Header Ads

Lục Tốn Truyện


Lục Tốn tự Bá Ngôn, người huyện Ngô quận Ngô. Vốn có tên là Nghị, nối đời làm họ lớn của miền Giang Đông.

Lục thị thế tụng viết: Tổ tiên của Tốn là Hu, tự Thúc Bàn, hiền lành lại chăm học, làm Thành môn Hiệu úy. Cha là Tuấn, tự Quý Tài, thật thà chất phác, được họ hàng kính trọng, làm đến Cửu Giang Đô úy.

Tốn thuở nhỏ cô, theo chú họ là Lư Giang Thái thú Khang ở tại sở quan. Viên Thuật có hiềm khích với Khang, muốn đánh Khang, Khanh sai Tốn cùng họ hàng về huyện Ngô. Tốn lớn hơn con Khang là Tích mấy tuổi, cho làm Cương kỉ Môn hộ.

Tôn Quyền làm Tướng quân, bấy giờ Tốn hai mươi mốt tuổi, bắt đầu vào phủ trướng, làm Đông tây tào Lệnh sử, ra làm Hải Xương đồn điền Đô úy, lĩnh hết các việc của huyện.

Lục thị từ đường tượng tán viết: Hải Xương là huyện Diêm Quan ngày nay.

Huyện nhiều năm khô hạn, Tốn mở kho lúa để cứu dân nghèo, khuyến khích làm ruộng, trăm họ được nhờ. Bấy giờ các quận Ngô, Cối Kê, Đan Dương có nhiều giặc ẩn náu. Tốn bày kế nên làm, xin cho đi chiêu mộ. Thủ lĩnh giặc núi ở Cối Kê là Phan Lâm lúc trước gây hại ở quận, nhiều năm không bắt được, Tốn sai quan thuộc tuyển quân, đánh dẹp nơi sâu hiểm, đến đâu đều theo phục, bộ khúc đã có hơn hai nghìn người. Tướng giặc ở huyện Bà Dương là Vưu Đột làm loạn, lại đến đánh hắn, bái làm Định uy Hiệu úy, đóng quân ở Lợi Phố. Quyền đem con gái của anh Sách gả cho Tốn, nhiều lần hỏi việc đời, Tốn bày kế nói: "Ngày nay anh hùng kèn cựa, hổ sói dòm ngó, phá địch dẹp loạn, nếu không dùng quân thì không làm được. Lại thêm giặc núi gây hại, dựa vào nơi sâu hiểm. Tim bụng chưa yên, khó mà mưu việc nơi xa. Nên tăng thêm đội ngũ, chọn lấy quân cứng khỏe". Quyền nghe lời ấy, cho làm Hữu bộ đốc dưới trướng. Gặp lúc tướng giặc ở Đan Dương là Phí Sạn nhận ấn thao của Tào Công, lôi kéo người Sơn Việt, giúp làm nội ứng, Quyền sai Tốn đánh Sạn. Bè đảng của Sạn đông mà quân đến đánh lại ít, Tốn bèn tăng thêm cờ phướn, bày đặt chiêng trống, buổi đem ngầm vào hang núi, gõ trống mà tiến, quân giặc tan vỡ. Rồi chọn quân ở ba quận, kẻ mạnh thì làm lính, kẻ yếu thì cho vào sổ hộ, thu được mấy vạn quân khỏe, dẹp trừ kẻ ác, qua đâu đều yên ổn, về đóng đồn ở Vu Hồ.


Gặp lúc Cối Kê Thái thú Thuần Vu Thức kể việc Tốn chọn bừa người dân, nhiễu loạn ở quận. Sau đó Tốn đến kinh, lại nói khen Thức là quan giỏi, Quyền nói: "Thức xét tội ông mà ông lại tiến cử hắn, vì sao"? Tốn đáp nói: "Ý Thức muốn nuôi dân cho nên xét tội Tốn. Nếu Tốn lại chê Thức để làm loạn tai thánh thì không được hay vậy".

Lữ Mông xưng bệnh về Kiến Nghiệp, Tốn đến gặp Mông, bảo rằng: "Quan Vũ gần cõi, sao lại quay về, sau lưng không chống được là việc đáng lo sao"? Mông nói: "Đúng như lời ông, nhưng ta bệnh nặng". Tốn nói: "Vũ tỏ ý kiêu ngạo, chèn ép người khác. Lập được công lớn, lòng càng phóng túng, nhưng chỉ mưu đánh miền bắc, không ngờ gì ta. Nghe tin ông bệnh tất không phòng bị thêm. Nay ra chỗ hắn không ngờ thì có thể bắt giữ được. Về gặp chúa công, nên bày kế hay". Mông nói: "Vũ vốn dũng mãnh, khó mà địch nổi, lại đã giữ Kinh Châu, ân tín trùm khắp, thêm có công lớn, thế lực thêm mạnh, không dễ đánh vậy". Mông đến kinh, Quyền hỏi rằng: "Người nào thay khanh được"? Mông đáp nói: "Lục Tốn suy nghĩ sâu xa, có tài gánh vác việc lớn, xem mưu lược của hắn, có thể cho giữ chức cao. Lại chưa có tiếng xa, không bị Vũ nghi ngờ, không ai hợp hơn. Nếu dùng hắn, nên sai tự che đậy ở ngoài, xét sửa ở trong rồi mới thắng được". Quyền bèn gọi Tốn về, bái Thiên Tướng quân, Hữu bộ đốc thay Mông.

Tốn đến Lục Khẩu, gửi thư cho Quan Vũ nói: "Lúc trước nhân thấy kẽ hở mà động, đem quân đúng lúc, đánh ít thắng lớn, công lao lớn thay! Nước địch thua vỡ, lợi cho nước bạn, tin mừng vang reo, mong hãy thừa thắng, cùng giúp Nhà vua. Ta kém cỏi không giỏi, được dùng đến miền tây, ngưỡng mộ ánh sáng, thưa với người giỏi". Lại nói: "Bọn Vu Cấm bị bắt, ta ở xa mà hớn hở, cho rằng công lao của Tướng quân đủ để truyền cho nhiều đời, dẫu quân của Tấn Văn Công đánh trận Thành Bộc, mưu của Hoài Âm Hầu phá quân Triệu(1) ngày xưa cũng không hơn được. Nghe nói bọn Từ Hoảng đem ít quân kị đến đóng giữ, dòm ngó cờ trướng. Tào Tháo gian dối, chắc căm giận không ngại khó, e rằng ngầm tăng quân để mưu thỏa lòng. Dẫu ông đã già nhưng vẫn dũng mãnh, vả lại sau trận thắng thường tỏ ý khinh địch, người xưa khuyên rằng quân thắng phải càng cảnh giác. Mong Tướng quân mưu bày kế lớn để giữ trọn trận thắng. Ta là kẻ đọc sách quê kệch, thẹn không gánh vác được việc, nhưng vui nghe oai đức của nước bên, mừng mà tự kính phục, dẫu chưa có kế hợp nhưng vẫn nên giữ ý. Mong liếc mắt nhìn, chú ý xét rõ". Vũ xem thư của Tốn có ý nhún nhường tự gửi gắm, lòng bèn rất vui, không còn nghi ngờ. Tốn tấu báo tình trạng, bày kể kế nên đánh lấy. Quyền liền ngầm đem quân mà đi lên, sai Tốn cùng Lữ Mông làm Tiền bộ, đến liền chiếm Công An, Nam Quận. Tốn đi thẳng, lĩnh chức Nghi Đô Thái thú, bái Phủ biên Tướng quân, phong Hoa Đình Hầu. Nghi Đô Thái thú Phàn Hữu của Bị bỏ quận chạy, trưởng lại các thành cùng tù trưởng của người rợ đều hàng. Tốn xin đem ấn đồng vàng bạc để trao cho những người mới theo hàng. Năm đó là tháng mười một năm Kiến An thứ hai mươi tư vậy.

Tốn sai bọn Tướng quân Lí Dị, Tạ Tinh đem ba nghìn quân đánh tướng Thục là bọn Đam Yến, Trần Phượng. Dị lĩnh quân thủy, Tinh lĩnh quân bộ, chặn giữ chỗ hiểm, liền phá bọn Yến, bắt sống được Phong. Lại đánh Phòng Lăng Thái thú Đặng Phụ, Nam Hương Thái thú Quách Mục, đại phá chúng. Họ lớn huyện Tỉ Quy là bọn Văn Bố, Đặng Khải đem hơn nghìn quân rợ liên kết ở miền tây, Tốn lại sai bộ tướng Tạ Tinh đánh phá Bố, Khải. Bố, Khải chạy thoát, người Thục cho làm tướng, Tốn sai người dụ chúng, Bố đem quân về hàng, trước sau bắt chém và thu nạp đến mấy vạn người. Quyền lấy Tốn làm Hữu Hộ quân, Trấn tây Tướng quân, tiến phong Lâu Hầu.

Ngô thư viết: Quyền khen công đức của Tốn, muốn ban vinh hiển, dẫu làm Thượng Tướng quân, Liệt hầu nhưng vẫn sai trông coi châu cũ, bèn sai Dương Châu Mục là Lữ Phạm đến gọi về làm Biệt giá Tòng sự, cử Mậu tài.

Bấy giờ kẻ sĩ Kinh Châu mới theo về, có người đến làm quan, có kẻ còn chưa làm, Tốn dâng sớ nói: "Ngày xưa Hán Cao Tổ nhận lệnh, mời gọi người tài, Quang Vũ Đế trung hưng, bọn giỏi đều đến, nếu có người nêu cao được đạo hóa thì không kể gần hay xa. Nay Kinh Châu mới định, lòng người chưa vững, thần thường lo lắng, xin ban thêm ân đức kén chọn rộng rãi, lại lệnh cho tự tiến cử, sau đó người bốn cõi nghển cổ mà theo về giáo hóa thôi". Quyền nghe theo lời ấy.

Năm Hoàng Vũ thứ nhất, Lưu Bị đem đại quân hướng đến biên giới phía tây, Quyền sai Tốn làm Đại bộ đốc, Giả tiết, lĩnh năm vạn quân cùng bọn Chu Nhiên, Phan Chương, Tống Khiêm, Hàn Đương, Từ Thịnh, Tiên Vu Đan, Tôn Hoàn chống Bị. Bị đi đường vòng từ Vu Hiệp, Kiến Bình đến đất Di Lăng, dựng mấy chục đồn, đem vàng gấm ban tước dụ dỗ người rợ, sai bọn Tướng quân Phùng Tập làm Đại đốc, Trương Nam làm Tiền bộ, bọn Phụ Khuông, Triệu Dung, Liệu Thuần, Phó Dung làm Biệt đốc, sai Ngô Ban đem mấy nghìn quân dựng đồn ở đất bằng trước, muốn đến dụ đánh. Các tướng đều muốn đánh chúng, Tốn nói: "Đấy tất có mưu lừa, tạm đứng xem".

Ngô thư viết: Các tướng đều muốn đón đánh Bị, Tốn cho là không nên, nói: "Bị đem quân xuống miền đông, khí mạnh đang vững, lại men chỗ cao giữ nơi hiểm, khó mà đánh được, dẫu đánh gấp ngay cũng khó mà thắng hết. Nếu có gì không lợi tất làm tổn hại thế lớn của quân ta, đấy chẳng phải là việc nhỏ đâu. Nay chỉu nên khuyến khích tướng sĩ, bày rõ kế sách, đợi xem sự biến. Nếu chỗ ấy là đất bằng bãi rộng thì sợ có nỗi lo ruổi chạy dẫm đạp. Nay nên men núi mà đem quân đi thì thế giặc không thi triển được, tự sẽ mệt mỏi ở giữa vùng cây núi, thong thả mà ngăn chống giặc mệt mỏi vậy". Các tướng không hiểu, cho rằng Tốn sợ giặc, đều mang ý giận.

Bị biết kế mình không xong, lại dẫn tám nghìn quân ẩn nấp từ trong hang núi đi ra. Tốn nói: "Ta không nghe lời các ông đánh bọn Ban là vì đoán được chúng có kế gian vậy". Tốn dâng sớ nói: "Di Lăng là chỗ yếu hại, là then chốt của nước ta, dẫu là dễ lấy nhưng cũng dễ mất. Nếu mất chỗ ấy thì không chỉ là mất đi một quận mà còn khiến cho miền Kinh Châu sẽ đáng lo. Ngày nay tranh chỗ ấy, việc này tất xong. Bị làm trái phép thường, không giữ hang núi mà lại chia ra tự giữ. Thần dẫu không có tài, nhưng dựa vào oai linh của tổ tiên để đánh dẹp giặc ngược, sắp phá được thôi. Lại thấy Bị trước sau đem quân đi, thua nhiều thắng ít, do đó mà xét, hắn không đủ gây lo lắng. Thần lúc đầu e ngại hắn là vì hắn đem quân thủy bộ cùng tiến, nay lại bỏ thuyền mà đi bộ, đóng trại các chỗ, xét cách sắp đặt của hắn, chắc không có thay đổi. Kính mong bậc chí tôn kê gối cao, không cần lo nghĩ vậy". Các tướng đều nói: "Lúc đầu nên đánh Bị, nay hắn đã vào năm, sáu trăm dặm, kèn cựa dây dưa bảy, tám tháng, bên ấy đã giữ vững các chỗ yếu hại, nếu lại đánh tất không được lợi". Tốn nói: "Bị là người giảo hoạt, trải nghiệm nhiều việc, vả lại quân ấy mới tụ, ta lo quân ấy còn khỏe, cho nên chưa đánh vậy. Nay đến đã lâu, không đánh được ta, quân mỏi kế cùng, chẳng có mưu nữa, phá tan giặc ấy, vào lúc này đây". Bèn sai đánh một đồn trước, không lợi, các tướng đều nói: "Giết uổng quân thôi". Tốn nói: "Ta đã hiểu cách phá được giặc". Lại sai các quân đều nắm một bó cỏ, dùng kế phóng lửa mà đánh. Chốc lát kế thành, liền đem các quân cùng lúc đến đánh, chém đầu bọn Trương Nam, Phùng Tập cùng vua của người rợ là Sa Ma Kha, phá hơn bốn mươi đồn giặc. Tướng của Bị là bọn Đỗ Lộ, Lưu Ninh khốn cùng xin hàng. Bị lên núi Mã Yên, bày binh tự giữ. Tốn đốc lĩnh các quân vây ép bốn phía, quân sĩ vỡ lở, chết đến mấy vạn người, Bị nhân buổi đêm chạy trốn, người ngựa mang cõng, vứt các đồ áo giáp chặn ở sau, chỉ vào được thành Bạch Đế. Các đồ vũ khí thuyền bè, đồ dùng của quân thủy bộ đều bị cướp sạch, thây chết trôi nổi tắc nghẽn dưới sông. Bị rất thẹn giận, nói: "Ta mà bị Tốn làm nhục, há chẳng phải là do trời chăng"!

Lúc đầu, Tôn Hoàn đi riêng đánh quân tiên phong của Bị ở Di Đạo, bị quân Bị vây, xin cứu với Tốn, Tốn nói: "Không được". Các tướng nói: "Tôn An đông là họ hàng của chúa công, bị vây đã gấp, sao lại không cứu"? Tốn nói: "An đông được lòng quân sĩ, thành vững lương đủ, không cần lo lắng. Đợi kế ta thành, chưa đến cứu An đông thì An đông đã tự giải vây rồi". Lúc kế sách đã sắp đặt xong, Bị quả nhiên tan vỡ. Sau đó Hoàn gặp Tốn nói: "Lúc trước thật là ta giận vì không được cứu, đến ngày nay mới biết suy nghĩ tự bày mưu lược vậy".

Vào lúc chống Bị, trong các Tướng quân có người là tướng cũ của Tôn Sách, có người là họ hàng tông thất, đều tự kiêu ngạo, không chịu nghe lệnh. Tốn rút kiếm nói: "Lưu Bị nổi tiếng thiên hạ, Tào Tháo còn sợ, nay đến tại biên giới, đấy là địch mạnh vậy. Các ông đều chịu ân của nhà nước, phải nên hòa mục cùng dẹp tên giặc ấy, trên báo ân vua mà lại không theo lệnh, không nên thế vậy. Ta dẫu là trẻ tuổi, vâng lệnh chủ trên, nhà nước đem các ông sai cùng trông xét việc này là vì ta cũng có chút ít tài giỏi, lại biết nhẫn nhịn chịu nhục vậy. Đều trao việc ấy, há còn từ chối! Phép quân có thường, không được phạm cấm". Đến lúc phá Bị, phần nhiều là kế của Tốn. Quyền nghe tin, nói: "Lúc trước khanh sao lại không báo kể tội trái lệnh của các tướng vậy"? Tốn đáp nói: "Thần chịu ân sâu, việc quá tài năng. Lại vì các tướng có người là tim bụng, có kẻ là nanh vuốt, có ông là công thần, đều là những người sẽ cùng làm nên việc lớn. Thần dẫu hèn kém, vẫn ngưỡng mộ nghĩa nhún nhường nhau của Tương Như, Khấu Tuân(2) để giúp việc nước". Quyền cười lớn khen hay, bái Tốn làm Phụ quốc Tướng quân, lĩnh chức Kinh Châu Mục, lại đổi phong làm Giang Lăng Hầu.

Lại nữa Bị đã vào giữ thành Bạch Đế, bọn Từ Thịnh, Phan Chương, Tống Khiêm đều dâng biểu nói tất bắt được Bị, xin lại đến đánh. Quyền đem việc hỏi Tốn, Tốn cùng Chu Nhiên, Lạc Thống cho rằng Tào Phi tụ hợp quân sĩ, ngoài mượn tiếng là giúp nước đánh Bị, trong thực là có ý gian, xét kĩ kế rồi về. Không lâu, quân Ngụy quả nhiên đi ra, ba phía gặp địch vậy.

Ngô lục viết: Lưu Bị nghe tin quân Ngụy ra đánh, gửi thư cho Tốn rằng: "Nay giặc đã đến tại Giang Lăng, tướng của ta lại đến phía đông, Tướng quân nói xem có được không"? Tốn đáp nói: "Chỉ sợ quân vừa bị phá, vết thương chưa lành, nên cùng kết thân, tạm hãy tu sửa, không rỗi mà động binh nữa vậy. Nếu không tính kĩ mà muốn đem quân vừa bị nghiêng lật đi đường xa đến nữa thì không còn chỗ trốn vậy".

Sau đó Bị bệnh chết, con là Thiện nối ngôi, Gia Cát Lượng nắm việc, liên hòa với Quyền. Bấy giờ việc hợp, Quyền liền sai Tốn bảo với Lượng, cùng khắc ấn của Quyền để trao cho Tốn. Quyền hễ gửi thư cho Thiện, Lượng thường đưa cho Tốn xem qua, nặng nhẹ đáng lo hay có chỗ không ổn liền sai sửa đổi, lấy ấn đóng dấu gửi đi.

Năm thứ bảy, Quyền sai Bà Dương Thái thú Chu Phường lừa quan Đại tư mã của nhà Ngụy là Tào Hưu, Hưu quả nhiên đem quân vào huyện Hoản, lại gọi Tốn đến trao lưỡi búa vàng, bái Đại Đô đốc, đón đánh Hưu.

Lục Cơ khắc văn nói về Tốn rằng: "Đại Tư mã Tào Hưu của nước Ngụy xâm cõi bắc của nước ta, bèn ban cho ông lưỡi búa vàng, đem lĩnh sáu quân cùng trung quân cấm vệ mà nắm giữ việc quân, Nhà vua cầm roi, trăm quan quỳ gối". Ngô lục viết: Ban lưỡi búa vàng cho Tốn, vua Ngô tự tay cầm roi để gặp Tốn.

Hưu đã biết được, thẹn vì bị lừa, nhưng tự cậy vào quân mã đông khỏe, bèn giao chiến. Tốn tự làm trung quân, sai Chu Hoàn, Toàn Tông làm hai cánh tả hữu, ba đường cùng đánh, liền xông vào quân nép phục của Hưu, nhân đó xua đuổi chúng, đuổi chạy về phía bắc, thẳng đến Giáp Thạch, bắt chém hơn vạn người, cướp sạch vạn cỗ xe cùng lừa la ngựa trâu, đồ dùng vũ khí. Hưu về, mọc nhọt trên lưng mà chết. Các quân kéo về qua Vũ Xương, Quyền sai tả hữu đem lọng vua cho Tốn để ra vào cửa điện, ban cho Tốn đều là những đồ vật của vua dùng, bấy giờ chẳng ai sánh được. Lại sai về Tây Lăng.

Năm Hoàng Long thứ nhất, bái Thượng đại Tướng quân, Hữu đô hộ. Năm đó, Quyền đi tuần phía đông đến Kiến Nghiệp, lưu Thái tử, Hoàng tử cùng chín quan Thượng thư ở lại, gọi Tốn về giúp Thái tử, nắm hết việc ba quận Dự Chương và Kinh Châu, coi xét việc quân cả nước. Bấy giờ Kiến Xương Hầu là Lự làm lan can hình đầu vịt ở trước nhà, có vẻ tinh xảo, Tốn nghiêm mặt nói: "Quân hầu mau dỡ bỏ đi. Xạ thanh Hiệu úy Tùng là người gần gũi nhất trong các vị Hoàng tử, đem quân làm trò vui không chịu tu thân, Tốn cắt tóc quan lại của hắn. Người quận Nam Dương là Tạ Cảnh thích bàn về phép tắc dùng hình trước đáp lễ sau của Lưu Dặc, Tốn lại mắng Cảnh rằng: 'Lễ lớn hơn hình đã lâu rồi, Dặc dùng lời lẽ thấp kém mà dối gạt đạo lí của thánh nhân, đều là sai trái vậy. Nay ông hầu Thái tử, phải nên theo việc nhân nghĩa để gây dựng đức hạnh, như lời bàn ấy, không được giảng dạy nữa'".

Tốn dẫu gửi thân ở ngoài nhưng lòng vẫn hướng về triều đình, dâng sớ bày kể việc thời ấy rằng: "Thần cho rằng hình pháp nghiêm ngặt phần nhiều làm hại kẻ dưới. Từ năm trước đến nay, quan tướng mắc tội, dẫu không không thể không phạt, nhưng thiên hạ chưa hợp một, đang mưu đánh lấy, nên ban ân tha lỗi để làm yên lòng người. Vả lại việc đời ngày càng nhiều lên, chọn người tài là việc đầu, từ kẻ gian xấu hay người lỗi khó chịu, vẫn nên cho sửa lại, gắng sức chuộc tội. Đấy là vua sáng quên lỗi ghi công để lập nên nền móng vậy. Ngày xưa Hán Cao Tổ tha lỗi của Trần Bình, dùng tài lại của người đó, rút cuộc lập nên nghiệp lớn, ghi công nghìn năm. Hình pháp nghiêm ngặt không phải là cách Đế Vương dựng nghiệp; có hình phạt mà không có tha thứ không phải là cách vỗ về phương xa vậy".

Quyền muốn sai quân mạnh đánh lấy Di Châu và quận Chu Nhai, đều đem việc hỏi Tốn, Tốn dâng sớ nói: "Kẻ ngu này cho rằng bốn cõi chưa định, đang tu sức dân để giúp việc đời. Nay dấy binh nhiều năm, thấy dân tổn giảm, Bệ hạ suy nghĩ vất vả, quên ăn quên ngủ, muốn đem quân đi xa lấy Di Châu để lập việc lớn. Thần lại nghĩ xét kĩ, chưa thấy lợi đâu, mà vạn dặm đánh lấy, sóng gió khó lường, dân lạ thủy thổ, tất bị bệnh tật. Nay xua quân đi, lội vào đất hoang vắng, muốn ích mà lại tổm, muốn lội mà lại hại vậy. Lại còn quận Chu Nhai ngăn trở, dân như cầm thú, thu được dân ấy không đủ để giúp việc, không có quân ấy không làm cho quân ta yếu kém. Nay quân sĩ Giang Đông tự đủ để mưu việc, chỉ nên nuôi sức trước mà đánh sau thôi. Ngày xưa Hoàn Vương(3) lập nền, quân không một đội mà mở được nghiệp lớn. Do đó Bệ hạ nối nghiệp, mở mang Giang Biểu. Thần nghe nói dẹp loạn đánh phản phải đem quân làm oai, cày ruộng trồng trọt là nghề gốc của dân, vậy mà can qua không ngừng, dân đã có đói rét. Kẻ ngu này cho rằng nên nuôi dưỡng quân dân, nới lỏng tô thuế, hòa thuận với dân, lấy nghĩa để khuyến khích kẻ dũng cảm, như thế miền Hà Vị(4) mới bình được, nghiệp thống nhất đã được chín phần rồi vậy". Quyền bèn đánh Di Châu, không được sửa lỗi.

Gặp lúc Công Tôn Uyên trái ước, Quyền muốn đến đánh, Tốn dâng sớ nói: "Uyên cậy hiểm dựa vững, bắt giữ sứ giả, không dâng ngựa tốt, thực đáng căm giận. Nhưng người mọi rợ xâm phạm Hoa Hạ, chưa theo giáo hóa, ẩn náu nơi xa, chống lại quân vua, khiến cho Bệ hạ nổi giận đùng đùng, muốn đem vạn quân coi thường trôi sông vượt biển mà không nghĩ đến nguy hại khó đoán. Ngày nay thiên hạ nhiễu loạn, bọn anh hùng tranh giành, liếc mắt dòm ngó. Bệ hạ dựa vào cái oai thần vũ, chụp lấy thời cơ, phá Tào Tháo ở Ô Lâm, đánh Lưu Bị ở Tây Lăng, bắt Quan Vũ ở Kinh Châu, ba tên giặc ấy là hào kiệt thời nay, đều bẻ mũi nhọn của chúng. Giáo hóa ban truyền, đến nơi vạn dặm, sắp dẹp yên Hoa Hạ, thống nhất vào một vua. Nay nếu không nhịn cái giận nhỏ mà mà phát cái giận sấm sét thì là trái với cái răn bảo của bậc chí tôn, coi nhẹ cái tôn quý của một nước có vạn cỗ xe vậy. Thần nghe nói người có chí trùm khắp vạn dặm thì không đi được giữa đường thì dừng chân; người mưu chiếm cả bốn cõi thì không giữ ý giận nhỏ để chuốc cái hại lớn. Nay giặc mạnh tại biên giới, miền hoang phục chưa theo về, Bệ hạ sai quân bơi thuyền đi đánh phương xa, bọn giặc tất dòm ngó, dẫn đến lo lắng, lúc đó hối hận cũng không kịp. Nếu việc lớn thành công thì Uyên không cần đánh cũng tự thần phục vậy; nay lại vì tiếc quân và ngựa của miền Đông, sao lại chỉ muốn làm tổn hại đến nghiệp lớn yên dân của miền Giang Đông mà không tiếc sao? Xin dừng sáu quân, chỉ nên ra oai với giặc mạnh, nên dẹp yên Hoa Hạ trước, làm rạng rỡ mai sau". Quyền nghe lời này.

Năm Gia Hòa thứ sáu, Quyền đánh miền bắc, sai Tốn cùng Gia Cát Cẩn đánh Tương Dương. Tốn sai người thân là Hàn Biển đem biểu đến tấu báo, lúc về gặp địch ở Miện Trung, bắt giữ được Biển. Cẩn nghe tin rất lo lắng, gửi thư cho Tốn rằng: "Xe vua đã về, giặc bắt được Hà Biển, biết cả đường đi của quân ta. Vả lại nước sông khô cạn, nên nhanh đi thôi". Tốn chưa đáp, đang sai người trồng rau phúng, cùng các tướng đánh cờ làm vui như thường. Cẩn nói: "Bá Ngôn nhiều mưu trí, đang làm gì chăng"? Tự đến gặp Tốn, Tốn nói: "Giặc biết xe vua đã về, không biết làm gì, lại chuyển sức đánh sang ta. Ta lại đã giữ chỗ yếu hại, quân tướng muốn đánh, lại đã tự định kế để làm yên lòng chúng. Bày đặt kế hay, rồi mới ra đánh. Nay ta tỏ vẻ rút lui, giặc tất bảo ta sợ, tất đến vội vã, đấy là thế tất phá được giặc vậy". Bèn ngầm bày kế với Cẩn, sai Cẩn đem thuyền bè, Tốn đem hết quân mã đi lên hướng đến thành Tương Dương. Địch vốn sợ Tốn, vội vàng vào thành. Cẩn lại dẫn thuyền ra, Tốn thong thả sửa sang đội ngũ, khuếch trương thanh thế, đi bộ lên thuyền, địch không dám đánh. Đem quân đến Bạch Vi, nói dối là đi săn, ngầm sai bọn Tướng quân Chu Tuấn, Trương Lương đánh các huyện Thạch Dương, An Lục, Tân Thị của quận Giang Hạ, huyện Thạch Dương có chợ búa tấp nập, bọn Tuấn chợt đến, người dân đều bỏ hàng hóa mà chạy vào thành. Cửa thành mắc kẹt không đóng được, địch bèn tự giết hại dân mình, rời mới đóng được cửa. Chém đầu bắt sống đến hơn nghìn người.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Tốn lo Quyền đã rút thì quân Ngụy chuyển sức đánh với mình, rồi bèn khuếch trương thanh thế, khiến cho địch không dám đánh, đang đi thuyền thuận dòng, nên không ngừng phòng bị, sao lại còn ngầm sai các tướng đánh úp các huyện nhỏ, làm cho người dân ở chợ búa sợ hãi bỏ chạy, tự làm thương hại? Bắt chém được nghìn người, chưa đủ làm nước Ngụy tổn hại, chỉ làm cho người dân không có tội bị tai vạ chết chóc, so với quân ở nơi bến sông của Gia Cát Cẩn, há khác gì sao! Cái đạo dùng binh của đã sai, lại làm mất phép tắc thì bị bị họa, bổng lộc chẳng truyền được đến ba đời, đến đời cháu thì dứt, đấy là cái vạ để lại vậy!

Những người bị bắt đều cho vào doanh quân, không sai quân sĩ quấy rối xâm lấn. Kẻ đem người nhà đến thì sai người chăm sóc. Kẻ bị lạc mất vợ con liền cấp cho cơm áo, lại thêm an ủi, sai phải đi về, cũng có người cảm kích dắt nhau mà đi theo. Người biên giới yên lòng,

Thần là Tùng Chi cho rằng: Đấy chẳng khác gì làm vỡ lật tổ trên cây mà giữ lại trứng chim, huệ ít ân nhỏ, sao đền bù được cái ác lớn?

bọn Giang Hạ Công tào Triệu Trạc, Dặc Dương Bị tướng Bùi Sinh và vua của người rợ là Mai Di cùng đem phe đảng đến nương dựa Tốn. Tốn cấp tiền lụa, cứu giúp xung quanh.

Lại có Giang Hạ Thái thú Lục Thức lĩnh hết quân mã gây hại biên biên giới nhưng không vốn hợp với tướng cũ miền bắc là con của Văn Sính là Hưu. Tốn nghe tin ấy, liền viết thư dối đáp Thức rằng: "Nhận được thư mà thương xót, biết ông hiềm khích với Hưu đã lâu, hai người chẳng thể cùng sống, muốn đến theo dựa, liền đem thư kín đến báo lên, đem quân đón nghênh. Nên ngầm đi nhanh đến kịp ngày hẹn". Đem thư để trên biên giới, quân của Thức lấy được thư đưa cho Thức xem, Thực sợ hãi, bèn tự đem vợ con về Lạc Dương. Do đó quan lại không còn được thân thiết, Thức bèn bị bãi chức.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Tướng ngoài biên giới gây hại là việc thường thấy, khiến cho Thức mắc tội, nhưng người khác thay cũng như thế. Nếu bên kia chẳng phải giảo quyệt phóng túng sắp gây họa lớn thì cần gì suy nghĩ vất vả, bày ra cái mưu gian kia? Lại cho đấy là hay, lại chẳng phải vậy.

Năm thứ sáu, Trung lang tướng Chu Chi xin chiêu mộ quân dân ở Bà Dương, đem việc hỏi Tốn. Tốn cho rằng dân quận ấy dễ loạn khó yên, không nên cho đi chiêu mộ, sợ rằng dẫn giặc cướp đến. Nhưng Chi vẫn cố bày tỏ xin làm, quả nhiên người trong quận ấy là bọn Ngô Cự làm giặc giết Chi, đánh diệt các huyện, dân ác của các quận Dự Chương, Lư Lăng cùng ứng theo Cự làm cướp. Quyền nghe tin, liền đánh phá được, bọn Cự dắt nhau hàng, Tốn chọn được hơn tám nghìn quân khỏe, ba quận đều bình.

Bấy giờ Trung thư Điển hiệu Lữ Nhất chuyên quyền càn rỡ, ra oai tác phúc, Tốn cùng Thái thường Phan Tuấn cùng lòng lo lắng, nói đến rớt nước mắt. Sau đó Quyền giết Nhất, rất tự trách mình, lời nói tại Tôn Quyền truyện.

Bấy giờ bọn Tạ Uyên, Tạ Hoành đều tấu bày việc nên làm, muốn làm lợi sửa đổi,

Cối Kê điển lục viết: Tạ Uyên tự Hưu Đức, thuở nhỏ tu đức hạnh, chăm chỉ cày bừa mà không buồn chán, lại chẳng lo lắng, do đó mà nổi tiếng. Cử Hiếu liêm, dần dần làm đến Kiến vũ Tướng quân, dẫu tại quân ngũ nhưng vẫn nghĩ đến việc đời. Con của Lạc Thống là Tú bị gièm pha ở triều đình, mọi người đều nghi ngờ, chẳng ai làm rõ được, Uyên nghe tin mà than thở rằng: "Công Tự chết sớm, trăm quan đều thương. Nay nghe nói con hắn có chí lớn hiểu rộng mà bị nói xấu mờ ám, trông xem các quan phán xét rõ ràng, nếu còn nghi ngờ thì ta chẳng mong vậy". Rút cuộc Tú được xét rõ, không có lỗi lầm, rồi trở thành kẻ sĩ nổi tiếng, đấy là do công của Uyên vậy.

Ngô lịch nói tóm lại rằng Tạ Hoành có tài biện bác mưu lược.

đem việc hỏi Tốn, Tốn bàn rằng: "Nước lấy dân làm gốc, mạnh là do sức dân, tiền cũng do dân làm ra. Chưa từng có việc dân giàu mà nước yếu, dân nghèo mà nước mạnh vậy. Cho nên người lập nước, được sức dân thì yên, mất sức dân thì loạn. Nếu không được lợi mà lại sai dốc sức làm, cũng là khó vậy. Cho nên kinh Thi viết rằng: 'Hợp với người dân thì được trời ban lộc'. Xin ban ân đức, vỗ yên trăm họ, lúc đó trong vòng mấy năm, đất nước đầy đủ, rồi mới mưu được".

Năm Xích Ô thứ bảy, thay Cố Ung làm Thặng tướng, hạ chiếu nói: "Trẫm vì không có đức, gặp thời chuyển vận, phép vua chưa thống nhất, kẻ gian ác đầy đường, do đó ngày đêm lo lắng, ngủ không cởi mũ. Nghĩ ông vốn tính thông suốt, đức sáng mưu hay, nắm chức Thượng tướng, giúp nước trừ nạn. Người lập được công hơn đời tất được ban thưởng nhiều lớn; kẻ có tài cả văn võ phải được gánh vác chức cao của xã tắc. Ngày xưa Y Doãn theo dựa vua Thang, Lữ Thượng(5) giúp đỡ nhà Chu, trông coi trong ngoài, như ông thực xứng đáng. Nay lấy ông làm Thặng tướng, Sứ trì tiết, sai Thái thường Phó Thường trao ấn thao. Ông hãy làm rạng đức cao, lập thêm công lớn, kính theo mệnh vua, dẹp yên bốn cõi. Ô hô! Nắm giữ các việc, dạy bảo quan lại, không nên làm sao! Ông hãy gắng sức. Lĩnh chức Châu mục Đô hộ, coi các việc ở Vũ Xương như cũ".

Lúc đầu, hai cung(6) đều thiếu người, nhiều quan lại coi việc trong ngoài sai con em vào hầu. Toàn Tông báo cho Tốn, Tốn cho rằng: "Nếu con em có tài thì không lo không dùng được, nhưng không nên dựa vào đó để mưu cầu vinh lợi; nếu làm không tốt thì rút cuộc lại chuốc lấy tai vạ. Vả lại nghe nói hai cung đấu đá, tất có việc ấy, đấy là điều kị lớn của người xưa vậy". Con Tông là Kí quả nhiên a dua theo Lỗ Vương, dốc lòng giao kết. Tốn gửi thư cho Tông nói: "Ông không noi gương Nhật Đê mà lại để thằng Kí ở đấy, rút cuộc nhà cửa túc hạ dẫn đến họa thôi". Nhưng Tông không nghe, lại còn hiềm khích. Đến lúc Thái tử có lời bàn không yên, Tốn dâng sớ nói: "Thái tử là người nối ngôi chính, nên có chí vững như bàn đá. Lỗ Vương chỉ là phiên thần, nên ban nhiều sủng ái mà thôi, nếu đâu vào đấy thì trên dưới yên ổn. Kính rập đầu chảy máu báo lên". Gửi thư ba, bốn lần, lại xin về kinh, muốn tự miệng bàn về thân phận trưởng, thứ để sửa nắn sai lầm. Nhưng lại không được nghe theo, rồi học trò của Tốn là bọn Cố Đàm, Cố Thặng, Diêu Tín cùng đến theo dựa Thái tử, làm việc sai trái mà bị bắt đi đày. Thái tử Thái phó Ngô Xán bị bắt tội gửi thư qua lại với Tốn, cũng bắt bỏ ngục mà chết. Quyền bèn sai quan Trung sứ đến trách mắng Tốn, do đó Tốn buồn bực mà chết, bấy giờ sáu mươi ba tuổi. Nhà không có của thừa.

Trước đây, Kị Diễm bàn việc dựng doanh phủ, Tốn can ngăn hắn, cho rằng tất gây họa. Lại bảo Gia Cát Khác nói: "Người trên ta, ta phải vâng theo với người đó; người dưới ta thì ta nên giúp đỡ người đó. Nay thấy ông chí lấn lướt cả người trên, ý khinh thường cả người dưới, đấy không phải là cái nền của yên ổn vậy". Lại nữa người quận Quảng Lăng là Dương Lan trẻ tuổi mà đã nổi tiếng, nhưng Tốn nói là hắn tất thua, khuyên anh Lan là Mục nên đem người nhà chia dời đi. Tốn biết trước được như thế. Con trưởng là Diên chết sớm, con thứ là Kháng nối tước. Vào thời Tôn Hưu, truy thụy Tốn là Chiêu Hầu.

Kháng tự Ấu Tiết, là cháu ngoại của Tôn Sách vậy. Lúc Tốn chết, Kháng vừa hai mươi tuổi, bái Kiến vũ Hiệu úy, lĩnh năm nghìn quân của Tốn, đem tang về miền đông, đến kinh tạ ân. Tôn Quyền đem mười việc mà Tốn nói về Dương Lan để hỏi Kháng, lại ngăn cấm tân khách, quan Trung sứ đến báo, Kháng không cần xét hỏi đến họ mà tự đối đáp các việc, ý Quyền dần dần hiểu ra. Năm Xích Ô thứ chín, chuyển làm Lập tiết Trung lang tướng, cùng Gia Cát Khác thay nhau đóng đồn ở Sài Tang. Kháng sắp đi, đều đắp vòng lũy của Hoản Thành, sửa lại tường nhà, trồng thêm cây dâu bên nhà ở, không bị sụt lở. Khác vào đồn, thấy ngăn nắp như mới, mà đồn cũ của Khác ở Sài Tang có vẻ vỡ lở, rất lấy làm thẹn. Năm Thái Nguyên thứ nhất, đến kinh chữa bệnh, bệnh khỏi lại về, Quyền khóc lóc chia tay, nói: "Ta lúc trước nghe lời gièm mà không màng đến nghĩa lớn của cha ngươi, do đó mà đổ lỗi cho ngươi. Nay trước sau xét hỏi, đều đã xóa bỏ, chẳng ai thấy nữa vậy". Năm Kiến Nguyên thứ nhất, bái Phấn vũ Tướng quân. Năm Thái Bình thứ hai, tướng Ngụy là Gia Cát Đản đem quân Thọ Xuân hàng, bái Kháng làm Sài Tang Đốc, đến Thọ Xuân, phá Nha môn tướng, Thiên Tướng quân của nhà Ngụy, chuyển làm Chinh bắc Tướng quân. Năm Vĩnh An thứ hai, bái Trấn quân Tướng quân, trông coi các quân ở Tây Lăng, từ bến Quan Vũ đến thành Bạch Đế. Năm thứ ba, ban Giả tiết. Tôn Hạo lên ngôi, thêm chức Trấn quân Đại Tướng quân, lĩnh chức Ích Châu Mục. Năm Kiến Hành thứ hai, Đại Tư mã Thi Tích chết, bái Kháng trông coi các quân ở Tín Lăng, Tây Lăng, Di Đạo, Lạc Hương, Công An, trị ở Lạc Hương.

Kháng nghe nói chính trị ở kinh đô có nhiều thiếu sót, lo nghĩ sâu sắc, bèn dâng sớ rằng: "Thần nghe nói đức ngang thì nhiều thắng ít, sức ngang thì yên thắng nguy, cho nên sáu nước bị nước Tần mạnh chiếm lấy, người Tây Sở ngoảnh mặt về phía bắc theo Hán Cao Tổ(7) vậy. Nay kẻ địch ngăn chặn chín cõi, không chỉ có đất Quan Hữu; lại còn chiếm giữ chín châu, há chỉ có từ Hồng Câu đến phía tây mà thôi? Nay nhà nước ngoài không có cái cứu viện của nước bạn, trong không có cái mạnh của miền Tây Sở, chính trị suy kém, dân đen chẳng yên, cái mà người bàn dựa chỉ là miền sông dài núi cao, bờ cõi ngăn cách, đấy là cái thứ yếu của việc giữ nước, không phải là cái trước tiên của người có trí vậy. Thần thường nghĩ kĩ cái điềm còn mất của các nước Chiến quốc, gần thì xem xét cái họa sụp đổ của họ Lưu, tra cứu sách vở, theo đó mà làm việc. Nửa đêm vỗ gối, đến bữa quên ăn. Ngày xưa Hung Nô chưa diệt, Khứ Bệnh bỏ nhà; đạo nhà Hán chưa tốt, Giả Sinh thương khóc(8). Huống chi thần là cháu của nhà vua, nối đời nhận ân sủng, thân cùng tốt xấu, cùng buồn với nước, hẹn thề sống chết, nghĩa chẳng sơ qua, ngày đêm lo lắng, nghĩ đến thảm thương. Cái nghĩa thờ vua là dẫu phạm lấn nhưng không lừa dối, cái tiết tháo của bầy tôi là chăm chỉ đến chết mới thôi. Kính bày mười bảy điều nên làm như dưới đây". Mười bảy điều đã lạc mất, cho nên không chép.

Bấy giờ Hà Định chuyên quyền, hoạn quan nắm việc, Kháng dâng sớ rằng: "Thần nghe nói dựng nước lập nhà, chớ dùng kẻ tiểu nhân, nói ngoa làm sai, Đường thư(9) đã răn bảo, đấy là nguyên nhân làm người giỏi oán giận, Trọng Ni than thở vậy. Cái tai vạ từ thời Xuân thu về sau, qua thời Tần, Hán chưa có gì là không do từ kẻ ấy vậy. Kẻ tiểu nhân không rõ đạo lí, hiểu biết nông cạn, dẫu có tình thân dốc hết khí tiết nhưng vẫn không đáng tin dùng, huống chi là kẻ vốn có lòng ác lại yêu ghét dễ đổi sao? Nếu chúng lo mất chức thì không gì không làm. Nay nên trao chức cho người hiểu biết, dựa vào oai làm việc của họ, không nên mong dựa vào cái tiếng hão của Hề Hi, cái đạo hóa của Túc Thanh vậy. Quan lại ngày nay dẫu ít người có tài lạ, nhưng nếu kẻ đội mũ miện, dần dần hiểu đạo hóa, nếu chăm chỉ tự lập, như thế cũng dùng được, nên tùy vào tài năng mà trao chức. Nếu bãi bỏ bọn tiểu nhân thì giáo hóa mới trong sạch, chính trị mới không nhơ bẩn vậy".

Năm Phượng Hoàng thứ nhất, Tây Lăng Đốc là Bộ Xiển chiếm thành làm phản, sai sứ giả hàng nhà Tấn. Kháng nghe tin, hôm đó phân chia các quân, sai bọn Tướng quân Tả Dịch, Ngô Ngạn, Sái Cống đến thẳng Tây Lăng, lệnh quân lập trại dựng lũy vững vàng, rồi từ Xích Khê đến Cố Thị, trong thì vây Xiển, ngoài thì ngăn giặc, ngày đêm đánh gấp như là địch đã đến, quân rất vất vả. Các tướng đều can ngăn nói: "Nay đem hết thế mạnh của ba quân để gấp đánh Xiển, nếu quân Tấn đến, Xiển tất phá vây được. Sao lại cứ vây mà khiến cho sức quân dân mệt mỏi"? Kháng nói: "Chỗ thành này có thế đã vững, lương gạo lại đủ, vả lại thành ấy sắm đủ các đồ phòng giữ, đấy đều có đủ đồ dùng để chống gữa. Nay nếu đem quân đánh thành, tất không làm cho quân thắng trận, lại khiến cho quân bắc kéo đến, đến thì thành ấy không phòng bị, trong ngoài bị nạn, lấy gì mà ngăn được". Các tướng đều muốn đánh Xiển, Kháng đều không cho. Nghi Đô Thái thú Lôi Đàm nói rất khẩn thiết, Kháng muốn cho quân tin phục, bèn cho đánh một trận, quả nhiên đánh không lợi, thành giữ càng chặt. Xa kị Tướng quân Dương Hỗ của nhà Tấn đem quân hướng đến Giang Lăng, các tường đều cho rằng Kháng không nên lên chống, Kháng nói: "Giang Lăng thành vững quân đủ, không cần lo lắng. Nếu để cho địch đánh Giang Lăng, tất không giữ được, nhưng tổn thất lại ít. Nếu để cho Tây Lăng liên kết thì người rợ ở núi Nam Sơn đều sẽ nhiễu động, lúc đó càng lo lắng, khó mà nói hết vậy. Ta nên bỏ Giang Lăng mà đánh Tây Lăng, huống chi Giang Lăng bền vững"? Lúc trước, Giang Lăng bằng phẳng, đường đi thông suốt, Kháng sai Giang Lăng Đốc là Trương Hàm đắp đập lớn chứa nước, chứa nước vào chỗ bằng để ngăn chặn giặc phản. Hỗ muốn nhân có nước chứa ấy mà chèo thuyền chở lương, nói phao lên là sắp phá đập để đi xe đường bộ. Kháng nghe tin, sai Hàm nhanh phá đập. Các tướng đều tiếc, thường can ngăn nhưng không nghe. Hỗ đến Đương Dương, nghe tin đập vỡ, lại bỏ thuyền để dùng xe chở, tốn công hao phí rất nhiều. Nhà Tấn sai Ba Đông Giám quân Từ Dận đem quân thủy đến Kiến Bình, Kinh Châu Thứ sử Dương Triệu đến Tây Lăng. Kháng sai Trương Hàm giữ vững thành ấy; Công An Đốc là Tôn Tuân đi tuần tra bờ nam để chống Hỗ; Thủy quân đốc là Lưu Lự, Trấn tây Tướng quân là Chu Uyển chống Dận; tự mình đem ba quân, dựa vào lũy mà đối trận với Triệu. Tướng quân Chu Kiều, Doanh Đô đốc Du Tán trốn đến chỗ Triệu. Kháng nói: "Tán là quan lại cũ trong quân, biết được thật giả của quân ta, ta thường lo quân rợ vốn không được luyện tập, nếu địch đánh lũy, tất đánh chỗ ấy trước". Liền đêm đó đổi quân rợ, đều lấy tướng giỏi thêm vào. Hôm sau, Triệu quả nhiên đánh chỗ mà quân rợ đóng giữ, Kháng sai đem quân đánh chúng, tên đá như mưa, quân của Triệu chết chồng lên nhau. Triệu vì đã hơn một tháng kế cùng, bèn buổi đêm chạy trốn. Kháng muốn đuổi theo, lại lo Bộ Xiển dốc sức chặn nơi yếu hại, dòm ngó bờ cõi, mà quân lại không đủ chia giữ, do đó chỉ đánh trống xua quân như muốn đuổi theo. Quân của Triệu sợ hãi, đều cởi giáp rút chạy, Kháng sai quân khỏe đuổi theo, quân của Triệu thua vỡ, bọn Hỗ đều dẫn quân về. Kháng lại hãm thành Tây Lăng, giết sạch họ hàng và các quan tướng của Xiển, lại xin tha cho mấy vạn người từ bọn ấy trở xuống. Đắp sửa thành lũy, rồi đến miền đông về Lạc Hương, mặt không có vẻ kiêu căng, khiêm nhường như thường, cho nên lòng quân sĩ vui mừng.

Tấn Dương thu viết: Kháng lập phận Kiều, Trát với Dương Hỗ. Kháng từng tặng rượu cho Hỗ, Hỗ uống mà không nghi ngờ. Kháng có bệnh, Hỗ lại gửi thuốc đến, Kháng cũng yên lòng mà uống. Người bấy giờ cho là Hoa Nguyên, Tử Phản(10) sống lại ngày nay.

Hán Tấn Xuân thu viết: Dương Hỗ đã theo về, tu sửa đức tín để vỗ về người Ngô. Lục Kháng thường báo cho tướng giữ biên rằng: "Bên ấy chăm sửa đức, bên ta hay gây ác, đấy là không đánh mà tự phục vậy. Đều phải giữ biên, không được tìm lấy cái lợi nhỏ vậy". Do đó vùng biên của Ngô, Tấn đều không xâm lấn các đồ lương gạo, ruộng đất thừa, có trâu ngựa chạy rông thì báo rõ để cho dắt về. Người ở vùng sông Miện đi sắn, người Ngô bắt được người Tấn đang bị thương, đều liền giúp chở về. Kháng từng mắc bệnh, xin thuốc với Hỗ, Hỗ làm thuốc trao cho Kháng, nói: "Đấy là thuốc tốt, gần đây tự làm, chưa kịp uống, nhưng ông bệnh nặng, cho nên đưa đến". Kháng nhận lấy mà uống, các tướng đều can ngăn, Kháng không đáp. Tôn Hạo nghe tin hai bên giao hảo, đem việc hỏi Kháng, Kháng nói: "Một ấp một thôn không thể không có một người tín nghĩa, huống chi là nước lớn? Nếu thần không làm thế thì không thể nêu rõ đức hạnh, vả lại Hỗ không có ý làm thần bị thương vậy". Có người cho là Hỗ, Kháng làm mất lễ tiết của bầy tôi, hai người chê giễu người đó. Tập Tạc Xỉ nói: "Người có đạo lí thì được thiên hạ giúp đỡ, người có tín nghĩa thì được vạn người tôn trọng, dẫu nghiệp lớn đã vỡ nhưng tiếng nghĩa vang mãi, dẫu là kẻ gian xảo rong ruổi ở trên đường, quyền biến trùm khắp việc gấp, người thả sức ngang dọc, bọn kẻ nô nộc chăn thả, chưa có ai không dựa vào đó để lập công, chưa có ai bỏ cái đó mà dựng nghiệp được. Cho nên Tấn Văn Công rút lui thì người nước Nguyên vâng lệnh(11); Mục Tử vây nước Cổ mà dốc sức dạy bảo(12); Dã Phu bày kế thì người nước Bỉ theo về (13); Nhạc Nghị hoãn đánh thì tiếng cao còn mãi(14). Xem những người ấy khiến người khác tin phục, há chỉ dùng oai sức và lừa dối nhau mà được chăng! Từ khi ba nhà lập thế chân vạn hơn bốn mươi năm nay, người Ngô không thể vượt sông Hoài, sông Miện mà đánh lấy Trung Quốc, người Trung Quốc cũng không thể qua sông Trường Giang để tranh lợi. Sức đều trí ngang, nhưng đạo lí không đủ để lật đổ nhau vậy. Giết người mà làm lợi ta, không bằng làm lợi ta mà không cần giết; dùng quân để làm hiếp người, không bằng ban đức để vỗ về dân. Kẻ thất phu còn không dùng sức để bắt ép người, huống chi là một nước? Dùng sức để bắt ép vẫn không bằng dùng ân đức, mà huống chi là không bắt ép? Cho nên Dương Hỗ dùng mưu sách hòa bình, lập phép tắc của năm quân, giúp người dân của mình, ban phát ân trạch, nêu cao tín nghĩa để vỗ về người Ngô mạnh, tỏ rõ nhân ái để sửa tục bạo, khiến cho dân chúng nghe theo chạy đến mà không cần đánh ở Giang Biểu. Cho nên đức rất tốt thì dân chúng cõng nhau đến theo, nước ngoài xunh quanh nghe tiếng nghĩa mà giao kết. Nước Ngô tự bị thua là vì không được như thế vậy. Kháng thấy nước nhỏ vua bạo mà nhà Tấn lại có đức sáng, người làm việc tốt để vỗ về mình, mà mình lại không có cái phép tắc giữ nghiệp, trăm họ nhớ theo đức sáng của địch, trong nước không có nỗi lo bỏ vua, do đó giữ vững lòng dân, vỗ yên trong ngoài, dẹp bỏ nguy yếu, Kháng nắm quyền lớn trong nước, chẳng bằng tự thân giữ đạo lí để đòi nhang với nước địch. Khiến cho đức của mình cũng được như nước địch, do đó mà tiếng tốt vang vọng, lan truyền đến nước xung quanh, soi sáng đến phương xa, giữ đức ở trên gối chiếu, mưu ý ở trong màn trướng, phá địch mà không cần dùng sức của quân sĩ, giữ nước mà không cần dựa vào cái vững của sông sâu núi cao, tín nghĩa trùm cả kẻ thù, lòng son hơn cả người xưa. Há đấy là bày mưu gian trá mà gạt bỏ người hiền, giết thân mình để tạo danh tiếng, tham tiền của để làm giàu mình, lén ép lấn người mà không cần phòng bị sao? Do đó mà luận, nếu giúp đời và giữ nước thì phải dốc hết tài đức; theo vận để cứu nguy là việc làm của kẻ tiểu nhân, mưu gian để ngừa người ta là suy nghĩa của bọn nô bộc; ra oai để cầu yên là điều mà bậc sáng suốt cho là kém. Bậc quân tử hiền tài cứu đời lập phép tắc là vì bỏ cái ấy mà lấy cái kia vậy, cũng vì đạo lí của mình tốt đẹp vậy".

Bái thêm chức Đô hộ. Nghe tin Vũ Xương Tả bộ đốc Tiết Oánh bị bắt vào ngục, Kháng dâng sớ nói: "Người tuấn nghĩa là ngọc đẹp của nhà nước, vật quý của xã tắc, là người sửa nắn chính trị, sửa sạch bốn cửa vậy. Đại Tư nông Lâu Huyền, Tán kị Thường thị Vương Phiên, Thiếu phủ Lí Úc ngày trước đều người tuấn nghĩa trên đời, là vật quý của một thời, đã nhận ân sủng, ung dung giữ chức, vậy mà đều bị giết chết, có người bị giết cả người nhà, có kẻ bị đày đến nơi hoăng vắng. Đại khái Chu lễ có nói đến lễ tha người hiền, nghĩa giúp người thiện, kinh Thư viết: 'Giết người không có tội, không nên không theo phép tắc'. Vậy mà bọn Phiên chưa định tội trạng mà lại dùng hình phạt, mang lòng trung nghĩa mà thân bị tội chết, há chẳng đau xót sao! Vả lại hình phạt giết chết ấy nếu không biết rõ thì đốt cháy vứt trôi nổi trên bờ sông đi. Đấy e rằng chẳng phải là phép cũ của Tiên vương cũng không phải là điều mà Phủ Hầu(15) răn giới vậy. Do đó trăm họ lo lắng, quân dân buồn rầu. Phiên, Úc đã chết, hối cũng chẳng kịp. Mong Bệ hạ tha cho bọn Huyền ra. Lại vừa rồi nghe nói Tiết Oánh đã bị bắt giữ. Cha Oánh là Tống tấu biểu cho Tiên đế, lại giúp đỡ Văn Đế, lúc Oánh nối nghiệp, nổi danh trong nước. Nay xét tội của Oánh, cũng nên tha cho. Thần e quan coi việc chưa làm rõ việc mà lại giết chóc thì làm mất lòng trông mong của dân. Xin ban ân lớn, hãy tha tội của Oánh, thương xót đến tù ngục, dẹp bỏ hình pháp rườm rà, như vậy thì thiên hạ may lắm"!

Bấy giờ vẫn điều động quân sĩ, trăm họ mỏi mệt, Kháng dâng sớ nói: "Thần nghe nói rằng kinh Dịch trọng ở việc theo thời, Tả truyện ưa ở việc xem biến, cho nên nhà Hạ mắc nhiều tội thì Ân Thang dùng quân, vua Trụ bạo ngược thì Chu Vũ Vương vung búa. Nếu không theo thời thì đài Ngọc Đài có nỗi lo vỡ lở, bến Mạnh Tân có quân phất cờ nổi dậy. Nay không lo làm nước giàu quân mạnh, không chăm chỉ làm ruộng, không làm cho nghiệp văn võ được thi triển, trăm quan không được tu sửa chức nghiệp, không xét rõ việc bãi truất và cất nhắc để khuyến khích kẻ sĩ, không xét kĩ hình pháp để tỏ ý khuyến khích việc ngăn ngừa tội lỗi, không dùng đức để dạy bảo các quan lại, lại không lấy lòng nhân để vỗ về trăm họ, không muốn thuận trời hợp vận mà cuốn thu thiên hạ, mà lại nghe theo các tướng ưa đánh dẹp, quân khốn võ cùng, tổn phí vạn mối, quân sĩ yếu mệt. Quân giặc không suy kém mà quân ta lại bệnh tật vậy. Nay tranh ngôi Đế Vương, lại tìm cầu cái lợi nhỏ nhoi, đấy là kế kém của tôi thần, không phải là mưu hay của nhà nước vậy. Ngày xưa hai nước Tề, Lỗ đánh ba trận, người nước Lỗ thắng mà không đánh nữa. Sao vậy? Là cái thế lớn nhỏ khác nhau vậy. Huống chi ngày nay quân ta đã thắng mà không sửa bù tổn hại chăng? Vả lại dùng quân thì không còn dân, đấy là tấm gương sáng thời xưa. Thật mong theo phép tắc mà tạm dừng nghỉ việc đánh dẹp để nuôi dưỡng sức dân, ngồi yên xem lỗi sai của địch, thì không gì phải hối tiếc".

Mùa xuân năm thứ hai, liền bái Đại Tư mã, Kinh Châu Mục. Mùa hạ năm thứ ba, bệnh nặng, dâng sớ nói: "Tây Lăng, Kiến Bình là phên dậu của đất nước, đã ở cuối dòng, lại tiếp gần hai châu của địch. Nếu địch chèo thuyền thuận dòng, thuyền bè nghìn dặm, đến như sao rơi điện xẹt, chợt nhiên đi đến, lúc đó không thể cứu giúp các quận để cứu thế nghiêng lật vậy. Chỗ ấy là cái then chốt an nguy của xã tắc, không chỉ là cái hại nhỏ xâm lấn bờ cõi mà thôi. Cha thần là Tốn ngày xưa ở tại miền tây có cho rằng Tây Lăng là cửa ngõ phía tây của đất nước, dẫu nói là dễ giữ nhưng cũng dễ mất. Nếu không giữ được thì không chỉ mất đi một quận mà còn khiến cho nước Ngô ta không có đất Kinh Châu nữa vậy. Nếu đất ấy nguy cấp thì nên dốc hết sức tranh lại. Thần giữ tại Tây Lăng, nối theo gót của Tốn, trước có xin ba vạn quân khỏe, nhưng quân đến thì lại tầm thường, lại chưa chịu sai đến. Từ lúc Bộ Xiển phản về sau, ngày càng tổn hại. Nay thần trông coi một dải đất dài nghìn dặm, chịu địch bốn phía, ngoài thì chống giặc mạnh, trong thì vỗ về bọn người rợ, vậy mà quân sĩ trên dưới chỉ có mấy vạn người, lại mỏi mệt lâu ngày, khó để chống giặc. Kẻ ngu muội này cho rằng Nhà vua nhỏ dại, chưa nắm việc nước, nên tạm trao quyền cho Tể tướng, cất nhắc người hiền tài, không dùng quân mã đánh dẹp nữa để chăm chú vào việc trọng yếu. Lại nữa bọn hoạn quan Hoàng môn làm việc bạo ngược, dân chúng oán giận, chạy trốn lao dịch. Xin hạ chiếu giảm bớt, nhanh chóng bãi bỏ để tu sửa các chỗ chống địch, cấp cho thần đủ được tám vạn quân, dừng nghỉ việc đánh dẹp, làm rõ thưởng phạt, nếu vậy dẫu Hàn, Bạch sống lại cũng không đánh được vậy. Nếu không thêm quân, cách làm cũ không đổi, lại muốn làm xong việc lớn thì đấy là nỗi lo sâu sắc của thần vậy. Nếu sau khi thần chết, xin chú ý phòng bị đến miền tây. Mong Bệ hạ xét kĩ lời thần thì thần chết cũng không mục". Mùa thu bèn chết, con là Yến nói tự. Yến và em là Cảnh, Huyền, Cơ, Vân chia nhau lĩnh quân của Kháng. Yến làm Tì tướng quân, Di Đạo Giám. Năm Thiên Kỉ thứ tư, quân Tấn đánh Ngô, Long tương Tướng quân Vương Tuấn thuận dòng xuống miền đông, đến đâu thắng đó, đúng như nỗi lo của Kháng. Cảnh tự Sĩ Nhân, vì lấy công chúa mà được bái làm Kị Đô úy, phong Bì Lăng Hầu, đã lĩnh quân của Kháng, bái Thiên Tướng quân, Trung Hạ Đốc, dốc sức chăm học, viết sách có mấy chục chương.

Văn sĩ truyện viết: Mẹ Lục Cảnh là con gái của Trương Thặng, là cháu ngoại của Gia Cát Khác. Lúc Khác bị giết, mẹ Cảnh cũng bị đuổi. Cảnh thuở nhỏ được bà nội nuôi dưỡng, lúc bà nội mất, Cảnh đau lòng để tang ba năm.

Ngày nhâm tuất tháng hai, Yến bị quân của Vương Tuấn giết. Ngày quý hợi, Cảnh cũng bị hại, bấy giờ ba mươi mốt tuổi. Vợ Cảnh là chị cả của Tôn Hạo, cùng với Cảnh là cháu ngoại của Trương Thặng vậy. Em Cảnh là Cơ, tự Sĩ Hành, Vân tự Sĩ Long.

Cơ Vân biệt truyện viết: Cuối năm Thái Khang thời nhà Tấn cùng vào Lạc Dương, gặp Tư không Trương Hoa, Hoa gặp lần đầu mà cho là lạ, nói: "Trong trận đánh Ngô, có lợi là bắt được hai người tài này đây". Bèn nêu cao tiếng tăm, tiến cử với các công khanh. Thái phó Dương Tuấn mời Cơ làm Tế tửu, chuyển làm Thái tử Tẩy mã, Thượng thư Trước tác lang. Vân làm Lang trung lệnh của Ngô Vương, rất có tài làm việc, quan dân ghi công, lập đền thờ sống. Sau đó cùng làm quan to. Cơ vốn trong sạch, văn chương hay đẹp, đứng đầu thời ấy. Vân cũng giỏi viết văn, hay đẹp không bằng Cơ nhưng miệng lưỡi biện luận lại hơn. Bấy giờ triều đình nhiều việc, Cơ, Vân cùng liên kết với Thành Đô Vương là Dĩnh. Dĩnh dùng Cơ làm Bình Nguyên Tướng, Vân làm Thanh Hà Nội sử, rồi chuyển Vân làm Hữu Tư mã, rất được tin dùng. Không lâu thì gây hiềm khích với Trường Sa Vương, bèn dấy binh đánh vào Lạc Dương, lấy Cơ làm Hậu Tướng quân, đem hai mươi vạn quân của bọn Vương Túy, Khiên Tú đi đánh, Sĩ Long lại viết bài văn Nam chinh phú để khen việc này. Cơ là người Ngô, lẻ loi ở trọ, sắp đặt làm việc ở bên các quan lại, nhiều người không phục. Cơ đánh trận thường không được lợi, chết vỡ quá nửa. Lúc đầu, hoạn quan là Mạnh Cửu là người mà được Dĩnh sủng ái, nhân đó nắm quyền, Vân nhiều lần kể rõ điểm kém của hắn nhưng Dĩnh không nghe, Cửu do đó mà ghét Vân. Em Cửu là Siêu cũng lĩnh quân chống Cơ, không vâng phép quân. Cơ dùng phép tắc ép buộc, Siêu bèn nói phao là Cơ muốn làm phản. Vừa lúc bọn Khiên Tú cũng gièm Cơ với Dĩnh, cho rằng Cơ mang hai lòng, Cửu lại nói xấu ở trong, Dĩnh tin theo, sai người bắt Cơ và bắt Vân cùng em là Đam, đều bị bắt giết. Anh em Cơ đã là người tài của miền Giang Nam, lại nổi danh ở Hoa Hạ, đều không có tội mà bị giết cả, thiên hạ thương tiếc họ. Văn chương của Cơ được người đời xem trọng, các bài văn mà Vân viết cũng đười truyền cho đời. Lúc trước, Khánh đánh thắng Bộ Xiển, giết cả trẻ con, người biết đạo lo lắng nói: "Đời sau tất gặp tai vạ". Đến lúc Cơ bị giết, ba họ chẳng còn, Tôn Huệ gửi thư cho Chu Đản rằng: "Mã Viện chọn vua là điều mà người đời đều biết, vậy mà không ngờ ba Lục chọn giúp vua ác, thân diệt danh tổn, thật đáng thương xót". Việc này cũng chép trong Tấn thư.

Bình rằng: Lưu Bị xưng hùng trong thiên hạ, một thời bị e sợ. Lục Tốn tuổi trẻ đang khỏe, oai danh chưa rõ, vậy mà đánh thắng Bị, không gì không thỏa chí. Ta đã khen mưu lược của Tốn, lại than cái tài biết dùng người của Quyền, cho nên làm nên việc lớn vậy. Đến khi Tốn trung thành kính xin, lo việc nước mà chết, đại khái là bầy tôi giỏi của xã tắc vậy. Kháng suy tính sáng suốt, đều có phong thái của cha, để tiếng đẹp cho đời, xem xét kĩ càng, có thể nói là người giỏi giữ nghiệp của người trước chăng!

Chú thích:
(1) Quân của Tấn Văn Công thắng trận Thành Bộc, mưu của Hoài Âm Hầu phá quân Triệu: tức thời Xuân thu, Tấn Văn Công đánh bại quân Sở ở Thành Bộc, xưng Bá chư hầu. Thời Hán Sở tranh nhau, Hàn Tín đem quân dựa vào sông Bối mà phá quân Triệu.
(2) Nghĩa nhún nhường nhau của Tương Như, Khấu Tuân: Lạn Tương Như là đại thần của nước Triệu thời Chiến quốc, giỏi biện luận mà được cất nhắc chức cao, Liêm Pha là tướng giỏi cũng ghanh đua, Tương Như nhún nhường, do đó Liêm Pha cảm kích rồi hòa thuận. Khấu Tuân là tướng giỏi thời Hán Quang Vũ Đế, vì giết một tên lính mắc tội của Giả Phục mà Giả Phục mang hận hiềm khích, nhưng Khấu Tuân vẫn giữ ý nhường nhịn, cuối cùng hai người hòa thuận với nhau.
(3) Hoàn Vương: tức Tôn Sách, được truy tặng là Trường Sa Hoàn Vương, cũng gọi là Hoàn Vương.
(4) Miền Hà Vị: tức miền sông Hoàng Hà và sông Vị, ý chỉ Trung Quốc.
(5) Lữ Thượng: tức Khương Tử Nha, làm quân sư cho Chu Vũ Vương đánh vua Trụ mà lập nên nhà Chu.
(6) Hai cung: chỉ cung của Thiên tử và cung Thái tử.
(7) Sáu nước bị nước Tần mạnh chiếm lấy, người Tây Sở ngoảnh mặt về phía bắc theo Hán Cao Tổ: thời Chiến quốc, sáu nước lớn Sở, Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Yên bị nước Tần chiếm lấy. Thời Hán Sở tranh nhau, Tây Sở Bá Vương là Hạng Vũ thua trận, mất nước vào Hán Cao Tổ là Lưu Bang.
(8) Hung Nô chưa diệt, Khứ Bệnh bỏ nhà; đạo nhà Hán chưa tốt, Giả Sinh thương khóc: Hoắc Khứ Bệnh là danh tướng thời Hán Vũ Đế, cùng Tướng quân Vệ Thanh đánh đuổi rợ Hung Nô chạy dài trên thảo nguyên có công, Vũ Đế muốn dựng nhà lớn cho Khứ Bệnh ở, Khứ Bệnh nói: "Hung Nô chưa diệt, chưa cần dựng nhà vậy". Giả Sinh là nhà văn thời Hán Văn Đế, lúc đầu làm Thái phó cho Trường Sa Vương, sau lại làm Thái phó cho Lương Hoài Vương, can gián Văn Đế không nghe, lúc Lương Hoài Vương chết, tự cho là mình chẳng được dùng nữa, tự buồn bực khóc lóc hơn một năm thì chết.
(9) Đường thư: tức chương Nghiêu điển trong sách Thượng thư nói về thời vua Nghiêu, họ Đào Đường.
(10) Hoa Nguyên, Tử Phản: thời Xuân thu, Hoa Nguyên là đại thần của nước Trịnh, Tử Phàn là tướng của nước Sở. Quân Sở vây thành Thương Khâu của nước Trịnh bảy tháng, rất nguy cấp, vua Trịnh là Văn Công sai Hoa Nguyên sang xin hòa, buổi đêm lẻn vào doanh trại của quân Sở, gặp Tử Phản giao hẹn bãi binh.
(11) Tấn Văn Công rút lui thì người nước Nguyên vâng lệnh: thời Xuân thu, Tấn Văn Công đánh nước Nguyên, hạ lệnh nếu đánh ba ngày không thắng thì rút lui ba mươi dặm, bấy giờ nước Nguyên lương hết sức mỏi nhưng vẫn như lệnh mà rút lui, người nước Nguyên thấy Văn Công trọng tín nghĩa mà ra hàng.
(12) Mục Tử vây nước Cổ mà dốc sức dạy bảo: Mục Tử tức Trung Hàng Mục Tử là tướng của Tấn, đi đánh nước Cổ, có người nước Cổ muốn dâng thành hàng, Mục Tử không chịu, cho rằng: "Tướng giữ thành không được hai lòng, phải dốc hết sức đánh chống chứ không được rút hàng. Nếu ta cho quân địch hàng thì chẳng khác nào dạy cho quân mình cũng như thế". Bèn gọi tướng giữ thành ra đánh.
(13) Dã Phu bày kế thì người nước Bỉ theo về: Dã Phu tức Dã Âu Phu, là quan Đại phu của nước Lỗ. Tướng nước Lỗ là Thúc Cung đem quân vây nước Bỉ, không thắng, lại bị thua, đại thần là Quý Bình Tử giận, hạ lệnh nếu gặp người nước Bỉ thì bắt giam. Dã Phu nói: "Không nên. Nếu gặp người nước Bỉ, người rét thì cho áo, người đói thì cho cơm, giúp cả vua của họ, cấp cho người nghèo khó; như thế người nước Bỉ sĩ theo về, họ Nam tự diệt vậy". Quý Bình Tử nghe theo, quả nhiên người nước Bỉ phản họ Nam mà theo hàng nước Lỗ.
(14) Nhạc Nghị hoãn đánh thì tiếng cao còn mãi: Nhạc Nghị là tướng nước Yên đem quân đi đánh nước Tề. Tướng nước Tề là Điền Đan giữ thành Tức Mặc dùng kễ hoãn binh, sai người li gián Nhạc Nghị và vua Yên, do đó vua Yên nghi ngờ mà gọi Nhạc Nghị về, bèn đại phá quân Yên, nổi tiếng chư hầu.
(15) Phủ Hầu: Phủ Hầu là đại thần của Chu Mặc Vương, bấy giờ nhà Chu suy yếu, chư hầu không thần phục, bèn bàn tấu lập hình pháp, ghi rõ ràng đầy đủ các điều mục.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.