Trình Bỉnh Truyện
Trình Bỉnh tự Đức Xu, người huyện Nam Đốn quận Nhữ Nam. Theo học Trịnh Huyền, (1) sau đó tránh loạn đến Giao Châu, luận bàn đạo học với Lưu Hi, bèn thông hiểu ngũ kinh. (2) Sĩ Tiếp cho làm Trưởng sử. Quyền nghe nói Bỉnh là nhà Nho giỏi, lấy lễ mà mời Bỉnh. Đã đến, bái Thái tử Thái phó. Năm Hoàng Vũ thứ tư, Quyền cho Thái tử Đăng lấy con gái của Chu Du, Bỉnh làm Thái thường, đón phi ở quận Ngô, Quyền tự đến thuyền của Bỉnh, dùng lễ rất hậu. Đã về, Bỉnh ung dung khuyên Đăng rằng: "Hôn nhân là cái gốc của đạo làm người, là cái nền của giáo hóa, cho nên vua hiền coi trọng việc ấy, do đó mới đứng đầu vạn dân, dạy dỗ thiên hạ vậy. Bởi thế kinh Thi khen bài hát Quan sư, (3) lấy làm bài đầu. Mong Thái tử tôn trọng lễ giáo với người vợ, giữ điều mà Chu nam (4) khen tụng thì đạo hóa nổi rõ ở trên, tiếng khen vang vọng ở dưới vậy". Đăng cười nói: "Chọn theo cái đẹp ấy, sửa nắn cái xấu ấy, thực là nhờ vào thầy dạy vậy".
Bệnh chết tại sở quan, viết sách Dịch trích, Thượng thư bác, Luận ngữ bật, cả thảy hơn ba vạn chữ. Vào thời Bỉnh làm thầy, quan Luật canh lệnh (5) người quận Hà Nam là Trưng Sùng cũng chăm học tu đức vậy.
Ngô lục viết: Sùng tự Tử Hòa, chú giải kinh Dịch, Xuân thu Tả thị truyện, lại giỏi thuật trị nhà. Vốn là họ Lí, gặp loạn mà đổi họ, rồi ẩn náu ở Cối Kê, tự thân cày bừa để lập chí. Những người tài năng theo học, chỉ dạy mấy người mà thôi, nhưng đã dạy tất thành công vậy. Giao kết với người như bọn Thặng tướng Bộ Chất, đều thân thiện. Nghiêm Tuấn tiến cử Sùng cho rằng là người có đức đủ để sửa tục, có tài học đủ để là thầy. Lúc trước gặp Thái tử Đăng, vì ốm đau nên không dạy. Các quan lại của Thái tử đều học hỏi. Thái tử cũng đem những việc lạ đến hỏi. Bảy mươi tuổi thì chết.
Khám Trạch tự Đức Nhuận, người huyện Sơn Âm quận Cối Kê. Nhà nhiều đời làm ruộng, đến đời Trạch ham học, nhà nghèo không có tiền, thường viết chữ thuê cho người khác để có bút giấy, đã viết chữ xong, nhẩm đọc khắp cả. Tìm thầy luận giảng, xét kĩ các sách, hiểu cả lịch số, do đó nổi tiếng. Xét Hiếu liêm, làm Tiền Đường Trưởng, chuyển làm Sâm Lệnh. Tôn Quyền làm Phiếu kị Tướng quân, gọi đến làm Tây tào duyện; đến lúc xưng tôn hiệu, lấy Trạch làm Thượng thư. Giữa năm Gia Hòa, làm Trung thư lệnh, bái thêm chức Thị trung. Năm Xích Ô thứ năm, bái Thái tử Thái phó, lĩnh chức Trung thư lệnh như cũ.
Trạch cho rằng lời văn trong kinh truyện nhiều, khó mà dùng hết, liền xem xét các nhà, tóm gọi lời văn mà chú giải các sách để trao cho hai cung, soạn lễ nghi đi ra và gặp tân khách, lại viết lời chú giải lịch Càn tượng (6) để phân rõ ngày tháng. Hễ triều đình bàn nghị, kinh truyện có chỗ hồ nghi, lại liền hỏi Trạch. Vì chăm chỉ học đạo Nho mà được phong làm Đô Hương Hầu. Tính khiêm nhường cẩn thận, các quan nhỏ trong cung phủ gọi đến hỏi, đều tỏ ý chống lại. Người ta có lỗi sai, miệng chưa từng nói đến, vẻ mặt như chẳng giỏi, nhưng hiểu biết sâu xa. Quyền từng hỏi rằng: "Sách truyện văn chương, bài nào là hay"? Trạch muốn mượn đấy để nêu rõ việc trị loạn, nhân đó nói bài Quá Tần luận của Giả Nghị là hay nhất, Quyền bèn xem đọc.
Lúc trước, Lữ Nhất tội ác phát rõ, quan coi việc xét tội nặng, tấu xin xử tội chết, có người cho là nên dùng hình phạt xắt xẻo để kể rõ tội ác. Quyền lại hỏi Trạch, Trạch nói: "Vào thời bình thịnh, không nên dùng hình phạt ấy". Quyền nghe theo. Lại nữa các quan lại có chỗ lo lắng, muốn hỏi thêm để phòng ngừa, xem xét bọn cấp dưới, Trạch liền nói: "Nên theo lễ, luật". Khám hòa thuận lại thẳng thắn, đều đại loại như thế.
Ngô lục viết: Ngu Phiên khen Trạch nói: "Cái tài hoa của Khám tiên sinh như Dương Hùng (7) đất Thục". Lại nói: "Đức hạnh đạo Nho của Khám Tử cũng như Trọng Thư (8) ngày nay vậy". Lúc trước, Văn Đế của nhà Ngụy lên ngôi, Quyền từng ung dung hỏi bầy tôi rằng: "Tào Phi đã lớn tuổi mà lên ngôi, ta sợ không bằng được hắn, các khanh thấy thế nào"? Bầy tôi không đáp, Trạch nói: "Chẳng đến mười năm, Phi tất chết vậy, Đại vương chớ lo". Quyền nói: "Sao lại biết vậy"? Trạch nói: "Xét chữ mà nói, 'bất thập' là 'phi', (9) đấy là số của hắn vậy". Văn Đế quả nhiên làm vua được bảy năm thì băng. Thần là Tùng Chi tính ra tuổi Quyền lớn hơn Văn Đế năm tuổi, vậy thì già trẻ ít biệt vậy.
Mùa đông năm thứ sáu thì chết. Quyền đau lòng thương tiếc, mấy ngày chẳng chịu ăn cơm.
Bậc sinh trước trong châu của Trạch người quận Đan Dương là Đường Cố cũng tu thân chăm học, được khen là nhà Nho, viết Quốc ngữ chú, Công Dương truyện chú, Cốc Lương truyện chú, thường giảng dạy mấy chục người. Quyền làm Ngô Vương, bái Cố làm Nghị lang, từ Lục Tốn đến bọn Trương Ôn, Lạc Thống đều kính phục Cố. Năm Hoàng Vũ thứ tư làm Thượng thư Bộc xạ, rồi chết.
Ngô lục viết: Cố tự Tử Chính, chết vào lúc hơn bảy mươi tuổi.
Chú thích:
(1) Trịnh Huyền: Trịnh Huyền tự Khang Thành, người quận Bắc Hải thời Đông Hán, học rộng biết nhiều, chú giải các sách Chu dịch, Thượng thư, Mao thi, Lễ kí, Luận ngữ...
(2) Ngũ kinh: chỉ năm kinh Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân thu, tương truyền do Khổng Tử soạn, còn có kinh Nhạc cho nên có khi gọi là 'lục kinh', nhưng kinh Nhạc đã mất.
(3) Quan sư: là một bài hát trong kinh Thi, nói về người chồng nhớ vợ.
(4) Chu nam: là một chương trong kinh Thi, có cả thảy mười một bài hát, nói về vợ chồng, con cái.
(5) Luật canh lệnh: Luật canh lệnh là tên chức quan có từ thời Tần, nhà Hán noi theo, là một chức giúp việc của Thái tử.
(6) Lịch Càn tượng: là một cách tính lịch do người quận Thái Sơn là Lưu Hồng (刘洪) cuối thời Đông Hán tính ra, được nước Ngô dùng từ năm Hoàng Vũ thứ hai thời Tôn Quyền đến lúc nhà Ngô diệt.
(7) Dương Hùng: Dương Hùng tự Tử Vân, người huyện Thành Đô quận Thục thời Tây Hán, học rộng biết nhiều, viết sách Thái huyền, Phương ngôn.
(8) Trọng Thư: tức Đổng Trọng Thư, người huyện Quảng Xuyên thời Tây Hán, học rộng đạo Nho. (9) 'Bất thập' là 'phi': chữ phi (丕) là tên của Ngụy Văn Đế là Tào Phi, gồm chữ bất (不) và chữ thập (十) , 'bất thập' nghĩa là 'không đến mười'. Ý nói Tào Phi làm vua không đến mười năm. Chữ phi (丕) đúng ra là gồm chữ chữ bất (不) và chữ nhất (一).
Post a Comment