Mãn Sủng Truyện
Mãn Sủng tự Bá Ninh, người huyện Xương Ấp quận Sơn Dương. Mười tám tuổi làm Đốc bưu trong quận. Bấy giờ người trong quận là bọn Lí Sóc đều đem bộ khúc đi làm hại đến dân thường, Thái thú sai Sủng xét trị chúng. Bọn Sóc nhận tội, không cướp bóc nữa. Giữ chức Cao Bình Lệnh, người trong huyện là Trương Bao làm Đốc Bưu của quận, tại chức tham lam, làm nhiễu loạn việc quan, Sủng nhân lúc hắn đang ở nhà nghỉ, đem quan quân ra bắt hắn, tránh mắng lỗi mà hắn phạm phải, liền hôm đó xét hỏi, rồi bỏ quan về quê.
Thái Tổ đến Duyện Châu, gọi làm Tòng sự. Đến lúc làm Đại tướng quân, chuyển làm Tây tào thuộc, làm Hứa Lệnh. Bấy giờ Tào Hồng là họ hàng thân cận, có tân khách ở ngoài nhiều lần phạm pháp, Sủng bèn bắt trị tội chúng. Hồng gửi thư xin Sủng, Sủng không nghe. Hồng báo cho Thái Tổ, Thái Tổ gọi người coi việc ở huyện Hứa đến. Sủng biết Thái Tổ muốn tha, liền nhanh giết bọn ấy. Thái Tổ mừng nói: "Việc này không đáng như thế chăng"? Thái úy Dương Bưu trước đây bị bắt giam vào tù trong huyện, bọn Thượng thư lệnh Tuân Úc, Thiếu phủ Khổng Dung đều khuyên Sủng nói: "Chỉ nên dùng lời, chớ dùng hình bức". Sủng đều không đáp một người nào, xét hỏi đúng theo hình pháp. Mấy ngày sau, xin gặp Thái Tổ, nói với Thái Tổ rằng: "Dương Bưu bị xét hỏi mà không có lời cãi khác. Kẻ đáng giết thì phải nêu rõ tội của kẻ đó trước, nhưng người này nổi tiếng trong nước, nếu không làm rõ tội trạng tất làm mất lòng trông mong của dân chúng, làm cho minh công nuối tiếc". Thái Tổ liền hôm đó thả Bưu ra. Lúc đầu, bọn Úc, Dung nghe nói Sủng dùng hình bức Bưu, đều giận, đến lúc Bưu được tha lại khen Sủng.
Thần là Tùng Chi cho rằng: Dương Công ở nhà tu đức, thân là danh thần, dẫu có lúc phóng túng lỗi lầm thì vẫn nên khoan thứ, huống chi dùng hình pháp nặng nề mà lại xét hỏi được vậy? Nếu về lí đáng xét hỏi thì hai vị Tuân, Khổng há lại tùy tiện cùng nhau xin khoan thứ sao? Sủng làm việc ấy là có tấm lòng của quan lại tàn khốc vậy. Dẫu sau đó được khen, nhưng sao cỏi bỏ được tiếng xấu tàn khốc lúc trước?
Bấy giờ Viên Thiệu nổi mạnh ở phía bắc sông Hà(1), mà quận Nhữ Nam là quận gốc của Thiệu, bọn tân khách bạn bè rải khắp các huyện, đem quân tự giữ, Thái Tổ vì vậy mà lo lắng, lấy Sủng làm Nhữ Nam Thái thú. Sủng chiêu mộ được năm trăm người thần phục, đem quân đánh chiếm hơn hai mươi đồn, dụ bọn cừ súy chưa hàng trong số bọn chúng, giết hơn mười người ở trên ghế, một lúc đều yên. Thu được hai vạn hộ dân, hai nghìn quân, sai đến làm ruộng.
Năm Kiến An thứ mười ba, theo Thái Tổ đánh Kinh Châu. Đại quân về, giữ Sủng ở lại làm Phấn uy Tướng quân, đóng quân ở huyện Đương Dương. Tôn Quyền nhiều lần quấy nhiễu miền đông, lại gọi Sủng về làm Nhữ Nam Thái thú, ban tước Quan Nội Hầu. Quan Vũ vây thành Tương Dương, Sủng giúp Chinh nam Tướng quân Tào Nhân đóng quân ở Phàn Thành chống Vũ, mà quân của bọn Tả Tướng quân Vu Cấm vì mưa dầm lâu ngày nước sông dâng cao, bị Vũ diệt. Vũ đánh Phàn Thành gấp, Phàn Thành bị ngập nước, các chỗ vỡ lở, quân sĩ đều mất sắc mặt. Có người bảo Nhân nói: "Ngày nay nguy khốn, không có sức giúp. Nên nhân lúc Vũ vây chưa gấp, buổi đêm chèo thuyền nhẹ mà chạy, dẫu mất thành nhưng vẫn còn thân". Sủng nói: "Nước sông chảy xiết nhưng sẽ không lâu. Nghe nói Vũ đã sai tướng khác đóng quân ở dưới huyện Giáp, từ huyện Hứa về phía nam, trăm họ rối loạn, mà Vũ không dám đến đuổi là vì sợ quân ta chặn mặt sau của hắn thôi. Nay nếu bỏ trốn thì vùng sông Hồng về phía nam không còn thuộc nhà nước nữa; ông nên giữ đợi". Nhân nói: "Hay". Sủng bèn giết ngựa trắng, thề ước cùng quân sĩ. Vừa lúc bọn Từ Hoảng đến cứu, Sủng gắng đánh có công, Vũ bèn rút. Tiến phong An Dương Đình Hầu. Văn Đế lên ngôi Vương, chuyển làm Dương vũ Tướng quân. Có công phá quân Ngô ở Giang Lăng, lại bái làm Phục ba Tướng quân, đóng quân ở Tân Dã. Đại quân đánh phương nam, đến hồ Tinh, Sủng đem các quân đi trước, đối trận cách sông với giặc. Sủng răn các tướng nói: "Đêm nay gió rất mạnh, giặc tất đến đốt quân ta, nên phòng bị chúng".Các quân đều cảnh giác. Nửa đêm, giặc quả đúng sai mười cánh quân lẻn buổi đêm đến đốt lửa. Sủng ém quân đánh phá giặc, tiến phong Nam Hương Hầu. Năm Hoàng Sơ thứ ba, ban tiết việt cho Sủng. Năm thứ năm, bái làm Tiền Tướng quân. Minh Đế lên ngôi Đế, tiến phong Xương Ấp Hầu. Năm Thái Hòa thứ hai, lĩnh chức Dự Châu Thứ sử. Mùa xuân năm thứ ba, người huyện Giáng nói là Ngô phòng giữ nghiêm ngặt, nói phao là muốn đến phía bắc sông Giang săn bắn, Tôn Quyền muốn tự đi. Sủng tính Quyền tất đánh úp huyện Tây Dương, bèn phòng bị chỗ ấy, Quyền nghe tin, rút về. Mùa thu, sai Tào Hưu từ phía nam Lư Giang vào Hợp Phì, sai Sủng đến Hạ Khẩu. Sủng dâng sớ nói: "Tào Hưu dẫu sáng suốt nhưng ít khi dùng binh, nay con đường mà Hưu đi dựa lưng vào hồ, lại bên cạnh sông, dễ đi mà khó rút, đấy là đất lõm của cánh quân ấy. Nếu vào cửa Vô Cường, nên phòng bị cẩn thận". Biểu của Sủng chưa đến, Hưu đã vào sâu. Giặc quả đúng từ cửa Vô Cường cắt đứt hang Giáp Thạch, chặn đường về của Hưu. Hưu đánh không được lợi, rút chạy. Vừa lúc bọn Chu Linh từ phía sau đến chặn đường, gặp nhau với giặc, giặc kinh hãi rút chạy, quân của Hưu mới về được. Năm đó Hưu hoăng, Sủng từ chức Tiền Tướng quân thay Hưu trông coi việc quân của các quận Dương Châu. Quân dân quận Nhữ Nam luyến tiếc, lớn nhỏ dắt nhau đi theo trên đường, không ngăn cấm được. Quân hộ vệ dâng biểu lên muốn giết kẻ đứng đầu trong bọn ấy. Hạ chiếu sai Sủng đem nghìn quân thân cận đi theo, quân còn lại một tên cũng không hỏi tới. Năm thứ tư, bái Sủng làm Chinh đông Tướng quân. Mùa đông năm đó, Tôn Quyền phao tin muốn đến Hợp Phì, Sủng lệnh gọi các quân Duyện Châu, Dự Châu đều tụ tập. Giặc bèn dần dần lui về, hạ chiếu bãi binh. Sủng cho rằng nay giặc phát binh lớn mà lại rút, đấy không phải là ý gốc vậy, tất muốn giả rút để cho quân ta bãi rồi quay lại thừa cơ lúc trống trải, đánh lúc quân ta không phòng bị vậy, do đó lệnh không bãi binh. Hơn mười ngày sau, Quyền quả nhiên quay lại, đến thành Hợp Phì, không thắng mà về. Năm sau đó, tướng Ngô là Tôn Bố sai người đến Dương Châu xin hàng, nói rằng: "Đường xa không tự thân đến được, xin đem quân đến đón". Thứ sử Vương Lăng tin thư của Bố, xin quân mã đón Bố. Sủng cho là tất giả, không cho quân, lại sai Lăng viết thư gửi nói: "Biết được phải trái, muốn tránh họa đón thuận, bỏ ngược bạo theo chính đạo, thật đáng khen ngợi. Nay muốn sai quân đến đón, nhưng vì quân ít thì không đủ để phòng bị, quân nhiều thì việc tất truyền xa. Vả lại giữ kín kế trước để ý muốn được làm xong, tùy lúc mà làm cho vừa hợp". Gặp lúc Sủng nhận thư phải về chầu, răn bảo quan Trưởng sử ở lại nói: "Nếu Lăng muốn đến đón, không được cho quân". Lăng sau đó nhiều lần xin quân không được, bèn tự sai một Đô đốc đem bảy trăm quân kị bộ đến đón Bố. Bố nhân buổi đem lẻn đánh, quan Đô đốc đều chạy, chết hại quá nửa. Lúc trước, Sủng làm việc không hợp với Lăng, bè đảng của Lăng gièm pha Sủng già bệnh lầm lẫn, cho nên Minh Đế mới gọi Sủng về. Đã đến, thấy chí khí cứng cỏi, bèn sai quay lại.
Thế ngữ viết: Vương Lăng dâng biểu nói Sủng tuổi già lại ham rượu, không nên coi việc nơi xa. Đế muốn gọi Sủng về, Cấp sự trung là Quách Mưu nói: "Sủng làm Nhữ Nam Thái thú, Dự Châu Thứ sử hơn hai mươi năm có công to lớn. Đến lúc giữ Hoài Nam, người Ngô sợ Sủng. Nếu không đúng như biểu của Lăng, đấy là bị gièm vậy. Cũng nên lệnh về chầu, hỏi việc ở địa phương để xem xét". Đế nghe theo. Sủng đã đến, vào gặp, uống đến một thạch rượu mà không say. Đế vỗ về Sủng, sai quay lại.
Sủng nhiều lần dâng biểu xin ở lại, hạ chiếu lệnh nói: "Xưa Liêm Pha ăn khỏe, Mã Viện ngồi yên(2), nay ông chưa già mà tự nói là đã già, sao lại làm trái với Liêm, Mã vậy? Lòng trung của người giữ yên được biên giới, đấy là cái ân cho Trung Quốc vậy".
Năm sau, tướng Ngô là Lục Tốn đến Lư Giang, người bàn cho là nên nhanh đến phòng bị. Sủng nói: "Lư Giang dẫu nhỏ nhưng tướng khỏe binh mạnh, giữ được lâu dài. Lại nữa giặc bỏ thuyền cách hai trăm dặm đến đấy, phía sau để trống, vẫn muốn dụ quân ta, nay nên nhân lúc này mà đi đánh, chỉ e chạy không kịp được thôi". Đem quân đến cửa Dương Nghi, giặc nghe tin đại quân xuống phía đông, liền nhân buổi đêm chạy trốn. Bấy giờ Quyền có kế đánh lại. Năm Thanh Long thứ nhất, Sủng dâng sớ nói: "Phía nam thành Hợp Phì liền với sông hồ, phía bắc xa thành Thọ Xuân, nếu giặc đến vây chỗ ấy, nên dựa vào sông mà chống giữ; nếu quân đến cứu, phải phá sau lưng giặc rồi mới giải được vây. Giặc đến rất dễ, mà quân ta đến cứu lại rất khó, nên đem quân vào trong thành, phía tây thành ba mươi dặm có chỗ hiểm nên dựa được, lại đắp thành đề giữ vững, đấy là dẫn giặc vào đất bằng mà chặn đường về của chúng vậy, kế ấy là hay hơn". Hộ quân Tưởng Tế bàn cho rằng: "Đã tỏ vẻ yếu trước thiên hạ, lại đứng xem giặc đốt lủa mà phá thành, đấy là chưa đánh mà tự thua vậy. Còn hơn như thế, bị cướp bóc không kể hết, tất phải về phía bắc sông Hoài mà giữ thôi". Đế chưa theo. Sủng dâng biểu dồn dập nói: "Tôn Tử nói: 'Dùng binh phải lừa dối'. Cho nên có sức mà tỏ vẻ yếu không sức. Lấy lợi để làm địch kiêu căng, tự mình tỏ vẻ sợ hãi. Đấy là tỏ vẻ ngoài như thế mà không phải như thế vậy. Lại nói: "Người giỏi dẫn dụ địch, phải tỏ vẻ ngoài". Nay giặc chưa đến mà dời rút vào thành, đấy gọi là tỏ vẻ ngoài để dụ địch vậy. Dẫn giặc rời sông, chọn lúc lợi mà đánh, ở ngoài đánh được thì ở trong tất được giúp vậy". Thượng thư Triệu Tư cho rằng kế của Sủng là hay, bèn hạ chiếu nghe theo. Năm đó, Quyền tự đi, muốn vây thành mới, vì chỗ ấy xa sông, đợi hai mươi ngày không dám xuống thuyền. Sủng bảo các tướng nói: "Quyền thấy ta dời thành, trong quân tất có kẻ nói lời kiêu ngạo, nay phát quân lớn đến muốn đánh một trận mà lập công, dẫu không dám đến, nhưng tất đem quân lên bờ để diễu oai mạnh". Bèn ngầm sai sáu nghìn quân bộ kị nấp phục ở ngoài thành Hợp Phì để đợi giặc. Quyền quả đúng đem quân lên bờ diễu oai, quân sĩ nấp phục của Sủng cùng xông ra đánh, chém mấy trăm thủ cấp, có kẻ rơi xuống nước chết. Năm sau, Quyền tự đem mười vạn quân đến Tân Thành của thành Hợp Phì. Sủng đi nhanh đến cứu, chiêu mộ mấy chục tráng sĩ, chặt gỗ thông làm đuốc, lấy dầu bôi lên, từ đầu nguồn gió phóng lửa, đốt chiến cụ của giặc, bắn chết con em của Quyền là Tôn Thái. Do đó giặc rút về. Mùa xuân năm thứ ba, Quyền sai mấy nghìn nhà quân làm ruộng ở phía bắc sông. Đến tháng tám, Sủng cho rằng lúa ruộng sắp chín, trai gái ra đồng, quân phòng vệ của giặc có kẻ rời thành mấy trăm dặm, đánh lén được vậy. Sai Trưởng sử đem ba quân men theo phía đông sông mà xuống, đánh phá các trại, đốt cháy thóc lúa rồi về. Hạ chiếu khen Sủng, nhân đó đem hết các đồ thu được của giặc thưởng cho tướng sĩ.
Năm Cảnh Sơ thứ hai, thấy Sủng tuổi già bèn gọi về, chuyển làm Thái úy. Sủng không vun vén tiền của, trong nhà không có của thừa. Hạ chiếu nói: "Ông coi việc quân ở ngoài, dốc lòng nghĩ việc công, có phong thái của Hành Phủ, Sái Tôn(3). Ban cho mười khoảnh ruộng, năm trăm hộc gạo, hai mươi vạn đồng tiền, để biểu dương tiết tháo trung thành tiết kiệm". Sủng trước sau được tặng ấp, cả thảy có chín nghìn sáu trăm hộ, phong hai người con cháu làm Đình hầu. Năm Chính Thủy thứ ba thì hoăng, thụy là Cảnh Hầu. Con là Vĩ nối tự. Vĩ có đức hạnh mà nổi tiếng, làm quan đến chức Vệ úy.
Thế ngữ viết: Vĩ tự Công Hoành, có phong thái của Sủng, hai mươi tư tuổi làm Đại Tướng quân duyện. Vào thời nạn Cao Quý Hương Công(4), theo chức phận giữ cửa cung điện của Nhà vua, em của Tư Mã Văn Vương là An Dương Đình Hầu tên là Hàn muốn vào. Vợ của Hàn là em gái của Vĩ vậy. Trường Vũ bảo Hàn nói: "Cửa ấy gần, Công sắp đến, không có người vào, nên theo cửa phía đông". Hàn bèn nghe theo. Văn Vương hỏi Hàn vào sao chậm vậy, Hàn nói nguyên nhân. Tham quân Vương Tiện không vào được, giận lắm. Rồi Tiện vì tả hữu của Văn Vương là Khải Vương, Mãn Duyện chặn cửa không cho người vào trong, bị xét tội. Ở trận Thọ Xuân, Vĩ theo Văn Vương đến đất Hứa, bị bệnh không đi, cho con đi theo, xin về nhà chữa bệnh, việc xong lại theo về, do đó bị Văn Vương giận. Bắt Trường Vũ xét hỏi đánh đến chết, Vĩ được tha, giáng làm dân thường. Bấy giờ người đời cho là oan uổng. Con em của Vĩ là Phấn, giữa năm Nguyên Khang thời nhà Tấn làm đến chức Thượng thư lệnh, Tư lệ Hiệu úy. Sủng, Vĩ, Trường Vũ, Phấn đều có thân cao tám thước. Kí Châu kí của Tuân Xước viết: Tính Phấn điềm tĩnh, tiết kiệm. Tấn chư công tán viết: Tính Phấn rộng rãi nhã nhặn, có phong thái của Sủng vậy.
Chú thích:
(1) Sông Hà: tức sông Hoàng Hà.
(2) Liêm Pha ăn khỏe, Mã Viện ngồi yên: Liêm Pha là tướng nước Triệu thời Chiến quốc, vua Triệu muốn dùng làm tướng chống quân Tần, vì lo Liên Pha tuổi già nên sai sứ đến thử xem, Liêm Pha bèn ăn một đấu gạo, mười cân thịt trong một bữa, rồi mặc áo giáp lên ngựa chạy mấy vòng để tỏ rõ còn khoẻ mạnh. Mã Viện là tướng nhà Hán, người Man ở Ngũ Khê làm loạn, Mã Viện bấy giờ đã già nhưng vẫn xin đi đánh, vua Hán sai thử, bèn lấy ngồi yên ngựa nắm cương mà cưỡi để tỏ rõ mình còn khỏe mạnh. Đều là những tướng già ham đánh trận lập công thời xưa.
(3) Hành Phủ, Sái Tôn: Hành Phủ tức Quý Văn Tử, đại thần nước Lỗ thời Xuân thu, cẩn thận tiết kiệm. Sái Tôn là đại tướng thời Hán, lập nhiều công lao, cẩn thận tiết kiệm, nhà không có của thừa.
(4) Cao Quý Hương Công: tức Tào Mao, bấy giờ Tư Mã Văn Vương nắm chính sự, Tào Mao mưu diệt thế lực của họ Tư Mã, việc lộ, bị giết.
Post a Comment