Header Ads

Tân Bì Truyện


Tân Bì (1) tự Tá Trị, người huyện Dương Trạch (2) quận Dĩnh Xuyên. Tổ tiên của Bì vào giữa năm Kiến Vũ từ quận Lũng Tây dời đến miền đông. Bì theo anh là Bình đi theo Viên Thiệu. Thái Tổ làm Tư không, gọi Bì, Bì không đến nghe lệnh được. Đến lúc Viên Thượng đánh anh là Đàm ở quận Bình Nguyên, Đàm sai Bì đến chỗ Thái Tổ xin hòa.

Anh hùng kí viết: "Đàm, Thượng đánh ở cửa ngoài, quân Đàm thua chạy về miền bắc. Quách Đồ khuyên Đàm nói: 'Nay Tướng quân nước nhỏ binh ít, lương hết thế yếu, Hiển Phủ (3) đến đánh, lâu ngày khó mà chống nổi. Kẻ ngu này cho rằng nên gọi Tào Công đến đánh Hiển Phủ. Tào Công đến, tất đánh đất Nghiệp trước, Hiển Phủ phải về cứu. Tướng quân dẫn quân về phía tây, từ đất Nghiệp lên phía bắc đều có thể đánh lấy được. Nếu quân của Hiển Phủ phá, quân của hắn chạy trốn, thì có thể thu lấy để chống Tào Công. Tào Công từ xa lại ở trọ, lương thảo không liền, tất tự bỏ chạy. Nếu đến lúc đó, từ nước Triệu lên phía bắc đều bị ta chiếm lấy, cũng đủ để chống với Tào Công vậy. Nếu không thì không xong'. Đàm lúc đầu không nghe, sau lại nghe theo. Hỏi Đồ nói: 'Sai ai đi'? Đồ đáp nói: 'Tân Tá Trị đi được'. Đàm bèn sai Bì đến chỗ Thái Tổ".

Thái Tổ sắp đánh Kinh Châu, đến ở quận Tây Bình. Bì gặp Thái Tổ báo ý của Đàm. Thái Tổ cả mừng. Mấy ngày sau, lại muốn bình Kinh Châu trước, khiến cho Đàm, Thượng tự đánh nhau. Ngày sau bày rượu, Bì nhìn mặt Thái Tổ, biết có đổi, nói với Quách Gia. Gia nói với Thái Tổ, Thái Tổ bảo Bì nói: "Đàm đáng tin không? Thượng chắc thắng được không"? Bì đáp nói: "Minh công không cần hỏi tín hay giả vậy, chỉ nên bàn về thế lực của họ thôi. Họ Viên vốn là anh em đánh nhau, không phải người khác xen được vào giữa họ mà là thiên hạ có thể định được ở tại mình vậy. Nay một sớm xin cứu với minh công, xem thế là biết được. Hiển Phủ thấy Hiển Tư (4) khốn mà không đánh lấy được, sức hắn đã kiệt rồi. Quân sĩ bị thua ở ngoài, mưu sĩ bị giết ở trong, anh em hiềm nghi, nước chia thành hai; nhiều năm đánh nhau, lại giáp trụ sinh chấy rận, có thêm châu chấu, đói kém vừa đến, nước không có kho lúa, đi không mang lương, họa đến từ trên trời, khốn đến từ dưới người, dân dẫu là kẻ ngu dốt cũng đều biết đất đai vỡ lở, đấy là lúc trời diệt Thượng vậy. Binh pháp có nói: 'Có thành đá ao lầy trăm vạn quân mặc giáp mà không có lương thì không giữ được'. Nay đến đánh đất Nghiệp, nếu Thượng không về cứu, tức không tự giữ được. Về cứu, tức Đàm chặn ở sau. Đem cái uy của minh công để chống kẻ địch khốn cùng, phá quan giặc mỏi mệt, không cần gió giật mạnh để cuốn lá mùa thu vậy. Trời đem Viên Thượng cho minh công, minh công không lấy mà đánh Kinh Châu. Kinh Châu đầy đủ, nước không có loạn. Trọng Hôi có nói: 'Nhân loạn mà đánh nước sắp mất'. Nay đang lúc hai Viên (5) không lo việc xa mà bên trong tự đánh nhau, có thể nói là loạn vậy; người ở không có ăn, người đi không có lương, có thể nói là sắp mất vậy. Buổi sớm không mưu lúc tối, mạng dân chẳng sống yên, mà chẳng vỗ về, muốn đợi đến năm khác; nếu năm khác được mùa, lại tự biết sắp mất mà tu sửa đức hạnh, làm mất cái cốt yếu của việc dùng binh. Nay nhân lúc Đàm xin cứu mà vỗ về hắn, lợi nào lớn hơn? Vả lại giặc của bốn phương, chẳng ai lớn hơn giặc vùng Hà Bắc; nếu vùng Hà Bắc bình thì sáu quân thịnh mà thiên hạ rúng động vậy". Thái Tổ nói: "Hay". Bèn hứa hòa với Đàm, đến ở huyện Lê Dương. Năm sau đánh đất Nghiệp, chiếm lấy được, bái Bì làm Nghị lang.


Lâu sau, Thái Tổ sai Đô hộ Tào Hồng bình huyện Hạ Biện, sai Bì cùng Tào Hưu đi theo, lệnh nói: "Xưa Cao Tổ tham tiền ham gái mà bọn Trương Lương, Trần Bình uốn nắn cái lỗi của Cao Tổ. Nay Tá Trị, Văn Liệt là người giỏi không được coi thường vậy. Quân về, làm Thừa tướng Trưởng sử.

Văn Đế lên ngôi, chuyển làm Thị trung, ban tước Quan Nội Hầu. Bấy giờ bàn đổi chính sóc (6). Bì cho rằng: "Nhà Ngụy nối dòng của vua Thuấn, vua Vũ, thuận trời theo dân; đến như vua Thang, vua Vũ (7) lấy can qua mà định thiên hạ còn đổi chính sóc. Khổng Tử nói: 'Lịch của nhà Hạ'. Tả thị truyện viết: 'Lịch nhà Hạ đúng với lịch của trời'. Sao phải làm trái nhau". Đế mừng mà nghe theo.

Đế muốn dời mười vạn hộ nhà kẻ sĩ vùng Kí Châu đến ở vùng Hà Nam. Bấy giờ có châu chấu liên tiếp, dân đói, bầy tôi cho là không nên, nhưng ý Đế rất quyết. Bì và bầy tôi cùng xin gặp, Đế biết họ muốn can, nghiêm mặt để gặp họ, chẳng ai dám nói. Bì nói: "Vệ hạ muốn dời nhà kẻ sĩ, kế này thế nào"? Đế nói: "Khanh bảo ta dời là sai sao"? Bì nói: "Đúng cho là sai vậy". Đế nói: "Ta không thể cùng khanh bàn bạc". Bì nói: "Bệ hạ không cho thần là kẻ không có tài, cho làm tả hữu, ở bên làm quan bày mưu, há lại không cùng thần bàn việc được sao! Lời mà thần nói không phải là vì việc riêng, mà là lo nghĩ cho xã tắc vậy, sao lại giận thần"! Đế không đáp, dậy vào trong; Tỉ đi theo mà dẫn vạt áo của Đế, Đế lại giơ áo không quay lại, rất lâu sau mới ra, nói: "Tá Trị, sao khanh đợi ta lâu vậy"? Bì nói: "Nay dời là làm mất lòng dân, lại không có gì được". Đế bèn dời một nửa trong số đó. Từng theo Đế đi bắn chim trĩ, Đế nói: "Bắn chim trĩ vui thay"! Bì nói: "Đối với Bệ hạ thì rất vui, đối với bầy tôi thì rất khổ". Đế ngấm ngẩm, sau đó bèn ít ra đi săn.

Thượng Đại Tướng quân Tào Chân đánh Chu Nhiên ở Giang Lăng, Bì làm Quân sư. Về, phong Quảng Bình Đình Hầu. Đế muốn đem đại quân đánh Ngô, Bì can nói: "Dân vùng Ngô, Sở, trắc trở mà khó trị, đạo hưng thì phục sau, đạo suy thì phản trước, từ xưa đã có rồi, không phải đến nay. Nay Bệ hạ đã có Trung Nguyên, những kẻ không thần phục, há được lâu sao? Xưa Úy Đà xưng Đế, Tử Dương tiếm hiệu, năm tháng chẳng mấy, có kẻ thần phục có kẻ bị diệt. Vì sao? Đạo trái ngược thì không yên lâu mà đức lớn thì không có chỗ nào là không phục vậy. Nay thiên hạ mới định, đất rộng dân thưa. Mưu tính nơi trình đình rồi mới đem quan đi, khi vào trận còn sợ, huống chi mưu tính nơi triều đình lại ít mà muốn dùng quân thì thần thực chưa thấy được cái lợi. Tiên đế thường đem quân mạnh, đến sông Giang mà quay về. Nay sáu quân không mạnh hơn trước, nếu lại theo việc cũ, đấy không dễ vậy. Tính kế ngày nay, chẳng bằng sửa kế nuôi dân của Phạm Lãi, học kế hay của Quản Trọng, theo kế đóng quân làm ruộng của Triệu Doãn Quốc, làm rõ chính sách vỗ về phương xa của Trọng Ni; trong vòng mười năm, khỏe mạnh chưa già, tuổi trẻ hăng hái, triệu dân biết nghĩa, tướng sĩ dũng mãnh, rồi mới dùng quân, thì sai đi không cần cân nhắc vậy". Đế nói: "Như ý khanh, lại đem giặc cho con cháu sao"? Bì đáp nói: "Xưa Chu Văn Vương đem vua Trụ cho Vũ Vương, đấy là biết thời vậy. Nếu thời chưa được, nên dừng đi chăng"! Đế cuối cùng đánh Ngô, đến sông Giang mà về.

Minh Đế lên ngôi, tiến phong Dĩnh Hương Hầu, thực ấp ba trăm hộ. Bấy giờ Trung thư giám Lưu Phóng, Trung thư lệnh Tôn Tư được vua tin dùng, xử đoán chính trị, đại thần chẳng ai không kết giao, nhưng Bì không cùng qua lại. Con Bì là Xưởng can nói: "Nay Lưu, Tôn xét việc, mọi người đều hùa theo, đại nhân nên tỏ ý nhún nhường, ngồi cùng hòa hợp; nếu không tất có lời chê bai". Bì nghiêm mặt nói: "Vua trên dẫu chưa gọi là sáng suốt nhưng không u tối. Ta lập thân tự có gốc ngọn. Nếu không cùng yên với Lưu, Tôn, chẳng qua cũng khiến ta không làm đến bậc Tam công mà thôi, có gì nguy hại đâu? Há là đại trượng phu muốn làm Tam công mà làm hỏng tiết tháo cao đẹp sao". Cùng theo quan Bộc xạ đều cầm biểu nói: "Thượng thư Bộc xạ Vương Tư là quan cũ chăm chỉ, nhưng sự trung thành và mưu kế không bằng Bì, Bì nên thay Tư". Đế cho là có ý chê bai bọn Phóng, Tư, bọn Phóng, Tư đáp nói: "Bệ hạ dùng Tư, đấy là muốn lấy được tài năng của hắn, không quý ở tiếng tăm sáo rỗng vậy. Bì đúng là tốt đẹp nhưng tính cứng cỏi mà chuyên chú, nay thánh thượng nên xét kĩ vậy". Cuối cùng không dùng. Ra làm Vệ úy.

Đế đang sửa cung điện, trăm họ khổ sở, Bì dâng sớ nói: "Nghe trộm rằng Gia Cát Lượng giảng vũ luyện quân, mà Tôn Quyền lại mua ngựa ở Liêu Đông, xét ý của chúng, có lẽ muốn giúp đỡ nhau. Phòng bị thì không lo gì, đấy là kế hay của thời trước. Vậy mà nay dựng cung điện lớn, lại thêm nhiều năm lúa gạo không thu gặt được. Kinh Thi viết: 'Dân đã khổ sở, nên cho yên vui, ban ân Trung Quốc, vỗ về bốn phương'. Mong Bệ hạ nghĩ kế cho xã tắc". Đế báo nói: "Hai tên giặc chưa diệt mà sửa cung thất, đây là lúc kẻ can thẳng lập danh. Như đô của Đế Vương phải để dân cùng xây dựng, khiến cho đời sau không cần phải xây lại, đấy là bắt chước kế lớn của Tiêu Hà giúp nhà Hán vậy. Nay khanh là bầy tôi trọng yếu của nhà Ngụy, cũng nên tỏ ý nghe theo". Đế lại muốn san bằng đồng cỏ miền bắc, lệnh ở trên đó làm đài quán, muốn làm bến Mạnh Tân. Bì can nói: "Tính của trờ đất là cao cao thấp thấp, nay lại muốn làm trái, đã sai lí lẽ, lại tổn phí sức người, dân không gánh nổi. Vả lại chín sông chảy xiết, nước lớn gây hại, vậy mà đều dẹp bằng gò đống, lấy gì mà ngăn được"? Đế mới thôi.

Ngụy lược viết: "Gia Cát Lượng vây Kì Sơn, không thắng, dẫn quân về. Trương Cáp đuổi theo, bị trúng tên lạc mà chết. Đế tiếc Cáp, lên triều mà than nói: 'Thục chưa bình mà Cáp chết, các tướng còn ai như thế'! Tư không Trần Quần nói: 'Cáp thực là tướng giỏi, là người mà nhà nước nương dựa vậy'. Ý của Bì cho rằng Cáp dẫu đáng tiếc, nhưng đã chết, không nên làm kém ý chí của vua mà tỏ cái không mạnh ra bên ngoài. Bèn chống Quần nói: 'Trần Công sao lại nói thế! Vào cuối năm Kiến An, thiên hạ không thể một ngày không có Vũ Hoàng Đế, đến lúc trao việc nước, mà Văn Đế nhận lệnh, vào năm Hoàng Sơ, cũng là không thể không có Văn Hoàng Đế, đến lúc trao gửi thiên hạ, mà Bệ hạ lên ngôi. Nay cái mà trong nước thiếu, há chỉ có Trương Cáp thôi'? Trần Quần nói: 'Cũng đúng như lời Tân Bì;. Đế cười nói: 'Trần Công có thể nói là giỏi ứng đáp'. Thần là Tùng Chi cho rằng: Xét người cốt ở đạo lí của người, giữ ước nên dựa vào điều ấy, cho nên quân tử đối với lời nói của mình thì không có chỗ nào nói vội vã mà thôi vậy. Bì muốn mở rộng ý vua, nên cất nhắc như bọn Trương Liêu, sao lại vì cái chết của một tướng mà đem tổ tông ra nói ví được? Lời mà không nói, chẳng gì sai bằng lời ấy, tiến thì trái với mọi người, lui thì như nịnh hót, Tá Trị một thân ngay thẳng, không nên như thế. Ngụy lược viết đã khó tin, họ Tập lại theo đó mà chép vào, trộm nghĩ người này bị vu không không ít điều.

Năm Thanh Long thứ hai, Gia Cát Lượng đem quân ra bờ nam sông Vị. Lúc đầu, Đại Tướng quân Tư Mã Tuyên Vương (8) mấy lần xin đánh với Lượng, nhưng Minh Đế cuối cùng không nghe. Năm đó sợ không cấm được, bèn dùng Bì làm Đại Tướng quân Quân sư, sai cầm cờ tiết; sáu quân đều kính theo Bì sai khiến, chẳng ai dám trái.

Ngụy lược viết: "Tuyên Vương nhiều lần muốn ra đánh, Bì cấm không nghe. Tuyên Vương dẫu có thể theo ý mình, nhưng thường chịu theo Bì". Lượng chết, lại về làm Vệ úy. Hoăng, thụy là Túc Hầu. Con là Xưởng thay, giữa năm Hàm Hi làm Hà Nội Thái thú.

Thế ngữ viết: "Xưởng tự Thái Ung, làm đến Vệ úy. Con gái của Bì là Hiến Anh, gả cho Thái thường Dương Đam người quận Thái Sơn". Cháu ngoại là Hạ Hầu Kham viết truyện về Hiến Anh nói: "Hiên Anh thông minh có tài năng. Trước đây Văn Đế cùng Trần Tư Vương tranh làm Thái tử, rồi đến lúc Văn Đế được lập, ôm cổ Bì mà mừng nói: 'Tân Quân biết ta vui không'? Bì báo cho Hiến Anh, Hiến Anh than nói: 'Thái tử là người thay vua làm chủ xã tắc tông miếu vậy. Thay vua không thể không gần gũi, làm chủ nước không thể không sợ, nên gần gũi mà vui mừng, lấy gì được dài lâu? Nhà Ngụy há không tốt sao'! Em Xưởng làm Tham quân của Đại Tướng quân Tào Sảng. Tư Mã Tuyên Vương sắp giết Sảng, do đó Sảng đi ra, đóng cửa thành. Đại Tướng quân Tư Mã Lỗ Chi đem quân trong phủ của Sảng phá cửa chặt then, ra thành báo cho Sảng biết, đến gọi Xưởng cùng bỏ ra. Xưởng sợ, hỏi Hiến Anh nói: 'Thiên tử ở ngoài, Thái phó đóng cửa thành, người ta nói sắp có việc không có lợi cho nhà nước, việc này nên làm thế nào'? Hiến Anh nói: 'Thiên hạ có kẻ không biết được, nhưng theo ta xét thấy Thái phó chỉ là không thể không làm thế! Minh Hoàng hậu sắp băng, cầm tay Thái phó, giao việc sau này cho Thái phó, lời này vẫn còn vang bên tai của bầy tôi trong triều. Vả lại Tào Sảng cùng Thái phó đều được nhận lệnh gửi gắm, vậy mà chỉ quen chuyên quyền, làm việc ngạo mạn, với nhà vua thì không có lòng trung, với người ta thì không ngay thẳng. Lần đem quân này chẳng qua là để giết Tào Sảng thôi'. Xưởng nói: 'Vậy thì việc xong chăng'? Hiến Anh nói: 'Chỉ e không đợi được! Cái tài của Sảng không sánh được với Thái phó'. Xưởng nói: 'Vậy thì Xưởng không nên đi ra chăng'? Hiến Anh nói: 'Sao lại không ra được. Giữ chức phận là nghĩa lớn của người. Hễ người ta khó khăn vẫn có kẻ cứu giúp; vì người ta cầm roi mà bỏ mất việc của mình là không hay, không nên vậy. Vả lại vì người mà chết, vì người mà nhận, là chức phận của người thân cận vậy, nên theo mọi người mà thôi'. Xưởng bèn ra. Tuyên Vương quả đúng giết Sảng. Sau khi việc xong, Xưởng than nói: 'Ta không có mưu bằng chị, lại không có nghĩa bằng'. Đến lúc Chung Hội làm Trấn tây Tướng quân, Hiến Anh bảo con thứ là Dương Hỗ nói: 'Chung Sĩ Quý sao lại đến phươgn tây'? Hỗ nói: 'Sắp đến diệt Thục vậy'. Hiến Anh nói: 'Hội làm việc tùy tiện, không có đạo coi việc lâu dài ở chỗ khác, ta e là hắn có chí khác'. Hỗ nói: 'Mẹ út chớ nói nhiều'. Sau đó Hội xin con là Tú làm Tham quân, Hiến Anh lo nói: 'Ngày trước thấy Chung Hội đi ra, ta đã lo cho nhà nước. Ngày nay nạn đến nhà ta, đấy là việc lớn của nhà nước, tất không ngăn được vậy'. Tú cố xin Tư Mã Văn Vương, Văn Vương không nghe. Hiến Anh bảo Tú nói: 'Đi rồi phải đề phòng mới được! Quân tử thời xưa vào phải giữ đạo hiếu với người thân, ra phải giữ tiết tháo với nhà nước, về chức phận phải nghĩ đến việc mà mình trông coi, về nghĩa phải nghĩ đến cái mà mình làm, chỉ cần không để lại lo lắng cho cha mẹ mà thôi. Giữa chốn quân đội, nên làm người giúp đỡ, há chỉ có lòng nhân từ sao! Ngươi phải cẩn thận'! Tú cuối cùng vì vậy mà giữ toàn thân. Hiến Anh thọ đến bảy mươi chín tuổi, năm Thái Thủy thứ năm chết".

Chú thích:
(1) Chữ bì (毗) , bản dịch Tam quốc diễn nghĩa của Phan Kế Bính đọc là tỉ. Theo Đường vận dọc âm là 'bàng chi thiết', tức đọc là 'bì', nên đọc là 'bì'.
(2) Chữ trạch (翟), một âm đọc nữa là 'địch', thông với chữ địch (狄) chỉ người thiểu số phương bắc Trung Quốc thời xưa.
(3) Hiển Phủ tức Viên Thượng tự Hiển Phủ.
(4) Hiển Tư tức Viên Đàm tự Hiển Tư.
(5) Hai Viên tức Viên Đàm và Viên Thượng.
(6) Chính sóc (正朔) là ngày đầu trong một năm. Ý nói Ngụy Văn Đế đổi chính sóc như thời nhà Hạ.
(7) Vua Vũ tức Vũ Vương của nhà Chu.
(8) Tư Mã Tuyên Vương tức Tư Mã Ý, thời nhà Ngụy có công lớn nên được phong làm Tuyên Vương, do đó gọi là Tư Mã Tuyên Vương.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.