Header Ads

Lục Mạo Truyện


Lục Mạo tự Tử Chương, là em của Thừa tướng Tốn vậy. Thủa trẻ ham học lại ưa việc nghĩa. Người nước Trần là Trần Dung, người quận Trần Lưu là Bộc Dương Dật, người nước Bái là Tưởng Toản, người quận Quảng Lăng là Viên Địch đều nghèo hèn mà có chí, đến chỗ Mạo giao du,

Cháu của Địch là Diệp, tự Tư Quang, soạn sách Hiến Đế xuân thu, chép là Địch cùng với bọn Trương Hoành vượt sông, cha của Trụ là Tuy, làm Thái phó duyện; vào lúc Trương Siêu đi đánh Đổng Trác, lấy Tuy coi việc ở quận Quảng Lăng.

Mạo chia ngọt xẻ bùi, cùng nhau giao kết. Vào lúc người cùng quận là Từ Nguyên chuyển đến ở quận Cối Kê, vốn không biết nhau, nhưng sắp chết gửi thư xin gửi gắm con nhỏ, Mạo vì người ấy mà đắp dựng phần mộ, nhận nuôi dạy con của người ấy. Lại nữa chú ruột là Tích chết sớm, để lại hai con trai một con gái đều mới vài tuổi, liền đem về nuôi dưỡng, đến lớn mới thôi. Châu quận cử gọi, đều không đến.

Bấy giờ Thượng thư Kị Diễm soi xét tốt xấu, xử đoán tam thự, (1) nêu kể cái ám mội để bày rõ cái lỗi sai của họ. Mạo gửi thư rằng: "Thánh nhân yêu thiện ghét ác, quên tội ghi công để lập giáo hóa tốt đẹp. Nay nghiệp vương mới dựng, sắp thống nhất chính thống, đây là buổi Hán Cao Tổ bỏ lỗi chọn dùng vậy. Như việc khiến cho thiện ác khác biệt, quý lời bình nguyệt đán của người miền Nhữ-Dĩnh, (2) thực là có thể khuyến khích phong tục, nhưng sợ rằng chưa dễ làm vậy. Chỉ nên xa thì bắt chước tấm lòng rộng lượng của Trọng Ni, giữa thì học theo việc giúp đỡ của Quách Thái, (3) gần thì tăng thêm đạo lớn thôi". Diễm không làm theo được, rút cuộc thất bại.

Năm Gia Hòa thứ nhất, xe công mời Mạo, bái làm Nghị lang, Tuyển tào thượng thư. Tôn Quyền giận cái tính xảo trá phản phúc của Công Tôn Uyên, muốn tự đánh hắn, Mạo dâng sớ can rằng: "Thần nghe nói vua hiền ngăn giữ người rợ phương xa chỉ lỏng lẻo mà thôi, không thường giữ được, cho nên người xưa chia đất, gọi đấy là miền hoang phục, ý nói là miền xa xôi vô thường, không giữ được vậy. Ngày nay Uyên là rợ Đông Di nhỏ nhoi, lánh tại bờ biển, dẫu mang mặt người nhưng không khác với cầm thú. Nhà nước không thích hàng hóa của hắn mà đi xa tặng cho hắn, đấy không phải là khen đức nghĩa của hắn vậy, chỉ là muốn khuyên răn cái tính phóng túng để thu lấy ngựa của hắn mà thôi. Uyên là kẻ kiêu căng, cậy ở xa mà chống lệnh, đấy là thói thường của rợ Mạch ở nơi xa lánh, há đáng xem là lạ? Ngày xưa nhà Hán cũng từng chú ý theo đuổi người rợ ngoài nước, sai sứ giả đem hàng hóa đi tặng cho người miền Tây Vực, họ dẫu có lúc theo phục nhưng sứ giả lại bị họ làm hại, hàng hóa cũng bị cướp mất, không kể hết được. Nay bệ hạ không nhịn cái giận đùng đùng, muốn vượt biển lớn mà tự giẫm lên đất ấy, bọn thần bàn nghị cho là không yên. Vì sao? Giặc bắc liền tiếp bờ cõi với nước ta, nếu có kẽ hở thì thừa cơ mà đến vậy. Vả lại vượt biển tìm ngựa vốn do từ ý của Uyên, đấy chỉ là tìm cái thuốc chữa trước mắt để trừ cái bệnh ở tim bụng, lại là vứt gốc mà tìm ngọn, bỏ gần mà theo xa. Nổi giận mà đổi phép tắc, nóng nảy mà phát quân, đấy là ý mốn của con hổ dữ, không phải là kế hay của nước Đại Ngô vậy. Theo phép tắc của nhà binh, đem quân đánh nhau, lấy nhàn đợi mỏi, trong lúc được mất, lại càng phải biết điều này. Vả lại bến Đạp cách chỗ Uyên đường đi còn xa; nay đến bờ ấy, thế quân phải chia ba, sai quân khỏe đi đánh, thứ nữa phải giữ thuyền, lại còn chuyển lương, người đi dẫu nhiều nhưng khó mà dùng hết được; lại nữa phải đi bộ mà chở lương, đường xa vào sâu, đất giặc lại nhiều ngựa, gập ghềnh vô thường; nếu Uyên xảo trá, chưa dứt qua lại với giặc bắc thì vào ngày ta phát quân tất răng môi giúp nhau. Còn nếu hắn thực không có chỗ dựa cậy thì tất sợ hãi mà trốn xa, lúc ấy cũng khó mà diệt được. Nếu quân ta ngưng trệ ở bãi bắc thì bọn giặc trong núi lại thừa cơ mà nổi lên, sợ rằng đấy không phải là kế hay vẹn toàn vậy". Quyền không nghe.

Mạo lại dâng sớ rằng: "Binh đao là thứ để đánh dẹp bạo loạn, uy hiếp người rợ ở bốn phương vậy. Nhưng trận này ở thời kẻ gian hùng đã bị trừ, thiên hạ không có việc gì, chỉ nên ung dung trở trên triều đình mà nghe lời bàn nghị mà thôi. Đến như thời Trung Quốc rối loạn, chín cõi tranh giành vẫn phải chờ đợi rễ sâu gốc bền, giữ sức tiếc của, chăm chỉ nuôi dưỡng để đợi kẽ hở của nước địch; nếu chưa đúng vào thời cơ mà bỏ gần đánh xa, đấy là tự phá vỡ quân mình vậy. Ngày xưa Úy Đà phản nghịch, tiếm hiệu xưng Đế, bấy giờ thiên hạ yên ổn, trăm họ no đủ, áo giáp xếp rộng, lương thực chứa đầy, có thể nói là nhiều, nhưng Hán Văn Đế vẫn cho là đánh phương xa không dễ, chỉ nêu oai giễu quân để khuyên dụ mà thôi. Nay kẻ hung nghịch chưa diệt, bờ cõi vẫn có hấn, dẫu có loạn của Xi Vưu-Quỷ Phương thì vẫn nên vỗ về chúng, chớ nên xem việc đánh Uyên là việc đầu. Mong bệ hạ nhịn oai mà dùng kế, tạm dừng sáu quân, bỏ giận mà theo phép để mưu tính về sau, vậy thì thiên hạ may lắm". Quyền lại xem thư của Mạo, khen lời lẽ thẳng thắn, bèn không đi.

Trước đây, người cùng quận của Mạo thường có danh tiếng được phong tước thì tặng cấp cho họ hàng, riêng Mạo cho là không đúng, sau đó quả như lời ấy.

Năm Xích Ô thứ hai, Mạo chết. Con là Hỉ cũng học sách vở, có đức hạnh tốt; vào thời Tôn Hạo làm Tuyển tào thượng thư.

Ngô lục chép: Hỉ tự Văn Trọng, là con thứ hai của Mạo; vào thời Tấn làm Tán kị thường thị. Cháu của Mạo là Diệp, tự Sĩ Quang, làm đến Xa kị tướng quân, Nghi đồng tam ti. Em của Diệp là Ngoạn, tự Sĩ Dao. Tấn Dương thu chép: Ngoạn khí độ nhã nhặn, làm đến Tư không, truy tặng chức Thái úy.

Chú thích:
(1) Tam thự: chỉ ba dinh Ngũ quan, Tả, Hữu, mỗi dinh đều đặt quan Trung lang tướng để trông coi. Châu quận cử hiếu liêm để chọn người vào làm việc ở ba dinh ấy, người năm mươi tuổi trở lên thì cho vào dinh Ngũ quan, dưới thì cho vào hai dinh Tả, Hữu.
(2) Lời bình nguyệt đán: cuối thời Hán, có danh sĩ Hứa Thiệu tự Tử Tương, người quận Nhữ Nam, mỗi khi đến đầu tháng (nguyệt đán) thì lại cùng người trong ấp là Lí Tĩnh bàn luận về đức hạnh của người khác, cho nên người miền Nhữ-Dĩnh (hai quận Nhữ Nam-Dĩnh Xuyên) gọi là lời bình nguyệt đán.
(3) Việc giúp đỡ của Quách Thái: cuối thời Hán có danh sĩ là Quách Thái tự Lâm Tông, người quận Thái Nguyên, học rộng sách vở, có phẩm hạnh, giỏi bàn luận, quan phủ mời gọi nhưng không đến, đóng cửa dạy học, có đến nghìn học trò.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.