Chu Phường Truyện
Chu Phường tự Tử Ngư, người huyện Dương Tiện quận Ngô. Thủa trẻ ham học, cử Hiếu liêm, làm Ninh Quốc Trưởng, dời đến huyện Hoài An. Đại súy (1) ở huyện Tiền Đường là bọn Bành Thức tụ tập làm cướp, lấy Phường làm Tiền Đường Hầu tướng, trong vòng một tháng, chém đầu Thức và phe đảng của hắn, chuyển làm Đan Dương Tây bộ Đô úy. Giữa năm Hoàng Vũ, đại súy ở quận Bà Dương là Bành Ỷ làm loạn, đánh diệt thành ấp, lại lấy Phường làm Bà Dương Thái thú, cùng Hồ Tống gắng sức đánh dẹp, bèn bắt sống Ỷ, chở về Vũ Xương, bái thêm chức Chiêu nghĩa Hiệu úy. Hạ lệnh ngầm tìm các cừ súy họ hàng trong núi được quân bắc nghe biết, sai dụ dỗ Đại tư mã Dương Châu Mục của nhà Ngụy là Tào Hưu. Phường đáp e rằng cừ súy của dân ấy xấu xa không đáng tin dùng, nếu việc tiết lộ thì không dụ được Hưu, xin sai người thân cận mang thư kể bảy điều để dụ Hưu. (2)
Báo thư sai làm. Hưu quả nhiên tin Phường, lĩnh mười vạn quân kị bộ, đồ xe nặng đầy đường, đến thẳng huyện Hoản. Phường cũng hợp quân, theo Lục Tốn chặn đánh Hưu, quân của Hưu vỡ lở tan rã, bị bắt chém đến vạn người.
Lúc trước, vào lúc Phường lập kế, có quan lại vâng chiếu đến xét hỏi các việc, Phường bèn đến dưới cửa bộ quận, nhân đó cắt tóc xuống để tạ, do đó Hưu nghe tin, không còn nghi ngờ. Việc xong rút quân, Quyền mở hội các tướng vui vẻ dự yến, rót rượu, bảo Phường rằng: "Ông cắt tóc làm tin, lập thành việc lớn của ta, công danh của ông, đáng ghi vào tre lụa". Bái thêm chức Tì tướng quân, ban tước Quan nội hầu.
Từ Chúng bình rằng: "Tôi thần lập công giữ tiết, dẫu không phải một đường, nhưng đều có chức phận vậy. Làm tướng cầm can qua thì phải có nghĩa liều chết, giữ chí thì có cái nghĩa làm theo chức vụ, dẫu chết cũng phải đúng việc, nghĩa chẳng vụng về. Phường làm Quận thú, chức tại trị dân, vậy mà không được vua sai mà tự ý dụ địch, cắt xén râu tóc để mong lập công danh. Dẫu việc thành được ban tước nhưng không được quân tử khen hay".
Tướng giặc là Đổng Tự cậy vào chỗ hiểm mà cướp bóc, các quận Dự Chương, Lâm Xuyên đều bị hắn gây hại.
Thần là Tùng Chi xét: Vào năm Thái Bình thứ hai thời Tôn Lượng mới lập quận Lâm Xuyên, bấy giờ chưa có quận Lâm Xuyên.
Ngô Xán, Đường Tư từng đem ba nghìn quân đánh dẹp, nhiều tháng không thắng được. Phường dâng biểu xin rút quân, nên tùy lúc vừa hợp mà làm việc. Phường sai người đi dò xét, trao cho kế sách, dụ kẻ gian giết Tự. Em của Tự sợ hãi, đến Vũ Xương theo hàng Lục Tốn, xin ra ở tại đất bằng, tự đổi làm việc thiện, do đó mấy quận không còn nỗi lo.
Phường ở tại quận mười ba năm thì chết. Thưởng thiện phạt ác, ban bố ân uy. Con là Xứ, cũng có tài năng văn võ, giữa năm Thiên Kỉ làm Đông Quán Lệnh, Vô Nạn Đốc.
Tấn thư của Ngu Dự chép: Xứ vào nhà Tấn, làm Ngự sử Trung thặng, nhiều lần xét hỏi, không kiêng dè quan lớn. Tề Vạn Niên (3) phản, lấy Xứ làm Kiến uy Tướng quân, đánh phía tây, quân ít không địch được, Xứ khảng khái xông trận, gắng sức không lùi, bèn chết ở trong trận, truy tặng chức Bình tây Tướng quân. Con Xứ là Dương, Trát, đều có tài võ, buổi đầu trung hưng, (4) đều được tin dùng, các con em đều nắm chức cao, làm hào tộc ở Dương Châu, nhưng Trát hung hăng phóng túng, bị trăm họ ghét. Giữa năm Thái Ninh, Vương Đôn (5) giết Trát, diệt cả họ.
Bình rằng: Người Sơn Việt hay làm loạn, dễ động khó yên, cho nên Tôn Quyền không vội đánh nước ngoài, phải nhún nhường nhà Ngụy. Các tôi thần kia đều dẹp nạn trong nước, đúng là người vỗ yên đất nước vậy. Lữ Đại trong sạch làm việc công; Chu Phương nhiều kế gian lạ; Chung Li Mục học theo phép tắc của người cao thượng; Toàn Tông có tài giúp đời, đều được quý trọng ở thời ấy, nhưng không biết xét dạy con em, bị hủy hoại danh tiếng vậy.
Chú thích:
(1) Đại súy: đại súy (大帅) hay còn gọi là cừ súy (渠帅) , nghĩa là thủ lĩnh lớn, thường chỉ thủ lĩnh của người rợ miền núi. Bấy giờ chỉ thủ lĩnh của người Sơn Việt.
(2) Phường đáp e rằng cừ súy của dân ấy xấu xa không đáng tin dùng, nếu việc tiết lộ thì không dụ được Hưu, xin sai người thân cận mang thư kể bảy điều để dụ Hưu: sau đoạn văn này có chép thư kể bảy điều gửi cho Tào Hưu và bức thư kín gửi về cho Tôn Quyền nhưng người dịch tạm bỏ qua không dịch.
(3) Tề Vạn Niên: Tề Vạn Niên (齐万年) là thủ lĩnh của người Đê ở Ung Châu thời Tây Tấn.
(4) Buổi đầu trung hưng: chỉ thời loạn tám vị Vương, nhà Tấn bị người rợ Hung Nô vào xâm lấn, nhà Tấn phải dời về miền Giang Nam lập nên nhà Đông Tấn.
(5) Vương Đôn: Vương Đôn (王敦), người quận Lang Nha, hành trạng chép trong Tấn thư - Vương Đôn truyện.
Post a Comment