Phan Tuấn Truyện
Phan Tuấn tự Thặng Minh, người huyện Hán Thọ quận Vũ Lăng. Thời trẻ theo Tống Trọng Tử chịu học(1).
Ngô thư viết: Tuấn là người thông minh, hỏi đáp có lí lẽ, người huyện Sơn Dương là Vương Tang gặp mà quý trọng Tuấn. Do đó được biết tên, làm quan Công tào trong quận.
Chưa đầy ba mươi tổi, Kinh Châu Mục là Lưu Biểu gọi đến làm Giang Hạ Tòng sự. Bấy giờ quan Sa Tiện Trưởng tham ô không chịu sửa, Tuấn kể tội mà giết đi, cả quận chấn động. Sau làm Tương Hương Lệnh, trị dân rất có tiếng. Lưu Bị lĩnh Kinh Châu, lấy Tuấn làm Trị trung Tòng sự. Bị vào Thục, ở lại giúp việc tại Kinh Châu.
Tôn Quyền giết Quan Vũ, thu lấy Kinh Châu, bái Tuấn làm Phụ quân Trung lang tướng, trao cho quân sĩ.
Giang Biểu truyện viết: Quyền chiếm Kinh Châu, quan tướng đều theo về cả, nhưng riêng Tuấn cáo bệnh không gặp. Quyền sai người đến bên giường dùng kiệu đưa đi, Tuấn cúi mặt vào giường chiếu không chịu dậy, nước mắt đầm đìa, nức nở không tự yên được. Quyền vỗ về cùng nói chuyện, gọi tên chữ của Tuấn rằng: "Thặng Minh, ngày xưa có Quán Đinh Phụ(2) là tù binh ấp Nhược mà Vũ Vươngcho làm Quân sư; Bành Trọng Sảng(3) là tù binh nước Thân mà Văn Vương cho làm Lệnh doãn. Hai người ấy là người hiền thời trước ở đất Kinh của khanh vậy, lúc đầu dẫu bị bắt nhưng sau đó đều được chọn dùng, làm danh thần của nước Sở. Chỉ có khanh không cho là phải, chưa có ý chịu hàng, chọn cách khác lại với ý của người xưa chăng"? Sai người thân cận lấy khăn tay lau mặt Tuấn, do đó Tuấn đứng dậy rụp xuống đất bái tạ. Liền cho làm Trị trung, các việc quân của Kinh Châu đều hỏi Tuấn. Quan Vũ Lăng Tòng sự là Phàn Trụ dụ dẫn người Di, mưu đem quận Vũ Lăng theo Lưu Bị, người ngoài tấu lên xin đem vạn quân đến đánh hắn. Quyền không nghe, gọi riêng Tuấn đến hỏi, Tuấn nói: "Đem năm nghìn quân đến, đủ để bắt được Trụ". Quyền nói: "Khanh có khinh địch chăng"? Tuấn nói: "Trụ là người gốc ở quận Nam Dương, lại hay làm bừa nói bậy mà không có tài biện luận. Thần biết được người ấy là vì Trụ từng bày hội yến với người trong châu, sắp đến giữa ngày, ăn không hết được, có hơn mười người tự đứng dậy, đấy cũng chỉ là khí tiết của bọn thấp kém thôi". Quyền cười lớn mà theo lời Tuấn, liền sai Tuấn đem năm nghìn quân đến, quả nhiên phá chém được Trụ.
Chuyển làm Phấn uy Tướng quân, phong Thường Thiên Đình Hầu.
Ngô thư viết: Nhuế Huyền chết, Tuấn lĩnh hết quân của Huyền, đóng đồn ở Hạ Khẩu. Huyền tự Văn Biểu, người quận Đan Dương. Cha là Chỉ, tự Tuyên Tự, theo Tôn Kiên đánh dẹp có công, Kiên cử Chỉ làm Cửu Giang Thái thú, sau đó chuyển đến Ngô Quận, có tiếng tăm ở đấy. Anh Huyền là Lương, tự Văn Loan, theo Tôn Sách bình định miền Giang Đông, Sách cho làm Cối Kê Đông bộ Đô úy, lúc chết, Huyền lĩnh quân của Lương, bái Phấn vũ Trung lang tướng, xét công phong Lật Dương Hầu. Quyền giúp con là Đăng kén chọn gái hiền, bầy tôi đều khen cha Huyền là Chỉ, anh là Lương đều có đức nghĩa, tài cả văn vũ, nổi danh ba đời, cho nên bèn lấy con gái của Huyền làm vợ vậy. Năm Hoàng Vũ thứ năm thì chết, Quyền rất thương tiếc Huyền.
Quyền xưng tôn hiệu, bái làm Thiếu phủ, tiến phong Lưu Dương Hầu.
Giang Biểu truyện viết: Quyền thích đi bắn chim, Tuấn can Quyền, Quyền nói: "Sau khi xa ngươi, thường ít khi ra bắn chim, không còn nhiều như lúc trước nữa". Tuấn nói: "Thiên hạ chưa định, việc công còn nhiều, bắn chim không phải là việc cần gấp, nếu dây cung đứt mũi tên gãy thì đều có thể gây hại, xin vì thần mà xếp dừng việc này". Tuấn đi ra, thấy lọng lông chim vẫn ở đấy, bèn tự tay vặt xé đi, do đó Quyền tự dừng, không còn bắn chim nữa.
Chuyển làm Thái thường. Người mọi rợ vùng Ngũ Khê(4) liên kết làm phản, Quyền ban Giả tiết cho Tuấn, đem các quân đi đánh. Người tin cậy tất thưởng, không được phạm phép cấm, chém đầu bắt sống đến mấy vạn người, từ đấy người rợ suy yếu, một vùng yên ổn.
Ngô thư viết: Phiếu kị Tướng quân Bộ Chất đóng đồn ở Ẩu Khẩu, xin chiêu mộ người các quận để tăng quân. Quyền do đó hỏi Tuấn, Tuấn nói: "Tướng khỏe ở trong dân, ưa loạn gây hại, như Chất lại có danh tiếng, ở đấy được yêu mến, không nên nghe theo". Quyền theo lời. Trung lang tướng người quận Dự Chương là Từ Tông là kẻ sĩ có danh tiếng, từng đến kinh sư giao kết với Khổng Dung, nhưng là nhà Nho càn rỡ, cho bộ khúc phóng túng, không vâng phép cấm, giúp chúng làm nhà cao, Tuần bèn chém đi. Tuấn vâng phép cấm không e dè lời bàn riêng, đều đại loại như thế. Người theo hàng là Ẩn Phiên(5) vì có tài biện luận mà được hào kiệt thân gần, con Tuấn là Chứ cùng Chu Tòan cũng đi theo, đưa tặng tiền của hắn. Tuấn nghe tin cả giận, gửi thư mắng Chứ nói: "Ta chịu ân dày của nhà nước, có chí lấy cả mạng sống mà báo đền, các ngươi ở tại kinh sư, đáng phải cung kính, thân người hiền theo kẻ tốt, sao lại kết bạn với bọn xin hàng, lại tặng tiền của cho chúng? Ta ở xa nghe tin, lòng giận mặt nóng, buồn bực suốt tuần nay. Thư đến, phải nhanh chịu đánh trăm gậy của sứ giả, lấy lại tiền của đã tặng". Người thời ấy đều cho là lạ, rồi Phiên quả đúng mưu phản bị giết, mọi người mới chịu phục.
Giang Biểu truyện viết: Bấy giờ anh vợ Tuấn người quận Linh Lăng là Tưởng Uyển làm Đại tướng quân của nước Thục, có người gièm Tuấn cho Vũ Lăng Thái thú Vệ Tinh, nói là Tuấn ngầm sai người qua lại với Uyển, muốn có kế tự dựa vào Uyển. Tinh đem việc này báo cho Quyền, Quyền nói: "Thặng Minh không phải như thế". Liền đóng kín thư của Tinh để cho Tuấn biết, rồi gọi Tinh về, bãi chức quan.
Lúc trước, Tuấn và Lục Tốn cùng đóng đồn ở Vũ Xương, trông coi việc quân, được làm chức cũ. Bấy giờ Hiệu úy Lữ Nhất nắm quyền làm bừa, tấu kể tội bọn Chưng tướng Cố Ung, Tả tướng quân Chu Cứ, đều bị ngăn chặn. Hoàng môn Thị lang Tạ Hoành gạn hỏi Nhất rằng: "Cố Công làm việc thế nào"? Nhất đáp: "Không được tốt". Hoành lại hỏi rằng: "Nếu người ấy bị bãi quan, ai thay người ấy được"? Nhất không đáp Hoành, Hoành lại nói: "Sao không dùng Phan Thái thường thay được"? Nhất hồi lâu đáp rằng: "Lời ông tin được vậy". Hoành khuyên nói: "Phan Thái thường luôn ganh chống với ông, chỉ vì đường xa mà không có cơ hội thôi. Nếu ngày nay Tuấn thay Cố Công, e rằng ngày sau lại gạt đẩy ông vậy". Nhất cả sợ, bèn thôi bàn việc của Ung. Tuấn xin về chầu, đến Kiến Nghiệp, muốn dốc sức can gián. Lúc đến, nghe tin Thái tử Đăng đã nhiều lần nói mà không được nghe theo, Tuấn bèn xin lệnh của trăm quan, muốn nhân đó mà cầm đao giết Nhất, muốn tự mình làm việc ấy, giúp nước trừ họa. Nhất ngầm nghe biết, xưng bệnh không đi, Tuấn hễ đến gặp, không lúc nào không nói về cái gian hiểm của Nhất. Do đó Nhất càng ít được sủng ái, sau đó bèn bị giết. Quyền kể tội trách mình, nhân đó tạ lỗi với đại thần, lời này tại 《Tôn Quyền truyện》.
Năm Xích Ô thứ hai, Tuấn chết, con là Chứ nối tự. Con gái Tuấn lấy Kiến Xương Hầu Tôn Lự.
Ngô thư viết: Chứ tự Văn Long, bái Kị Đô úy, sau đó thay cha lĩnh quân, chết sớm. Em Chứ là Bí, Quyền lấy con gái của chị là Trần Thị gả cho Bí, bái làm Tương Hương Lệnh.
Tương Dương kí viết: Người quận Tương Dương là Tập Ôn làm Kinh Châu Đại công bình. Đại công bình là chức Châu Đô đốc ngày nay vậy. Bí có tài biện luận hơn Ôn, hỏi nói: "Cha ta ngày trước nói quân hầu đáng làm quan Nghị chủ trong châu, nay đúng là như thế, sao quân hầu không xét trong châu ai sẽ lại thay được"? Ôn nói: "Không ai hơn được ông". Sau đó Bí làm Thượng thư Bộc xạ, thay Ôn làm Đại công bình, rất được người trong châu khen ngợi.
Chú thích:
(1) Tống Trọng Tử: tức Tống Trung tự Trọng Tử, người quận Nam Dương, bấy giờ làm quan thuộc của Kinh Châu Mục là Lưu Biểu.
(2) Quán Đinh Phụ: là người ấp Nhược thời Xuân thu, lúc vua Vũ Vương của nước Sở đánh ấp Nhược, bắt làm tù binh, sau dùng làm Quân sư.
(3) Bành Trọng Sảng: là người nước Thân thời Xuân thu, lúc vua Văn Vương của nước Sở đánh nước Thân, bắt làm tù binh, sau dùng làm Lệnh doãn.
(4) Người mọi rợ vùng Ngũ Khê: tức các dân tộc thiểu số ở vùng có 'năm dòng suối' ở quận Vũ Lăng. Theo Thủy kinh chú, quận Vũ Lăng có năm dòng suối là Hùng Khê, Mãn Khê, Dậu Khê, Vũ Khê, Thìn Khê.
(5) Ẩn Phiên: người Thanh Châu của nước Ngụy, sau đó hàng nước Ngô, lại phản Ngô, bị giết.
Post a Comment