Header Ads

Tôn Đăng Truyện


Tôn Đăng tự Tử Cao, là con trai trưởng của Quyền. Năm Hoàng Sơ thứ hai nhà Ngụy, lấy Quyền làm Ngô Vương, bái Đăng làm Đông trung lang tướng, phong tước Vạn hộ hầu, Đăng lại từ chối có bệnh không nhận. Năm ấy, Quyền lập Đăng làm Thái tử, cho tuyển chọn đặt chức Sư phó, lựa chọn và bổ nhiệm kẻ sĩ ưu tú, cho làm bằng hữu tân khách, vì thế bọn Gia Các Khác, Trương Hưu, Cố Đàm, Trần Biểu được tuyển vào cung, để hầu hạ và giảng Thi, Thư, còn theo Đăng ra ngoài săn bắn. Quyền muốn Đăng đọc Hán thư, hiểu biết thành thục các việc ở triều Hán, vì Trương Chiêu có sở trường căn bản về phép tắc, Quyền trịnh trọng nhờ Chiêu, lệnh cho Hưu theo Chiêu học tập, rồi về truyền thụ lại cho Đăng. Đăng đối đãi với liêu thuộc của mình rất giản dị, giảm thiểu lễ nghi, cùng với bọn Khác, Hưu hoặc ngồi chung xe mà đi, hoặc chung giường mà ngủ. Thái phó Trương Ôn nói với Quyền rằng: “Chức quan Trung thứ tử là rất thân gần mật thiết với Thái tử, phải khẩn thiết cầu giáo lấy kẻ thích hợp, và nên tuyển chọn bổ dụng người có đức cho đảm nhiệm chức trách.” Vì thế Quyền bèn dùng bọn Biểu làm Trung thứ tử. Về sau lại ra hạn định về lễ nghi của Trung thứ tử với Thái tử, là khi vào hầu phải mũ áo ngay ngắn chỉnh tề. Năm Hoàng Long nguyên niên, Quyền xưng tôn hiệu, lập Đăng là Hoàng thái tử, lấy Khác làm Tả phù, Hưu làm Hữu bật, Đàm làm Phụ chính, Biểu làm Dực chính đô úy, xưng là Tứ hữu, còn bọn Tạ Cảnh, Phạm Thận, Điêu Huyền, Dương Hạnh đều làm tân khách, vì thế Đông cung có tiếng là nhiều kẻ sĩ.

Ngô lục chép: Thận tự Hiếu Kính, người quận Quảng Lăng, là tri kỷ thì hết lòng trung với quân vương, với bạn hữu thì ngay thẳng rộng lượng mà hiểu biết(1), người bấy giờ cho là cao đẹp. Thận soạn ra hai mươi thiên đàm luận, gọi là ‘Kiểu phi(2)’. Sau làm Thị trung, rồi cho ra ngoài bổ nhiệm làm Vũ Xương tả bộ đốc, chỉnh đốn việc quân. Tôn Hạo dời đô, rất kiêng dè Thận, có chiếu rằng: “Công huân và đức hạnh của Thận đều tốt đẹp, trẫm căn cứ vào sự thận trọng của Thận, đưa lên ngôi vị Thượng công, để xứng đáng với ước vọng của mọi người.” Rồi lấy Thận làm Thái úy. Thận bởi oán hận vì được làm tướng muộn, bèn thác là mình già lão xin về. Quân sĩ lưu luyến Thận, cả dinh quân vì thế mà rơi nước mắt. Năm Phượng Hoàng thứ ba Thận chết, con là Diệu nối tự. Huyền, là người quận Đan Dương, Hạnh là người quận Nam Dương.


Ngô thư chép: Hạnh bắt đầu làm Trung thứ tử, mới có hai mươi tuổi. Bấy giờ Đình úy giám là Ẩn Phồn giao kết với các hào kiệt, từ bọn Vệ tướng quân Toàn Tông trở đi đều dốc lòng cung kính đón tiếp, duy có Hạnh lúc tuyên chiếu được tiến dụng làm chức Lang ở Dự Chương là cự tuyệt không hợp tác, người bấy giờ lấy làm lạ. Nhưng sau này Phồn phản nghịch, mọi người mới phục Hạnh.

Giang biểu truyện chép: Đăng sai Thị trung là Hồ Tống sáng tác bài ‘Tân hữu mục’ rằng: “Anh tài xuất chúng, siêu việt hơn người, là Gia Cát Khác. Hiểu rõ thời cơ, thấu lẽ nhiệm mầu, đấy là Cố Đàm. Biện bác thông suốt, nói năng cô đọng, thì là Tạ Cảnh. Nghiên cứu đến cùng, bậc ngang Du Hạ(3), đó là Phạm Thận.” Hạnh bèn ngầm bác lại Tống rằng: “Nguyên Tốn tài năng nhưng lơ đễnh, Tử Hắc tinh tế nhưng tàn nhẫn, Thúc Phát giỏi biện bác nhưng phù phiếm, Hiếu Kính thâm thúy nhưng nhỏ mọn.” Những lời của Hạnh đều đầy đủ và rõ ý. Nhưng Hạnh rút cục vì lời nói ấy bị trách cứ, chẳng làm bằng hữu thân cận với bọn Khác. Về sau bốn người đều bại vong, người Ngô bảo rằng những lời Hạnh nói là có chứng cớ. Hạnh làm quan đến chức Thái thú Quế Dương, rồi chết.

Quyền dời đô về Kiến Nghiệp, trưng tập Thượng đại tướng quân Lục Tốn phụ giúp Đăng trấn thủ Vũ Xương, thống lĩnh công việc ở Cung phủ. Đăng mỗi lần đi săn bắn, hay đi theo đường nhỏ, thường tránh xa chỗ ruộng đất mầu mỡ, vì thế không xéo nát lúa của dân, đến lúc dừng chân nghỉ ngơi, lại chọn chỗ đất trống, việc làm chẳng muốn phiền nhiễu đến dân chúng như thế. Một lần Đăng lên ngựa xuất hành, chợt có một viên đạn bắn ra, tả hữu truy tìm xem ai bắn. Có một người đeo túi đạn bị hạch tội, mọi người cho là đúng người ấy đã bắn, người kia cãi không phục, những kẻ đi theo muốn đánh người ấy, Đăng không nghe, sai người đi tìm viên đạn đã bắn ra, so sánh với viên đạn của người kia thì không giống nhau, người kia liền được thả ra. Lại có lần cái khay đựng chén uống nước bằng vàng có hình con ngựa bị mất, Đăng biết được người chủ tâm làm việc ấy, là người ở bên cạnh mình, nhưng không nỡ trừng phạt, chỉ gọi người ấy vào trách mắng, rồi phái người đưa người ấy về quê, lệnh cho người thân cận chớ được nói việc ấy ra. Sau khi em của Đăng là Lự chết, Quyền vì việc ấy mà giảm bớt ăn uống, Đăng ngày đêm gấp rút lên đường, đến Lại Hương, Quyền nghe tin, lập tức cho triệu kiến. Đăng thấy Quyền khóc lóc bi thương, bèn can rằng: “Lự ốm nặng không qua khỏi, đó là số mệnh vậy. Hiện nay đất phương bắc chưa thống nhất, bốn bể ngóng trông, Bệ hạ đầu gánh vác trọng trách như trời bể, nên lo nghĩ cho con cháu, nhưng giảm bớt thái quan chăm lo việc ăn uống, là quá với lễ chế, thần trộm lấy làm lo sợ.” Quyền thu nhận lời ấy, khẩu phần ăn uống thêm lên. Ở lại hơn chục ngày, Quyền muốn phái Đăng quay về phương tây, Đăng tự thân cầu xin trình bày rằng, vì chia ly đã lâu mới về thăm hầu, với đạo làm con là có khiếm khuyết, lại bầy tỏ rằng Lục Tốn là người chăm chỉ trung thành, không có chỗ nào là không theo phận sự của kẻ bầy tôi, Quyền mới cho Đăng ở lại. Năm Gia Hòa tam niên, Quyền đi đánh Tân Thành, sai Đăng ở lại phòng giữ, thống quản công việc ở nhà. Năm ấy mùa màng thất thu, đạo tặc rất nhiều, Đăng bèn tuyên bố định ra pháp lệnh, để phòng giữ ngăn ngừa chúng, gian đạo bị dập tắt rất mau chóng.

Trước kia, mẫu thân của Đăng là thứ dân, Đăng thủa nhỏ nhận cái ơn nuôi dưỡng của Từ phu nhân, về sau Từ thị vì hay ghen bị phế truất bỏ rơi ở huyện Ngô, còn Bộ phu nhân lại rất được sủng ái. Bộ thị ban thưởng cho Đăng, Đăng không dám nhận, chỉ bái tạ mà thôi. Từ thị sai người đến, ban tặng cho Đăng y phục, Đăng nhất định tắm gội rồi mặc y phục ấy. Đăng sắp được bái làm Thái tử, dâng lời rằng: “Cái gốc có vững thì đạo lý mới sinh ra, muốn lập Thái tử, nên lập Hoàng hậu trước.” Quyền nói: “Mẫu thân của khanh hiện ở đâu?” Đăng thưa rằng: “Ở huyện Ngô.” Quyền lặng im không nói.

Ngô thư chép: Em của Đăng là Hòa được Quyền sủng ái, Đăng thân gần kính trọng, đối đãi với Hòa như anh trai, thường có lòng muốn nhường.

Đăng được lập(4) cả thảy hai mươi mốt năm, năm ba mươi ba tuổi chết. Lúc lâm chung, dâng thư rằng: "Thần vốn không có công trạng, bị bệnh tật chằng trói, tự xét mình là kẻ hèn kém, vẫn sợ rằng bị chết bất ngờ. Thần chẳng tiếc thân mình, nghĩ đến việc phải vứt bỏ trách nhiệm phụng dưỡng, vùi thân dưới đất đen, mãi mãi chẳng còn được vâng mệnh ngóng trông ở chốn hoàng cung, tháng ngày lên triều hầu hạ, sống đã không có ích với quốc gia, chết lại để mối lo lắng thâm sâu cho Bệ hạ, vì thế trong lòng uất ức khó nói ra được. Thần nghe nói sống chết có mệnh, thọ yểu là bởi số trời, Chu Tấn, Nhan Hồi(5) có tài trí cao, mà còn chết yểu, huống chi thần ngu dốt bỉ lậu, tuổi thọ so với những người ấy là quá rồi, lúc sống làm người nối dõi của quốc gia, khi chết được hưởng phúc lộc vẻ vang, với thần là đã quá nhiều, cũng có gì phải tiếc hận đâu! Hiện nay đại sự chưa định, những kẻ bỏ trốn cướp bóc chưa dẹp được, muôn nước ngóng trông, ký thác tính mệnh nơi Bệ hạ, ở chỗ nguy nan thì mong ngóng sự yên bình, ở chỗ loạn lạc thì ngẩng trông vào việc cai trị. Mong bệ hạ hãy quên đi cái chết của thần, dứt bỏ mối ân tình với kẻ hậu bối, sửa sang cái thuật của Hoàng Lão(6), dốc lòng bồi dưỡng thần khí, tăng thêm khẩu phần ăn uống, rộng lòng sáng suốt lo toan, để yên định cái nghiệp lớn đến vô cùng, thì thiên hạ may lắm, thần chết không có gì ân hận vậy. Hoàng tử Hòa thông minh nhân hiếu, đức hạnh cao quý trong sạch, nên sớm kiến lập, để tiếp nối sự trông ngóng của muôn dân. Gia Cát Khác có mưu lược tài năng uyên bác thấu triệt lý lẽ, có khí độ gánh vác trọng trách giúp đỡ thời thế. Trương Hưu, Cố Đàm, Tạ Cảnh, đều thông minh mau lẹ có hiểu biết và quyết đoán, ở trong nên ủy thác làm kẻ phúc tâm, ra ngoài có thể làm nanh vuốt. Phạm Thận, Hoa Dung cương cường tráng liệt, có phong độ của bậc quốc sỹ. Dương Biện nhanh nhẹn, có tài đối đáp đặc biệt. Điêu Huyền rộng rãi hơn người, đạt đến cái chân tâm của đạo lý. Bùi Khâm thông suốt việc giấy má, văn chương hoa mỹ đủ để dùng. Tưởng Tu, Ngu Phiên, chí hướng tiết tháo phân minh. Hết thảy những bầy tôi ấy, có người thích hợp ở chốn triều đường, có kẻ đảm nhiệm làm tướng soái, đều lão luyện việc đời, pháp lệnh sáng suốt thành thục, vững đạo nghĩa giữ chữ tín, những kẻ có chí ấy chẳng nên bỏ sót. Đấy đều là những bầy tôi Bệ hạ tháng ngày soi xét, tuyển lựa bố trí làm quan ở chỗ thần, thần được cùng làm việc, đủ biết được phẩm hạnh và chí hướng của họ, nên bạo dạn bầy tỏ biểu văn này. Thần nhiều lần suy nghĩ rằng hiện nay bên ngoài có lắm mối lo toan, việc quân chưa ngừng nghỉ, phải khích lệ sáu quân, để mưu đồ tiến thủ. Quân đội lấy người làm số đông, mọi người cho tiền của là quý, thần trộm nghe nói các quận huyện rất hoang tàn, muôn dân đói rách tàn tạ, là mầm mống sinh ra gian loạn, vì thế cấm lệnh gia tăng, hình phạt thêm nặng nề. Thần nghe nói làm chính trị phải thuận theo dân, pháp luật quân lệnh theo thời cuộc phải biến đổi, thực rất nên phải cùng với văn võ đại thần phân biệt tường tận thích hợp, phải lựa chọn rộng rãi cái hay trong lời bàn của mọi người, nới lỏng hình phạt giảm bớt sưu thuế, trưng dụng lao dịch hợp lý, để thuận với lòng trông ngóng của dân. Lục Tốn là người trung cần giúp đời, đem thân lo lắng cho quốc gia, chính trực với việc công, có tiết tháo quên mình. Gia Cát Cẩn, Bộ Chất, Chu Nhiên, Toàn Tông, Chu Cứ, Lã Đại, Ngô Sán, Hám Trạch, Nghiêm Tuấn, Trương Thừa, Tôn Di có lòng trung thành giúp quốc gia, thấu hiểu thể chế trị quốc. Hãy khiến cho họ bầy tỏ lên những điều giản tiện thích hợp, trừ bỏ những phiền hà, quý mến che chở cho sĩ tốt, vỗ về trăm họ. Ngoài năm năm, trong vòng mười năm, người ở xa quy phục, kẻ ở gần dốc sức, binh khí không phải vấy máu, mà đại sự có thể định được vậy. Thần nghe nói 'con chim sắp chết thì tiếng kêu bi ai, con người sắp chết thì lời nói phải', cho nên những lời gan ruột trước lúc lâm chung của người ta, là lời nói răn đời, bậc quân tử cho đó là trung, huống chi Đăng lại là kẻ thần tử, thì những lời này có thể là như thế đó chăng? Mong bệ hạ lưu tâm lắng nghe mà chọn lựa lấy điều hay, thần dẫu hôm nay chết đi, cũng như còn đang sống vậy." Sau khi Đăng chết rồi thì thư mới dâng lên, Quyền càng lấy làm thương cảm, nói lời mà sa nước mắt. Năm ấy, là năm Xích Ô tứ niên.

Tạ Cảnh thời ấy làm Thái thú Dự Chương, chẳng ngăn nổi xót thương, bỏ chức quan đến viếng tang, rồi bái lạy dâng biểu tự hặc tội mình. Quyền nói: “Ngươi từng cùng với Thái tử làm việc, khác với các quan lại khác.” Rồi sai quan Trung sứ úy lạo, xét cho phục chức lúc trước, phái quay về quận. Đăng được ban thụy là Tuyên thái tử.

Ngô thư chép: Ban đầu Đăng được an táng ở Câu Dung, bố trí người coi giữ lăng mộ, tuân thủ theo đúng phép tắc, sau ba năm cải táng ở Tương Lăng.

Con của Đăng là Phan và Hy, đều chết sớm, con thứ là Anh, được phong tước Ngô hầu. Năm Ngũ Phượng nguyên niên, Anh vì việc Đại tướng quân Tôn Tuấn chuyên quyền, mưu giết Tuấn, việc bị phát giác phải tự sát, nước bị trừ bỏ.

Ngô Lịch chép: Vì Tôn Hòa không có tội mà bị giết, mọi người đều mang lòng oán thán, trước đó Tư Mã Hoàn lo lắng nhân đó mới tập hợp quan lại tướng lĩnh, muốn cùng giết Tuấn lập Anh, việc lộ ra, đều bị giết, Anh quả thực không biết.

Tạ Cảnh tự Thúc Phát, là người quận Nam Dương huyện Uyển. Có công tích ở quận, được quan lại dân chúng khen ngợi, cho rằng đứng đầu là Cố Thiệu, thứ nữa tức là Cảnh. Được mấy năm thì chết khi đương chức.

Chú thích:
(1) Nguyên văn câu này là ‘triền miên tam ích chi hữu’. Sách Luận ngữ có câu ‘ích giả tam hữu, hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn’; tức là bạn tốt có ba hạng là ngay thẳng, rộng lượng, hiểu biết nhiều. Tạm dịch thoát.
(2) Uốn nắn, sửa lại những điều không đúng đắn.
(3) Du Hạ tức trỏ vào hai người Tử Du và Tử Hạ, là những đệ tử nổi danh của Khổng Tử.
(4) Khi Tào Phi xưng Đế, Tôn Quyền nhận Cửu tích, được bái làm Ngô vương, phong Đăng làm Vương thái tử. Sau này Quyền xưng Đế, Đăng chưa được lập làm Hoàng thái tử. Việc lập danh vị nói đến ở đây là nói chức Vương thái tử của Đăng vậy.
(5) Nhan Hồi là một trong mười hai đại đệ tử nổi danh của Khổng Tử, rất có tài trí, nhưng chết sớm; còn Chu Tấn, không rõ là ai?
(6) Tức Hoàng Đế và Lão Tử.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.