Header Ads

Lưu Phức Truyện


Lưu Phức tự Nguyên Dĩnh, người ấp Tương nước Bái. Tránh loạn đến Dương Châu, đầu năm Kiến An, khuyên dụ tướng của Viên Thuật là Thích Kí, Tần Dực đem quân cùng đến chỗ Thái Tổ. Thái Tổ vui mừng, quan Tư đồ(1) gọi làm quan Duyện. Sau có viên Lư Giang Thái thú Lí Thuật mà Tôn Sách sắp đặt đánh giết Dương Châu Thứ sử Nghiêm Tượng; người quận Lư Giang là bọn Mai Càn, Lôi Tự, Trần Lan tụ tập mấy vạn người tại vùng Giang Hoài, phá hại quận huyện; Thái Tổ đang có cái nạn của Viên Thiệu, sai Phức coi việc ở miền đông nam, bèn cho làm Dương Châu Thứ sử.

Phức đã nhận lệnh, đi một ngựa vào sửa thành trống Hợp Phì, lập làm sở trị của châu, vỗ về bọn Tự ở phía nam, đều an ủi chúng, thay nhau cống nạp. Trong mấy năm, ban bố ân tín, trăm họ vui vì việc của Phức, dân phiêu tán trèo núi vượt sông đến theo về đến hàng vạn người. Do đó tụ tập học trò, dựng trường học, mở đồn làm ruộng, đắp sửa bờ đê Thược Bi cùng các bờ đê Như Bi, Thất Môn, Ngô Đường để rót nước vào ruộng lúa, do đó quan dân được cất chứa. Lại đắp thành lũy cao, chất nhiều gỗ đá, lại kết hàng nghìn vạn tấm rơm cỏ, chứa thêm mấy nghìn hộc dầu cá để phòng bị chiến đấu.


Năm Kiến An thứ mười ba thì chết. Tôn Quyền đem mười vạn quân vây đánh thành Hợp Phì hơn trăm ngày, bấy giờ trời mưa liên miên, thành sắp lở, do đó lấy rơm cỏ mà che lấp, đuổi đêm lại đốt dầu cá sáng quắc cả ngoài thành để xem giặc đánh thế nào mà phòng bị, giặc vì thế mà thua chạy. Quân dân Dương Châu thêm ghi nhớ ân của Phức, cho rằng dẫu Đổng An Vu giữ đất Tấn Dương cũng không hơn được vậy. Còn cái lợi của bờ đê, đến nay vẫn dùng.

Con Phức là Tĩnh, giữa năm Hoàng Sơ làm Hoàng môn Thị lang, chuyển làm Lư Giang Thái thú, hạ chiếu nói: "Cha khanh xưa giúp châu ấy, nay khanh lại đến coi quận này, có thể nói là đã gánh lại vác(2) vậy". Chuyển về Hà Nội, đổi làm Thượng thư, ban tước Quan Nội Hầu, lại ra làm Hà Nam Doãn. Tán kị Thường thị Ứng Cừ gửi thư khen Tĩnh nói: "Vào triều thì giúp bày kế sách, ra ngoài thì gánh việc biên thùy. Ngày dài tháng rộng nghĩ thuật giúp dân, bọn rợ phiên dữ tợn cũng phải bỏ ý dòm ngó. Cúng tế năm vị thần(3), dứt được cái hại của nước lụt lửa cháy. Đồ dùng trồng trọt đủ cả, không cái thiếu đói của năm mất mùa. Cái cái dùng của tơ tằm, rơm cỏ, không có cái lo lắng về mưa ngập, điềm lành hẹn đến. Không có quan lại nhũng nhiễu. Nguời góa bụa cô đơn được cấp chẩn đầy đủ. Lại thêm suy nghĩ sáng suốt kín kẽ, coi trọng pháp luật mà không uốn gối; có lòng cùng vâng theo lệnh vua, các nơi xa trăm dặm rủ lòng trông mong. Dẫu Triệu, Trương, ba Vương(4) giúp vua ngày xưa cũng không đủ sánh vậy". Tĩnh làm việc đại khái như thế. Lúc đầu việc làm dẫu có rắc rối, nhưng rút cuộc lại có lợi cho trăm họ, có phong thái của Phức. Vì có tang mẹ mà bỏ chức, sau làm Đại Tư nông Vệ úy. Tiến phong Quảng Lục Đình Hầu, thực ấp ba trăm hộ. Dâng sớ bày tỏ cái gốc của đạo Nho rằng: "Việc học là phép tắc của việc dẹp loạn, là đạo lớn của thánh nhân vậy. Từ năm Hoàng Sơ đến nay, tôn lập đạo học hơn đã hơn hai mươi năm, vậy mà ít có người thành công, đại khái là do quan Bác sĩ (5) coi nhẹ việc chọn lựa, học trò chỉ lo tránh việc lao dịch, các con em nhà cao lại không biết xấu hổ cho đức hạnh của mình, cho nên không có người học. Dẫu có tiếng là tôn đạo học mà không có người tôn đạo học, dẫu có đạo ấy mà không có ai hiểu được cái đạo ấy. Vậy nên chọn quan Bác sĩ có khí tiết cao thượng, dùng người có đức hạnh mà làm tấm gương, cho dạy dỗ người khác, trông coi việc dạy dỗ con em của công khanh. Dựa theo phép cũ, sai các con cháu của các quan lại có bổng lộc từ hai nghìn thạch trở lên, đủ từ mười lăm tuổi đều phải vào trường học. Làm rõ thế nào là vinh hay nhục, bày cách cất nhắc và phế truất; những người kính đạo tu hạnh thì cất nhắc để tôn đức; những kẻ phá đạo hủy nghiệp thì phế truất để trừ ác; nêu việc thiện mà không dạy được thì khuyên bảo, không cấm xa hoa cầu cạnh thì đạo sẽ bị bỏ ngừng vậy. Mở mang đạo lớn để vỗ về kẻ chưa thần phục, khiến cho sáu cõi ngưỡng theo, người phương xa đến chầu, đấy là cái đạo của thánh nhân, cái gốc của chính trị vậy". Sau lại chuyển làm Trấn bắc Tướng quân, ban Giả tiết, trông coi việc quân miền Hà Bắc. Tĩnh cho rằng: "Phép hay thường gặp, chẳng gì hay hơn phòng bị, khiến cho người rợ chia rẽ". Bèn mở rộng việc phòng bị biên giới, đóng giữ nơi hiểm yếu. Lại sửa gò cao, đào kênh dài, đắp đê lớn, dẫn nước rót tưới vào phía nam bắc của huyện Kế; khiến cho việc trồng lúa được dễ dàng, người biên giới được nhờ cái lợi ấy. Năm Gia Bình thứ sáu thì hoăng, truy tặng chức Chinh bắc Tướng quân, tiến phong Kiến Thành Hương Hầu, thụy là Cảnh Hầu. Con là Hi nối tự.

Tấn Dương thu viết: Lưu Hoằng tự Thúc Hòa, là em của Hi vậy. Hoằng cùng tuổi với Tấn Thế Tổ, ở cùng làng, vì có ân bạn cũ mà thường được rạng rỡ. Từ thời Tĩnh đến đời Hoằng, không làm giảm danh tiếng trên đời, lại có tài chính trị. Cuối thời nhà Tây Tấn, Hoằng làm Xa kị Đại Tướng quân Khai phủ, Kinh Châu Thứ sử, ban Giả tiết, trông coi việc quân của các châu Kinh, Giao, Quảng, phong Tân Thành Quận Công. Lúc ở tại miền Giang Hán, gặp buổi tông thất của Nhà vua gặp nhiều nạn, bèn được lệnh trông coi một vùng, dốc hết tài chí. Cảm hóa thuộc hạ, khuyến khích lễ nghĩa, giảm bớt hình phạt, chăm chỉ cấy cày. Hễ có việc quân, tự tay viết hịch trao cho quận huyện, ung dung chậm rãi, cho nên chẳng ai không cảm phục, rong ruổi ngược xuôi, đều nói: "Thấy một bức thư của Lưu Công, người hiền đã mười phần đã nghe theo rồi". Bấy giờ Nhà vua ở tại Trường An, lệnh Hoằng được chọn dùng quan lại. Gọi kẻ sĩ quận Vũ Lăng là Ngũ Triều có đức hạnh cao thượng coi việc, Nha môn tướng Bì Sơ có công ở miền Giang Hán, Hoằng dâng thư tiến cử Triều làm Linh Lăng Thái thú, Sơ làm Tương Dương Thái thú. Hạ chiếu cho rằng Tương Dương là quận lớn, mà tiếng tăm của Sơ lại thấp kém, lấy con rể của Hoằng là Hạ Hầu Trắc làm Tương Dương Thái thú. Hoằng nói: "Người trông coi thiên hạ nên cùng lòng với thiên hạ, người trông coi một nước nên cùng gắng sức với một nước. Ta trông coi mười quận của Kinh Châu, há có mười con rể mới trông coi được sao"? Bèn dâng biểu nói rằng: "Trắc là con rể, theo phép cũ không được coi xét việc này, mà Sơ có công, nên được tin dùng". Hạ chiếu nghe theo, dân thêm phục cách làm ấy. Quảng Hán Thái thú Tân Nhiễm thấy Thiên tử yếu kém, bốn phương rối loạn, đến theo bày kế phản nghịch cho Hoằng, Hoằng giận mà chém đi, người thời ấy chẳng ai không khen ngợi. Tấn chư công tán viết: Bấy giờ thiên hạ dẫu loạn, nhưng Kinh Châu vẫn yên ổn. Hoằng có chí như Lưu Cảnh Thăng giữ gìn miền Giang Hán, không theo dựa Thái phó Tư Mã Việt, Việt rất kính nể Hoằng. Sau đó Hoằng bệnh chết. Con là Phan, làm Bắc trung lang tướng.

Chú thích:
(1) Quan Tư đồ: chỉ Vương Doãn, bấy giờ làm Tư đồ của Hán Hiến Đế.
(2) Đã gánh lại vác: ý nói hai cha con Lưu Phức, Lưu Tĩnh thay nhau gánh vách việc quan ở miền Dương Châu.
(3) Năm vị thần: tức năm vị thần trông coi ngũ hành là mộc, hỏa, kim, thủy, thổ.
(4) Triệu, Trương, ba Vương: Triệu, Trương là Triệu Quảng Hán và Trương Xưởng, ba Vương là Vương Tôn, Vương Chương, Vương Tuấn, đều là những quan lại có tài chính trị thời Hán.
(5) Bác sĩ: chức quan trông coi việc dạy học thời Hán, Tam quốc.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.