Chung Ly Mục Truyện
Chung Ly Mục tự Tử Cán, người huyện Sơn Âm quận Cối Kê, là cháu đời thứ bảy của Lỗ Tướng là Ý (1) thời nhà Hán vậy.
Cối Kê điển lục chép: Cha Mục là Tự, làm Lâu thuyền Đô úy, anh là Nhân, làm Thượng kế lại, lúc trẻ cùng nổi tiếng với người cùng quận là Tạ Tán, người quận Ngô là Cố Đàm. Thủa trẻ nhỏ Mục gọi là Trì Nột, Nhân thường bảo mọi người rằng: "Mục tất hơn ta, không nên coi thường". Người thời ấy đều cho là không đúng.
Thủa trẻ đến ở huyện Vĩnh Hưng, tự thân khẩn ruộng, trồng lúa hơn hai mươi mẫu. Lúc chín, có người dân trong huyện biết được điều ấy, Mục nói: "Vốn là ruộng hoang, cho nên mở mang thôi". Rồi đem lúa cho người trong huyện. Huyện trưởng nghe tin, gọi người dân ấy đến bắt vào ngục, muốn dùng hình phạt, Mục xin tha cho người đó, huyện trưởng nói: "Ông học theo Thặng Cung, tự làm việc nghĩa,
Tục Hán thư chép: Cung tự Thiếu Tử, người quận Lang Nha, từng trồng trọt lúa tắc ở trong núi Mông Âm, lúc chín, mọi người đến biết được. Cung liền trao cho mọi người rồi bỏ đi, đó đó mà nổi danh, làm đến Tả trung lang tướng, Thị trung.
Ta là kẻ chăn dân, (2) phải dùng pháp trị kẻ dưới, sao có thể bỏ phép công mà theo ý ông được"? Mục nói: "Chỗ ấy là ranh giới của quận, mong ngài chú ý, nên tạm đến đấy xem qua. Nay nếu vì một ít lúa mà giết người dân của huyện ấy, làm sao yên lòng"? Rồi trả đồ dùng, quay về huyện Sơn Âm, huyện trưởng tự đến can ngăn, lại cởi trói cho người dân ấy. Người dân ấy hổ thẹn, đem sáu mươi hộc gạo mà vợ con mình đã giã mà trả cho Mục, Mục đóng cửa không nhận. Người dân ấy chở đến để ở bên đường, chẳng ai dám lấy. Do đó Mục nổi tiếng.
Từ Chúng (3) bình rằng: "Mục làm theo phép tắc cao thượng. Có người hỏi rằng: 'Như điều mà Mục làm, bị người ta xâm phạm mà chẳng vướng bận, lại tha mà giúp người ta, mình đúng mà chẳng thu lấy lúa, lại nữa người ta trả lúa về mà chẳng nhận, đấy chẳng phải gọi là nhân nhượng hay sao'? Đáp rằng: 'Lạ thay điều mà mà ta nghe biết! Nguyên Hiến (4) đến hỏi với Khổng Tử rằng: 'Người không làm điều gọi là ưa thắng, kiêu căng, oán giận, tham muốn, có thể coi là người có lòng nhân không'? Khổng Tử nói: 'Làm được như thế thì khó lắm, lòng nhân thì ta không thấy vậy. Ghét người không có lòng nhân, cốt ở tự mình làm điều nhân mà thôi'. Nay người dân kia không làm được bốn điều kia, lại cho rằng là lúa của mình, thế là rất không có lòng nhân vậy. Vậy mà Mục trao lúa cho người ấy, lại cứu tội của người ấy, thế là nhún nhường chẳng đúng chỗ, cứu chẳng đúng người, đấy không phải là ghét người không có lòng nhân vậy. Nếu không ghét người không có lòng nhân thì làm sao mà làm điều nhân đây! Thương Ngô Kiêu (5) cưới vợ xinh đẹp, nhường cho anh mình; Vĩ Sinh (6) giữ tín, nước dâng tràn nhưng không chạy mà chết; Trực Cung (7) thẳng thắn, tố cha trộm dê, Thân Minh (8) vâng lệnh, dốc hết lòng trung với vua mà bắt cha mình. Trung, tín , thẳng thắn, nhún nhường là bốn đức hạnh, là điều mà bậc thánh hiền quý trọng vậy. Nhưng không quý trọng cái nhún nhường của Thương Ngô Kiêu, vì đấy không phải là cái đạo nhún nhường vậy; không chọn cái tín của Vĩ Sinh, vì không phải là đạo tín vậy; không theo cái thẳn thắn của Trực Cung, vì không phải là cái gốc của đức thẳng thắn vậy; không khen lòng trung của Thân Minh, vì đấy không phải là lòng trung thật vậy. Nay Mục bị xâm phạm mà chẳng vướng bận, người ta trả về mà chẳng lấy, có thể cho là nạn vậy, chưa thể là nhân nhượng vậy. Thánh nhân lấy đức báo đức, lấy thẳng thắn báo oán, mà Mục muốn lấy đức báo oán, là sai vậy. Nếu bất đắc dĩ phải chọn ai trong hai người thì ta theo Khổng Tử".
Năm Xích Ô thứ năm, từ chức Lang trung được bái làm Phụ nghĩa Đô úy giúp Thái tử, chuyển làm Nam Hải Thái thú.
Cối Kê điển lục chép: Tướng giặc ở huyện Cao Lương là bọn Nhưng Nỗ cướp phá trăm họ, tàn hại quan dân, Mục qua quận đánh dẹp, trong một tuần đều hàng phục. Lại có tướng giặc ở huyện Yết Dương là bọn Tăng Hội có mấy nghìn người, trải hơn mười năm, triều đình phong tước Hầu tặng nghìn tấm gấm lụa, gửi thư chiêu dụ, nhưng chống lại không theo. Mục sai người vỗ về, bèn đều cúi đầu, tự đổi làm dân lành. Thủy Hưng Thái thú Dương Đạo gửi thư cho Thái thường Đằng Dận rằng: "Chung Li Tử Cán là người quen biết của ta ngày xưa, nay được gặp hắn ở quận Nam Hải, ân uy trùm quân sĩ, trí dũng nổi rõ, lại có tiết tháo trong sạch, có phong thái của người xưa". Người này được quý trọng như thế. Ở tại quận được bốn năm, vì bệnh mà bỏ chức.
Chuyển làm Thặng tướng Trưởng sử, lại chuyển làm Tư trực, rồi chuyển làm Trung thư lệnh. Gặp lúc người miền núi ở ba quận Kiến An, Bà Dương, Tân Đô làm loạn, cho Mục ra làm Giám quân sứ giả, đánh dẹp chúng. Tướng giặc là bọn Hoàng Loạn, Thường Cụ đưa quân bản bộ ra hàng, đem vào quân ngũ. Phong làm Tần Đình Hầu, bái Việt kị Đô úy.
Năm Vĩnh An thứ sáu, nước Thục bị nhà Ngụy chiếm, người rợ ở vùng Ngũ Khê liền kề với nước Thục, bấy giờ bàn luận sợ rằng họ phản loạn, bèn lấy Mục làm Bình Ngụy Tướng quân, lĩnh chức Vũ Lăng Thái thú, đến tại quận. Nhà Ngụy sai quan Trưởng của huyện Hán Tiết là Quách Thuần đến thử giữ chức Vũ Lăng Thái thú, đem dân ở huyện Phù Lăng vào huyện Thiên Lăng của đất Thục, đóng đồn ở Xích Sa, chiêu dụ tù trưởng của người rợ, có kẻ nổi dậy theo Thuần, lại đến đánh huyện Dậu Dương, người trong quận sợ hãi. Mục hỏi quan lại ở triều đình rằng: "Tây Thục nghiêng lật, biên giới bị lấn, nên làm gì để chống lại"? Đều đáp nói: "Nay hai huyện có núi hiểm, người rợ lại đem quân ngăn chặn, không nên đem quân đến làm kinh động, nếu kinh động thì người rợ tất liên kết với nhau. Nên để dần dần yên lặng, rồi sai quan lại đến dùng ân tín mà vỗ về". Mục nói: "Không được. Bờ cõi bị vào lấn, dụ dỗ người dân, nên nhân lúc gốc rễ của địch chưa cắm sâu mà đến nhổ đi, đấy là việc dập lửa cốt ở nhanh gấp vậy". Bèn hạ lệnh quan quân ở ngoài nghiêm ngặt, bọn quan lại bàn luận chống lại lời của Mục đều phải theo phép quân. Phủ Di Tướng quân Cao Thượng khuyên Mục rằng: "Ngày xưa Phan Thái thường (9) lĩnh được năm vạn quân rồi mới đến đánh người rợ ở Ngũ Khê vậy. Bấy giờ liên hòa với họ Lưu, (10)người rợ theo giáo hóa, nhưng ngày nay không có cái giúp của các việc ngày xưa ấy, vả lại Quách Thuần đã chiếm Thiên Lăng, vậy mà phủ quân đem ba nghìn quân vào sâu, Thượng này chưa thấy được lợi vậy". Mục nói: "Việc làm khác thường, cần gì theo phép xưa"? Liền đem quân bản bộ ngày đêm lên đường, men núi hiểm mà đi, trải dài hai nghìn dặm, theo đường trên biên ải, chém hơn trăm đầu cừ súy của dân ác mang lòng khác và mấy nghìn phe đảng của chúng, bọn Thuần tan chạy, vùng Ngũ Khê được bình. Chuyển làm Công An Đốc, Dương vũ Tướng quân, phong Đô Hương hầu, lại chuyển làm Nhu Tu Đốc.
Cối Kê điển lục chép: Mục ở tại Nhu Tu, ngầm mưu kế tiến đánh có thể được, nhưng không dám bày tỏ kế của mình, dự yến với quan Thị trung Đông Quán Lệnh là Chu Dục, cảm khái than thở. Dục cho là Mục hận vì kế mình không được làm, nhân đó bảo Mục rằng: "Các quan lại ở triều đình ngày nay chỉ ngồi giữ chức cao, mà không ai có công sánh được với quân hầu, quân hầu lại không chịu ở dưới người ta, cho nên kẻ dòm ngó vẫn lấy làm buồn rầu, huống chi là đình hầu"! Mục cười mà đáp rằng: "Lời mà ông nói, chưa hợp ý ta vậy. Mã Viện (11) có nói: 'Người ta nên lập công nhiều và nhận thưởng ít'. Huống chi ta lập công không đủ để ghi chép mà lại được ban sủng quá mức, há cho là giận? Nhà nước không ai biết ý ta, ta lại thấy người ở triều đình bị hại, cho nên im ỉm không dám bày kế. Nếu triều đình không thế thì ta sẽ bày kế đến đánh để báo đền cái ân mà ta từng chịu nhận, không chỉ là tự giữ chức mà thôi. Ta than buồn là do ấy vậy". Dục lại nói: "Nhà nước biết đến quân hầu, nếu dùng cái tài của quân hầu thì không việc gì không thành. Kẻ ngu này sẽ tự bày kể tấm lòng của quân hầu". Mục nói: "Vũ An Quân (12) bảo Tần Vương (13) rằng: 'Lập nghiệp không khó, tìm được người hiền mới khó; tìm được người hiền không khó, dùng người hiền mới khó; dùng người hiền không khó, tin dùng người hiền mới khó'. Vũ An Quân muốn giúp Tần Vương chiếm cả sáu nước, nhưng sợ trao việc mà không được tin dùng, cho nên nói ra lời ấy trước. Tần Vương đã hứa theo mà lại không tin dùng, rút cuộc làm lỡ cái nghiệp sắp thành, ban kiếm tự sát ở ấp Đỗ Bưu. Ngày nay dẫu nhà nước biết ta nhưng không bằng Tần Vương biết dùng Vũ An Quân, mà kẻ muốn hại ta lại còn hơn cả Phạm Thư. (14) Vào thời Đại Hoàng Đế, (15) Lục Thặng tướng (16) đánh quận Bà Dương, đem hai nghìn quân trao cho ta, Phan Thái thường đánh quận Vũ Lăng, ta lại được lĩnh ba nghìn quân, vậy mà ngày nay triều đình bàn luận vứt ta ở đây, sai các tướng ở vùng bờ sông không được phát binh giúp nhau. Ta chịu ân nhà nước mà giúp đỡ, vậy mà ngày làm việc bình thường. Nếu ta không xét nghĩ đến cái việc nên làm thời nay mà có ý dâng kế, lúc ấy nếu được trao việc thì thế quân cũng chẳng đủ, rút cuộc sẽ có cái hại thua vỡ, lúc ấy há không việc gì không thành sao"?
Lại bái làm Tiền Tướng quân, ban Giả tiết, lĩnh chức Vũ Lăng Thái thú. Chết ở sở quan. Nhà không có của thừa, quan dân nhớ ân. Con là Y nối tự, thay lĩnh quân.
Cối Kê điển lục chép: Con thứ của Mục là Thịnh, cũng có đức khiêm nhường, làm Thượng thư lang. Em là Tuân làm tướng lĩnh quân, bái Thiên tướng quân, giữ Tây Lăng, bàn luận hình thế địa lí với Giám quân sứ giả Đường Thịnh, bảo là các huyện Nghi Thành, Tín Lăng liền kề huyện Kiến Bình, nếu không đắp thành ở đấy trước thì quân định tất vào trước. Thịnh lấy bọn Thi Tích, Lưu Bình là tướng giỏi mưu lược, thường tuần tra ở đấy, có người nói là không nên đắp thành ở đấy, không theo kế của Tuân. Nửa năm sau, quả nhiên quân Tấn sai tướng đến đắp thành ở Tín Lăng. Quân Tấn bình Ngô, Tuân lĩnh quân thủy, vào đánh chết trong trận.
Chú thích:
(1) Lỗ Tướng là Ý: chỉ Chung Li Ý (钟离意) tự Tử A, người huyện Sơn Âm quận Cối Kê., vào thời Minh Đế của nhà Hán ra làm Lỗ Tướng.
(2) Kẻ chăn dân: thời xưa xem quan lại ở địa phương là cha mẹ của dân, dân như con đỏ, cần phải dẫn dắt, do đó gọi quan lại là 'kẻ chăn dân' vậy.
(3) Từ Chúng: Từ Chúng (徐众), còn có tên là Từ Huề (徐觽), người thời nhà Tấn, viết lời bình sách Tam quốc chí.
(4) Nguyên Hiến: Nguyên Hiến (原宪) tự Tử Tư, người nước Lỗ thời Xuân thu, là học trò của Khổng Tử.
(5) Thương Ngô Kiêu: theo sách Hoài Nam Tử (淮南子) thời Tây Hán chép có người là Thương Ngô Kiêu (苍梧绕), người thời Đông Hán là Cao Dụ (高诱) chú thích rằng: "Thương Ngô Kiêu là người cùng thời với Khổng Tử, lấy vợ đẹp lại nhường cho anh của mình".
(6) Vĩ Sinh: theo sách Trang Tử (庄子) thời Chiến quốc chép: "Có người là Vĩ Sinh (尾生) hẹn với con gái ở dưới cầu, con gái không đến, nước sông tràn lên mà không bỏ đi, ôm cột cầu mà chết".
(7) Trực Cung: theo sách Lữ thị Xuân thu (吕氏春秋) thời Tần chép: "Có người nước Sở là Trực Cung (直躬), cha mình trộm dê thì báo lên quan lại, quan lại bắt giữ muốn giết đi. Trực Cung xin chết thay cha. Lúc sắp giết, bảo với quan lại rằng: 'Cha trộm dê mà con báo lên quan, cũng chẳng phải là người có tín sao? Cha bị giết mà thay cha, cũng chẳng phải là người có hiếu sao? Người có tín và hiếu mà lại bị giết, nước này sắp có kẻ không bị giết chăng'? Vua Sở nghe tin, bèn không giết. Khổng Tử nghe tin ấy, nói: 'Lạ thay Trực Cung làm điều tín kia, người cha lại cũng được cái tiếng ấy'. Do đó cái tín của Trực Cung chẳng bằng không có tín".
(8) Thân Minh: theo sách Thuyết uyển (说苑) thời Tây Hán chép: "Có kẻ sĩ là Thân Minh (申鸣) ở nhà mà nuôi dưỡng cha, có hiếu nổi tiếng ở nước Sở, nhà vua muốn bái làm Tướng quốc, Thân Minh từ chối không nhận, người cha nói: 'Nhà vua muốn cho mi làm Tướng quốc, sao mi không nhận vậy'? Thân Minh đáp nói: 'Bỏ làm người con có hiếu của người cha để làm tôi trung của nhà vua, được sao'? Người cha nói: 'Nếu lập công ở nước, lập nghĩa ở nhà, mi vui thì ta chẳng buồn vậy. Ta muốn mi làm Tước quốc'. Thân Minh nói: 'Dạ'. Bèn vào triều đình, vua Sở cho làm Tướng quốc. Được ba năm, Bạch Công làm loạn, giết Tư mã Tử Kì, Thân Minh muốn đến liều chết cùng, người cha ngăn lại nói: 'Bỏ cha mà chết, như thế được sao'? Thân Minh nói: 'Nghe nói người làm quan đem thân trao cho vua mà đem lộc trao cho người thân. Nay đã bỏ cha mà thờ vua, há không chết vì nạn ấy sao'? Rồi từ tạ mà đi, nhân đó đem quân vây Bạch Công. Bạch Công bảo Thạch Khất nói: 'Thân Minh là dũng sĩ trong thiên hạ, nay đem quân vây ta, ta biết làm sao đây'? Thạch Khất nói: 'Thân Minh là là người con có hiếu của trong thiên hạ, nay nên đến bắt cha hắn làm con tin, Thân Minh nghe tin tất đi đến, nhân đó mà khuyên dụ hắn". Bạch Công nói: 'Hay'. Liền đến bắt người cha, cầm lấy mà chống Thân Minh, báo cho Thân Minh rằng: 'Ngài với ta, ta với ngài đều thờ nước Sở; nếu ngài không giúp ta thì cha ngài tất chết thôi'. Thân Minh khóc lóc mà đáp rằng: 'Lúc trước ta là người con có hiếu của cha, ngày nay ta là tôi trung của vua. Ta nghe nói rằng ăn lộc của người nào thì chết vì người đó, đã nhận lộc của của vua phải dốc hết tài sức; nay ta đã không còn là người con có hiếu của cha nữa, mà là tôi trung của vua vậy. Ta làm gì để trọn vẹn'! Rồi cầm khiên gõ trống, đến giết Bạch Công, người cha cũng chết. Nhà vua thưởng cho nghìn cân vàng, Thân Minh nói: 'Ăn lộc của vua mà tránh nạn của vua, thế là không phải tôi trung vậy. Dựng lại nước của vua mà lại giết cha của mình, thế là không phải là người con có hiếu vậy. Hai tiếng ấy không cùng lập, làm không thể trọn cả hai. Nếu mà sống trên đời thì còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ nữa'! Bèn tự sát".
(9) Phan Thái thường: chỉ Phan Tuấn (潘濬) tự Thặng Minh, thời Tôn Quyền làm quan Thái thường.
(10) Họ Lưu: chỉ cha con Lưu Bị, Lưu Thiện của đất Thục.
(11) Mã Viện: Mã Viện (马援) tự Văn Uyên, người huyện Mậu Lăng quận Phù Phong, thời vua Quang Vũ nhà Đông Hán đánh quận Giao Chỉ trở về, phong Tân Tức Hầu, thực ấp ba nghìn hộ, nhưng tự cho là lập công ít mà được thưởng nhiều.
(12) Vũ An Quân: chỉ Bạch Khởi (白起), người huyện Mi nước Tần thời Chiến quốc, thời Chiêu Vương của nước Tần được dùng làm tướng, đánh hãm các thành Yên, Dĩnh của nước Sở, được phong làm Vũ An Quân.
(13) Tần Vương: chỉ Chiêu Vương của nước Tần.
(14) Phạm Thư: Phạm Thư (范睢), người ấp Đại Lương của nước Ngụy, trốn sang nước Tần, được Chiêu Vương của nước Tần tin dùng làm Tướng quốc, giỏi ăn nói lí lẽ. Sau khi Bạch Khởi phá quân Triệu ở trậnTrường Bình, muốn nhân đó mà đánh đến thành Hàm Đan của nước Triệu, nhưng Phạm Thư xui Chiêu Vương sai Bạch Khởi rút quân, bỏ lỡ thời cơ phá nước Triệu. Do đó Bạch Khởi hiềm khích với Phạm Thư. Phạm Thư lại gièm Bạch Khởi khiến cho Chiêu Vương ban kiếm cho Bạch Khởi phải tự sát.
(15) Đại Hoàng Đế: chỉ Tôn Quyền, được người Ngô tôn làm Đại Hoàng Đế.
(16) Lục Thặng tướng: chỉ Lục Tốn (陆逊) tự Bá Ngôn, thời Tôn Quyền làm Thặng tướng.
Post a Comment