xuất binh luôn lập được công lao. Con của Gia Cát Cẩn là Dung, con của Bộ Chất là Hiệp, dù đều nối việc của cha, Quyền đặc biệt cho Nhiên cầm đầu làm Đại đốc. Lại nữa là sau khi Lục Tốn chết, công thần danh tướng còn lại duy có Nhiên, sự đãi ngộ tuyệt chẳng ai so sánh được. Nhiên nằm bệnh hai năm, sau càng nặng dần, Quyền ban ngày giảm bớt cỗ bàn, ban đêm ngủ không say giấc, đích thân phái người đưa thuốc men và đồ ăn cho Nhiên, và đứng trông theo ở trên đường. Nhiên mỗi lần phái sứ giả dâng biểu rằng bệnh tật đã tiêu tan, Quyền lập tức cho triệu kiến, miệng hỏi han bệnh tật, khi đến thì ban cho đồ ăn thức uống, lúc ra về thì đưa tặng vải lụa. Từ khi các công thần sáng nghiệp ốm bệnh, tất cả như ý Quyền, thì Lã Mông, Lăng Thống là rất nặng, thứ nữa là đến Nhiên. Nhiên được sáu mươi tám tuổi, là năm Xích Ô thứ mười thì chết, Quyền mặc áo trắng cử ai, rất bi thống. Con của Nhiên là Tích nối tự.
Tích tự Công Tự, nhờ cha được đảm nhiệm chức Lang, sau được bái làm Kiến Trung đô uý. Người chú là Tài chết, Tích được lĩnh binh của Tài, theo Thái thường Phan Tuấn đi đánh dẹp ở Ngũ Khê, vì can đảm và có sức khoẻ được khen ngợi. Rồi thăng làm Thiên tướng quân Doanh hạ đốc, coi việc đánh đạo tặc, giữ phép tắc không hề nghiêng ngả. Lỗ Vương Bá để ý và giao du với Tích, từng đến dinh sở của Tích, khi đến nơi ngồi chơi, muốn cùng giao kết, Tích ngồi xuống đất không dậy, khước từ không nhận. Nhiên chết, Tích nối nghiệp, được bái làm Bình Nguỵ tướng quân, Lạc Hương đốc. Năm sau, Chinh nam tướng quân nước Nguỵ là Vương Sưởng đốc xuất quân lính tấn công thành Giang Lăng, không thắng phải lui về. Tích gửi thư cho Phấn uy tướng quân Gia Cát Dung nói: "Sưởng từ xa đến đây mỏi mệt khốn khó, ngựa không có lương ăn, lực khuất phải bỏ chạy, đó trời giúp ta vậy. Nay ta đuổi theo thì binh lực ít, túc hạ nên dẫn binh theo giúp ta, ta sẽ phá chúng ở phía trước, túc hạ ngồi xe ở phía sau, há đâu là cái công của một người, chúng ta nên cùng vì nghĩa chặt vàng." Dung đáp thư hứa theo Tích. Tích liền dẫn binh đuổi kịp Sưởng ở Kỷ Nam, Kỷ Nam ở cách thành trì ba mươi dặm, Tích ban đầu chiến thắng, nhưng Dung không tiến binh, Tích về sau mất lợi thế. Quyền rất khen ngợi Tích, nổi giận trách Dung, anh của Dung là Đại tướng quân Gia Cát Khác được quý trọng, cho nên Dung không bị phế truất. Khi trước Tích cùng với Dung và Khác đã bất bình, lúc xảy ra việc này, nên hiềm khích càng nặng.
Năm Kiến Hưng nguyên niên, Tích được thăng làm Trấn đông tướng quân. Năm thứ hai mùa xuân, Khác ra hướng Tân Thành, yêu cầu Tích hợp sức, nhưng lưu lại ở Bán Châu, sai Dung kiêm quản việc ấy. Mùa đông, Khác và Dung bị hại, Tích lại quay về Lạc Hương, được ban Giả tiết.
Năm Thái Bình thứ hai, Tích được bái làm Phiêu kỵ tướng quân. Tôn Lâm nắm quyền chính, đại thần nghi ngờ, Tích sợ rằng nước Ngô tất nhiễu loạn, rồi Trung Quốc thừa cơ gây hấn, bèn bí mật gửi thư giao kết với nước Thục, để cả hai bên cùng lo toan. Thục phái Hữu tướng quân Diêm Vũ đưa năm nghìn quân, tăng cường giữ thành Bạch Đế, để đợi hiệu lệnh của Tích. Năm Vĩnh An sơ, Tích được thăng làm Thượng đại tướng quân, Đô hộ đốc, từ Ba Khâu lên đến Tây Lăng. Năm Nguyên Hưng nguyên niên, triều đình cho người tới bái làm Tả đại tư mã.
Khi trước, Nhiên vì chịu tang Trị xong, xin khôi phục lại họ gốc, Quyền không đồng ý, Tích đem năm con chim phượng về dâng biểu và xin trả lại họ Thi, năm Kiến Hành thứ hai thì chết.
Chú thích:
1.Hai chữ ‘hiện nay’ ở đây tức là thời điểm mà Bùi Tùng Chi bổ chú cuốn Tam Quốc chí của Trần Thọ.
2. Chỗ này hẳn sách chép lầm hoặc Trần Thọ ghi lầm, chiếu theo đúng sự kiện thì phải là năm Hoàng Vũ thứ nhất, chứ không phải Hoàng Long.
3. Cái búa lớn tượng trưng cho uy quyền của vua.
4.Là một loại cây giống cây dâu nhưng có gai.
5.Nguyên ủy tên ban đầu của quyển 47, Ngô chủ truyện là Tôn Quyền truyện, người sau chép sách mới đổi tên đi vậy.
Post a Comment