Header Ads

Quách Hoài Truyện


Quách Hoài tự Bá Tế, người huyện Dương Khúc quận Thái Nguyên.

Xét Quách thị phả viết: Ông tổ của Hoài là Toàn, làm Đại Tư nông; cha là Ôn, làm Nhạn Môn Thái thú.

Giữa năm Kiến An cử Hiếu liêm, cho làm Bình Nguyên Phủ thừa. Lúc Văn Đế làm Ngũ quan tướng, làm Môn hạ Tặc tào(1), lại chuyển làm Thừa tướng Binh tào nghị Lệnh sử, theo đi đánh Hán Trung. Thái Tổ về, giữ Chinh tây Tướng quân Hạ Hầu Uyên ở lại chống Lưu Bị, lấy Hoài làm Tư mã của Uyên. Uyên đánh với Bị, bấy giờ Hoài mắc bệnh không đi. Uyên bị hại, trong quân rối loạn, Hoài thu gom quân sĩ tản mát, bầu Đãng khấu Tướng quân Trương Cáp làm tướng quân, các trại mới yên. Ngày hôm sau, Bị muốn vượt sông Hán đến đánh. Các tướng bàn rằng quân mình ít khó địch, vả lại Bị đang thừa thắng, bèn muốn dựa vào sông bày trận để chống. Hoài nói: “Đấy là tỏ cái yếu và không đủ sức để chống địch, kế sai vậy. Không bằng rời xa sông bày trận, dụ địch đi đến, nửa quân qua sông rồi quay lại đánh, mới phá được Bị”. Bày trận xong, Bị nghi ngờ, không vượt sông, Hoài bèn giữ vững, tỏ ý không muốn rút quân về. Kể tình trạng báo lên, Thái Tổ khen kế ấy, ban Giả tiết cho Cáp, lại lấy Hoài làm Tư mã. Văn Đế lên ngôi Vương, ban tước Quan nội hầu, chuyển làm Trấn tây Tướng quân, lại giữ chức Chinh Khương Hộ quân, giúp Tả Tướng quân Trương Cáp, Quán quân Tướng quân Dương Thu đánh giặc núi là bọn người Hồ làm phản ở Trịnh Cam, Lô Thủy, đều phá bình chúng. Quan Trung mới định, dân được yên ổn làm việc.

Năm Hoàng Sơ thứ nhất, vâng lệnh về chúc mừng Văn Đế lên ngôi, mà trên đường bị bệnh, cho nên gần xa phải chờ đợi. Lúc bầy tôi dự hội vui vẻ, Đế nghiêm mặt trách Hoài nói: “Ngày xưa vua Vũ hội chư hầu ở Đồ Sơn, Phòng Phong đến muộn, bị xử tội chết. Nay thiên hạ cùng đến chúc mừng mà khanh đến muộn nhất, sao vậy”? Hoài đáp nói: “Thần nghe nói Ngũ Đế lấy đức để dạy dỗ dân, chính sự của nhà Hạ Hậu(2) suy kém mới dùng hình phạt. Nay thần gặp được thời Đường Ngu(3), cho nên tự biết rằng được tha tội chết của Phòng Phong vậy”. Đế khen lời này, cho làm Ung Châu Thứ sử, phong Xạ Dương Đình Hầu. Giữ chức năm năm, cừ súy người Khương huyện An Định là Tích Phiếm làm phản, đánh phá bắt hàng hắn. Hễ người Khương, người Hồ đến hàng, Hoài liền sai người thăm hỏi người thân, bao nhiêu trai gái, năm tuổi già trẻ của họ trước; cho nên lúc gặp, nói một hai điều ấy cho họ nghe, hỏi han cặn kẽ, họ đều khen là thần minh.

Năm Thái Hòa thứ hai, Thừa tướng Thục là Gia Cát Lượng ra Kì Sơn, sai Tướng quân Mã Tắc đến Nhai Đình, sai Cao Tường đóng quân ở thành Liệt Liễu. Trương Cáp đánh Tắc, Hoài đánh trại của Tường, đều phá được. Lại phá thủ lĩnh người Khương quận Lũng Tây là Đường Phiếm ở Bào Hãn, bái thêm chức Kiến uy Tướng quân. Năm thứ năm, quân Thục lại ra Lỗ Thành, bấy giờ miền Lũng Hữu không có lúa, mọi người bàn muốn chở lương từ miền Quan Trung đến, Hoài lấy ân uy vỗ về người Khương, Hồ, khiến cho họ đem lúa ra, giúp việc chuyển chở được yên, lương quân đủ dùng, chuyển làm Dương vũ Tướng quân. Năm Thanh Long thứ hai, Gia Cát Lượng ra hang Tà Cốc, lại làm ruộng ở vùng Lan Khanh, bấy giờ Tư Mã Tuyên Vương đóng quân ở bờ nam sông Vị; Hoài tính Lượng tất tranh bãi Bắc Nguyên, nên chiếm lấy trước, nhiều người bàn là không nên. Hoài nói: “Nếu Lượng vượt sông Vị lên bãi, đóng quân liên tiếp ở Bắc Sơn, chặn ngang đường Lũng Đạo, vỗ về người Di, đấy không phải là điều lợi của nhà nước vậy”. Tuyên Vương khen lời ấy, Hoài bèn đóng quân ở bãi Bắc Nguyên, đắp lũy chưa xong, đại quân Thục đã kéo đến, Hoài đón đánh chúng. Mấy ngày sau, Lượng đem nhiều quân đi về phía tây, các tướng đều cho rằng Lượng muốn đánh lũy phía tây, riêng Hoài cho rằng Lượng tỏ vẻ đến phía tây, muốn khiến cho quan quân kéo đến ứng cứu chỗ ấy, tất muốn đánh bờ bắc sông mà thôi. Buổi đêm ấy, quả đúng Lượng đánh bờ bắc sông, nhưng có phòng bị nên không lên bờ được.

Năm Chính Thủy thứ nhất, tướng Thục là Khương Duy ra Lũng Tây. Hoài liền tiến quân, đuổi đến Cường Trung, Duy rút chạy, bèn đánh người Khương là bọn Mê Đương, vỗ về hơn ba nghìn người Đê ở huyện Nhu, dời đến mở mang miền Quan Trung. Chuyển làm Tả Tướng quân. Người Hồ theo đạo Hưu Đồ(4) ở Lương Châu là bọn Lương Nguyên Bích đem hơn hai nghìn nhà của bộ lạc mình đến nương nhờ ở Ung Châu, Hoài tấu xin sai họ đến ở tại ấp An Bình của huyện An Định, làm dân giữ biên ải, sau nhân đó đặt chức Tây Châu Đô úy. Chuyển làm Tiền Tướng quân, trông coi châu như cũ.

Năm thứ năm, Hạ Hầu Huyền đánh Thục, Hoài đem các quân làm tiên phong. Hoài tính thế không được lợi, liền rút quân về, cho nên không bị thua to. Về, ban Giả tiết cho Hoài. Năm thứ tám, người Khương ở Lũng Tây, Nam An, Kim Thành, Tây Bình là bọn Ngạ Hà, Thiêu Qua, Nga Già liên kết với nhau làm phản, vây đánh thành ấp, phía nam mời gọi quân Thục, thủ lĩnh người Hồ ở Lương Châu là Trị Vô Đái cùng ứng theo chúng. Thảo Thục Hộ quân Hạ Hầu Bá đem các quân đóng trại ở Vi Sí. Hoài đem quân vừa đến Địch Đạo, các tướng bàn rằng nên đánh chiếm Bào Hãn trước, trong dẹp người Khương ác, ngoài bẻ gãy mưu của giặc. Hoài tính Duy tất đến đánh Bá, bèn vào Phong Trung, về phía nam để đón Bá. Quả đúng Duy đánh Vi Sí, kịp lúc quân của Hoài vừa đến, Duy rút về. Đến đánh người Khương phản loạn, chém Ngạ Hà, Thiều Qua, hơn vạn nhà hàng phục. Năm thứ chín, bọn Già Tắc đóng quân ở thành cũ Hà Quan, Bạch Thổ, dựa vào sông để chống quan quân. Hoài vờ đến đầu nguồn, ngầm đem quân xuôi xuống chiếm thành Bạch Thổ, đánh, đại phá chúng. Trị Vô Đái vây Vũ Uy, để người nhà ở tại Tây Hải. Hoài đem quân hãm Tây Hải, muốn bắt lấy người nhà của hắn, vừa gặp Trị Vô Đái quay về, đánh với nhau ở phía bắc huyện Long Di, phá đuổi hắn. Sai đem hết giặc ác đến ở tại phía tây núi Thạch Đầu, đang trên đường đi thì dừng lại, ngăn chặn sứ giả của Nhà vua, Hoài quay về đánh, đại phá chúng. Khương Duy ra Thạch Doanh, từ Cường Xuyên đi về phía tây đón Trị Vô Đái, để Âm Bình Thái thú Liêu Hóa đắp thành ở núi Thành Trùng, thu nạp quân Khương bị phá về giữ ở đấy. Hoài muốn chia quân đi đánh lấy. Các tướng cho rằng quân của Duy đến phía tây liên kết với người Hồ mạnh, mà quân của Hóa lại giữ chỗ hiểm, nếu chia quân giữ hai bên, thế quân sẽ bị yếu, đi không ngăn được Duy, lui không chống được Hóa, là kế sai vậy, không bằng hợp lại cùng đi về phía tây, nhân lúc người Hồ, Thục chưa liên kết, ngăn chặn trong ngoài của chúng, đấy là phá thế giao kết của giặc vậy. Hoài nói: “Nay đến đánh lấy quân của Hóa, ra chỗ giặc không ngờ, Duy tất ngoảnh lại cứu. Nếu Duy tự đến, đủ để dẹp được quân của Hóa, lại khiến cho Duy chạy đi vất vả. Như thế quân ta không cần phải đi xa về phía tây mà thế giao kết với người Hồ của giặc tự phá, là kế một lần đánh mà vẹn toàn hai việc”. Rồi sai riêng bọn Hạ Hầu Bá đuổi Duy ở Đạp Trung, Hoài tự đem các quân đến đánh bọn Hóa. Duy quả nhiên đi nhanh về cứu Hóa, đều như kế của Hoài. Tiến phong Đô Hương Hầu.

Năm Gia Bình thứ nhất, chuyển làm Chinh tây Tướng quân, đô đốc việc quân của miền Ung, Lương. Năm đó, cùng bày kế với Ung Châu Thứ sử Trần Thái, bắt hàng bọn Nha môn tướng Câu An của Thục ở Sí Thượng. Năm thứ hai, hạ chiếu nói: “Xưa có trận Hán Xuyên, gần như bị nghiêng lật. Hoài xông vào nơi nguy khốn để cứu nạn, ghi công vào Vương phủ(5). Ở tại Quan Hữu hơn ba mươi năm, ngoài đánh dẹp giặc cướp, trong vỗ về người Di. Từ đó đến nay, đập tan Liêu Hóa, bắt giữ Câu An, công lao sáng rõ, trẫm rất khen ngợi. Nay lấy Hoài làm Xa kị Tướng quân, Nghi đồng Tam ti, Trì tiết, Đô đốc như cũ”. Tiến phong Dương Khúc Hầu, thực ấp có hai nghìn bảy trăm tám mươi hộ, chia ba trăm hộ phong một người con làm Đình Hầu.

Thế ngữ viết: Vợ Hoài là em gái Vương Lăng. Lăng bị giết, em gái phải bị tội theo, quan Ngự sử đến bắt, quan Đốc tướng cùng mấy nghìn cừ súy người Khương, Hồ rập đầu xin Hoài dâng biểu xin giữ vợ ở lại, Hoài không nghe. Vợ bị bắt đi trên đường, chẳng ai không khóc lóc, người người níu tay, muốn cướp giữ lại. Năm con của Hoài rập đầu chảy máu xin Hoài, Hoài không nỡ đứng nhìn, bèn sai tả hữu theo vợ. Do đó mấy nghìn quân kị đuổi theo, mấy ngày sau mới đưa về. Hoài gửi thư cho Tư Mã Tuyên Vương nói: “Năm người con thương mẹ, chẳng ai tiếc thân mình; nếu không còn mẹ thì không còn năm người con, cũng không còn Hoài nữa. Nay liền đuổi theo đem về, nếu chẳng hợp với luật pháp thì đáng bị chủ phạt tội, sẽ đến hầu đợi phạt tội”. Thư đến, Tuyên Vương cũng tha cho.

Năm Chính Nguyên thứ hai, hoăng, truy tặng chức Đại Tướng quân, thụy là Trinh Hầu. Con là Thống nối tự. Thống làm đến Kinh Châu Thứ sử, hoăng, con là Chính nối tự. Giữa năm Hàm Hi, lập ra năm bậc tước(6), vì Hoài có công với triều trước, đổi phong làm Phần Dương Tử.

Tấn chư công tán viết: Em Hoài là Phối, tự Trọng Nam, có tiếng tăm, làm đến Thành Dương Thái thú. Bùi Tú, Giả Sung đều làm rể của Phối. Con là Triển, tự Thái Thư, có chí khí tài năng, làm qua các chức có công lao sáng rõ, cuối cùng làm Thái phó. Em thứ là Dự, tự Thái Ninh, làm Tướng quốc Tham quân, cũng nổi tiếng, chết sớm. Con gái gả cho Vương Diễn. Em Phối là Trấn, tự Quý Nam, làm Yết giả Bộc xạ. Con Trấn là Dịch, tự Thái Nghiệp. Khải sự của Sơn Đào khen Dịch trong sạch cao thượng, làm qua các chức Ung Châu Thứ sử, Thượng thư.

Bình nói: Mãn Sủng thẳng thắng cứng cỏi, dũng mà có mưu. Điền Dự giữ thân trong sạch, mưu lược sáng suốt. Khiên Chiêu mạnh mẽ giữ nghĩa, uy phong hiện rõ. Quách Hoài bày kế tinh tường, bao trùm miền Tần, Ung. Nhưng Dự làm quan chỉ ở châu nhỏ, Chiêu cuối cùng làm chức Quận thú, chưa dùng hết tài của họ vậy.

Chú thích:
(1) Môn hạ Tặc tào: chức quan đặt ra từ thời Tây Hán, đến thời Tam quốc vẫn dùng, trông coi bọn giặc cướp.
(2) Hạ Hậu: chỉ vua Vũ lập ra nhà Hạ, còn gọi là họ Hạ Hậu.
(3) Đường Ngu: Đường tức Đào Đường, họ vua Nghiêu; Ngu tức Hữu Ngu, họ của vua Thuấn. Thời Đường Ngu là thời thiên hạ yên ổn.
(4) Đạo Hưu Đồ: sách xưa nói là đạo Phù Đồ, tức đạo Phật.
(5) Ghi công vào Vương phủ: ý nói ghi công vào sử sách trong phủ của Nhà vua.
(6) Năm bậc tước: tức năm bậc tước là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.