Lục Khải Truyện
Lục Khải tự Kính Phong, người huyện Ngô quận Ngô, là con trong họ của Thặng tướng Lục Tốn vậy. Đầu năm Hoàng Vũ làm Vĩnh Hưng, Chư Kị Trưởng, ở đấy có công tích, bái Kiến vũ Đô úy, lĩnh quân sĩ. Dẫu lĩnh quân sĩ nhưng tay không rời sách. Ưa đọc sách Thái huyền(1), luận giải ý của sách đó, hễ bói là đúng. Giữa năm Xích Ô, làm Đam Nhĩ Thái thú, đánh giặc ở Chu Nhai, bắt chém giặc có công, chuyển làm Kiến vũ Hiệu úy. Năm Ngũ Phượng thứ hai, đánh giặc trên núi là Trần Bí ở Linh Lăng, chém quân khỏe của Bí, bái Ba Khâu Đốc, Thiên Tướng quân, phong Đô Hương Hầu, chuyển làm Vũ Xương Hữu bộ đốc. Cùng với các tướng đến ở Thọ Xuân, rồi về, bái làm Đãng Ngụy, Tuy viễn Tướng quân. Tôn Hưu lên ngôi, bái Chinh bắc Tướng quân, ban Giả tiết, lĩnh chức Dự Châu Mục. Tôn Hạo lập, chuyển làm Trấn tây Đại Tướng quân, Đô đốc Ba Khâu, lĩnh chức Kinh Châu Mục, tiến phong Gia Hưng Hầu. Tôn Hạo hòa với nhà Tấn, sứ giả Đinh Trung từ miền bắc trở về, nói với Hạo là nên đánh úp huyện Dặc Dương, Khải can ngăn, lời nói tại Tôn Hạo truyện. Năm Bảo Đỉnh thứ nhất, chuyển làm Tả Thặng tướng.
Tính Hạo không thích người khác xem mình, bầy tôi ở bên chẳng ai dám làm trái. Khải khuyên Hạo nói: "Vua tôi không có đạo quen biết nhau, nếu gặp lúc không may thì không biết mà đến giúp". Hạo cho Khải tự xem mình.
Hạo dời đô đến Vũ Xương, trăm họ vùng Dương Châu ngược dòng cung cấp, cho là khổ sở, lại nữa chính trị yếu kém, dân chúng khốn cùng. Khải dâng sớ rằng:
"Thần nghe nói vua có đạo thì lấy điều vui mà làm cho dân vui; vua không có đạo thì lấy điều vui mà làm cho mình vui. Vua làm cho dân vui thì điều vui được dài; vua làm cho mình vui thì không vui mà chết. Dân là gốc của đất nước vậy, phải nên chăm lo cái ăn của dân, yêu quý mạng sống của dân. Dân yên thì vua yên, dân vui thì vua vui. Từ năm trước đến nay, cái oai của vua lớn hơn vua Kiệt, Trụ(2), cái trí của vua tối hơn bọn gian hùng, cái đức của vua thua cả bọn ác. Trời không giáng tai họa mà dân mất mạng, không làm gì mà kho tiền nhà nước trống không. Phạt kẻ không có tội, thưởng người chẳng có công, khiến cho vua có lỗi lầm sai trái, do đó trời giáng vạ lạ vậy. Vậy mà các quan công khanh nịnh nọt vua để xin được yêu thích, làm cho dân nghèo khổ để cầu giàu có, dẫn vua vào chỗ bất nghĩa, đẩy chính trị vào chỗ dâm dật. Thần vì thế mà đau lòng thay. Nay các nước gần kề cùng hòa thân, bốn cõi không có việc gì, là lúc nên ngừng lao dịch, nuôi quân sĩ, chứa đầy kho tàng để đợi thời cơ. Vậy mà lại làm ngược trái ý trời, quấy rối vạn dân, khiến cho dân không yên, lớn nhỏ đều kêu than. Đấy không phải cách nuôi dân giữ nước vậy.
Thần nghe nói tốt xấu tại trời, giống có bóng tại hình, có âm vang tại tiếng kêu vậy. Hình động thì bóng động, hình dừng thì bóng dừng, đấy là số phận có quan hệ, không phải cái tiến lùi của miệng nói vậy. Ngày xưa nhà Tần làm mất thiên hạ là vì thưởng ít mà phạt nhiều, chính trị sai lầm, sức dân cạn kiệt, trăm họ lo sợ, thiên hạ khổ sở, do đó mới có nỗi lo 'ổ lật trứng vỡ'(3). Nhà Hán mạnh là vì kính người đức hạnh, tin người thật thà, nghe lời can gián, dùng người hiền tài, ban đức đến người vác củi, cúi xin tận nơi hang núi, mở rộng việc chọn dùng, xem xét người hiền tài để lập nên kế sách. Đấy là chứng cứ rõ ràng thời xưa vậy.
Gần đây nhà Hán suy yếu, ba nhà liền lập thế chân vạc, họ Tào làm mất kỉ cương, nhà Tấn bèn có chính trị. Lại nữa Ích Châu(4) hiểm trở, nhiều quân khỏe mạnh, nếu đóng cửa giữ chắc thì giữ được vạn đời, vậy mà họ Lưu nối theo cái sai lầm ngày xưa, thưởng phạt không đúng, ý vua ham xa xỉ, sức dân bị việc không cần gấp làm cho cạn kiệt, do đó bị nhà Tấn đánh, vua tôi bị bắt. Đấy là việc ứng nghiệm rõ ràng trước mắt vậy.
Lí lẽ của thần u tối, văn chẳng có nghĩa, trí tuệ nông cạn, không mong được xem, chỉ mong Bệ hạ thương lấy thiên hạ thôi. Thần kính tấu những điều mà tai mắt thần được nghe thấy, là những điều làm cho trăm họ lo lắng, nhưng điều làm cho chính trị sai loạn vậy. Mong Bệ hạ ngừng việc xây dựng, giảm lao dịch, nới lỏng sức dân, chớ làm việc sai ngược.
Lại nữa đất đai Vũ Xương, đúng là hiểm trở lại khô xấu, không phải là chỗ làm kinh đô giữ nước nuôi dân, thuyền neo đậu thì chìm lật, gò đống thì gập gềnh, vả lại bọn trẻ con nói hát rằng: 'Nước ở Kiến Nghiệp ngọt thay, đừng ăn cá ở Vũ Xương, về Kiến Nghiệp chết còn hơn, đừng đến ở tại Vũ Xương'. Thần nghe nói sao Dực gây biến, sao Huỳnh hoặc giáng vạ, lời hát của bọn trẻ con sinh ra từ ý trời, mới đem việc ở yên so sánh với cái chết, đủ để thấy ý trời đã rõ, biết được việc mà dân cho là khổ vậy.
Thần nghe nói nhà nước không cất chứa thóc lúa ba năm là không phải nhà nước, mà ngày nay không cất chứa được một năm, đấy là lỗi của bầy tôi vậy. Vậy mà các công khanh ở ngôi trên người khác, truyền lộc cho con cháu, đã không có khí tiết báo đền, lại không có kế sách giúp nước, tiến cử những kẻ mưu lợi nhỏ cho nhà vua, để cầu sự yên thân mà gây họa cho trăm họ, đấy là không giúp vua mưu tính vậy. Từ lúc theo Tôn Hoằng (4) lập nghĩa binh đến nay, đã bỏ việc trồng trọt, ở đấy không còn chuyển chở, lại chia ra cha con một nhà phải lao dịch khác nhau, ăn tiêu ngày càng nhiều mà cất chứa ngày càng giảm, dân oán vì bị chia lìa, nước có nạn lưu tán, vậy mà chẳng ai thương xót. Sức dân khốn cùng, bán cả con nhỏ, tô thuế liên tiếp, ngày càng nhiều thêm, trưởng lại các huyện không xem xét gì thêm, lại nữa các Giám quan đã không yêu dân lại còn ra oai cậy thế, các huyện nhiễu động, rồi thành rườm rà, dân khổ hai tròng, tiền sức càng giảm, đấy là không có ích lại tổn hại vậy. Mong Bệ hạ cho dân nghỉ ngơi, thương xót kẻ yếu lẻ để vỗ về lòng trăm họ. Đấy như cá rùa được thoát khỏi ao nước độc, chim thú được thoát khỏi tấm lưới vây, dân bốn phương tất dắt cõng nhau mà đến vậy. Như thế dân mới được bảo vệ, nước của Tiên vương mới được giữ còn vậy.
Thần nghe nói năm tiếng âm khiến cho tai người không thông, năm màu sắc khiến cho mắt người không sáng, cái ấy không có ích cho chính trị mà làm tổn hại đến người làm việc. Ngày xưa vào thời Tiên đế, gái đẹp trong cung và các cung nữ không đầy một trăm người, vậy mà gạo lúa được cất chứa, của cải có thừa. Sau khi Tiên đế băng, vua nhỏ lên ngôi, đổi thành xa xỉ, không theo lối cũ. Nghe nói cung nữ và kẻ ngồi nhàn có đến mấy nghìn người, tính ra họ làm ra không đủ để làm tiền của cho nhà nước, vậy mà ngồi ăn kho lúa, nhiều năm thay nhau, đấy là không có ích. Mong Bệ hạ cho họ ra lấy chồng, ban cho người không có vợ. Như thế, trên ứng mệnh trời, dưới hợp ý dân, thiên hạ may lắm.
Thần nghe nói vua Ân Thang(5) chọn kẻ sĩ ở bọn mua bán, Tề Hoàn Công chọn kẻ sĩ ở bọn đánh xe, Chu Vũ Vương chọn kẻ sĩ ở bọn gánh củi, nhà Hán chọn kẻ sĩ ở bọn nô bộc. Vua hiền chủ sáng chọn kẻ sĩ vì người đó hiền, không vì người đó có thân phận thấp kém, cho nên công đức được tràn đầy, ghi tên vào thẻ trúc dải lụa, không tìm người có sắc đẹp mà chỉ chọn lấy người tín phục, nói giỏi, hợp ý vậy. Thầy được thấy các bầy tôi được sủng ái ngày nay, nắm chức không đúng người, dùng chẳng vừa tài năng, không thể giúp nước cứu đời, phe đảng lại giúp nhau, hại người trung hiền. Mong Bệ hạ giảm bớt quan lại văn võ, sai các quan phải chăm chỉ, các quan Đốc tướng Châu mục chống giữ ở ngoài, các quan Thượng thư công khanh phải tu sửa giáo hóa, trên giúp Bệ hạ, dưới đỡ dân chúng, phải dốc hết lòng trung, sửa đổi lỗi sai, vậy thì khúc 'Khang tai'(6) được hát, hình pháp sai lầm được trừ. Mong Bệ hạ lắng nghe lời nói trung trinh của kẻ bầy tôi ngu kém này".
Bấy giờ có tướng lớn trên điện là Hà Định gian xảo nịnh nọt, được vua tin dùng, Khải đối mặt mắng Định nói: "Ông trước sau không dốc lòng trung với vua, làm loạn chính trị, há là người được trọn vẹn sao! Sao lại chuyên làm việc gian xấu, vấy bẩn Thiên tử? Nên tự sửa lỗi, nếu không ông sẽ gặp tai họa khó lường đấy". Định rất hận Khải, trong lòng muốn làm hại Khải, nhưng Khải rút cuộc không để ý tới, lòng vẫn nghĩ về nhà vua, tỏ nghĩa trên sắc mặt, các biểu sớ đều vì việc công mà không rườm rà, có ý trung thành.
Năm Kiến Hành thứ nhất, mắc bệnh, Hạo sai Trung thư lệnh Đổng Triều đến hỏi điều mà Khải muốn nói, Khải nói rằng: "Không nên tin dùng Hà Định, nên cho ra giữ chức bên ngoài, không nên cho nắm việc nước. Hề Hi là quan nhỏ, dựng lập ruộng ven bờ, muốn lập lại việc cũ của Nghiêm Mật, cũng không nên nghe theo. Diêu Tín, Lâu Huyền, Hạ Thiều, Trương Đễ, Quách Trác, Tiết Oánh, Đằng Tu cùng con em là Hỉ, Kháng, có người trong sạch chăm chỉ, có người tài năng cao siêu, đều là cốt cán của xã tắc, quan giỏi của nhà nước. Mong Bệ hạ coi trọng lời trung trinh, hỏi việc nơi họ, đều khiến cho họ dốc hết lòng trung, cứu giúp lúc nguy khó". Rồi chết, bấy giờ bảy mươi hai tuổi.
Con là Y, lúc đầu làm Hoàng môn Thị lang, ra lĩnh bộ khúc, bái Thiên Tướng quân. Sau khi Khải chết, vào làm Thái tử Trung thứ tử. Hữu quốc sử Hoa Hạch tiển cử Y nói: "Tính Y vốn thẳng thắn, chí khí vững vàng, có tài thống lĩnh, dẫu Lỗ Túc cũng không hơn được. Lúc nhận chiếu gọi về, đi thẳng đến kinh sư theo đường Vũ Xương, từng không ngoảnh lại, đồ quân tư khí giới, chẳng lấy một cây, trong quân cứng cỏi, có khí tiết nhường tiền của. Hạ Khẩu là chỗ hiểm yếu của giặc, nên chọn tướng giỏi để chống giữ chỗ ấy. Thần suy nghĩ kĩ, chẳng ai giỏi hơn Y".
Lúc trước, Hạo thường ôm giận vì Khải nhiều lần tự ý nhìn mặt mình, lại thêm Hà Định gièm pha không phải một lần, đã làm bầy tôi quan trọng, khó lấy phép cấm ràng buộc được, lại nữa bấy giờ Lục Kháng làm Đại tướng ở biên giới, cho nên giữ ý nhẫn nhịn. Sau khi Kháng chết, bèn dời người nhà Khải đến ở quận Kiến An.
Có người nói tháng mười hai năm Bảo Đỉnh thứ nhất, Khải mưu với Đại Tư mã Đinh Phụng, Ngự sử Đại phu Đinh Cố, nhân lúc Hạo đến tông miếu, muốn phế Hạo mà lập con của Tôn Hưu. Bấy giờ Tả Tướng quân Lưu Bình đem quân đi trước, bèn nói ngầm với Bình, Bình chống lại không theo, nhưng thề không tiết lộ chuyện này, do đó mưu kế không thành. Thái sử lang Trần Miêu tấu với Hạo là trời lâu ngày không có mưa, khí gió thổi ngược, sắp có mưu ngầm, do đó Hạo lo sợ mà cảnh giác vậy.
Ngô lục viết: Lúc trước cúng tế ở tông miếu, chọn người Đại Tướng quân lĩnh ba nghìn quân làm quân vệ, Khải muốn dựa vào quân ấy để bắt Hạo, sai quan Tuyển tào bẩm là nên dùng Đinh Phụng. Hạo chợt không muốn, nói: "Đổi chọn". Khải sai theo lệnh, dẫu tạm bỏ, nhưng nên sai người lĩnh quân ấy. Hạo nói: "Dùng Lưu Bình". Khải sai con là Y báo mưu cho Bình. Bình vốn hiềm khích với Đinh Phụng, Y chưa kịp báo ý của Khải, Bình bảo Y nói: "Nghe nói có con heo hoang vào trại của Đinh Phụng, đấy là điềm xấu vậy". Có vẻ mừng. Y bèn không dám nói, rồi về, nhân đó nói cho Khải biết, bèn dừng lại.
Ta(7) tổng hợp lời của những người đến từ miền Kinh, Dương thấy biểu mà Khải can Hạo có mười hai điều, hỏi kĩ người Ngô, nhiều người nói là không nghe nói Khải có biểu ấy. Lại xét lời văn rất thẳng thắn, e rằng biểu ấy không được Hạo chịu nhận vậy. Có người cho rằng Khải giấu tờ biểu ở trong rương sách, chưa dám dâng lên. Lúc bệnh nặng, Hạo sai Đổng Triều đến thăm hỏi, Khải muốn nói, nhân đó đem tờ biểu trao cho Đổng Triều. Thật giả khó rõ, cho nên không chép vào sách, nhưng thích lời văn chỉ rõ việc sai lầm của Hạo, đủ để răn bảo đời sau, cho nên chép vào trong Lục Khải truyện vậy.
Hạo sai người thân cận là Triệu Khâm đọc chiếu lệnh đáp biểu trước của Khải rằng: "Ta nhỏ tuổi phải noi theo Tiên đế, sao lại không phải thế? Lời ông can gián là sai vậy. Lại nữa cung Kiến Nghiệp không có lợi, cho nên ta tránh chỗ ấy. Mà cung điện nhà cửa phía tây mục nát, mưu tính dời đô, sao lại không nên chuyển"? Khải dâng sớ nói:
"Thần xem Bệ hạ từ khi nắm việc đến nay, âm dương không hòa, ngũ tinh(8) trật quỹ, quan lại không trung, bọn gian giúp nhau, đấy là Bệ hạ không noi theo chính trị của Tiên đế.
Giang Biểu truyện chép biểu ấy của Khải nói rằng: "Thần cúi nhận chiếu lệnh, lòng dạ đau nhói. Sao ý Bệ hạ lại khó hiểu, rất không thông suốt đến vậy"!
Bậc Đế vương dựng nghiệp, vâng lệnh ở trời, sửa nghiệp tại đức, há tại cung điện sao? Vậy mà Bệ hạ không hỏi các công khanh, lại có ý làm nhanh, sáu quân buồn bã lìa tan. Nếu nghịch phạm trời đất thì trời đất giáng tai họa, bọn trẻ con hát lời báo trước vậy. Dẫu khiến cho Bệ hạ cả đời được yên ổn, nhưng trăm họ đau khổ, thống trị làm sao? Đấy là một điều không noi theo Tiên đế vậy.
Thần nghe nói nhà nước lấy người hiền làm gốc, ngày xưa nhà Hạ giết Long Phùng(9), nhà Ân có được Y Chí(10), đấy là việc cũ rõ ràng thời xưa, làm tấm gương cho ngày nay. Trung thường thị Vương Phiên hiểu thấu lí lẽ, trung trinh với triều đình, là người quan trọng của xã tắc, là Long Phùng của nước Ngô vậy. Vậy mà Bệ hạ giận người này nói lời khó nghe, ghét tính thẳng thắn của người này, chém bêu đầu ở trên điện, phanh thây vứt xương, khiến cho người trong nước đau lòng, có kẻ lo lắng, đều cho là Phù Sai(11) của nước Ngô sống lại. Tiên đế kính người hiền, Bệ hạ lại trái ngược. Đấy là hai điều Bệ hạ không noi theo Tiên đế vậy.
Thần nghe nói Tể tướng là cột chống của nhà nước, không thể không vững, cho nên có bọn Tiêu Hà, Tào Tham của nhà Hán, Tiên đế có bọn Cố Ung, Bộ Chất vậy. Vậy mà Vạn Úc là kẻ tài kém tầm thường, ngày xưa chỉ làm đầy tớ, một chốc được vào cung điện, người giỏi văn đã có đủ, người có chí đã có đầy, nhưng Bệ hạ lại thích cái tài kém của hắn, không bắt chước cái hay của người khác, cho hắn giữ ngôi cao quý hơn cả bậc bầy tôi cũ. Khiến cho người hiền tài nổi giận, kẻ sĩ hiểu biết quát mắng. Đấy là ba điều không noi theo Tiên đế vậy.
Tiên đế yêu dân hơn cả yêu con nhỏ, người dân không có vợ thì lấy vợ gả cho họ, thấy người mặc áo mỏng thì lấy gấm lụa cấp cho họ, người chết xương khô không ai nhặt thì lấy mà chôn cho họ. Vậy mà Bệ hạ ngược lại. Đấy là bốn điều không noi theo Tiên đế vậy.
Ngày xưa Kiệt, Trụ diệt bởi gái đẹp, U, Lệ(12) loạn vì vợ yêu, Tiên đế soi xét, cho đấy là điều răn thân mình, cho nên tả hữu không sắp đặt gái đẹp dâm đãng, hậu cung không chứa nhiều cung nữ. Nay trong cung có đến mấy vạn người, không cho họ đi lấy chồng, ở ngoài lại có nhiều đàn ông góa bụa, ở trong đàn bà lại kêu than. Mưa gió ngược mùa, do đó mà nổi lên. Đấy là năm điều không noi theo Tiên đế vậy.
Tiên đế lo nghĩ vạn bề, vẫn còn sợ có sai lầm. Bệ hạ từ khi coi việc đến nay, vui chơi ở hậu cung, mê hoặc bởi đàn bà, lại khiến cho việc khác ngày càng nhiều, quan lại cất giấu kẻ gian. Đấy là sáu điều Bệ hạ không noi theo Tiên đế vậy.
Tiên đế cao thượng chân thật, không mặc áo sặc sỡ, không ở cung điện cao lớn, đồ vật không chạm trổ tinh xảo, cho nên nước giàu dân đủ, kẻ gian không gây hại. Vậy mà Bệ hạ thu gom tiền của của châu quận, vắt kiệt sức dân, đất đai đen vàng mà cung điện đỏ chói. Đấy là bảy điều không noi theo Tiên đế vậy.
Tiên đế ngoài dựa vào bọn Cố, Lục, Chu, Trương(13), trong gần với bọn Hồ Tông, Tiết Tông, cho nên mọi việc rõ ràng, trong nước yên ổn. Ngày nay, ngoài không dùng những người ấy, trong cũng không có những người kia, bọn Trần Thanh, Tào Phụ là bọn quan tài kém như cái đấu, là bọn mà Tiên đế bỏ đi, vậy mà Bệ hạ lại tin dùng chúng. Đấy là tám điều Bệ hạ không noi theo Tiên đế vậy.
Tiên đế hễ mở hội gặp bầy tôi, giảm bớt rượu nồng, bầy tôi cả ngày không lo bị say mê, trăm quan bầy tôi đều được bày kể điều mà mình muốn nói. Vậy mà Bệ hạ bắt bầy tôi phải uống để xem xét họ có kính trọng mình hay không, chỉ lo uống rượu không hết. Rượu là để giữ lễ, nếu uống quá thì làm hỏng đạo đức, đấy không khác gì Thương Tân uống rượu thâu đêm. Đấy là chín điều không noi theo Tiên đế vậy.
Hoàn, Linh của nhà Hán ngày xưa gần gũi bọn hoạn quan, làm mất lòng dân. Ngày nay bọn Cao Thông, Chiêm Liêm, Dương Độ là bọn quan Hoàng môn nhỏ, vậy mà Bệ hạ ban tước cao cho chúng, cho quân nắm quyền. Nếu bến sông có nạn, đuốc lửa nổi lên thì tài năng của bọn Độ không thể ngăn được giặc là rõ ràng vậy. Đấy là mười điều không noi theo Tiên đế vậy.
Nay cung nữ chứa đầy, mà quan Hoàng môn còn chạy đến châu quận, chọn lấy con gái trong dân, có tiền thì tha, không có tiền thì bắt lấy, tiếng oán khắp đường, mẹ con chia lìa. Đấy là mười một điều không noi theo Tiên đế vậy.
Vào thời Tiên đế cũng nuôi con của các Vương hầu, nếu lấy mẹ nuôi vào chăm trong cung, thì người chồng đi lao dịch được ban cho tiền của, cấp cho lương ăn, lúc ấy sai quay về, còn thấy yếu gầy nữa là. Nay thì không như thế, vợ chồng bị chia lìa, chồng thì lao dịch, con theo sau mà chết, nhà cửa trống không. Đấy là mười hai điều không theo Tiên đế vậy.
Tiên đế than rằng: 'Nước lấy dân làm gốc, dân lấy thức ăn làm đầu, làm nông là thứ hai, ba điều này ta vẫn canh cánh trong lòng'. Nay thì không như thế, việc làm nông trồng trọt đều bị bỏ. Đấy là mười ba điều không noi theo Tiên đế vậy.
Tiên đế chọn kẻ sĩ, không vì người đó thấp hèn, dùng họ làm quan ở thôn ấp, sai phải làm việc, người được dùng không lo lắng, người chịu nhận chức cũng không làm bừa. Nay thì không như thế, bọn xa xỉ nắm chức, bọn kết bè đảng được tiến cử. Đấy là mười bốn điều không noi theo Tiên đế vậy.
Những quân sĩ của Tiên đế, không bị bắt đi lao dịch khác, lệnh mùa xuân chỉ trồng trọt, mùa thu chỉ gặt lúa, nếu bến sông có việc thì sai đi đánh giữ. Quân sĩ ngày nay, bắt phải lao dịch nhiều, kho lúa không đủ dùng. Đấy là mười lăm điều không noi theo Tiên đế vậy.
Thưởng để khuyến khích lập công, phạt để ngăn ngừa việc xấu, nếu thưởng phạt không đúng thì quân dân tan lạc. Nay tướng sĩ ven sông, chết không được phát tang, có công không được thưởng. Đấy là mười sáu điều không noi theo Tiên đế vậy.
Ngày nay ở sở quan, đã bị rối ren, lại có quan tay sai, quấy rối ở trong, một người dân mà có mười viên quan, dân lấy gì để gánh vác? Ngày xưa vào thời Cảnh Đế(14), người quận Giao Chỉ phản loạn, thực là do đấy mà nổi dậy vậy. Đấy là noi theo lỗi lầm của Cảnh Đế, mười bảy điều không noi theo Tiên đế vậy.
Quan Hiệu sự là kẻ thù của quan dân vây. Cuối thời Tiên đế, dẫu có Lữ Nhất, Tiền Khâm, nhưng đều bị giết sạch để tạ lỗi trăm họ. Nay lại lập thêm các quan Hiệu sự, phóng túng nói làm. Đấy là mười tám điều không noi theo Tiên đế vậy.
Vào thời Tiên đế, người làm quan đều giữ chức được lâu, sau đó xét hỏi bãi truất. Nay các quan của châu huyện, kẻ giỏi chính trị chẳng có mấy, lại gọi đi chuyển đổi, đón mới bỏ cũ, dằng dặc trên đường, tham tiền hại dân, do đó càng xấu. Đấy là mười chín điều không noi theo Tiên đế vậy.
Tiên đế hễ xem tấu biểu trình bày đều chú ý suy xét, do đó nhà tù không có người bị oan, kẻ đáng chết không nói lời oán giận. Nay thì trái lại. Đấy là hai mươi điều không noi theo Tiên đế vậy.
Nếu lời thần được chép lại thì cất ở phủ lớn; nếu có lời xằng bậy thì trị tội của thần. Mong Bệ hạ chú ý".
Giang Biểu truyện viết: Hạo ngày càng bạo ngược, Khải biết Hạo sắp mất, dâng biểu nói: "Thần nghe nói không nên chứa đựng việc ác, không nên kéo dài lỗi lầm; việc ác chứa đựng, lỗi lầm kéo dài là nguồn gốc của tang loạn vậy. Cho nên người xưa sợ không nghe được lỗi lầm, bèn đặt cờ khuyến khích nói việc tốt, dựng trống khuyên nên can gián. Vũ Công(15) đã chín mươi tuổi còn nghe lời khuyên răn, cho nên kinh Thi khen đức tốt của Vũ Công, kẻ sĩ khen việc làm của Vũ Công vậy. Thần xét Bệ hạ không có nghĩa nghe lời khuyên răn, mà lại ngày càng chứa đựng việc ác. Thần thật là rất lo lắng, đấy là điềm khơi họa đến vậy. Cho nên thần bày tỏ qua việc quan trọng, dốc hết suy nghĩ. Bệ hạ nên coi xét mình mà lập lại lễ nghĩa, tu sửa đức hạnh, không nên gạt bỏ lời thần để nghe theo lời xa xỉ. Lời xa xỉ thì rất tình cảm nhưng ngày càng lừa dân; dân lìa tan thì trên không tin dưới, dưới lại nghi trên. Xương thịt chống nhau, cha con bỏ nhau. Thần dẫu ngu, không biết mệnh trời nhưng lấy tấm lòng mà xem xét thì thấy thua không quá hai mười năm nữa vậy. Thần thường căm giận những người làm mất nước như vua Kiệt của nhàn Hạ, vua Trụ của nhà Ân, cũng mong Bệ hạ không nên khiến cho người đời sau lại căm giận Bệ hạ vậy. Thần chịu ân của nhà nước, thờ qua ba đời vua, còn có tuổi thừa, đến thời Bệ hạ, không thể sửa tục, chìm nổi với mọi người. Như bọn Tỉ Can, Ngũ Viên(16) vì trung trinh mà bị giết, vì thẳng thắn mà bị nghi, tự nói rằng đủ xong, không còn hận nữa, dẫu đem thân nơi chín suối cũng không phụ lại Tiên đế. Mong Bệ hạ nghĩ kĩ, mưu giữ xã tắc". Lúc trước, Hạo bắt đầu dựng cung điện, Khải dâng biểu can gián, không nghe, Khải lại dâng biểu nói: "Thần nghe nói cung điện đang dựng thì ngày đêm không yên ổn, cho nên thường báo việc rối ren, các chỗ ở trong không được coi xét, than thở ở ấp, trông mong ngừng nghỉ. Lúc ăn tối, thần nhận chiếu rằng: 'Lời mà ông can gián, thật là rất tốt, nhưng không hợp ý ấy, vì sao? Cung điện ấy không có lợi thì nên tránh đi, sao lại mượn cới lao dịch vất vả mà ngồi mãi ở cung điện không có lợi được? Cha không được yên, con cũng lấy gì mà dựa'? Thần nhận chiếu thư, cúi đọc một hồi, không chỉ đau nhói trong ngực mà còn nước mắt rơi như mưa vậy. Thần đã sáu mươi chín tuổi, bổng lộc đã nhiều, với thần đã là quá rồi, còn mong gì nữa? Nhưng vẫn chăm chỉ nhiều lần dâng biểu khó nghe là vì thần nghĩ rằng Đại Hoàng đế(17) lập nền dựng nghiệp, rất là vất vả, tóc trắng mọc ở mái tai, già cả còn mang giáp trụ. Thiên hạ mới yên, nhà vua băng sớm, từ bọn yên thân cho đến bọn hay nói không ai không than thở, như phát tang bà tổ của mình vậy. Vua nhỏ nối tự, trao quyền cho bầy tôi, quân sĩ nhiều năm đánh dẹp tốn kém, dân bị tổn hại điêu tàn. Gian thần nắm chính trị, nhà vua suy yếu. Nay giặc mạnh đang mưu đồ, Tây Châu nghiêng lật, dân chúng lẻ loi, phải nên nuôi dưỡng sức dân, gắng sức trồng trọt để phòng bị tai họa. Vả lạ dời đô, nếu lỡ có việc quân, lúc đó quân sĩ lìa tan, châu quận nhiễu động, đang xây dựng to lớn mà phải kêu gọi bốn phương, đấy không phải là cách giữ nước sửa trị vậy. Thần nghe nói người làm vua thì lấy đức để trừ tai họa, lấy nghĩa để sửa lỗi lầm. Cho nên vua Thang gặp lúc khô hạn, tự thân cầu đảo trong rừng rậm; sao Huỳnh hoặc ở ngôi giữa, Tống Cảnh Công lui khỏi cung điện, cho nên tai họa khô hạn được dẹp bỏ, sao xấu được chuyển dời. Nay dựng cung điện không có lợi, chỉ nên sửa thân mình mà giữ lễ nghĩa, xét cái đạo lớn của Thang, Tống mà thương xót cái khổ sở của dân chúng, sao lại lo lắng cung điện không yên, lo không trừ được tai họa? Bệ hạ không chịu tu đức mà lại xây sửa cung điện. Nếu không chịu tu đức, không lo sửa lỗi, dẫu đài Dao Đài của Ân Tân(18), cung A Phòng của Tần Hoàng(19) sao ngăn được việc diệt thân mất nước, phá vỡ tông miếu đây? Xây đất lớn, dựng đài cao, đã dẫn đến nước cạn, dân lại bị bệnh, đấy là điều không phải nghi ngờ. Làm cho cha yên ổn mà khiến cho con không có chỗ dựa, đấy là con bị cha chia rời, bầy tôi bị Bệ hạ chia cách vậy. Bầy tôi nếu chia rời, lúc đó dẫu nghĩ sâu xa, không bỏ nhà tranh, còn có ích gì nữa? Cho nên Đại Hoàng đế ở tại cung phía nam, tự cho là hơn cả cung A Phòng. Đại thần thời trước kia cho rằng cung điện nên làm cao lớn, oai vệ khác thường, nhưng Đại Hoàng đế nói: 'Các ngươi coi chừng, phải nên yêu lấy trăm họ, sao lại vui thú làm những việc không cần gấp'? Do đó bầy tôi hổ thẹn, do đó bất đắc dĩ phải thu gom tiền của của các quận, tạm làm yên lòng dân, sắp đến lúc xây dựng nhưng do dự ba năm không làm. Vào thời lúc ấy, bọn cướp sợ oai, không dám lấn nước ta, đem quân lên phía bắc, lại về phía tây chặn ngang miền Mân, Hán, miền nam không có việc gì, đấy là do khiêm nhường, không chịu xây dựng cung điện vậy. Huống chi Bệ hạ sinh vào lúc nguy khó, lại kém hơn đức của Đại Hoàng đế, không đáng lo nghĩ hay sao? Mong Bệ hạ chú ý, thần không dám nói bừa".
Lục Dận tự Kính Tông, là em của Khải vậy. Lúc đầu làm Ngự sử, Thượng thư Tuyển tào lang, Thái tử Hòa nghe danh tiếng, lấy lễ đối đãi rất đặc biệt. Gặp lúc bọn Toàn Kí, Dương Lan xu nịnh theo Lỗ Vương Bá, tranh chia với Hòa, ngầm gièm vu nhau. Dận bị bắt vào ngục, trải qua đau đớn(20), rút cuộc không nói lời khác.
Ngô lục viết: Thái tử lo sợ bị phế bỏ, mà Lỗ Vương rất được trông chờ. Bấy giờ Quyền thấy Dương Lan gọi tả hữu đến bàn về tài năng của Bá, Lan kể rõ tài năng văn võ của Bá, nên cho làm người nối tự, do đó Quyền bèn hứa lập Bá, cho quan Cấp sứ quỳ ở dưới giường nghe lệnh. Nghe tin ấy, đến báo cho Thái tử. Dận đang đến Vũ Xương, đến từ biệt Thái tử. Thái tử không gặp, rồi mặc áo thường đến nép dưới xe của Dận, cùng ngầm bàn việc, muốn sai Lục Tốn dâng biểu can gián. Sau đó Tốn dâng biểu can gián, Quyền ngờ Lan làm lộ việc ấy, Lan từ chối không chịu nhận. Quyền sai Lan ra tìm hiểu nguyên nhân, Lan bẩm là chỉ có Dận đi về phía tây, tất người này nói ra. Lại sai người hỏi Tốn làm sao mà biết việc ấy, Tốn nói là do Dận nói. Bèn gọi Dận về xét hỏi, Dận giúp Thái tử giữ kín, nói: "Dương Lan nói cho thần biết việc ấy". Bèn bắt cùng vào ngục. Lan không chịu được đau đớn, chịu nhận là mình nói. Lúc đầu Quyền ngờ Lan tiết lộ việc ấy, lúc Lan chịu nhận, cho là đúng thế, liền chém Lan.
Sau làm Hành Dương Đốc quân Đô úy. Năm Xích Ô thứ mười một, người rợ ở quận Giao Chỉ, Cửu Chân(21) đánh diệt thành ấp, Giao Châu nhiễu động. Lấy Dận làm Giao Châu Thứ sử, An nam Hiệu úy. Dận vào miền nam, dùng ân tín để dụ, ưa việc chiêu nạp, hơn ba nghìn người phe đảng của bọn cừ súy Hoàng Ngô ở huyện Cao Lương đều ra hàng. Dẫn quân xuống phía nam, tuyên bố rất thật, đem tiền của để trao tặng. Hơn trăm tướng giặc, năm vạn người dân ở nơi sâu xa khó quản, chẳng ai không cúi đầu, do đó Giao Châu yên bình. Liền bái chức An nam Tướng quân. Lại đánh giặc ở huyện Kiến Lăng quận Thương Ngô, phá chúng, trước sau đem hơn tám nghìn quân để cấp vào quân đội.
Năm Vĩnh An thứ nhất, gọi về làm Tây Lăng Đốc, phong Đô Đình Hầu, sau lại chuyển làm Tả Hổ lâm. Trung thư chưng Hoa Hạch tiến cử Dận nói: "Tính Dận vốn thông đạt, tài lược trong sạch, xưa làm Tuyển tào, công lao đáng ghi. Trở về tại Giao Châu, ban bố ân đức của triều đình, dân li tán nương dựa, góc biển yên ổn. Các quận Thương Ngô, Nam Hải trước đây mỗi năm có cái hại của gió chướng, gió mạnh bẻ gãy cây, thổi bay cát đá, khí lại nóng nực, chim bay không qua. Từ lúc Dận đến châu, khí gió ngừng nghỉ, khách buôn đi yên, dân không bệnh tật, ruộng vườn tươi tốt. Sở trị của châu gần biển, hễ đến mùa thu nước biển tràn đầy, Dận lại ngăn nước, dân được ăn ngon, ân đức bao trùm, cảm hóa thần người, lại dựa vào oai trời, thu nạp dân li tán. Đến lúc nhận chiếu thư gọi về, dân cảm ân ấy, bỏ cả đất đai, cõng già dắt trẻ, vui lòng đi theo, dân không hai lòng. Không đặt quân vệ. Các tướng khác hợp quân đều ra oai uy hiếp, chưa có ai như Dận chỉ dùng ân tín mà thôi. Nhận lệnh ở châu, được hơn mười năm, làm khách đất lạ, có nhiều vật đẹp, nhưng vợ trong nhà không bôi son phấn đeo ngọc châu, nhà không có các vật gắn ngà voi sừng tê chạm trổ. Bầy tôi ngày nay, khó được như thế. Nên ở kinh sư, giúp đỡ nhà vua để hát bài 'Khang tai' của thời Đường, Ngu. Ven sông việc nhỏ, không dùng hết tài, Hổ lâm, Tuyển tào, nhiều người đã giữ. Nếu gọi về kinh, cho làm chức cao, thì việc lớn tất sửa, công lao sáng rõ vậy. Dận chết, con là Thức nối tự, làm Sài Tang Đốc, Dương vũ Tướng quân. Năm Thiên Sách thứ nhất, cùng với anh họ là Y dời đến quận Kiến An. Năm Thiên Kỉ thứ hai, gọi về Kiến Nghiệp, làm Tướng quân, tước Hầu.
Bình rằng: Phan Tuấn trong sạch quyết đoán, Lục Khải trung trinh thẳng thắn, đều có khí tiết cứng cỏi, có phong thái của bậc đại trượng phu. Dận rửa thân coi việc, nổi tiếng ở miền nam, có thể nói là quan lại tài giỏi vậy.
Chú thích:
(1) Thái huyền: là một loại sách viết về vũ trụ, âm dương, khoa học huyền bí có từ thời Tây Hán, hay dùng để bói đoán.
(2) Kiệt, Trụ: Kiệt là vua cuối cùng của nhà Hạ. Trụ là vua cuối cùng của nhà Ân. Đều là vua tàn bạo.
(3) Ích Châu: ý nói nước Thục, bấy giờ người nước Ngô còn gọi là Tây Châu.
(4) Tôn Hoằng: đại thần của nước Ngô, thời Tôn Quyền làm Trung thư lệnh, được gửi con nhỏ, sau bị Gia Cát Khác giết.
(5) Ân Thang: tức vua Thang của nhà Ân.
(6) Khúc 'Khang tai': Thời vua Thuấn nhà Ngu, thiên hạ thái bình, Cao Dao hát khen là "Khang tai"! Do đó người đời sau gọi khúc "Khang tai" để nói về thời thái bình.
(7) Ta: tức Trần Thọ, người viết sách Tam quốc chí.
(8) Ngũ tinh: chỉ năm ngôi sao sáng trên bầu trời là sao Thủy ở phía bắc, sao Mộc ở phía đông, sao Kim ở phía tây, sao Hỏa ở phía nam, sao Thổ ở giữa.
(9) Long Phùng: là quan giỏi thời vua Kiệt nhà Hạ, vì can gián vua Kiệt đừng ham rượu, gái đẹp mà bị giết.
(10) Y Chí: còn gọi là Y Doãn, viên quan giỏi giúp vua Thang nhà Ân diệt vua Kiệt nhà Hạ.
(11) Phù Sai: vua nước Ngô thời Xuân thu, tuy giỏi nhưng tính hung bạo, cuối cùng bị vua nước Việt là Câu Tiễn diệt, mất nước.
(12) U, Lệ: tức U Vương, Lệ Vương của nhà Chu.
(13) Cố, Lục, Chu, Trương: tức Cố Ung, Lục Tốn, Chu Hoàn, Trương Ôn, tướng giỏi của Tôn Quyền.
(14) Cảnh Đế: tức vua Cảnh Đế của nước Ngô là Tôn Hưu.
(15) Vũ Công: tức vua Vũ Công của nước Vệ thời Xuân thu.
(16) Tỉ Can, Ngũ Viên: Tỉ Can là con của vua Thái Đinh của nhà Ân, khuyên can vua Trụ mà bị giết. Ngũ Viên là người nước Sở, sau chạy sang nước Ngô làm quan Đại phu cho Phù Sai, can gián Phù Sai không nghe, ban kiếm cho tự vẫn.
(17) Đại Hoàng đế: ý nói Tôn Quyền.
(18) Ân Tân: tức vua Trụ của nhà Ân.
(19) Tần Hoàng: tức Thủy Hoàng Đế của nhà Tần.
(20) Trải qua đau đớn: ý nói trải qua hình phạt xét hỏi của quan coi ngục.
(21) Người rợ ở quận Giao Chỉ, Cửu Chân: ý nói đến Triệu Ẩu, người quận Cửu Chân, bấy giờ tụ quân nổi dậy chống quan lại nước Ngô ở Giao Châu.
Post a Comment