Tôn Kiên Truyện
Tôn Kiên tự Văn Đài, người huyện Phú Xuân thuộc Ngô Quận, đại khái là dòng dõi Tôn Vũ vậy.
Ngô thư viết: Kiên nhận chức ở đất Ngô, nhà ở Phú Xuân, táng ở Đông Thành, trên mộ có ánh sáng lạ, dải mây năm màu bay lên liền trời, dài đến mấy dặm. Dân đều đứng trông xem. Phụ lão bảo nhau nói: "Không phải là khí tầm thường, họ Tôn tất nổi dậy"! Lúc mẹ Kiên mang thai Kiên, nằm mơ thấy ruột xổ ra vây quanh cửa Ngô Xương, thức dậy mà sợ hãi, đem việc này nói với người mẹ xung quanh. Người mẹ xung quanh nói: "Sao biết không phải điềm lành".
Kiên sinh, dáng vẻ không phải tầm thường, tính khí rộng rãi, có khí tiết kì lạ. Lúc nhỏ làm quan huyện. Năm mười bảy tuổi, cùng cha đi thuyền đến Tiền Đường, gặp giặc biển là bọn Hồ Ngọc từ trên Bào Lí cướp tài vật của nhà buôn, sắp đến trên bờ chia ra, người đi đường đều dừng lại, thuyền không dám đi. Kiên bảo cha nói: "Giặc này đánh được, xin đánh chúng". Cha nói: "Không phải việc của ngươi làm". Kiên liền cầm đao lên bờ, lấy tay chỉ trỏ sang đông sang tây rồi chia người đem lưới để trùm bọn giặc. Giặc từ xa thấy, cho là quan quân đến bắt chúng, liền vứt bỏ tài vật tan chạy. Kiên đuổi, chém được một thủ cấp đem về; cha cả kinh. Do đó tiếng tăm vang dội, gọi đến làm Giả úy. Giặc yêu quận Cối Kê là Hứa Xương nổi dậy ở huyện Câu Chương, tự xưng là Âm Minh Hoàng Đế,
Linh Đế kỉ viết: Xương dùng cha mình làm Việt Vương.
cùng con mình là Chiêu làm loạn các huyện, quân đến mấy vạn. Kiên làm Tư mã của quận chiêu nạp kẻ dũng mãnh được hơn nghìn người, cùng châu quận hợp đánh phá chúng. Năm đó là năm Hi Bình thứ nhất vậy. Thứ sử Tang Mân xét công hàng đầu, chiếu thư phong Kiên làm Diêm Độc Thừa, được mấy năm chuyển làm Hu Di Thừa, lại chuyển làm Hạ Bì Thừa.
Giang Biểu truyện viết: Kiên qua giúp ba huyện, chỗ đi qua đều có tiếng tốt, quan dân nương dựa. Người quen cũ trong làng, người nhỏ tuổi ham việc, qua lại thường đến mấy trăm người, Kiên vỗ về thu nạp xem như con em.
Năm Trung Bình thứ nhất, tướng giặc Khăn vàng là Trương Giác nổi dậy ở Ngụy Quận, mượn tiếng thần linh, sai tám sứ giả giỏi đạo để giáo hóa thiên hạ, lại ngầm liên kết cùng nhau, tự xưng là Hoàng Thiên Thái Bình. Ngày giáp tí tháng ba, ba mươi sáu vùng cùng phát động trong một ngày, thiên hạ hưởng ứng, thiêu đốt quận huyện, giết hại trưởng lại.
Hiến Đế Xuân thu viết: Giác xưng là Thiên công Tướng quân, em Giác là Bảo xưng là Địa công Tướng quân, em Bảo là Lương xưng là Nhân công Tướng quân.
Nhà Hán sai Xa kị Tướng quân Hoàng Phủ Tung, Trung lang tướng Chu Tuấn đem quân đánh dẹp chúng. Tuấn dâng biểu xin lấy Kiên làm Tá quân Tư mã, bọn trẻ trong làng tại Hạ Bì đều nguyện đi theo. Kiên lại mộ bọn khách buôn cùng quân tinh nhuệ của vùng Hoài, Tứ, hợp lại hơn nghìn người, cùng Tuấn gắng sức đánh, có chỗ không tiến được.
Ngô thư viết: Kiên thừa thắng vào sâu, ở Tây Hoa không được lợi, Kiên bị thương rơi xuống ngựa, nằm trong đống cỏ, quân sĩ tan rã, không biết Kiên ở đâu. Con ngựa xám mà Kiên cưỡi chạy nhanh về trại, dẫm đất hí vang, tướng sĩ theo ngựa đến trong đống cỏ thấy Kiên. Kiên về trại mấy chục ngày, vết thương khỏi dần, bèn lại ra đánh.
Giặc Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên khốn bức, chạy về giữ Uyển Thành. Kiên tự thân đánh một mặt, trèo thành vào trước, quân đi theo sau, bèn đại phá giặc. Tuấn đem kể hết công báo lên Nhà vua, bái Kiên làm Biệt bộ Tư mã.
Tục Hán thư viết: Tuấn tự Công Vĩ, người Cối Kê, thuở nhỏ ham học, làm Công tào trong quận, xét hiếu liêm, chọn dâng kẻ sĩ. Nhà Hán đánh giặc Khăn vàng bái làm Xa kị Tướng quân, lại chuyển làm Hà Nam Doãn. Đổng Trác gặp Tuấn, bề ngoài rất thân thiết nhưng lòng nghi kị Tuấn, Tuấn cũng ngầm phòng bị. Quân Quan Đông nổi dậy, Trác bàn dời đô, Tuấn liền ngăn Trác. Trác dẫu e dè Tuấn nhưng ham sự trọng vọng của Tuấn, bèn dâng biểu xin bái làm Thái phó để tự giúp nhau. Tuấn được mời nhưng không chịu nhận phong, nhân đó khuyên nói: "Nước không nên dời đô, tất phụ lòng trông đợi của thiên hạ, khiến cho vùng Sơn Đông liên kết, thần không cho là nên làm". Quan Hữu ti gạn hỏi nói: "Gọi ông nhận phong mà ông chống lại, không hỏi việc dời đô mà ông tự kể ra, sao vậy"? Tuấn nói: "Giúp Tướng quốc là việc mà thần không làm được. Không bày kế dời đô là việc gấp của thần vậy. Nói rõ điều mà thần không làm, là điều mà thần làm gấp, đấy là đều mà thần cần làm". Quan Hữu ti nói: "Việc dời đô, lúc đầu không tính đến, nếu có thì chưa để lộ, nghe được từ đâu"? Tuấn nói: "Tướng quốc Đổng Trác nói với thần, thần nghe được từ Tướng quốc". Quan Hữu ti không bắt bẻ được, triều đình khen ngợi Tuấn. Sau làm Thái úy. Lí Thôi, Quách Dĩ đánh nhau, cướp bắt Thiên tử và Công khanh làm tin, tính Tuấn ngay thẳng, liền phát bệnh mà chết.
Biên Chương, Hàn Toại làm loạn ở Lương Châu. Trung lang tướng Đổng Trác đánh ngăn không được. Năm Trung Bình thứ ba, sai Tư không Trương Ôn làm Xa kị Tướng quân đến phía tây đánh bọn Chương. Ôn dâng biểu xin dùng Kiên cùng tham dựa việc quân, đóng quân ở Trường An. Ôn lấy chiếu thư gọi Trác, Trác rất lâu sau mới đến chỗ Ôn. Ôn trách mắng Trác, Trác đối đáp không được. Bấy giờ Kiên đang ngồi, đến bảo nhỏ bên tai Ôn nói: "Trác không sợ tội lại như cú kêu tiếng to cho nên gọi mà không đến đúng lúc, nên dùng luật quân mà chém hắn". Ôn nói: "Trác vốn có tiếng tốt ở vùng Lũng Thục, ngày nay giết hắn, đi về phía tây không có chỗ dựa". Kiên nói: "Minh công tự thân thống lĩnh quân sĩ, uy trùm thiên hạ, sao chỉ cậy vào Trác? Xem lời mà Trác nói thì không dựa vào minh công mà lại khinh Nhà vua, không có lễ phép, là một tội. Chương, Toại dày xéo nhiều năm, nên hẹn đúng lúc đến đánh mà Trác nói là chưa nên, ngăn quân cản lính, là hai tội. Trác chịu mệnh mà không chịu lập công, được gọi đến mà ngưng trệ, lại ngang ngạnh kiêu ngạo, là ba tội. Tướng giỏi thời xưa, cầm kích búa xua quân, chưa có ai không dám chém để ra oai, cho nên Nhương Tư chém Trang Cổ, Ngụy Chung giết Dương Can vậy, nay minh công tha cho Trác, nếu không giết hắn, đó là là tổn hại hình luật oai nghiêm". Ôn không nỡ ra tay, lại nói: "Ông sắp về, Trác sẽ là người nghi ngờ". Kiên nhân đó đi ra. Chương, Toại nghe đại quân hướng đến, quân đảng tan rã, đều xin hàng. Quân về, người bàn cho là quân chưa gặp địch, không được thưởng công, nhưng nghe nói Kiên kể ba tội của Trác, khuyên Ôn chém hắn, không ai không than thở. Bái Kiên làm Nghị lang. Bấy giờ giặc Trương An là Khu Tinh tự xưng là Tướng quân, quân hơn vạn người, đánh vây thành ấp, bèn lấy Kiên làm Trường Sa Thái thú, đến quận tự thống lĩnh tướng sĩ, sắp đặt sách lược, trong vòng một tháng đánh thắng bọn Tinh.
Ngụy lược viết: Kiên đến quận, trong quân sợ phục, chọn dùng quan tốt. Lệnh bọn quan nói: "Phải chăm làm việc thiệc, sửa lại văn thư của phủ quan tất sẽ trị tốt, bắt được giặc cướp nạp cho Thái thú".
Chu Triều, Quách Thạch cũng đem quân đảng nổi dậy ở Linh Lăng, Quế Dương, cùng Tinh giúp nhau. Bèn ra quận đến đánh, ba quận được yên. Nhà Hán ghi công trước sau, phong Kiên làm Ô Trình Hầu.
Ngô lục viết: Bấy giờ Lư Giang Thái thú Lục Khang sai con làm Nghi Xuân Trưởng, bị giặc đánh, sai sứ cầu cứu với Kiên. Kiên nhanh chóng cứu hắn. Chủ bạ can ngăn, Kiên đáp nói: "Thái thú không phải dùng văn trị, mà là lấy việc đánh dẹp lập công, ra quận đánh dẹp là để giữ vững quận khác. Lấy đó mà bắt tội thì cớ gì thẹn với trong nước"? Bèn đen quân đến cứu, giặc nghe tin mà chạy trốn.
Linh Đế băng, Trác tự ý nắm triều chính, làm loạn kinh thành. Các châu quận cùng dấy quân nghĩa, muốn đến đánh Trác.
Giang Biểu truyện viết: Kiên nghe tin, vỗ ngực than nói: "Trương Công trước nghe theo lời ta thì triều đình nay không có nạn này".
Kiên cũng dấy binh, Kinh Châu Thứ sử Vương Duệ vốn đối đãi Kiên không có lễ phép, Kiên đi qua giết hắn.
Xét Vương thị phổ nói rằng Duệ tự Thông Diệu, là bác của Thái bảo Vương Phù nhà Tấn vậy.
Ngô lục viết: Duệ trước cùng Kiên đi đánh giặc ở Linh Lăng, Quế Dương, vì Kiên là quan võ, nói lời khinh thường Kiên. Lúc Duệ dấy binh muốn đánh Trác, vốn không cùng Vũ Lăng Thái thú Tào Dần làm việc được với nhau, nói rằng nên giết Dần trước. Dần sợ, làm giả hịch của sứ giả là Quang lộc Đại phu Ôn Nghị đem đến cho Kiên, nói rằng Duệ lầm lỗi, lệnh bắt lấy, xử phạt xong thì đem việc kể lên Nhà vua. Kiên liền theo hịch đem quân đánh úp Duệ. Duệ nghe tin quân đến, trèo lên lầu nhìn từ xa, sai người muốn đến hỏi vì sao, tiền bộ của Kiên đáp nói: "Quân đánh lâu ngày mệt mỏi, vật tặng thưởng không đủ để làm quần áo, đến gặp Sứ quân để xin thêm tài vật thôi". Duệ nói: "Thứ sử há hẹp hòi sao"? Sai mở kho tàng, sai tự vào xem, biết rằng không có cái vứt đi, quân đến kịp dưới lầu, Duệ thấy Kiên, sợ nói: "Quân tự xin thưởng, Tôn Phủ quân sao lại ở trong đó"? Kiên nói: "Nghe theo hịch của sứ giả đến đánh ông". Duệ nói: "Ta có tội gì"? Kiên nói: "Không biết tội gì". Duệ bị ép cùng, cắt vàng ngậm trong miệng mà chết.
Sắp đến Nam Dương, quân vài vạn người. Nam Dương Thái thú Trương Tư nghe tin quân đến, rất lấy làm vui.
Anh hùng kí viết: Tư tự Tử Nghị, người Dĩnh Xuyên, cũng nổi danh.
Hiến Đế Xuân thu viết: Viên Thuật dâng biểu cử Kiên làm Trung lang tướng. Kiên đến Nam Dương, đem hịch đến chỗ Thái thú xin lương quân. Tư hỏi kế Cương Kỉ, Cương Kỉ nói: "Kiên có hai nghìn thạch lương của các quân xuanh quanh, không nên cấp phát". Tư bèn không cho.
Kiên đem trâu rượu đãi Tư, hôm sau Tư cũng gửi thư đến chỗ Kiên. Rượu nồng, Trường Sa Chủ bạ vào bảo Kiên nói: "Trước gửi thư đến Nam Dương, nhưng không sửa đường lối, đồ dùng quân sĩ không đủ, xin bắt lấy quan Chủ bạ xét hỏi nguyên nhân". Tư cả sợ muốn bỏ đi, quân bày trận bốn phía không ra được. Chốc lát, Chủ bạ lại vào bảo Kiên nói: "Nam Dương Thái thú ngưng trễ quân nghĩa, khiến cho không đánh giặc đúng lúc, xin bắt lấy xét theo luật quân xử phạt". Bèn bắt Tư đến cửa quân chém Tư. Trong quận sợ phục, không có gì xin là không được.
Ngô lịch viết: Lúc trước Kiên đến Nam Dương, Tư đã không cấp lương quân, lại không chịu gặp Kiên. Kiên muốn tiến quân, sợ có hại mặt sau, bèn giả làm bệnh nặng, toàn quân lo lắng, đi gọi thầy thuốc, cúng tế sông núi. Sai người thân thuyết phục Tư, nói là bệnh khốn, muốn đem quân đánh Tư. Tư nghe tin, lòng nghĩ quân mình được lợi, liền đem năm trăm quân bộ kị đến trại thăm Kiên. Kiên nằm cùng gặp nhau. Không lâu, chợt nhiên vùng dậy, cầm kiếm mắng Tư, rồi bắt chém Tư, lời này so với truyện gốc không giống.
Đi trước đến Lỗ Dương, gặp nhau với Viên Thuật. Thuật dâng biểu xin lấy Kiên làm Phá lỗ Tướng quân, lĩnh chức Duyện Châu Thứ sử. Rồi luyện quân ở thành Lỗ Dương. Lúc ấy đem quân đánh Trác, sai Trưởng sử Công Cừu Xưng đem quân cùng Tòng sự về châu thúc dục lương quân. Bày màn trướng ở ngoài cửa đông thành, giữa đường tiễn tống Xưng, tụ hội quan thuộc. Trác sai mấy vạn quân bộ kị chặn Kiên, mấy chục quân khinh kị đến trước. Kiên đang uống rượu cười nói, sai thuộc hạ sửa sang thế trận, không được đánh bừa. Quân kị theo sau thêm dần, Kiên thong thả rời chỗ ngồi, dẫn quân vào thành, bèn bảo tả hữu nói: "Lúc đầu Kiên này không ngồi ngay dậy là vì sợ quân ta xô lấn nhau, các ông không được vào". Quân của Trác thấy quân sĩ của Kiên rất nghiêm, không dám đánh thành, lại dẫn quân về.
Anh hùng kí viết: Lúc đầu Kiên đánh Đổng Trác, đến phía nam đấy Dương Nhân thuộc huyện Lương. Trác cũng sai năm nghìn quân bộ kị chặn Kiên. Trần Quận Thái thú Hồ Chẩn làm Đại đốc hộ, Lữ Bố làm Kị đốc, quân kị bộ còn lại đều theo Đô đốc rất đông. Chẩn tự Văn Tài, tính nóng nảy, cùng mưu tính nói: "Lần đi này phải chém được một tên đeo dải xanh mới sửa sang được". Các tướng nghe nói mà sợ Chẩn. Quân đến Quảng Thành, cách thành Dương Nhân mấy chục dặm. Chiều tối, quân mã mỏi mệt, phải nghỉ lại, lại nhận lệnh của Trác nghỉ ở Quảng Thành, cho ngựa ăn uống, đến đêm tiến quân, sắp sửa đánh thành. Các tướng sợ hãi Chẩn, muốn làm hỏng mưu của Chẩn, bọn Lữ Bố truyền nói: "Giặc trong thành Dương Nhân đã chạy, nên đuổi bắt chúng; không được để mất chúng", liền buổi đêm tiến quân. Trong thành phòng giữ đã vững, không thể đánh úp. Do đó quan quân đói khát, người ngựa mỏi mệt, đến giữa đêm, lại không có hào lũy, cởi giáp nghỉ ngơi, mà Bố lại nói lời kinh đông, nói: "Giặctrong thành lại đến". Quân sĩ tan vỡ trốn chạy, đều vứt giáp, cung tên, yên ngựa. Chạy được hơn mười dặm, dừng lại không thấy giặc. Lúc trời sáng, quay về, thu thập binh khí, muốn đến đánh thành. Trong thành giữ đã vững, hào lũy đã sâu, bọn Chẩn không đánh được mà về.
Kiên đến đóng quân ở phía đông huyện Lương, nhiều lần bị quân Trác đánh, Kiên cùng mấy chục quân kị phá vây mà ra. Kiên thường đội khăn len đỏ, bèn bỏ khăn đỏ lệnh tướng thân cận là Tổ Mậu đội khăn. Quân kị của Trác tranh đuổi theo Mậu, cho nên Kiên nhân đó mở đường chạy thoát. Mậu bị khốn bức, xuống ngựa, lấy khăn treo lên giữa cây cột cháy giữa gò đất, rồi nấp trong đống cỏ. Quân kị của Trác từ xa thấy, vây quanh mấy vòng, đến gần thấy là cây cột, bèn bỏ đi. Kiên lại thu lại quân sĩ, cùng đánh ở Dương Nhân, đại phá quân của Trác, treo đầu bọn Bộ đốc Hoa Hùng. Bấy giờ, có người li gián Kiên với Thuật, Thuật sinh nghi, không chở lương quân.
Giang Biểu truyện viết: Có người bảo Thuật nói: "Nếu Kiên chiếm lấy đất Lạc thì không thể ngăn được nữa. Đấy là giúp sói mà gặp hổ vậy". Cho nên Thuật ngờ Kiên.
Dương Nhân cách Lỗ Dương hơn trăm dặm, Kiên buổi đêm ruổi ngựa đến gặp Thuật, vẽ thế đất bày kế nói: "Dẫn thân mình không tiếc, trên vì nước nhà mà đánh giặc, dưới cảm kích người nhà của Tướng quân mà đền đáp. Kiên với Trác không có tình máu thịt, nhưng Tướng quân lại nghe theo lời gièm pha, vẫn còn hiềm nghi sao"!
Giang Biểu truyện chép lời của Kiên nói: "Dẫu công lớn bao trùm nhưng lương quân không không được cấp liền, dó đó Ngô Khởi phải kêu khóc ở Tây Hà, Nhạc Nghị phải để hận ở Thùy Thành vậy. Mong Tướng quân xét kĩ việc này".
Thuật nghĩ ra, liền chuyển chở lương quân. Kiên về trại. Trác sợ sự khỏe mạnh của Kiên, lại sai tướng là bọn Lí Thôi đến xin hòa thân, sắp đặt con em của Kiên giữ chức Thứ sử, Quận thú, hứa sẽ dâng biểu xin dùng họ. Kiên nói: "Trác trái trời vô đạo, làm đổ nhà vua, nay không giết ba họ nhà ngươi, treo đầu cho bốn cõi biết, thì ta chết không nhắm được mắt, há lại cùng ngươi hòa thân ư"? Lại đem quân đến Đại Cốc, cách đất Lạc chín mươi dặm.
Sơn Âm Công tái kí viết: "Trác bảo Trưởng sử Lưu Ngải nói: "Quân Quan Đông thua nhiều lần rồi, đều sợ ta, không làm được gì đâu. Chỉ có Tôn Kiên cứng mạnh, lại biết dùng người, phải bảo các tướng, sai phải e dè hắn. Xưa ta cùng Chu Thận đánh phương tây, Thận vây Biên, Hàn ở Kim Thành. Ta bảo Trương Ôn xin dẫn quân tướng trú ở sau của Thận. Ôn không nghe. Ta bấy giờ dâng thư lên Nhà vua kể rõ hình thế, biết rằng Thận không đánh thắng được. Xưa nay đầu đuôi. Việc chưa nói rõ, Ôn lại sai ta đánh giặc Khương làm phản ở huyện Tiên Linh, cho rằng một trận là dẹp bằng phương tây. Ta đều biết là không được nhưng không thể ngăn, bèn đi, lưu Biệt bộ Tư mã Lưu Tịnh ở lại đem bốn nghìn quân kị đóng trại ở An Định để làm thanh viện. Bọn giặc Khương chạy về, muốn chặn đường cũ, ta lén đánh mới mở được, sợ rằng An Định có việc quân vậy. Giặc nói là An Định đang có mấy vạn người, không chỉ có Tịnh vậy. Bấy giờ lại gửi thư tấu sự việc, mà Tôn Kiên lại đi theo Chu Thận, bảo Thận xin đem vạn quân đến Kim Thành, sai Thận đem hai vạn quân trú ở sau. Biên, Hàn ở trong thành không đủ lương, phải trông ngoài chở vào, sợ đại quân của Thận, lại không dám khinh địch đánh với Kiên, nhưng quân của Kiên đủ để cắt đứt đường vận lương, mà bọn trẻ con đem hết vào trong Khương Cốc, Lương Châu tất định được. Ôn đã không không dùng ta, Thận lại không dùng Kiên, tự đánh Kim Thành, phá tường thành ngoài của giặc, ta ruổi ngựa đến nói với Ôn, tự cho là có thể đánh thắng trong sớm tối, bấy giờ Ôn cũng tự mưu tính. Lại vượt qua Liêu Nhi cắt đứt Thái Viên, Quỳ Viên, do đó Thận bỏ đồ xe nặng chạy trốn, đúng như kế của ta. Do đó phong ta làm Đô Hương Hầu. Kiên được phong làm Tá quân Tư mã, có thể thấy cùng giống nhau, tự cho là đúng vậy". Ngải nói: "Kiên dẫu bấy giờ được kế, vốn không bằng Lí Thôi, Quách Dĩ. Nghe nói tại phía bắc đình Mĩ Dương đem nghìn quân bộ kị gặp giặc, suýt chết, làm rơi mất ấn thao, đấy là không có tài vậy". Trác nói: "Bấy giờ Kiên mang theo quân ô hợp, quân không được tinh nhuệ, vả lại đánh cũng chậm chạp. Nhưng bàn về thế lớn của quân Sơn Đông, rút cuộc chẳng ai mạnh lắm". Ngải nói: "Bọn trẻ con Sơn Đông đuổi cướp trăm họ, mũi nhọn không bằng người ta, các đồ nỏ cứng binh khỏe giáp chắc của Kiên lại không bằng người ta, sao lại trụ lâu như vậy"? Trác nói: "Phải, nhưng giết được hai họ Viên, Lưu Biểu, Tôn Kiên thì thiên hạ tự phục theo ta thôi".
Trác bèn dời đô đến phía tây vào cửa quan, đốt cháy đất Lạc. Kiên bèn đi trước đến đất Lạc, sửa các lăng mộ, san bằng các chướng ngại mà Trác đào lên.
Giang Biểu truyện viết: "Đô cũ trống không, trong vùng mấy trăm dặm không có khói lửa, Kiên vào thành trước, đau xót khóc lóc.
Ngô thư viết: Kiên vào đất Lạc, sửa đắp tông miếu nhà Hán, đem đồ thái lao cúng tế, Kiên đem quân đến đến phía nam thành xem xét giếng trong cung, lại có khí năm màu bay lên, toàn quân kinh hãi, chẳng ai dám múc. Kiên sai người xuống giếng, mò được ấn truyền quốc của nhà Hán, chữ khắc nói: "Nhận mệnh từ trời, được thọ lành dài". Vuông rộng bốn tấc, núm ấn có khắc hình năm con rồng, trên có một góc khuyết. Trước đây, bọn Hoàng môn Trương Nhượng làm loạn, cướp Thiên tử trốn ra ngoài, tả hữu tan rã, có người cầm ấn ném xuống giếng.
Sơn Âm Công kí tái viết: Viện Thuật muốn tiếm hiệu, nghe nói Kiên lấy được ấn truyền quốc, bèn bắt phu nhân của Kiên cướp đi.
Giang Biểu truyện viết: Xét Hiến Đế khởi cư chú viết là "Ấn của Hoàng đế", "Ấn dùng của Hoàng Đế", "Ấn tín của Hoàng đế, "Ấn của Thiên tử", "Ấn dùng của Thiên tử", "Ấn tín của Thiên tử". Đấy là sáu ấn khác nhau, cho nên chữ khắc không giống.
Hiến Đế khởi chú viết rằng: "Từ trên sông Hà về, lấy được sáu cái ấn ngọc ở trên gác". Gọi như thế vậy. Ấn truyền quốc là ấn mà Hán Cao Tổ đeo của Tần Hoàng Đế., đời đời truyền nhận, gọi là ấn truyền quốc.
Xét ấn truyền quốc không nằm trong sáu cái ấn kia, sao lại nói là cộng vào? Theo Hán cung của họ Ứng, Thế kỉ của họ Hoàng Phủ, đều nói là sáu cái ấn, lời văn đều phù hợp. Hán cung viết là ấn truyền quốc, lời văn nói: "Nhận mệnh từ trời, đã thọ lại khỏe". "Lại khỏe", "lành dài", hai chữ là nhầm, không biết hai nhà nói thế nào. Cái đẹp của vàng ngọc là đều có khí sáng, lại nữa là vật thần bảo mật, sáng bóng rực rỡ, đại khái là kì quan một thời, sau này truyền nhau đã nói khác đi, lại không giải thích được nguyên nhân, nói quá lên là giả, cũng không xằng bậy sao! Trần Thọ viết Phá lỗ truyện cũng từ thuyết đó, lại xét Khởi cư chú, cũng không biết tên khác nhau của sáu cái ân, cùng ấn truyền quốc nữa là bảy cái vậy. Bấy giờ đất Ngô không thể khắc ngọc, cho nên Thiên tử lấy vàng làm ấn, ấn dẫu làm bằng vàng, nhưng chữ khắc không khác. Nước Ngô hàng thì người chở ấn đem sáu cái ấn cho Thiên tử, trước kia lấy được ấn ngọc, đấy là ấn truyền lại của người xưa, không được đem dùng. Ấn của Thiên tử nay làm không khó, chỉ là không rõ nghĩa mà thôi. Thần Tùng Chi cho rằng: Tôn Kiên thời trước trong lúc dấy nghĩa binh rất có tiếng là trung liệt, nếu lấy được vật thần của nhà Hán mà giấu nhẹm không nói ra, đấy là ngầm mang chí khác, há gọi là kẻ trung thần sao? Ngô sử muốn cho rằng nước mình đẹp, mà không không biết rằng làm tổn hại đến văn đức của Kiên. Nếu đúng như thế, đem truyền cho con cháu, không phải chỉ có sáu cái ấn, nếu không phải người phi thường nắm giữ, vậy thì khi Tôn Hạo hàng, cũng không được chuyển sáu cái ấn, nhưng ngọc giấu truyền quốc vậy. Nhận mệnh từ trời, sao lại nhận nơi theo lệnh, nếu nói lời hay thì ấn ấy nay vẫn còn tại cửa nhà họ Tôn. Kẻ tầm thường mang ngọc còn nói là có tội, huống chi là ấn này!
Xong rồi dẫn quân về, trú ở Lỗ Dương.
Ngô lục viết: Bấy giờ các quận vùng Quan Đông đều tự chiếm lấy để tự làm mạnh. Viên Thiệu sai người Cối Kê là Chu Ngung làm Dự Châu Thứ sử, đến đánh chiếm lấy châu. Kiên nghe tin than nói: "Cùng dấy nghĩa binh, cứu giúp xã tắc. Giặc phản đánh phá đều như thế, ta nên cùng ai đánh giết đây"! Nói xong thì rơi nước mắt.
Ngung tự Nhân Minh, là em của Chu Hân vậy.
Cối Kê điển lục viết: Lúc trước Tào Công dấy nghĩa binh, sai người gọi Ngung, Ngung liền thu lấy quân sĩ, được hai nghìn người, theo Công đánh dẹp, lấy làm Quân sư. Sau cùng Kiên tranh Dự Châu, thường đánh không được lợi. Gặp lúc anh thứ là Cửu Giang Thái thú Ngang bị Viên Thuật đánh, Ngung đến giúp Ngang. Quân thua, về quê, bị Hứa Cống hại.
Năm Sơ Bình thứ ba, Thuật sai Kiên dẹp Kinh Châu, đánh Lưu Biểu. Biểu sai Hoàng Tổ chặn ở giữa đất Phàn, đất Đặng. Kiên đánh phá Hoàng Tổ, đuổi qua sông Hán, rồi vây Tương Dương, một mình cưỡi ngựa đi qua núi Hiện, bị quân của Tổ bắn chết.
Điển lược viết: Kiên đem hết quân đánh Biểu, Biểu đóng cửa, buổi đêm sai tướng là Hoàng Tổ ngầm đem quân ra. Tổ đem quân muốn về, Kiên quay lại đánh nhau. Tổ thua chạy, trốn vào giữa núi Hiện. Kiên thừa thắng buổi đêm đuổi Tổ. Quân bản bộ của Tổ từ trong cây tre lén bắn Kiên, giết Kiên.
Ngô lục viết: Kiên bấy giờ ba mươi bảy tuổi.
Anh hùng kí viết: Kiên chết vào ngày bảy tháng giêng năm Sơ Bình thứ tư. Lại viết: Tướng của Lưu Biểu là Lữ Công đem quân men núi đến chỗ Kiên, Kiên đem kinh kị theo núi đánh Công. Quân của Công ném đá xuống, trúng đầu Kiên, bấy giờ não lồi ra mà chết. Việc này chép không giống nhau như vậy.
Con của anh là Bôn, đem quân tướng đến chỗ Thuật, Thuật lại dâng biểu cử Bôn làm Dự Châu Thứ sử.
Kiên có bốn con là Sách, Quyền, Dực, Khuông. Quyền sau đó xưng tôn hiệu, đặt tên thụy cho Kiên là Vũ Liệt Hoàng Đế.
Ngô lục viết: Tôn miếu hiệu của Kiên là Thủy Tổ, mộ là Cao Lăng.
Chí lâm viết: Kiên có năm con: Sách, Quyền, Dực, Khuông là do vợ họ Ngô sinh; con út là Lang, sinh về sau, còn có tên là Nhân.
Post a Comment